John Olson và Bill Ray
Phan Xích Linh dịch
Cuối năm 1972, khi cả nước Mỹ đang hướng về một thỏa thuận hòa bình với Việt Nam, phóng viên Tạp chí Life đã tới thăm Massilon, một thị trấn nhỏ thuộc bang Ohio, để tìm hiểu suy nghĩ, tâm trạng của người dân nơi đây, đặc biệt là những gia đình có con em đi lính ở Việt Nam. Phóng sự ảnh của John Olson và Bill Ray đăng trên Life số ra ngày 10/11/1972 đã lột tả sự vô nghĩa của chiến tranh và nỗi đau mà nó gây ra cho nhân dân hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
*
Đã sáu năm trôi qua kể từ ngày cuộc chiến tranh Việt Nam gửi giấy báo tử đầu tiên về cho Massillon – và từ lần cuối LIFE tới thăm thị trấn nhỏ thuộc bang Ohio này để đưa tin về suy nghĩ của người dân nơi đây về cuộc chiến đang ngày một thêm đen tối. Trong khoảng thời gian đó, dường như cả một thế hệ mới đã lớn lên, đi làm trong các nhà máy thép, mua nhà và lập gia đình. Nhiều nam thanh niên Massillon đã gia nhập hàng ngũ quân đội, một số đã tới tham chiến ở Việt Nam. Nhưng tuần trước hầu như chẳng có ai – ngay cả ở Tổ chức Cựu binh Chiến tranh ở Nước ngoài (Veterans of Foreign Wars – VFW) hay Liên đoàn Cựu chiến binh Mĩ (American Legion) – biết chính xác đã có bao nhiêu người bỏ mạng ở đó. Con số này là 13 người. Và giờ đây, viễn cảnh hòa bình không được đánh dấu bằng lễ kỉ niệm nào cả, và cái giá thực sự phải trả cho cuộc chiến đang bị quên lãng vì người ta còn miệt mài với những vấn đề của đời sống thường nhật: thất nghiệp, lạm phát, một chiếc xe hơi mới hay đội bóng bầu dục trường trung học. Gia đình những quân nhân tử trận, mất tích hoặc bị bắt làm tù binh chịu đựng nỗi đau của họ; nhưng tại Massillon, cũng như hầu khắp nước Mĩ, họ chịu đựng trong thầm lặng.
Massillon là một thị trấn lao động nhỏ gan góc với 32.000 dân, những người vào năm 1966 đã ngày một lo ngại về sự can dự của Hoa Kì vào Việt Nam và bắt đầu nghi ngờ uy tín của chính phủ. Uy tín vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ, dù người ta bớt tập trung vào nó hơn. Ngày nay người dân Massillon chủ yếu bộc lộ một vẻ chán chường được kiềm chế, một cảm giác nhẹ nhõm vì ai đó cuối cùng cũng sắp sửa đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến. Cũng có chút hoài nghi và nhạo báng về những gì Hoa Kì đã đạt được. Khi được hỏi về vấn đề tù binh chiến tranh, một cựu chiến binh trẻ cay đắng nói: “Anh nhắc đến cụm từ POW[1] quanh đây, người ta sẽ tưởng anh đang nói về một loại xe hơi mới”.




Vài người phải trả giá cho cuộc chiến nhưng hầu hết còn được sống





“Tôi mừng là cuối cùng cuộc chiến này cũng sắp qua đi. Một lí do nó kéo dài lê thê đến thế là vì đất nước này đã bị chia rẽ bởi các cuộc biểu tình. Nếu tôi mà là Việt Cộng, nghe mấy bài phát biểu của Spock với Fulbright rồi McGovern, tôi sẽ tiếp tục chiến đấu và hi vọng rằng một người trong số họ sẽ thắng cử. Tôi chưa bao giờ cho rằng chúng ta nên can dự vào Việt Nam, nhưng một khi đã vào rồi, lẽ ra ta phải thắng. Ta đã có thể thắng. Bây giờ ta vẫn có thể thắng, nhưng xét đến những gì nó sẽ gây ra cho đất nước này, tôi không cho rằng chiến thắng ấy đáng giá. Cái năm mà con trai tôi đi lính bên đó là một năm dài với tôi. Chẳng ai thắng được cuộc chiến này, nhưng theo tôi có thể gọi điều mà Nixon làm được là một thỏa thuận trong khuôn khổ danh dự. Nếu ta mà rút quân ra như cách McGovern đề xuất thì hẳn tôi sẽ thấy hổ thẹn lắm. Tôi thuộc kiểu người cựu trào đủ để coi danh dự quốc gia là quan trọng.”

“Tỉ lệ binh sĩ da đen chết ở Việt Nam cao một cách bất cân xứng. Tôi hi vọng rằng một phần năng lượng và tiền của đang đổ vào cuộc chiến bây giờ sẽ được dành cho giáo dục, nhà ở và các vấn đề khác mà Hoa Kì đã trì hoãn quá lâu. Tôi thấy cay đắng về cuộc chiến. Người dân Mĩ đã bị lừa gạt quá lâu đến nỗi tôi không chắc họ còn chút niềm tin nào với chính phủ không. Sẽ mất rất nhiều thời gian để đất nước này hàn gắn vết thương chiến tranh Việt Nam. Cuộc chiến này không có người thắng cuộc, nhưng có lẽ kẻ thua cuộc lớn nhất là nhân dân Hoa Kì.”

“Tôi hi vọng rằng ta có thể thoát khỏi cuộc chiến này với một thỏa thuận ngừng bắn trong danh dự. Tôi ghét phải nghĩ rằng bọn trẻ ấy đã chết vô ích. Con trai tôi từng nghĩ rằng chúng ta có mặt ở đó vì một mục đích chính đáng và đang trên đà đạt được mục tiêu. Chừng nào còn chưa mất chính đứa con của mình, chừng đó anh còn chưa hiểu được mình thực sự nghĩ gì về toàn bộ chuyện này. Thằng bé là tất cả cuộc sống của chúng tôi.”

“Anh xem các cuộc chiến trước, lập luận nguyên do rất khác. Họ ném bom Trân Châu Cảng, nên ta phải đánh họ. Tôi không thực sự hiểu vì sao chúng ta lại có mặt ở Việt Nam – có lẽ để kiềm chế chủ nghĩa cộng sản. Tôi có năm người anh tham gia Thế chiến II; anh có thể cảm thấy gần gũi với cuộc chiến đó. Nhưng cuộc chiến này thì, trên TV anh thấy mấy đứa trẻ con Việt Nam đó khóc lóc và bỏ chạy, mấy túp lều tranh của chúng bị cháy thành than hết. Khó mà hiểu được ta đang làm gì ở đó. Ta giành được gì? Bao nhiêu tấc đất, bao nhiêu mét? Tôi sẽ rất vui thấy nó sắp sửa kết thúc, nhưng rồi cuộc chiến tiếp theo sẽ nổ ra ở đâu đây?”

“Hai vợ chồng tôi đã sống và ngủ và ăn với cuộc chiến tranh đó trong suốt thời gian Joe ở Việt Nam. Và chúng tôi hoàn toàn đơn độc. Trong các cuộc chiến khác có sự kề vai sát cánh ở đất nước này; nếu anh có một đứa con ra trận, mọi người đều lo lắng. Còn với cuộc chiến này, ai cũng bận rộn đến độ chẳng còn chút thời gian nào để anh tựa đầu lên vai họ khi đang lo thắt ruột gan.”

Đối với Bettie Stanton người Massillon, ý nghĩa của hòa bình tại Việt Nam nằm ở số phận của anh trai chị, chuyên viên Sp5[2] Ronald Stanton, người đã mất tích trong chiến trận. Trong suốt bốn năm kể từ khi trực thăng của anh bị bắn hạ trên vùng phi quân sự hóa, Bettie đã nuôi hi vọng anh còn sống. Ngoài niềm tin ra chị có rất ít lí do để gìn giữ hi vọng này. Mối liên hệ duy nhất của chị với anh trai là một lá thư hàng tháng gửi từ Lầu Năm Góc, thông báo rằng họ không có tin gì mới. Những lá thư chị gửi cho anh mình đã được Bắc Việt trả về còn nguyên niêm phong. Khi hòa bình được tái lập, Bettie Stanton có thể sẽ được biết chắc chắn. “Tôi lạc quan hi vọng rằng anh tôi sẽ trở về”, chị nói, “nhưng tôi cũng sợ mình lạc quan quá mức”. Anh trai chị, năm nay 27 tuổi nếu còn sống, đã bị điều động vào quân ngũ. “Việc anh ấy thực hiện nghĩa vụ của mình không phải chỉ là để cho đúng”, chị nói. “Tôi thật sự không thích cuộc chiến, nhưng tôi không phải người có thể nói ai đúng ai sai trong cuộc chiến này.”
[1] Viết tắt của “Prisoner of War”, tù binh chiến tranh.
[2] Viết tắt của Specialist 5, một cấp bậc trong quân đội Hoa Kì, cao hơn Binh nhất (Private first class) và thấp hơn Hạ sĩ (Corporal)