Từ Quyên Đặng Văn Nhâm
Đã nhiều năm qua, trong chương trình giáo dục cũng như trong suy nghĩ của đại bộ phận người dân Việt Nam đã hình thành tư tưởng phân biệt môn chính (Toán, Lý, Hóa, Văn, Ngoại ngữ), môn phụ (các môn còn lại). Trên thực tế, nhiều môn tuy bị coi là phụ nhưng lại rất hữu ích cho sự phát triển tư duy, thể chất, tâm hồn của học trò nói riêng và của cả xã hội nói chung. Việc các môn học được coi trọng như nhau sẽ giúp học sinh thỏa sức phát huy hết khả năng ở môn học các em có năng khiếu, sở thích và được nhìn nhận, đánh giá công bằng. Chúng tôi đăng lại ý kiến về giáo dục mỹ thuật của tác giả Từ Quyên Đặng Văn Nhâm viết từ cách đây hơn 60 năm (in trên Tạp chí Bách Khoa số 7, ra ngày 15/4/1957) nhưng vẫn gợi nhiều suy nghĩ về thực trạng giáo dục hiện nay.
*
Nền mỹ thuật Việt Nam từ xưa đến nay vẫn không thể so bước ngang hàng với các nước văn minh khác trên thế giới.
Nguyên do, người Việt Nam không có một kỹ thuật hội họa thuần túy phát sinh từ nhu cầu và tâm lý dân tộc.
Trước ngày vua Gia Long giao hoàng tử Cảnh cho ông Bá Đa Lộc đem sang Pháp, nền mỹ thuật Việt Nam cũng như toàn bộ văn hóa thời đó gồm văn chương, thi ca, âm nhạc, hội họa, kịch nghệ, đều bị ảnh hưởng trực tiếp của nền văn hóa Trung Hoa. Người Việt Nam đã phải dùng kỹ thuật thủy mạc (Lavis – to paint without colours) của người Tàu để diễn tả những rung cảm của nội tâm mình.
Về sau, khi người Pháp đã đô hộ Việt Nam, nền văn hóa ta bắt đầu chuyển hướng. Mọi người quay sang học chữ Quốc ngữ, trang sức theo kiểu Tây phương. Những tư tưởng, văn minh Âu Tây bắt đầu tràn vào xứ ta. Lúc ấy, nền mỹ thuật Việt Nam cũng tự cởi bỏ lớp vỏ cũ, khoác lên mình bộ quần áo mới, hướng theo kỹ thuật hội họa Tây phương.
Hơn nữa, ngay từ lúc phôi thai, dưới thời phong kiến, nền mỹ thuật – hay nói rõ hơn, nền hội họa Việt Nam – đã gặp nhiều trở ngại, ngăn bước tiến. Nó bị mọi người, mọi tầng lớp dân chúng coi như là một môn giải trí thanh nhã đặc biệt dành riêng cho lớp người giàu sang, phú quí trong xã hội. Và hễ nói đến một người trí thức, phong lưu tức phải nói đến những điều kiện tối thiểu như: cầm, kỳ, thi, họa…
Người họa sĩ thời ấy không ý thức rõ ràng được trách nhiệm phục vụ nhân sinh của mình, của nghệ thuật mà mình phụng sự.
Sống dưới thời đế chế, với quan niệm: “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”, với thành kiến vua là con trời sai xuống trị vì muôn họ, người họa sĩ Việt Nam cũng như toàn thể sĩ phu trong nước, lớp người lãnh đạo quần chúng, đều cúi đầu, nhắm mắt, trổ hết tài năng thiên phú để phụng sự cho ngai vàng, để môi giới làm tăng thêm uy tín địa vị độc tôn của nhà vua trong dân gian.
Điều này, chẳng cứ gì ở Việt Nam, ở Á Đông mới có; mà ngay ở Âu Châu thời đó cũng vậy. Bằng cớ là bên những bức chân dung Tần Thủy Hoàng, Hán Cao Tổ, những sáng tác phẩm lưu trữ trong cung điện kiến trúc huy hoàng của nhà vua, còn có những tượng hình Sésostris III, Ramsès II Ai Cập, Vénus Hy Lạp. Và nhà danh họa Tây Ban Nha là Diego Rodriguez de silva y Velasquez (5/6/1599 – 6/8/1660) tiêu biểu cho các họa sĩ thời bấy giờ đã coi việc làm ấy là một lý tưởng cao siêu đẹp đẽ. Ông ta đã vẽ chân dung vua, vợ vua, con vua và cả con chó của nhà vua nuôi nữa. Hiện giờ, ở viện bảo tàng Louvre còn trữ những tác phẩm quí giá này: chân dung hồi còn nhỏ của Marguerite, của Philippe IV lúc về già; con chó của nhà vua trong bức tranh Un Nain; Don Antonio l’anglais, và trong bức Les Nains (Musée du Prado, Madrid).
Tóm lại, dưới thời quân chủ, tất cả văn nghệ sĩ đông tây đều là những cái khung vững chãi để lồng những bức tranh đế chế. Họ quan niệm đó là lý tưởng và phụng sự một cách say sưa, sung sướng. Họ đã nhốt mình và nghệ thuật vào trong tháp ngà và vô tình đã bỏ rơi đám đông quần chúng nghèo đói, khốn khổ quanh mình.
Đến sau, theo trào lưu tiến hóa của nhân loại, nền quân chủ chuyên chế (la monarchie absolue) bị lung lay và sụp đổ, đám văn nghệ sĩ này, trong số có họa sĩ, đâm ra bơ vơ, lạc lõng, mất mục đích phụng sự lý tưởng.
Họ quay xuống nhìn đám nhân dân. Đám này nghèo đói, tay làm hàm nhai, không đủ khả năng để nuôi sống, cung phụng họ.
Họ thất vọng và cuối cùng phải sống bám vào giai cấp phong lưu, giàu có. Họ lại sáng tác để phụng sự, làm thỏa mãn thú tính, dục vọng của giai cấp này.
Thế là, tác dụng phụng sự nhân sinh của mỹ thuật, của hội họa mất hết cả!
Những kẻ giàu sang thì coi là một trò chơi giải trí. Những kẻ nghèo thì không thiết đến, vì không có lợi gì trong việc mưu sinh vất vả hàng ngày.
Hội họa bị bỏ rơi. Những kẻ làm việc cho hội họa thấy nghề mình bạc bẽo cũng tìm đường xa lánh, thoát ly. Hiện giờ, nói đến nghề vẽ, học vẽ là người ta thêm ngay vào đấy một câu “vời!”, và hắt một hơi thở dài chán nản.
Nhìn sâu vào thực trạng tinh thần hiểu biết của dân chúng Việt Nam hiện giờ, người ta rất lấy làm ái ngại khi thấy ít người có một kiến thức sâu sắc về vấn đề mỹ thuật. Trong khi đó, dân chúng các nước láng giềng như Tàu, Nhật, Ấn Độ, v.v… dù là chỉ có trình độ học vấn phổ thông, họ vẫn có thể minh đàm xác luận về mỹ thuật.
Ở Việt Nam, tuy rằng chuyên khoa hội họa đã có ghi trong chương trình giáo dục từ lâu, song kết quả vẫn chỉ là con số không to tát ở các cấp trung, tiểu học. Hơn nữa, lại còn làm cho người ta có quan niệm sai lạc là “phải có hoa tay mới có thể vẽ được!”
Nguyên do tại thiếu phương pháp hướng dẫn chuyên môn.
Người ta không chối cãi rằng phần nhiều trẻ em đều tỏ ra thích vẽ, thích hát trước khi biết học. Nếu trong tay có cục phấn nhỏ thì việc trước tiên của đứa bé là vẽ xuống gạch, lên tường một hình người ngây ngô, kệch cỡm, hay hình con gà, con trùng, con dế, v.v… Tuy vẽ không ra hình, song nó vẫn cảm thấy thích thú, sung sướng, cười như nắc nẻ khi đã hoàn thành ý muốn. Nhưng khi cắp sách đến trường, ngay từ ngày còn ngồi lơ láo ở lớp năm để nhờ cô giáo hỉ mũi, hoặc khóc nhè, cho đến khi lớn lên đến lớp nhất cuối năm tiểu học, những đứa trẻ ấy cũng không thu thái được gì hơn nữa cả. Hằng tuần, cứ đến giờ hội họa, thầy hoặc cô giáo lại đem ra một tĩnh vật khô khan như cái hộp phấn, cái ngăn kéo, cái tô, cái chén, cái bình để cho bọn học trò mặc tình ngắm nghía, mặc tình mài bút chì và tẩy giấy cho đến khi rách thì thôi. Ngoài ra, chúng không biết gì về phương pháp, về ích lợi của môn học.
Thiếu phương pháp để vẽ có tiến bộ, lại không biết ích lợi của môn học, người học sinh càng ngày càng chán. Người học trò càng yêu mỹ thuật bao nhiêu càng thất vọng bấy nhiêu, khi thấy trước mắt mình, vòm trời mỹ thuật trở nên xa xôi, khó khăn và màu sắc u ám quá!
Họ nản lòng và yên trí tin theo luận điệu “có hoa tay mới vẽ được” để tự an ủi mình không phải vì bất tài mà chỉ vì không có khiếu trời cho.
Lên đến trung học, chuyên khoa hội họa đã có giáo sư chuyên môn đảm nhiệm, song hầu hết các cán bộ giáo dục mỹ thuật này vẫn không làm gì hơn các giáo viên tiểu học. Một là vì thiếu phương tiện, hai là tại các chủ trường quan niệm dễ dãi, thêm giờ này để học trò nó “vui học”.
Vì vậy, nên đến giờ hội họa là hầu hết học sinh đều hí hửng coi như là giờ… giải trí! Họ lợi dụng giờ này để đùa trên giấy trắng, để đánh cờ ca-rô. Hoặc có vài ông học trò ngỗ nghịch hơn, đút sách túi quần, lẻn ra ngoài trường trốn học. Mấy em học trò gái cũng vậy. Họ không tha thiết với giờ mỹ thuật, lẽ ra họ rất cần để ứng dụng vào đời sống thực tế sau này.
Về sau nếu lớp người ấy rời Trung học trở về làm giáo viên thì họ lại dạy theo lề lối cũ. Bổn cũ ấy cứ được soạn đi soạn lại mãi cho đến khi tình yêu mỹ thuật sẽ chết hẳn trong lòng người Việt Nam chăng?
Lỗi ấy tại đâu?
Cố nhiên là tại thiếu phương pháp hướng dẫn. Tình yêu mỹ thuật cổ truyền của dân tộc Việt Nam không được khơi dậy đúng mức.
Còn gì thú vị cho bằng khi học hội họa để phân tích được màu sắc của thiên nhiên, đường cong của tạo hóa và cấu tạo được một cảnh vật xinh tươi theo ý mình muốn lên trên giấy, bằng màu.
Còn gì say sưa hơn khi học hội họa để tìm hiểu được lịch trình tiến triển của nền mỹ thuật thế giới, phân biệt được những đặc tính, cái hay cái đẹp của các họa phái đương thời.
Họa phái tập thể (cubisme) do Picasso chủ trương ra sao? Họa phái siêu thực (surréalisme) chủ trương ra sao? Và họa phái vô hình dung (non-fugurisme) đang nảy sinh ở Pháp chủ trương thế nào?
Đến khi vào phòng triển lãm xem tranh, đôi mắt to đén lay láy lúc nào cũng như soi mói tìm tòi trên gương mặt sáng sủa của lớp người đang lên kia sẽ không còn bỡ ngỡ, ngạc nhiên nữa.
Có như thế, giờ hội họa mới không còn là giờ giải trí, đánh cờ ca-rô!
Muốn đạt được mục đích này, trước tiên môn họa phải được mọi trường, mọi người hữu trách coi như là một môn học quan trọng không kém các môn khác. Các giáo sư phải thay đổi phương pháp, hướng dẫn cho linh động hơn, cho học sinh thấy rõ sự ích lợi thiết thực của môn học này, tác dụng phục vụ nhân sinh cao quí của nó. Phần phương pháp căn cứ trên hai chính điểm:
- Lý thuyết (giản dị, rõ ràng)
- Thực hành (nhiều đề tài linh động)
Trên phần lý thuyết, giúp học sinh tài liệu, kiến thức để họ có thể làm bài bình luận về những tác phẩm hay tác giả đương thời nào đó.
Về phần thực hành, giúp học sinh khơi nguồn tưởng tượng, rung cảm mãnh liệt với thực tế, giúp kỹ thuật chuyên môn để sáng tạo những tác phẩm nhỏ hợp với tinh thần của giới họ. Và thường xuyên tổ chức những phòng triển lãm tranh ảnh học sinh để thúc đẩy, khuyến khích họ trau dồi nghệ thuật, mở cho họ thấy một chân trời bừng sáng của hội họa.
Ở đây, chúng tôi không dám có cao vọng mong cho tất cả học sinh trung, tiểu học sau này sẽ thành họa sĩ. Việc ấy đã có trường mỹ thuật. Chúng tôi chỉ hy vọng, sau khi rời ghế nhà trường với ít hiểu biết thông thường về mỹ thuật, học sinh Việt Nam sẽ là những mảnh đất tốt, sẽ là những người làm vườn gương mẫu lo nuôi nấng, săn sóc cho cây hoa mỹ thuật đơm nhiều bông đẹp, ngát hương thơm.■