Mieczysław Maneli (1922-1994) là một luật sư, học giả, và nhà ngoại giao Ba Lan, được biết đến nhiều nhất với “Vụ việc Maneli” khi ông là thành viên Ủy ban Giám sát Quốc tế (ICC) trong Chiến tranh Việt Nam.
Năm 1954-1955, Maneli đóng vai trò cố vấn pháp lý cho phái đoàn Ba Lan của ICC. ICC được thành lập năm 1954 với nhiệm vụ giám sát sự tuân thủ của các bên đối với Hiệp định Geneva. ICC bao gồm ba phái đoàn: Ấn Độ, Ba Lan và Canada; Ủy viên trưởng (Chief Commissioner) luôn luôn là người Ấn Độ.
Năm 1963-1965, Maneli trở lại Việt Nam với vai trò Ủy viên Ba Lan: trưởng phái đoàn Ba Lan của ICC. Là thành viên ICC, Maneli được phép đi tới bất cứ đâu trên cả hai miền Việt Nam và được gặp các nhà lãnh đạo của cả hai chính phủ.
Thuật ngữ “Vụ việc Maneli” (Maneli affair) được các sử gia dùng để chỉ sự việc do nhà báo Mỹ Joseph Alsop tiết lộ lần đầu vào ngày 18/9/1963, theo đó, Maneli đã gặp Ngô Đình Nhu cũng như các nhà lãnh đạo miền Bắc Việt Nam, đề nghị làm trung gian để Sài Gòn và Hà Nội đối thoại trực tiếp và hòa giải, trước khi Hoa Kỳ đổ quân vào. Câu chuyện này đã được Maneli kể lại chi tiết trong cuốn hồi ký “War of the Vanquished” (dịch: Cuộc chiến của kẻ bại trận) xuất bản năm 1971 tại Hoa Kỳ.
Thư viện NVH trân trọng giới thiệu với bạn đọc bản lược dịch chương 6 và chương 7 của cuốn hồi ký này. Độc giả có thể đọc nguyên văn toàn bộ cuốn sách tại Thư viện NVH.
***
Mùa thu 1963 là quãng thời gian đầy tai tiếng của tôi. Báo chí trên khắp thế giới đều nhắc tên tôi trong các bài viết về những cuộc hội đàm bí mật giữa chính quyền Bắc và Nam Việt Nam. Joseph Alsop viết ngày 18 tháng 9 rằng tôi đã đề nghị giúp gia đình họ Ngô liên lạc với Hà Nội. Rồi đến tháng 11, chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ bởi một nhóm tướng lĩnh quân đội, dẫn đầu là các tướng Minh “Cồ”, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim và Tôn Thất Đính.
Vài ngày sau cuộc đảo chính, Tướng Tôn Thất Đính, Bộ trưởng Nội vụ, tuyên bố Tổng thống Diệm đã bị lật đổ vì tội phản quốc. Cụ thể là anh em Diệm – Nhu đã bí mật đàm phán với Hà Nội, và trung gian giữa họ là trưởng phái đoàn Ba Lan. Một lần nữa tôi lại được gọi tên.
Vào những tuần lễ đầu tiên của tháng 11, báo chí Sài Gòn đăng tải những bài viết nhằm bôi nhọ đệ nhất phu nhân của chính quyền bị lật đổ: Madame Nhu, phu nhân của Ngô Đình Nhu, em trai và cũng là cố vấn của Diệm. Trong số các bằng chứng bị lật tẩy về thói vô đạo đức của quý bà danh tiếng này là một tấm ảnh chụp bà trong tình trạng không mặc gì bên một thành viên của Ủy ban Giám sát Quốc tế. Khi tấm ảnh xuất hiện trên mặt báo ở Sài Gòn, mắt của người đàn ông trong ảnh được che bằng một dải màu đen để che giấu danh tính. Chú thích ảnh ghi rằng: “Madame Nhu, tác giả một bộ luật về giữ gìn đạo đức, được chụp hình trong tư thế này với một quan chức cấp cao của Ủy ban Giám sát Quốc tế. Lại thêm một phụ nữ Việt Nam nữa phải bị kết án vì tội vô đạo đức và phản quốc, trên cơ sở bộ luật của Madame Nhu”.
Trong bầu không khí ngập tràn những lời đồn đoán về quan hệ thân thiết giữa tôi và anh em họ Ngô, thật dễ để người ta rêu rao thông tin rằng mối liên hệ chính trị của tôi với gia đình này đã được đảm bảo theo cách mà Đệ nhất Phu nhân thường hay sử dụng. Những người phục vụ trong trú quán của tôi lập tức nhận ra người ở bên Madame Nhu là một đại sứ Ấn Độ, trước đó mấy năm từng là trưởng phái đoàn Ấn Độ và là chủ tịch Ủy ban Giám sát Quốc tế. Tuy nhiên, phải mất khá lâu sau, người Sài Gòn mới nhận ra tôi không phải là quý ông đẹp trai trong bộ đồ bơi chụp ảnh với Madame Nhu.
Tôi không thể làm gì nhiều để bác bỏ những tin đồn ác ý về quan hệ của tôi với Madame Nhu. Trong khi bức ảnh được truyền tụng giữa những người quen biết tôi, tôi đi bơi ở Cercle Sportif nhiều nhất có thể và cũng thường xuyên chơi tennis. Bạn bè kể cho tôi rằng dân tình luôn âm thầm so sánh tôi với người đàn ông trong ảnh. Trong mạng lưới xã hội và ngoại giao ở Sài Gòn, tôi liên tục bác bỏ câu chuyện này, rằng nó không có cơ sở, nhưng người ta chỉ đón nhận nó với những cái nháy mắt đầy ẩn ý.
Cuối năm 1963, báo chí quốc tế lan truyền một thông tin mà có lẽ do tờ Jeune Afrique bịa ra. Theo câu chuyện hay ho này, cuộc gặp đầu tiên của tôi với Ngô Đình Nhu diễn ra vào ngày 14 tháng 7 năm 1963, tại dinh thự của Đại sứ Pháp Roger Lalouette. Khi các quan khách đã về hết, Nhu và tôi ở lại. Trong một cuộc họp tuyệt mật, chúng tôi bắt đầu vạch ra một kế hoạch vô đạo đức nhằm bán Việt Nam Tự do cho những người Cộng sản miền Bắc. Quá trình đàm phán được bảo đảm gián tiếp bởi Tướng Charles de Gaulle và trực tiếp bởi đại sứ của ông ta.
Khi tôi bác bỏ câu chuyện đó, nó lại một lần nữa được diễn giải như một lời xác nhận. Thực ra, vào ngày 14 tháng 7 năm 1963, Đại sứ Lalouette không hề ở Sài Gòn. Theo tôi biết, ông đang đi nghỉ ở Paris. Nhưng điều đó đâu có ý nghĩa gì với những kẻ đang muốn bày ra một trò lừa chính trị?
Tuy nhiên, đúng là tôi có trò chuyện hai lần với “cố vấn chính trị” của Diệm, cũng là em trai và người đồng minh trung thành của ông ta. Cuộc gặp của tôi với Ngô Đình Nhu diễn ra vào ngày 25 tháng 8 năm 1963, và một lần nữa vào ngày 2 tháng 9. Các cuộc gặp này đã được sắp xếp từ nhiều tháng trước. Người khởi xướng không phải là tôi, mà là một vài người khác.
*
Những đề nghị đầu tiên được đưa ra khoảng một, hai tháng sau khi tôi tới Sài Gòn. Những cuộc trò chuyện của tôi với các nhà ngoại giao Tây Âu và chủ tịch Ủy ban Giám sát Quốc tế, Đại sứ Ấn Độ Goburdhun, đã khiến họ tin rằng tôi có thể đóng một vai trò hữu ích trong việc thiết lập một kiểu đối thoại nào đó giữa hai thế lực thù nghịch. Kiến thức của tôi về ngôn ngữ cùng với kinh nghiệm dày dặn sẽ giúp tôi thiết lập được quan hệ trực tiếp và riêng tư với các bên liên quan. Điều quan trọng hơn, tôi không phải là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, những người như vậy về bản chất luôn rất thận trọng, và trong mọi hành động đều phải thể hiện thái độ chính trị của chính phủ mà ông ta đại diện. Khi quan hệ có phần nguội lạnh, ông ta vẫn phải chào hỏi lịch sự với các đồng nghiệp ở sứ quán bên kia. Khi quan hệ ấm lên, ông ta sẽ hồ hởi hỏi thăm sức khỏe của họ, và thỉnh thoảng sẽ có những chuyến thăm hỏi thân mật.
Tôi quyết định rằng tôi sẽ không bị bó buộc bởi những quy tắc đó, và tôi làm rõ với tất cả những ai quan tâm rằng nhiệm kỳ của tôi ở Ủy ban là “một cuộc phiêu lưu ngoại giao”, nói theo lời của Viktor Grosz, một đại sứ Ba Lan lỗi lạc, và là đại biểu Ba Lan đầu tiên tới Ủy ban ở Campuchia. Tôi chỉ muốn học điều gì đó từ thực tế, làm được điều gì đó tích cực, rồi quay trở về trường đại học.
Tôi có thể nói chuyện với mọi người thẳng thắn hơn so với các nhà ngoại giao khác; tôi có thể trình bày ý kiến cá nhân của mình. Trong một quãng thời gian ngắn, một số viên chức Tây Âu đã đối đãi với tôi theo cách tương tự. Quan hệ của tôi với họ trở nên phi chính thống và thân mật.
Một trong những người đầu tiên nói rằng tôi nên có một cuộc gặp cá nhân với Ngô Đình Nhu là Đại sứ Pháp Roger Lalouette. Sau đó, Đại sứ Goburdhun cũng nói điều tương tự, rồi đến Đại sứ Italy Giovanni Orlandi và Khâm sứ Tòa thánh, Đức ông Salvatore d’Asta. Tôi không kể tên Đại sứ Anh Hohler, vì tôi cảm thấy ý kiến của ông ấy rằng tôi nên gặp Nhu chỉ là một đề xuất phụ, một lời khuyên với mục đích thông báo cho tôi rằng nếu tôi muốn làm được điều gì ở nơi này, thì chắc chắn phải có được sự đồng ý của Nhu. Tất cả mọi người có lẽ đều bắt đầu với những giả định và động cơ khác nhau, nhưng gần như tất cả các nhà ngoại giao phương Tây đều tin rằng tôi nên gặp Nhu, người em thân cận của tổng thống, và điều này có thể sẽ mang lại kết quả.
Câu trả lời của tôi đối với tất cả mọi người là: “Tôi đại diện một đất nước mà về mặt pháp lý chưa công nhận chính quyền của Tổng thống Diệm hay nhà nước Việt Nam Cộng hòa. Theo Hiệp định Geneva, chính phủ này là một thiết chế bảo vệ luật pháp và trật tự trong giai đoạn chuyển giao, mà sau cùng sẽ kết thúc bằng tổng tuyển cử tự do và thống nhất đất nước. Ở thời điểm này, tôi chỉ có nhiệm vụ thăm viếng ngoại trưởng, mà điều này tôi đã làm rồi. Tôi không thể tự mình đi thăm ai khác. Mặt khác, chúng ta phải xem xét thực tế chính trị. Nếu đúng là Việt Nam Cộng hòa có tồn tại và chính phủ của Tổng thống Diệm là cơ quan đứng đầu, thì tôi thấy rằng tôi nên gặp ai đó chịu trách nhiệm về các vấn đề đối ngoại. Do đó, tôi sẽ vui lòng gặp ông Nhu miễn là ông ấy mời tôi trước”.
Trong suốt mùa xuân năm 1963, các Đại sứ Goburdhun, Lalouette và Orlandi liên tục nói với tôi rằng họ đang cố gắng sắp xếp cho tôi một cuộc gặp mặt với Nhu trên cơ sở “trung lập”. Nhưng cùng năm đó ập đến biết bao cơn bão chính trị. Mâu thuẫn giữa gia đình họ Ngô và chính phủ Mỹ đã trở thành một sự chia rẽ sâu sắc. Những đồn đại về một cuộc đảo chính cứ lơ lửng đây đó và có phần đúng sự thật. Xung đột giữa chính quyền với Phật tử ngày một gay gắt. Các kế hoạch đón tiếp ngoại giao và các hoạt động chính trị thay đổi liên tục. Tôi được cho biết rằng Nhu liên tục thay đổi giờ họp và hội đàm. Không gì có thể được sắp xếp trước sự bùng nổ của cuộc “khủng hoảng Phật giáo” và ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, một cuộc đối thoại giữa chúng tôi đã bắt đầu. Cả ba đại sứ đều thông báo với tôi rằng họ đã chuyển đi nhiều thông tin do tôi mang về từ hà Nội, rằng họ đã miêu tả qua với Nhu về tính cách và các hoạt động của tôi, và rằng Nhu cũng bày tỏ mong muốn gặp tôi.
Trong số họ, Đại sứ Orlandi là người dè dặt nhất khi nói về câu chuyện này. Italy không quan tâm nhiều lắm đến Việt Nam, mà chỉ giữ một mong muốn chung của phương Tây về việc duy trì một cán cân quyền lực hợp lý ở Đông Nam Á và ra quyết định một cách cẩn trọng và kiềm chế hơn so với thói quen bốc đồng của người Mỹ. Đại sứ Orlandi thực hiện sứ mệnh của mình với sự đường hoàng, tài năng và khéo léo, theo đuổi những truyền thống tốt đẹp nhất của ngoại giao Italy.
Tôi không biết chính xác ý định của Đại sứ Goburdhun khi ông nói đến sự cần thiết của việc tôi gặp Nhu. Lúc đó, tôi nghĩ ông đang hành động ở cả hai vai trò, vừa là chủ tịch Ủy ban, vừa là đại sứ. Là chủ tịch, ông muốn làm tất cả những gì có thể để giảm bớt căng thẳng trong Ủy ban. Ông tin rằng sức hút cá nhân và sự thông thái của “gia đình đó” hẳn sẽ tạo được ấn tượng với tôi, và ít nhất sẽ làm vơi bớt ác cảm của cá nhân tôi với chính quyền Diệm, mà không làm thay đổi quan điểm chính trị của Vác-xa-va mà tôi có nhiệm vụ truyền tải. Chủ tịch đã đúng khi nghĩ rằng trong khi Đại sứ Canada và chính ông ấy thỉnh thoảng vẫn gặp các quan chức cấp cao nhất ở Hà Nội, thì tôi cũng nên gặp những người cai quản Dinh Gia Long ở trung tâm Sài Gòn. Là Đại sứ Ấn Độ, Goburdhun chẳng ưa gì Hà Nội, bởi đó là đồng minh của Trung Quốc. Ông mong rằng một cuộc họp với “gia đình đó” sẽ làm giảm bớt sự ngưỡng mộ của tôi đối với Hà Nội và khiến tôi nói ra một vài nhận xét tốt lành về chế độ Sài Gòn vào một thời điểm và địa điểm thích hợp.
Đồng thời, Đại sứ Goburdhun đại diện cho một đất nước vẫn đang nuôi tham vọng đóng vai trò trung gian hòa giải. Để thực hiện sứ mệnh này, ông cần phải giữ quan hệ tốt với phái đoàn Ba Lan, và tận dụng tất cả những cơ hội thuận lợi được mở ra. Nhưng đồng thời, tôi cũng không được hành động quá tùy tiện ở Sài Gòn, bởi nếu không thì tôi có thể sẽ bắt đầu hành xử ngược với mong đợi của phía trung gian Ấn Độ.
Kế hoạch của Goburdhun trong việc làm trung gian giữa Bắc và Nam Việt Nam là kết hợp của sự ngây thơ và lọc lõi, tính thực dụng hẹp hòi và triết lý cao siêu, sự hùng hồn và sự tinh tế ý nhị. Trọng tâm trong chương trình của ông ấy là nâng cao tuyên bố mị dân của Ngô Đình Nhu: “Tôi cũng chống chủ nghĩa tư bản” thành một cương lĩnh chính trị đàng hoàng. Không rõ chủ nghĩa xã hội có ý nghĩa như thế nào với Goburdhun và Nhu, ngoại trừ một định nghĩa mang tính phủ định: Đó sẽ không phải là chủ nghĩa xã hội dựa trên triết lý duy vật; đó sẽ không phải chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô hay Trung Quốc. Nhưng nó sẽ là gì đây? Giải thích của họ cũng mơ hồ như một tuyên bố riêng tư của Nhu rằng ông ta là người theo chủ nghĩa xã hội đích thực duy nhất trên thế giới.
Quá trình hình thành nên lý tưởng xã hội chủ nghĩa của Nhu chưa bao giờ được làm sáng tỏ. Có phải ông ta hành động dựa trên cảm hứng từ Ấn Độ? Người Ấn đã gây ảnh hưởng để ông ta theo đuổi mục tiêu này một cách thực lòng hay chỉ là một chiến thuật tuyên truyền? Nhưng đúng là Nhu đã nói về các quan niệm xã hội chủ nghĩa của ông ta với nhiều nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây, và có vẻ như cũng tin vào nó. Và điều này diễn ra trong thời kỳ ông ta thu được hàng triệu đô-la từ ngân khố tư bản của Hoa Kỳ.
Mặc dù nguồn gốc các tuyên bố của Nhu vẫn còn là một bí ẩn, nhưng nó cũng giúp ông ta ve vãn người Ấn trong một canh bạc chính trị đáng giá. Khi đó, Goburdhun có nhiều lý do để mong đợi rằng tôi có thể gặp Nhu theo sự sắp xếp của ông ta, và rằng ngoại giao Ấn Độ sẽ thu được lợi ích từ đó.
Đại sứ Pháp Lalouette thậm chí còn có nhiều lý do hơn nữa để thu xếp cho quan hệ tương lai giữa tôi và Nhu. Ông ta có lẽ còn có chung động cơ với Đại sứ Orlandi: một mong muốn hòa bình, và các phương thức để đạt được nó, tức là cách tổ chức, duy trì và vun đắp tất cả các mối quan hệ. Nhưng tính toán này chỉ là thứ yếu trong trường hợp của Đại sứ Pháp. Phần cược của ông ta trong ván bài này thậm chí còn cao hơn và rủi ro hơn nhiều.
Ngay trong chuyến thăm hữu nghị đầu tiên của tôi tới Đại sứ Lalouette, cuộc đối thoại của chúng tôi đã vượt quá ranh giới thông thường của phép xã giao nhàm chán. Đã có lúc tôi tự hỏi liệu những điều mà ông ta tuyên bố mạnh mẽ và chí lý như vậy phải chăng chỉ là sự thể hiện trí thông minh nhạy bén của ông ta hay thực sự ông ta muốn nói điều gì cụ thể.
Khi ông ta tới thăm tôi để đáp lễ, tất cả các nghi hoặc của tôi đều biến mất. Ông có một kế hoạch dài hạn và đã nhìn thấy cách thức để hiện thực hóa nó. Kế hoạch đó là mở ra một cuộc đối thoại giữa Sài Gòn và Hà Nội, và sau đó sẽ là một cuộc trao đổi giao lưu văn hóa và kinh tế giữa hai khu vực, từ đó sẽ có cơ sở cho các cuộc đối thoại chính trị. Những căng thẳng, nghi ngờ và thù địch giữa hai chính quyền sẽ dịu bớt và điều đó sẽ đem lại hòa bình. Một hòa bình dài lâu và một cuộc đối thoại chính trị là những điều kiện tiên quyết cho những giải pháp chính trị dài hạn, bao gồm thống nhất trong hòa bình, bầu cử tự do, và kiểm soát của quốc tế. Nhưng ta phải bắt đầu với bước đầu tiên: Tôi nên thực hiện các cuộc đối thoại cần thiết với Hà Nội, và ông ta sẽ giữ liên hệ với giới chức Nam Việt Nam về vấn đề này.
Lần đầu tiên đến Hà Nội, tôi trình lên kế hoạch của Đại sứ Pháp. Trong vòng hai ngày, tôi nhận được một phản hồi rất đầy đủ. Phạm Văn Đồng tuyên bố rằng đề nghị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra từ lâu và tuyên bố của chính phủ vẫn còn nguyên giá trị: chính quyền nhân dân sẵn sàng bắt đầu các cuộc đàm phán vào bất cứ thời điểm nào, dù bí mật hay công khai. Bộ trưởng Xuân Thủy, theo chỉ thị từ Chủ tịch và Thủ tướng, sẵn sàng đưa ra một danh mục hàng hóa có thể trao đổi. Ông tuyên bố rằng chính quyền Hà Nội trước hết muốn xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, bao gồm than, để đổi lấy gạo và các thực phẩm khác. Ông còn đề nghị hai miền xuất bản sách chung.
Khi tôi trình bày kết quả này với Đại sứ Lalouette, ông ấy rất mừng về tin tức đó. Ông hỏi nhiều chi tiết khác. Một trong những câu hỏi quan trọng đó là: Khi nói về Diệm – Nhu, ông có cảm thấy ở các nhà lãnh đạo Hà Nội như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng có sự thù địch cá nhân nào hay cảm xúc sôi sục nào về “gia đình đó” không?
Tôi chưa bao giờ phân tích vấn đề từ điểm nhìn đó hay cho điều đó là quan trọng. Tôi cảm thấy, về nguyên tắc, những vấn đề chính trị thực sự quan trọng hơn là những phản ứng cá nhân. Nhưng tôi sớm nhận ra rằng các câu hỏi của Lalouette có lý, và cách ông ấy tiếp cận vấn đề này đôi khi thực tế hơn quan điểm “lịch sử” và “duy vật” của tôi.
Ở Hà Nội, mặc cho sự thù địch chính thức và công khai về Diệm – Nhu, vẫn tồn tại một bầu không khí có thể nói là cởi mở với việc đàm phán và liên hệ với chính phủ đó. Phạm Văn Đồng thậm chí còn nói rằng Nhu chắc chắn có khả năng suy nghĩ logic vì ông ấy học ở Pháp về. Tôi kể lại quan sát này cho Đại sứ Lalouette, ông ấy nói: “Rất thú vị, rất quan trọng”.
Tôi có cảm giác là câu hỏi của Lalouette có thể bắt nguồn từ chính Nhu theo một cách nào đó, nếu không nói là từ Diệm. Dù trong trường hợp nào, khi Lalouette nói rằng trong cơ hội tiếp theo, ông ấy sẽ chuyển nhận xét và quan sát của tôi đến tổng thống và cố vấn của ông ấy, tôi tin chắc là họ sẽ dành sự chú ý đặc biệt tới cảm xúc của các nhà lãnh đạo Hà Nội.
Khi khả năng sắp xếp được một cuộc họp với Nhu sắp thành hiện thực, tôi chuyển tin này tới Warsaw và đề nghị Warsaw đưa ra chỉ thị nếu cần. Tôi không nhận được bất kỳ phản hồi nào cho bức điện này và các bức điện khác về vấn đề đó. Đồng thời, tôi cũng chuyển thông tin tới Hà Văn Lâu và đại sứ Liên Xô. Một vài ngày sau, tôi được đại diện của tôi ở Hà Nội thông báo rằng “các đồng chí Việt Nam rất quan tâm đến tất cả các chi tiết liên quan đến việc sắp xếp cuộc gặp với Nhu cũng như đến bản thân cuộc gặp”. Hà Văn Lâu gửi tin rằng “các đồng chí lãnh đạo đề nghị ông gửi ngay thông tin về các bước tiếp theo và cũng đề nghị rằng, sẽ tốt hơn nếu trước cuộc họp với Nhu, ông ra Hà Nội để tham vấn”.
Theo các thông tin tôi nhận được thì sứ quán Liên Xô không có phản ứng nào. Họ không coi điều này là quan trọng, cho rằng cuộc họp đó sẽ chẳng đi đến đâu. Tất nhiên, họ cũng không phản đối.
Tháng 4 và tháng 5 năm 1963, không khí chính trị ở Sài Gòn biến động rất nhiều. Xung đột giữa Diệm-Nhu và các cơ quan Hoa Kỳ ngày càng gay gắt. Trong các báo cáo chính trị tôi gửi tới Warsaw, Hà Nội và Sứ quán Liên Xô, tôi chỉ ra rằng ở Sài Gòn, ta có thể nhận thấy xung đột trong chính quyền Kennedy. Điều đó cũng được chỉ ra trên báo chí Mỹ.
Một bộ phận trong chính quyền cho rằng cần phải ủng hộ Diệm vô điều kiện, bởi ở Việt Nam không còn ai đại diện tốt hơn và có thể tiếp tục cuộc chiến gay gắt chống lại chủ nghĩa cộng sản. Đại sứ Nolting hẳn có mặt trong nhóm này – có vẻ như ông ấy tin tưởng hoàn toàn vào giả thuyết của mình, rằng Diệm là một thủ lĩnh được ngưỡng mộ và ủng hộ rộng rãi. Vào thời điểm đó, tôi viết rằng một số binh sĩ Mỹ cũng ủng hộ quan điểm của Nolting. Họ tự huyễn hoặc rằng cuộc chiến có thể kết thúc và quân du kích cộng sản sẽ bị tiêu diệt bằng một hành động quân sự-cảnh sát.
Một nhóm khác trong chính phủ Mỹ thì có một cách tiếp cận thực tế hơn. Họ không ảo tưởng rằng cuộc chiến có thể kết thúc bằng biện pháp quân sự. Họ hiểu rằng họ phải tìm kiếm giải pháp chính trị, và điều này không thể xảy ra khi chế độ khủng bố của Diệm – Nhu nắm trong tay quyền lực. Thượng nghị sĩ Mike Mansfield là người theo thuyết này. Báo cáo mới đây nhất của ông, soạn thảo với sự hỗ trợ của các cố vấn, theo như tôi suy luận, dựa trên các dữ liệu nhận được từ những người Mỹ làm việc ở Sài Gòn, trong số đó có các điệp viên CIA (Báo cáo tháng 4 năm 1963).
Vài tuần sau đó, tôi viết rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy “nhiều người Mỹ có trách nhiệm (bất chấp Nolting) đang ngày một trăn trở về việc làm sao để thay đổi chế độ Diệm thành một chế độ dân chủ hơn, hay ít ra là đỡ yếu kém hoặc đỡ bị căm ghét hơn” (Báo cáo cuối tháng 4 năm 1963).
Có những tin đồn liên tiếp về một cuộc đảo chính sắp xảy ra nhằm lật đổ chế độ Diệm, hoặc ít nhất là để chống lại những người bị căm ghét nhất trong chế độ đó: vợ chồng Nhu. Tất cả mọi người ở Sài Gòn đều nói về điều đó: từ những người bán hàng, tài xế taxi, trí thức, rồi các nhân viên ngoại giao. Không ai nghi ngờ rằng quan hệ giữa gia đình Diệm và Washington đang rất căng thẳng. Về các đại diện đến từ phương Tây, không ai hài lòng về Diệm. Ngay cả những người quan sát từ Vatican cũng miêu tả chế độ này là chính quyền thân phương Tây ngu xuẩn nhất… Họ thường xuyên nói công khai về điều này mà chẳng cần giữ phép tế nhị ngoại giao. Do đó, có thể nói chế độ Diệm chẳng còn tồn tại được bao lâu nữa, và Vatican muốn giữ khoảng cách với chế độ này để tránh đứng trong hàng ngũ của kẻ bại trận… Trong số những người Mỹ phản đối Diệm, có nhiều sắc thái quan điểm khác nhau: có người muốn thẳng tay loại bỏ chế độ đáng ghét này, và có người chỉ muốn sửa chữa nó, ví dụ như đuổi cổ cặp Nhu và buộc tội họ phải chịu trách nhiệm cho tất cả những tai tiếng của chế độ, từ đó tẩy xóa tội lỗi của Diệm và những đồng minh của ông ta ở nước ngoài. (Báo cáo cuối tháng 4)
Trong bối cảnh chính người Mỹ muốn loại bỏ Diệm và gia đình ông ta [như tôi viết trong báo cáo ngày 5 tháng 5 năm 1963], quan điểm của các đại sứ Pháp và Ấn Độ ngày càng trở nên quan trọng. Người Ấn đã hết lòng ủng hộ Diệm trong những năm qua đến mức họ sẽ rất tiếc nuối nếu để mất khoản đầu tư đặc biệt này. Diệm và Nhu đủ thông minh để nói với Goburdhun hết lần này tới lần khác về tư tưởng “chống thực dân”, “chống đế quốc”, “chống chủ nghĩa sùng bái Mỹ” và lòng “ưa chuộng tính trung lập” của họ. Từ “chủ nghĩa trung lập” đặc biệt hấp dẫn đối với người Ấn, vì họ hình dung rằng “khối trung lập” dường như do họ dẫn dắt sẽ có thêm một đồng minh nữa, và nước này sẽ công nhận vai trò lãnh đạo của Ấn Độ như là “người anh cả” trong khối trung lập.
Kể cả nếu động cơ của Ấn Độ không hoàn toàn như tôi trình bày ở đây, vẫn chắc chắn rằng họ không chỉ là người bạn trung thành của chế độ Diệm mà còn là người bảo vệ tích cực của chế độ này khỏi người Mỹ. Đại sứ Goburdhun đã đảm nhận vai trò ủng họ ông Nhu. Ông giới thiệu với người Mỹ, người Anh, người Vatican, người Pháp, và tất nhiên cả tôi, rằng Nhu là một chính trị gia lỗi lạc, để tôi sẽ chuyển ý kiến đó tới khắp mọi nơi tôi đặt chân tới, rằng ông ta là người duy nhất và tốt nhất để đàm phán…
Nhưng Đại sứ Laloutte đang chơi cuộc chơi này ở quy mô lớn hơn nhiều – có thể nói là quy mô toàn cầu. Có vẻ như ông ta muốn giành lấy Diệm khỏi tay những người Mỹ liều lĩnh, để Diệm trở thành người của Pháp. Khi người Mỹ chối bỏ thương vụ này, người Pháp muốn mua nó với giá rẻ, cái giá mà các doanh nghiệp phá sản được mua lại. Và người Mỹ hành xử như một người vợ xấu xa: cô ta lừa dối chồng, nhưng lại ghen tuông và không muốn nhường anh ta cho bất kỳ ai khác. Tất nhiên, Pháp không có đủ lực để giữ cô bồ đắt đỏ này, không thể đem lại cho cô ấy nhiều như những người Mỹ giàu xổi. Do đó, họ khuyên cô ấy thay đổi phong cách sống, trở nên bớt hoang phí hơn: hãy hòa bình với miền Bắc và Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Bước tiếp theo sẽ là trung lập hóa: không phải dưới sự lãnh đạo của Ấn Độ, mà của Charles de Gaulle. Theo cách này, Việt Nam, cùng với Lào và Campuchia trung lập, sẽ trở thành một viên ngọc trai của “đại Pháp”. Tôi khó có thể đánh giá xem liệu quan điểm này thực tế đến mức nào. Nhưng bất cứ ai tin vào phép màu (trong chính trị, những phép màu như vậy xảy ra khá thường xuyên) nên thừa nhận rằng kế hoạch này của Gaulle-Lalouette là một trong những kế hoạch táo bạo nhất trong chính trị thế kỷ 20.
Kế hoạch sâu rộng này của Pháp lý giải phần nào nhiệm vụ khiêm tốn mà tôi tham gia: thiết lập quan hệ thương mại và văn hóa giữa miền Bắc và miền Nam (Báo cáo ngày 5 tháng 5 năm 1963).
*
Mùa xuân và mùa hè 1963, các Phật tử đồng lòng đấu tranh chống chế độ Diệm. Vụ tự thiêu của một nhà sư để phản đối chính sách khủng bố của “chế độ Công giáo” chính là điểm khởi đầu cho cái kết của Diệm – Nhu. Dựa trên những mẩu thông tin thu được từ Sài Gòn, tôi rút ra kết luận rằng:
Có nhiều nhân tố khác nhau trong sự phản kháng của Phật tử: Những người ủng hộ Mặt trận và những người có liên hệ mật thiết với Mỹ. Có khả năng một số nhóm người Mỹ (có thể bao gồm CIA) muốn lật đổ Diệm thông qua phong trào Phật giáo. Theo cách này, người Mỹ có thể giải thoát mình khỏi đồng minh rắc rối này, đồng thời không ai có quyền cáo buộc họ sắp xếp một cuộc đảo chính. Ngược lại, một chính phủ mới của Việt Nam sẽ được hình thành như là kết quả của một phong trào “toàn dân” và “tự phát”, mà không phải mang gánh nặng khủng khiếp mà chính quyền Diệm đã phải nhận lấy. (Báo cáo ngày 27 tháng 6 năm 1963)
Gần như một cách tự động, tôi gửi bản sao của các báo cáo trên đây cho chính quyền Hà Nội (thông qua Hà Văn Lâu) và cho Đại sứ quán Liên Xô. Nhưng báo cáo dưới đây, đề Tuyệt mật, chỉ được gửi tới Warsaw và Đại sứ quán Liên Xô:
… Chính quyền Nam Việt Nam thực ra đã tê liệt. Diệm – Nhu đang tập trung toàn bộ sức lực để tự bảo vệ mình khỏi người Mỹ và những Phật tử theo phe Mỹ. Cảnh sát mật của Nhu đang dành nhiều thời gian hơn để theo dõi người Mỹ hơn là người Cộng sản. Điều này nghe như một trò đùa, nhưng có nhiều phần sự thật trong đó. Quân đội không chiến đấu, mà liên tục bị tái cơ cấu. Tất cả các hoạt động của quân đội đều được tiến hành nhằm mục tiêu bảo vệ “gia đình đó”, chứ không phải để giành chiến thắng quân sự. Việt Cộng đã bị lãng quên.
Tôi nêu ra những chi tiết này, như được miêu tả trong các báo cáo trước của tôi, để đặt câu hỏi hóc búa rằng: tại sao Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam lại hành động không hiệu quả cũng chẳng tích cực, bởi lúc này Mặt trận kém tích cực hơn so với thời kỳ trước khi chế độ Diệm lâm vào khủng hoảng toàn diện. Tại thời điểm này, chế độ Diệm – Nhu đã suy yếu đến mức một cuộc nổi dậy lớn hơn có thể giải tán chính phủ Nam Việt Nam và để lại chỉ các đơn vị Hoa Kỳ trên chiến trường. Hà Nội cũng như các nhà quan sát bên ngoài hẳn cũng biết về điều này. Nếu chính quyền Hà Nội không tổ chức một cuộc tổng tấn công để loại bỏ Diệm – Nhu khỏi Sài Gòn, chắc hẳn vì họ muốn chính quyền này tồn tại thêm một thời gian nữa, đủ lâu để hai bên có thể đạt được một thỏa thuận sau lưng người Mỹ.
Sài Gòn đang lao xao những tin đồn về những liên hệ bí mật giữa Diệm – Nhu và Hồ Chí Minh. Ở Hà Nội, không ai xác nhận điều này, nhưng cũng không ai phủ nhận rõ ràng khi tôi hỏi.
Trên cơ sở thông tin tuyệt đối riêng tư mà tôi nhận được từ miền Bắc, có thể kết luận rằng một tiến trình hội đàm nào đó giữa họ Ngô và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khởi động: thông qua phái viên của miền Bắc, với sự giúp đỡ của người Pháp – ít nhất về mặt kỹ thuật ở giai đoạn này.
Khó xác định xem liệu người Việt có thông báo với người Trung Quốc về các cuộc hội đàm này hay không. Dù sao đi nữa, họ không nói gì với các đồng chí Liên Xô về chủ đề này…
… Như tôi đã báo cáo trước đó, tôi đã hỏi Phạm Văn Đồng và Xuân Thủy xem tôi nên hành xử như thế nào, nếu Ngô Đình Nhu mời tôi đến nói chuyện. Họ lập tức trả lời: Hãy tới cuộc họp và chăm chú lắng nghe.
Rồi tôi hỏi liệu họ có muốn tôi truyền tải ý gì không. Câu trả lời là: “Tất cả những gì ngài biết về quan điểm của chúng tôi về giao lưu và hợp tác kinh tế và văn hóa, về hòa bình và thống nhất. Một điều chắc chắn: Người Mỹ phải rời khỏi đây. Trên cơ sở chính trị này, chúng ta có thể đàm phán về tất cả mọi việc”.
Tôi hỏi Phạm Văn Đồng, khi Hồ Chí Minh cũng có mặt ở đó, rằng liệu họ có thấy có khả năng thiết lập một liên minh nào đó với Diệm – Nhu, hay một thiết chế nào đó giống như một chính phủ liên minh. Phạm Văn Đồng trả lời: “Tất cả đều có thể đàm phán trên cơ sở độc lập và chủ quyền của Việt Nam. Hiệp định Geneva cung cấp cơ sở pháp lý và chính trị cho điều này: không căn cứ nước ngoài hay quân đội nước ngoài nào được tồn tại trên lãnh thổ của chúng tôi. Chúng tôi có thể thỏa thuận đi đến thống nhất với bất cứ người Việt nào”.
Trong cuộc nói chuyện, tôi cũng đề cập rằng các cường quốc phương Tây sẽ nghi ngờ ý tưởng thành lập một chính phủ liên minh. Sau khi chứng kiến các chính phủ liên minh ở các nước dân chủ nhân dân châu Âu sau năm 1945, và đặc biệt sau việc loại bỏ Mikolajczyk và Đảng Nông dân Ba Lan[1] của ông ta khỏi đời sống chính trị của Ba Lan. Trong trường hợp đàm phán, cần xem xét việc phương Tây sẽ đưa ra hàng loạt yêu cầu, ví dụ, cần bảo đảm Diệm hay Nhu sẽ không bị bắt giữ và xét xử trước tòa án nhân dân. Phạm Văn Đồng nhắc lại một lần nữa: “Tất cả đều có thể đàm phán. Chúng tôi thực lòng mong muốn chấm dứt hận thù, lập lại hòa bình và thống nhất trên cơ sở hoàn toàn thực tế. Chúng tôi là những người thực tế”.
Xem xét tất cả những tuyên bố chính thức này và bầu không khí chung, trong đó tôi thực hiện các cuộc hội đàm này, cùng với các thông tin không chính thức từ miền Bắc và miền Nam, mọi người hẳn sẽ kết luận rằng cả hai chính phủ của Việt Nam đều ở trong giai đoạn muốn đạt được đồng thuận mà không có sự tham gia của các cường quốc, không có Moscow, Washington, và chắc chắn không có Bắc Kinh; cả hai chính phủ đều muốn hội đàm tuyệt mật và giữ lại một bộ mặt chính thức nào đó (Báo cáo ngày 10 tháng 7 năm 1963).
Đại sứ quán Liên Xô bình luận ngắn gọn về các vấn đề được nêu trong báo cáo: tất cả mọi việc đều cho thấy kết luận của ngài là đúng; có lý do để phỏng đoán rằng người Việt muốn tự họ đi đến thỏa thuận, nhưng chúng tôi không thể xác nhận điều gì mặc dầu đã cố gắng.
Rồi tôi cố gắng nghe ngóng về quan điểm của Trung Quốc và sắp xếp được một cuộc gặp mặt với Đại sứ Trung Quốc. Lần này ông tới chỗ tôi. Tôi biết trước rằng tôi có thể sẽ không thu được thông tin gì từ ông, nhưng tôi muốn thử vì đây là nguyên tắc. Tôi có cảm giác rằng ông không biết gì về cuộc đối thoại giữa Diệm và Hồ Chí Minh.
Cuộc trò chuyện diễn ra như sau: Tôi nói có xung đột giữa chính phủ Diệm – Nhu và người Mỹ, điều này tạo nên một tình hình chính trị mới ở miền Nam. Diệm và Nhu, vì lo sợ một cuộc đảo chính do Mỹ châm ngòi, đang huy động các lực lượng cảnh sát và quân đội để bảo vệ họ khỏi người Mỹ hơn là khỏi Mặt trận. Tôi hỏi ông ấy: Trong tình hình chính trị mới này, các lực lượng xã hội chủ nghĩa liệu có nên tìm kiếm các phương pháp và giải pháp mới?
Ông trả lời bằng giọng quen thuộc: Đây là những bất đồng giữa đầy tớ và ông chủ; Diệm và Nhu chỉ là những con rối dưới tay người Mỹ, và đế quốc Mỹ có thể điều khiển hoặc gạt sang một bên, tùy theo nhu cầu.
Tôi nói tình hình ở miền Nam lúc này phức tạp hơn các chế độ bù nhìn thông thường, bởi người Mỹ đang gặp khó khăn trong việc trừ khử con rối của chính họ. Có thể họ chưa muốn làm điều gì quyết liệt do sức ép từ Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Hơn nữa, họ cũng e ngại những tác động bất lợi của việc đổi ngựa giữa chừng. Nếu đây là lý do duy nhất khiến họ chưa loại bỏ Diệm, chúng tôi vẫn phải thừa nhận rằng Diệm và Nhu vẫn có mức độ tự do nhất định để hành động hoặc có cơ hội để dọa dẫm ông chủ của họ. Liệu chúng ta có thể tranh thủ sự xung đột này bên trong gia đình đế quốc để giành lấy một vài lợi thế cho mục đích của chúng ta hay không?
Ông lại trả lời cứng nhắc:
- Diệm và Nhu là những con rối ô nhục. Họ không đáng được thương cảm khi đế quốc thải loại họ vì họ đã không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sự bất đồng giữa người Mỹ và Diệm – Nhu là dấu hiệu cho thấy khủng hoảng và mục ruỗng trong toàn bộ hế thống đế quốc. Tất cả những xung đột này sẽ làm suy yếu chủ nghĩa đế quốc, và đó là lý do tại sao thất bại của họ là không thể tránh khỏi.
Tôi lập luận một lần nữa:
- Thưa Đồng chí Đại sứ, đã có thời kỳ Chính quyền Nhân dân Trung Hoa đề nghị hòa giải, thống nhất và trao vị trí Phó Chủ tịch cho Tưởng Giới Thạch. Sáng kiến này, trong thời kỳ xung đột Mỹ – Diệm, có thể nào áp dụng sáng tạo cho Việt Nam được không?
Ông nhắc lại một câu màu mè nghe giống như trong các lớp dạy triết học của đảng: “Những người Mác-xít chúng ta nên nhớ rằng sự thật là một thứ hữu hình. Không thể so sánh Tưởng với Diệm. Tưởng từng đóng một vai trò lớn và quan trọng với cuộc sống của đất nước Trung Quốc. Và Diệm ngay từ đầu đã hiện diện ở Việt Nam như một con rối của đế quốc”. Lịch sử, ông nhấn mạnh, sẽ ném những kẻ như vậy vào đống rác.
Sự gay gắt khi Đại sứ Trung Quốc nói về Diệm và Nhu khiến tôi tin rằng hoặc ông ta không biết gì về liên hệ giữa Hà Nội và Sài Gòn, hoặc ông ta biết nhưng không ủng hộ. Về mặt chính trị, điều quan trọng nhất là Hà Nội đang hành động mà không cần sự đồng ý của Bắc Kinh.
Chú thích:
[1] Đảng chống Cộng hợp pháp duy nhất ở Ba Lan, thành lập bởi S. Mikolajczyk năm 1945. Sau khi Mikolajczyk đào thoát khỏi Ba Lan năm 1949, đảng này bị xóa bỏ khỏi đời sống chính trị.
Thư viện Nguyễn Văn Hưởng