Milton Orshefsky
Phan Xích Linh dịch
Là mĩ nhân “gây tranh cãi nhất, quyền lực nhất… khó nhằn nhất không chỉ ở Đông Nam Á mà ở tất cả các miền đất nằm phía đông kênh đào Suez”, bà Trần Lệ Xuân đã thu hút được nhiều sự quan tâm của báo chí nước ngoài trong thời gian bà giữ cương vị Đệ nhất phu nhân Việt Nam Cộng hòa dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Tạp chí Phương Đông giới thiệu với bạn đọc bản dịch bài “Joan of Arc or Dragon Lady?” của nhà báo Milton Orshefsky, đăng trên tạp chí LIFE số ra ngày 26/10/1962, viết về chủ trương và chính sách xóa bỏ bất bình đẳng giới do bà Trần Lệ Xuân khởi xướng. Mặc dù còn nhiều tranh cãi về bà Trần Lệ Xuân, nhưng có thể nói bà thực sự là một hình tượng nữ quyền và đã có những đóng góp cho việc nâng cao địa vị của phụ nữ ở nước ta. Các câu từ trong bài viết này thể hiện quan điểm của tác giả và nhân vật, chúng tôi giữ nguyên để bạn đọc tham khảo.
*
Một buổi sáng đầu năm nay một cơn mưa bom và pháo rốc két đã dội xuống dinh Tổng thống tại Sài Gòn trong một nỗ lực ám sát từ trên không đặc biệt ngoạn mục. Hai viên phi công bất bình thuộc Không lực Việt Nam Cộng Hòa đã tìm cách giết hại những người đứng đầu đất nước: Tổng thống Ngô Đình Diệm cùng người em cũng là cố vấn chính của ông – Ngô Đình Nhu, và cả một người phụ nữ bé nhỏ, xinh đẹp: em dâu Tổng thống, người đang giữ cương vị Đệ nhất phu nhân trong các nghi lễ nhà nước – điều gây kinh ngạc cho một số người phương Tây nhưng hoàn toàn không làm ai bất ngờ ở Việt Nam. Trong tám năm hiện diện trên sân khấu chính trị Việt Nam, bà Ngô Đình Nhu đã trở thành mĩ nhân gây tranh cãi nhất, quyền lực nhất, không ai ưa, trái thói, kiên quyết, thú vị, khó nhằn nhất không chỉ ở Đông Nam Á mà ở tất cả các miền đất nằm phía đông kênh đào Suez.
Bơ phờ và trầy trụa, nhưng vẫn còn gia đình nguyên vẹn, bà Nhu trèo ra khỏi dinh Tổng thống đổ nát và tiếp tục công việc mà bà coi là sứ mệnh của đời mình. Bà có thể bắn súng nều cần, nhưng vũ khí chính của bà là năng lượng không thể dập tắt, tinh thần không nao núng, ngòi bút thẳng thừng, miệng lưỡi sắc như dao – và tất nhiên, cả quyền lực tuyệt đối của gia đình mà bà đã về làm dâu.
Trong một đất nước ngổn ngang du kích Việt Cộng, mục tiêu của bà vô số. Trong đó có: a) những kẻ không chấp nhận để phụ nữ có vị thế ngang hàng với đàn ông; b) những kẻ dung túng cho các thói hư tật xấu như đấm bốc, thi nhan sắc, mại dâm và nhảy đầm; c) bất kì ai dám chỉ trích chồng hay anh rể bà; và d) chủ nghĩa cộng sản. Những người ủng hộ coi bà là một Jeanne d’Arc có gò má cao, những người phê phán thì nói bà là hiện thân của bà chằng với móng tay để dài nhọn sắc như móng cọp.
Bà Nhu sinh ra trong một gia đình Phật tử vững vàng, có địa vị tốt. Cha bà, nay là Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kì, trước đây là một luật sư giàu có đã bảo đảm cho con gái yêu của ông một cuộc sống không thiếu thứ gì. Tên bà là Lệ Xuân, có nghĩa là mùa xuân diễm lệ. Bà được cho đi học ở châu Âu, chủ yếu là ở Pháp, và đến tận bây giờ vẫn có vẻ thoải mái khi dùng tiếng Pháp hơn là tiếng Việt. Tất cả các bài phát biểu của bà đều được viết bằng tiếng Pháp. Năm 1943, bà gặp và kết hôn với Ngô Đình Nhu, khi đó là Giám đốc Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương – bà đã cải sang đạo Công giáo để kết hôn với ông. Ông Nhu nay là cánh tay phải quyền lực của anh trai ông, Tổng thống Diệm.
Việc trở thành nàng dâu trong một gia đình quyền lực như thế đã đặt bà Nhu vào giữa một biển chính trị và mưu đồ ngập đến tận chiếc cổ xinh xắn của bà, nơi bà cứ ngụp lặn không ngừng từ đó. Năm 1946, bà bị Việt Minh bắt giữ vì các hoạt động chống cộng, trong suốt bốn tháng chỉ được ăn ngày hai chén cơm, nhưng sau đó đã trốn thoát. Trở về bên chồng, bà bắt đầu lên kế hoạch cho việc Ngô Đình Diệm từ châu Âu trở về Việt Nam để đứng đầu chính phủ. Tháng Bảy năm 1954 sau khi Hiệp định Genève chia Việt Nam ra làm hai nửa, ông Diệm trở về nắm quyền. Ông chuyển vào sống tại Dinh Độc lập và vợ chồng bà Nhu cũng đến đó sống cùng ông. Vì ông Diệm độc thân nên bà được chỉ định giữ vai trò đệ nhất phu nhân.
Bà Nhu đã nhanh chóng và kiên quyết bắt tay vào thay đổi địa vị pháp lí và xã hội của phụ nữ trên đất nước mình. Là một xã hội mà Phật giáo chiếm đa số (khoảng 80% người dân là Phật tử), Việt Nam có cấu trúc xã hội phụ hệ vững chắc dựa trên các nguyên tắc Nho giáo: lẽ phải thuộc về người chồng, và người vợ có trách nhiệm vâng lời. Trên thực tế, điều này có nghĩa là người chồng hầu như chẳng bao giờ sai, trong khi đó người vợ, dù được gọi là “nội tướng” trong gia đình, có thể bị chồng ruồng bỏ vì vô số lí do như không thể có con, ngoại tình, bất kính với cha mẹ chồng, nói xấu, ăn cắp, ghen tuông hay bệnh tật. Hệ thống tiêu chuẩn kép này, theo cách nói của bà Nhu, làm cho phụ nữ “mãi mãi là thứ yếu, một con búp bê không có linh hồn… một người hầu không được trả công”.
Bà ra tay xóa bỏ sự bất bình đẳng ấy. Là một trong số chín nữ đại biểu Quốc hội (trong tổng số 123 đại biểu), bà đã đề ra một dự luật gọi là “Luật Gia đình”. Luật này cấm đa thê, lấy vợ lẽ, ngoại tình, và cho phép phụ nữ làm bất cứ nghề nào họ muốn mà không cần có sự đồng thuận của chồng. Phụ nữ không thể bị cưỡng ép kết hôn hay yêu cầu sống chung với gia đình chồng nếu như họ không chủ động chọn, và không còn phải công nhận hợp pháp các con ngoài giá thú của chồng. Họ được trao quyền đồng quản lí các tài sản chung của gia đình. Cuối cùng, luật còn cho phép li thân hợp pháp nếu người chồng và người vợ không thể hòa hợp, nhưng cấm li hôn trừ một số trường hợp hiếm hoi phải được sự chấp thuận của Tổng thống. Tóm lại, như bà Nhu đã viết trong phần mở đầu của dự luật này, “Phụ nữ đã trở thành ngang hàng với nam giới.”
Đối với những bộ óc được giáo dục theo Tây phương, dự luật này hoàn toàn hợp lí theo tư tưởng hiện đại. Nhưng trong bối cảnh một xã hội Á châu, dự luật này đã và cho đến bây giờ vẫn đang vấp phải sự chống đối nặng nề, đặc biệt là với quy định hà khắc về việc cấm li hôn. Ngay cả Quốc hội, về cơ bản chỉ hoạt động như chiếc máy đóng dấu phê chuẩn tất cả những điều ông Diệm muốn, cũng đã tranh luận ồn ào về dự luật trước khi ngoan ngoãn thông qua. Bà Nhu nhún vai trước những xôn xao này, chẳng phí chút cảm thông nào cho thứ mà ngay tại thời điểm đó bà đã dán nhãn là “đám đàn ông vô tình… than thở vì không còn người vợ ngoan ngoãn dễ bảo, cúc cung tận tụy quẩn quanh xó bếp nữa.”
Sau khi chứng kiến dự luật của mình được thông qua hiệu lực, bà Nhu thực hiện bước tiếp theo. Bà khởi xướng Phong trào Liên đới Phụ nữ Việt Nam, tới nay đã có số thành viên lên tới gần một triệu người. Phong trào này làm nhiều việc tốt – mở các nhà hàng dành cho công nhân, các lớp mẫu giáo và trung tâm an sinh xã hội. Nhưng mục đích chính của nó nằm ở chỗ khác. Bằng cách giữ liên hệ mật thiết với phụ nữ, đặc biệt là tại các khu vực bên ngoài Sài Gòn, phong trào cung cấp thông tin tình báo chính xác cho bà Nhu, cũng tức là cho ông Nhu và ông Diệm.
Mùa thu năm ngoái, bà Nhu đưa ra một nghị quyết mới có nhan đề “Làm xã hội lành mạnh và củng cố các lực lượng quốc gia”. Một phần trong nghị quyết này cấm vũ nữ kiếm sống bằng cách hành nghề ở các quán bar, hộp đêm và đường phố, chủ yếu ở Sài Gòn. “Các cô vũ nữ này rời bỏ gia đình ở nông thôn vì bị cái nghề ngu ngốc ấy hấp dẫn”, bà Nhu giải thích với thái độ thẳng ruột ngựa điển hình của bà. “Giờ ta cần họ quay về đó, nếu cần thì cứ để họ chịu đói cho đến khi họ phải làm những nghề có ích hơn như dạy học hay trông trẻ.” Các cô gái bị ảnh hưởng bởi nghị quyết này chờ đợi một thời gian ngắn, bàn đến chuyện biểu tình phản đối và cuối cùng rút vào hoạt động ngầm.
Nghị quyết này cũng lập ra một chương trình đào tạo bán quân sự trên phạm vi toàn quốc cho tất cả phụ nữ trong độ tuổi từ 16 đến 40, dạy cho các nữ tình nguyện viên cách sử dụng súng, sơ cấp cứu, giáo dục thể chất và tâm lí chiến. Những người phê phán chương trình này phản đối việc trả lương cho các nữ cán bộ bán quân sự này tới 2.000 quan một tháng, trong khi các chiến sĩ trong quân đội, những người hàng ngày mạo hiểm sinh mạng của mình, chỉ nhận được một nửa số tiền đó. Họ cũng chẳng thấy ích lợi gì trong việc cung cấp súng cạc bin Hoa Kì mới toanh cho các nữ học viên trong khi quá nhiều lính địa phương canh giữ các ấp chiến lược vẫn còn phải dùng súng trường 1917 cổ lỗ hoặc giáo mác bằng tre. Bà Nhu không nao núng: “Những người chỉ trích không biết họ đang nói cái gì. Các thành viên nữ của chương trình này là cán bộ, chứ không phải binh sĩ đơn thuần, và họ được trả lương tương ứng với vị trí đó.” Những người khác đặt câu hỏi liệu rằng lợi ích tâm lí của việc làm cho phụ nữ cảm thấy họ được dự phần vào việc quốc gia đại sự có tương xứng với lượng tiền bạc, thời gian và nhân lực khổng lồ mà chương trình này đòi hỏi hay không.
Tháng Năm năm ngoái, trong một thời điểm đặc biệt đen tối của cuộc chiến, bà Nhu quyết định rằng đã đến lúc phải thắt lưng buộc bụng. Bà bảo lãnh cho một dự luật mới bãi bỏ hàng loạt hoạt động, trong đó có các cuộc thi nhan sắc, đấm bốc, chọi thú, đồng bóng, phù thủy, mại dâm, tránh thai, nạo phá thai. Luật này cũng cấm trẻ em dưới 18 tuổi uống rượu, hút thuốc, và cấm nhảy đầm “ở bất kì đâu”. Người Việt chỉ cằn nhằn, nhưng những người Mĩ – khoảng 7.000 người Mĩ đang có mặt tại Việt Nam cố gắng cứu vãn đất nước này – thì gào lên khi khám phá ra rằng luật cấm nhảy đầm của bà Nhu cũng áp dụng cả với họ. Một thư kí người Mĩ làm việc cho Đại sứ quán Hoa Kì tại Sài Gòn đã bị bắt vì tội khiêu vũ trong căn hộ của chính cô. Cô này nhanh chóng được trả tự do, nhưng giờ thì người Mĩ không còn nhảy nhót ở bất cứ nơi nào tại Việt Nam nữa. “Người ngoại quốc tới đây không phải để khiêu vũ”, bà Nhu bình thản tuyên bố, “mà là để giúp người Việt chiến đấu chống chủ nghĩa cộng sản. Khiêu vũ với tử thần là đủ lắm rồi”.
“Sẽ chẳng ai nói lời nào về tôi, dù khen hay chê, nếu tôi dành thời gian nằm dài trên võng mà mơ mộng, hay đi trượt tuyết ở châu Âu”, bà Nhu từng nói cách đây ít lâu. Chuyện này có lẽ chưa chắc. Như bất kì người phụ nữ nào có đầu óc, quyến rũ và quyền lực, bà Nhu dù làm gì chăng nữa cũng sẽ có kẻ thù. Nhưng vì bà đã và đang hành động thật quyết liệt (và thành công), lại chẳng mảy may đếm xỉa đến sự tế nhị hay cảm xúc của công chúng khi làm những việc mà bà cho là đúng, bà Nhu đã gây cho mình nhiều kẻ thù hơn bất kì ai. Với hầu hết mọi người, bà đã trở thành biểu tượng của tập đoàn gia đình trị thống lĩnh Việt Nam. Người Việt không thích các chính quyền gia đình. Tư tưởng Nho giáo thâm căn cố đế trong họ về ngôi thứ khẳng định rằng nếu ông Diệm, một người đàn ông độc thân, cần chỉ định một đệ nhất phu nhân chính thức, lẽ ra ông phải chọn vợ của Phó Tổng thống hoặc vợ của Chủ tịch Quốc hội. Họ thấy bà Nhu quá non trẻ trong một đất nước đề cao tuổi tác, kính lão đắc thọ. Họ cho rằng bà dùng địa vị cao của mình để áp đặt các giá trị đạo đức Công giáo lên một quốc gia Phật giáo – và căm ghét điều đó.
Danh sách còn dài. Mặc dù nhiều phần những chỉ trích chống lại bà Nhu có tính tư thù hoặc hoàn toàn chỉ dựa trên tin đồn, cũng không thể đơn giản gạt chúng sang một bên. Mọi người, bao gồm cả bà Nhu, đều đồng ý rằng không thể đánh bại Việt Cộng nếu như người dân Việt Nam không đoàn kết mạnh mẽ và tuyệt đối tôn trọng những người lãnh đạo họ. Các điều kiện này hiện không tồn tại. Và bà Nhu không phải một nhân tố góp phần đoàn kết mọi người.
Tuy nhiên bà tin tưởng một cách chắc chắn rằng chỉ có bà và gia đình bà nắm được giải pháp đúng đắn cho các vấn đề của Việt Nam đến nỗi bà không chấp nhận bất kì chỉ trích nào đối với lí tưởng hay phương pháp hành động của mình và gia đình mình. Bất kì ai không cùng quan điểm với gia đình họ Ngô về điều gì cũng là “một lũ chấy rận”, “một ổ rắn độc”, “tay sai cộng sản”, “con ghẻ của xã hội” hay chỉ đơn giản là những kẻ mù quáng.
Để bảo vệ cho các chính sách của gia đình mình, bà Nhu thường chĩa mũi dùi về phía Hoa Kì, ám chỉ rằng trong quá khứ Hoa Kì không hết lòng ủng hộ ông Diệm. Bà từng buộc tội người Mĩ ở Sài Gòn quá tin lời những kẻ chỉ trích ông Diệm. “Người ta vẫn lan truyền các tin đồn do Cộng sản bịa ra”, bà bất bình. “Tại sao đồng minh của chúng tôi lại đi nghe những kẻ chưa bao giờ đưa ra bằng chứng gì thông qua sinh mạng hay hành động? Tại sao đồng minh của chúng tôi lại nghe họ thay vì nghe chúng tôi?”
Giờ đây khi Hoa Kì không bỏ lỡ một cơ hội công khai nào để thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ hoàn toàn dành cho ông Diệm, bà Nhu cảm thấy khá hơn. “Mọi chuyện giữa chúng ta bây giờ đã tốt hơn nhiều. Người Việt chúng tôi có câu “ăn cơm mới đừng nói chuyện cũ”. Ở thời điểm hiện tại bà Nhu tương đối bình lặng. Nhưng chẳng ai cho rằng khối năng lượng bé nhỏ xinh đẹp này sẽ nhu mì như thế được lâu.■