Hồ Anh Chương
Giai phẩm văn học số 169 tháng 7 năm 1973
Ngày nay, nói tới sứ mệnh cao cả của báo chí, nhất là báo hàng ngày, không biết đã được mấy người tin. Trong một bản điều tra của tờ Nguyệt san La Nef, xuất bản năm 1950, người ta nhận thấy tới 88% độc giả hoài nghi sứ mệnh của báo chí trong việc thông tin và giáo huấn quần chúng. Ngay hai tiếng nhà báo cũng ít khi được dân chúng có thiện cảm. Người ta khó quan niệm nhà báo là một người đứng đắn. Đối với họ, nhà báo là hạng nghệ sĩ phóng đãng, sống cuộc đời dễ dàng và hời hợt. Trong cuốn “Cochon de Métier” của Renée Gosset, ông Dupont đã diễn tả đúng quan niệm đó khi nói với tác giả: “Thôi thì các ông đi du lịch luôn luôn. Tôi mà được đi nghỉ như các ông thì còn gì thú bằng”.
Quần chúng đã thế. Cả đến giới trí thức thời nào cũng có những người khinh rẻ sứ mệnh của báo chí. Musset đã chẳng coi nhà báo là một thứ tai họa, một chàng ngốc buôn văn ru ngủ mấy ngàn anh ngốc khác trong khi họ ăn quà sáng đấy ư? Báo chí không những bị hiểu lầm, lại thường bị luật pháp làm khó dễ, nhất là ở thế kỷ XVI. Một phần tại chính quyền và thần quyền bấy giờ không nhận định rõ tính cách quan trọng của cơ quan ngôn luận, một phần cũng tại một số nhà báo đã quên sứ mạng của mình – đem ngòi bút phụng sự tiền tài hay những bản năng hạ đẳng của số đông. Những tờ báo đó đã bị văn sĩ Balzac phê bình như thế này: “Tờ báo nào cũng là một tiệm buôn, quần chúng muốn mua những lời lẽ nhuộm mầu nào cũng có cả. Nếu như có một tờ báo người gù, thì suốt ngày các ông nhà báo sẽ vạch rõ cái đẹp, cái hay, cái cần thiết của những người gù”.
Trong tình trạng đó, không gì khích lệ bằng nghe những bậc vị vọng có thẩm quyền như Đức Giáo Hoàng Leo XIII hay Pio XI ca tụng giá trị cao siêu của báo chí. Các Ngài đã tiên đoán rằng: “Sẽ có ngày báo chí trở thành phương tiện độc nhất đem chân lý phổ biến cho quảng đại quần chúng, gây dựng cho quần chúng một dư luận”. Jules de la Fosee cũng viết: “Nếu báo chí có nhiều khuyết điểm, thì báo chí cũng có nhiều đức hay. Nó là một anh chàng vệ binh nếu không được yêu mến nhất, ít ra cũng đắc lực nhất để coi giữ pháp luật và công lý, bảo vệ tự do, và danh dự, cũng như tinh thần liêm khiết của một quốc gia. Nó là giám thị sáng suốt đối với những người nắm giữ một phần công quyền. Nó tố cáo gắt gao những chuyện hà lạm và những khuyết điểm của họ trong việc hành chính và cai trị dân. Nó là một nhân chứng cần mẫn mỗi sáng kể lại cho quốc dân những hành động và tính tình của bọn người tại chức, từ ông Bộ trưởng cho tới bác lính tuần phiên”. Xem như vậy, vai trò của báo chí có thể chia làm hai: thông tin và giáo huấn. Nói theo J. Bourquin, thì vai trò của báo chí là giáo dục và chính trị vậy.
Về phương diện giáo dục, nhà báo phải cố soi dẫn dư luận trong những bản thông tin về những thực tại chính trị, kinh tế và văn hóa. Dân chúng thời nào cũng ham học hỏi. Đến nỗi người ta có thể nói tạo ra bất cứ cái gì để khỏi mang tiếng là không biết. Cho nên khi làm nhiệm vụ thông tin, nhà báo thỏa mãn một nhu cầu xã hội. Nhu cầu đó càng khẩn thiết khi đời sống xã hội càng trở nên rộng rãi, tự do và phức tạp. Thời đại này, sự tổ chức xã hội khuôn con người vào một lối sống cộng đồng, không một hiện tượng xã hội nào lại không ảnh hưởng tới gia đình, tới cả đời sống thầm kín của từng cá nhân. Nghe nói có chiến tranh bùng nổ tận Cao Ly hay một nơi xa xôi nào bên Đông Nam Á là dân chúng đã vội tích trữ hàng hóa, dù họ ở xa tới mấy trăm ngàn cây số cũng vậy.
Và con người càng văn minh lại càng thêm nhu cầu. Hiện nay, không một xứ nào trên thế giới có thể tự hào tự túc được. Một sự liên đới tùy thuộc trên mọi phương diện như thế đã tạo nên cho báo chí một khu vực hoạt động bao la để thi hành sứ mệnh thông tin và giáo huấn. Một điều nên để ý là đứa trẻ bỏ học từ 12 hay 17 tuổi vẫn chưa hoàn thành việc giáo dục của nhà trường. Người thanh niên phải tiếp tục học hỏi qua sách vở và báo chí. Đối với giới thôn quê và lao động, ngoài trường tiểu học ra thì báo chí là trường học duy nhất. Đến nỗi theo bản điều tra của nguyệt san La Nef, phần đông các độc giả những báo “Le Monde”, “Le Figaro”, “Le Combat” đều cho rằng tờ báo của họ quả thực là một phương tiện trau dồi văn hóa. Một độc giả từ “Le Monde” viết: “Monde là một kho kiến thức, ai có thể mỗi ngày bỏ ra một giờ rưỡi để học và ghi chép làm thành một tập tài liệu, thì “Le Monde” quả là một kho vô tận những tin tức và nhận xét”.
Nói đến vai trò chính trị của báo chí, người viết báo phải để ý gây dư luận, dùng báo chí làm cơ quan phát biểu tư tưởng. Bởi vậy, theo J. Bourquin, không những nhà báo phải thông tin, còn phải bình luận tin tức, chỉ trích hay tán thành. Bổn phận đầu tiên của nhà báo là giáo huấn dư luận. Dư luận là một quyền lực cai trị thế giới. Trong cuốn “Lịch sử báo chí Anh Quốc và Mỹ Quốc”, Cucheval Clarigny nói về vai trò của báo chí để gây dư luận trong trận chiến tranh giành độc lập thế này: “Gươm giáo của Washington chỉ bênh vực một cuộc cách mạng đã được dư luận hoàn thành. Nhưng gây dư luận đó, cắt đứt từng mối dây, thức tỉnh trong dân chúng ý niệm quyền lợi và ý thức về tương lai của họ khác biệt tương lai của Anh Quốc hun đúc nên tinh thần quốc gia của dân chúng Mỹ, đây là việc của báo chí”.
Trên phương diện tạo thành dư luận, báo chí ảnh hưởng lớn lao hơn sách vở nhiều. Vì báo chí đơn giản hóa những tư tưởng trừu tượng, trình bày chỗ quan hệ của các biến cố, đưa ra những khía cạnh hài hước hay bi thảm của một sự kiện. Đã hẳn không phải bao giờ báo chí cũng tán thành dư luận, ít nhất là trong những nước báo chí được tự do, nhưng chắc một điều là báo chí ảnh hưởng rất nhiều tới dư luận, nhất là khi nó phản ánh đúng dư luận dân chúng. Cứ xem như một vấn đề Tây Ban Nha trước kia đã làm sôi nổi dư luận dân chúng Pháp. Trong số độc giả báo Cộng sản “Humanité”, 92% độc giả có tư tưởng chống Franco, trong khi đó chỉ 23% độc giả báo “Figaro” là phản đối. Cho nên bảo rằng báo chí thường là người hướng dẫn lương tâm chính trị của độc giả, tưởng cũng không phải là nói quá.
Bởi vậy, muốn làm tròn sứ mạng đối với độc giả, người viết báo phải rất khôn ngoan và điều độ. Cái nguy lớn phải tránh là đừng để cho một đảng phái hay một tổ chức kinh tế nào nắm độc quyền. Mối nguy ngập càng to tát hơn khi báo chí để cho một chính phủ độc tài chỉ huy. Trường hợp đó, còn đâu là tự do phát biểu tư tưởng và tự do phê bình nữa?
Với cả hai phương diện giáo dục và chính trị trên đây, thông tin phải khách quan, xác thực và đầy đủ hết sức. Nhà báo sẽ phản bội sứ mạng của mình khi quên lãng nhiệm vụ đó, dùng ngòi bút xuyên tạc sự thực hoặc phỉnh nịnh thị hiếu của quần chúng khi khuynh đảo dư luận bằng những tin tức bịa đặt hoặc những chuyện hư đốn để gợi tính tò mò xấu xa của độc giả. Trường hợp đó, báo chí sẽ không còn soi sáng, không còn giáo huấn dư luận, mà làm sai lạc và hư hỏng dư luận. Ở đây, tưởng nên nhắc tới lời cảnh cáo của Đức Giáo Hoàng Pie XII trong cuộc tiếp kiến một nhóm chủ nhiệm và ký giả báo chí Mỹ. Ngài nói: “Ai lại không biết một nhà báo có thể tự ý xuyên tạc các sự kiện bằng cách tách biệt nó ra khỏi toàn khối các sự kiện khác, hoặc có thể làm mất ý nghĩa chính đáng của một việc, hoặc bóp chết một sự thật phải được để ý tới? Kết quả của sự xuyên tạc ấy là quần chúng bị lầm lạc, một thảm kịch nhân loại diễn ra, những nội biến hay cả chiến tranh cũng bùng nổ. Mà như vậy chỉ vì một nhân viên bất xứng của giới báo chí các ông đã vì một lý do nào đó không trung thành với trách nhiệm nặng nề đối với sự thật”.
[…]
Chúng tôi xin nói thêm là báo chí nói chung có một ảnh hưởng sâu xa, đặc biệt là các báo hàng ngày. Những tin tức thông báo cho độc giả như là có thực; mãnh lực của những câu nói hùng mạnh, tất cả những cái ấy được lặp đi lặp lại hàng ngày sẽ có một tác động rất lớn lên tâm trí người đọc.
Để kết luận, chúng ta có thể dùng câu nói sau đây của Alfred de Vigny, và áp dụng vào những dân tộc ở mọi nước tân tiến: “Người Pháp nào cũng có một bạn tâm phúc để phỉnh nịnh, khuyên răn trong hết mọi trường hợp. Đối với họ, người ấy trung thành và khẩn thiết hơn cả vợ con, cha mẹ. Không có người bạn ấy, họ sẽ như người mất trí, không thể làm gì, không thể định đoạt và biết gì nữa. Sáng nào vào lúc ăn quà, người bạn ấy cũng tới, mang cho họ tư tưởng và tin tức hàng ngày. Đấy là tờ nhật báo của họ”.■