Skip to content
  • ĐĂNG KÝ LÀM THẺ
  • ĐĂNG KÝ TẢI TÀI LIỆU SỐ
Thư viện Nguyễn Văn Hưởng

Thư viện Nguyễn Văn Hưởng

CỔNG THÔNG TIN – NVH LIBRARY'S PORTAL

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Giới thiệu thư viện
    • Đội ngũ nhân sự
    • Liên hệ
    • Báo chí
    • Tuyển dụng
  • Dịch vụ thư viện
    • Câu hỏi thường gặp
    • Bảng giá dịch vụ
    • Đăng ký làm thẻ
    • Đăng ký tài khoản Thư viện số
  • Tài nguyên
    • Blog tư liệu
    • Xuất bản
    • Tin tức
  • Danh mục sách
  • Thư viện số
  • Trưng bày trực tuyến
  • Toggle search form
  • Batavia trong mắt sứ thần Việt Nam Blog tư liệu
  • Giới thiệu sách: Art Censorship: A Chronology of Proscribed and Prescribed Art Blog tư liệu
  • 7, 8, 9 điểm hòa bình Blog tư liệu
  • Hội Lim năm 1942 qua góc nhìn của người Pháp Blog tư liệu
  • Nước Mỹ và ám ảnh Việt Nam Blog tư liệu
  • NHỮNG KHOẢNH KHẮC QUYẾT ĐỊNH TRONG NGÀY 30/4/1975 (Kỳ 2) Blog tư liệu
  • Những tác phẩm quan trọng về Chiến tranh Việt Nam (Phần 2) Blog tư liệu
  • Bóng người Yên Thế: Từ Hố Chuối đến Đồn Gò – Giang sơn Đề Thám Blog tư liệu
  • Lịch sử hồ Tây và hồ Trúc Bạch Blog tư liệu
  • Những gương mặt của chiến tranh Blog tư liệu
  • Tìm hiểu về ruộng Tịch điền và nghi lễ cày Tịch điền ở nước ta qua các triều đại phong kiến Blog tư liệu
  • Thái Nguyên trong ngày Tổng khởi nghĩa Blog tư liệu
  • “Giống như đi trên tên lửa”: Phi công Mỹ nhớ lại nỗi kinh hoàng của cuộc ném bom Giáng sinh năm 1972 ở Việt Nam Blog tư liệu
  • Rút quân khỏi Hà Nội Blog tư liệu
  • Chính quyền Ngô Đình Diệm và hai vụ đảo chính, ám sát hụt Sihanouk Blog tư liệu

Lịch sử Trường Quốc Học Huế

Posted on 30/05/202530/05/2025 By editor No Comments on Lịch sử Trường Quốc Học Huế

Lê Hằng Nga dịch

Trường Quốc Học Huế là một trong những ngôi trường lâu đời và danh tiếng nhất của Việt Nam. Tạp chí Phương Đông giới thiệu với bạn đọc bản dịch những thông tin về ngôi trường này trong chương VIII cuốn chuyên khảo “L’Annam scolaire: De l’enseignement traditionnel annamite à l’enseignement moderne franco – indigène” (Trường học ở An Nam: Từ giáo dục truyền thống đến giáo dục hiện đại Pháp – Việt), do Nha Học chính Đông Dương xuất bản năm 1931.

Trường Quốc Học, hay trường Trung học Quốc gia, là cơ sở giáo dục chính yếu của nền giáo dục Pháp – An Nam tại An Nam. Trường thành lập tại Huế theo chiếu chỉ triều đình ban ngày 2 tháng 11 năm Thành Thái thứ 8 (1896). Kinh đô là thành phố đầu tiên xây dựng một ngôi trường chính thức cho việc giảng dạy Pháp ngữ và những môn “khoa học Tây phương”. Việc lựa chọn thành phố này chính nhờ vào uy tín mà danh hiệu kinh đô mang lại – nơi ngự trị của Vua An Nam, các quan lại và giới văn sĩ; thêm vào đó, nơi đây là vị trí trung tâm của đất nước; do đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của trường. Chỉ trong một thời gian ngắn, trường đã thu hút một lượng lớn học sinh từ khắp nơi của cả nước đến để theo học.

Đường Thuộc Địa số 1 – hay còn gọi là Đường cái quan – đi qua Huế, giúp nối liền thành phố này với miền Bắc và miền Nam. Về phía Đông, Huế cách biển 12km, nhưng cảng gần nhất có thể sử dụng được là cảng Đà Nẵng (Tourane), cách đó 105km, là điểm đầu của tuyến đường sắt Bắc Trung Kỳ – Trung Kỳ. Từ kinh đô của An Nam, tuyến đường sắt chạy qua Vinh tới Bắc Kỳ đến ga Hà Nội chỉ trong chưa đầy một ngày. Về phía Nam, tuyến đường sắt chưa hoàn thiện nhưng dịch vụ xe khách nhanh đã nối liền Đà Nẵng và Nha Trang – điểm cuối của tuyến đường sắt Nam Đông Dương, từ đây có thể đến Sài Gòn. Phạm vi của trường Quốc Học chỉ còn ở các tỉnh Trung Kỳ do việc thành lập hai trường trung học mới, một ở Vinh – phía Bắc thành phố Huế và một ở Quy Nhơn thuộc tỉnh Bình Định.

Trường Quốc Học trải rộng trên khuôn viên thoáng đãng, đẹp mắt, nằm dọc theo đường Jules – Ferry ở bờ phải sông Hương. Khung cảnh thư thái ở nơi đây tạo thành từ những bãi cỏ luôn mang màu xanh mướt được cắt tỉa gọn gàng, những con đường thẳng tắp, những cây đa già uốn lượn cho bóng râm mát mẻ, những bụi tre trang trí, những tiếng rì rào của hàng phi lao khi gió thổi qua; cùng vẻ đẹp của phong cảnh nhìn ra bên kia dòng sông Hương và dãy núi phủ bóng thông xanh ở phía Tây. Tất cả hòa quyện tạo thành một không gian yên bình, thơ mộng, lý tưởng cho việc học tập và rất tốt cho sự phát triển thể chất lẫn sức khỏe của các học sinh trẻ.

Cứ mỗi giờ, hai tiếng trống vang dội phá tan bầu không khí tĩnh lặng, báo hiệu tiết học mới bắt đầu. Một cảnh tượng thú vị không thể không nhắc đến là sân trường bỗng trở nên sống động và ta có thể thấy từng tốp học sinh di chuyển. Họ bước đi lặng lẽ, chậm rãi, như sợ làm nhăn chiếc áo dài màu đen hoặc trắng của mình. Không một tiếng la hét, không một biểu hiện ồn ào thường thấy ở các trường học tại Pháp. Ở đây, mọi thứ đều yên bình và trầm tĩnh.

Học sinh những năm 1920 của trường Quốc học đi theo hàng trở về lớp. Nguồn: Lưu trữ của Cao ủy Pháp tại Đông Dương

Trường Quốc Học thành lập năm 1896 theo sắc dụ của Hoàng đế và chính thức được công nhận trong quyết định của Toàn quyền Đông Dương ngày 18/11/1896. Trước thời điểm này, ở An Nam chỉ có hai cơ sở giảng dạy tiếng Pháp: chi nhánh của Hội Liên hiệp Pháp tại Đà Nẵng và trường Hành Nhơn ở Huế, nơi tổ chức việc giảng dạy cho khoảng 15 học sinh An Nam không định kỳ. Việc dạy tiếng Pháp lúc bấy giờ vẫn còn rất sơ khai.

Trường Quốc Học thành lập thay thế cho trường Hành Nhơn với mục đích đào tạo những thanh niên có thể giúp ích cho nước nhà trong các mối quan hệ ngoại giao nhờ vào việc học ngoại ngữ. Tên gọi “Hành Nhơn” mang ý nghĩa “người đi lại”; đây là từ mà người Hoa xưa kia dùng để gọi những viên quan thông ngôn. Những người này thường được cử đi nước ngoài để học ngôn ngữ và thu thập kiến thức có thể mang lại lợi ích cho quốc gia của họ.

Minh Mạng, người kế vị đầu tiên của Vua Gia Long, đã nảy ra ý tưởng về việc có trong tay những đặc phái viên thông minh, có học thức và đặc biệt là sáng suốt để báo cáo cho ông về chính sách của các quốc gia láng giềng, đồng thời giúp ông tiếp cận các thông tin ngoại giao. Tuy vậy, vì người An Nam không có cơ hội đến châu Âu để thực hiện các mối quan hệ chính trị và thương mại, Vua Minh Mạng quyết định sử dụng các nhà truyền giáo đang hoạt động trong nước làm phiên dịch trong ngoại giao với Pháp. Ông giữ lại các nhà truyền giáo có tư tưởng tự do nhất và đặc biệt có học thức. Vua Minh Mạng trục xuất các nhà truyền giáo khác khỏi An Nam và ép họ lên tàu về Pháp. Những người mà Vua giữ lại được đối xử rất tốt và sống trong hi vọng rằng họ sẽ sớm tự do sau khi hoàn thành những bản dịch dài mà họ được yêu cầu thực hiện. Cách làm thiếu thận trọng này kéo dài một thời gian. Trong giai đoạn bất ổn, các nhà truyền giáo này phải chịu đựng những cuộc bức hại khủng khiếp và nhiều người sống sót chỉ vì phục vụ nhu cầu của nhà Vua trong việc duy trì mối quan hệ với Pháp. Các cuộc liên lạc chính thức giữa An Nam và Pháp vẫn tiếp diễn cho đến khi tần suất tiếp xúc trở nên quá thường xuyên và căng thẳng, dẫn tới nhu cầu tái tổ chức dịch vụ phiên dịch của Hành Nhơn và chuyển đổi nó thành trường học.

Vào năm Tự Đức thứ 2 (1868), Vua cho thành lập một trường học dạy ngoại ngữ và đặc biệt là giảng dạy tiếng Pháp. Hội Thừa sai Hải ngoại cử hai người xuất sắc của Hội đến điều hành việc giảng dạy và đi cùng họ là một bác sĩ y khoa dân sự. Nhưng những người biểu tình từ chối cải cách đã khéo léo dẫn dắt và những cuộc phản đối nhanh chóng nổ ra. Đặc biệt là họ buộc tội bác sĩ “đã yểm bùa tất cả các giếng nước ở Kim Long, khiến nước không thể sử dụng được”. Tin đồn này lan truyền và người dân không dám lấy nước từ bất kỳ nguồn nào khác ngoài dòng sông. Tình hình trở nên căng thẳng không thể chấp nhận, bác sĩ và cả nhà truyền giáo quyết định quay về Pháp. Sau đó, những nỗ lực mới được tiến hành với Giám mục ở Huế để có thể tiếp nhận sự hỗ trợ từ các linh mục địa phương biết tiếng Pháp. Và rồi, các cha lần lượt điều hành trường Hành Nhơn: cha Hoàng trong 8 năm, cha Tuyên trong 3 năm, cha Thụ từ năm 1875-1885, kế đến tiếp tục do cha Hoàng đảm nhiệm. Khi cuộc xâm lược diễn ra, các mối lo về bình định và những rối ren của chiến tranh không thể giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, theo thời gian, ảnh hưởng của nước Pháp ngày một vững mạnh và tất cả mọi người đều công nhận. Cuối cùng thì sự thuyết phục đã đem lại hiệu quả sức mạnh hơn là dùng vũ lực và các biện pháp nghiêm ngặt cần thiết khác.

Do tác động bởi những bất tiện nghiêm trọng phát sinh từ việc gần như thiếu hụt hoàn toàn các cơ sở giáo dục, những quan lại đáng kính trong hội đồng Cơ Mật thuyết phục rằng việc phổ biến tiếng Pháp sẽ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Pháp và Đế chế An Nam và theo đề xuất của ông Brière – Khâm sứ Trung Kỳ; quyết định thành lập một trường học mang tên Quốc Học – nơi sẽ đào tạo một số lượng lớn học sinh. Chiếu chỉ Vua ban ngày 23/10/1896 và Nghị định ngày 18/11 cùng năm đó, soạn thảo trên tinh thần thống nhất, quy định môn học chính sẽ là ngôn ngữ Pháp. Chương trình giảng dạy cũng sẽ bao gồm việc học chữ Hán.

“Cần lựa chọn địa điểm cho trường Quốc Học, xây dựng các cơ sở phù hợp, cung cấp nơi ở cho các giáo viên, đảm bảo cho họ cuộc sống xứng đáng, trả lương cao hơn các quan lại để họ không sao nhãng nhiệm vụ, giúp họ chỉ tập trung vào học sinh và các lớp học của mình”.

Địa điểm mà chúng ta chọn vốn là khu vực doanh trại hải quân, nơi một trại lính đã bỏ hoang. Ở đây, chúng ta cảm nhận rõ niềm vui khi chuyển đổi một cơ sở quân sự thành một cơ sở hòa bình phục vụ giáo dục. Đó là một tòa nhà bằng gạch, dài 80m, thấp, lợp ngói, có cả hiên trước và hiên sau. Các cột gỗ cao khoảng 2m chống đỡ những thanh xà cũ kỹ của mái nhà, cửa ra vào và cửa sổ làm bằng song thưa. Sau cùng, những bức vách ngăn bằng đất trộn rơm và trát vôi chia căn nhà dài này thành nhiều phần khác nhau. Một lớp xi măng phủ trên nền đất đã đầm chặt, các cửa ra vào và cửa sổ bằng kính được lắp đặt thay cho cửa song thưa, nhờ đó tạo thành bảy phòng học.

Nội thất trường học còn rất sơ sài. Trong mỗi phòng học có tám bàn và tám ghế dài cho học sinh ngồi, một bục nhỏ với bàn và ghế dành cho giáo viên, ở một góc là chiếc bảng đen đặt trên giá ba chân; không có bản đồ cũng như đồ trang trí trên tường. Cùng với khu nhà học này, trong khuôn viên trường, bên phải có một căn nhà tranh dùng để tránh nắng, bên trái là nhà ở của hiệu trưởng và các giáo viên dạy tiếng Pháp. Nhà ở của giáo viên dạy chữ Nho nằm tại vị trí mà hiện nay đang là trường nữ sinh. Toàn bộ các công trình này chiếm trọn khu vực hình chữ nhật rộng khoảng 60m và dài 176m, bao quanh các đường Jules Ferry, Vollenhoven, Reinhart và Phủ Cam.

Cổng vào phía đường Jules Ferry có hình dáng của một cổng tam quan với hai bức tường lớn nâng một tầng mái kiểu Trung Quốc. Một chiếc chuông đồng treo trên thanh xà của mái nhà phát ra âm thanh “già nua và khô khốc” để báo giờ vào học và tan học. Một tấm bảng gỗ sơn màu đỏ và màu vàng thông báo rằng đây là trường Quốc Học, trường dạy tiếng Pháp.

Sân trường trong giờ nghỉ giải lao. Nguồn: Sách L’Annam scolaire: De l’enseignement traditionnel annamite à l’enseignement moderne franco – indigène xuất bản năm 1931

Ban đầu chức vụ Hiệu trưởng được giao cho một viên chức Tòa Khâm Sứ, chủ yếu phụ trách các công việc hành chính. Một hiệu phó người An Nam, ông Ngô Đình Khả, đảm nhận việc giảng dạy cùng sự hỗ trợ của các giáo viên bản địa, gồm những phiên dịch viên hay học giả: 7 người dạy tiếng Pháp và 5 người dạy chữ Hán. Công việc văn phòng do một Trưởng phòng, một Thư ký, một phó thư ký và một Giám thị đảm nhiệm; chủ yếu lo về thư từ bằng tiếng Pháp. Một tốp gồm 18 lính tạo thành một đội đảm bảo việc canh gác và giữ gìn vệ sinh nhà trường sạch sẽ. Số lượng học sinh ấn định theo nghị định của quan Khâm Sứ là 230, tuyển chọn từ những người bản xứ có bằng Tú Tài theo bậc học của người An Nam, các hoàng tử, con gái của quan lại và cả những dân thường. Chế độ học tập là nội trú đơn giản. Một chương trình học cơ bản và phù hợp đã được soạn thảo, trong đó nêu rõ rằng các lớp học nên dùng tiếng Pháp để giảng dạy càng nhiều càng tốt.

Chương trình học của trường Quốc Học

1. Giảng dạy kỹ năng viết hoặc nói tiếng Pháp.

Giảng dạy chữ Quốc ngữ.

Số học và hệ đo lường mét.

Địa lý tổng quát và Địa lý nước Pháp cùng các thuộc địa.

Bài học thực hành.

Hành chính – Kế toán – Các yếu tố trắc địa – Tiếng Hán (Giảng dạy chữ Hán – Đọc sách tiếng Hán).

Trường Quốc Học bao gồm một phân khoa dành cho các học viên đã tốt nghiệp (khoảng 30 người), một khóa cao cấp, một khóa sơ cấp và một khóa dự bị. Thời gian học tập dự kiến từ 5 đến 6 năm. Các học viên đã tốt nghiệp, thường ở độ tuổi từ 24 đến 28, nếu vẫn hoàn toàn không biết tiếng Pháp thường ở lại trường khoảng 3 năm nữa do những khó khăn rất lớn trong việc tiếp thu ngôn ngữ này.

Hiệu trưởng trường cấp giấy chứng nhận học tập cho các khóa học tại trường. Nhiều học sinh không chờ đến khi hoàn thành chương trình học mà sau một hoặc hai năm đã rời trường để tìm công việc có lợi hơn, hoặc làm thư ký, hoặc làm phiên dịch viên. Trong sáu năm đầu tiên, 436 học sinh đã tốt nghiệp và nhận chứng chỉ từ trường.

Năm 1903, ông E. Nordemann – một giáo viên tại Bắc Kỳ, được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Quốc Học. Dưới sự quản lý sáng suốt của ông, trường nhanh chóng phát triển và đến năm 1905, đội ngũ nhân sự của trường gồm có 3 giáo viên người Pháp và 41 giáo viên bản xứ. Số lượng học sinh của trường lúc đó là 198 em, gồm: 36 hoàng tử, 75 con cái của quan lại, 8 con lai Pháp – An Nam, 77 con của dân thường, 2 người Hoa; chia thành 12 lớp.

Chương trình giảng dạy cấp tiểu học lúc bấy giờ tương tự như chương trình của các trường tiểu học bản xứ ở Bắc Kỳ, vốn lấy cảm hứng từ chương trình của chính quốc Pháp và điều chỉnh hợp lý để phù hợp với tâm lý tư duy và nhu cầu của học sinh An Nam. Bổ sung vào các lớp tiểu học còn có một khóa bổ túc, chương trình của khóa học này dựa theo các trường tiểu học bậc cao tại chính quốc. Một bộ phận đo đạc địa chính cũng được sáp nhập vào trường. Trong một báo cáo đề tháng 11/1905, ông Nordemann bày tỏ mong muốn rằng sẽ có một chứng chỉ hoàn thành bậc tiểu học song ngữ Pháp – An Nam và một văn bằng tốt nghiệp khóa học bổ túc song ngữ Pháp – An Nam để công nhận cho các chương trình học tại trường, tuân theo quy chế giống với quy chế đang hiện hành ở Bắc Kỳ. Các kỳ thi đầu tiên cho hai chứng chỉ này tổ chức tại Huế vào tháng 6/1907.

Tháng 1/1907, ông Nordemann được bổ nhiệm làm Chánh Sở Học chính Trung Kỳ, và từ đó trường không còn đặt dưới quyền quản lý của Tòa Khâm Sứ nữa. Các tòa nhà trong trường giữ nguyên so với tình trạng ban đầu, dù đôi khi phải trải qua những thiệt hại nghiêm trọng do hỏa hoạn hay bão vào năm 1915. Đến tháng 5/1915, người ta tiến hành khởi công các tòa nhà như hiện tại và việc xây dựng hoàn thành vào năm 1919.

Thực trạng trường Quốc Học

Khuôn viên trường có dạng hình chữ nhật với kích thức 112m x 176m. Cổng chính của trường nằm trên đường Jules Ferry, đối diện là bia Tưởng niệm chiến sĩ hy sinh trong Thế Chiến Thứ Nhất. Chiếc cổng tam quan đã biến mất từ lâu. Sau khi bước qua cổng, ở bên phải ta bắt gặp các văn phòng của Ban Giám hiệu, và tách biệt một chút là khu nhà ở của hiệu trưởng. Bên trái là văn phòng thư ký và nơi ở của tổng giám thị. Tiếp đó, hai tòa nhà chính cao 2 tầng hiện ra, dài 85m, nằm đối diện nhau và ngăn cách bởi một bãi cỏ rộng. Ở phía cuối, một dãy nhà có mái bằng nằm ở trung tâm, nối liền với các tòa nhà còn lại qua một lối đi có mái che. Phía sau khu nhà trung tâm là hai nhà ăn rộng rãi, thoáng đãng với tường trông sáng sủa nhờ trang trí bằng tranh khắc; cùng với đó là khu bếp, phòng tắm, nhà giặt giũ và khu phơi đồ. Bên trái, nằm tách biệt với các toà nhà khác, ở đó có phòng tiếp khách, phòng y tế và nơi ở của tổng giám thị người An Nam. Toàn bộ khu vực phía sau kéo dài đến đường Reinhart là một sân thể thao rộng lớn, có cả sân quần vợt, sân bóng đá và khu tập thể dục dụng cụ.

Học sinh trường Quốc học chơi đá bóng khoảng năm 1920 – 1929. Nguồn: Lưu trữ của Cao ủy Pháp tại Đông Dương

Một giờ học môn thể dục tại trường Quốc học. Nguồn: Sách L’Annam scolaire: De l’enseignement traditionnel annamite à l’enseignement moderne franco – indigène xuất bản năm 1931

14 phòng học nằm toàn bộ ở tầng trệt của hai tòa nhà chính. Phòng học rộng rãi, thông thoáng, trần cao, chiếu sáng tốt nhờ có các cửa sổ lớn; những cửa sổ này đều mở nhìn ra một hành lang dài có mái che và hướng ra một khoảng sân. Toàn bộ tầng hai của tòa nhà là ký túc xá, có bồn rửa tay liền kề cùng với phòng ở của các giám thị người An Nam. Học sinh nội trú ngủ trên giường gỗ, có chiếu và màn chống muỗi.

Trang thiết bị dạy học phong phú, được bổ sung và hoàn thiện mỗi năm nhờ ngân sách cấp riêng cho mục đích này. Các thiết bị giảng dạy gồm bộ sưu tập các bản đồ địa lý quan trọng, các bảng minh họa cho môn khoa học tự nhiên và các mô hình tháo lắp. Một trong hai phòng thí nghiệm khoa học được bố trí giống giảng đường nhỏ phục vụ việc thực hiện các thí nghiệm cho học sinh quan sát. Các bộ sưu tập mẫu vật được phân loại và dán nhãn, đặt trong nhiều tủ trưng bày. Có một phòng thí nghiệm chuyên biệt dùng cho môn Vật lý và Hóa học do một trợ lý người An Nam quản lý. Ngoài ra, trường còn có thư viện cho học sinh với 6875 cuốn sách và thư viện dành cho giáo viên với nhiều đầu sách xếp trong các tủ lớn. Một phòng mỹ thuật mới bố trí bằng những bộ sưu tập mẫu vẽ và các mẫu khuôn đúc cần thiết dùng cho việc dạy học.

Phòng thí nghiệm khoa học phục vụ việc học thực hành. Nguồn: Sách L’Annam scolaire: De l’enseignement traditionnel annamite à l’enseignement moderne franco – indigène xuất bản năm 1931

Chương trình học và các khóa học hiện hành

Chương trình học của trường Quốc Học kéo dài 4 năm và mỗi năm đều có thay đổi tiến bộ trong chương trình giảng dạy với các môn học được xác định rõ ràng. Chương trình này đã được sửa đổi và điều chỉnh nhiều lần, dành ra 9 giờ mỗi tuần cho việc giảng dạy tiếng Pháp. Ngoài ra, chương trình còn bao gồm việc giảng dạy lịch sử địa phương, địa lý khu vực, đồng thời giảng dạy các ngôn ngữ bản địa (tiếng An Nam và chữ Hán).

[…]

Nhân sự trường Quốc Học

1. Nhân sự hành chính và giám thị

Đứng đầu trường Quốc Học là một hiệu trưởng kiêm quản lý tài chính, hỗ trợ hiệu trưởng là một tổng giám thị người Pháp và một phó giám thị người An Nam. Tám giám thị luân phiên đảm nhiệm việc quản lý nội trú và hỗ trợ công tác hành chính. Hai thư ký và một nhân viên phụ trách thanh toán được phân công làm việc dưới sự điều phối của Ban Giám hiệu.

2. Đội ngũ giảng dạy

Giáo viên người Pháp: 4 giáo viên trung cấp, 3 giáo viên cao cấp

Giáo viên người An Nam: 1 giáo viên trung cấp, 8 giáo viên tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (L’école Supérieur de pédagogique de Hanoi), 5 giáo viên Tiểu học, 1 giáo viên Tiểu học bổ trợ

Giáo viên chuyên môn: 4 giáo viên thể dục (trong đó có 3 người Châu Âu), 1 giáo viên nông nghiệp, 1 giáo viên dạy kỹ thuật, 1 giáo viên dạy chữ Hán.

Tổng số giáo viên là 29 người.

Ngoài ra, một y tá người bản xứ hỗ trợ một bác sĩ người Châu Âu thực hiện công tác khám sức khỏe cho học sinh nội trú. Những học sinh ốm nhẹ sẽ được điều trị ngay tại phòng y tế của trường, trong khi các trường hợp bệnh nặng sẽ được chuyển đến bệnh viện hoặc cho phép về nhà điều trị.

Chế độ ăn uống

Một nhà thầu phụ trách việc cung cấp thực phẩm cho học sinh. Với mức chi phí cố định và xác định theo từng năm (năm 1929-1930 là 0.21 piastre một ngày một học sinh), nhà thầu chịu trách nhiệm chuẩn bị ba bữa ăn hàng ngày theo quy định của hợp đồng.

Thực đơn do hiệu trưởng và bác sĩ kiểm duyệt bao gồm nhiều món ăn phong phú: thịt bò hoặc thịt heo thay thế luân phiên với cá hoặc tôm, nêm nếm bằng nước mắm hoặc cho thêm ớt. Mỗi bữa ăn đều có thêm một tô canh rau hoặc canh cá. Học sinh được ăn thoải mái loại gạo chất lượng cao và uống trà An Nam, vốn là thức uống phổ biến của họ.

Quang cảnh nhà ăn của trường Quốc học. Nguồn: Sách L’Annam scolaire: De l’enseignement traditionnel annamite à l’enseignement moderne franco – indigène xuất bản năm 1931

Tuyển sinh

Học sinh của các lớp tiểu học tuyển chọn vào trường thông qua kỳ thi tuyển sinh. Các học sinh được chia thành ba nhóm: Học sinh ngoại trú tự do, học sinh bán trú và học sinh nội trú.

Học phí và phí nội trú được quy định ở mức hợp lý. Ngoài ra, nhiều suất học bổng toàn phần hoặc bán phần được cấp phát rộng rãi và công bằng, giúp cả những gia đình nghèo nhất cũng có thể gửi con vào học.

Trường còn ban hành một bản nội quy chi tiết phù hợp với phong tục và tập quán của người An Nam. Chẳng hạn, nội quy quy định rõ về thời gian và điều kiện nghỉ phép của học sinh khi họ cần tham dự lễ cưới, giỗ chạp hay đám tang của người thân. Giáo viên là người cập nhật cho gia đình học sinh về tình hình học tập của con em mình thông qua bảng điểm và phiếu đánh giá định kỳ. Mọi thư từ của học sinh đều cần phải kiểm duyệt trước khi gửi đi hay nhận vào. Hiệu trường là người phê duyệt và giám sát chặt chẽ mọi ấn phẩm sách báo mà học sinh nhận được. Học sinh nội trú nếu có kết quả học tập tốt trong tuần sẽ được phép ra ngoài vào chủ nhật để thăm gia đình hoặc gặp người giám hộ của họ đang sinh sống ở Huế.

Do số lượng học sinh ngày càng đông, hiện trạng trường Quốc Học gần như không còn đủ sức chứa. Vì vậy, năm 1929, một tòa nhà mới, nhỏ, được xây dựng để bổ sung hai lớp học. Tòa thứ hai tương tự vậy cũng hoàn thành xây dựng ngay trước kỳ nhập học tháng 9 năm 1930.■

Blog tư liệu Tags:chế độ thực dân, Đông Dương, Pháp, thuộc địa, văn hóa

Post navigation

Previous Post: Trang phục người dân An Nam
Next Post: Hồi kết của cuộc chiến ở Đông Dương (1954)

More Related Articles

Mỹ – Pháp ủng hộ Ngô Đình Diệm sau Hiệp định Genève Blog tư liệu
Hội thi bơi trải ở ngã ba Bạch Hạc Blog tư liệu
Năm con rắn 1953 Blog tư liệu
Vấn đề giao thông ở xứ ta Blog tư liệu
Phụ nữ Tây Phương nhìn phụ nữ Việt Nam 100 năm trước (Kỳ 1) Blog tư liệu
Sự du lịch đất Hải Ninh Blog tư liệu

Leave a Reply Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

  • Tạp chí Phương Đông Official Channel
  • Thư viện Nguyễn Văn Hưởng Fanpage
Tạp chí Phương Đông số tháng 10-2024

Chuyên đề

  • Việt Nam trên báo Mỹ
  • Tạp chí Phương Đông

Kết nối với chúng tôi

Nguồn tài liệu

  • The Vietnam Center and Sam Johnson Vietnam Archive
  • MSU Vietnam Group Archive
  • The Wilson Center Digital Archive
  • The National Security Archive
  • CIA Historical Collections
  • Office of the Historian – U.S. Department of State
  • National Archives
  • Internet Archive
  • United Nations Archives
  • Journal of Vietnamese Studies
  • Harvard-Yenching Library
  • Yale University Digital Collections: Maurice Durand Han Nom
  • Digital Libraries – Gallica – BnF
  • Les Archives nationales d’outre-mer
  • Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient
  • Sách Đông Dương – Thư viện QGVN
  • Thư tịch Hán Nôm – Thư viện QGVN
  • Báo chí số hóa – Thư viện QGVN

Bài mới

  • Tầm nhìn từ Lịch sử
  • NHỮNG KHOẢNH KHẮC QUYẾT ĐỊNH TRONG NGÀY 30/4/1975 (Kỳ 2)
  • Hồi kết của cuộc chiến ở Đông Dương (1954)
  • Lịch sử Trường Quốc Học Huế
  • Trang phục người dân An Nam

Lưu trữ

TRƯNG BÀY KỶ VẬT CHIẾN SĨ

Tags

1945 1954 1975 Bảo Đại Báo chí Chiến tranh Việt Nam Chiến tranh Đông Dương chế độ thực dân chủ nghĩa thực dân Chủ tịch Hồ Chí Minh CIA Cách mạng Tháng Tám giới thiệu sách Hoa Kỳ Huế Hồ Chí Minh Hà Nội Mỹ nghệ thuật ngoại giao Ngô Đình Diệm Ngô Đình Nhu Nhật phong trào phản chiến phong tục phản chiến Pháp POW/MIA Quan hệ Việt - Mỹ Sài Gòn thuộc địa Thập niên 1960 Thực dân Pháp triều Nguyễn Tết tình báo Vietnam War Việt Minh Việt Nam Cộng hòa Việt Nam thời hậu chiến Việt Nam trên báo Mỹ văn hóa Đảo chính Đông Dương Đông Nam Á

Đăng ký

  • ĐĂNG KÝ LÀM THẺ
  • ĐĂNG KÝ TẢI TÀI LIỆU SỐ
  • Tầm nhìn từ Lịch sử Xuất bản
  • Thắng địa Thăng Long – Địa linh đất Việt Xuất bản
  • Nước Nga trong thế giới đa cực Xuất bản
  • Giải phóng Xuất bản
  • Chợ Lớn 1955: Ký và họa Xuất bản
  • Thế giới đang thay đổi – Trật tự đa cực xuất hiện Xuất bản
  • Miền đất vàng Đông Dương Xuất bản
  • Pol Pot: Mổ xẻ một cơn ác mộng Xuất bản
  • Chuyến thăm Hà Nội Xuất bản
  • Cuộc chiến của tôi với CIA: Hồi ký của Hoàng thân Norodom Sihanouk Xuất bản
  • Con đường thiên lý: Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 – 19 Xuất bản
  • Đối thoại với các phái đoàn Hoa Kỳ Xuất bản
  • Biển Đông – Nhìn từ góc độ lịch sử và pháp lý Xuất bản
  • Nước mắt mùa thu Xuất bản
  • Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa Xuất bản

Copyright © 2025 Thư viện Nguyễn Văn Hưởng.