Trích đăng bài diễn thuyết của tác giả Trần Văn Giáp ở Hội Trí Tri Hà Thành ngày 28 tháng 5 năm 1935.
Phàm một nước nào đã phải chống chọi với nhiều nước láng giềng để sinh tồn mà đứng vững lại được trong mấy ngàn năm và sức bành trướng tự nhiên không thấy giảm đi là tại dân tộc ấy biết hấp thụ không những văn hóa của các giống người hơn mình mà cả văn hóa của những người bằng mình hay kém mình nữa. Chính nước Việt Nam ta ở vào địa vị đó. Xét kỹ trong lịch sử tiến hóa của người mình, vào khoảng từ một trăm năm về trước đây, khởi hữu chỉ hưởng thụ có văn học Tàu mà thôi đâu, lại còn hấp thụ cả văn hóa các dân tộc láng giềng phía Nam nữa, như di tích xác thực của Ai Lao và Chiêm Thành ta thấy đầy rẫy trong xã hội ta mà ta xao nhãng không lưu ý đó thôi… Di tích văn hóa Chiêm Thành thì phức tạp lắm, mà chính là đầu đề cuộc nói chuyện hôm nay.
Nước Chiêm Thành, kỳ thủy gọi là Hồ Tôn Quốc, cuối đời nhà Châu (trước Thiên Chúa giáng sinh) đã giao thông với nước Tàu; nhưng việc đó thuộc về đời nghi sử. Bắt đầu từ cuối đời Hán (đệ nhị thế kỷ) gọi là nước Lâm Ấp; đến đời Đường, từ năm Trinh Quán (627-647) trở đi gọi là Hoàn Vương Quốc; vào khoảng năm Nguyên Hòa (806-820) trở đi, vua Hoàn Vương bị quan đô hộ An Nam là Trương Chu đánh phá, chạy sang đất Chiêm, đổi tên nước là Chiêm Thành. Ngoài những tên ấy lại còn có chỗ gọi là Chiêm Ba, Chiêm Phù Lao, Chiêm Tư, nhưng đều là chuyển âm chữ Tchampa mà ra. Chữ Tchampa là chữ phạng, là tên một cái cây có hoa trắng mà thơm ngát (Michelia Champaca L.).[1]
Nước Chiêm Thành ở về phía nam nước ta, suốt dải đất Trung Kỳ bây giờ (dài ước 1200 cây số, km.), cổ thời từ quận Nhật Nam, vào cho đến Chân Lạp, nghĩa là ở vào quãng từ tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, cho đến đất Nam Kỳ bây giờ. Người Chiêm Thành cao mà cả ngang, tóc đen mà cứng, da đen giòn, mũi không tẹt, mắt sắc, có một mí, lông mày rậm, bác sĩ Raynaud đã nói người Chiêm là người châu Á mới trông tựa hệt người châu Âu hơn cả các giống người khác ở Đông Dương. Theo nhân loại học, người Chiêm thuộc về loài Mã Lai ở Nam Dương quần đảo (Malayo-Polynésiens). Tôn giáo người Chiêm là đạo Hồi (Islamisme) và đạo Bà-la-môn (Brahmanisme) ở Ấn Độ truyền sang.
Ở suốt một dải Trung Kỳ, nào gần men bể, nào trong rừng rậm, rải rác còn lại biết bao đền đài, biết bao cung điện, nơi thì hủy liệt, nơi thì tàn phá, lại có nơi bị vùi lấp dưới bãi đất bồi. Người ta thường gọi là “tháp Bà” đều là di tích văn hóa người Chiêm Thành, đã gây nên một nước văn minh phú cường trong mười mấy thế kỷ ở cõi Đông Dương này. “Nhất là ở tỉnh Quảng Nam, riêng một làng Mỹ Sơn, có tới hơn sáu mươi nóc tháp, xây gạch, nhưng không thấy có vết vôi vết nhựa gì cả cất từ cuối thế kỷ thứ sáu” (xem Đông Thanh số 1, trang 12-14). Làng Trà Kiệu cách Tourane 40 cây số, xưa kia là một thành Lâm Ấp, sử Tàu gọi là Khu Túc hay Khu Lật. Gần đây trường Bác Cổ có cho người vào đào bệ thành cùng tìm các pho tượng đá, lăn đổ dưới chân thành, hiện nay bày cả ở các viện bảo tàng Hà Nội, Tourane và Sài Gòn. Nhiều pho trông có vẻ hùng tráng hoạt động. Cách Trà Kiệu 15 cây số đến đền thờ Phật ở Đồng Dương, nào bàn thờ, nào tượng đá, do các nét điêu khắc mà biết được lịch sử mấy đời vua, những vật này bày ở nhà bảo tàng Tourane (xem sách: Introduction à l’étude de l’Annam et du Champa của ông J. Y. Claeys, trang 27, 45, 39, 88). Hồi năm ngoái trường Bác Cổ lại mới đào ở Tháp Mẩm thuộc tỉnh Bình Định được nhiều đồ điêu khắc bằng đá, nào tượng người, nào tượng thú, đều bày ở viện bảo tàng Hà Nội và Tourane, phần nhiều đều thuộc về mỹ thuật hồi thứ nhì cả, là mỹ thuật có chịu ảnh hưởng mỹ thuật Ba-li ở gần Chà-và (Java). Ngoài những chỗ ấy còn ở Nha Trang, và các nơi khác cũng đều đầy rẫy những di tích người Chiêm Thành.
Ngắm các cổ vật, thăm nơi cổ tích, khiến người có tâm huyết ai chẳng thương người dĩ vãng, xưa sao rực rỡ, giờ phôi pha, hiện nay bị tiêu diệt gần hết, chỉ còn độ vài vạn người ở tản nát cả trong xứ Cao Miên và vùng Phan Rang, Phan Rí. Riêng về lịch sử Chiêm Thành hiện nay có hai quyển sách kê cứu tinh tế lắm: một là quyển Le Royaume de Champa “Nước Chiêm Thành” của ông G. Maspero (in tại Paris, hiệu G. Van Oest, năm 1928); một là quyển Un Royaume disparu: Les Chams et leur art “Một nước tiêu diệt là nước Chiêm Thành và mỹ thuật nước ấy” của bà Jeanne Leuba (in tại Paris, hiệu G. Van Oest, năm 1923).
Ta đã nói ở trên, nước Chiêm Thành xưa ở suốt dọc Trung Kỳ hiện thời, vậy di tích họ còn ở Trung Kỳ là lẽ cố nhiên, nhưng sao lại có di tích Chiêm Thành ở Bắc Kỳ, chẳng hóa ra hồ đồ lắm ru? Nhưng không… Trong các trận vua ta sang đánh Chiêm, đem người Chiêm về ở Bắc Kỳ, cho lập trang trại, đem người mình sang ở đất Chiêm, cho dung hóa ngoại dân. Trong những khi bị quân Chiêm sang tàn phá cùng những khi sang đánh chiếm và bắt người Chiêm về ta, tài nào ta không hấp thụ được ít nhiều văn hóa người Chiêm mà không biết, hay là biết mà không muốn nói ra. Vả chăng theo công lệ thiên diễn, điều gì của dân tộc nào khỏe hơn thì lưu truyền được lâu mà những điều của dân tộc bại vong cứ tự nhiên tiêu diệt trong trí nhớ. Vậy nếu ta lưu ý mà xét tỉ mỉ thì dấu tích của dân tộc bại vong Chiêm Thành chắc vẫn còn di hưởng trong xứ ta.
***
Tôn giáo. – Nói về tôn giáo, trong xứ Bắc Kỳ, trừ những đại lễ bắt chước của Tàu mà ta còn thấy trong kinh sách Tàu, sự cúng tế của ta phiền phức lắm, khó lòng phân biệt được lễ nào nguyên của ta, lễ nào của người, có khi nhiều tục tự miền Nam sang ngay ta, có khi từ Ấn Độ qua Tàu rồi mới vào ta; nếu bây giờ vội vàng chỉ ngay tục này ở Ấn Độ, tục kia ở Mã Lai, lại tục khác ở Chiêm Thành, Ai Lao, Cao Miên thì vội vàng quá. Đi vội hay vấp, nên hãy xin để đợi chúng tôi khảo cứu sau này, nay chỉ kể qua mấy ông sư, hoặc người Chiêm, hoặc con cháu người Chiêm qua sang đất ta tu hành đem hộ đạo Phật sang ta. Ngay từ đầu đệ thập thế kỷ, cuộc chinh phạt Chiêm Thành của vua Lê Đại Hành đã thấy mang về ta một vị cao tăng Thiên Chúc, tiếc trong sử không chép rõ tên, để cho ta tìm sự tích. Theo sách Thiền uyển tập anh có một vị sư tên là Đàm Khí mất về đầu đệ thập thế kỷ, lúc sinh thời người nhập môn một vị sư Chiêm Thành đắc đạo. Cùng vào thời ấy lại thấy có một vị tên là Mahâ Mara, tổ tiên là người Chiêm Thành, sang ta lấy họ là họ Dương, tu ở chùa Quan Ái, sau đi du phương các xứ, không biết tung tích ở đâu. Chính hồi vua Lý Thánh Tôn (1069) sang đánh Chiêm lấy đất Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính sáp nhập xứ ta, có mang về một vị sư tên là Thảo Đường, là người Tàu sang học đạo một vị sư Chiêm Thành. Vua ta nhân thấy đắc đạo phong cho làm Quốc sư. Sau này chính Thảo Đường Thiền Sư là người dựng nên phái Thảo Đường là một phái thiền học Việt Nam mà ta đã biết sự tích từ năm 1069 cho đến 1205.
Văn chương. – Đến như văn chương, chắc thế nào cũng có di hưởng ít nhiều của người Chiêm. Về phương diện ngữ ngôn thì không còn ngờ nữa: mấy mươi phen vua ta sang đánh Chiêm bắt về bao nhiêu người; lại còn có hạng người bị quân Chiêm bắt mang đi, sau tha cho về. Năm 1449 người Chiêm giao giả bọn Trình Nguyên Đĩnh tới non trăm người (xem sách Cương mục, q. 18, tờ 22). Lại có hạng người Chiêm tự lại quy phục mà vua ta đem yên trí các nơi: đời Lê Đại Hành, người Chiêm châu Bố Chánh đem bộ thuộc tới hơn trăm người sang phụ triều ta (xem sách Toàn thư, q. 2, tờ 35). Cuối đời Trần, một người tướng Chiêm Thành đem cả em, cả họ sang phụ triều ta, triều đình lại cho đổi họ đổi tên (xem sách Toàn thư, q. 23, tờ 19). Đời Lê Thái Tôn, cũng có một bọn tự đem nhau đến phụ thuộc, vừa giai vừa gái đến hơn ba trăm người (xem sách Cương mục, q. 17, tờ 29). Từ đời nọ đến đời kia, những người Chiêm ở lẫn với người ta, nào khi qua lại, nào lúc giao dịch, trao lời đổi ý, tài nào không tập nhiễm tiếng nói người Chiêm, dùng mãi nên quen, ngày lâu quên hẳn rằng mượn của người Chiêm. Sự trao đổi ấy tuy vô tình mà tiêm nhiễm dễ dàng lắm. Muốn tìm xem trong tiếng ta những tiếng nào là tiếng Chiêm thì cũng không khó, nhưng tốn công, tốn thì giờ, phải để làm một vấn đề riêng, nay chỉ xin kể qua một vài chữ làm thí dụ: như tiếng nếm của ta cùng nghĩa với tiếng nam của Chiêm; tiếng nếp của ta cùng nghĩa với tiếng nhiop của Chiêm. Chắc hẳn những tiếng nếm và nếp là di hưởng của tiếng Chiêm đó (xem sách Le japonais et les langues austroasiatiques, của Matsumoto).
Về các truyện ký, những truyện cổ tích, ta vẫn tưởng là của ta, nhưng thực ra ta mượn của người mà không biết… Truyện Tấm Cám chắc ai cũng nghe từ thủa bé, thế mà là một truyện mượn của người Chiêm Thành. Nguyên truyện Tấm cám gốc ở Ấn Độ, lan khắp Đông Dương, nào ở Cao Miên, nào ở Chiêm Thành, giáo sư Paul Demiéville đã khảo cứu các bản dịch truyện, so sánh với nhau thì thấy rõ ràng truyện Tấm Cám của mình mượn ở Chiêm, vì truyện ấy không thấy ở sách Tàu (xem Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, q. XXI, trang 277 và 281). Lại đến truyện Dạ Soa ở sách Lĩnh Nam Trích Quái, làm từ thế kỷ thứ mười bốn (xem Bulletin de l’Ecole française, q. XXI, trang 277) và truyện Chúa Ôn, trong Truyền kỳ mạn lục, làm từ thế kỷ thứ mười sáu, cũng mượn ở truyện Râmâyana ở Chiêm Thành. Nguyên truyện Râmâyana của người Ấn Độ, truyền cho người Chiêm, rồi ta lại chép lại của người Chiêm. Truyện này cũng chưa thấy ở sách Tàu.
Còn thơ văn thì lại không thể không có được, khi xa nhà xa nước, lúc đau lúc khổ, sầu não âm thầm, tài nào chẳng phải phát ra ngôn từ để giãi nỗi đau đớn cùng thanh thiên bạch nhật. Những thi ca ấy lẫn vào phong dao tục ngữ mà ta không biết chọn lọc riêng từng câu ra lại khó hơn môn ngữ ngôn. Nay xin tạm kể mấy câu phong dao, vài bài thơ cổ của ta, nhân có việc ngang mắt đối với người Chiêm mà phát xuất. Nguyên về đời Trần Anh Tôn có gả bà Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm tên là Chế Mân. Các quan có nhiều người can mà vua không nghe. Người đương thời cho là một việc nhân duyên ép uổng. Dân gian làm ra phong dao để chế giễu, đại khái những câu: “Hoài cành ngô cho cú đậu, hoài bột lọc cho ngâu vầy”, “Tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho thằng Mán thằng Mường nó leo”. Các văn nhân thì mượn việc nàng Chiêu Quân giá Hồ, vịnh ra thơ quốc âm để ngụ ý trào phúng và thương tiếc giai nhân…
Kinh tế. – Đến như kinh tế là vấn đề quan hệ cho một xã hội, các triều vua ta, ngay từ hồi mới tự chủ cũng đã lưu tâm đến, đều cho việc khẩn hoang và di dân là trọng yếu; nhân thế mà biết lợi dụng nhiều nhân công Chiêm Thành. Ngay từ đời Lý Thánh Tôn, trận đánh Chiêm năm Minh Đạo thứ ba (1044), lúc khải hoàn, đem về hơn 500 người, cho đến ở trấn Vĩnh Khang, vào mãi Đăng Châu (ở vùng giáp Thanh Hóa, Ninh Bình), cho đặt ra từng hương, ấp theo tên Chiêm Thành để cho bọn dân mới khỏi động lòng tư hương. Đến đời Lê Thái Tôn, đầu thập ngũ thế kỷ, có một bọn Chiêm là Phan Ất, cả trai lẫn gái tới hơn 300 người quy phụ cho ở rải rác khắp các đạo. Năm Hồng Đức (1470-1497) đầu đời vua Lê Thánh Tôn, giữa trận cuối cùng mà nước Chiêm bị tiêu diệt, vua Chiêm và họ hàng vợ con thì cho ở ngoài cửa ô Bảo Khánh. Cửa Bảo Khánh không biết đích vào làng nào quanh Hà Nội, nhưng có lẽ ở vào cửa Nam hậu Giám, vì có chỗ nói cửa Bảo Khánh gần phường Bích Câu (xem sách Cương mục, q. 25, tờ 29). Còn các binh đinh thì hoặc cho đi làm ở trang trại của các thế gia, thế thần, hoặc cho lập trang trại riêng. Ấy trong các quan sử chỉ mới tìm được có mấy việc ấy. Nếu ta lấy ở các dã sử và phả ký từng nhà thì còn nhiều chỗ nói đến việc di dân; xin kể qua mấy làng gần Hà Nội về phía Tây Hồ có trại Nhật Tảo, xưa kia tên là Nhật Kiểu, sau kiêng chữ húy đổi ra Nhật Tảo. Tương truyền trại ấy là nơi an trí người Chiêm khi xưa. Cách tỉnh lị Hà Đông độ 20 cây số (km.) có làng Nhân Hòa cũng là một trại cho người Chiêm ở khi xưa. Theo bài địa dư ký làng Tả Thanh Oai (tờ 57) của cụ Ngô Đạo trong bộ Ngô Gia Văn Phái “Làng Tả Thanh Oai khi xưa rộng lắm, tiếp giáp mãi tới làng Hạ Thanh Oai (tức là làng Thượng Phúc bây giờ) về hồi Thuận thiên triều Lê (đầu thập ngũ thế kỷ), dân thôn Phúc Lâm phiêu lưu, ruộng đất bỏ hoang, mãi đến năm Hồng Đức sau trận đánh Chiêm, đem người Chiêm cho lập trang trại ở đấy, gọi tên là Lã Xuyên trang, đến năm Cảnh Hưng Quí Tị (1773) nhân sửa sổ đinh, đổi làm xã Phú Điền, bây giờ là làng Nhân Hòa…” Ở xa Hà Nội thì về vùng Thanh Hóa còn có nhiều dấu tích các làng dân Chiêm. Như trong sách Sơn cư tạp thuật có nói: “Mấy trang trại ở đồn Yên Định tiếp giáp huyện Cẩm Thủy là những nơi vua Lê Thánh Tôn an trí người Chiêm, dân những làng ấy đều là di chủng Chiêm Thành”. Trong mọt quyển gia phả một họ Võ kia ở Thanh Hóa có nói chính tổ tiên họ ấy là người Chiêm Thành, theo vua Lê Thái Tổ ra khai quốc có công, sang ở xứ ta, đến đời Hồng Đức được phép cho con cháu khai khẩn ruộng hoang, tất cả đến 38 trang trại, ở rải rác cả vùng từ Ninh Bình vào Thanh Hóa. Người Chiêm qua lại xứ ta nhiều như thế, về sự buôn bán giao dịch tất thịnh, không cần phải nói. Lại nhân việc di dân mà xứ ta có thêm nhiều giống lúa cấy về mùa nực là các giống lúa chiêm bây giờ. Mới nghe nói lúa chiêm là của Chiêm Thành mang sang ta, ai cũng phải cho là ức thuyết, bất quá tiếng chiêm là phản nghĩa tiếng mùa; và không nhẽ từ xưa người mình là một dân canh nông mà lại không tự tìm được giống lúa để cấy hai mùa. Về lúa Chiêm Thành không những sách ta nhiều chỗ nói mà sách Tàu cũng nói phân minh. Những sách ấy toàn là sách có giá trị cả: Sách Vân đài loại ngữ của cụ Lê Quí Đôn có nói: “Lúa của nước Chiêm ở ta, hạt trắng cấy về mùa nực…” Trong sách Nam sử tập biên (q. 8, tờ 4) của cụ Vũ Văn Lập, nói lại rõ hơn: “Nước ta liên tiếp với Chiêm Thành, được nhiều giống thóc ở Chiêm mang sang, cho nên lúa cấy mùa nắng có nhiều giống mà gọi là lúa chiêm, chừng tất cả có tới 35 thứ…, nhưng đại khái có hai giống thông dụng là lúa chiêm hẩm và lúa chiêm dự…” Sách Tàu cũng chép lúa cấy mùa hè là lúa lấy giống ở Chiêm Thành, nên gọi là lúa Chiêm Thành. Theo sách Tương sơn dã lục, “vua Chân Tôn nhà Tống lưu ý đến việc thóc lúa, nghe nói nước Chiêm Thành có giống lúa ưa cấy về mùa nắng, khoảng năm Đại trung Tường phù (1008-1018), sai sứ đem tiền sang Chiêm Thành mua được ba vạn hộc đem về làm giống, từ đó nước Tàu mới có thứ lúa gọi là lúa Chiêm”. Nguyên dân ta về đời thượng cổ chỉ chuyên nghề săn bắn và đánh cá, nghề cày cấy ở đâu lại? Triệu Đà mang ở Tàu sang. Thế mà nước Tàu mãi thế kỷ thứ mười một mới có giống lúa chiêm, không lẽ giống lúa ấy qua Tàu rồi mới sang ta từ lúc chính nước Tàu chưa có. Vậy theo sách và tiếng nói thì ta thâu nhập giống lúa ấy của Chiêm trước nước Tàu hơn trăm năm, ngay từ hồi mới bắt đầu giao thiệp với người Chiêm.
Mỹ thuật. – Đến phương diện mỹ thuật hay mỹ nghệ nước Nam thì những lời phán đoán trong cách sách Tây chưa có thể cho là định bình được. Sách Tây có nói: “Người An Nam không thể gây thành được một cái mỹ thuật riêng, vì nước Tàu đối với tư tưởng của người An Nam vẫn có cái thế lực chuyên chế. Triết học, tôn giáo, văn chương, âm nhạc, pháp luật, phong tục, hết thảy cái gì cũng là Tàu cả, đến nỗi xét cho cùng, thật không có một thứ chi ở nước Nam mà không có kiểu, có mẫu ở bên Tàu. Tuy trong các công trình của người An Nam làm ra, nhận cũng có cái vẻ mỹ miều khả ái, thanh thoát dịu dàng, tức là cái đặc sắc của người An Nam; song dù đồ chơi cũng vậy, dù đền đài cũng vậy, cái sáng ý (conception), cái văn thể (style), cách điểm xuyết (détail ornemental) cũng là thuần do lối Tàu cả…” (Theo bản dịch trong Đông Thanh, số 3, trang 141).
Có thực như thế không? Thiết tưởng chưa xét hết các phương diện thì câu kết luận ấy có lẽ vội quá. Ta hãy lấy mấy điều thực đích xác mà cùng xem xét thì nhất là về mỹ thuật, ta lại càng hiểu rõ nước ta không những chỉ hấp thụ văn hóa Tàu mà cả văn hóa các nước láng giềng miền Nam, nhất là của người Chiêm Thành là người làm môi giới cho ta mạnh nhất.
Về mỹ nghệ, người ta thường chia ra làm hai hạng: một hạng thuộc về hình sắc, gồm cả hội họa, điêu khắc và kiến trúc; một hạng thuộc về thanh âm, gồm cả ca vũ và âm nhạc. Về ca vũ thì thật viển vông quá, khó lòng mà biết được. Vì chính ngay ca vũ ở Chiêm Thành đã không ai biết thế nào, huống chi lại đến ca vũ ta cũng chưa có ai lưu ý suy xét. Nhưng về âm nhạc thì thật may, cũng còn lại ít nhiều điển cố giúp ta để dò ra manh mối.
Trước khi tìm xem âm nhạc Chiêm Thành, nhất là các nhạc khí có còn di lưu ở xứ ta chút nào không, thiết tưởng nên xét qua xem âm nhạc Chiêm Thành có giá trị gì và có vào xứ ta bao giờ không? Cứ lấy ý mà suy thì nước Chiêm Thành ở vào quãng giữa con đường giao thông nhớn, tất hấp thụ được nhiều ảnh hưởng Ấn Độ, chắc âm nhạc có vẻ hùng hồn hoạt động. Theo một quyển sách của giáo sư P. Demiéville đã khảo cứu kỹ về “Âm nhạc Chiêm Thành ở Nhật Bản” (La musique chame au Japon) thì ngay từ đầu thế kỷ thứ tám, nhạc Chiêm Thành đã thịnh hành ở Nhật Bản, gọi là Lâm Ấp nhạc, tiếng Nhật đọc là Rinyugaku, thuộc về loài vũ nhạc bugaku nghĩa là vừa múa vừa đánh nhạc. Nhưng mà thứ nhạc ấy từ Phù Nam sang qua Tàu rồi mới sang đến Nhật. Bắt đầu từ thế kỷ thứ mười một giở đi thì Lâm Ấp nhạc ở Nhật Bản đã gần mất hết cái đặc sắc mà lẫn vào nhạc Tàu, chỉ còn giữ có cái hư danh Rinyugaku mà thôi. Theo sử ta thì có lẽ vua ta cũng đã thưởng thức cái giá trị âm nhạc ấy mà đem về ta nhiều lần.
Năm 1044, vua Lý Thái Tôn đi đánh Chiêm Thành, kéo quân hạ thành Phật Thệ (Vijaya), bắt các thần thiếp vua Chiêm là Sạ Đẩu và chọn những người cung nữ giỏi múa hát, bắt diễn khúc Tây Thiên; (Xem sách Toàn thư, q. 2, tờ 42) mang về cho ở cả trong cung, năm sau làm cung điện riêng cho bọn nữ nhạc ấy ở. Đến đời vua Lý Thánh Tôn (1060), nhân có nữ nhạc ấy, đem tuyên diễn các khúc Chiêm Thành, rồi tự bắt chước phổ vào âm nhạc ta cho nhạc công đánh (Xem sách Toàn thư, q. 3, tờ 4). Mãi đến đời Lý Cao Tôn (1200) “có lệnh sai nhạc công chế các khúc nhạc đặt tên là nhạc Chiêm Thành; sử chép tiếng nhạc này, thanh oán ai thương, khiến ai nghe thấy cũng phải chau mày rơi lệ” (Xem sách Toàn thư, q. 4, tờ 33). Nhân khúc nhạc Chiêm Thành ấy, nhà sử học Ngô Thì Sĩ trong sách Việt sử tiêu án (quyển 1, tờ 123) có bình phẩm, đại ý như sau này: “Âm nhạc là ảnh hưởng của chính thể một thời. Cổ nhân chế ra nhạc cốt để hình dung đức tính bậc vua hiền. Âm nhạc nước ta, tiếng thổ tiếng cách khác nhau, nhưng đều là thiệt âm và hầu âm, nên bắt chước nhạc Tàu thì tương tự hơn, thế mà lại đem nhạc Chiêm Thành phổ vào nhạc mình, thấy đầy rẫy những tiếng ma, tiếng ri, khác gì chim kêu vượn hót…”
Muốn biết các nhạc khí của Chiêm Thành còn di lưu ở ta thì phải xem nhạc khí của ta mà ta thường thấy có những gì: nào trống cái, trống con, trống mặt, trống khẩu, chiêng, kiểng, mã-la, cồng, lệnh, sáo, trống cơm, sênh, phách, sênh tiền, hồ, nhị, đàn; đàn thì có nhiều thứ, đàn nguyệt, đàn cầm, đàn đáy, v.v… Nếu đem suy xét từng thứ một, thì thực chưa phải là lúc đã nghiên cứu nổi vì còn thiếu nhiều tài liệu. Hiện chỉ mới biết được trong các nhạc khí ấy có hai thứ chắc hẳn là di tích của người Chiêm ở xứ ta, mà dám đoán định không thể sai được, vì đã tìm được điển cố đích thực lắm: ấy là cái sênh tiền và cái trống cơm mà ta còn thường mắt thấy tai nghe ở các đám rước, đám hội. Trong sách Thiên nam dư hạ tập, về mục nhã nhạc, có chép cái long sinh, tục gọi là sênh tiền. Sênh tiền làm bằng hai miếng tre, một đầu chạm rồng có đeo nhạc đồng và tiền đồng, khi đánh nhạc ấy phải vừa múa vừa đánh, để cho tiếng nhạc hợp với dịp múa. Cái sênh tiền của ta tuy mới thấy xuất hiện ở trong một bộ sách làm từ đời Lê Thánh Tôn, thế kỷ thứ mười lăm, nhưng an tri không phải từ Lý, Trần để lại. Cách đánh sênh tiền bây giờ cũng như ngày xưa, phải vừa múa vừa đánh như lối Lâm Ấp nhạc. Vậy ta còn ngờ gì không phải là một thứ của Chiêm Thành thâu nhập và di lưu ở xứ ta?
Theo sách Vũ trung tùy bút của cụ Phạm Đình Hổ (q. 1, tờ 6-10), trống cơm chữ gọi là yêu-cổ, tang trống như cái thùng nhỏ mà dài, đánh cả hai mặt một lúc, khi đánh phải dán hai miếng cơm nếp vào giữa hai mặt trống thì mới có tiếng kêu, tại thế gọi là trống cơm. Khi đánh trống cơm, tuy không cần phải múa nhưng cũng phải dún dẩy. Trong sách An Nam chí lược có chép rằng: “Vào hồi đầu thế kỷ thứ mười, âm nhạc đám ma nước Nam có một thứ nhạc khí tên là Phạn-cổ-ba là một vật từ Chiêm Thành mang lại” (Xem bản dịch của ông C. Sainson, trang 94). Vậy Phạn-cổ-ba hay Phạn-chiêm-ba tức là cái trống cơm ta còn trông thấy ngày nay.
Về phương diện điêu khắc thì nhờ có nhiều di tích người Chiêm còn lại ở suốt dẻo Trung Kỳ, nên có thể biết được nhiều điều đích xác hơn các phương diện khác. Chúng ta thăm các danh lam cổ tích, nhất là các đền đài thờ các vua, quan đời Lý, Trần cho đến lúc Lê sơ, thường thấy có tượng phỗng quì, để ở trước hương án. Như đền Lý Bát Đế ở làng Đình Bảng bên Bắc, làm từ đời Trần. Đó là nơi thang mộc các vua Lý, có công đi đánh Chiêm Thành, mở mang bờ cõi, trừ di họa cho con cháu về sau. Đình và đền làng Yên Sở cùng làng Dương Liễu ở Hà Đông, thờ đức Lý Phục Man, cũng là một vị đại tướng đời Lý, có công bình Chiêm. Lăng ông quận Nguyễn Diễn ở cạnh chùa Lim cũng có tượng phỗng bằng đá, vì ông cũng có công đi đánh Chiêm. Tượng phỗng nào cũng mắt sâu bụng to. Cụ Lê Quí Đôn cho là “người nước Ngưu-hống hay là lực sĩ Chiêm Thành” (Xem sách Kiến văn tiểu lục, q. 2, tờ 33). Nếu ta đem những tượng phỗng ấy mà so sánh với các tượng đá mới đào được ở Tháp Mẩm, tỉnh Bình Định, hiện bày ở viện Bảo tàng Hà Nội, thì nào mắt, nào trán, nào bụng, nào các bắp chân, bắp tay, rõ ràng hệt giống như nhau, ai cũng phải bảo là của tay một người thợ tạc ra. Các tượng phỗng ấy đối với chúng ta có nhiều ý nghĩa: nào là ảnh hưởng của người Chiêm trong mỹ nghệ nước Nam; nào dấu tích vũ công của tổ tiên ta.[2]
Thứ chi đến lối điểm xuyết trong nghề điêu khắc nước Nam cũng có nhiều ảnh hưởng mỹ nghệ người Chiêm Thành. “Mồng tám tháng ba, đi vào hội Láng giở ra chùa Thầy”, khi đến chùa Thầy, ta đứng lại ngắm cái bệ đá trước bàn thờ chính. Nhất là các sư hình quỉ quái ở các góc chân quì; nào nét chạm trổ, nào hình uốn cong, không khác gì những hình garuda ở các bệ thờ bằng đá ở Mỹ Sơn và ở Đồng Dương của người Chiêm. Chùa Thầy chữ gọi là chùa Thiên Phúc, ở vào làng Thụy Khê, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây bây giờ, làm từ thế kỷ thứ mười một. Chùa có thờ đức Từ Đạo Hạnh, là một vị cao tăng, đã từng du phương các xứ miền tây nam, vì có trí sang học đạo bên Thiên Trúc, khi đắc đạo về tu hành ở chùa ấy. Theo tục truyền, ngài thoát xác ở trên núi Sài Sơn, hóa kiếp làm vua Lý Thần Tôn, nên trong chùa này có thờ cả vua Thần Tôn. Trước bàn thờ vua Thần Tôn có hai tượng phỗng to, vì vua Thần Tôn có công đánh đuổi người Chiêm Thành sang xâm lấn đất ta. Nhân thế chính các nhà khảo cổ Tây, như ông G. Dumoutier, H. Parmentier cũng đều muốn công nhận rằng: phần nhiều đền đài cổ ở Bắc Kỳ có chịu ảnh hưởng văn hóa của người Chiêm. Cái bệ đá ở bàn thờ trên chùa Thầy thì ông J. Y. Claeys đã kê cứu, cho bệ ấy là chính của các người thợ Chiêm Thành bị bắt về ta làm ra (Xem bài L’autel de Thiên-phúc của ông Claeys trong Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, quyển xxviii, trang 485). Không những ở chùa Thầy, gần đây nhân biết mang mối di tích garuda ở chùa Thầy, người ta lại mới tìm ra ở một vài nơi khác, cũng có dấu vết người Chiêm, như ở động Kính Chủ thuộc phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Tháp chùa Báo Thiên[3] của vua Lý Thánh Tôn sai làm, xưa nay vẫn truyền là một vật trong bốn “trọng khí” của ta.[4] Theo sách An Nam chí lược của Lê Tắc làm từ năm Thống-nguyên Ất Mão (1333) thì ra tháp chùa Báo Thiên là một kỳ quan thuộc về mỹ thuật của các người thợ Chiêm Thành làm ở xứ ta. Sách ấy (quyển 1, trang 6) có chép như sau này: “Tháp ở chùa Báo Thiên: khi xưa vua Thánh [Tôn] nhà Lý sang đánh Chiêm Thành, bắt được nhiều người thợ biết xây tháp. Nay ba tầng phạng-hạ (?) gọi là tháp Thiên-tư Vạn-thọ. Lấy đồng đúc cái chỏm tháp gọi là Đao lợi thiên. [Trayastrimça, lại có nghĩa là đỉnh núi Tu-di; đỉnh tháp Diêm-phù-đề; xem Phật giáo đại từ điển, Ogiwara Unrai (trang 1108); sét đánh văng đi, không biết rơi vào đâu; sau người làm ruộng tìm thấy để lên, sét lại đánh đi”.
Nước ta lại còn có cả đền thờ một vị nhân thần người Chiêm. Ở làng Lý Nhân, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, có đền thờ bà Mỵ Ê là một vị cung phi nước Chiêm. Vào khoảng năm 1040, vua Lý Thái Tôn thân đi đánh Chiêm Thành, chém được vua tên là Sạ Đẩu, bắt một vị cung phi tên là Mỵ Ê. Khi hồi loan đến hành cung sông Hoàng Giang, tức là sông phủ Lý Nhân bây giờ, mật sai thị nữ gọi bà Mỵ Ê sang hầu thuyền vua. Bà Mỵ Ê phẫn uất, từ chối tâu rằng: “… Thiếp là người rợ mọi, không may nước phá nhà tan, chồng lìa chín suối, thiếp chỉ còn biết đợi chết mà thôi!” Sau liền lấy trăn tự quấn vào mình, lăn xuống sông tự tử. Vua Lý Thái Tôn khen là người trinh tiết, phong cho là Hiệp chính Hựu thiện Phu nhân, sau phương dân lập đền thờ. Đền ấy hiện còn, gần đền có một nơi gọi là lăng bà chúa, tức là mả bà Mỵ Ê. Hai nơi ấy thật đích xác là di tích người Chiêm Thành ở Bắc Kỳ ta. Tục truyền, mỗi khi buổi chiều giăng mọc, cảnh chiều quạnh hiu, thường vẳng nghe ở vùng bà Mỵ Ê tự tận khi xưa, có tiếng oán than sầu thảm.
Nói tóm lại, những di tích văn hóa người Chiêm Thành ở xứ ta, phần nhiều gốc tích ở văn hóa Ấn Độ; nước Chiêm Thành bất quá là người môi giới cho ta đó thôi. Còn tại sao mà lại khảo cứu về di tích của một nước đã bị đào thải diệt vong, thì xin mượn nhời kết luận của ông Nguyễn Văn Tố ở bài Nước Chiêm Thành, đăng trong tạp chí Đông Thanh (số 7, trang 392).
“Có người bảo: “Xưa kia nước Chiêm Thành sang phá hoại đất ta, nay bị tiêu diệt đi, cần chi phải nghiên cứu đến nữa?” Một nhà sử học đã đáp rằng: “Văn minh tức là cái bể lớn, gồm cả của cải trong một dân, bao nhiêu những phần cốt yếu cho sự sinh hoạt dân ấy, bao nhiêu những tinh lực của dân ấy, đều tụ họp cả vào đó. Điều đó thật quả nhiên như vậy; nên nhiều việc vốn là những việc xấu, việc sằng, làm cho các dân tộc khốn nạn khổ sở, như cái chính áp chế, cái chính phá hoại, hại cho người ta biết bao nhiêu, như vậy mà nếu những việc đó đã có giúp được phần nào vào sự văn minh, đã làm cho văn minh tiến được bước dài, thì cũng có thể dung thứ cho được, quên cái phần xấu phần ác mà chỉ nhớ đến sự ích lợi mà thôi”. Đồng bào ta nghiên cứu lịch sử Chiêm Thành, nên nhớ lấy cái phương diện đó, để giúp một phần vào cuộc tương lai nước nhà. Một nhà văn hào nước Pháp đã có câu rằng: “Ngày nay làm dân cũng vậy, mà làm người cũng vậy, phải cố công cùng sức, khổ sở nhọc nhằn, mới được phần hơn, mới khỏi trụy lạc…” Ta xem cái gương nước Chiêm Thành cũng đủ rõ”■
Chú thích:
[1] Các nhà khảo cứu Thái-tây cũng mỗi người viết một khác, đại khái: Cyamba (Marco Polo), Campe (Odoric de Pordenone), Tchampa (Aymonier), Campa (Bergaigne), v.v.; nhưng chữ Champa mà bây giờ phần nhiều người đều theo , là do ông Finot đã nhận là đúng hơn.
[2] Có người bảo từ đời nhà Hán bên Tàu đã có làm những tượng đá to quì, hoặc đứng hầu, hoặc dâng tước rượu ở các cổ mộ, ngay như mới ít lâu nay ở các ngôi cổ mộ từ đời Hán tìm thấy ở Thanh Hóa cũng có đào thấy các tượng ấy bằng đồng, nhưng xét kỹ các tượng đá đời Hán lục trong sách Kim thạch sách, quan thoại đọc là Kin che so, – là một pho sách có biên chép đủ các cổ khí, bi ký từ đời Hán, trải qua các đời Đường, Tống, Nguyên cho đến đời Minh bên Tàu – thì những tượng, như tượng ở Vũ thị tả hữu thạch thất, cùng Vũ lương thạch thất, đời Hán, v.v…, đều không giống các tượng phỗng Chiêm Thành ở các đền, từ ta. Vậy hãy xin ghi để khảo sát kỹ càng.
[3] Đây là cái cổ tháp ở chùa Báo Thiên về đời Lý, không biết đích xác ở đâu, có lẽ ở vào xóm nhà thờ bây giờ. Xin chớ nhầm với cái tháp con ở bờ hồ Hoàn Kiếm, trước cửa nhà dây thép, cũng có ba chữ báo thiên tháp, cái đó chỉ là một phần di tích của chùa quan Thượng Nguyễn Đăng Giai làm hồi Tự Đức.
[4] Bốn trọng khí của nước Nam tức là bốn vật kỳ quan thuộc về mỹ thuật của ta. Trong bài minh cái đỉnh chùa Phổ Minh ở trong sách Việt âm thi tập (q. 3, tờ 24) có nói: “Các ông già tương truyền nước ta có bốn trọng khí là: Tháp chùa Báo Thiên, Phật chùa Quỳnh Lâm, Đỉnh chùa Phổ Minh, Chuông Quy Điền. Nay chuông với đỉnh đều mất; chỉ còn tháp và phật hãy còn…” – sách Việt âm thi tập chép bài minh này của ông Nguyễn Trung Ngạn có lẽ sai, vì trong bài ấy có nói truyện đỉnh chùa Phổ Minh bị quân nhà Minh đời Vĩnh Lạc phá ra đúc súng mà ông Trung Ngạn sinh vào đời Trần Anh Tôn trước đời Vĩnh Lạc tới hơn một trăm năm. Nhưng ta có thể chắc rằng bài này làm từ đầu thập ngũ thế kỷ, vì sách Việt âm in vào năm Duyên Ninh thứ sáu là năm 1459.