Trần Hà
Bài đăng trên Tạp chí Phương Đông số tháng 8 năm 2023
Ngày 27 tháng 6 năm 1969, tạp chí LIFE của Mỹ đã đăng tải một bài viết kèm ảnh rất cảm động và gây nhiều tranh cãi ở thời điểm đó. Trên bìa tạp chí là hình ảnh một người lính trẻ và dòng chữ “Gương mặt của những người Mỹ chết ở Việt Nam: Con số tử vong trong một tuần”. Bên trong tạp chí là 11 trang khổ rộng có ảnh và tên của 242 lính Mỹ trẻ chết trong bảy ngày ở Việt Nam (từ 28 tháng 5 đến 3 tháng 6).
Người thanh niên trẻ trên trang bìa mới 20 tuổi, Gearing bị bắt lính vào tháng 5 năm 1968, khi mới tốt nghiệp phổ thông được một năm. Khi còn ở trường phổ thông, anh chơi bóng rổ trong đội của Trường Trung học Olympia ở Greece, bang New York. Trong bức ảnh, anh có mái tóc cắt như hồi học sinh trung học, tóc dài che trán. Nhưng cái nhìn của anh không có gì là vui vẻ cả mà mang vẻ của một người lính đã dạn dĩ trong chiến tranh. Anh chết do đạn pháo của đối phương bắn ngày 19/5/1969 ở một địa điểm gọi là Quảng Tín (nằm giữa Quảng Ngãi và Quảng Nam).
Còn nhiều người lính trẻ khác nữa. Đó là David L. Tiffany, y tá mới 19 tuổi, thiệt mạng ngày 28 tháng 5 năm 1969 trong một cuộc tấn công ở Long An. Cùng chết với anh là Patrick M. Dixon, 23 tuổi; Marvin C. Briss, 20 tuổi; Dick Whitney, 22 tuổi; Earl A. Goodman, 21 tuổi.
John W. Abbott, 21 tuổi, quê ở South Bend, bang Indiana, tử vong ngày 25 tháng 5 năm 1969 trong một cuộc tấn công bằng súng cối ở Quảng Trị. Đạn cối rơi vào kho đạn làm kho đạn bốc cháy và nổ liên hồi. Cùng tử vong với Abbott có Gary Carter, 19 tuổi; Daniel L. Pucci, 22 tuổi; và Jan Rauschkolb, 22 tuổi… Tất cả đều có trong tạp chí LIFE. Và còn nhiều người lính khác.
Tạp chí LIFE không chỉ cho thấy ảnh của một người lính hoặc vài bức ảnh của một người lính Mỹ (có tờ báo Mỹ đã đăng bảy ảnh của Gearing), mà đã đăng hàng trăm ảnh, hàng trăm gương mặt của những người lính Mỹ chết trận ở Việt Nam. Phần lớn các bức ảnh này là ảnh chụp trước khi nhập ngũ do các gia đình cung cấp, thường là những bức ảnh học sinh trung học mặc comple và đeo cravat, thanh niên tóc cắt ngắn, đeo kính gọng đen và những thanh niên mặc áo thụng và mũ dịp tốt nghiệp.
Trong số lính đã mất có 33 người mới 19 tuổi và 16 người mới 18 tuổi, tuổi mới lớn và cần được học hành.
Chú thích ảnh rất đơn giản: chỉ có tên, tuổi, binh chủng, quê quán. Tạp chí LIFE không đưa ra chi tiết nào về cuộc sống và cái chết của họ. Tuy nhiên, tác động của các ảnh và số lượng ảnh làm cho bài báo này trên tạp chí LIFE có ảnh hưởng lớn. Tạp chí đã cho thấy chiến tranh Việt Nam chỉ là chết chóc với thanh niên Mỹ và vô nghĩa.
Bài báo này xuất hiện đúng vào khoảng thời gian cuộc chiến tranh ở Việt Nam trở nên đẫm máu nhất. Cho đến thời điểm đó, số lính Mỹ chết ở Việt Nam đã lên tới khoảng 36.000 người. Dư luận Mỹ đã thấy hàng loạt ảnh chụp về cuộc chiến trên báo chí của mình, nhưng ít có những bức ảnh có tác động đến thế. Trong một bài phỏng vấn, Hal Buell, nguyên trưởng phòng ảnh của hãng thông tấn AP, đã nói: “Ý tưởng trưng bày bao nhiêu người lính, không chỉ con số, không phải danh sách tên, mà là bức ảnh của từng người lính, đã có tác động không thể tưởng tượng nổi… chỉ những khuôn mặt không thôi đã có tác động vô cùng to lớn… Khi được đăng trên báo, những bức ảnh này không rơi vào khoảng không, mà rơi vào một thời điểm và một thời gian. Thông thường, những bức ảnh có tác động đến thời điểm và thời điểm lại có tác động đến những bức ảnh”.
Phản ứng của công chúng Mỹ rất mạnh mẽ và lan nhanh. Nhiều người cho rằng đúng ra tạp chí LIFE phải làm việc này từ lâu rồi vì cho đến thời điểm đó, số thương vong của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam đã lên đến cả hàng chục ngàn người. Một số người căm giận cho rằng tạp chí LIFE “ủng hộ những người biểu tình chống chiến tranh, những kẻ phản bội tổ quốc”. Nhiều người Mỹ khác im lặng và cảm thấy cay đắng.
Toàn văn bài báo do Tạp chí LIFE đăng ngày 27 tháng 6 năm 1969 viết:
Những khuôn mặt trong những trang sau là khuôn mặt của lính Mỹ đã tử trận. Theo giấy báo tử chính thức, họ đã qua đời “liên quan đến xung đột ở Việt Nam”. Tên của 242 người được công bố từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 3 tháng 6, một khoảng thời gian không có nhiều ý nghĩa trừ một điều là khoảng thời gian đó có ngày Lễ chiến sĩ trận vong (Memorial Day). Số lính tử vong là con số trung bình cho bảy ngày ở giai đoạn này của cuộc chiến.
Bài báo này không có ý định lên tiếng thay cho những người lính đã mất. Chúng ta không thể nói lại một cách chính xác những suy nghĩ của họ về dòng chảy chính trị đã đưa họ đến bên kia thế giới. Từ những bức thư của một số người lính đã mất, chúng ta có thể nói rằng họ đã có suy nghĩ sâu sắc rằng họ cần phải đến Việt Nam. Họ cảm thông với người dân Việt Nam và thấy kinh sợ trước những nỗi đau to lớn của người dân Việt Nam. Một số tự nguyện kéo dài thời hạn chiến đấu; những người khác lại chỉ mong về Mỹ. Gia đình họ đã cung cấp hầu hết những tấm ảnh này và nhiều gia đình bày tỏ suy nghĩ rằng con họ và chồng họ đã hy sinh vì sự nghiệp cần thiết. Tuy nhiên, ở thời điểm mà con số lính Mỹ bị chết trong cuộc chiến này – 36.000 – tuy thấp hơn con số tử vong của người Việt, song đã vượt số tử vong trong chiến tranh Triều Tiên, khi đó đất nước chúng ta liên tục hết tuần này đến tuần khác chết lặng đi vì con số thống kê ba chữ số đã trở thành nỗi đau quặn của hàng trăm gia đình trên toàn nước Mỹ, chúng ta phải tạm dừng lại để nhìn vào những gương mặt. Chúng ta không chỉ cần biết bao nhiêu người đã mất, mà phải biết họ là ai. Gương mặt của những người lính tử trận trong một tuần, tưởng như vô danh tính với tất cả ngoại trừ gia đình và bạn bè, đều đột nhiên trở nên quen thuộc nhờ những bức ảnh chụp những đôi mắt trẻ trung này.
Cùng với việc đăng bài báo về gương mặt những người lính đã tử trận, LIFE đã đăng phản ứng của người dân Mỹ trong số ra ngày 18 tháng 8 năm 1969.
Một bạn đọc từ California viết: “Bài báo của tạp chí là tuyên bố hùng hồn đầy ý nghĩa về sự lãng phí và ngu xuẩn của cuộc chiến tranh (Việt Nam)”.
“Chắc chắn những thanh niên chết thảm thương này cao thượng hơn nhiều so với chính sách đối ngoại mà họ phải bảo vệ”. Đây là lời của một đại úy lính thuỷ đánh bộ Mỹ.
“Tôi khóc vì những người lính miền nam da màu. Họ đã chết vì mục đích gì? Vì ngôi nhà lợp giấy dầu, suy dinh dưỡng, thất nghiệp và suy thoái?”. Một độc giả từ bang Ohio viết cho ban biên tập.
“Khi nhìn vào những bức ảnh, tôi sốc vì thấy nét mặt tươi cười của một người quen. Anh ấy chỉ 19 tuổi. Có lẽ tôi không bao giờ nhận ra rằng người thanh niên 19 tuổi ấy đã phải ra đi vĩnh viễn”. Một độc giả khác từ bang Georgia gửi ban biên tập.
Một trung úy Thuỷ quân lục chiến từng là tiểu đội trưởng ở Việt Nam viết: “Tôi cảm thấy mình đang nhìn thẳng vào mắt của 11 người lính trong tiểu đội tôi, những người đã chết vì sự nghiệp mà họ cũng không hiểu là gì”.
Qua những bức ảnh đăng trên tạp chí LIFE, người Mỹ đã thức tỉnh và nhận thấy con em họ đang thiệt mạng không vì những mục đích cao cả nào. Sự việc này cũng góp phần thúc đẩy phong trào phản chiến và giúp chính quyền Mỹ hiểu ra rằng họ không thể thắng trong cuộc Chiến tranh Việt Nam và phải sớm rút quân khỏi Việt Nam.