Bạn đọc có thể đọc trực tuyến tại : https://elib.thuviennguyenvanhuong.vn/handle/TVNVH/247
Tuần báo Nam Kỳ địa phận do vị Giám mục người Pháp Mossard chủ trương thành lập. Tờ báo sống 37 năm với khoảng 30.000 trang báo, ra ngày thứ năm hàng tuần. Số đầu tiên ra ngày 26.11.1908 và số cuối cùng ra ngày 01.3.1945. Tuần báo Nam Kỳ địa phận đáng lưu ý ở chỗ tuy là “báo đạo” nhưng chỉ bàn về vấn đề đạo khoảng một phần ba, còn lại bàn về đủ mọi vấn đề của cuộc nhân sinh, thấy gì “hữu ích thì đem vô hết”; từ văn học dân gian (thai đố, chuyện giải buồn) đến thuốc bắc, thuốc nam, làm ăn buôn bán…
Tuần báo Nam Kỳ Địa Phận, cơ quan ngôn luận chính thức đầu tiên của người Công giáo Việt Nam chào đời, mở ra một kỉ nguyên cho Báo chí Công giáo Việt Nam. Trang bìa của báo có in huy hiệu của Toà Giám mục Sài Gòn. Tôn chỉ của Ban biên tập ở ngay số 01 ra ngày 26.11.1908. là: “Bổn quán kỉnh cáo, tòa báo đã ước ao cho con nhà Annam ta, đua nhau tấn tài, tấn đức, thông phần đạo, ngoan việc đời. Trong nhựt báo sẽ biện luận về những điều sau này: Đạo lý, phong hóa, bá nghệ, bác học và văn tín. Tờ báo có ý khai đằng văn minh cho nhân dân đặng tấn phát cho bề đạo việc đời đều thông thuộc”
Nam Kỳ địa phận là một trong những tờ báo Công giáo ở Việt Nam được đánh giá đạt phẩm chất chuyên nghiệp nhất, không những về tuổi thọ, mà còn về hình thức, nội dung và đội ngũ người viết có tâm có tài. Nhà văn Sơn Nam cho đây là bộ “bách khoa toàn thư” cần được nghiên cứu trong lịch sử báo chí quốc ngữ ở nước ta. Bởi lẽ, trong quá trình hoạt động, tờ báo đã có các trang mục chuyên sâu về các lĩnh vực trong đời sống đạo đời như: Châu tri Đức Giám mục (Thư chung phụng vụ quanh năm, thông tin nghị luận về những sinh hoạt của Giáo hội toàn cầu, Việt Nam và địa phận Nam Kì); Êvang (Phúc Âm các Chúa nhật quanh năm; lời bảo, lời bàn); Sự tích Chúa Cứu Thế (cuộc đời truyền giáo của Chúa Giêsu); Sấm Ký Chơn Tích (thuật truyện Cựu ước); Hạnh Thánh – Sự tích – Gương lành (tường thuật, bút kí); Gốc tích sự Đạo trong nước Annam (lịch sử truyền giáo Việt Nam,lịch sử các giáo phận, giáo xứ dòng tu, chủng viện, đoàn thể Công giáo); Phong hóa (phong tục tập quán, thế thái nhân tình); Thiên văn bác vật (Công văn, khoa học kĩ thuật, ngành nghề, mùa vụ); Truyện giải buồn (giải trí, giáo dục); Rao vặt, quảng cáo; Nhàn đàm, Hải Đàm;…Đặc biệt, tờ báo luôn duy trì một số trang dành riêng cho Sáng tác thi phú của bạn đọc bốn phương.
Truyện và tiểu thuyết trên Nam Kỳ địa phận chiếm một số lượng đáng quan tâm. Không kể các truyện, tiểu thuyết dịch và phóng tác từ phương Tây (chủ yếu là truyện Pháp), riêng truyện và tiểu thuyết lấy đề tài và nhân vật Việt Nam đã có gần 20 tác phẩm. Có tiểu thuyết phải đăng đến 4 năm mới hết, như Chết đi sống lại (hay là Mối thù mật nhiệm) của H.V.C. khởi đăng từ năm 1934 đến 1938 mới chấm dứt. Từ năm 1916, báo bắt đầu đăng các truyện dịch hoặc phóng tác. Cũng từ năm 1916, các tác giả Việt Nam đã xuất hiện, trong đó viết “khỏe” nhất là Phêrô Nghĩa, ông là tác giả các tiểu thuyết Mưa mai nắng chiều (1928), Đôi bước lưu ly (1928), Ôi là tự do (1931), Cha giết con (1932), Nhị độ mai (1933), và nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết khác. Tất cả đã giúp hình dung được phần nào quá trình phát triển và diện mạo của tiểu thuyết hiện đại Nam bộ nói riêng và của tiểu thuyết hiện đại Việt Nam nói chung những năm đầu thế kỉ XX.
Nguồn: Gió Biển / Dòng Trinh Vương Sài Gòn