Don Orberdorfer
Trần Bách dịch
Năm 1968, khi quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, Don Orberdorfer là phóng viên tờ Bưu điện Washington, một trong những tờ báo lớn nhất và có ảnh hưởng nhất nước Mỹ, đã có mặt ở Việt Nam. Ba năm sau, ông viết cuốn Tết, mô tả lại chi tiết cuộc tấn công. Tạp chí Phương Đông xin đăng lại đoạn kết của cuốn sách để độc giả thấy được quan điểm của một nhà báo Mỹ nói riêng và của dư luận Mỹ về cuộc chiến tranh. Để truyền tải nguyên vẹn thông điệp của tác giả, chúng tôi dịch nguyên văn bản gốc.
Bởi vì chiến tranh chưa kết thúc và kết quả vẫn còn chưa rõ, ý nghĩa của cuộc tấn công Tết (Mậu Thân) chưa thể hiểu hết được. Tuy nhiên, một điều đã sáng tỏ: lịch sử sẽ không bỏ qua cuộc tấn công này. Với nhiều người và với nhiều góc nhìn, cuộc tấn công Tết là một sự kiện mang tính xoay chiều, một bước ngoặt lớn trong thời đại chúng ta.
Câu hỏi đầu tiên nhất định được đặt ra cho những người viết biên niên sử về cuộc tiến công là ai thắng? Đến thời điểm hiện tại thì câu trả lời là không ai thắng cả. Quân Bắc Việt Nam và Việt Cộng đã thắng trận. Chính phủ Mỹ đã mất đi điều quan trọng hơn nhiều, đó là lòng tin của công chúng.
Với lợi thế nhìn lại sau ba năm, rõ ràng là lực lượng tiến công, đặc biệt là Việt Cộng nằm vùng, những người đã đứng mũi chịu sào trong cuộc chiến đấu và chịu nhiều mất mát, đã chịu thất bại quân sự đau đớn. Hàng vạn chiến sĩ tận tâm cống hiến và có kinh nghiệm chiến đấu xuất hiện từ những khu rừng ở vùng nông thôn đã gặp phải mưa đạn và thép ở thành phố. Việt Cộng đã mất đi một thế hệ chiến sĩ. Sau cuộc tấn công, ngày càng nhiều quân Bắc Việt Nam được điều đến miền Nam để chi viện. Cuộc chiến ngày càng mang tính chất của một cuộc chiến thông thường chứ không phải là một cuộc nổi dậy. Bởi vì người dân thành phố đã không nổi dậy chống lại quân nước ngoài và ngụy quân trong cuộc nổi dậy – quả thật họ đã không ủng hộ lực lượng tấn công – tuyên bố của cộng sản về quyền lực chính trị và đạo lý của mình đã bị giáng một đòn rất đau.
Tuy bị áp lực của cuộc tấn công, Chính phủ Nam Việt Nam đi không vững, nhưng không bị đổ và trên thực tế Chính phủ Nam Việt Nam đã trở thành một thể chế hiệu quả hơn so với trước. Sau cuộc tấn công, Chính quyền Sài Gòn đã tăng gấp đôi lực lượng quân sự của mình từ 670.000 lên 1.100.000 quân. Quá trình tổng động viên này, tuy được hàng loạt các hoạt động kinh tế và quân sự của Mỹ hỗ trợ, vẫn cần phải có quyết tâm chính trị mà từ trước đến nay Nam Việt Nam không hề có. Liệu Nam Việt Nam có thể tiếp tục duy trì mức quân và quyết tâm về mặt tâm lý này hay không trong bối cảnh sự ủng hộ của Mỹ giảm là câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời. Tuy nhiên, trước cuộc tấn công thì hình như không có cơ may nào có được quân số và quyết tâm như vậy.
Không một ai ở phương Tây dám chắc các lãnh tụ của Đảng Lao Động kỳ vọng sẽ đạt được điều gì trong cuộc Tấn công Tết và cái giá họ sẵn sàng trả là bao nhiêu. Điều chắc chắn là họ mong có chiến thắng vinh quang với quân lính của họ là một mong ước, nhưng điều khó có thể xẩy ra là các lãnh tụ Đảng có hiểu biết lại thực sự tin rằng họ có thể đạt được thắng lợi hoàn toàn. Một trong những mục tiêu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy là “thắng lợi mang tính quyết định” giống như trận Điện Biên Phủ năm 1954, chiến thắng có hậu quả chính trị có tính quyết định cho dù ý nghĩa về quân sự có thể rất hạn chế. Điều trớ trêu trong cuộc Tấn công Tết là Bắc Việt Nam và Việt Cộng thất bại trên chiến trường, nhưng lại giành thắng lợi chính trị ở nước Mỹ.
Chúng ta đã xem xét một cách chi tiết hoàn cảnh và những sự việc dẫn đến kết quả này: thái độ ủng hộ chiến tranh của người dân Mỹ bị xói mòn, đặc biệt trong năm 1967; sự khác biệt nguy hiểm giữa những tuyên bố chính thức và tình hình thực tế ở Việt Nam; lòng tin sụp đổ do cuộc Tiến công; sức mạnh của truyền thông điện tử đưa tin ngay lập tức những trải nghiệm và cảm nhận nhưng lại không truyền tải được góc nhìn khác nhau; phương thức làm việc của nền chính trị Mỹ trong năm bầu cử Tổng thống; những nỗ lực tồi tệ và không hợp thời của giới quân sự Mỹ nhằm có được nguồn lực lớn hơn sau cuộc tiến công Tết. Vì những lý do khác nhau, có thể tốt nhưng có thể không tốt, người Mỹ và hầu hết các lãnh đạo Mỹ đã đi đến kết luận là chiến tranh Việt Nam sẽ đòi hỏi phải có những nỗ lực lớn hơn và lâu dài hơn nhiều so với những cố gắng trước đó.
Mỹ và Việt Nam cách xa nhau về địa lý như bất kỳ hai nước nào trên trái đất và khác biệt về đặc điểm quốc gia, lối sống và cách suy nghĩ cũng rất lớn, nhưng nước Mỹ đã không hiểu được gì về đất nước mà mình đang xâm nhập. Cuộc Tiến công Tết là một thất bại về tình báo không chỉ vì thiếu thông tin mà còn vì thiếu hiểu biết và lòng tin. Giá như phong tục tập quán và lý thuyết về cộng sản Bắc Việt Nam, chưa nói đến tâm lý và chiến lược của họ, được chú trọng thì cuộc Tiến công Tết đã không phải là điều bất ngờ. Mỹ không bao giờ hiểu được kẻ thù của mình.
Về phía chúng ta, hầu hết cố vấn Mỹ đã không hiểu tại sao và làm thế nào mà những người đồng cấp với họ ở phía bên kia lại có thể lên được vị trí quyền lực và không có cách nào tìm hiểu được. Hầu hết các cố vấn và chỉ huy Mỹ hầu như chẳng hiểu gì về gốc rễ của cuộc xung đột ở nơi mình hoạt động. Họ cũng chẳng hiểu gì về tôn giáo hay tập tục của người dân. Họ không biết họ đang ở đâu, họ phải giải quyết vấn đề gì và họ phải đánh nhau với ai. Nước Mỹ đã ở Việt Nam 14 năm từ Hội nghị Geneva đến cuộc Tiến công Tết, nhưng do áp dụng cơ chế luân chuyển quân, sẽ gần với thực tế hơn nếu chúng ta nói rằng Mỹ ở Việt Nam 14 lần một năm. Chúng ta là kẻ ngoại đạo trong một sứ xở những người lạ mặt, hối hả khám phá vùng đất này hay suy nghĩ của người dân. Một vị tướng của chúng ta từng nói: “Trông họ giống nhau như một”.
Với báo chí Mỹ, sự kết hợp giữa các yếu tố kịch tính cao và ít hiểu biết đã tạo ra một thách thức rất lớn mà báo chí không có đủ khả năng và phương tiện để đối đầu. Các nhà báo cảm thấy có gì đó không đúng trong bức tranh các quan chức vẽ nên, nhưng lại không thể chỉ ra một cách cụ thể điều không đúng đó là gì. Không có đầy đủ mảnh ghép của tri thức, hành động và thái độ của các cá nhân thì sự việc dường như không có ý nghĩa gì. Tin rằng quan chức đã nói dối về tình hình hiện tại cũng như tương lai của cuộc chiến, không tin thông tin hay đánh giá của Chính phủ, không bị ngăn cản vì kiểm duyệt và thúc giục vì cạnh tranh, hầu hết các báo đều kết luận vội vàng khi sự việc xẩy ra một cách đột ngột ở các thành phố trước chưa từng bị tác động có vẻ như đã chứng minh luận thuyết của họ là đúng. Cuộc cách mạng điện tử giúp mang cuộc chiến đến phòng khách của người Mỹ qua vệ tinh, làm tăng sức mạnh và tốc độ của những mảng kinh nghiệm, nhưng không tăng sức mạnh và tốc độ của những đánh giá hợp lý. Những phân tích tức thời thường là những phân tích sai. Điều này đặc biệt đúng với biên tập viên và bình luận viên ở Mỹ. Nhiều người trong số họ am hiểu tình hình chính trị trong nước hơn là tình hình quân sự ở vùng chiến sự.
Lãnh đạo chính trị và quân sự trong Chính phủ Mỹ đã quen với những lời khen ngợi của báo chí trong thời chiến đã sửng sốt khi các nhà báo đã không chịu “vào cùng đội” trong cuộc xung đột Viêt Nam. Điều này khác hẳn với Chiến tranh Thế giới thứ Hai khi Edward Murrow đã lên máy bay quân sự bay qua Berlin và cảm thấy phấn chấn khi thấy “bom trả thù mạnh mẽ” rơi từ trên trời xuống, và George Hicks, phát tin qua đài truyền thanh trên bờ biển Pháp vào ngày quân Mỹ đổ bộ ở vùng Normandy, đã nói to với các pháo thủ: “Các cậu hãy cho chúng nó biết tay”, và mọi người đều vỗ tay khi máy bay của Đức Quốc Xã bị bắn rơi.
Mười lăm lính Mỹ đã được tặng Huân chương Quả cảm trong cuộc tiến công Tết kéo dài chín tuần, nhưng chẳng mấy ai hân hoan. Với cuộc chiến tranh này, điều có ý nghĩa với bức tranh của cuộc tiến công Tết là một vị tướng bắn vào một người đàn ông hai tay bị buộc sau lưng, lời nói hay được trích dẫn là câu nói dí dỏm của Peter Arnett ở Bến Tre: “Cần phải phá huỷ thành phố để cứu lấy nó” và giải Pulitzer duy nhất cho đưa tin một sự kiện xẩy ra trong thời gian cuộc Tiến công Tết được giành cho Seymour Hersh hai năm sau. Ông Seymour Hersh chưa bao giờ đến Việt Nam, tuy ông đã đưa ra công khai vụ quân đội Mỹ thảm sát hơn 100 dân thường ở Sơn Mỹ.
Một lý do tại sao báo chí không “cùng đội” là vì nước Mỹ đâu có “cùng đội” với nhau. Về thực chất, phóng viên là đại diện và thể hiện xã hội Mỹ và cũng như phần còn lại của xã hội Mỹ, họ đâu có cam kết sâu sắc gì mà cũng chẳng có nhiệt huyết gì để tham gia cuộc chiến. Khi các phóng viên hiểu thêm về Việt Nam, họ càng thấy bi quan và điều này dĩ nhiên có tác động đến công chúng. Quan điểm của công chúng lại quay trở lại ảnh hưởng đến báo chí.
Những bất ngờ trên chiến trường và những bước lùi chiến thuật đã đưa nước Mỹ đến những thời điểm khó khăn ở các cuộc chiến khác, nhưng không có tác động như Tết. Trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, nước Mỹ cũng đã có bước lùi quân sự chiến thuật nghiêm trọng hơn nhiều so với Tết và cũng bất ngờ như vậy. Tuy nhiên, lòng tin của dân tộc ta đã không sụp đổ khi 4.000 sĩ quan và lính đã bị giết, 17.000 người mất tích và 20.000 người bị thương trong hơn hai tuần trong trận chiến ở vùng Ardenne (Bỉ). Giữa chiến trận, tướng Dwight D. Eisenhower đã ra nhật lệnh, có đoạn viết:
“Vội vàng ra khỏi vị trí bảo vệ cố định, kẻ địch đã trao cho chúng ta lựa chọn chuyển ván bài lớn thành thất bại tồi tệ nhất. Do vậy, tôi kêu gọi tất cả những người lính đồng minh phải dũng cảm nhất, quyết tâm nhất và cố gắng nhất. Mọi người chúng ta hãy chia sẻ suy nghĩ duy nhất là phải phá tan quân địch trên bộ, trên không, ở mọi nơi – hãy tiêu diệt chúng. Hãy đoàn kết quyết tâm và hãy đoàn kết tin tưởng vững chắc vào cuộc chiến đấu của chúng ta. Với sự giúp đỡ của Chúa, chúng ta chắc chắn sẽ tiến đến những thắng lợi lớn nhất”.
Hai mươi ba năm sau, tướng William C. Westmoreland cũng đưa ra một nhật lệnh giữa cuộc tiến công Tết ở Việt Nam. Với giọng kiềm chế như trong một báo cáo công ty, nhật lệnh viết:
“Thái độ nhạy bén, tự khẳng định mình, tính chuyên nghiệp và lòng quả cảm trong từng cá nhân, từng đội nhóm và từng đơn vị, làm cho thanh danh của các bạn sáng lên”. Không có những lời kêu gọi phải “huỷ diệt kẻ thù” trong cuộc chiến tranh hạn chế này. Cũng không có từ nào đề cập đến “tin tưởng vững chắc vào cuộc chiến đấu của chúng ta”. Đâu còn sự tin tưởng như vậy. Dân tộc chúng ta không tận tâm cho cuộc chiến, và ngay cả ở thời điểm khủng hoảng, lãnh đạo dân tộc ta cũng không thể tạo ra tinh thần tận tâm như vậy. Cũng như trong chiến tranh Triều Tiên, lãnh đạo chúng ta đã không đốt lên ngọn lửa đam mê và cũng chẳng tạo ra được tinh thần thượng võ trong dân chúng. Nếu thành công, những nỗ lực này sẽ cải thiện thái độ kiên trì của người dân đối với cuộc chiến tranh hạn chế vì chính cuộc chiến vẫn huỷ hoại thái độ kiên trì bằng những hạn chế của nó.
Bất chấp những mỹ từ về nền độc lập của Nam Việt Nam, rõ ràng là Mỹ không có những nỗ lực lâu dài và đắt giá bởi vì khó cảm thông với một dân tộc mà chúng ta chẳng có mối liên kết lịch sử nào và hầu như chẳng có gì chung cả. Tuy có vẻ đáng ghét, cộng sản Việt Nam không phải là mối đe doạ rõ ràng đối với an ninh quốc gia Mỹ. Phải chăng nếu Việt Nam ở châu Phi hay Tây Á thay vì có đường biên giới với Trung Quốc, việc cộng sản lên nắm quyền thay thế người Pháp hay chế độ chống cộng trong nước cũng sẽ chỉ gây mối lo ngại thoáng qua. Mục đích trọng tâm của cuộc chiến là ngăn chặn cộng sản Trung Hoa, một hoạt động nối dài có vẻ hợp lý của vai trò sau chiến tranh của Mỹ là “vệ binh” ở đường biên chống chủ nghĩa cộng sản. Khi Cách mạng Văn hoá gây thiệt hại tại Trung Quốc và tranh luận về tư tưởng nổ ra giữa hai nước cộng sản lớn, cuộc chiến tranh càng mất dần lý do chính đáng. Càng ngày chúng ta càng thấy phong trào cộng sản Việt Nam cứng rắng hơn chúng ta tưởng và gắn kết xã hội và chính trị của Mỹ dễ bị tổn thương hơn là chúng ta vẫn biết. Đến thời điểm này, các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta đã cam kết sâu, hàng ngàn quân Mỹ đã bị giết và các nhà lãnh đạo khó có thể đảo ngược được đường hướng của nước Mỹ.
Cuộc Tiến công Tết là sự kiện quan trọng đầy kịch tính. Sự kiện này rõ ràng đòi hỏi Mỹ phải xem xét lại chiến lược của mình. Sự kiện này còn đòi hỏi các bên tham gia suy nghĩ lại về lập trường của mình. Ở Mỹ, Tết tạo ra lý do chính đáng để chúng ta đảo ngược lại thay vì cứ tiếp tục cuộc chiến tranh mà dân tộc chúng ta không sẵn sàng trả giá và thanh niên chúng ta không sẵn sàng hy sinh. Dân chúng và nhiều lãnh đạo nước Mỹ đã đi đến quyết định về cuộc chiến tranh trong cuộc tiến công Tết và họ đã mạnh mẽ phát biểu quan điểm của mình cho những người ở cơ quan công quyền. Đây là cố gắng nhằm sửa chữa những chính sách sai lầm, nhưng chỉ được thực hiện sau khi nước Mỹ đã bị những vết thương rất đau đớn.
Có một câu nói rất phổ biến là chiến tranh là một loạt sai lầm và theo cách nhìn này thì điều thích hợp là sai lầm của nước Mỹ phải do Mỹ gánh chịu ở nước mình. Cho dù bên nào “thắng” trong cuộc chiến tranh uỷ nhiệm của các cường quốc này thì cả hai bên đều mất thay vì được. Bất kỳ ai thắng cũng phải bắt đầu tìm cách chữa lành vết thương của một dân tộc bị tàn phá và chia rẽ, cứu vãn những gì còn lại của một lối sống, khôi phục lại những làng mạc lâu đời, những ngôi chùa cũ, tập quán tồn tại từ lâu và giải quyết những vấn đề liên quan đến thành phố mới và thế hệ mới. Với ruộng lúa và vườn cây ăn quả tươi tốt và người dân năng động, họ sẽ tìm được cách để giải quyết những vấn đề liên quan đến quá khứ và tương lai mà không cần sự giúp đỡ của chúng ta. Cuối cùng vấn đề sẽ là một giải pháp của người Việt Nam và chúng ta có thể sẽ không bao giờ hiểu tại sao họ lại đi đến giải pháp như vậy. Đến thời điểm đó, dân tộc ta, đã từ lâu đã chán chiến tranh, sẽ mất hết sự quan tâm đến kết cục của cuộc chiến và sẽ hỏi tại sao lại có nhiều thanh niên của chúng ta chết ở xứ sở xa xôi đến như vậy vì một mục đích mà không mấy ai có thể đặt tên là gì.
Sau thời kỳ đen tối này trong lịch sử Việt Nam, những người sống sót có thể nhắc lại cho chúng ta với giọng đầy trách móc lời của tổ tiên họ nói với nhóm người Pháp đầu tiên cả gan đi thuyền ngược sông Sài Gòn cách đây một thế kỷ ở giai đoạn đầu tiên của cuộc chinh phục của phương Tây: “Đất nước chúng mày nằm ở biển Tây, đất nước chúng tao nằm ở biển Đông”. “Ngựa khác trâu và vì vậy chúng ta khác nhau về ngôn ngữ, văn học và tập quán. Nếu chúng mày cứ nhất mực truyền lửa cho chúng tao, xáo trộn sẽ kéo dài. Nhưng hành động theo ý trời, chúng tao sẽ thắng”.■