Lê Hằng Nga (dịch)
Ngựa và voi không chỉ là những con vật quen thuộc trong đời sống mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa, tín ngưỡng và phản ánh một phần lịch sử của dân tộc ta. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu bản dịch bài báo “Ngựa và voi trong tín ngưỡng của người An Nam” đăng trên Tuần báo Indochine số 183 tháng 3 xuất bản năm 1944.
Gần đây, người bạn Lý Toét của chúng tôi đã huấn luyện ngựa của chùa. Chúng tôi cũng đã nói rất nhiều về những chú voi ở Campuchia và trên các cao nguyên. Với sự trợ giúp của Dumoutier, chúng tôi vui mừng làm sáng tỏ việc sử dụng những con vật này trong tín ngưỡng của người An Nam.
Trong các đền thờ Đạo giáo thờ các bậc thiên tài hoặc những vị thần vĩ đại (đền,miếu), chúng ta hầu như luôn chú ý tới hình tượng ngựa hoặc voi. Những con ngựa, với số lượng hai con, đôi khi kích thước to như thật, được làm bằng gỗ và gắn cố định trên một khung nhỏ có bánh xe. Phủ lên chúng là bộ yên cương và đồ trang trí bằng giấy sơn và mạ vàng, hoặc bằng vải thêu tùy vào sự giàu có của ngôi đền.

Chúng được đặt bên trong đền, ở mỗi bên cửa ra vào, trong những chuồng ngựa nhỏ được thiết kế riêng. Chúng được đưa ra trong đám rước và đặt ở phía trước bàn thờ. Bản thân ngựa trong các ngôi đền không phải đối tượng thờ phụng, và việc đưa chúng vào các ngôi đền Đạo giáo bắt nguồn từ ý tưởng rất suồng sã: các tín đồ, những người thường xuyên cầu xin sự trợ giúp của các vị thần để nhận được ân huệ từ Ông Trời, muốn tạo điều kiện thuận lợi cho các ngài thực hiện những cuộc hành trình dài để chuyển cầu bằng việc cung cấp một phương tiện di chuyển nhanh chóng và phù hợp. Trong ngôi đền lịch sử ở Đình Bảng, thuộc Từ Sơn (Bắc Ninh), xây dựng để thờ phụng các vị vua triều Lý, lăng mộ của các vua này nằm tại khu rừng gần đó, người ta thấy có một chuồng ngựa lớn, trong đó, tương ứng với mỗi triều vua là một con ngựa gỗ trang trí lộng lẫy, tất cả đều to như thật. Ở một khu vực khác là những mã chiến xa của các vị vua.

Nguồn: Bảo tàng Quai Branly
Các Phật tử tôn kính bạch mã để tưởng nhớ việc các sứ thần Trung Quốc được phái đến Ấn Độ để mang về những cuốn Kinh Phật đầu tiên dưới thời Hiếu Minh đế trị vì. Vào thời điểm này ở Trung Quốc, người ta đã thành lập vô số tu viện lấy tên là Tu viện Bạch Mã. Vào thế kỷ IX, trong khi An Nam vẫn còn bị cai trị bởi các tướng lĩnh Trung Hoa, hoàng đế nước Trung, ngỡ ngàng trước sự gia tăng quá mức của các tu viện trong quốc gia mình, đã yêu cầu kiểm kê chúng. Sử ký thời Đường chép rằng có 4.660 ngôi đền và tu viện do Nhà nước quản lý, và 40.000 ngôi đền được các cá nhân xây dựng. Đã có 260.500 tăng ni Phật tử và 150.000 nô lệ phân công phục vụ trong các tu viện Phật giáo.
Ở Hà Nội có ngôi đền Bạch Mã, tọa lạc tại phố Pavillons Noir (1) , là một trong số những ngôi đền cổ xưa nhất của thủ đô. […] Đền Bạch Mã ban đầu được xây dựng ở làng Long Đỗ, sau được di dời đến địa điểm ngày nay vào năm 1010 khi nhà Lý định đô tại làng, nơi cách không xa vòng thành phòng thủ Đại La, khu phố cổ của nhà cầm quyền Trung Hoa, và đổi tên thành Thăng Long.

Con voi ở Bắc Kỳ là biểu tượng của quyền lực tối cao, chủ yếu ở dạng phù điêu hoặc hình tròn, ở bên ngoài những ngôi đền dành riêng cho các vị vua hoặc vị thánh của hoàng tộc, luôn đặt ở mỗi bên và đặt bên ngoài cổng vào chính.

Những con voi trong chùa thường được làm bằng gạch hoặc đá; một số ngôi chùa có những con voi bằng gỗ gắn trên bánh xe, cùng với những con ngựa mà chúng ta đã nói đến, xuất hiện trong đám rước, được kéo bằng dây và có người cầm lọng. Cách đường cái quan không xa, trong khu vườn ngoại ô Hà Nội, có chùa Hai Bà – người thủ lĩnh Bắc Kỳ với vũ khí trong tay đã đánh đuổi quân Trung Hoa vào thế kỷ I. Hai người anh hùng này là chị em, đã được tìm thấy sau trận chiến đẫm máu tại địa bàn Sơn Tây gần sông Hát, mà kết quả trận chiến là một lần nữa đất nước rơi vào ách đô hộ của người Trung Hoa. Hai chị em chiến đấu trên lưng voi, đó là lý do vì sao người ta đặt tại đền thờ ở Hà Nội hai con voi có ngà tự nhiên mà truyền thuyết cho rằng đó là ngà thật của con voi Hai Bà dùng, được thu thập và giữ gìn sau trận chiến bằng một lòng yêu nước nồng nàn.

Ngựa và voi giấy cũng được đưa đến cõi vĩnh hằng bằng cách đốt cùng với quần áo, mũ, giày, thuyền, đồ dùng gia đình, thỏi vàng, bạc và tất cả những đồ vật khác luôn được làm bằng giấy mà người ta cho là dễ chịu hoặc hữu ích cho linh hồn, cho các vị thần mà người ta muốn thu hút hoặc để xua đuổi những ma quỷ xấu xa.

1. Tên gọi thời Pháp của phố Mã Mây. (ND)