Vũ Công Nghi
Làm báo vốn là một nghề cao quý, được xã hội cổ – kim, Đông – Tây đều hết mực trọng vọng. Trong lịch sử nước ta, nghề báo – kí giả mới chỉ bắt đầu phát triển vào khoảng cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, cùng với sự du nhập của văn hoá phương Tây. Giữa buổi giao thời, các giá trị lẫn lộn, nghề báo Việt Nam cũng có những ưu – khuyết điểm riêng mà người đương thời ít ai nhận thấy. Nắm bắt được thực tế đó, tác giả Vũ Công Nghi đã cho ra đời một bài viết đăng trên Trung lập báo, số 15911, ra ngày 25/7/1929, mô tả khái quát thực trạng nghề báo ở nước ta những năm đầu thế kỉ XX, đồng thời đưa ra những lời khuyên sâu sắc cho bất cứ ai muốn theo đuổi sự nghiệp báo chí lâu dài.
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Tạp chí Phương Đông xin trích đăng lại bài viết này giới thiệu tới quý độc giả.
Nghề làm báo là nghề thế nào? Là một nghề rất có giá trị, không những quốc dân tôn quí mà chính phủ cũng nể vì thật vậy, ở các nước bên Âu – Mỹ, một tờ báo có thể lập thành một chính phủ hay là đánh đổ một chính phủ được. Cái mãnh lực một tờ báo có thể gây nên một luồng dư luận chính đáng hay là không chính đáng trong dân gian.
Tờ báo mà ngôn luận công minh, chính trực thì đưa quốc dân, đưa số độc giả của mình vào đường ngay nẻo thẳng. Tờ báo mà sự ngôn luận ám muội, mập mờ thì đưa số độc giả của mình vào nơi hang sâu, xó tối. Tờ báo thật là cái câu dư luận của quốc dân. Nếu quốc dân đã có lòng tin cậy ở báo, mà tờ báo không làm trọn nghĩa vụ của mình, thì tờ báo thật đắc tội với quốc dân.
Nhiều tay chính trị ở các nước văn minh, ngày nay phần nhiều là những tay viết báo trứ danh xuất thân cả. Xem như Quan nguyên Thống lĩnh nước Pháp, nay làm Thủ tướng, là Poncaré, cũng là một nhà viết báo trứ danh. Ngài rất quí nghề làm báo, và đã nói rằng: “Tôi quí nghề báo vì là nghề mà tôi ưa nhất. Có lẽ một ngày kia, tôi cũng sẽ lại làm báo như khi trước”.
Tờ báo ở các nước văn minh có cái mãnh lực như thế và các bậc danh nhân thích nghề làm báo như thế là vì tờ báo nào cũng có một chủ nghĩa riêng. Những người giữ quyền ngôn luận trong tờ báo phải theo chủ nghĩa của tờ báo đã định, người bình bút của tờ báo không được làm sai chủ nghĩa. Những người bình bút đã biết “thờ” một chủ nghĩa như thế nên sự ngôn luận trong tờ báo không “quay như chong chóng” bao giờ. Vì cái tôn chỉ của tờ báo bất dịch như thế mới được lòng tín nhiệm của quốc dân, của độc giả mình.
Vả lại, những tay viết báo ở các nước văn minh là những tay học thức uyên thâm, lịch duyệt nhiều. Những bậc này biết “hoá” sự học của mình, không phải là quyền “tự vi sống”, nhét nhiều chữ vào óc, mà chữ vẫn không “tiêu”. Những bậc này lại là những người biết đem sự lịch duyệt của mình mà cảnh tỉnh người đời, chứ không phải là lấy “ranh vặt” mà loè người bịp dân.
Báo người ta có tôn chỉ nhất định, có chủ nghĩa quang minh như thế. Người làm báo của người ta thông kim bác cổ như thế, nên người ta hô hào, cổ động một việc gì là có hàng vạn người hưởng ứng ngay.
Nghề báo ở các nước văn minh đã tiến bộ như thế, mà trong nhiều nước (Anh, Hoa Kỳ, Pháp…) lại có trường dạy nghề làm báo, mong cho nghề làm báo ngày càng phát đạt hơn lên. Người ta phải mở trường dạy nghề làm báo như thế là vì nghề làm báo là một nghề rất khó. Văn nhật báo khác hẳn lối văn tạp chí.
Văn nhật báo là văn nghị luận việc thiết thời, việc xảy ra hàng ngày ở nước mình hay là ở trong thế giới. Văn tạp chí là lối văn khảo cứu, mất nhiều công tra cứu. Viết nhật báo cần phải mau như cắt chứ không có thì giờ mà “nặn” ra tư tưởng với gọt dũa câu văn. Nhật báo với tạp chí đại khái khác nhau như thế. Trong một bài khác kí giả sẽ bàn tường tận hơn. Thế mà xem ra, phần nhiều người vẫn không hiểu cái “luật” của nhà nghề!
Nghề báo ở các nước văn minh thì thế, còn nghề báo ở nước ta thì sao? Nghề làm báo ở nước ta hãy còn ở trong thời kì ấu trĩ, nên vẫn tồn tại nhiều sự khiếm khuyết. Báo phần nhiều không có chủ nghĩa nhất định, nay tán dương bọn người này, mai lại bài xích bọn người ấy, nay ca tụng việc này, mai lại chê bai việc ấy. Ngôn luận phần nhiều lại mập mờ, không thì là giọng loè, giọng bịp! Ngôn luận của nhà báo đã “quay như chong chóng”, trong quốc dân nhiều người đã phải thở dài.
Báo phần nhiều đã không có chữ nghĩa, người làm báo phần nhiều cũng lại tạp nham. Nhiều tiên sinh học thức đã chưa bằng ai, lịch duyệt chả có gì, viết được ít bài “bã mía”, ăn cắp ý hoặc của báo Tàu, đã tự đắc ngay là mình rành nghề báo lắm!
Nói có đúng ra thì nghề làm báo của nước ta hãy còn ở trong thời kì ấu trĩ, ta còn phải học nhiều để thâu thập lấy cái hay của người, tái hồi vào cái “rõ” của mình. Có được thế thì nghề báo ở nước ta mới mong chóng phát đạt được.
Kí giả muốn mong cho nghề làm báo nước ta chóng bước ra ngoài vòng ấu trĩ, nên cứ bình tĩnh nói như thế. Nếu có tiên sinh nào lại tự đắc là sành nghề làm báo rồi, không cần học của người nữa thì thật cũng đáng lo cho cái tương lai của nghề này lắm.■