Rằm tháng Tư Quý Mão 8/5/1963
Nguyễn Vạn Hồng
LTS: Ngày 8/5/1963, lực lượng quân đội và an ninh của chính quyền Ngô Đình Diệm đã xả súng và ném lựu đạn vào đám đông Phật tử đang biểu tình ôn hòa phản đối lệnh cấm treo cờ Phật giáo trong ngày lễ Phật Đản, khiến 8 Phật tử không vũ trang tử vong tại Huế. Sau vụ việc này, một loạt phong trào Phật giáo đã nổ ra nhằm chống lại sự đàn áp, phân biệt tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, kéo theo các phong trào bất tuân dân sự lan rộng khắp miền Nam Việt Nam, góp phần dẫn đến cuộc đảo chính lật đổ chế độ Diệm vào ngày 1/11/1963. Tạp chí Phương Đông giới thiệu với bạn đọc bài viết đăng trên Tạp chí Phổ Thông số 116 ra ngày 1/12/1963, trong đó tác giả Nguyễn Vạn Hồng, một sinh viên Phật tử và là nhân chứng vụ việc ngày 8/5, tường thuật đầy đủ vụ xả súng vào Phật tử tại Huế.
*
Sở dĩ cuộc tranh đấu của Phật giáo được lan rộng một cách mau chóng và được sự ủng hộ nhiệt liệt của toàn dân Việt Nam nói chung, và Phật tử nói riêng là nhờ ở mục phiêu[1] của cuộc tranh đấu đó có một ý nghĩa chân chính và thiêng liêng: Vấn đề triệt hạ lá cờ Phật giáo trong dịp đại lễ Đản sinh Đức Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni. Dĩ nhiên, là tín đồ chẳng ai bằng lòng điều đó. Ấy là nguyên nhân khơi nguồn cho cuộc tranh đấu kéo dài gần sáu tháng nay và kết thúc bằng cuộc giải phóng do các Tướng lãnh đạo, lật đổ chế độ gia đình trị họ Ngô.
Như hàng năm đại lễ Phật đản năm nay sẽ được tổ chức tại Huế cũng như hầu hết các nơi khác một cách đơn sơ mà long trọng, ít tốn kém mà trang nghiêm, bởi trước đó có chỉ thị của Tổng hội Phật giáo Việt Nam xét rằng phải tiết kiệm ngân quỹ tổ chức để dành tiền ấy cứu trợ nạn hỏa hoạn ở Vĩnh Hội (xảy ra mấy tháng trước đó). Trong tinh thần tôn trọng thông tư ấy, Phật giáo đồ tại Huế hoan hỉ tổ chức lễ Phật Đản khắp mọi nhà, mọi nẻo đường trong thành phố đều có treo cờ, đèn lồng, bày hương án, bái vọng và những khải hoàn môn nhỏ. Đùng một cái hồi 17 giờ 30 ngày 14 tháng 4 âm lịch (7/5/1963), Cảnh sát Thành phố Huế thừa khẩn lệnh thượng cấp đã bắt buộc dân chúng và tín đồ Phật giáo phải triệt hạ hết cờ Phật giáo xuống (mật khẩn lệnh này phát đi từ Tổng thống phủ, Sài Gòn). Đây chính là nguyên nhân của rất nhiều chuyện đáng tiếc liên tiếp xảy ra sau này.
– Phải lấy hết cờ Phật giáo xuống? Tại sao? Ai ai cũng đặt ra câu hỏi với vẻ mặt đầy ngạc nhiên trước hiện trạng được xem gần như lạ lùng đó. Bấy giờ có một số tuân theo lệnh lấy xuống, bởi người ta sợ tội vạ lôi thôi sau này phiền phức lắm, nhưng đa số tỏ vẻ cương quyết và gan lì hơn vẫn để cờ Phật giáo bay phất phới trước hiên nhà. Trong tình trạng giằng co chưa được ổn định đó thì Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, cùng với Hòa thượng Pháp chủ Tăng già Thích Thuyền Tôn và một số quý Thượng tọa khác có chân trong ban tổ chức lễ Phật đản, mà những người tiêu biểu như Thượng tọa Thích Trí Quang, Thượng tọa Thích Mật Hiển, Thích Thanh Trí cùng với quí vị đại diện của Hội Tăng già Trung Việt, quý vị Tăng già thuộc Hội Phật giáo nguyên thủy (Tiểu thừa) đã đến tại tỉnh đường Thừa Thiên để yết kiến ông Nguyễn Văn Đăng, Thị trưởng Thành phố Huế kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên.
Trong lúc cuộc tiếp kiến diễn ra trong linh đường thì bên ngoài có độ 5000 thiện nam, tín nữ đang tụ tập nóng lòng chờ đợi sự giải thích thỏa đáng của chính quyền. Bằng một lời lẽ có nhiều cảm tình với một tinh thần hiểu biết, ông Nguyễn Văn Đăng, Tỉnh trưởng Thừa Thiên kiêm Thị trưởng Thành phố Huế, đã giải thích trước đám đông ấy rằng: “Cảnh sát ở đây đã làm sai lệnh của thượng cấp”. Đồng thời ông tuyên bố là đồng ý để cho tín đồ Phật giáo treo cờ Phật giáo. Ngoài ra ông Nguyễn Văn Đăng cũng chấp thuận lời yêu cầu cho xe phóng thanh loan báo cho tất cả dân chúng Thành phố Huế được biết quyết định trên trước 20h30 đêm 14 tháng 4 âm lịch.
Rạng ngày hôm sau rằm tháng 4 âm lịch (8/5/63) ngày Phật đản vào khoảng 6 giờ sáng, các tín đồ Phật giáo trong thành phố đã kéo về từng Khuôn hội của họ và tập trung tại chùa Diệu Đế để rước Phật từ đây lên chùa Từ Đàm nơi được dùng làm lễ đài chính.
Đoàn người rước Phật khởi hành từ chùa Diệu Đế khoảng 6 giờ 30 sáng, nhưng rồi phải dừng lại ở giữa đường bởi lẽ có một số đông tín đồ Phật giáo đã trưng lên những tấm biểu ngữ bày tỏ nguyện vọng của mình mà không được hai thượng tọa trưởng và phó trưởng ban tổ chức cho phép. Các biểu ngữ được hạ xuống và bị quý thượng tọa tịch thâu cất đi. Nhưng có một câu biểu ngữ ghi là: “Cờ Phật giáo Quốc tế không thể bị triệt hạ” vẫn được các thanh thiếu niên Phật tử bảo vệ mang đi không chịu để hai thầy trưởng và phó trưởng ban tổ chức (Thượng tọa Thích Mật Hiển và Thích Thanh Trí) tịch thu. Đoàn người rước Phật vẫn lặng lẽ trong vòng kỷ luật trật tự từ từ diễu hành qua các con đường như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hoàng, Lý Thái Tổ rồi rẽ Lam Sơn đến chùa Từ Đàm. Không khí im lặng nặng nề đó bao trùm lên đoàn người diễu hành làm người ta liên tưởng đến một điều gì chẳng lành sắp xảy đến. Đó là cái ngậm miệng của những con hến, sắp bỏ vào nước sôi luộc. Lúc đoàn rước Phật gần đến bệnh viện Huế thì thượng tọa Thích Mật Hiển mới biết rằng còn một biểu ngữ chưa được tịch thu. Thượng tọa Thích Mật Hiển ra lệnh cho Phật tử hạ xuống, nhưng khi Thượng tọa đi qua rồi, họ lại giăng lên, họ lại trưng ra, trưng ra nhiều hơn nữa, mà nội dung hàm chứa những nguyện vọng có tính cách xây dựng như sau:
– Kính mừng Phật đản 15-4.
– Phật giáo đồ nhất trí bảo vệ chánh pháp dù phải hy sinh.
– Cờ Phật giáo Quốc tế không thể bị triệt hạ.
– Phật giáo đồ chỉ ủng hộ chính sách tôn giáo bình đẳng.
– Phản đối chính sách bất công gian ác.
– Đã đến lúc chúng tôi bị bắt buộc tranh đấu cho chủ trương tôn giáo bình đẳng. Chúng tôi không từ chối một hy sinh nào.
Đoàn rước Phật lên đến chùa Từ Đàm và rất được cảm tình của quần chúng hai bên đường, cái cảm tình đã được biểu lộ trên đôi mắt cũng như trên những nụ cười cởi mở trên miệng. Các gia đình Phật tử, các Khuôn hội đã vào sân chùa Từ Đàm xong. Người ta nhận thấy có sự tham gia của các đoàn thể Phật tử như Gia đình Phật tử, Sinh viên Phật tử, Học sinh Phật tử, Hướng đạo Phật tử, các Khuôn hội, các đoàn thể Phật tử tiểu phương và anh em quân nhân Phật tử. Khi tất cả các đơn vị, các hàng ngũ Phật tử đã ổn định vị trí của mình, Thượng tọa Thích Đôn Hậu trưởng Ban hướng dẫn đứng lên lễ đài, có sự chứng minh của các vị Hòa thượng Trưởng lão và cùng có sự chứng kiến của chính quyền thì Thượng tọa Thích Trí Quang ra giải thích mọi sự việc. Thượng tọa bày tỏ ý kiến rằng “Nguyện vọng của chúng ta rất thích đáng, và có tính cách xây dựng, không những ích lợi riêng cho Phật giáo mà còn cho các tôn giáo khác nữa, còn lợi ích cho cả chính quyền nữa”. Thượng tọa hứa sẽ đạo đạt ý nguyện chính đáng ấy lên chính quyền địa phương và Ngô tổng thống. Sau đó, Thượng tọa Thích Đôn Hậu làm chủ lễ và hành lễ tại lễ đài rồi đoàn rước Phật phân tán về các khuôn và giải tán.
Những cái chết thảm khốc
Vào khoảng gần 20 giờ tối ngày rằm (8/5/1963) các đường phố ở Huế đông đúc khác thường. Dọc theo các đường chính của thành phố người ta thấy đồng bào đi lại tấp nập. Đường Trần Hưng Đạo từ trên Phu Văn Lâu kéo xuống, từ Gia Hội kéo lên, rồi Mai Thúc Loan, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng kéo qua, tất cả đều kéo về Đài Phát thanh Huế. Đường Lê Lợi phía hữu ngạn từ dưới Vỹ Dạ lên, phía ga đổ xuống người là người. Họ kéo lên đi lễ Phật, hoặc nghe thuyết pháp, có người đi nghe phát thanh, vì trước Đài Phát thanh Huế có một diện tích tương đối rộng, đồng bào ở đây thường có thói quen tụ tập lại đây ngồi trên ghế đá vừa hóng mát vừa nghe phát thanh. Nhưng cũng cần nói là số thính giả ở trước sân Đài Phát thanh hôm nay đông hơn, bởi họ là những thính giả Phật tử. Họ đến để nghe chương trình phát thanh dành riêng cho Phật giáo (cũng như cho Công giáo khi có lễ Thiên Chúa giáng sinh). Vả lại trước đó Đài Phát thanh Huế đã loan báo trong chương trình là có buổi phát thanh đặc biệt về Phật giáo hồi 20 giờ. Trong chương trình ban tổ chức lễ Phật Đản tại Huế dự định sẽ cho truyền thanh lại nội dung của buổi lễ khi sáng được tổ chức tại chùa Từ Đàm và đã được vô băng nhựa. Tất cả những thính giả có mặt tại sân Đài Phát thanh cũng như những người lúc sáng không đi dự lễ ở chùa Từ Đàm được đều nóng lòng muốn nghe lại phóng sự của buổi lễ nhưng ai nấy đều thất vọng và ngạc nhiên, họ chỉ được nghe những bản nhạc không dính dáng ăn nhập gì đến Phật giáo và buổi lễ. Vì vậy, những người ở nhà nóng lòng cũng kéo đến Đài Phát thanh xem thật hư ra sao. Lúc đó vào khoảng 20 giờ 30, Phật giáo đồ kéo đến càng lúc càng đông, ước lượng non 15.000 người. Trên những con đường kế cận trước Đài Phát thanh cũng đông đặc. Cầu Trường Tiền không còn chỗ chen chân, ngã tư đường Lê Lợi – Nguyễn Hoàng trước Morin cũ bây giờ là trường Đại học Sư phạm đông như kiến thế mà người ta vẫn lần lượt kéo đến.
Thượng tọa hội trưởng Thích Trí Quang đến Đài Phát thanh thì được nhân viên Đài cho biết loanh quanh rằng máy phát thanh hỏng vì lý do kỹ thuật. Có lẽ vì tinh thần của buổi lễ khi sáng có những đụng chạm đáng tiếc ngoài ý muốn, hoặc vì “lời thật mất lòng” e gây nhiều xúc động trong quần chúng nên cuối cùng nhân viên của Đài cho biết rằng chính quyền không cho phát thanh.
Trong khi đó Quân vụ thị trấn Huế cho lệnh cấm trại các anh em quân nhân 100%. Thiếu tá Đặng Sĩ, tay chân của “cậu” Ngô Đình Cẩn, Phó tỉnh trưởng nội an kiêm tiểu khu trưởng Thừa Thiên, huy động lực lượng thiết giáp Bảo An cùng đại bác và xe cứu hỏa của cảnh sát Thành phố Huế, cũng rất đông cảnh sát quân cảnh, hiến binh bao vây đám đông mà họ gọi là đám biểu tình.
Trong khi đó toàn thể Phật giáo đồ vẫn tỏ vẻ bình tĩnh không dao động tinh thần, người ta bắt đầu bàn tán xôn xao. Thượng tọa hội trưởng Thích Trí Quang tuyên bố công khai rằng ông lãnh đạo cuộc tranh đấu đòi chính quyền địa phương cho phát thanh chương trình Phật giáo. Cuộc tranh đấu phải diễn ra trong tinh thần kỷ luật trật tự, với đường lối bất bạo động ngàn xưa của Phật giáo. Chúng ta, chính nghĩa phải thắng, lời Thượng tọa Trí Quang đi vào cuộc tranh đấu đã có sự ủng hộ của hầu hết quần chúng. Thượng tọa Trí Quang với vẻ mặt cương quyết nhưng một giọng hiền hòa, khuyên đồng bào hãy giữ bình tĩnh. Có vài thanh niên Phật tử trèo lên nóc Đài Phát thanh treo cờ Phật giáo, nhưng Thượng tọa Trí Quang đã cản ngăn kịp hành động quá khích đó, anh em vâng lời và lấy cờ xuống nộp cho Thượng tọa.
Trong lúc đó thì đồng bào Phật tử vẫn tiếp tục kéo về Đài Phát thanh Huế, không khí ở đây đã bắt đầu nóng sốt và có vẻ sôi động vô cùng. Quần chúng bây giờ ước lượng gần 20.000 người (cũng nên nhắc lại rằng hôm đó nhằm ngày thi Tú tài II nên anh em học sinh từ các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Tín có mặt ở đây khá đông vì còn đương nằm chờ kết quả loạt I).
Trong khi thầy Thích Trí Quang bày tỏ nguyện vọng và nhắc nhở đồng bào thì ở phòng trong có điện thoại reo báo cho biết ông Tỉnh trưởng Thừa Thiên kiêm Thị trưởng Thành phố Huế muốn nói chuyện với Thượng tọa. Thượng tọa Thích Trí Quang giao máy vi âm[2] lại cho anh Lê Khắc Tử đứng điều hành trật tự. Vài phút điện đàm trôi qua, Thượng tọa Trí Quang trở ra với vẻ mặt thất vọng cho biết ông Tỉnh trưởng không thể thỏa mãn nguyện vọng của chúng ta và ông ta có nhã ý đến đây để gặp tôi (lời Thượng tọa Thích Trí Quang) và đồng bào. Hy vọng rằng cuộc nói chuyện giữa tôi và ông Tỉnh trưởng sẽ đưa đến những kết quả tốt (lời Thượng tọa Thích Trí Quang).
Đồng thời Thượng tọa Thích Trí Quang yêu cầu các tăng ni và Phật giáo đồ đứng dẹp ra làm một hàng rào danh dự để nhường lối và đón rước ông Tỉnh trưởng vào. Chính kẻ viết bài này đã được hân hạnh nắm tay cùng quý thầy làm cái hàng rào danh dự đó. Nhưng chúng tôi lấy làm lạ là ông Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đăng đã đến phòng máy vi âm bằng một lối khác và không đi vào bằng lối rào danh dự do chúng tôi làm. Ngay khi ấy xe cứu hỏa cảnh sát đến xịt nước vào Phật giáo đồ. Đám đông la lối om sòm, và chạy tán loạn, chen lấn nhau tránh vòi nước – tưởng cũng cần nói thêm là vòi nước có một áp lực rất mạnh khiến cho những người đứng gần có thể ngã, rách áo hoặc ngất xỉu vì ngợp nước. Giữa lúc hỗn loạn, thầy Thích Trí Quang yêu cầu ông Nguyễn Văn Đăng nhân danh chính quyền ra lệnh cho nhân viên công lực ngừng xịt nước để đồng bào có thể thong thả ra về, và giải tán trong trật tự. Nhưng cũng là lần đầu tiên tôi thấy lời nói của một vị tỉnh trưởng kiêm thị trưởng chẳng có giá trị nào cả, nghĩa là anh em xịt nước vẫn ra sức xịt nhiều và mạnh hơn, coi lời nói của vị Tỉnh trưởng như pha. Thậm chí họ xịt ngay vô chỗ chúng tôi đứng làm hàng rào, tức là chỗ ông Thị trưởng đương vướng víu trong bộ quốc phục tấn thối lưỡng nan trước máy vi âm. Hai xe xịt nước mở đường cho một chiếc Jeep nhà binh đi vào ngay trước Đài Phát thanh, trên xe có 4 binh sĩ quân cảnh ngồi bồng súng gắn lưỡi lê, và Thiếu tá Đặng Sĩ đứng oai vệ tay mặt đưa cao với một khẩu súng lục. Ông Nguyễn Văn Đăng, Thị trưởng Huế, vừa chuyển lời yêu cầu của Thượng tọa Thích Trí Quang yêu cầu anh em quân nhân hãy hạ vũ khí xuống. Ông Đăng mới vừa cất tiếng: “Tôi nhân danh…” thì Thiếu tá Đặng Sĩ đã bắn ba phát súng ra lệnh, kế đó đạn đại bác liên tiếp nhả ra. Phật giáo đồ hoàn toàn náo động, mạnh ai nấy núp, mạnh ai nấy nằm, tiếp theo là lựu đạn cay, lựu đạn mảnh và súng trường, tiểu, trung liên thi nhau nhả đạn. Họ bắn xả vào Phật giáo đồ. Lúc đó như bầy ong vỡ tổ, Phật tử chạy tán loạn, số thì tìm đường rút ra các con đường, các hàng rào công thự, số khác chạy vào Đài Phát thanh lánh đạn. Một lần nữa ông Tỉnh trưởng kêu gọi anh em Bảo An ngưng bắn, nhưng kêu gọi làm gì? Nào ai tuân lệnh ông ta nữa?! Người ta lại còn nhận thấy những chiếc xe bọc sắt sơn màu đen đề chữ Ngô Đình Khôi màu trắng chạy tuôn vào đám đông một cách hùng hổ. Những người tử đạo trong vụ này phần lớn bị chà lên bởi những chiếc xe bọc sắt đó. (Lúc bấy giờ vào khoảng 22 giờ). Ông Tỉnh trưởng và Thượng tọa Thích Trí Quang phải rút lui vào trong Đài Phát thanh. Độ 20 phút sau, tiếng súng bắt đầu thưa thớt, kiểm điểm lại người ta thấy một số cửa kính trước Đài Phát thanh bị đập phá hư hại sơ sài và ba xe hồng thập tự chất đầy một số đông máu me đầy người chạy về phía bệnh viện Huế. Lúc bấy giờ mỗi đoạn đường đều có một toán lính súng lắp lưỡi lê hùng hổ xua đuổi mọi người tràn ra mỗi lúc một xa Đài Phát thanh, và mở một diện tích khá rộng chung quanh Đài, những chiếc xe bọc sắt án ngữ ở các ngã tư đường, ở hai bên đầu cầu Trường Tiền. Đồng bào bị mắc kẹt chưa có thể về nhà được…
Thế là máu đã đổ, đầu đã rơi, vì lý tưởng Phật giáo, dưới chế độ tàn ác dã man của gia đình họ Ngô và bè lũ tôi tớ của chúng.
Tiếng súng đã im dần, không khí đã phai đi mùi cay của lựu đạn khói, nhiều Phật tử đã trở lại Đài Phát thanh để tìm xem có bao nhiêu người đã bị thương và bị chết vì Đạo. Nhất là họ muốn hỏi xem tính mệnh của Thượng tọa Thích Trí Quang, linh hồn của cuộc tranh đấu của họ, có an toàn hay không. Họ lại cầm cờ, họ lại hô khẩu hiệu, họ phẫn uất, họ lên án, họ đòi biểu tình. Khi đó Thượng tọa Thích Trí Quang đã dùng một chiếc xe thông tin của Ty Thông tin Huế để giải thích và khuyên họ giải tán ra về, Thượng tọa còn hứa sẽ thân hành tổ chức một cuộc biểu tình có tổ chức hẳn hoi. Có những Phật tử đòi Thượng tọa ở lại với họ, không thì tính mệnh sẽ bị đe dọa. Chính tai tôi nghe một nữ Phật tử nói:
– Thầy về Chùa đêm nay hắn giết thầy đó.
Sau nhiều lần ôn tồn giải thích, khuyên nhủ, đám đông mới ra về hết vào khoảng 2 giờ 30 sáng 9/5/63.
Theo sự xác nhận đầu tiên số người bị thương chưa được rõ trừ ra 8 người bị chết bằng súng, lựu đạn hoặc xe thiết giáp cán nát. Trong tám vị tử vì đạo đó có sáu thanh thiếu niên, hai em bị cán mất nửa đầu, một em bị cán nát đầu, xương sọ bị vụn tan khiến thân nhân khó lắm mới nhìn được nhờ áo quần của nạn nhân, và một em bé bị mất hẳn đầu. Sự thật là như thế đó. Người ta đã ngã gục xuống một lượt để cờ Phật giáo được treo lên, để cờ Phật giáo không thể bị triệt hạ. Thế mà có người đã dẫm lên máu để triệt hạ lá cờ Phật giáo quốc tế. Thế mà người ta đã bưng bít che đậy dư luận. Người ta lạm dụng vũ khí đạn dược của thế giới tự do viện trợ diệt Cộng để làm một công việc vô nhân đạo là đàn áp Phật giáo đồ. Hành động như vậy mà chính phủ Ngô Đình Diệm và bè lũ họ còn tung ra cái tin là trong hàng ngũ Phật giáo đồ có Việt Cộng lẫn lộn dội plastic[3] trước nên mới có sự đàn áp sau đó. Người ta còn che đậy dư luận bằng cách bắt báo chí phải xuyên tạc sự thật hai năm rõ mười. Bạn đọc hẳn còn nhớ chính quyền Diệm tung cái tin là đồng bào Phật tử ở Huế đòi xem đốt pháo bông và rước cộ hoa nhưng không được thỏa mãn, họ biểu tình mới có chuyện rắc rối ấy xảy ra. Hơn thế sau khi 8 Phật tử đã bỏ mình một cách đau thương, những ngày sau đó chính phủ đã dùng uy quyền làm áp lực bắt thân nhân của những người tử đạo đau đớn nói lên rằng con em của họ chỉ bị tai nạn một cách rủi ro, về hành động này nếu ai có theo dõi Đài Phát thanh Sài Gòn, Huế những ngày 20, 21, 22 tháng 5 hẳn còn nhớ.
Sáng hôm sau 16/4 âm lịch (9/51963) hồi 7h30, một cuộc hội nghị quân sự bất thường đã được triệu tập tại Quân vụ thị trấn Huế dưới sự hướng dẫn của thiếu tá Đặng Sĩ. Người ta không biết gì về chương trình kế hoạch cũng như nội dung của cuộc hội nghị vội vã mờ ám đó, chỉ biết rằng sau đó các lực lượng nhảy dù, thiết giáp xa, xe lội nước, bảo an và biệt động quân tập trung trước tiểu khu Thừa Thiên và sau đó rất nhiều toán quân nhân phần nhiều là người Miên, Nùng, súng gắn lưỡi lê đi tuần hành trong thành phố. Cảnh sát võ trang lựu đạn cay mắt, súng tiểu liên túc trực tại các ngã tư đường. Chính phủ Ngô Đình Diệm hành động với tâm trạng của kẻ “phóng lao thời phải theo lao” âm mưu mua chuộc dân chúng, sơn phết dư luận quần chúng bằng nhiều hình thức để vu khống Phật giáo bị Việt Cộng lợi dụng để tiếp tục đàn áp bắt bớ sau này. Tệ hơn nữa là có âm mưu vu khống những Phật giáo đồ đi đưa đám những kẻ vừa mệnh chung là những người biểu tình đã bắn vào Phật giáo đồ. Nhưng ta cũng không quên biết thêm rằng buổi sáng hôm ấy (9/5/63) khoảng 8 giờ 30 có những cuộc biểu tình đơn phương, tự động của dân chúng từ các khuôn hội kéo tuần hành ở trung tâm Thành phố Huế, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Phan Bội Châu, những người biểu tình trưng lên những biểu ngữ kẻ vội vã, và trên những tấm băng lật ngược lại vội vàng ghi những nguyện vọng thiết tha trung thực nhất.
– Hãy giết chúng tôi đi.
– Hãy thường mạng những người đã chết.
– Phật giáo bất diệt v.v…
Những ngày kế tiếp, không khí đất thần kinh trở nên nặng trĩu bởi những cuộc ruồng bố các tăng ni, sinh viên, học sinh Phật tử, phong tỏa các chùa bằng xe tăng, thiết giáp do lính Miên, Nùng, cảnh sát đặc biệt tay cầm súng cắm lưỡi lê, lựu đạn tiếp diễn không ngừng!
[1] Như “mục tiêu”. (BBT)
[2] Tức là micrô. (BBT)
[3] Một loại chất nổ. (BBT)