Cao Văn Viên
Trong nguyên nhân thất bại của chính quyền Việt Nam Cộng hòa có yếu tố quyết định tái phối trí quân sự của Tổng thống Thiệu – chia miền Nam Việt Nam thành hai vùng, một vùng do chính quyền Thiệu nắm giữ, một vùng do quân giải phóng nắm giữ. Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đã viết về sự kiện này trong cuốn hồi ký “The final collapse” ấn hành năm 1983 và thừa nhận đây là quyết định vận mệnh của Nguyễn Văn Thiệu và chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Lời kể của Cao Văn Viên đã làm rõ thêm chủ trương của chính phủ Mỹ về việc chấm dứt chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, đồng thời cho thấy những nhân vật chủ chốt trong chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cũng không tin kế hoạch tái phối trí quân sự sẽ thành công và chấp nhận sự thất bại. Tạp chí Phương Đông trích đăng cuốn hồi ký (bản dịch của Nguyễn Kỳ Phong) để bạn đọc tiếp cận cách nhìn từ phía đối phương. Chúng tôi giữ nguyên lối hành văn của tác giả và dịch giả để đảm bảo tính khách quan. Mong bạn đọc đồng cảm.
***
Trong hai tháng đầu tiên năm 1975, một số dân biểu, nghị sĩ Hoa Kỳ đến Việt Nam quan sát tình hình. Đối diện với tình hình quân sự không được khả quan và trông chờ sự biểu quyết ngân quỹ phụ trội cho Việt Nam của Quốc hội Hoa Kỳ trong vài tháng tới, chính phủ Việt Nam Cộng hòa tiếp đón những nhà lập pháp đồng minh rất ân cần và nhiệt tình. Các dân biểu, nghị sĩ được khuyến khích đi quan sát tình hình quân sự, kinh tế, chính trị, để họ thông qua cho Việt Nam Cộng hòa ngân khoản đã yêu cầu. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa chờ đón cuộc viếng thăm với nhiều hy vọng và lạc quan.
Thượng nghị sĩ Sam Nunn đến Việt Nam trước, theo sau là dân biểu Paul N. “Pete” McCloskey và nghị sĩ Dewey Barlett. Tiếp đến là một phái đoàn hỗn hợp lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ. Bộ Tổng tham mưu thuyết trình cho những quan khách đầu tiên về tình hình chung của miền Nam. Trọng tâm của những buổi thuyết trình là tình trạng kiệt quệ về quân cụ, vũ khí của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Các nhà lập pháp Mỹ được thông báo tình trạng nguy hiểm sẽ xảy ra nếu số ngân khoản phụ trội 300 triệu mỹ kim không được chấp thuận, và sự nguy hiểm đó xảy ra như các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang chứng kiến. Một số dân biểu nghị sĩ đến Việt Nam lượt sau không được nghe thuyết trình, nhưng họ có đến Bộ Tổng tham mưu quan sát số vũ khí tịch thu của Cộng sản Bắc Việt đang được trưng bày ở đó.
Quá trình hoạt động và quan điểm chính trị của các nhà lập pháp Mỹ viếng thăm Việt Nam hoàn toàn khác nhau. Có người ủng hộ Việt Nam Cộng hòa; có người chống đối. Có người đến với một tinh thần cởi mở; có người đến với đầu óc thiên vị, định kiến có sẵn. Người thì lịch sự, khiêm nhường; một số khác thiếu sự tế nhị và lễ độ. Phần còn lại thì đến với sự thờ ơ, vô tư về một cuộc chiến. Nhưng dù có thành kiến hay thái độ nào trong thời gian có mặt ở Việt Nam, họ được chính phủ chào đón nhiệt tình. Mọi người được khuyến khích quan sát, cho phép thăm viếng mọi nơi, tiếp xúc với tất cả. Họ có quyền đối thoại với bất cứ người nào họ muốn từ một công chức cho đến những tổ chức, đảng phái đối lập với chính phủ.
Miền Nam, kể cả những người cộng sản, nghe ngóng và theo dõi cuộc viếng thăm của các nhà lập pháp Hoa Kỳ từng bước, từng biến chuyển. Nhiều lời đồn lan truyền từ chuyến viếng thăm đó; hy vọng và thất vọng lên xuống theo từng giai đoạn, từng thay đổi. Những thành phần chống chính phủ và muốn thấy một chính phủ liên hiệp với cộng sản hy vọng Hoa Kỳ làm áp lực với Việt Nam Cộng hòa để chính phủ nhân nhượng theo ý muốn của họ. Phía ôn hòa thì hy vọng các nhà lập pháp Mỹ suy xét lại tình hình miền Nam, cung cấp vũ khí, quân viện, để dân miền Nam tự bảo vệ và chiến đấu. Về phía cộng sản, dĩ nhiên, họ muốn thấy các nhà lập pháp Mỹ cắt đứt viện trợ để làm tê liệt khả năng chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Nhưng nói một cách tổng quát, phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ để lại một không khí thất vọng sau khi rời Việt Nam. Từ bầu không khí đó, nhiều lời đồn, tuyên truyền lan ra, làm hại cho tinh thần chiến đấu của quốc gia. Sau chuyến viếng thăm, giới lãnh đạo của chúng ta nghĩ dân Hoa Kỳ nhìn Việt Nam Cộng hòa như một chính phủ tham nhũng, đàn áp và độc tài. Với những khủng hoảng về kinh tế và chính trị nội bộ đang xảy ra trong lãnh thổ họ, Hoa Kỳ không còn khả năng tiếp tục tham gia vào cuộc chiến[1]. Vấn đề viện trợ thêm cho Việt Nam không có nhiều hy vọng. Ngược lại, ngân sách viện trợ có thể bị cắt thêm vì Hoa Kỳ đang chuyển mục tiêu quân sự, chính trị của họ về các vấn đề ở Trung Đông[2].
Không ai thấy rõ vấn đề hơn Tổng thống Thiệu. Khi người khách cuối cùng của Quốc hội Hoa Kỳ rời Việt Nam, Tổng thống Thiệu biết ngay Việt Nam Cộng hòa không còn hy vọng gì về khoản tiền 300 triệu quân viện phụ cấp. Tổng thống Thiệu cũng biết quân viện cho Việt Nam Cộng hòa trong tương lai sẽ ít hơn chứ không thể nhiều hơn và Tổng thống Thiệu dựa nhiều quyết định của ông vào những suy luận đó: Những gì ông ta cương quyết từ chối hành động trong suốt hai năm qua, bây giờ ông phải làm. Tổng thống Thiệu quyết định tái phối trí quân đội dựa vào phần đất Việt Nam Cộng hòa có thể bảo vệ được.
Cuộc tấn công của Cộng sản Bắc Việt vào Ban Mê Thuột và những phản công vô hiệu của Quân đoàn II có tác dụng vào tâm trí của Tổng thống Thiệu, người duy nhất có quyết định tối hậu về chiến lược, chiến thuật của cuộc chiến. Khi quân đội đồng minh rời Việt Nam, quân đội Việt Nam Cộng hòa phải đương đầu với một đối phương đông quân hơn. Phải phân tán mỏng các lực lượng trừ bị cuối cùng để cố gắng bảo vệ lãnh thổ, quân đội chúng ta không bao giờ có được ưu điểm về quân số. Thêm vào đó, những cắt giảm quân viện đã làm suy yếu khả năng chiến đấu và tinh thần của quân đội ngoài mặt trận, một sự kiện mà chúng ta từ chối chấp nhận. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, phải có sự thay đổi nếu chúng ta muốn Việt Nam Cộng hòa tồn tại.
Trong vai trò cố vấn quân sự cho tổng thống, Bộ Tổng tham mưu có lúc nghĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa có cơ may nếu lãnh thổ được phòng thủ tương xứng khả năng. Nhìn từ quan điểm quân sự, lối suy luận của Bộ Tổng tham mưu không phải hoàn toàn vô lý nhưng đi ngược lại chính sách “bảo vệ lãnh thổ bằng mọi giá” mà Tổng thống Thiệu tuyên bố nhiều lần từ sau hiệp định Paris 1973. Với tình hình chiến sự nguy ngập chỉ trong vòng hai tháng, chúng ta mất Phước Long và Ban Mê Thuột và việc gì sẽ xảy ra nữa đây? Dư vị cay đắng mà các nhà lập pháp Mỹ để lại sau chuyến viếng thăm vẫn còn. Có lẽ trong một phút riêng tư nào đó, Tổng thống Thiệu bắt buộc phải suy nghĩ lại.
Với những quyết định có sẵn, ngày 11 tháng 3 năm 1975, một ngày sau khi Ban Mê Thuột bị tấn công, Tổng thống Thiệu mời Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, cố vấn an ninh quốc gia, Trung tướng Đặng Văn Quang và tác giả đến dinh tổng thống để ăn sáng và bàn luận. Sau khi bữa ăn được dọn ra và các người hầu rời bàn, Tổng thống Thiệu lấy ra một bản đồ nhỏ và bắt đầu cuộc thảo luận với những tường trình về tình hình chiến sự mà ba người khách đã hoàn toàn tường tận. Nói xong về tình hình chiến sự, Tổng thống Thiệu đi ngay vào vấn đề với quyết định: “Với khả năng và lực lượng chúng ta đang có, chắc chắn chúng ta không thể bảo vệ được tất cả lãnh thổ chúng ta muốn bảo vệ”. Như vậy, chúng ta nên tái phối trí lực lượng bảo vệ những vùng đông dân, trù phú, vì những vùng đất đó mới thật sự quan trọng.
Quyết định của Tống thống Thiệu cho chúng tôi thấy đây là một quyết định ông đã suy xét thận trọng. Hình như Tổng thống Thiệu đã ngần ngại về quyết định đó, và bây giờ chỉ thổ lộ ra cho ba người chúng tôi trong bữa ăn sáng. Tổng thống Thiệu phác họa sơ những vùng ông nghĩ là quan trọng, gồm vùng III và IV, miền duyên hải và thềm lục địa. Một vài phần đất quan trọng đang bị cộng sản chiếm, chúng ta sẽ cố gắng lấy lại bằng mọi giá. Những vùng đất cần chiếm lại là nơi đông dân, trù phú và có giá trị về lâm sản, nông sản và kỹ nghệ, nhất là miền duyên hải, nơi thềm lục địa vừa được khám phá ra dầu hỏa. Cuối cùng, vùng đất mà chúng ra không thể nào để mất là Sài Gòn, các tỉnh lân cận, và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tổng thống Thiệu bình thản tiếp tục độc thoại về chính trị địa lý của miền Nam, nhưng khi nói đến vùng I và II, ông không tỏ vẻ lạc quan hay tự tin. Chỉ vào cùng cao nguyên trung phần, tổng thống Thiệu nói Ban Mê Thuột quan trọng hơn hai tỉnh Kontum và Pleiku nhập lại, vì tài nguyên và dân số của Ban Mê Thuột. Miền duyên hải của vùng II cũng quan trọng với tiềm năng dầu hỏa chứa đựng ở thềm lục địa. Về vùng I, ý kiến của Tổng thống Thiệu là “giữ được phần nào thì giữ”. Ông phác họa kế hoạch phòng thủ ở vùng I bằng những tuyến cắt ngang duyên hải từ Bắc xuống Nam. Nếu chúng ta có đủ lực lượng, Tổng thống Thiệu nói, chúng ta sẽ giữ đến Huế hay Đà Nẵng. Nếu không được, chúng ta sẽ tái phối trí quân lại ở Chu Lai, hay thấp hơn là Tuy Hòa. Kế hoạch này, Tổng thống Thiệu nói tiếp, cho chúng ta sắp đặt lại khả năng để có nhiều hy vọng giữ được những vùng đất quan trọng cho miền Nam trường tồn như một quốc gia vững mạnh[3].
Như vậy, chỉ sau vài lời sơ thảo, Tổng thống Thiệu đi đến một quyết định quan trọng. Hậu quả của quyết định đó như thế nào thì chưa biết được, nhưng nhìn từ quan điểm quân sự, quyết định của Tổng thống Thiệu có nhiều vấn đề. Là cố vấn quân sự cho tổng thống, tác giả bắt buộc phải có ý kiến về quyết định của Tổng thống Thiệu. Tác giả cho sự tái phối trí là cần thiết và có ý tưởng đó từ lâu. Nhưng tác giả không tiện nói ra vì hai lý do: Một, đề nghị tái phối trí quân sự đi ngược lại chính sách quốc gia; Hai, lời đề nghị đó có thể bị hiểu lầm là thái độ chủ bại. Tác giả tránh phát biểu thêm là sự tái phối trí có tầm vóc quy mô như vậy đã quá trễ. Ngoài ra, tác giả thấy Tổng thống Thiệu đã quyết định, nên ông không muốn nghe thêm những ý kiến ngược lại. Đã là Tổng thống, ông Thiệu có thẩm quyền và trách nhiệm chỉ đạo cuộc chiến: Ông phải biết ông đang làm gì.
Dù quyết định trên là một sự thay đổi toàn diện từ chiến lược “bảo vệ lãnh thổ bằng mọi giá” đang áp dụng, sang “bảo vệ lãnh thổ theo khả năng”, quyết định của Tổng thống Thiệu rất hợp lý trong tình thế đang xảy ra. Nếu phải chỉ trích quyết định đó, chúng ta chỉ có thể hỏi là tại sao Tổng thống Thiệu phải chờ lâu như vậy để áp dụng kế hoạch tái phối trí. Chỉ hai năm sau ngày ngưng bắn, tình trạng quân sự phía Việt Nam Cộng hòa xuống dốc một cách thê thảm. Vào buổi sáng hôm đó, Tổng thống Thiệu không giải thích hay đề cập đến lý do nào đưa ông đến những quyết định ông trình bày; quyết định của ông hình như phản ánh những thực tế đang diễn ra. Từ trước, Tổng thống Thiệu hy vọng chúng ta có khả năng bảo vệ những tiền đồn và địa giới thưa thớt. Và nếu Cộng sản Bắc Việt vi phạm hiệp ước ngưng bắn, Ủy ban Kiểm soát Đình chiến và thế giới chắc chắn biết ai là kẻ gây hấn. Nếu Cộng sản Bắc Việt tiếp tục vi phạm một cách trắng trợn, Tổng thống Thiệu hy vọng vào những hứa hẹn Hoa Kỳ sẽ có lý do trừng phạt Bắc Việt mạnh mẽ như Tổng thống Nixon đã hứa với Tổng thống Thiệu.
Sau khi Tổng thống Nixon từ chức vào ngày 8 tháng 8 năm 1974, những hứa hẹn “phản ứng mạnh mẽ” của Hoa Kỳ chỉ là những lời hứa suông. Ngay sau khi Phước Long bị tấn công, Hoa Kỳ không có một phản ứng nào. Kế tiếp là thái độ bất lợi của phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm. Từ thái độ đó, Việt Nam Cộng hòa không còn hy vọng nào. Một thực tế gần như hiển nhiên là Hoa Kỳ không muốn cuộc chiến tiếp tục, và biểu quyết viện trợ để Việt Nam Cộng hòa tiếp tục đánh là chuyện sẽ không xảy ra. Đối với Hoa Kỳ, cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc.
Tổng thống Thiệu không còn một chọn lựa nào để cứu vãn tình thế trừ quyết định tái phối trí quân đội như đã nói trên còn nước còn tát. Nhưng quyết định của ông quá trễ. Kế hoạch tái phối trí lẽ ra phải được thực hiện từ giữa năm 1974. Hãy ít nhất phải được thực hiện ngay khi Tổng thống Nixon từ chức. Là tác giả của kế hoạch Việt Nam hóa và Hiệp định Ba Lê, Tổng thống Nixon là người Mỹ duy nhất có trách nhiệm tâm lý để bảo vệ văn kiện đình chiến. Nixon là người đáng tin cậy, có can đảm sử dụng những biện pháp mạnh khi cần thiết. Chậm nhất, kế hoạch tái phối trí quân sự theo khả năng của quân đội phải được thực hiện ngay lúc đó.
Dĩ nhiên cộng sản sẽ sẵn sàng tiến chiếm những vùng đất chúng ta không có khả năng bảo vệ. Hai bên sẽ thương lượng với nhau về một ranh giới mới. Nhưng chúng ta có được ưu thế trong chiến lược này: Lãnh thổ được thu hẹp lại và nội tình an ninh hơn. Kế hoạch tái phối trí tương tự như một hiệp định Geneva 1954 thứ hai: Một ranh tuyến mới, quân đội hai bên tập họp lại vùng riêng biệt của họ… hai lãnh thổ rõ ràng chứ không là nhiều vùng “da beo” lẫn lộn. Chiến lược này lý tưởng cho sự tồn tại của Việt Nam Cộng hòa. Nhưng dù ta có theo chiến lược này, chưa chắc những người cộng sản chấp nhận. Nếu họ đã ký hiệp định Geneva 1954 rồi, và cho đó là một sự lầm lẫn, thì chắc gì họ chấp nhận giải pháp này lần nữa? Không thể nào họ hy sinh xương máu trong 20 năm mà không được gì.
Quyết định tái phối đã quá trễ sau khi Ban Mê Thuột mất. Cộng sản thắng liền hai trận, và sau hai trận, với sự hao tổn của Việt Nam Cộng hòa, họ có luôn thế thượng phong về quân số. Phía bên ta, đã trải quân ra quá mỏng, chúng ta không thể nào rút quân một nơi để lấp vào chỗ khác mà không bị tấn kích và đe dọa bởi số quân đông gấp hai của địch.
Một vấn nạn khác chúng ta đối diện là thường dân và thân nhân binh sĩ: Di tản hay không di tản những người này cũng là một yếu tố thành công hay thất bại trong cuộc chiến. Không nhà lãnh đạo nào với một lương tâm có thể bỏ dân mình vào tay địch. Trong trường hợp phải chọn lựa, người lãnh tụ phải hy sinh dân để giữ lấy quân. Nhưng người dân trong nghĩa này cũng là thân nhân của binh sĩ, những người chiến đấu để bảo vệ và những người nâng cao tinh thần họ. Chúng ta không thể tách rời binh sĩ và thân nhân ra. Tinh thần khắng khít trong truyền thống gia đình Việt Nam khó cho chúng ta tách họ ra dù trong một thời gian ngắn.
Nghĩ lại việc đã qua, câu hỏi là miền Nam có sống sót nếu chúng ta không áp dụng kế hoạch tái phối trí lực lượng quân sự hay không. Bây giờ nói thì sự đã rồi, nhưng tác giả tin miền Nam có nhiều cơ hội hơn nếu không thực hiện tái phối trí. Tinh thần chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng hòa và nhân dân bị hủy diệt là kết quả trực tiếp của kế hoạch tái phối trí. Không có kế hoạch đó, có lẽ quân đội của chúng ta không tan rã nhanh như vậy. Chúng ta có thể mất đi một phần của sư đoàn 23BB, nhưng tất cả các đơn vị khác vẫn còn nguyên vẹn. Dù lấy được Ban Mê Thuột, cộng quân vẫn phải ngừng lại, suy tính kỹ trước khi mở một mặt trận mới ở vùng II. Vùng II vẫn còn sư đoàn 22BB, cộng thêm một lực lượng tương đương với 2 sư đoàn bộ binh, và 2 sư đoàn không quân. Vùng II có đủ quân nhu và tiếp liệu để chiến đấu đến hết mùa khô. Không có kế hoạch tái phối trí, tác giả không nghĩ cộng sản có thể thành công, đánh nhanh và chiếm nhiều đất được như họ đã làm ở vùng I. Tình hình quân sự nhân lực của Việt Nam Cộng hòa vẫn gặp những khó khăn dai dẳng như trước khi có quyết định tái phối trí: Thiếu thốn về quân viện; không còn nhân lực để lập thêm những đơn vị tổng trừ bị. Nhưng ít ra quân đội Việt Nam Cộng hòa sẽ không tan rã nhanh chóng như khi quyết định tái phối trí được thực hiện.
Đó là cái nhìn về phương diện quân sự trong giai đoạn ngắn hạn. Sau Ban Mê Thuột, tác giả nghĩ Cộng sản Bắc Việt sẽ làm áp lực để có được một chính phủ liên hiệp; và Tổng thống Thiệu có thể chấp nhận. Nhưng dù chuyện đó có xảy ra, đó chỉ là một hoàn cảnh hòa hoãn tạm bợ nhất thời: Cộng sản sẽ tiếp tực tìm cách lấy thêm đất qua chiến thắng quân sự để bắt Việt Nam Cộng hòa nhượng bộ thêm về chính trị. Liệu Việt Nam Cộng hòa có chịu nổi những áp lực đó trong một thời gian dài hay không? Tác giả nghĩ câu trả lời sẽ tùy thuộc vào số quân viện của Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam Cộng hòa. Một sự thật không thể chối cãi là quân đội Việt Nam Cộng hòa sẽ hết đạn và nhiên liệu vào tháng 6/1975 nếu không nhận được số quân viện phụ trội. Và một quân đội sẽ không thể nào chiến đấu nếu không có những trang bị cần thiết để chiến đấu.
[1] Biến động chính trị quan trọng nhất của cuối năm 1974 đầu năm 1975 là sự từ chức của Tổng thống Richard Nixon vào tháng 8/1974. Một năm trước đó, tháng 10/1973, Phó tổng thống Spiro T. Angnew phải từ chức vì tội tham quyền, hối lộ. Nixon chọn Gerald R. Ford, một dân biểu rất uy tín của đảng Cộng hòa, lên làm phó tổng thống, và khi Nixon từ chức, Ford lên thay Nixon theo hiến pháp Hoa Kỳ. Năm 1973–1974 nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào tình trạng suy thoái với lạm phát, thất nghiệp gia tăng. Đảng Cộng hòa và tất cả các chính khách liên hệ đến Nixon và nền hành chính của ông đều bị nghi ngờ hay mất tín nhiệm (chú thích của dịch giả).
[2] Như chúng ta đã thấy trong hai năm 1972–1973, Mỹ chuyển hướng ngoại giao với Trung Quốc (và phản bội Đài Loan), thương lượng về vũ khí nguyên tử (SALT, ICBM) với Nga, và vấn đề Trung Đông qua cuộc chiến tranh Ả Rập – Do Thái vào tháng 9/1972. Với những biến chuyển đó, Việt Nam và Đông Nam Á không còn là một chú trọng của Hoa Kỳ (Chú thích của tác giả).
[3] Sau này tác giả mới biết, trước buổi họp ngày 11 tháng 3 năm 1975 tại dinh Độc lập, tổng thống Thiệu đã có trong tay 3 đề nghị về việc này: (1) Vào năm 1974, tướng Đồng Văn Khuyên, Tham mưu trưởng liên quân kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Tiếp vận, đệ trình lên tổng thống ý niệm phải thu hẹp lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa thế nào cho tương xứng với sự cắt giảm viện trợ quân sự như chúng ra đã thấy. (2) Thiếu tướng John Murray thuộc Phòng Tùy viên Quốc phòng Hoa Kỳ (Defense Attache Office Vietnam) có cung cấp cho Tổng thống Thiệu qua Tòa đại sứ Mỹ một sơ đồ tương tự như Tổng cục Tiếp vận đề nghị. (3) Chuẩn tướng Úc Đại Lợi Ted Sarong cũng đề nghị qua một giới chức phủ tổng thống một kế hoạch tương tự (chú thích của tác giả).