Bùi Văn Nguyên
Hồ Tây là hồ tự nhiên lớn nhất và cũng là một trong những thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất của Hà Nội từ xưa tới nay. Theo sử sách ghi chép, Hồ Tây từng là một bến nằm giáp sông Hồng từ thời Hùng Vương và sau này đã trở thành nơi nghỉ mát, giải trí của nhiều đời Vua Chúa. Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu đoạn trích trong sách “Truyền thuyết ven hồ Tây” của tác giả Bùi Văn Nguyên (NXB Văn nghệ Hà Nội xuất bản năm 1975) để độc giả cùng tìm hiểu thêm về lịch sử của hồ nước nổi tiếng ở thủ đô.
***
Từ xưa, Hồ Tây là một thắng cảnh của thủ đô Hà Nội. Nhiều câu ca dao đã khắc họa cảnh hồ thơ mộng, thí dụ như mấy câu quen thuộc:
“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ…”
Và, rất nhiều nhân sĩ đã làm thơ, làm phú ca ngợi cảnh trí Hồ Tây, như Nguyễn Mộng Tuân:
… “Mặt hồ đáy nước trong xanh,
Quế đưa hương ngát cho thanh lòng trần”.
Nguyên văn chữ Hán:
Băng hồ triệt để vô tiêm trĩ
Đan quế phi hương bất tận thanh
như Nguyễn Huy Lượng:
“… Chày Yên Thái nện trong sương loảng choảng
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co…”
hay như Nguyễn Công Trứ, trong bài thơ hát nói:
“… Cảnh Tây hồ khen ai khéo đặt
Trong thị thành riêng một áng lâm tuyền
Bóng kỳ đài trăng mặt nước như in…”[1]
Hồ này gọi là Hồ Tây, vì ở phía Tây kinh thành; chứ thật ra tên Hồ Tây cũng chỉ là một tên chung, trở thành tên riêng và tên hồ này cũng thay đổi từ thời này qua thời khác, thí dụ như tên dân gian là hồ Trâu Vàng hay tên chữ là Lãng Bạc nghĩa là cái bến có sóng lớn[2], hay Dâm Đàm, nghĩa là cái đầm có sương mù bốc lên. Tên Dâm Đàm vẫn được dùng đến đời nhà Trần, các Vua đời Lý và Trần có xây Dâm Đàm hành cung cạnh hồ để hóng mát. Năm 1573, vì kiêng tên húy của Vua Lê Thế Tông là Duy Đàm, nên mới đổi là Tây hồ và tên đó dùng cho đến ngày nay. Cần chú ý rằng ở nước ta, ngoài Hồ Tây này, xưa kia còn có hai hồ Tây khác nữa, một ở vùng Côn Sơn (Hải Hưng) và một ở gần Lam Kinh (Thanh Hóa).
Theo sách Tây hồ chí, thì hồ này từ thời Hùng Vương là một cái bến ở cạnh sông Hồng, thuộc động Lâm Ấp, nên gọi là bến Lâm Ấp của thôn Long Đỗ, và mãi cho đến thời Hai Bà Trưng, bến này vẫn thông với sông Hồng. Xung quanh bến đó, là một khu rừng lim rậm rạp, có nhiều hang động, như phía Tây có Giá La động, phía Đông có Nha Lâm động, phía Nam có Bình Sa động và phía Bắc là sông Hồng. Các cụ già địa phương cũng xác nhận xưa kia đây là khu rừng và cho biết rằng trước đây, đi đánh cá, thỉnh thoảng họ có vớt được nhiều khúc gỗ lim có dạng trầm tích. Theo địa chất học, hồ này là một hồ ngoại sinh, có dạng lòng chảo, chủ yếu do tác dụng xâm thực của sông Hồng mà thành. Truyền thuyết Trâu vàng hồ Tây hay truyền thuyết Huyền thiên Trấn Vũ đã chứng minh điều đó.
Nói đến Hồ Tây, là phải nói đến hồ Trúc Bạch, vì xưa kia hai hồ vốn liền nhau; về sau, vì Hồ Tây rộng quá, nhân dân ba làng Trúc Yên, Yên Phụ, Yên Quang mới đắp con đê chắn ngang, để giữ phần cá về phía mình. Con đường đê đó nay là đường Thanh Niên. Nhân dân sống ven hồ làm ruộng vẫn là chủ yếu, kết hợp với nghề nuôi cá, cùng với một số nghề thủ công khác như nuôi tằm, dệt vải, làm giấy, trồng hoa… Thời Lê Thánh Tông, chung quanh hồ có mười hai phường trong số mười tám phường của huyện Quảng Đức (sau đổi thành Vĩnh Thuận). Mười hai phường đó nay là mười hai làng, thuộc khu Ba Đình và huyện Từ Liêm như: Yên Phụ, Nghi Tàm, Tây Hồ, Quảng Bá, Nhật Chiêu, Xuân La, Bái Ân, Võng Thị, Trích Sài, Hồ Khẩu, Yên Thái, Thụy Chương.
Theo quan niệm người xưa, Hồ Tây có một địa thế rất đẹp, như ở giữa hồ có một vùng nước xoáy bên cái gò gọi là gò rồng nhả ngọc châu, tức là gò Châu Long, vì xưa kia đoạn hồ Trúc Bạch thông với hồ Cổ Ngựa[3] chạy đến dốc Hàng Than. Chung quanh đó là kiểu đất long, ly, quy, phượng như Trấn Vũ, Thụy Chương nằm trên thế phượng chầu. Quảng Bá, Tây Hồ, Nghi Tàm nằm trên thế rùa chầu, Trúc Bạch, Yên Ninh nằm trên thế rồng chầu, Nhật Chiêu, Quán La, Trích Sài nằm trên thế ly chầu, riêng Võng Thị, Hồ Khẩu, Yên Thái lại nằm trên thế con cá nhô ra mặt hồ…
Quanh hồ lại có nhiều di tích lịch sử, chưa kể các quán thờ Lão Quân, đã có đến khoảng hai mươi đền miếu, và khoảng hai mươi ngôi chùa. Quán Khai Nguyên[4] xây trên động Thất Diệu ở Quán La, thờ Huyền Thiên Đại đế (tức Lão quân) là một quán nổi tiếng. Di tích cái gò đó nay vẫn còn. Cung Thúy Hoa cũng là một kiến trúc mỹ lệ, xưa ở vùng Yên Phụ (Yên Hoa), ở đó có rừng hoa và chợ hoa kéo dài cho đến chùa Kim Liên ở Nghi Tàm hiện nay. Còn như các ly cung của vua chúa, dinh thự của quan lại ven hồ thì không thể kể xiết. Phạm Sư Mạnh đời Trần Minh Tông cũng có nhà riêng ở vùng xã Quảng An hiện nay.
Nhân dân ven hồ từ thời này qua thời khác, đã chứng kiến không biết bao nhiêu đổi thay trong cuộc sống, xét về mặt thiên nhiên, cũng như mặt xã hội. Do đó, mỗi một cảnh trí thiên nhiên, mỗi một di tích lịch sử đều gắn với một truyền thuyết, và có khi truyền thuyết này lồng với truyền thuyết kia, hiện tượng xã hội chắp nối hiện tượng thiên nhiên. Chỉ kể lại một số truyền thuyết đó, chúng ta cũng đã có một pho sử truyền miệng về Hồ Tây khá phong phú và hấp dẫn.■
[1] Xem: Cảnh trí hồ Tây, qua một số thơ văn cổ của Bùi Văn Nguyên (sáng tác Hà Nội, tháng 12-1973)
[2] Trùng tên với vùng Lãng Bạc ở Vũ Ninh xưa, nay là ở Hà Bắc.
[3] Hồ Cổ Ngựa: ở vào khoảng phố Hàng Than, đã bị lấp thành bằng địa từ khi Pháp mới chiếm Hà Nội, BTV
[4] Nhân dân quen gọi là quán Già La.