Để cung cấp thông tin giúp độc giả hiểu thêm về hoạt động của tình báo Mỹ đối với Miền Bắc Việt Nam từ năm 1954 đến 1964, Thư viện Nguyễn Văn Hưởng giới thiệu “Chương I: Con ngựa thành Troia” trong cuốn sách “Spies and Commandos: How America Lost the Secret War in North Vietnam” (Gián điệp và Biệt kích: Mỹ thua trong cuộc chiến bí mật ở miền Bắc Việt Nam như thế nào) của các tác giả Kenneth Conboy và Dale Andradé, NXB Đại học Kansas ấn hành năm 2000. Thư viện NVH đã mua bản quyền cuốn sách này và sẽ xuất bản trong năm 2021.
Cuộc chiến tranh diễn ra không thuận lợi đối với nước Pháp. Vào đầu năm 1952, những người cộng sản Việt Nam (Việt Minh) đã làm chủ phần lớn vùng núi phía Bắc, giáp biên giới với Trung Quốc, giúp họ có khả năng dễ dàng tấn công xuống vựa lúa ở Bắc Việt Nam, khu vực châu thổ sông Hồng phì nhiêu. Tâm lý vỡ mộng đang tăng lên trong nước làm Pháp càng khó khăn hơn. Hy vọng giành một chiến thắng nhanh chóng, các lực lượng của Pháp đã hành quân, tiến vào các vị trí xung quanh Hòa Bình, một tỉnh lỵ nằm ở phía Tây Hà Nội, nhằm cắt đứt con đường tiếp tế then chốt của Việt Minh, đi từ phía Đông về vùng đồng bằng
Việt Minh đã đáp trả lại bằng việc tập trung ba sư đoàn bộ binh, với tổng cộng khoảng 25 nghìn quân. Bị bất ngờ và áp đảo, quân Pháp bắt đầu từ từ rút lui về các khu vực an toàn ở châu thổ sông Hồng, cho nổ tung, phá hủy bất cứ thứ gì có thể sử dụng được như là một cử chỉ tạm biệt. Vào tuần thứ hai của tháng ba, Hòa Bình đã bị bỏ rơi.
Trong khi đó, bên kia trái đất ở Washington, chính quyền Tổng thống Truman lo lắng trước việc vị thế của Pháp ở Đông Dương đang bị xói mòn. Việc mất bất kỳ một quốc gia nào ở Đông Nam Á vào tay cộng sản cũng sẽ gây ra những hậu quả tâm lý, chính trị và kinh tế to lớn đối với lợi ích của Mỹ. Mặc dù tình hình nghiêm trọng, song Harry Truman chẳng có mấy lựa chọn. Nước Mỹ đã cung cấp phần lớn trang thiết bị quân sự Pháp dùng ở Đông Dương và trong khi các lực lượng của Mỹ đang mắc kẹt ở Triều Tiên, việc dính líu nhiều hơn nữa vào một cuộc xung đột thứ hai ở Châu Á là điều không thể về mặt chính trị.
Nhưng có một lựa chọn khác, đó là các hoạt động bí mật. Đối với Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đã được thành lập năm năm nay, thì đây là một cơ hội hấp dẫn để đặt chân vào Đông Dương. Kết hợp giữa thái độ vừa lạc quan và vừa ngây thơ nổi lên trong những ngày đầu, CIA đã chọn một trong những sĩ quan trẻ của mình, Donald Gregg, và trao cho anh ta một nhiệm vụ táo bạo: huấn luyện một nhóm người Việt về chiến thuật hoạt động theo quy mô đơn vị nhỏ và chuẩn bị cùng họ nhảy dù xuống khu vực nông thôn ở Bắc Việt Nam. Vừa mới được đào tạo hoạt động bán quân sự và chưa từng phục vụ ở nước ngoài, Gregg đồng ý ngay. Bay sang Thái Lan, anh ta chọn mười người Việt Nam và đưa họ đến một cơ sở của CIA ở căn cứ hải quân của Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản để tiến hành huấn luyện cơ bản trong một tháng. Có hai vấn đề nổi lên ngay lập tức. Thứ nhất, Gregg thấy hầu như không ai nghĩ gì về việc anh ta cùng những người được huấn luyện cần phải làm gì, một khi họ quay trở lại vùng nông thôn Việt Nam. Thứ hai, một vấn đề đáng lo ngại hơn, Gregg thấy hiểu biết về Việt Nam của anh ta cũng không hơn những người được anh ta huấn luyện. Tất cả mười người này được tuyển mộ ở Thái Lan thông qua một đặc vụ và người này nói rằng họ nằm trong số năm mươi ngàn người Việt đã chạy sang Thái Lan ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Nhưng Gregg phát hiện ra rằng thực ra họ là những người di cư khỏi Việt Nam từ cách đó hơn 150 năm. Ngay cả CIA, một cơ quan luôn có thái độ lạc quan, cũng không thể nào lại thực hiện một hoạt động chỉ dựa trên một kế hoạch sơ sài như vậy. Gregg nhớ lại: “Sau đó, những người Việt này đã được chuyển về Thái Lan vào tháng Tư, tôi cảm thấy mình như thọ thêm được mấy năm”.
Hai năm sau, CIA lại lần nữa chơi đùa với ý tưởng tiến hành các hoạt động bán quân sự bí mật ở Đông Dương. Lúc đó, quân đội của Việt Minh, bao gồm lực lượng chính quy và dân quân địa phương, đã lên tới hơn 350.000 người. Tuy việc rút khỏi Đông Dương chỉ là vấn đề thời gian, nhưng Pháp vẫn chỉ chấp nhận trang thiết bị và tiền bạc do Mỹ cung cấp, từ chối cố vấn của quân đội hoặc của CIA.
Tổng thống D. D. Eisenhower không ưa phương hướng hành động mà Pháp đang thực thi ở Việt Nam. Trong một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) ngày 21 tháng 1 năm 1954, ông ta nhấn mạnh không để cho Đông Dương rơi vào tay cộng sản và yêu cầu các cố vấn đề xuất các biện pháp để củng cố vị thế của Pháp. Ngoài giúp đỡ về vật chất, ông đặc biệt quan tâm đến khả năng tiến hành chương trình chiến tranh du kích, một chương trình có thể được tiếp tục sau khi Pháp có khả năng sẽ rút đi.
Đáp lại Tổng thống, Giám đốc CIA, Allen Dulles, đã phát biểu tại Hội đồng An ninh Quốc gia rằng ông ta có các chuyên gia bán quân sự sẵn sàng đến Đông Nam Á, nhưng người Pháp đã ngoan cố từ chối không cho phép. Dulles nhận xét, chiến tranh du kích là một quá trình lâu dài, đòi hỏi có sự chuẩn bị đầy đủ. Trong khi không còn đủ thời gian, ông gợi ý biện pháp đánh đổi cứng rắn với Pháp: Mỹ tiếp tục cung cấp trang thiết bị quân sự, đổi lại Pháp phải đồng ý cho Mỹ đưa nhân viên bán quân sự của CIA vào. Tổng thống Eisenhower đã đồng ý.
Tám ngày sau, các cố vấn hàng đầu của ông đã được triệu tập để tiếp tục họp. Tiếp tục chủ đề mà Eisenhower đã bỏ dở, Giám đốc CIA Dulles đã giới thiệu Edward Lansdale với những người tham gia cuộc họp và gợi ý cử ông ta là người đầu tiên đến Việt Nam. Vốn là một đại tá Không quân Mỹ được biệt phái sang làm việc lâu dài ở CIA, Lansdale nổi tiếng là một trong những chuyên gia hàng đầu về các hoạt động du kích và bán quân sự. Ông đã để lại dấu ấn của mình ở Đông Nam Á khi làm việc với tư cách cố vấn cao cấp cho Tổng thống Philippines, Ramon Magsaysay. Ông đã giúp đánh bại phong trào phiến quân cộng sản Hukbalahap và điều đó làm cho Dulles và người anh của ông ta, Bộ trưởng Ngoại giao John Foster, rất có ấn tượng. Hội đồng An ninh Quốc gia đã yêu cầu ông chuẩn bị va li lên đường sang Việt Nam.
Trước khi Lansdale lên đường, cuộc chiến tranh Đông Dương đã bước vào giai đoạn cuối. Lực lượng của Pháp ở thung lũng Điện Biên Phủ ở vùng Tây Bắc Việt Nam, vốn đã bị bao vây từ cuối năm trước, đang nhanh chóng trở thành chỗ dựa cuối cùng của Pháp. Trong khi lực lượng Việt Minh đang thít chặt thòng lọng xung quanh Điện Biên Phủ, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã nâng cấp nhóm cố vấn một người của Lansdale lên thành một phái đoàn thuộc CIA được biết tới với cái tên “Phái đoàn Quân sự Sài Gòn – SMM). Phái đoàn này không làm việc với người Pháp mà sẽ làm việc với chính phủ chống cộng và mang danh nghĩa độc lập của Việt Nam do Hoàng đế Bảo Đại, một nhân vật bù nhìn do Paris dựng lên, đứng đầu.
Trước khi các thành viên của Phái đoàn Quân sự Sài Gòn có cơ hội đặt chân lên đất Việt Nam, Điện Biên Phủ đã rơi vào tay Việt Minh vào đầu tháng Năm. Tổng thống Eisenhower đặc biệt không thích cách Pháp cai trị các thuộc địa Đông Dương, nhưng ông lại càng không thích ý tưởng về một chế độ Việt Minh. Trong khi các binh lính Pháp bị dẫn giải như những tù binh ra khỏi Điện Biên Phủ, ông ta đã cân nhắc đến khả năng tiến hành một chiến dịch hoạt động du kích lớn ở Bắc Việt Nam được hỗ trợ thông qua Thái Lan. Tuy nhiên, tình thế mau chóng cho thấy rõ ràng là không có đủ thời gian cho những kế hoạch vĩ đại. Ở Geneva, một hội nghị quốc tế đang thương lượng vấn đề Pháp rút khỏi Đông Dương. Lo lắng về khả năng Pháp sẽ bán đứng mọi thứ, Lansdale lập tức lao đến Sài Gòn, trong khi hội nghị Geneva vẫn đang họp. Đến đó vào ngày 1 tháng Sáu, về danh nghĩa ông ta được cử làm một trợ lý tùy viên không quân tại Sứ quán Mỹ.
Không có đủ thời gian để tập hợp thêm các thành viên của Phái đoàn quân sự Sài Gòn, vì vậy Lansdale trong tháng đầu tiên đã cố tạo dựng các mối quan hệ với lực lượng vũ trang của Bảo Đại và làm việc với Đại đội Vũ trang Chiến tranh Tâm lý (Armed Psychological Warfare Company) ở Hà Nội.
Nhưng ông ta đã không có được thành công trọn vẹn: dưới sự chỉ đạo của Lansdale, trong phi vụ đầu tiên của đại đội này, hai thành viên trong nhóm đã chạy sang hàng ngũ cộng sản.
Ngày 1 tháng Bảy, Lansdale có thêm một cấp phó, Thiếu tá Lucien “Lou” Conein. Là một chuyên gia tự thân trong lĩnh vực bán quân sự, Conein đã từng thành công với những phi vụ như vậy. Được những người cùng hoạt động gắn danh là “Black Luigi – Luigi Đen”, Conein đã từng thâm nhập vào Bắc Việt Nam cách đây chín năm, khi còn làm việc trong Cơ quan Tình báo Chiến lược (Office of Strategic Services – OSS), tổ chức tiền thân của CIA trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Không giống các sĩ quan OSS khác, những người đã cùng làm việc với Việt Minh để chống lại người Nhật, Conein đã liên hệ với những tổ chức bí mật của người Việt Nam do người Pháp lãnh đạo. Một số người này giờ đây đã trở thành các sĩ quan quân sự cao cấp của Việt Nam và đây là lợi thế của Conein.
Trong ba tuần sau đó, Phái đoàn Quân sự Sài Gòn chỉ gồm có hai thành viên tiếp tục xây dựng các mối liên hệ với người Việt Nam. Ngày 21 tháng Bảy, hội nghị Geneva kết thúc. Theo giải pháp này, sẽ có một khoảng thời gian đình chiến 300 ngày, trong thời gian đó dân thường được tự do đi lại. Sau đó, đất nước sẽ tạm thời bị chia làm hai miền: toàn bộ lãnh thổ phía bắc vĩ tuyến 17 sẽ được trao cho Việt Minh, trong khi đó toàn bộ vùng đất phía nam vĩ tuyến đó, sẽ do chế độ Bảo Đại thân phương Tây do người Pháp lập ra trước đó cai quản. Thủ đô của Bắc Việt Nam do Việt Minh kiểm soát là Hà Nội, trong khi Nam Việt Nam lại do Bảo Đại điều hành từ Sài Gòn. Về mặt lý thuyết, sau hai năm sẽ có một cuộc tổng tuyển cử dự kiến tổ chức vào năm 1956 để thống nhất đất nước. Bên cạnh đó, từ sau ngày 11 tháng Tám, số nhân viên quân sự nước ngoài sẽ đóng băng.
Chính quyền của Tổng thống Eisenhower coi giải pháp Geneva là một thảm họa và ngay lập tức thay đổi nhiệm vụ của Phái đoàn Quân sự Sài Gòn. Với việc Bắc Việt Nam sẽ sớm nằm dưới quyền kiểm soát hoàn toàn của cộng sản, nhiệm vụ chính của Lansdale bây giờ là tổ chức các hoạt động kháng chiến bên kia chiến tuyến. Để làm việc đó, CIA có thể sử dụng một tiền lệ. Ở Tây Âu, CIA đã đặt nền móng cho việc xây dựng một mạng lưới du kích bí mật trước khi Liên Xô có thể xâm lược. Ở Châu Á cũng vậy, CIA cũng đã nuôi dưỡng một đơn vị cảnh sát tinh nhuệ Thái Lan để tiến hành cuộc kháng chiến chống lại nguy cơ Trung Quốc tiến xuống phía nam. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, các mạng lưới ở sau chiến tuyến chưa bao giờ được thử thách.
Trong việc thành lập một mạng lưới của người Việt, Phái đoàn Quân sự Sài Gòn đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Đại Việt, một phong trào bí mật có tư tưởng dân tộc cực đoan được thành lập vào năm 1939. Đại Việt, có nghĩa là nước Việt Nam vĩ đại, được sinh ra từ phong trào chống lại ách cai trị thực dân Pháp. Từ đó, đã hình thành một liên minh ngắn ngủi với những người có tư tưởng dân tộc trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, gồm cả Việt Minh. Sau chiến tranh, ban lãnh đạo Đại Việt chạy sang Trung Quốc. Quay trở lại Việt Nam vào năm 1947, phong trào này hạ giọng chống Pháp, cố gắng vứt bỏ hình ảnh tinh hoa của mình nhằm lôi kéo quần chúng. Đại Việt cũng bắt đầu tập trung đến mối đe dọa của Việt Minh. Năm 1951, Đại Việt bắt đầu có những hành động vũ trang chống lại những người cộng sản, thành lập lực lượng dân vệ bán vũ trang ở Miền Bắc liên minh lỏng lẻo với Pháp. Tháng 12 năm 1953, lực lượng dân vệ này đã lên tới khoảng 17.000 người.
Hiệp định Geneva báo hiệu cơ sở quyền lực của Đại Việt ở Miền Bắc đã chấm dứt, vì vậy Lansdale cho rằng một kế hoạch nằm vùng sẽ là điều hấp dẫn với Đại Việt. Thông qua những đầu mối tiếp xúc do tình báo Pháp cung cấp, tháng Bảy năm 1954, Lansdale đã ra Hà Nội để thăm dò Đại Việt. Tại Hà Nội, ông đã gặp Phan Huy Quát, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, một trong hai quan chức cấp cao của Đại Việt giữ cương vị bộ trưởng trong chính phủ Bảo Đại. Sau khi nghe vị đại tá Mỹ trình bày, ông Quát đã gợi ý ông ta nên gặp một nhân vật Đại Việt nữa, đồng thời là người có họ hàng thông qua quan hệ hôn nhân, Bác sĩ Đặng Văn Sung.
Ông Sung, Tổng bí thư không chính thức của Đại Việt, sinh ra trong một gia đình địa chủ giàu có ở Nghệ An. Thông minh, lịch lãm và nghiêm nghị, ông có bằng bác sĩ y khoa, nhưng thay vì làm bác sĩ, ông gia nhập Đại Việt vào năm 1940 và nhanh chóng trở thành một trong những lãnh đạo có ảnh hưởng nhất của Đại Việt. Sau các cuộc tấn công của Việt Minh chống lại phong trào này sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, ông có một thời gian ngắn sống lưu vong ở Trung Quốc và trở về Việt Nam vào năm 1947 để đóng một vai trò quan trọng trong các tờ báo và tổ chức thanh niên của Đại Việt. Là một trong những người đầu tiên trong Đảng Đại Việt đề xướng hợp tác với Hoàng đế Bảo Đại, Sung là người công khai lớn tiếng phản đối Hiệp định Geneva, đặc biệt là điều khoản chia cắt Việt Nam.
Đi cùng với Quát, Lansdale tới trụ sở của Đại Việt tại Hà Nội. “Lansdale đã đề xuất kế hoạch xây dựng một tổ chức nằm vùng ở miền Bắc và chúng tôi đã nói chuyện với nhau trong hai ngày”, Quát nhớ lại. “Ông ta đã chỉ ra cho chúng tôi thấy Đại Việt vẫn chỉ là đảng của một nhóm hành động và đảng của trí thức chứ không phải một đảng quần chúng. Ông ta đưa ra một thách thức: nếu chúng tôi chứng minh được rằng chúng tôi có thể làm việc với quần chúng, ông ta sẽ ủng hộ một mạng lưới nằm vùng ở Miền Bắc. Tôi đã nắm lấy cơ hội đó để chứng minh khả năng của mình”.
Lansdale trở lại Sài Gòn, gặp thêm mười sĩ quan CIA, tất cả đều là các chuyên gia hoạt động tình báo bí mật bán quân sự. Những người này đã nhanh chóng được phái từ Nhật Bản, Triều Tiên và Okinawa tới để trợ lực cho Phái đoàn Quân sự Sài Gòn trước thời hạn 11 tháng 8 như quy định trong Hiệp định Geneva. Điều này làm cho Việt Nam trở thành nước duy nhất có hai trạm CIA hoạt động cùng một lúc: một cơ quan với người đứng đầu chỉ tập trung vào các hoạt động gián điệp thông thường và Phái đoàn Quân sự Sài Gòn do Lansdale đứng đầu, phụ trách các hoạt động bán quân sự. Trong khi trưởng trạm và gián điệp của CIA hoạt động dưới vỏ ngụy trang là cán bộ ngoại giao trong sứ quán, Lansdale và nhân viên của ông lại có chỗ làm việc trong Nhóm Cố vấn và Viện trợ Quân sự ở Đông Dương (MAAG) có trụ sở ở Sài Gòn và trực thuộc Lầu Năm Góc từ trước vẫn cung cấp viện trợ quân sự cho Pháp.
Với Phái đoàn Quân sự Sài Gòn đã đầy đủ lực lượng, Lansdale giao cho Conein làm việc với Sung về một chương trình chi tiết liên quan đến hoạt động nằm vùng của Đại Việt. Vừa hết hạn làm việc ở Tây Đức để đưa một số điệp viên thâm nhập qua Bức màn sắt, Conein hiểu biết đầy đủ về việc xây dựng mạng lưới gián điệp. Trên danh nghĩa, phân đội của ông được cử đến MAAG giám sát gần một triệu người tỵ nan dự kiến sẽ vào Nam trong giai đoạn 300 ngày ân hạn theo quy định của Hiệp định Geneva. Do đó, ông dễ có lý do để đi lại giữa Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng.
Nhiệm vụ này không hề dễ dàng. Đặc vụ của Việt Minh đã bắt đầu bí mật kiểm soát Hà Nội. Chạy đua với thời gian, Sung đã chọn Cao Xuân Tuyên, một sĩ quan cao cấp của Đại Việt và là một đại úy trong quân đội của Bảo Đại để bắt đầu tuyển mộ người. Người đầu tiên mà Tuyên tuyển mộ là Trần Minh Châu. Là một tín đồ đạo Thiên chúa, quê ở thành phố Nam Định, ông đã tham gia Việt Minh vào những ngày cuối cùng của Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Làm đến chủ tịch xã, ông ta đã lãnh đạo dân quân du kích ở địa phương chống lại Pháp cho đến khi bị bắt vào năm 1949. Ở trong tù, ông ta đã ly khai với cộng sản và cùng với nhiều người Nam Định theo đạo Thiên Chúa nghiêng về phía Đại Việt và cuối cùng đã gia nhập đảng này.
Đối tượng tuyển mộ tiếp theo của ông ta là Nguyễn Kim Xuyến. Cũng là một tín đồ đạo Thiên Chúa quê ở Nam Định, Xuyến là người rất bảo thủ và là một nhà báo viết chuyên mục trong một tờ báo của Đại Việt. Có hai người để bắt đầu xây dựng một nhóm nằm vùng là một khởi đầu tốt. Tuyên chỉ có đến cuối tháng Tám để tuyển mộ thêm mười tám người. Ông đã không làm được, đến cuối tháng đó, ông ta chỉ tuyển được mười bốn người trong Đảng Đại Việt.
Được đặt mật danh là “nhóm Binh”, tổng số mười sáu người của Đại Việt đã được tập hợp cho Conein. Theo kế hoạch của Phái đoàn Quân sự Sài Gòn, giúp đỡ của CIA cho nhóm Binh chỉ mang tính chất tạm thời, với dự định quyền kiểm soát nhóm này về sau sẽ giao lại cho chính phủ Bảo Đại ở Sài Gòn. Những điều kiện này đã được ban lãnh đạo Đại Việt chấp nhận. Nhóm mười sáu người này đã được ô tô đưa xuống Hải Phòng vào đầu tháng Chín, sau đó bí mật lên một tàu chiến của Mỹ và được đưa tới Okinawa. Trải qua một tháng thử thách về tâm lý và thể chất, tháng Mười năm đó, nhóm này tập hợp lại và được đưa tới một trung tâm huấn luyện trị giá 28 triệu đô la của CIA ở Saipan.
Dù đã bước vào năm hoạt động thứ tư, song căn cứ Saipan lại được đặt tên nghe có vẻ vô hại là Đơn vị Huấn luyện Kỹ thuật Hải quân và đây là trung tâm huấn luyện đầu tiên của CIA ở Viễn Đông. Trước đây, căn cứ này đã từng huấn luyện cho Triều Tiên, Đài Loan và Thái Lan, với nhiều lớp học tách biệt dành cho học viên nước ngoài. Một trong các sĩ quan so sánh Saipan với căn cứ huấn luyện chính của CIA ở Williamsburg, Virginia: “Các cơ sở ở Saipan thực sự đầy đủ, giống như Fort Peary thu nhỏ”.
Tại Saipan, nhóm Đại Việt được tuyển mộ này giảm xuống còn 12 người. Họ tiếp tục được huấn luyện và đặt mật danh tiếng Anh và tiếng Pháp. Được bốn cố vấn Mỹ hướng dẫn, họ được giảng về những vấn đề cơ bản trong hoạt động bán vũ trang và nghiệp vụ điệp viên. Không phải là thu xếp hoàn hảo, chương trình giảng dạy được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp và sau đó được một trong các học viên dịch lại sang tiếng Việt.
Sau khi chương trình kèm cặp cơ bản này kết thúc, những người được tuyển mộ sẽ chia thành ba nhóm nhỏ. Nhóm thứ nhất, trong đó có Trần Minh Châu, giờ có biệt hiệu là Leslie, và ba người khác, được đào tạo về vũ khí, chất nổ và hoạt động phá hoại. Nhóm thứ hai, tổng cộng có năm người, được huấn luyện khá kỹ về hoạt động gián điệp. Nhóm thứ ba gồm ba người được huấn luyện chuyên về thông tin liên lạc.
Khóa huấn luyện ở Saipan dự kiến kéo dài sáu tháng, nhưng CIA đã quyết định nếu nhóm của Binh ở lại theo hết chương trình thì sẽ không đủ thời gian để thâm nhập, trước khi Việt Minh nắm quyền kiểm soát toàn bộ Bắc Việt Nam. Vì vậy, chỉ sau bốn tháng, ba nhóm đã tập hợp lại và được một chuyên gia phát hiện nói dối của CIA kiểm tra lần cuối. Đóng giả là một sĩ quan cảnh sát của Việt Minh, ông ta đã giả vờ tiến hành hỏi cung các điệp viên. Một điệp viên bị loại khi người đó bị lộ tẩy là chỉ điểm cho Pháp. Sau này, các sĩ quan CIA được thông báo là người đó khi trở về Sài Gòn đã bị chặt đầu.
Có một điều mà nhóm Binh không biết, đó là họ không phải là những người Việt duy nhất ở Saipan. Hồi tháng Chín, một mạng lưới nằm vùng thứ hai cũng được hình thành ở Sài Gòn, do Phái đoàn Quân sự Sài Gòn bảo trợ. Được gọi là nhóm “Hao”, những điệp viên này được tuyển mộ từ Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ). Được thành lập năm 1927 như một bộ phận của Quốc Dân Đảng (Koumintang) ở Trung Quốc, VNQDĐ ban đầu khá nổi bật trong những người có tư tưởng dân tộc sau khi lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống thực dân vào năm 1930. Bị Pháp đàn áp dã man, những người lãnh đạo cuộc nổi dậy buộc phải chạy sang Trung Quốc, sống lưu vong cho đến sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Sau khi trở về Việt Nam, lực lượng của họ bị Việt Minh tiêu diệt và chỉ còn là cái bóng của chính mình trong những năm đầu 1950. Tuy nhiên, vào cuối năm 1954, đảng này vẫn có những đảng viên tình nguyện tham gia các khóa huấn luyện gián điệp. Được Lansdale giúp đỡ, lãnh đạo đảng đã tuyển mộ được 21 người để đưa sang huấn luyện tại Saipan.
Trong khi các điệp viên nằm vùng đang được huấn luyện ở nước ngoài, Phái đoàn Quân sự Sài Gòn lại bận rộn với các dự án khác. Vào lúc chế độ cộng sản đang có những chuẩn bị cuối cùng để tiếp quản chính thức Hà Nội vào ngày 11 tháng Mười, Lansdale lại dành nhiều thời gian để tiến hành một chiến dịch tâm lý nhằm khuấy động thái độ bất mãn với những người cai trị mới, ngay từ trước khi họ ổn định công việc. Trong khi có rất nhiều người tỵ nạn rời bỏ quê hương của họ ở Miền Bắc để chạy vào Miền Nam trong thời gian đình chiến quy định trong Hiệp định Geneva, Lansdale đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm dòng người tỵ nạn này càng nhiều. Sử dụng biện pháp tuyên truyền để thuyết phục người dân rằng cuộc sống ở Miền Nam tốt đẹp hơn, Lansdale cũng reo rắc tin đồn rằng người Trung Quốc, vốn từ bao đời nay đã bị người Việt không ưa, dù cho họ ở cùng trong một liên minh cộng sản, hiện có kế hoạch sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc quản lý đất nước Việt Nam. Tin đồn cũng nói rằng nhiều người Việt sẽ bị đưa sang Trung Quốc để làm công nhân đường sắt. Lansdale cũng lợi dụng nỗi lo sợ của những tín đồ đạo Thiên Chúa đối với những người cộng sản vô thần, in truyền đơn trong đó nói rằng “Đức Mẹ Đồng trinh đang đi vào Nam” và hứa hẹn sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho các tín đồ đạo Thiên Chúa ở Miền Nam. Những câu chuyện thêu dệt về tội ác của cộng sản cũng giúp làm tăng thái độ bất bình.
Cú đánh tuyên truyền táo bạo và thành công nhất của Lansdale được tiến hành khi nhân viên của ông phân phát các truyền đơn với chữ ký của các quan chức Việt Minh chỉ thị cho người dân phải hành xử như thế nào khi cộng sản tiếp quản Hà Nội vào tháng Mười, gián tiếp nói đến việc tái phân phối tài sản cá nhân và cải cách hệ thống tiền tệ. Theo Lansdale, chiến dịch này đã thành công lớn. Ông ta viết: “Một ngày sau khi những truyền đơn này được phân phát, số người đăng ký xin di cư đã tăng gấp ba lần… Hai ngày sau, giá trị đồng tiền của Việt Minh giảm một nửa so với trước khi có các truyền đơn.Việt Minh đã sử dụng đài phát thanh để tố cáo những truyền đơn này. Những tờ truyền đơn, về hình thức, trông giống thật đến nỗi phần lớn cán bộ cấp dưới lại tin rằng những lời tố cáo trên đài phát thanh là một âm mưu của người Pháp”. Thậm chí người Pháp cũng bị đánh lừa. Họ đã bắt giam một thành viên trong các nhóm người Việt thuộc quyền của Lansdale trong khi anh ta đang phân phát truyền đơn vào buổi tối và buộc tội anh ta là điệp viên của Việt Minh.
Trong tuần đầu tháng Mười, phân đội của Conein ở phía Bắc chuẩn bị rời Hà Nội ngay trước khi lực lượng Việt Minh tiến vào. Những ngày cuối cùng, họ tập trung tiến hành các hoạt động phá hoại âm thầm trong thành phố. Điệp viên đã lẻn vào một xưởng xe buýt để gây nhiễm bẩn các thùng chứa xăng dầu và bí mật chuyển các gói thuốc nổ giống như những viên than do một nhóm kỹ thuật viên của CIA chế tạo vào các điểm cung cấp nhiên liệu tại nhà máy xe lửa của thành phố. Cả hai phi vụ trên đều có những lúc khá hài hước. Conein hồi tưởng:
“Các chất gây nhiễm bẩn xăng dầu được đóng trong hộp tròn chuyển từ Nhật Bản về. Khi chúng tôi mở ra, mùi của nó suýt làm chúng tôi ngất xỉu trong khi chúng tôi đang ở trong trạm xe buýt, nhưng chúng tôi đã trấn tĩnh lại để đổ các chất này vào trong các thùng xăng dầu và sau đó rời đi. Các viên than chứa chất nổ cũng được chuyển từ Nhật Bản tới. Ý định là đặt những viên than đó tại các nơi bốc dỡ hàng và chờ tiếng nổ lớn. Chúng tôi sợ sẽ có ai đó đi ngang qua, ăn cắp những viên than mang về nhà để đun nấu, rồi bị nổ tung. Sau này, chúng tôi nghe nói những viên than chứa chất nổ đã làm nổ tung một số đầu máy xe lửa”.
Thực hiện xong các hoạt động phá hoại, Conein và người của ông ta chuyển xuống Hải Phòng để tìm địa điểm bí mật cất giấu vũ khí và trang thiết bị dành cho nhóm Binh (cho đến tận tháng Năm năm 1955, thành phố này mới được chuyển giao cho Việt Minh). Tháng Giêng năm 1955, đồ tiếp tế được máy bay của hãng Vận tải Hàng không Dân dụng (Civil Air Transport), thuộc sở hữu của CIA, chuyển từ Sài Gòn ra và các nhóm này bắt đầu hoạt động. Súng đạn được cất giấu dưới nền các ngôi nhà, những đồ tiếp tế khác được đưa đến các nghĩa trang và chôn trong các đám tang giả dưới sự chỉ đạo của Phái đoàn Quân sự Sài Gòn. Cho đến cuối tháng, mọi thứ đã được chôn giấu xong.
Ngày 8 tháng Hai, điệp viên trong nhóm Binh đã vượt qua các buổi kiểm tra phát hiện nói dối và được đưa trở lại Sài Gòn. Tại Sài Gòn, họ trải qua một tháng học tập chính trị, trước khi thâm nhập Miền Bắc. Theo kế hoạch, 12 điệp viên sẽ được chia về ba địa điểm. Leslie, được phong cấp trung úy, sẽ chỉ huy chung. Anh ta và năm điệp viên khác sẽ hoạt động ở Hà Nội, ba người nữa hoạt động ở Hải Phòng và ba người cuối cùng sẽ hoạt động ở Nam Định.
Vào đầu tháng Ba, cả 12 điệp viên được tàu biển đưa ra Hải Phòng. Tại đó, Conein thông báo ngắn gọn về tình hình và trao cho họ các giấy tờ tùy thân giả. Công việc và chỗ ở mới cũng đã được Phái đoàn Quân sự Sài Gòn thu xếp. Phần lớn họ sẽ giả làm ngư dân. Đến cuối tháng đó, họ đã thâm nhập thành công vào đời sống xã hội ở Miền Bắc. Như vậy, mạng lưới của nhóm Binh đã hình thành và đi vào hoạt động ổn định.
Việc thâm nhập của nhóm Hao, thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng, là một hoạt động với tham vọng lớn hơn nhiều. Khoảng tám tấn rưỡi hàng tiếp viện, gồm 14 điện đài, 300 súng các-bin, 50 súng ngắn và hơn 130 kilogam chất nổ, đã lặng lẽ được đưa vào miền bắc bằng máy bay hoặc tàu thủy trong khoảng thời gian từ tháng Hai đến tháng Ba. Phần lớn đồ tiếp tế này được cất giấu ở các địa điểm dọc sông Hồng. Phần còn lại được cất giấu dưới các nền nhà ở Hải Phòng.
Số hàng tiếp viện khác được chuyển giao cho mạng lưới của Quốc Dân Đảng. Bùi Văn Ninh, một đảng viên của đảng này và là sĩ quan thuộc Cơ quan Thông tin của Chính phủ Bảo Đại là một trong số những người được huy động để cất giấu đồ tiếp tế: “Một giáo sư luật, người đã từng giảng dạy ở Đại học Hà Nội, một người mà tôi đã quen biết trong một thời gian, đã nhờ tôi giấu hai điện đài do người Mỹ cung cấp. Các điện đài này được đóng trong những thùng lớn. Tôi đã đào một hố sâu tới hai mét trong nhà tôi ở đường Sơn Lâm, Hải Phòng và giấu một chiếc ở đó. Tôi mang chiếc thứ hai đến nhà một người thân, cách đó hai cây số và chôn trong một cái hố cũng sâu hai mét”.
Trong tháng Tư, các thành viên của nhóm Hao kết thúc khóa học ở Saipan và được đưa đến căn cứ không quân Clark ở Philippines để nghe thông báo tình hình lần cuối. Sau đó, họ lên một tàu chiến của Hải quân Mỹ và được đưa thẳng về Hải Phòng. Chia thành từng toán nhỏ, dưới bóng đêm dầy đặc, họ lẻn lên bờ, chia thành bốn nhóm, đi về phía các thành phố Hà Đông, Hải Phòng, Hà Nội và Sơn Tây.
Một tháng sau, thực hiện Hiệp định Geneva, lực lượng Việt Minh tiến vào tiếp quản Hải Phòng và các khu vực khác mà Pháp chiếm đóng ở vùng ven biển Bắc Việt Nam. Sau khi đã cài cắm hai mạng lưới gián điệp, đơn vị của Conein rút vào Sài Gòn.
Giờ đây ở phía sau chiến tuyến của cộng sản, các gián điệp của nhóm Binh bắt đầu thực hành những gì họ đã được huấn luyện. Nhóm hoạt động ở Hải Phòng phải chịu gánh nặng công việc lớn nhất và họ bắt đầu lấy các trang thiết bị đã được chôn giấu trước đó. Trong một thời gian ngắn, họ đã lặng lẽ lấy được toàn bộ điện đài và vũ khí đã cất giấu. Trong những thứ được cung cấp, có cả loại chất nổ được chế tạo giống viên than mà trước đó Phái đoàn Quân sự Sài Gòn đã sử dụng để gây ra vụ nổ ở một xưởng đầu máy xe lửa của Hà Nội. Một gián điệp trong nhóm hoạt động ở Hải Phòng, Bùi Mạnh Hà, bí danh là Bosco, đã mua một chiếc xe tắc xi nhãn hiệu Citroen và bắt đầu vận chuyển trang thiết bị đến các địa điểm của nhóm Binh.
Tại Sài Gòn, rắc rối bắt đầu nhen nhóm, xuất phát từ thỏa thuận trước đây giữa Lansdale và ban lãnh đạo Đại Việt. Lansdale đã nói rằng mạng lưới gián điệp nằm vùng sau này sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền trung ương ở Sài Gòn. Đại Việt đã đồng ý với điều đó. Thỏa thuận trên rất có ý nghĩa vào thời điểm lúc đó, bởi trong chính phủ Bảo Đại, có rất nhiều đại diện của Đại Việt tham gia, gồm cả hai bộ trưởng nội các. Nhưng đến đầu năm 1955, thành phần chính phủ đã có thay đổi lớn. Thủ tướng mới, Ngô Đình Diệm, là một viên quan trong triều đình cũ và theo đạo Thiên Chúa. Ông không cho phép cạnh tranh quyền lực. Ngay sau khi lên nắm quyền, ông liền kiên quyết thanh trừng các nhân vật của Đảng Đại Việt.
Đảng Đại Việt coi Diệm là một mối đe dọa, nhưng Lansdale lại ủng hộ ông ta. Giống như đối với Magsaysay ở Philippines, Lansdale đã lựa chọn một nhân vật chính trị đơn nhất có khả năng lãnh đạo để ủng hộ. Ông ta đã nhanh chóng đặt cược niềm tin của mình vào thành công của Diệm. Là một phần trong mối quan hệ thân thiết, Lansdale đã thông báo cho Diệm về sự tồn tại của các gián điệp của Đại Việt ở Bắc Việt Nam.
Biết được điều này, Diệm đòi hỏi phải có quyền điều hành mạng lưới gián điệp này. Bác sĩ Đặng Văn Sung, Tổng thư ký của Đại Việt liền phản đối, lập luận rằng các gián điệp được cài lại ở Miền Bắc là công cụ lâu dài để thúc đẩy sự nghiệp của Đại Việt, không phải công cụ của cá nhân của Tổng thống. Sung cho rằng Diệm sẽ không sử dụng đúng mục đích các gián điệp này: “Họ là điệp viên bí mật, hoạt động chống cộng sản. Nhiệm vụ chính của họ là tuyển mộ thêm người. Vì vậy, chúng tôi đã cử một nhóm thứ hai, gồm các đảng viên Đại Việt là người Miền Bắc di cư, sống xung quanh Sài Gòn, để đưa sang Saipan huấn luyện, đào tạo. Nhóm này bao gồm cả những người dân tộc thiểu số và dự kiến họ sẽ được đưa vào Miền Bắc để tăng cường cho mạng lưới hiện có. Người của Diệm không muốn gián điệp, họ chỉ muốn có biệt kích”.
Cuối cùng, hai bên đã đạt được một thỏa hiệp nhân nhượng. Sung được phép tiếp tục kiểm soát nhóm gián điệp thứ hai của Đại Việt được huấn luyện tại Saipan, những người này sau đó sẽ được giữ lại ở Sài Gòn để trở thành các cán bộ đảng. Tuy nhiên, Diệm sẽ nắm nhóm gián điệp thứ nhất và Sung hoàn toàn bị loại ra khỏi chương trình này.
Sung bị thay bằng Tướng Nguyễn Ngọc Lễ, người đứng đầu Lực lượng Cảnh sát Quốc gia mới. Lễ trước đây đã từng làm việc với Phái đoàn Quân sự Sài Gòn trong khi tổ chức thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (Vietnam Veterans League), cho nên ông ta đã quen biết Lansdale. Với việc Tướng Lễ về danh nghĩa phụ trách chương trình này, Cao Xuân Tuyên, một quan chức Đại Việt phụ trách việc tuyển mộ, đã dùng điện đài thông báo cho nhóm Binh về những thay đổi mới trong hệ thống chỉ huy ở Sài Gòn. Leslie, thay mặt cho các gián điệp khác, đã hứa sẽ trung thành với Diệm.
Như Bác sĩ Sung đã e ngại trước đó, thay đổi này không chỉ là ngữ nghĩa. Theo điều hành của những người chỉ huy mới, các điệp viên nằm vùng được chỉ thị phải hoàn thành hai sứ mạng có vẻ không phù hợp nhau. Một mặt, họ được khuyến khích tiến hành các hoạt động biệt kích, thí dụ như các hoạt động phá hoại mà nhất định sẽ bị nhà cầm quyền chú ý. Mặt khác, họ được yêu cầu phải mở rộng mạng lưới gián điệp, một công việc chỉ có thể được hoàn thành trên cơ sở gây càng ít chú ý càng tốt.
Các điệp viên trong nhóm Binh tất nhiên tỏ ra do dự không muốn tiến hành hoạt động phá hoại, trừ một trường hợp ngoại lệ. Sử dụng chất nổ dạng viên than, điệp viên nhóm Binh đã đặt một viên than như vậy tại sân ga ở Hải Phòng. Sau này, theo tin từ hãng thông tấn chính thức của Hà Nội, do cảnh giác nên một công nhân đã phát hiện ra viên than đáng nghi ngờ đó trước khi nó phát nổ, gây thiệt hại.
Cũng có những nỗ lực tuyển mộ điệp viên mới. Dưới vỏ bọc là thợ sửa chữa xe đạp, Leslie báo cáo rằng anh ta đã tuyển mộ thêm hai người mới, vốn đều là thành viên của Đại Việt.
Từ Sài Gòn, Tướng Lễ và các đồng nghiệp người Mỹ của ông ta không ấn tượng lắm với những kết quả hạn chế đã đạt được cho đến lúc đó. Tồi tệ hơn nữa, một số sĩ quan CIA trong tòa Đại sứ Mỹ còn cho rằng họ đã phát hiện được những dấu hiệu cho thấy các điệp viên này hoạt động hai mang. Để kiểm tra, các sĩ quan này muốn đưa một trong các điệp viên nói trên vào Nam để thông báo tình hình. Lansdale kịch liệt phản đối kế hoạch đó, sợ rằng việc đó sẽ làm lộ vỏ bọc của điệp viên và sẽ không thể đưa anh ta trở lại Miền Bắc được nữa. Nhưng, đúng vào lúc đó, Lansdale sắp sửa được luân chuyển về nước và việc đảm trách các hoạt động bán quân sự thuộc Phái đoàn Quân sự Sài Gòn được chuyển giao cho cơ quan CIA. Do quan hệ giữa Phái đoàn Quân sự Sài Gòn và cơ quan CIA chưa bao giờ là tốt, lời khuyên của Lansdale đã không được chú ý tới.
Một thành viên của nhóm hoạt động ở Nam Định bí danh là André đã xung phong vào Nam. Ngày 6 tháng 9 năm 1956, André đã lẻn vào Nam, đi dọc theo vùng cán xoong và vượt biên. Sau khi vào đến Sài Gòn, trong hai ngày liền, anh ta đã bị kiểm tra bằng phương pháp phát hiện nói dối. Sau khi CIA cảm thấy hài lòng với kết quả rằng anh ta không phải điệp viên hai mang, anh ta được thông báo về tình hình trong suốt chín ngày nữa, rồi được đưa trở lại miền Bắc với một lượng tiền lớn để phân phát cho các thành viên trong nhóm Binh.
Chuyến đi của André đã khôi phục niềm tin của CIA vào mạng lưới Binh, thậm chí làm cho cơ quan này bị mù tịt không biết gì về thực tế tình hình ở Bắc Việt Nam. Trong suốt một năm trời, các nhà chức trách cộng sản đã thắt chặt vòng vây đối với nhóm điệp viên này bắt đầu từ khi ba viên than chứa chất nổ bị phát hiện trong một đợt công an truy quét các phần tử buôn bán than trái phép. Khi cuộc điều tra lần theo nguồn gốc của chất nổ phát hiện ra một điệp viên của nhóm Binh, cơ quan tình báo Bắc Việt Nam đã thâm nhập được vào một phần của mạng lưới này. Trong số các điệp viên bị bắt có André.
Trong một thời gian ngắn, Hà Nội đã không dẹp toàn bộ hoạt động của Đại Việt, với hy vọng sẽ sử dụng nó để phục vụ cho mình. Trong mỗi nhóm gián điệp Binh có ít nhất một điệp viên vẫn được phép hoạt động dưới sự kiểm soát của Sài Gòn cho đến tận mùa thu năm 1958. Các nhóm này đã cùng nhau tuyển mộ thêm được ít nhất bảy người nữa, trong đó có một phụ nữ.
Sau đó, ngày 12 tháng 11 năm 1958, lực lượng an ninh của Bắc Việt Nam đã bắt toàn bộ số điệp viên còn lại trong nhóm Binh. Bosco, viên chỉ huy nhóm ở Hải Phòng vốn được huấn luyện tại Saipan, đã bị bắt khi một trong những người trong nhóm anh ta sử dụng điện đài giấu trong một chiếc bàn để chuyển một bức điện vào Sài Gòn. Tổng chỉ huy Leslie bị bắt ở Hà Nội trong khi một thành viên thứ ba, cũng được đào tạo ở Saipan, mật danh là Philip, bị bắt ở Nam Định.
Ngày 4 tháng Tư năm 1959, tòa án xét xử nhóm Binh được tổ chức ở Hà Nội. Mười nghi phạm bị đưa ra công khai trước công chúng. Bên cạnh phòng xử án, nhà chức trách Hà Nội cũng trưng bày trang thiết bị thu được từ nhóm Binh. Những thứ được trưng bày gồm súng tiểu liên giảm thanh, thuốc nổ, súng lục loại nhỏ dùng lò xo để nạp đạn giấu trong tuýp thuốc đánh răng, điện đài. (CIA đã không che giấu bằng chứng cẩn thận. Trong khi các vũ khí không có nhãn mác gì, trên điện đài lại gắn mác, ghi rõ là của Binh chủng Thông tin của Lục quân Mỹ). Theo phương cách tuyên truyền mạnh mẽ điển hình, Hà Nội cũng đưa ra những bức ảnh chụp một gián điệp đang đọc tạp chí khiêu dâm với những bức hình các cô gái đẹp dán trên tường.
Sau 24 giờ nghị án, các bản án đã được đưa ra. Bảy người bị kết án tới mười năm tù. Philip, một gián điệp hoạt động ở Nam Định, bị mức án hai mươi năm tù. Bosco, hoạt động ở Hải Phòng, bị tù chung thân. Leslie, tổng chỉ huy ở Hà Nội, bị kết án tử hình. Theo đài phát thanh Hà Nội, một đám đông khoảng mười ngàn người bên ngoài phòng xử hoan nghênh các quyết định nói trên.
Nhóm Binh đã bị lộ tẩy, nhưng mạng lưới của nhóm Hao chỉ tồn tại mà hầu như không có hoạt động gì. Ngay từ đầu đã không suôn sẻ, người đứng đầu nhóm, Nguyễn Tiến Thành, đã bị mất liên lạc với phần lớn các thành viên trong nhóm. Do vậy, nhiều trang thiết bị của nhóm đã không bao giờ được tìm thấy. Tồi tệ hơn nữa, anh ta phải nhiều tháng mới có trả lời đầu tiên từ Sài Gòn bằng điện đài.
Theo những tường thuật của Hà Nội, Thành đã ra lệnh cho hai điệp viên “vào đầu tháng tám” (ngày cụ thể không được nêu) phải tìm đường vào Nam qua khu phi quân sự phân cách hai miền ở vĩ tuyến 17. Rõ ràng, Hà Nội có vẻ lúng túng khi tiết lộ chuyện này xảy ra vào tháng 8 năm 1963: bởi trong suốt tám năm trời, gián điệp của Quốc Dân Đảng đã hoạt động ở Bắc Việt Nam mà không bị phát hiện.
Năm 1963, cả hai điệp viên được lệnh tới khu phi quân sự đã hoảng sợ và quay trở lại Hải Phòng sau khi mới chỉ đi được một nửa đường. Sau đó ít lâu, một nhóm điệp viên khác của Quốc Dân Đảng cũng cố tìm cách đi sang phía Tây, đến vùng cao nguyên dọc biên giới với Lào để sống trong một buôn làng và lên kế hoạch cho các hoạt động chống lại chính phủ Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, cũng giống hai điệp viên trước, nhóm này đã rút ngắn chuyến đi và quay trở lại.
Đến năm 1964, vận may của cả nhóm đã chấm dứt. Năm đó, trong khi di dời một nghĩa trang cũ ở Hải Phòng, một nhóm công nhân xây dựng Bắc Việt Nam đã phát hiện một thùng chứa vũ khí. Hà Nội lập tức tiến hành điều tra và cuối cùng, mười gián điệp của Quốc Dân Đảng bị bắt và đưa ra xét xử một năm sau đó. Hai trong số này bị xử tử, số còn lại bị phạt tù.
Điều kỳ lạ là không có một lời nào nhắc tới số phận của mười một người khác trong mạng lưới nhóm Hao. Cho đến tận năm 1977, câu trả lời cho vấn đề trên mới được hé mở, qua phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong một hội nghị bí mật ở Hà Nội. Khi nói về vấn đề điều tra các đối tượng chính trị, ông Bộ trưởng có lỡ mồm đề cập một mạng lưới nằm vùng hoạt động cho đến tận giữa những năm 1970: “Năm 1974, Bộ đã triển khai đặc vụ để bắt liên lạc (với các điệp viên nằm vùng), thông qua sử dụng mật khẩu và dấu hiệu nhận biết để bắt liên lạc. Ngay lập tức, họ đã liên lạc được với nhau”.
Hai thập kỷ sau kế hoạch đầy tham vọng mà Phái đoàn Quân sự Sài Gòn triển khai nhằm do thám Bắc Việt Nam, mọi việc đã chấm dứt. Đã không còn ngựa thành Troia nào nữa.
Dương Văn Đoàn dịch (bài đăng trên Tạp chí Phương Đông số tháng 1-2021)