Nguyễn Văn Thiện
Khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Nha Trang – Khánh Hòa có nhiều nét tương đồng với cuộc khởi nghĩa diễn ra ở Hà Nội: tương đồng về thời điểm cũng như phương pháp giành chính quyền. Bài viết trên báo Độc lập số 35, ngày 19/8/1946 hồi tưởng lại bầu không khí cách mạng sục sôi ở thành phố biển miền Nam Trung bộ “có vinh dự thiết lập chính quyền cách mạng cùng một ngày với thủ đô Hà Nội…”.
Nha Trang, một cửa bể ở miền Nam Trung bộ, một căn cứ hải, lục, không quân quan trọng vào bậc nhất của quân đội Nhật, lại là nơi tập trung gần 2.000 Pháp kiều, cả thường dân, lẫn tù binh…
Nha Trang đã được cái vinh dự thiết lập chính quyền cách mạng cùng một ngày với Hà Nội – có lẽ cùng một giờ – với một hình thức tranh đầu gần tương tự.
Những ngày khủng bố
Đầu tháng 8/1945, sau khi Liên Xô tuyên chiến với Nhật, Quân phiệt Phù Tang, như đến lúc giãy chết, bắt đầu khủng bố thường dân và thanh niên Việt Nam. Chúng sửa soạn thiết quân luật trong thành phố. Chúng lùng bắt những cán bộ của phong trào thanh niên… Thành phố Nha Trang bỗng nhiên vắng bóng những chàng trai trẻ, áo trắng, quần xanh, nón lát thường tung tăng ngoài phố, vắng cả những âm thanh của những bài ca hùng tráng thường kêu gọi lòng ái quốc của nhân dân… Dân chúng sống trong một bầu không khí nặng nề, cảm thấy một nỗi băn khoăn, như chờ mong một biến cố gì đây…
Ở xa thành phố chừng 30 cây số, giữa một miền rừng núi, một nhóm thanh niên đã đặt liên lạc với anh em dân tộc miền núi và bắt đầu tổ chức chiến khu.
Những ngày tiền khởi nghĩa
Tin Nhật đầu hàng được vung ra, nhưng như chớp nhoáng truyền khắp các làng mạc. Dân thành phố như trút được một sự đè nén.
Giữa lúc ấy, có những tin đồn làm dân chúng xôn xao: Bọn Pháp ở Nha Trang đã chuẩn bị sắp về ngôi thống trị. Bọn Pháp lén lút ở trong rừng Đác Lắc (Darlac) từ ngày 9/3, đã xuất đầu lộ diện và sắp cùng lính Mọi kéo xuống Ninh Hòa…
Để đối phó với thời cục, Ủy ban Khởi nghĩa Khánh Hòa được tổ chức mau lẹ và lập tức định rõ các kế hoạch khởi nghĩa.
Trong phiên họp đêm ngày 18 rạng 19/8, Ủy ban Khởi nghĩa sau khi kiểm điểm lại lực lượng và phân tách tình hình chính trị địa phương, quyết định khởi sự cướp chính quyền vào ngày 19/8, và sẽ lợi dụng cuộc mít tinh của Nam Triều tổ chức cũng vào ngày hôm ấy, 19/8. Chiều ngày 17/8, dân quân cách mạng đã chiếm cứ huyện Vạn Ninh.
Sáng sớm ngày 19/8, cờ đỏ sao vàng đã bay phấp phới khắp châu thành Nha Trang. Ngay trên đỉnh nhà thờ cao chót vót, trước cửa trại Hiến binh Nhật, một lá cờ cách mạng tung bay ngạo nghễ.
Biểu ngữ được chăng khắp các ngả đường, trưng cao các khẩu hiệu:
Đả đảo chính phủ bù nhìn;
Chính quyền trả về toàn dân;
Đả đạo mọi mưu mô xâm lăng của Pháp và của bất cứ một nước nào;
Cách mạng thành công muôn năm!
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!
Việt Nam độc lập muôn năm!
Cáo thị dán khắp nơi để cảnh cáo Việt gian và lên án bọn chó săn phản quốc, nhưng hứa hẹn khoan hồng cho những kẻ lầm đường. Tuyên cáo bằng chữ Hán cảnh cáo bọn Nhật và bọn Pháp phản động được phát khắp các ngả đường trong khu vực Pháp Nhật, dù bọn Nhật canh phòng hết sức nghiêm ngặt. Truyền đơn Tiếng Việt bay khắp nơi, kêu gọi đồng bào lên đường tranh đấu, để thực hiện độc lập tự do và hạnh phúc cho toàn dân.
Hiến binh Nhật đã tìm đủ cách để ngăn cản cuộc tranh đấu này, mà các thanh niên, phụ nữ vẫn làm xong nhiệm vụ mình trong đêm tối. Giờ đây, chúng đành khuất phục, ngồi lì trong trại.
Bọn quan lại Nam triều chẳng còn phương kế gì đối phó, lại lo rằng không khéo cuộc biểu tình chiều nay sẽ xảy ra to chuyện thì thực là rầy rà cho chúng…
Ngày khởi nghĩa…
Cuộc biểu tình, được tổ chức như đã định trước.
Mới 2 giờ chiều, tuy trời nắng gay gắt, mà dân chúng và thanh niên đã hàng ngũ chỉnh tề, tay mang gậy tầm vông, hay giáo mác, kéo nhau tới sân vận động thành phố. Nhiều người lệt sệt đôi hia Nhật, lủng lẳng chiếc gươm Nhật, cũng tới biểu tình, đó là những đảng viên Việt Nam Ái quốc đảng[1], đảng Hưng Việt[2], đảng Thanh Long[3], hay hội viên của Ủy ban Quốc gia Khánh Hòa[4]. Một tiểu đội Bảo an binh, gươm súng chỉnh tề, cũng tới dự biểu tình. Có nhiều đoàn thể lại đẩy những chiếc xe trên đó diễn tả những cảnh thực dân hà hiếp dân ta.
Chưa có cuộc biểu tình nào lại nô nức đến thế này.
Viên đại úy Nhật Sak…, phụ trách kiểm soát Pháp kiều ở Nha Trang, cũng đến rất sớm, hầm hầm nhìn vào đám lương dân, như muốn nuốt sống.
Viên Tỉnh trưởng đắn đo mãi chưa dám tới[5]. Nhưng sau vì sự can thiệp cương quyết của anh Th. thủ lãnh Thanh niên, chỉ huy cuộc biểu tình, nên ông phải cùng các quan tùy tòng đến đông đủ cả.
Cuộc hội họp bắt đầu vào hồi 4 giờ.
Anh thủ lãnh thanh niên bước tới khán đài, tuyên bố khai mạc. Dân chúng im lặng chờ nghe anh nói về ý nghĩa buổi mít tinh, nhưng linh tính báo trước cho mọi người biết rằng có một sự gì lớn lao sắp xảy ra. Thì đây sự chờ đợi ấy đã đến.
Trên khán đài, anh Th. hét lớn:
“Tôi không phải là thủ lãnh thanh niên tỉnh Khánh Hòa, vì tôi không thừa nhận Chính phủ Nam triều T. T. K…”
Dân chúng xôn xao chưa hết ngạc nhiên, thì anh lại hét to hơn, dõng dạc hơn: “Tôi là đại biểu của Việt Nam Độc lập Đồng Minh hội, tức là Việt Minh”.
Dân chúng còn bàng hoàng sau những tiếng sét hồi sinh, thì trong nháy mắt, tất cả bọn Việt gian lén lút trong hàng ngũ lương dân đã bị những thanh niên trói gô ngay lại.
Một đội Tự vệ danh dự súng cầm tay tiến ra bao vây bọn quan lại. Hai anh khác, súng chĩa ra ngoài, tiến tới bên cạnh khán đài bảo vệ cho diễn giả. Tất cả những hành động đó đều làm trong nháy mắt. Một tên phá hoại, hô lớn: “Tàu bay, tàu bay – để hòng làm rối loạn nhân tâm – nhưng chưa chạy được hai bước nó đã bị một anh tự vệ đâm cho một nhát vào vai và giữ ngay nó lại.
Anh Th. – trên khán đài – lại bình tĩnh tiếp tục hô hào đồng bảo ủng hộ mặt trận thống nhất dân tộc, để lật đổ chính phủ cũ, thiết lập chính quyền cách mạng bảo vệ đất nước, mưu hạnh phúc tự do cho toàn dân.
Lá cờ quẻ Ly hạ xuống, lá cờ cách mạng, sao vàng nền đỏ rướn lên, rướn lên rồi hàng nghìn hàng vạn cờ đỏ sao vàng tung ra, không biết từ đâu, nhưng cả nghìn, cả vạn lá cờ được phất, như say sưa trước ngọn gió tự do. Những tiếng vỗ tay, những tiếng hoan hô, những mũ, những nón tung bay trên không trung như mê man với đời sống mới. Cờ lên! Anh em Bảo an binh theo lệnh của đồng chí chỉ huy (vì đây toàn là các đồng chí cả!) bồng súng lên vai, trang nghiêm cùng dân chúng chào lá cờ danh dự, lá cờ giải phóng, lá cờ của Tổ quốc Việt Nam!
Sung sướng tràn ngập lòng các chiến sĩ cũng như lòng dân chúng, nhiều người ngước mắt nhìn cờ, tay nắm chặt, hai hàng lệ thấm ướt gò má vì cảm động.
Cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vĩ đại, vừa đi vừa tung hô những khẩu hiệu đã quen và khi về tụ tập tại dinh của viên Tỉnh trưởng cũ. Tại đấy, anh Ch. Chủ tỉnh Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Khánh Hòa tuyên bố thủ tiêu Chính phủ bù nhìn, giới thiệu Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh Khánh Hòa và hô hào nhân dân đoàn kết triệt để ủng hộ chính quyền nhân dân.
Lại một lần nữa, tiếng hoan hô vang dậy như sóng cồn trong mấy phút đồng bộ không ngớt.
Giữa lúc ấy thì một sĩ quan ăn vận binh phục Nhật, tiến tới, lễ phép chào Chủ tịch và tự giới thiệu là người Triều Tiên. Nhân danh dân tộc Triều Tiên, ông chào mừng Cách mạng Việt Nam thành công và qua giọng nói nghẹn ngào ông tuyên bố: “Tôi đã sống đời nô lệ như các bạn, nhưng hôm nay được chứng kiến cuộc thắng lợi rực rỡ của nước Việt Nam, lòng tôi vui mừng khôn tả. Nghĩ tới số phận nước tôi, tôi không khỏi bùi ngùi… và không biết bao giờ nước chúng tôi mới được cái vinh quang như ngày hôm nay của các bạn?…”.■
[1] Đảng thân Nhật, hoạt động riêng ở Khánh Hòa do tên V. G. N., một thương gia cầm đầu, một tổ chức do thám của Hiến binh Nhật.
[2] Đảng thân Nhật, có chi nhánh một vài nơi ở Nam Trung Bộ, do N. Đ. D. cựu thượng thư Nam triều cầm đầu.
[3] Đảng quá khích, chủ trương tống tiền và ám sát.
[4] Tổ chức biến tướng của các đảng trên để lôi kéo quần chúng.
[5] Xin nhớ cuộc mít tinh này do quan lại Nam triều tổ chức nên có những bọn thân Nhật tới dự, Việt Minh lợi dụng ngay cuộc mít tinh này để tổ chức quần chúng cướp chính quyền.