Skip to content
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Dịch vụ thư viện
  • Nghiên cứu
  • Danh mục sách
  • Thư viện số
  • DANH MỤC SÁCH
  • THƯ VIỆN SỐ
Thư viện Nguyễn Văn Hưởng

Thư viện Nguyễn Văn Hưởng

CỔNG THÔNG TIN – NVH LIBRARY'S PORTAL

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Giới thiệu thư viện
    • Đội ngũ nhân sự
    • Tuyển dụng
    • Liên hệ
  • Dịch vụ thư viện
    • Câu hỏi thường gặp
    • Bảng giá dịch vụ
  • Nghiên cứu
    • Blog tư liệu
    • Xuất bản
    • Tài nguyên
    • Tin tức
  • Danh mục sách
  • Thư viện số
  • Toggle search form
  • Biển Đông – Nhìn từ góc độ lịch sử và pháp lý Xuất bản
  • Thắng địa Thăng Long – Địa linh đất Việt Xuất bản
  • Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa Xuất bản
  • Chợ Lớn 1955: Ký và họa Xuất bản
  • Một góc nhìn thời cuộc Xuất bản
  • Pol Pot: Mổ xẻ một cơn ác mộng Xuất bản
  • Nước mắt mùa thu Xuất bản
  • Giải phóng Xuất bản

Giới thiệu tác giả: John Prados, chuyên gia khám phá các bí mật của chính phủ Mỹ

Posted on 23/02/2023 By editor No Comments on Giới thiệu tác giả: John Prados, chuyên gia khám phá các bí mật của chính phủ Mỹ

Thanh Trà tổng hợp

John Prados (9/1/1951 – 29/11/2022) là một nhà sử học quân sự người Mỹ. Ông đam mê theo đuổi việc khai thác các tài liệu giải mật của chính phủ, viết hàng chục cuốn sách về những sự thật đáng buồn đã được công nhận về Chiến tranh Lạnh, Chiến tranh Việt Nam và cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, đồng thời còn nổi tiếng với vai trò là một nhà thiết kế trò chơi cờ chiến thuật đoạt nhiều giải thưởng.

Tự nhận mình là một sản phẩm của thập niên 1960 với kiểu tóc đuôi ngựa và bộ ria xồm xoàm, Tiến sĩ Prados vừa là một học giả, vừa là một nhà hoạt động.

John Prados năm 2009 (Ảnh: National Security Archive)

Là một sử gia, ông đã viết những cuốn sách dày dặn được nghiên cứu sâu về các chủ đề đa dạng như Trận Vịnh Leyte trong Thế chiến II, thành công của Đường mòn Hồ Chí Minh trong Chiến tranh Việt Nam, và những thủ đoạn của Nhà Trắng trước cuộc chiến Iraq năm 2003.

Xuyên suốt các công trình của ông là lập luận khẳng định rằng tư liệu lưu trữ về các hoạt động tình báo và hoạt động bí mật thể hiện những góc khuất của lịch sử: mặc dù hoàn toàn vắng bóng trong các thảo luận thông thường, một khối lượng khổng lồ các tài liệu này, nếu được tiết lộ, sẽ làm thay đổi sâu sắc cách nhìn nhận của chúng ta về quá khứ.

Trong nhiều thập kỷ sau Thế Chiến II, những thông tin như vậy hầu như không thể tiếp cận được. Vào thập niên 1970, khi các sử gia và các nhà báo bắt đầu tận dụng Đạo luật Tự do Thông tin để chọc vào các kho lưu trữ của chính phủ, Tiến sĩ Prados vẫn còn là một sinh viên đại học tại Đại học Columbia.

Nhưng khai thác tài liệu lưu trữ là một công việc cực kỳ khó khăn, đặc biệt là khi tài liệu chưa được số hóa. Chỉ một số ít người có đủ nghị lực để làm việc này. Tiến sĩ Prados là một trong số đó.

“Ông ấy đúng là một con chuột ở kho lưu trữ”, Thomas Blanton, giám đốc Lưu trữ An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, nơi Tiến sĩ Prados là chuyên gia cao cấp, nhận xét. “Ông ấy là người thợ mỏ giỏi nhất trong mỏ vàng tư liệu gốc”.

Mặc dù có bằng tiến sĩ của Đại học Columbia, Tiến sĩ Prados chưa bao giờ giữ một vị trí học thuật thuộc biên chế. Tự gọi mình là một “học giả độc lập”, ông không có chức danh chính thức nào cho đến khi Thomas Blanton mời ông về công tác tại Lưu trữ An ninh Quốc gia Hoa Kỳ vào năm 1997. Tuy vậy, ông vẫn được các sử gia kính trọng và là thành viên của các hội nghề nghiệp, trong đó có Hiệp hội Sử gia về Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ.

“John làm việc cực kỳ năng suất, nhưng điểm nổi bật nhất trong các công trình nghiên cứu của ông là sự chú ý đến chi tiết”, Fredrik Logevall, sử gia Đại học Harvard, nhận xét. “Ông ấy luôn mải mê săn tìm những nguồn tư liệu mới, những tài liệu giải mật mới nhất, và sử dụng các thông tin đó để nghiên cứu, viết sách một cách chuyên nghiệp”.

Động lực làm việc của Tiến sĩ Prados không chỉ đến từ sự tò mò tri thức. Vào đầu thập niên 1970 khi còn là một chàng trai trẻ, ông đã bị sốc trước mức độ xảo trá của chính quyền được tiết lộ qua những tài liệu như Hồ sơ Lầu Năm Góc và các sự kiện như vụ Watergate, và ông tin rằng nền dân chủ phụ thuộc vào quyền tiếp cận của công chúng đối với các bí mật của chính phủ. Là một nhà hoạt động phản chiến trong khoảng thời gian này, ông đã dành cả sự nghiệp học thuật của mình để đào xới các bí mật của chính phủ.

Giống như các học giả và nhà báo đã tận dụng Đạo luật Tự do Thông tin, ông lo ngại rằng những bài học mà thế hệ của ông đã rút ra được từ thập niên 1960 đang bị quên lãng trong thập niên 1980, khi chính quyền Reagan đang thúc đẩy các cuộc chiến tranh bí mật ở Trung Mỹ và các thỏa thuận phi pháp như trong vụ Iran-Contra[1]. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Thời báo New York năm 1993, ông nói: “Người dân Mỹ không chỉ cần, mà còn có quyền biết về lịch sử của họ”.

Tiến sĩ John Prados rất tài tình trong việc tìm cách truyền đạt thông điệp có sức ảnh hưởng. Trong nhiều sự kiện cộng đồng với sự tham dự của các cựu quan chức cấp cao trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, ông là người bình tĩnh chống trả bất kỳ ý định tô vẽ lịch sử nào bằng cách trình bày và phân tích những bằng chứng xác đáng không thể chối cãi. Năm 1997 ở Hà Nội, Tiến sĩ John Prados đã tham gia trình bày trong một hội nghị lịch sử do Đại học Brown tài trợ, nơi McNamara và nhiều cựu quan chức hàng đầu của Mỹ và Bắc Việt Nam nhóm họp để thảo luận những bài học rút ra từ Chiến tranh Việt Nam.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Tiến sĩ John Prados đã xuất bản hơn 20 cuốn sách cùng nhiều bài báo, trong đó có không ít tác phẩm viết về Việt Nam như:

The Sky Would Fall: Operation Vulture: The U.S. Bombing Mission in Indochina, 1954 (Trời sập: Chiến dịch Kền kền: Nhiệm vụ ném bom của Mỹ ở Đông Dương năm 1954). New York: Dial Press (1983).

Presidents’ Secret Wars: CIA and Pentagon Covert Operations since World War II (Chiến tranh bí mật của các Tổng thống Mỹ: Những hoạt động ngầm của CIA và Lầu Năm Góc từ sau Thế chiến II). New York: William Morrow (1986)

Valley of Decision: The Siege of Khe Sanh (Thung lũng Quyết định: Cuộc bao vây ở Khe Sanh), viết cùng Ray W. Stubbe. Boston: Houghton Mifflin (1991).

The Blood Road: The Ho Chi Minh Trail and the Vietnam War (Con đường máu: Đường mòn Hồ Chí Minh và Chiến tranh Việt Nam). New York: Wiley (1999).

Vietnam: The History of an Unwinnable War, 1945–1975 (Việt Nam: Lịch sử một cuộc chiến không thể thắng được, 1945–1975). University Press of Kansas (2009).

In Country: Remembering the Vietnam War (Nhớ về Chiến tranh Việt Nam). Lanham, MD: Ivan R. Dee (2011)

Bìa sách “Chiến tranh bí mật của các Tổng thống Mỹ”

Quý III năm 2022, Chi nhánh Hà Nội của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông đã liên kết với Nhà xuất bản Công an Nhân dân xuất bản cuốn sách Chiến tranh bí mật của các Tổng thống Mỹ: Những hoạt động ngầm của CIA và Lầu Năm Góc từ sau Thế chiến II của John Prados. Qua 18 chương sách, bạn đọc có thể tìm thấy nhiều thông tin về hoạt động ngầm của Mỹ ở Việt Nam như các điệp vụ xâm nhập miền Bắc, vụ tập kích Sơn Tây, chiến dịch Phượng Hoàng.

Cuốn sách cũng làm rõ chỉ đạo của các tổng thống Mỹ đối với việc sử dụng các lực lượng vũ trang do Mỹ hỗ trợ để gây ảnh hưởng đến các sự kiện ở các quốc gia khác. Tác giả lập luận rằng các tổng thống Mỹ có quá nhiều quyền tự do hành động trong các hoạt động bí mật, trong khi các Ủy ban giám sát của Quốc hội lại có tác động rất hạn chế. Ông kêu gọi sự chú ý của hệ thống lưỡng đảng vào các hoạt động bí mật của Hoa Kỳ để ngăn chặn những cuộc khủng hoảng trên bình diện quốc tế có thể xảy ra do các hoạt động này.

Thông tin trong cuốn sách này hoàn toàn được tổng hợp từ tài liệu giải mật cùng các hồi ký và công trình nghiên cứu đáng tin cậy. Đây là tài liệu vô cùng giá trị để hiểu về các hoạt động bí mật và cách thức vận hành của hệ thống tình báo Hoa Kỳ, xứng đáng được tham khảo rộng rãi trong giới nghiên cứu tình báo nói riêng và công chúng nói chung.


[1] Theo Bách khoa toàn thư Britannica, Vụ Iran-Contra là một scandal chính trị của Hoa Kỳ vào thập niên 1980, trong đó Hội đồng An ninh Quốc gia đã tham gia vào các giao dịch vũ khí bí mật và các hoạt động khác bị Quốc hội Mỹ cấm hoặc vi phạm chính sách công của chính phủ.

Blog tư liệu Tags:Chiến tranh Việt Nam, giới thiệu sách, tình báo

Post navigation

Previous Post: Tổng thống Mỹ Richard Nixon với chiến dịch “Bờ biển Ngà”
Next Post: Những cuộc thăm dò hòa bình: Vũ điệu mong manh dưới bảy lớp màn che

More Related Articles

Giới thiệu sách: Phantasmatic Indochina Blog tư liệu
Joan Baez ở Hà Nội: Lễ Giáng sinh dưới mưa bom Blog tư liệu
Báo chí Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam: Kiểm duyệt hay không kiểm duyệt? Blog tư liệu
Giới thiệu sách: Steinbeck in Vietnam Blog tư liệu
Miền đất vàng Đông Dương: Tập sách tranh khắc gỗ của họa sĩ Emmanuel Defert Blog tư liệu
Giới thiệu sách: Fire in the lake Blog tư liệu

Leave a Reply Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tra cứu

  • DANH MỤC SÁCH
  • THƯ VIỆN SỐ

Kết nối với chúng tôi

Chuyên đề

  • Việt Nam trên báo Mỹ

Bài mới

  • Người Mỹ toan tính gì cho cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm
  • Những cuộc thăm dò hòa bình: Vũ điệu mong manh dưới bảy lớp màn che
  • Giới thiệu tác giả: John Prados, chuyên gia khám phá các bí mật của chính phủ Mỹ
  • Tổng thống Mỹ Richard Nixon với chiến dịch “Bờ biển Ngà”
  • Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào qua phóng sự độc quyền của Tạp chí Life

Lưu trữ

Meta

  • Log in
  • Entries feed
  • Comments feed
  • WordPress.org

Tags

1945 1954 1975 Biển Đông Báo chí Campuchia Chiến tranh Việt Nam Chiến tranh Đông Dương chế độ thực dân Chợ Lớn chủ nghĩa thực dân chủ quyền Chủ tịch Hồ Chí Minh Châu Á CIA dân tộc giới thiệu sách Hoa Kỳ Huế hậu thực dân Hồ Chí Minh Hà Nội Lyndon B. Johnson nghệ thuật ngoại giao Ngô Đình Diệm Nhật phong trào phản chiến phản chiến phụ nữ Pháp Sài Gòn thuộc địa Thập niên 1960 thư viện tuyển dụng Tết Vietnam War Việt Minh Việt Nam Cộng hòa Việt Nam trên báo Mỹ Yokoyama Đảo chính Đông Dương Đông Nam Á
  • Viện Viễn Đông Bác Cổ và kho sách quý hiếm về Việt Nam Tài nguyên
  • Kho tài liệu Việt Nam trong Hội Thừa Sai Paris – MEP Tài nguyên
  • Những tác phẩm quan trọng về Chiến tranh Việt Nam (Phần 2) Tài nguyên
  • Kho sách Việt Nam tại Thư viện Quốc gia Pháp – BNF Tài nguyên
  • Những tác phẩm quan trọng về Chiến tranh Việt Nam (Phần 1) Tài nguyên
  • Lịch sử Viễn Đông trong kho tài liệu của Viện IRFA, Hội Thừa Sai Paris Tài nguyên

Copyright © 2023 Thư viện Nguyễn Văn Hưởng.