Nguyễn Thừa Hỷ
Mạng lưới chợ ở Thăng Long – Hà Nội đã đóng một vai trò rất quan trọng đối với đời sống kinh tế – xã hội của thành thị này trong những thế kỷ XVII, XVIII và XIX, góp phần tạo nên danh tiếng “Kẻ Chợ” sầm uất bậc nhất cả nước. Tuy nhiên, do những hạn chế về quy mô, phương thức hoạt động cũng như các chính sách của nhà nước phong kiến, hoạt động buôn bán của mạng lưới chợ ở Thăng Long – Hà Nội trong thời gian gần 4 thế kỷ, cho dù đã được mở rộng và sôi nổi nhộn nhịp hơn, nhưng vẫn không có sự chuyển biến về chất, vẫn chỉ là một nền buôn bán lưu thông nhỏ, trong một nền kinh tế hàng hóa giản đơn. Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu lại bài viết về đề tài này của nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 208 năm 1983.
Có thể từ khá lâu, và nếu muộn nhất thì cũng là đến đầu thế kỷ XI, Thăng Long đã trở nên một thành thị lớn nhất của cả nước, hiểu theo đúng nghĩa hoàn chỉnh của nó. Ngay từ khi mới ra đời, nó đã là một phức hợp chính trị – kinh tế quan trọng làm tròn chức năng mà những nhà Vua lập ra nó mong đợi, nghĩa là ở chỗ “chính giữa làm kế cho con cháu muôn đời” và đồng thời cũng là nơi “muôn vật rất thịnh mà phồn vinh… chỗ hội họp của bốn phương”[1]. Kết cấu của nó khá rõ ràng: một phần “thành” giữ vai trò chủ đạo hạt nhân, với những cung điện, thành quách; và cùng với nó là một phần “thị” mang tính chất bổ trợ, với những phố phường, chợ búa. Và trong 6 thế kỷ tiếp theo, cho đến thế kỷ XVII, thành thị hầu như là độc nhất này của Việt Nam đã sống cuộc đời bình thường của nó, nghĩa là phần thành được từng bước xây dựng, mở rộng, kéo theo sự phát triển tiệm tiến của phần thị.
Bước sang thế kỷ XVII, Thăng Long[2] đã chuyển mình mạnh mẽ trong một đà hưng thịnh nhảy vọt. Sự lớn mạnh của nền kinh tế hàng hóa (mà những nét chủ yếu là sự gia tăng các làng thủ công chuyên hóa, sự xuất hiện một thị trường vùng và liên vùng với các tuyến buôn bán nửa đường dài, có sự kích thích của ngoại thương ở một mức nhất định), chính sách mở rộng thành đô của Nhà nước phong kiến Lê – Trịnh, các đợt di động xã hội lớn làm chuyển dịch một khối lượng dân cư đông đảo về kinh thành; tất cả những yếu tố đó đã làm cho đời sống chính trị và kinh tế của Thăng Long trở nên sôi động, trong đà nảy sinh và phát triển chung của một loạt các thành thị khác trong cả nước.
Cùng với sự lớn mạnh của khu thành, đặc biệt là sự xuất hiện của quần thể Phủ Chúa Trịnh ở liền sát với các phố phường buôn bán, khu thị của Thăng Long đã trở nên sầm uất nhộn nhịp chưa từng thấy, lúc này được gọi là Kẻ Chợ, mà các lái buôn và giáo sĩ phương Tây đương thời đã coi như một thành phố thứ hai, “thành phố – chợ búa” bên cạnh “thành phố – cung điện”[3]. Từ một khu vực trước kia tồn tại phụ thuộc vào phần thành chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của khối vua quan thống trị, giờ đây phần thị của Thăng Long đã sống một cuộc sống độc lập, ngày càng trở nên phồn thịnh, ngay cả cho đến thế kỷ XIX, khi Thăng Long không còn là kinh đô của cả nước mà chỉ là một thủ phủ (Bắc Thành) và sau đó chuyển thành tỉnh thành Hà Nội. Trái với khu thành giờ đây sa sút đi một cách đáng kể, thì khu thị của Hà Nội vẫn sầm uất đông vui, có phần nào còn phát triển hơn trước. Một tác giả phương Tây đã viết về Hà Nội vào khoảng giữa thế kỷ XIX: “Mặc dù thành phố này không còn là nơi Vua ở, nhưng tôi cho rằng nó vẫn còn là thành phố hàng đầu của cả nước đối với các ngành mỹ nghệ, kỹ nghệ, thương mại, sự giàu có và dân cư đông đúc, sự lịch duyệt và học vấn… Chính ở đó đã tụ tập những văn nhân, thợ giỏi, nhà buôn lớn, ở đó đã sản xuất ra những vật phẩm mỹ nghệ cần dùng cho đời sống và phục vụ xa hoa, tóm lại, chính đó là trái tim của dân tộc”[4].
Bản thân khu vực thị có hoạt động công thương nghiệp của Thăng Long – Hà Nội trong những thế kỷ này lại là một kết cấu kinh tế khá hoàn chỉnh. Ở chính giữa là một khu buôn bán tập trung, được coi như một thành phần hạt nhân, gồm có những chợ, phố, bến cảng. Xen vào đó là một số phường thủ công nội thị, có chức năng là chế tác khâu cuối cùng của thành phẩm hoặc chế tác một số sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật tinh vi. Xa hơn là một số phường thủ công ven đô của một số nghề đòi hỏi một quy trình lao động phức tạp và một hiện trường lao động lớn, cùng với một số làng nông nghiệp chuyên canh đặc sản. Ngoài kết cấu đô thị và có liên hệ mật thiết với kết cấu đô thị là một hệ thống các làng chuyên nghiệp tầng ngoài, thường xuyên cung cấp sản vật nông nghiệp và hàng hóa thủ công nghiệp cho đô thị.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ giới hạn sự nghiên cứu ở các hoạt động buôn bán của Thăng Long – Hà Nội trong những thế kỷ XVII, XVIII và XIX, mà cũng chỉ đi vào một mặt của các hoạt động đó: mạng lưới chợ. Còn các phố phường buôn bán mà chúng ta có thể coi như một dạng kết hợp đặc biệt của chợ và các làng thủ công chuyên nghiệp, cùng với hoạt động của bến cảng mà chủ yếu có lên quan trực tiếp đến các tuyến buôn bán nửa đường dài và đường dài, đó cũng là những yếu tố rất quan trọng trong kết cấu các hoạt động buôn bán của Thăng Long – Hà Nội, thì chúng tôi hy vọng có dịp sẽ đề cập đến trong những bài viết khác.
Trong những thế kỷ trước, chúng ta ít có những tài liệu cụ thể về mạng lưới chợ ở Thăng Long – Hà Nội. Sử cũ có nhắc đến sự kiện vào năm 1035, Vua nhà Lý “mở chợ Tây Nhai với hành lang dài”[5], có thể vào quãng chỗ chợ Ngọc Hà ngày nay. Cũng trong thời gian này “vua [Lý] Thái Tông cho mở phố chợ về Cửa Đông [quãng phố Hàng Buồm ngày nay], hàng quán chen chúc sát đến bên đền [Bạch Mã], rất là huyên náo[6]. Đời Trần, theo sứ giả Trần Phu trong An Nam tức sự, thì “Chợ cứ 2 ngày họp một phiên, hàng hóa trăm thứ bày la liệt. Hễ cách 5 dặm, thì dựng một ngôi nhà 3 gian, bốn phía đặt chõng để làm nơi họp chợ[7]. Cho đến thế kỷ XVIII, do sự gia tăng dân số và các hoạt động buôn bán ở kinh thành, mạng lưới chợ ở Thăng Long có thể được mở rộng nhiều, mật độ dày đặc hơn các nơi khác. Riêng ở khu buôn bán trung tâm, Phan Huy Chú đã kể ra có đến 8 chợ lớn, có nộp thuế thịt trâu, đó là các chợ Cửa Đông, chợ Cửa Nam, chợ Huyện, chợ Đình Ngang, chợ Bà Đá, chợ Văn Cử, chợ Bác Cử và chợ Ông Nước[8]. Đến thế kỷ XIX, theo Đại Nam nhất thống chí, ta thấy có thêm Chợ Mới ở phía đông nam tỉnh thành, mỗi tháng 6 phiên, nhiều người họp chợ, buôn bán đủ các mặt hàng, là một chợ lớn trong tỉnh[9]. Có lẽ chợ này ở quãng Phố Mới (tức phố Hàng Chiếu ngày nay, khoảng gần chợ Bắc Qua) được thành lập do sự di chuyển của luồng giao thông qua sông Hồng, từ bến Tây luồng (quãng trên Bảo tàng lịch sử ngày nay) lên bến Nguyên Khiết (quãng chỗ chân cầu Long Biên ngày nay), mà sau này, các tác giả Pháp đến Hà Nội vào quãng năm 70 – 80 của thế kỷ trước thường hay nhắc đến bến đò đó.
Sau đây, chúng ta hãy tìm hiểu mạng lưới chợ của Thăng Long – Hà Nội trong những thế kỷ XVII, XVIII và XIX qua các mặt địa điểm, thời gian họp chợ, các mặt hàng buôn bán, phương thức buôn bán, quan hệ với nhà nước phong kiến và vai trò của mạng lưới chợ trong sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa.
1. Địa điểm họp chợ
Căn cứ vào sự phân bố của các chợ ở Thăng Long – Hà Nội trong những thế kỷ XVII, XVIII và XIX, ta có thể nói rằng tuyệt đại bộ phận các chợ đều được dựng nên ở những nơi công cộng, thuận tiện cho việc giao thông đi lại và trao đổi buôn bán. Nhìn chung chợ thường được họp ở một trong số những địa điểm sau:
– Cửa ô: Chúng ta đều biết rằng từ lâu đời, các cửa ô của Thăng Long – Hà Nội đã là những đầu mối giao thông quan trọng của việc buôn bán đi lại giữa các địa phương và kinh kỳ. Năm 1749, chúa Trịnh đã cho đắp lại thành Đại La, xây dựng 16 cửa ô tả hữu để tiện việc kiểm soát. Sau này, khi Thăng Long Hà Nội không còn là kinh đô, nhưng các cửa ô đó vẫn tồn tại và vẫn là những địa điểm tập kết quan trọng của dân chúng các làng mạc chung quanh trước khi vào các phố phường Hà Nội. Đó cũng là những địa điểm thuận tiện cho việc họp chợ. Sách sử cũ đã nhắc đến sự tồn tại của một số chợ đặt địa điểm tại các cửa ô, như các chợ Yên Thái (Bưởi), chợ Dịch Vọng (Ô Cầu Giấy) chợ Cầu Dừa (Ô Chợ Dừa), chợ Yên Thọ (Ô Cầu Dền), chợ Ông Nước (hay Ông Mạc, Ô Đống Mác).
– Cửa thành: Cửa thành là nơi ra vào hàng ngày của các tầng lớp quan lại, sai nha, nho sĩ, quân lính từ Hoàng thành đời Lê (sau là tỉnh thành đời Nguyễn) tới khu vực phố phường buôn bán để mua sắm các sản phẩm, thức ăn vật dụng hàng ngày cũng như các hàng hóa, đồ đạc phục vụ triều nghi. Do đó ở cạnh các cửa thành thường là xuất hiện các khu chợ đông đúc sầm uất.
Chợ xưa nhất ở cửa thành Thăng Long có lẽ là chợ Cửa Tây, thành lập từ đời Lý (chợ Tây Nhai), căn cứ vào vị trí hoàng thành lúc bấy giờ, nhiều người đoán định chợ đó ở vào quãng chợ Ngọc Hà ngày nay. Trong thế kỷ XVI, sử cũ còn nhắc đến tên một chợ là Hoàng Hóa thị (chợ Hoa Vàng)[10], có thể chính là chợ này. Trong dân gian, còn lưu truyền câu ngạn ngữ “Bán mít chợ Đông, bán hồng chợ Tây…”.
Chợ Cửa Đông cũng là một chợ cổ và sầm uất, vì cửa Đông môn thời Lê (trước đó là cửa Tường Phù thời Lý) trực tiếp ăn thông ra khu vực buôn bán của kinh thành (ở vào quãng Hàng Đường – Hàng Buồm bây giờ).
Lê Quý Đôn miêu tả trong Kiến văn tiểu lục: “Thời nhà Lý mới đóng kinh đô ở Thăng Long, người bốn phương lũ lượt kéo đến, họp tập buôn bán, cùng nhau mở chợ Cửa Đông, lập đàn tràng đại hội sát liền ngay đền thờ thần [Bạch Mã][11].
Thời Nguyễn còn có một chợ Cửa Đông khác, gọi là Chợ Đông Thành[12], ở xa hơn về phía Tây chợ Cửa Đông nói trên, quãng phố Cửa Đông ngày nay. Có thể ở đây, quân lính trong thành hàng ngày vẫn ra đây mua bán thức ăn, cho nên ngay cạnh đó, có chỗ gọi là Hàng Gà. Ngay sát thành, chỗ đầu phố Hàng Bồ bây giờ vào cuối thế kỷ XIX còn có một chợ nhỏ chuyên buôn bán chó thịt và thịt chó, có thể là cho lính tráng[13].
Chợ Cửa Nam cũng là một chợ lớn của Thăng Long – Hà Nội vì cửa Nam (thời Lê gọi là cửa Đại Hưng) là nơi ra vào chính hàng ngày của vua chúa, quan lại, các vị tân khoa và nho sĩ. Trong du ký của mình, Dampier có gọi là ở đó “có 2 cửa nhỏ, mỗi cửa ở một bên cửa lớn (cửa Đại Hưng), người ta mở ra cho tất cả những ai có công việc đi đến cung Vua, nhưng các người ngoại quốc thì không được tự do ra vào những cửa này”[14]. Trong chuyến lên kinh năm 1782, Lê Hữu Trác cũng đã đi vào hoàng thành bằng cửa này và có qua một trạm kiểm soát ở Đình Ngang[15] gần đó, người ta cũng lập ra một cái chợ tại nơi đây – chợ Đình Ngang[16].
– Bến sông, bờ kênh: Sông Hồng là một trục buôn bán lớn, chính yếu của Thăng Long – Hà Nội. Ngoài những hoạt động buôn chuyến đường dài và những hoạt động buôn bán tại chỗ ngay trên sông và bến (tre, gỗ, mắm, muối…) người ta còn dựng nên những chợ họp tại 2 bên bờ sông để trao đổi hàng hóa. Chợ Bát Tràng là một chợ lớn họp bên bờ tả ngạn, thuộc làng Bát Tràng. Năm 1782, Lê Hữu Trác lên kinh, đã thấy ở đây “quán rượu, hàng cơm liên tiếp nối nhau”[17]. Và đến năm 1794, Cao Huy Diệu đi chơi đáp thuyền buôn trên sông Hồng, đúng trưa đậu thuyền ở bến Bát Tràng “thấy chợ phố đông đúc, hàng bày đầy ắp”[18]. Chợ Mới ở phố Hàng Chiếu trông sang bến Nguyên Khiết thế kỷ XIX cũng là một chợ thuộc loại ven bến sông Hồng.
Sông Tô Lịch là một dòng sông (đúng ra là một dòng kênh) nội thị, có vai trò quan trọng sống còn đến sinh hoạt kinh tế của Thăng Long – Hà Nội. Trong các thế kỷ trước, hàng hóa và thuyền bè ngược xuôi sông Hồng đã rẽ vào cập bến ở 2 bên bờ sông Tô Lịch, để nghỉ đỗ lại hoặc chất dỡ hàng hóa. Hiện tượng này còn tồn tại cho đến tận cuối thế kỷ XIX[19]. Vì vậy, ở những địa điểm 2 bên bờ sông Tô thuận tiện cho việc buôn bán, người ta lập nên các chợ, một số là chợ đặc sản. Chúng ta có thể kể đến chợ Gạo (đầu cửa sông Tô), chợ Hàng Cá, chợ Cầu Đông, và đặc biệt là chợ Bạch Mã (tên gọi khác của chợ Cửa Đông). Chợ Bạch Mã ở quãng phố Hàng Buồm ngày nay, sát bờ sông Tô, trên bến dưới thuyền, hoạt động buôn bán rất tấp nập, đặc biệt là tầng lớp phú thương Hoa kiều. Năm 1736, sứ thần Trung Quốc là Ngụy Tiếp tới Thăng Long, đã làm thơ ca tụng chợ Bạch Mã:
“Gió hòa bụi chợ đông người
Phất phơ tay áo đua chơi xuân cùng
Ngày dài thuyền chở xe dong
Bán buôn lũ lượt trập trùng chen đua…”[20].
Và một bài thơ khác, tả cảnh chợ phiên Bạch Mã, có câu nói lên sự tương phản giữa 2 cảnh lao động vất vả và cảnh ăn chơi đàng điếm lúc đó:
“Tiếng hò thêm sức, hơi như đứt
Khúc hát tàn canh, giọng vẫn thừa…”[21]
Khoảng đầu thế kỷ XIX, Phạm Đình Hổ đã ghi nhớ lại quang cảnh chợ phiên Bạch Mã cuối thế kỷ XVIII: “… Là một chợ buôn bán rất huyên náo. Những quân trộm cắp hay thừa cơ cướp giật, có khi thò tay vào túi người ta móc lấy hết cả. Có khi chúng cố ý làm cho ồn ào, đổ xô nhau mà chạy để rồi cắp bọc áo người ta, hoặc khuân đồ vật hàng hóa”[22]. Và cảnh “họp chợ Bạch Mã” (Bạch Mã sấn thị) trước đây đã được coi như một trong 8 cảnh sinh hoạt điển hình của Thăng Long (Thăng Long bát cảnh) thời Lê Trịnh[23], được người đương thời đề thơ vịnh.
Ngoài loại chợ cố định về địa điểm như trên, trong đó hàng hóa được bày bán trật tự trong các hàng (lộ thiên) hoặc trong các quán (có mái) ở Thăng Long – Hà Nội, ta còn phải kể đến một số lượng khổng lồ các chợ lưu động không tên của những người buôn bán rong, vặt vãnh, tập hợp lại ở mọi các đường phố, những ngã ba ngã tư, những khoảng đất trống, tóm lại là ở bất kỳ những nơi nào có người qua lại, không cần hàng quán. Đây là một ghi chép về một chợ thuộc loại đó vào khoảng những năm 80 của thế kỷ XIX: “Việc thiết lập một cái chợ không tốn kém gì cả, nó chỉ cần đến thời tiết tốt. Người nông dân ngồi ngay xuống đất, trên đường phố, hàng hóa để trong vuông vải hay trong một cái làn, thậm chí trên đất bụi, nếu như họ không sợ làm hư hỏng loại hàng hóa đó”[24]. Và một nhận xét khác tương tự “Các chợ của thành phố không được bố trí trật tự… Thương nhân ngồi bán hàng la liệt ở các ngã tư, các nơi công cộng, trên đường phố, bất kỳ ở đâu, trông rất ngộ mắt”[25].
Tóm lại, ở Thăng Long – Hà Nội trong những khoảng thế kỷ XVII, XVIII, XIX đã tồn tại một hệ thống chợ, một mạng lưới chợ dày đặc và hoàn chỉnh hơn bất kỳ một mạng lưới chợ ở một địa phương nào khác. Nó được phân bố ở mọi nơi qua lại trong thành phố, nhất là ở các cửa thành, cửa ô, bến cảng, bờ sông. Mật độ chợ đậm đặc nhất ở khu buôn bán trung tâm và càng ra xa thì càng thưa dân. Tổng hợp lại, toàn bộ thành phố (trừ khu vực thành) là một cái chợ lớn, một tập hợp chợ, một siêu thị, đúng như tên gọi “Kẻ Chợ” mà những người bình dân đã đặt tên cho nó.
2. Thời gian họp chợ
Chúng ta không có tài liệu trực tiếp về thời gian chu kỳ họp chợ thời Lý – Trần. Nhận xét của Trần Phu về chợ Việt Nam ghi trong An Nam tức sự: “chợ cứ 2 ngày họp một phiên, hàng hóa trăm thứ bày la liệt” (có bản dịch lại ghi là 2 tháng) gợi cho chúng ta nhiều nghi vấn về mức độ chính xác (các phiên chợ cách nhau mau quá hoặc thưa quá). Văn bản đầu tiên của nhà nước phong kiến về thời gian họp chợ được ghi lại trong Hồng Đức thiện chính thư, nêu ra nguyên tắc chợ họp xen kẽ và định kỳ, nhưng cũng không ghi rõ quãng thời gian cụ thể cách nhau được quy định giữa 2 phiên chợ.
Marini sống ở Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ XVII, thì ghi chép: “Mỗi huyện có một khoảng đất lớn khá rộng rãi mà người ta thuê (của làng sở tại) và ở đó những ai muốn bày bán hàng hóa của mình đều phải trả tiền chỗ, và cứ đúng ngày quy định thì đến đó, và chợ phiên chỉ họp lại tại nơi đó sau khi các huyện khác đến lượt mình cũng đã được hưởng quyền ưu tiên (họp chợ) như vậy. Và với phương thức đó, chỉ trong riêng một trấn, vào tất cả mọi ngày trong năm, ở một nơi nào đó trong số các huyện đều sẽ có một phiên chợ lớn mà người ta có thể tìm thấy mọi thứ hàng hóa ở đó”[26]. Dampier đến Đàng Ngoài vào năm 1688, có nhận xét là: “Ở khắp mọi nơi trong xứ Đàng Ngoài các chợ (nông thôn) họp đều kỳ, một tuần một lần, trong vùng lân cận độ 4,5 xã theo thứ tự luân phiên”[27]. (Nhưng đến khi tính toán thời gian cụ thể thì Dampier lại có sự nhầm lẫn).
Chúng ta có thể chấp nhận ý kiến cho rằng các chợ nông thôn (chợ làng, chợ huyện) hoặc chợ ven đô cứ khoảng 5, 6 ngày họp một lần trong một phạm vi liên kết khoảng 5, 6 xã hoặc huyện.
Đối với các chợ ở khu buôn bán trung tâm của Thăng Long – Hà Nội, về thời gian họp chợ, đã có những điểm chưa được mọi tác giả nhất trí. Trong thế kỷ XVII -XVIII, ý kiến của các lái buôn, giáo sĩ cũng có chỗ khác nhau. Dampier cho rằng “ở Kẻ Chợ, chợ họp trong tất cả mọi ngày”[28], trong khi đó A. Rhodes[29], Baron[30] và Marini[31] lại chép là chợ ở Kẻ Chợ mỗi tháng có 2 phiên (vào ngày rằm và mồng một âm lịch). Còn Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút thì cho rằng ở Kinh kỳ “phiên chợ là những ngày 1, 6, 11, 14, 15, 21, 26 và 30” âm lịch (một tháng 8 phiên)[32]. Đến cuối thế kỷ thứ XIX, thì ý kiến của hầu hết các tác giả sống ở Hà Nội vào khoảng những năm 70, 80 đều cho rằng chợ ở Hà Nội họp “cứ 5 hoặc 6 ngày là một phiên”[33].
Chúng ta có thể suy ra rằng trong những thế kỷ XVII, XVIII, các chợ ở Thăng Long đã họp theo lịch các ngày mà Phạm Đình Hổ ghi chép, trong đó có ngày mồng một và rằm âm lịch là phiên chính, còn những ngày khác là phiên xép. Nhận xét của Dampier về “Kẻ Chợ ngày nào cũng có chợ” nên được hiểu là “bất kỳ ngày nào, cũng có phiên chợ họp trong phạm vi Kẻ Chợ”. Đến thế kỷ XIX, số chợ có thể tăng lên, ngày họp cũng đều kỳ hơn. Và cũng cần lưu ý rằng ở khu trung tâm buôn bán của Hà Nội thì ngoài những phiên chính có nhiều hàng hóa, chợ vẫn họp thường xuyên hàng ngày, bán các thức ăn vật dụng cần thiết. Hình như đối với các chợ ven đô – chợ cửa ô thì người ta cũng áp dụng nguyên tắc xen kẽ luân phiên giữa các chợ, điều này còn thể hiện cho đến ngày nay trong tính chất xen kẽ của các ngày phiên của các chợ Mơ, chợ Bưởi, chợ Cầu Giấy, chợ Dừa…
Cũng giống như chợ ở các địa phương khác, chợ ở Thăng Long – Hà Nội họp từ sáng sớm cho đến quá trưa, có thể muộn hơn chút, “từ 7 giờ sáng và kéo dài đến 2 giờ chiều”[34], có chợ “từ 7 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều”[35]. Có một số chợ ở Hà Nội họp nhiều giờ hơn ở các nơi khác. Đó có thể là vì số lượng người đông đảo và số hàng hóa trao đổi ở đây quá lớn. Lại có một số chợ chỉ họp vào lúc chiều tối, gọi chung là chợ Hôm, có lẽ chỉ để phục vụ riêng cho những khách hàng tiêu thụ tại chỗ ở chung quanh gần đấy, như Chợ Hôm gần phố Hàng Bè (Nam phố) mà Trương Vĩnh Ký có nhắc đến[36] hoặc như Chợ Hôm cuối thế kỷ XIX ở chỗ Chợ Hôm phố Huế ngày nay. Có tác giả sau khi so sánh đã cho rằng “trừ ở Hà Nội và Quy Nhơn, còn ở các địa phương khác bao giờ chúng tôi cũng thấy các chợ đều vãn hết người vào lúc quá trưa, khoảng 3 giờ chiều”[37].
3. Các mặt hàng buôn bán
Chợ ở Thăng Long – Hà Nội thuộc loại chợ lớn nhất trong toàn quốc cho nên số lượng các mặt hàng hóa buôn bán cũng rất lớn và phong phú. Hầu như tất cả các mặt hàng đều được bày bán ở đây. Chúng ta có thể phân ra làm 2 loại hàng chính: hàng nông sản (tươi sống và hàng khô) và hàng thủ công nghiệp.
– Hàng nông sản: Do vị trí thuận lợi đầu mối của các trục giao thông thủy bộ, do mật độ cư dân đông đảo và sự có mặt thường trực của một bộ máy hành chính – quân sự cồng kềnh với những nhu cầu lớn về tiêu thụ xa xỉ của nó, một khối lượng nông sản khổng lồ từ các địa phương lân cận đã đổ về các chợ ở Thăng Long – Hà Nội, để rồi được bán ra một phần qua thương nhân, một phần cho người tiêu thụ trực tiếp.
Gạo: Gạo là món hàng thiết yếu đầu tiên được đem từ các nơi về bán tại các chợ ở Thăng Long – Hà Nội. “Trong các chợ, người ta mua bán vô vàn thóc gạo… gọi là thức ăn chủ yếu của dân trong xứ, nhất là đối với những người nghèo”[38]. Đã từ khá lâu, ở Việt Nam nói chung và ở Thăng Long – Hà Nội nói riêng, đã xuất hiện một tầng lớp thương nhân buôn gạo. Đến thế kỷ XVII – XVIII, bọn lái buôn phương Tây cũng đã tham gia vào công việc này. “Vào dịp giá gạo cao ở Kẻ Chợ, các lái buôn phương Tây kết hợp với các lái buôn bản xứ đã cùng nhau tổ chức ra những đoàn thuyền nhỏ để đi tìm kiếm mua gạo ở những trấn lân cận, để chi dùng cũng như cung cấp cho thị trường”[39]. Đến thế kỷ XIX thì bọn phú thương Hoa Kiều lại chen vào lũng đoạn hoạt động buôn bán quan trọng này, một phần để lén lút xuất cảng sang Quảng Châu (Trung Quốc), mặc dù luật pháp nhà Nguyễn đã nghiêm cấm rất ngặt. J. Dupuis khi đến Hà Nội năm 1873 có ghi lại sự kiện các Hoa thương phố Hàng Ngang đã dùng thuyền buồm đi mua vơ vét thóc gạo ở Hải Dương chở về Hà Nội[40]. Thời nhà Nguyễn, các thuyền gạo được chở về Hà Nội theo đường sông Hồng, cập bến ở cửa sông Tô Lịch, dỡ lên tập trung tại quãng giáp Giang Nguyên, thôn Hương Nghĩa, tổng Tá Túc, huyện Thọ Xương, họp riêng thành một chợ đặc sản, gọi là Chợ Gạo.
Thịt cá: Sau gạo, món hàng nông sản phổ biến thứ hai là thịt cá. Hệ thống sông (Hồng, Tô Lịch), hồ đầm (Hồ Tây, Đầm Sét và rất nhiều các hồ khác nữa) phong phú của Thăng Long – Hà Nội và vùng phụ cận là những nguồn cung cấp dồi dào các loại cá. Ngay bên bờ sông Tô, người ta lập nên một chợ đặc sản bán cá, lúc đó ở trại Tiên Ngư, thôn Đông Thuận, tổng Hậu Túc. A. Rhodes nhận xét: “Cá ở đây có bán rất nhiều và giá rẻ mạt, những con ngon nhất và to nhất cân nặng từ 10 đến 12 cân Anh cũng may ra mới bán được 5 đồng sols (sols: đơn vị tiền cổ gốc từ Peru)”[41]. Thượng kinh phong vật chí ghi: “To mà béo là cá Hồ Tây, kém gì cá lư sông Tùng, cá ngon ở hang Bính, cá chép sông Hà, cá mè sông Lạc…”[42]. Ngoài cá tươi, còn có một số lượng khổng lồ các loại cá mắm, cá khô và nước mắm này dựng trong những “chum vại khổng lồ, tỏa ra khắp phố một mùi nồng nặc”[43].
Thịt lợn và trâu bò cũng được bán ở khắp mọi các chợ. Trong 8 chợ lớn ở kinh thành Thăng Long thế kỷ XVIII đều có giết thịt trâu, phải nộp thuế và da trâu, có chợ lên tới 300 tấm một năm. Phường Hồng Mai (quãng phố Bạch Mai ngày nay) có nghề mổ thịt cổ truyền đem bán tại các chợ. Một tấm bia dựng năm 1669 còn ghi: “Phá xương trâu thì dùng búa rìu, cắt thớ thịt thì dùng dao nhọn. Đêm nghe gà thì dậy, hiểu một nghề tinh, ngày mua bò để buôn, sinh trăm lần lợi” [44]. J. Dupuis đến Hà Nội tháng 6 năm 1873, còn chứng kiến ở đây một chợ chuyên mua bán trâu bò, cứ 5 ngày họp một phiên, ở phía nam thành phố[45]. Và đặc sản thịt bò tái Cầu Dền (gọi là táp) đã đi vào câu ngạn ngữ cổ của Hà Nội: “Cơm Văn giáp (ở làng Kim Liên) táp Cầu Dền, chè Quán Tiên (gần Văn Điền), tiền Thanh, Nghệ” mà Trương Vĩnh Ký đã trích dẫn trong cuốn du ký “Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi 1876” của mình[46]. Ngoài ra, ta còn thấy chợ chuyên bán gà vịt ở thôn Tân Lập – Tân Khai (quãng phố cửa Đông), chợ bán thịt chó và chó thịt ở đầu phố Hàng Bồ…
Ngoài gạo, thịt các, các chợ ở Thăng Long – Hà Nội còn bán vô vàn các thứ rau quả, từ các làng chuyên canh đặc sản ven đô đem về, trong đó có một số thứ nổi tiếng trong toàn quốc, đã từng là vật phẩm tiến vua. Sự phong phú của các mặt hàng nông sản của mạng lưới chợ Hà Nội đã được Dampier ghi tả: “Trong các chợ đó, người ta mua bán vô vàn thóc gạo, thịt cá… Người ta còn thấy bán ở chợ những loại hàng như lợn, khá nhiều lợn sữa (ta có thể hiểu là lợn giống), gà vịt, trứng, có đủ loại to nhỏ, tươi và ướp khô, bã mắm (balacham) và nước mắm. Ở Kẻ Chợ, người ta còn thấy bán cả thịt chó, thịt mèo (và người ta còn nói là cả châu chấu nữa)”[47].
– Hàng thủ công nghiệp: So với các mặt hàng nông sản, thì hàng thủ công nghiệp không chỉ bán tại các chợ của Thăng Long – Hà Nội mà còn bán nhiều tại các cửa hiệu trong các phố dành riêng cho một mặt hàng, như phố Hàng Đào bán tơ lụa, phố Hàng Ngang bán xiêm áo, phố Hàng Bạc bán đồ trang sức kim hoàn, phố Hàng Đồng bán đồ đồng, phố Hàng Giày bán giày dép, phố Bát Sứ bán đồ sứ… Tuy nhiên, đối với quần chúng bình dân và nhất là đối với những người nông dân thuộc các vùng phụ cận kéo về Kẻ Chợ – Hà Nội trong những ngày phiên chợ, thì họ vẫn thích mua trực tiếp các loại hàng hóa đó ở ngay tại chợ hơn, vừa tiện lợi, vừa có thể rẻ hơn so với giá tại các cửa hiệu trong phố. Trước hết, đó là những dụng cụ hàng ngày của người nông dân như cày cuốc, nồi niêu, bát đĩa, các loại hàng vải vóc thông dụng mà người bình dân gọi là hàng tấm, các loại thuốc men cần dùng… Một số chợ mở ra để buôn bán các hàng đặc sản thủ công, như chợ Hàng Tơ gần Hàng Đào mà nó còn nhộn nhịp cho đến tận đầu thế kỷ này[48]. Chợ Bưởi trước kia có tới 15 gian hàng chuyên chứa các loại giấy sản xuất ở các phường Yên Thái, Hồ Khẩu đem ra bán buôn[49], chợ Cầu Giấy cũng bán một số lượng rất lớn giấy các loại. Đúng như Thượng kinh phong vật chí tả lại, ở Kẻ Chợ các “hàng bày bán như chợ biển…không thứ gì là không có”[50].
4. Phương thức mua bán
Ở Việt Nam, chợ không những là nơi trao đổi chính về kinh tế giữa các cộng đồng người mà còn là những trung tâm tiếp xúc, giao tế và văn hóa, thông tin và lối sống của đại chúng, một thứ mass – média của Việt Nam thời Trung đại. Chợ ở Thăng Long – Hà Nội lại có tầm quan trọng của cả nước, nó là một đối thoại không ngừng giữa các vùng nông thôn phụ cận và khối dân thành thị.
Trong những ngày phiên chợ ở Thăng Long – Hà Nội, một số lượng khổng lồ những người từ các nơi đã tràn vào chiếm lĩnh các chợ búa, phố phường của đô thị, tiến hành việc trao đổi, mua bán hàng hóa. Tuyệt đại đa số những người đó là nông dân thuộc các vùng phụ cận mang sản vật nông nghiệp hoặc thủ công nghiệp của mình vào bán tại các chợ đô thành, lúc về mua sắm một ít những vật dụng cần thiết cho công việc sản xuất và đời sống hàng ngày của họ. Đó là những người sản xuất nhỏ, tự sản tự tiêu, những nông dân kiêm thương nhân hoặc thợ thủ công kiêm thương nhân, thậm chí là một kết hợp đa thành phần trong một con người duy nhất “nông dân – thợ thủ công – thương nhân”. Về phương diện buôn bán, họ chỉ coi đó là một hoạt động thứ yếu, kiêm nhiệm nghiệp dư, nói khác đi, họ chỉ là những thương nhân – một nửa. Ở chợ búa kinh thành cũng có một bộ phận những người buôn bán chuyên nghiệp, nhưng trừ trường hợp buôn chuyến đường dài, còn hầu hết là những người buôn bán nhỏ.
Trong thế kỷ XVII và XVIII, các lái buôn và giáo sĩ phương Tây có nhiều dịp nói đến sự đông đúc của các ngày phiên chợ ở Kinh kỳ. Trong những ngày đó, “dân chúng các làng mạc chung quanh đổ xô về mang theo hàng hóa, đông không thể tưởng tượng được… Người ta chỉ hy vọng là nếu có thể tiến lách qua những đám đông khoảng chừng hơn một trăm bước trong nửa giờ thì đã là sung sướng lắm rồi”[51]. “Ở đó, mọi người va chạm vào nhau đến nỗi mỗi ai đều cảm thấy mình bị chen lấn và bị dừng lại ở tứ phía”[52]. Trong những ngày đó “một số rất đông dân chúng đổ xô về, nên các phố phường tuy đã rộng rãi cũng không thể nào chứa nổi đám đông”[53].
Quang cảnh đó của các phiên chợ ở Hà Nội tiếp diễn cho đến tận cuối thế kỷ XIX. Cũng vẫn là cái cảnh “người ta va vấp nhau, chen đẩy nhau”[54], khi “những người nông dân từ các vùng lân cận đổ xô về, bắt đầu từ 8 giờ sáng người ta đã khó mà đi lại được”[55]. “Những người buôn bán và thợ thủ công thuộc đủ mọi loại từ các vùng nông thôn lân cận kéo đến… đi lại, la cà, chuyện trò, mặc cả ồn ào trong một đám dân chúng đông gấp bội đám dân chúng ngày thường”[56]. Có người nhận xét chi tiết hơn: “Những người buôn bán đó từ các vùng nông thôn lân cận kéo đến, với những sản vật của vườn tược của họ, hay với thành quả của một tuần lao động”[57].
Qua những dòng miêu tả trên, mặc dù cách thức diễn đạt khác nhau, tất cả các tác giả đều đi đến nhất trí nhận định: a) Tuyệt đại đa số những người đi đến các chợ Thăng Long – Hà Nội là đám dân chúng từ các vùng lân cận kéo đến. b) Họ là những nông dân và thợ thủ công, nghĩa là những người sản xuất nhỏ, kiếm hoạt động buôn bán. c) Họ mang theo thành quả lao động của họ (sản vật nông nghiệp hoặc sản phẩm thủ công) đến bán tại các chợ, rồi lại trở về làng quê của mình, ngay trong ngày hôm ấy.
Ở đây đã có một sự trao đổi hai chiều nhưng số lượng hàng hóa mà thành thị bán cho nông thôn có thể là ít hơn nhiều số lượng hàng hóa mà nông thôn bán cho thành thị. Do vậy, một tác giả phương Tây ở Bắc thành vào khoảng đầu thế kỷ XIX đã đi đến nhận xét:
“Hầu như ở mọi nước văn minh (Tây Âu), một trật tự trao đổi đã được thiết lập giữa nông thôn và thành thị: nông thôn nuôi ăn thành thị và thành thị cung cấp đồ mặc cùng những công cụ lao động cho nông thôn. Nhưng đó tuyệt đối không phải là mối quan hệ được thiết lập ở Bắc thành. Ở đây, những làng xã là những tập hợp người đông đảo, tập trung vào công việc trồng trọt, chài lưới và làm các đồ thủ công. Còn thành thị thì hầu như chỉ có những nhà giàu, các quan lại được nhà nước trả lương cư trú. Thành thị hầu như không có gì để bán ra, và đã dùng tiền bạc để trả cho những hàng hóa được cung cấp”[58].
Trong việc buôn bán tại các chợ Thăng Long – Hà Nội, giới phụ nữ chiếm một vai trò quan trọng. Các lái buôn và giáo sĩ phương Tây khi sang Việt Nam đều nhận xét là phụ nữ nước ta nói chung và phụ nữ Kẻ Chợ nói riêng đã có một “năng khiếu biệt tài” về buôn bán. Marini đến Kẻ Chợ, có đánh giá là: “Những người phụ nữ ở đây mải mê với thương mại, và họ không ngừng bận rộn về việc bán mua”[59]. Du khách người Trung Quốc Phan Đình Khuê đến Kẻ Chợ vào năm 1688, thì cho rằng “việc buôn bán ở Kẻ Chợ bao giờ cũng do giới phụ nữ đảm nhiệm[60]. Cuối thế kỷ XIX, Dumoutier quan sát tỉ mỉ hơn những phiên chợ ở Hà Nội, để thấy rằng “cứ trong 100 người đi chợ, người ta đếm được 81 người là đàn bà con gái”[61].
Người ta trao đổi mua bán ở các chợ búa Hà Nội bằng tiền kim loại do Nhà nước đúc, đồng và kẽm, buộc lại thành từng xâu chuỗi. Thứ tiền này rất cồng kềnh, khó mang, đôi khi người ta phải dùng đến cả xe cút kít để chở vài chục quan tiền[62]. Thêm vào đó là nạn tiền xấu, mỏng và sứt (nhất là đối với tiền kẽm) và tiền giả (do tư nhân đúc). Cho nên, đối với các món hàng đắt tiền, người ta thường dùng bạc nén để trao đổi cho gọn nhẹ và thuận tiện hơn. Năm 1740, nhà nước sai quan phụ trách bình ổn giá chợ, cho tiền và bạc đều thông dụng cả. Thoi bạc cho cắt ra từng miếng, cứ nặng 1 lạng thì ăn 2 quan tiền quý, nặng 1 đồng cân thì ăn 3 tiền quý. Phàm vật giá từ 2 tiền trở lên (tương đương với 1 đồng cân bạc) thì cho được lưu thông giao dịch bằng bạc[63]. Tuy nhiên, ngay cả đối với thứ kim loại quý này, người ta vẫn gặp phải nạn bạc giả, do đó nhà nước đã ra lệnh nghiêm cấm rất khắt khe.
Hình thức thanh toán hầu như duy nhất trên các chợ Thăng Long – Hà Nội là lối trả tiền mặt. Có một số trường hợp, người ta áp dụng phương thức vật đổi vật (échange en troc). Không có tín phiếu chuyển tiền như trong các hội chợ ở Tây Âu thời trung đại. Hình thức cho vay lấy lãi cũng bị hạn chế, nhất là trong công việc giao dịch buôn bán ở thành thị. Tất cả những điều kiện trên, cùng với khuôn khổ hạn chế của một phiên chợ ở Hà Nội cả về thời gian lẫn không gian, đã không cho phép tiến hành những vụ buôn bán lớn, tập trung hàng hóa và tiền bạc. Ở đây, bán lẻ và bán trực tiếp vẫn là hình thức chiếm ưu thế áp đảo trong quỹ đạo của một nền kinh tế hàng hóa giản đơn.
5. Chợ và nhà nước phong kiến
Trong thể chế kinh tế của Việt Nam, chợ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa có tính chất liên vùng giữa các xã hoặc các huyện với nhau. Nó vừa chịu sự quản lý của địa phương nơi đặt chợ vừa chịu sự quản lý của nhà nước phong kiến.
Ở nông thôn, mặt quản lý của địa phương được nhấn mạnh, các chợ hầu như được coi là thuộc quyền sở hữu và quyền thu lợi nhuận của làng xã đã lập nên chợ đó. Ở Thăng Long – Hà Nội thì ngược lại, trên một diện tích hẹp với một bộ máy nhà nước quan liêu đông đảo, ít có phường thôn nào đủ mạnh để có thể xác lập được chủ quyền của mình ở một chợ, nên quyền lực địa phương ở đây đã bị mờ nhạt đi và mặt kiểm soát của Nhà nước phong kiến thường là được tăng thêm.
Sự kiểm soát được coi là đầu tiên của nhà nước phong kiến đối với các chợ kinh thành và nông thôn là thể lệ về chợ, ghi trong Hồng Đức thiện chính thư, theo đó trước tiên đã nêu ra nguyên tắc: “Việc lập ra các chợ là hệ quả của việc tụ tập đông đúc dân cư. Thiết chế của các chợ đó nhằm mục đích phân phối hàng hóa của quốc gia ra khắp đất nước và làm dễ dàng công việc giao dịch, trao đổi theo nhu cầu”[64]. Sau đó, nhà nước đặt ra phương thức họp chợ luân phiên chu kỳ, thực chất là một sự phối hợp điều hành trong một hệ thống mạng lưới chợ, và trừng phạt những làng xã nào không tuân theo phương thức đó.
Ở Thăng Long – Hà Nội, ngay từ thế kỷ XVII – XVIII, chợ búa đã rất đông đúc, vừa là nơi trao đổi kinh tế giữa các tầng lớp nhân dân nội thị và phụ cận, vừa là nơi cung cấp một số lượng lớn vật phẩm thiết yếu cho đời sống hàng ngày của một bộ máy triều đình, quan lại và quân sĩ đông đảo. Do đó, việc tổ chức và kiểm soát các chợ càng được nhà nước quan tâm, chú trọng hơn. Năm 1740, nhà nước đã đặt ra chức “quan phụ trách bình ổn giá chợ”[65], trông nom việc lưu hành tiền bạc. “Mỗi chợ lại đặt ra một thị trưởng” (hay thị giám) xét kỹ bạc thật bạc giả mà cho mua bán. Bởi thế giá bạc được công bằng, bọn phú thương không cầu lợi nhiều vào dân được”[66].
Luật pháp Nhà nước phong kiến ngăn cấm việc thị trưởng thị giám và những người buôn bán làm sai quy định. Điều 576 luật nhà Lê ghi: “Những người mua bán và các thị giám trong các chợ, trong giao dịch hoặc trong khi thừa hành nhiệm vụ mà không tuân theo pháp luật, thì sẽ bị tội biếm hoặc tội đồ”[67].
Một tệ nạn có thể xảy ra khá phổ biến trong các chợ Thăng Long – Hà Nội lúc đó, là nạn gia nhân các nhà quyền thế hoặc sai nha phủ đệ, thường cậy quyền ra chợ cưỡng đoạt hoặc mua rẻ hàng hóa của nhân dân. Vì vậy, điều khoản 2 của một chỉ dụ ban hành năm Đức Long thứ 6 (1634, thời Lê, Duy Kỳ – Trịnh Tráng) có ghi: “Việc mua bán trao đổi và giao dịch được tiến hành trong các chợ của kinh thành, có mục đích làm lưu thông các tài phú và hàng hóa cần thiết cho đời sống hàng này. Từ nay, các gia đình quyền thế và các cơ quan không được cử gia nhân đi cưỡng chiếm hàng hóa và vật phẩm trong các chợ. Khi họ vi phạm điều khoản này, những “xá nhân” – tức những đội tuần phòng ở phố xá kinh thành – được phép tiến hành điều tra sự việc và những người chứng kiến sự việc được phép bắt giữ kẻ phạm pháp đi giải quan cùng với các đồ vật bị cưỡng chiếm. Nhà nước sẽ thẩm cứu sự việc và nếu đúng là như vậy, những kẻ phạm pháp sẽ bị trừng trị nghiêm khắc”[68].
Lịch triều hiến chương loại chí cũng ghi: “Những sắc dịch làm bếp của nhà Vua và những kẻ nấu bếp cho các nhà quyền quý mà ép lấy hàng hóa ở quán chợ hay ép mua giá rẻ, thị giám và những người bán hàng cùng bắt giải quan, thì xử tội đồ, chủ nhà thì bị phạt. Nếu thị giám a tòng[69] không bắt thì xử trượng biếm, nếu nặng thì xử thêm. Người khác bắt được thì thưởng tùy việc nặng nhẹ”[70].
Vì chức thị giám quan trọng đối với việc buôn bán trong chợ búa đô thành như vậy, và có thể đem lại nhiều lợi lộc cho người giữ chức ấy, nên một số thị giám thường hay lạm quyền và thậm chí một số người khác giả mạo thị giám để sách nhiễu thương nhân. Để phòng ngừa, luật pháp nhà nước ngăn cấm: “Giả xưng làm thị giám đòi càn lễ mừng lễ tết, thì xử biếm 2 tư, bồi thường một phần, nêu ra công chúng giữa chợ 3 ngày, nếu là người quyền quý thì phạt trên 30 quan, bắt tội người sai”[71].
Trên thực tế, sự sách nhiễu của nhà nước phong kiến và bộ máy quan lại đối với công việc buôn bán trong chợ búa ở đô thành là rất lớn. Những người dân buôn bán rất sợ hãi mỗi khi có các quan đi qua chợ. Sau đây là một đoạn miêu tả ngắn của một tác giả Pháp về quang cảnh ấy ở một phiên chợ Hà Nội vào năm 1882:
“Người ta va vấp nhau, chen đẩy nhau… nhưng bỗng nhiên từ đầu phố, người ta trông thấy xô ra 2 chú lính mặc áo đỏ; bước chân chạy đều, và người ta nghe thấy tiếng trống. Lập tức tiếng ồn ào trong chợ bỗng ngừng bặt. Các hàng hoa quả, hàng thịt, hàng thực phẩm, hàng bán thuốc, hàng sành sứ và các hàng cá cùng với các hàng hóa bày biện của mình đột nhiên biến mất như có phép lạ. Đám đông ùa vào trú trong các gian lều bên cạnh, và những người không còn tìm được chỗ trú nữa thì rạp mình cúi xuống hoặc quỳ xuống chắp tay cúi đầu, tất cả đều biểu lộ một nỗi kinh hoàng to lớn nhất. Lúc đó, một viên quan lớn, uể oải nằm dài trong cáng, do những người phu kiệu khiêng đều bước đi qua, và người ta đọc được trên mặt ông ta một nét cau có ảm đạm, thâm hiểm xảo quyệt, hình như đó là tính cách thích hợp dành riêng cho những người có quyền hành. Viên quan đó đi khỏi, chợ lại trở lại quang cảnh quen thuộc, và đến chiều khi đám đông đã tản mạn ra về, người ta có thể nói rằng một đạo quân dịch đã tràn qua phố này, ở đó, đất đã bị chân người nhồi trộn, hòa lẫn với những hoa quả bẹp thối, cá cua ươn hỏng, mảnh vỡ vại chĩnh, giữa những thứ đó những kẻ khốn khổ đang đi tìm kiếm những đồng tiền do những người mua bán có thể đánh rơi…”[72].
Một dấu ấn khác của sự can thiệp và kiểm soát của Nhà nước phong kiến đối với các chợ ở Thăng Long – Hà Nội là vấn đề thuế chợ. Có lẽ là khi bắt đầu mở chợ, những người nào được phép dựng gian hàng buôn bán bên trong chợ, đều phải đóng một thứ thuế đất, mà theo đó năm 1724 đã quy định là “các hạng thổ ở phố, mỗi năm mỗi thước phải nộp tiền là 10 đồng”[73]. Còn lại với loại thuế đánh vào các người buôn bán ở chợ, thì trước đó sử cũ không ghi rõ. Có thể có tình trạng chính quyền địa phương thôn phường tùy tiện đánh thuế. Vì vậy, đến năm 1723 nhà nước ra lệnh “Từ nay về sau, dân ở địa phận các chợ không được đòi riêng tiền cửa hàng của người buôn ngồi”[74].
Và đến năm 1727, nhà nước định lệ thuế chợ. Lệ cũ, chợ ở các xứ, có 8 chợ phải nộp thuế. Đến đây, đều triệt bỏ cả. Duy có các chợ trong Kinh kỳ, chợ nào có làm thịt trâu thì chuẩn định ngạch thuế nhiều ít khác nhau”[75]. Và sau đó là danh sách 8 chợ có làm thịt trâu phải nộp thuế, trong đó có chợ Cửa Đông là nặng nhất; hàng năm phải nộp 318 quan 8 tiền, 300 tấm da trâu, chuẩn định mỗi tấm da là 1 quan 5 tiền. Thực chất, đây là một loại thuế sát sinh, chứ không phải là thuế đánh vào các người buôn ở chợ.
Qua thế kỷ XIX, thuế chợ vẫn ở một tình trạng không rõ ràng. Trên thực tế, có thể các nhà buôn ngồi ở chợ đã bị chính quyền địa phương và những người coi chợ hạch sách, bắt nộp tiền, đóng thuế. Nhưng về mặt luật pháp chính thức quy định ta không thấy nói đến nhà nước phong kiến đặt ra thuế chợ, trong khi thuế cửa ải bến đò (đánh vào các thuyền buôn bán trên sông) thường là phải nộp rất nặng, vượt quá mức ấn định (1/40). Có lẽ triều đình coi chợ búa là nơi trao đổi hàng hóa trực tiếp của những người sản xuất và buôn bán nhỏ, không phải buôn bán lớn, mà không đánh thuế chăng. Cho nên đến năm 1836, theo đề nghị của Tổng đốc Hà Ninh Đặng Văn Thiêm được Minh Mệnh chấp thuận, thì đối với 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận (tương đương với nội thành Hà Nội), các “cửa hàng , chợ búa, phố xá ở đó đều “được miễn thuế”[76].
Cũng như trong cả nước, mạng lưới chợ ở Thăng Long – Hà Nội đã có một vai trò rất quan trọng, nếu không gọi là chủ yếu, đối với đời sống kinh tế của thành thị này trong những thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Chính nó đã là nhân tố quyết định để dấy lên sự hưng khởi của Kẻ Chợ – tức khu vực thị của Thăng Long – trong thế kỷ XVII, và cũng chính nó đã là nhân tố duy trì được sự phồn thịnh của khu vực buôn bán đó của Hà Nội trong thế kỷ XIX, mặc dù lúc đó Hà Nội đã không còn là kinh đô của cả nước, và do đó, khu vực thành đã bị giảm sút đi rất nhiều. Ở một phạm vi rộng hơn, xét trong hệ thống của nền kinh tế hàng hóa, mạng lưới chợ Thăng Long – Hà Nội đã là một cơ chế tích – tiêu tại chỗ rất có hiệu lực đối với quá trình chu chuyển của một khối lượng lớn hàng hóa từ các làng thủ công chuyên nghiệp đến tay người tiêu dùng trực tiếp, trong một thị trường liên vùng, một phần nào đạt tới quy mô toàn quốc, và bước đầu là một đầu mối trong các tuyến giao thương đường dài xuyên quốc gia, mà lúc đó, hầu như vẫn độc quyền nằm trong tay các đại phú thương Hoa kiều. Có thể nói rằng trong nhiều thế kỷ, Thăng Long – Hà Nội với tư cách là một thành thị trung đại, chỉ có thể tồn tại và hoạt động được cùng với sự tồn tại và hoạt động của mạng lưới chợ. Toàn bộ mạng lưới chợ ở đây đã kết hợp thành một thứ chợ khổng lồ, một siêu thị, đó chính là bản thân thành phố.
Tuy nhiên, ở một mặt khác, mạng lưới chợ Thăng Long – Hà Nội cũng đã lại bộc lộ những nhược điểm rất quan trọng của nó, có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa.
Trước hết, mạng lưới chợ Thăng long – Hà Nội cũng chỉ là một tiểu hệ thống trong một hệ thống lớn của mạng lưới chợ được phân bố dày đặc trong toàn quốc. Vì vậy, phạm vi ảnh hưởng có hiệu lực của nó cũng bị giới hạn trong một đường kính không lớn lắm, khoảng chừng một ngày đường đối với người đi bộ mang hàng hóa, cả đi lẫn về, tức độ vài chục km.
Trong những ngày phiên chợ, những người nông dân và thợ thủ công kiêm buôn bán thường mang sản vật hàng hóa của mình ra tranh thủ bán tại chỗ, rồi lại trở về làng quê của mình ngay ngày hôm đó, rất ít trường hợp lưu lại cho đến phiên chợ sau. Trường hợp thuyền bè vận chuyển các hàng hóa nặng và cồng kềnh theo các tuyến buôn bán đường dài hoặc phần nào vượt biên giới quốc gia thì có ghé lại các chợ Thăng Long – Hà Nội, nhưng cũng chỉ bốc dỡ một phần nhỏ hàng hóa ra tiêu thụ tại chỗ, rồi lại nhổ neo lên đường mang hàng đi nơi khác. Hiện tượng giải tỏa mạng lưới chợ phố ở Việt Nam vào trong hệ thống làng xã đã không cho phép tập trung sự buôn bán một cách quá mức vào một mạng lưới chợ duy nhất, dù cho đó là chợ Kinh Kỳ, như kiểu các chợ phiên ở Tây Âu trung đại.
Thời gian và chu kỳ họp chợ cũng ảnh hưởng đến dạng thức trao đổi buôn bán tại chỗ. Trong một chợ ở Thăng Long – Hà Nội, người ta chỉ tập trung mua bán trong một thời gian ngắn, từ sáng cho đến quá trưa cùng ngày, để rồi, 6 ngày sau mới lại đến phiên chợ khác. Vì vậy chủ yếu là mọi người mua bán tại chỗ, tức khắc, thanh toán gọn khối lượng hàng hóa không nhiều, trừ một số hàng cồng kềnh, ít khi người ta lập những kho chứa hàng lớn. Có thể nói chính vì mạng lưới chợ ở Việt Nam nói chung và ở Thăng Long – Hà Nội nói riêng đã được tổ chức quá hoàn chỉnh, nên những hàng hóa mang đến đều được nhanh chóng tiêu đi, mà không kịp tích tụ, tập trung ở một số nhà buôn lớn.
Hình thức trao đổi tiền tệ trên thị trường cũng ảnh hưởng đến quy mô buôn bán. Tiền đồng, kẽm nặng và cồng kềnh, xấu, đã hạn chế sự trao đổi. Bạc được sử dụng trong mua bán gọn nhẹ hơn, nhưng lại có sự phức tạp của nó trong việc cân đo, thật giả. Không có thư chuyển tiền, tín phiếu, làm cho những vụ việc buôn bán lớn không có điều kiện tồn tại. Hơn nữa, tầng lớp “tư bản tiền tệ” đáng lý ra phải được phát triển rất sớm trong lòng chế độ phong kiến như ở Tây Âu, đã bị hạn chế về nhiều mặt ở Việt Nam. Ở thành thị Việt Nam thời xưa “những nhà tư bản – tức những người cho vay nợ bạc – là tầng lớp giàu có duy nhất trong dân chúng nhưng họ đã phải giấu diếm số tiền bạc của họ đi vì sợ các quan lại thấy họ giàu có sẽ gây ra nhiều điều sách nhiễu”[77]. Luật pháp nhà Nguyễn cũng đã hạn chế việc cho vay lãi khi ấn định mức lãi hàng tháng tối đa được phép là 3% và cho dù thời gian vay mượn có kéo dài bao lâu đi nữa thì cuối cùng số lãi cũng không được vượt quá số vốn[78]. Điều đó làm cho tiền tệ trong mạng lưới chợ ở Hà Nội không thể nào tập trung vào trong tay một số ít người giàu có.
Tất cả những điều nói trên, cộng thêm với chính sách ức thương của nhà nước phong kiến, sự hà lạm quá mức trong chính sách thuế tuần ty – quan tân, ý thức hệ Nho giáo coi thường thực nghiệp đã làm cho những hoạt động buôn bán của mạng lưới chợ ở Thăng Long – Hà Nội trong thời gian gần 4 thế kỷ, cho dù có được mở rộng, sôi nổi nhộn nhịp thế nào chăng nữa, nhưng vẫn dậm chân tại chỗ, không có một sự chuyển biến về chất, không tập trung được vốn, hàng hóa và lưu thông vào trong tay một số đại phú thương buôn bán đường dài để có thể chuyển sang quỹ đạo một nền thương nghiệp mang tính chất tư bản chủ nghĩa. Là hệ quả của một nền sản xuất nhỏ phố biến trong hệ thống làng xã và phường thôn, về thực chất, sự buôn bán trong mạng lưới chợ ở Thăng Long – Hà Nội cũng chỉ là một nền buôn bán lưu thông nhỏ, qua các khâu hàng – tiền – hàng, trong một nền kinh tế hàng hóa giản đơn phong kiến. Nếu như trong thời hậu kỳ trung đại ở Tây Âu mô hình chu chuyển hàng hóa các thành thị là người sản xuất → bán buôn → bán lẻ → người tiêu thụ, thì ở Việt Nam lại xuất hiện một mô hình chu chuyển đơn giản và ngắn gọn hơn: người sản xuất → mạng lưới chợ → người tiêu thụ, mà thành thị chính là một dạng đặc biệt của mạng lưới chợ.
Vì vậy, cái cảnh “bà già đi chợ Cầu Đông”, với chiếc đòn gánh vạn năng quẩy đôi bồ nhỏ bé trong đựng vài thứ rau quả và hàng hóa lặt vặt, đến chợ bán lấy tiền mua đồng quà tấm bánh về cho đàn cháu nhỏ đang đợi ở nhà, vẫn là một hình ảnh quen thuộc ngự trị rất lâu bền trong sinh hoạt của đất nước Việt Nam cổ truyền, đó là mẫu hình thu nhỏ của cả một xã hội đang ì ạch bước đi dưới sức nặng đè trĩu trên vai của một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu và một nền sản xuất nhỏ.■
[1] Sử thần triều Lê. Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch) Tập 1, Hà Nội, 1972, tr.190.
[2] Chúng tôi gọi thế cho tiện. Thực ra, các tên gọi của Hà Nội lúc này lần lượt là Đông Đô (1460-1789), Bắc Thành (1789-1802), Bắc Thành tòng trấn (1802-1806), Thăng Long (1806-1830) rồi mới đến Hà Nội (1831 trở đi).
[3] Marini – Relation nouvelle et curieuse des royaumes de Tunquin et de Lao. Paris 1666, tr.109.
[4] Sylvestre – Empire d’Annam et le peuple annamite – Paris’ 1889 tr.28.
[5] Toàn thư I. tr. 211.
[6] Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh (bản dịch). Hà Nội 1972
[7] Trần Phu – An Nam tức sự (bản dịch). Tạp chí Văn học 1/2/1972, tr. 120.
[8] Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí (bản dịch) tập III. Hà Nội 1961, tr.83
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam nhất thống chí (bản dịch) tập III, Hà Nội 1971, tr.189
[10] Toàn thư III. Hà Nội 1968, tr.85.
[11] Lê Quý Đôn. Kiến văn tiểu lục (bản dịch), Hà Nội 1977
[12] Đại Nam nhất thống chí III, tr. 189.
[13] Hocquard – Une Campagne au Tonkin (1884), Paris 1892. tr.177
[14] Dampier – Voyages and Discoveries, London 1688, tr.38.
[15] Lê Hữu Trác – Ký sự lên Kinh (bản dịch), Hà Nội 1977, tr.175.
[16] Đại Nam nhất thống chí III, tr.190
[17] Ký sự lên kinh, tr.147
[18] Thơ của Cao Huy Diệu (Nguyễn Vinh Phúc dịch – Hà Nội mới 8/2/1981).
[19] Viénot – Voyages d’étude fait au’ Tonkin, Sài Gòn 1883. tr.190
[20] Lê Quý Đôn. Văn đài loại ngữ (bản dịch), Hà Nội 1962, tr.162.
[21] Doãn Kế Thiện. Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội 1959, tr.36.
[22] Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút (bản dịch) Hà Nội 1972, tr.84.
[23] Đại Nam nhất thống chí III, tr.187.
[24] Bourde. De Paris au Tonkin (1884) Paris 1885, tr.287.
[25] Bourrin. Le vieux Tonkin. Hà Nội 1911, tr.36.
[26] Marini – Sách đã dẫn, tr.119.
[27] Dampier. Un voyage au Tonkin en 1688 Revue indochinoise Hà Nội 1909 (2), tr.795.
[28] Dampier – Un voyage au Tonkin en 1688, tr.796.
[29] A. Rhodes. Histoire du Royaume du Tonkin (1627-1662). Revue indochinoise 1908 (2), tr.108.
[30] Baron, Description du Royaume du Tonkin, Hà Nội 1914, tr.12.
[31] Marini, Sách đã dẫn, tr.109.
[32] Vũ trung tùy bút, tr.83.
[33] Le Tonkin. Paris 1886, tr.99
Hocquard. Sách dẫn tr.173
Bourde. Sách dẫn tr.286.
[34] Hocquard. Sách dẫn tr.173.
[35] Bourde. Sách dẫn tr.173.
[36] Trương Vĩnh Ký. Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi 1876 – Sài Gòn 1881, tr.16.
[37] Vienot, Sách dẫn tr.86
[38].Dampier. Un voyage au Tonkin en 1688, tr.796.
[39] Dampier. Voyages and Discoveries tr.63.
[40] Dupuis – Les événements du Tonkin 1872-1873, Paris 1879, tr.245.
[41] A. Rhodes. Sách dẫn, tr.180.
[42] Thượng kinh phong vật chí (bản dịch). Nghiên cứu lịch sử 7-8/1971.
[43] Hocquard, Sách dẫn, tr.117.
[44] Tuyển tập văn bia Hà Nội (dịch). Tập II, Hà Nội 1978, tr.4.
[45] Dupuis. Sách dẫn, tr.116.
[46] Trương Vĩnh Ký. Sách dẫn, tr.17.
[47] Dampier. Un voyage au Tonkin en 1688, tr.795-796.
[48] Hoàng Đạo Thúy. Phố phường Hà Nội xưa. Hà Nội 1974, tr.66.
[49] Đỗ Thị Luân. Luận văn tốt nghiệp ĐHTH 1973 (bản đánh máy), tr.32.
[50] Thượng kinh phong vật chí. Nghiên cứu lịch sử 7-8/1971.
[51] Baron. Sách dẫn tr.12.
[52] A. Rhodes. Sách dẫn tr. 109.
[53] Castillon. Anecdotes tonquinoise. Paris 1774. tr.46.
[54] Labarthe. Hanoi: capitale du tonkin Revue de Géographie, Paris 1883, tr.97.
[55] Hocquard. Sách dẫn tr.173.
[56] Bourde. Sách dẫn tr.286.
[57] Le Tonkin. Paris 1887, tr.99.
[58] Bissachère. Etat actuel du Tonkin… Paris 1812, T.I, tr.198.
[59] Marini. Sách dẫn, tr.67.
[60] Phan Đình Khuê. Annam ký du (1688). Bulletin de géographie historique et descriptive Paris 1889, tr.78.
[61] Dumontier. Essais sur les Tonkinois, Hà Nội 1908, tr.198.
[62] Bourde. Sách dẫn, tr.164.
[63] Hiến chương III, tr.64.
[64] Delonatal La justice dans l’ancien Annam. Hà Nội 1911, tr.171.
[65] Hiến chương III, tr.64.
[66] Hậu Lê thời sự ký lược (bản dịch), Tư liệu VTTKHXH tập I, tr.61.
[67] Deloustal. Sách dẫn tr.404. Chú thích thêm của BTV: Tội biếm: giáng chức quan (gồm năm bậc: 1 tư, 2 tư, 3 tư, 4 tư, 5 tư); tội đồ: bị giam cầm, làm việc khổ sai
[68] Deloustal. Sách dẫn tr.404.
[69] A tòng: tham gia vào (việc làm sai trái dưới sự điều khiển của người khác) một cách thiếu suy nghĩ hoặc do bị cưỡng ép, BTV
[70] Hiến chương III, tr.149.
[71] Hiến chương III, tr. 144.
[72] Labarthe. Sách dẫn, tr.97
[73] Việt sử thông giám cương mục (bản dịch), Hà Nội 1957-1960.
[74] Ngô Cao Lãng. Lịch triều tạp kỷ (bản dịch), tập II, Hà Nội 1975, tr.67.
[75] Hiến chương III, tr.83.
[76] Đại Nam thực lục (bản dịch), tập 18, Hà Nội 1967, tr351.
[77] Bissachere. Sách dẫn T.I, tr.211.
[78] Aubaret. Code annamite. T.II, Paris 1865, tr.178.