Cuốn sách Việt sử khảo luận (tập 11) của tác giả Hoàng Cơ Thụy xuất bản năm 1990 ở Paris đã cung cấp tư liệu về việc chính phủ Mỹ ủng hộ Ngô Đình Diệm sau Hiệp định Genève và tình hình tập kết của hai bên trong thời hạn 300 ngày. Chúng tôi trích đăng một số phần để bạn đọc tham khảo.
***
Phần I. Hiệp định Genève
1. Về tập kết
Mọi công việc tập kết và triệt thoái được hoàn tất trong kỳ hạn 300 ngày (tức là từ 22/7/1954 đến 19/5/1955). Lịch trình như sau:
Kỳ hạn và ngày giờ | Quân đội Pháp – Việt (chừng 120.000 ở Bắc) |
Quân đội Việt Minh (chừng 140.000 ở Nam) |
A – 80 ngày:
– Ngày 11/8 lúc 7 giờ tại Bắc Việt |
Tập trung xong về Hà Nội, Hải Dương và Hải Phòng | Rút quân ra khỏi ba vùng này |
– Ngày 16/8 lúc 7 giờ tại Trung Việt | Ra khỏi vùng Bắc sông Bến Hải, và tạm thời ra khỏi Qui Nhơn | Rút quân về những vùng ấn định để sẽ về Bắc |
– Ngày 26/8 lúc 7 giờ tại Nam Việt | Rút quân ra khỏi Đồng Tháp, Xuyên Mộc, Hàm Tân, mũi Cà Mau | |
– Ngày 9/10 lúc 7 giờ | Ra khỏi Hà Nội | Hoàn tất đợt 1 ở Trung, ra khỏi Hàm Tân, Xuyên Mộc ở Nam |
B – 100 ngày:
– Ngày 31/10 lúc 7 giờ |
Ra khỏi Hải Dương | Hoàn tất đợt 2 ở Trung Ra khỏi Đồng Tháp ở Nam |
C – 200 ngày:
– Ngày 8/2/1955 lúc 7 giờ |
Ra khỏi Cà Mâu | |
D – 300 ngày:
– Ngày 19/5/1955 lúc 7 giờ |
Ra khỏi Hải Phòng | Ra khỏi Nam Quảng Ngãi và Bình Định |
Về việc tập kết, nói chung thì cả hai bên đều thi hành nghiêm chỉnh.
Có mấy sự việc đặc biệt là:
a) Ủy ban Bảo vệ Bắc Việt của bác sĩ Hoàng Cơ Bình nhất định không chịu bỏ Bắc Việt, cho nên tướng Ely phải “đề nghị” với Ngô Đình Diệm giải tán Ủy ban đó (dụ 4/8/1954), và cử luật sư Lê Quang Luật, đang làm bộ trưởng Thông tin ở Sài Gòn, ra Hà Nội làm thủ hiến Bắc Việt để thi hành việc tập kết và di cư.
b) Cuốn sách của của V. Tuyên 1964 tr. 121 viết: Khi đám nhân dân “Quốc gia” rút khỏi Bắc Việt, chúng ta thực tình rút hết cán bộ, võ khí. Trái lại, Việt Minh trước khi rút lui về Bắc, đã chôn giấu vũ khí, để cán bộ lại nằm vùng và để sẵn kế hoạch khuynh đảo phần Việt Nam của hàng ngũ “Quốc gia”.
Số cán bộ Việt Minh để lại nằm vùng ấy là từ 8.000 đến 10.000 người (Neil Sheehan, L’Innocence perdue, Paris, Seuil, 1988, tr. 166).
Kể như vậy chỉ đúng một phần, bởi vì đại tá không quân Edward Lansdale thuộc cơ quan tình báo Mỹ C.I.A đã tới Sài Gòn từ ngày 1/6/1954 với nhiệm vụ giả tạo là “phó tùy viên Không lực” và nhiệm vụ thực sự là chỉ huy phái bộ quân sự bí mật Saigon Military Mission (tắt là SMM).
Ông liên lạc với Phòng 5 của quân lực Quốc gia Việt Nam do đại úy Phạm Xuân Giai chỉ huy. Ông huấn luyện cho một nhóm quân nhân Việt làm “chiến tranh tâm lý”, nhất là tung những tin bịa đặt, những cuốn lịch tử vi tiên tri tầm bậy, làm hại cho Việt Minh.
Ông cũng liên lạc cả với Ủy ban Bảo vệ Bắc Việt của bác sĩ Hoàng Cơ Bình để tổ chức “kháng chiến” tại miền Bắc.
Ông sai thiếu tá Lucien Conein dẫn hai đại đội “võ trang tuyên truyền” ra Bắc, với tên hiệu là “Hòa” và “Bình” và đầy đủ khí cụ như radio, thuốc nổ v.v… để phá hoại sau khi quân đội Pháp-Việt rút về Nam. Vậy chỉ có chừng 200 người. Không có vết tích chi về số phận của hai nhóm ấy (chi tiết trong phúc trình mật của SMM gửi về Hoa Thịnh Đốn, Hồ sơ Pentagon 1971, tr. 81-94).
Ngoài ra, việc tập kết quân lực Việt Quốc gia từ Bắc vô Nam không thể nói là hoàn toàn mỹ mãn, bởi vì có rất nhiều lính đào ngũ. Cuốn sách của Phạm Văn Sơn 1972 tr. 199 kể: “Những đơn vị miền Bắc, trước đà thắng thế của đối phương phải luôn luôn chịu đựng áp lực nặng nề, vừa chiến đấu mệt mỏi không được nghỉ ngơi, không được bổ sung, vừa bị khủng hoảng tinh thần bởi các sự tuyên truyền của đối phương”. Tính đến ngày 31/5/1954, Đệ Tam Quân Khu (tức Bắc Việt) có 73.367 quân chính quy và 6.709 phụ lực quân, thì từ 1 đến 31/5/1954 số đào ngũ là 4.303 chính quy và 694 phụ lực quân (tức 6%). Và tr. 206: “Quân số ở Bắc Việt đang từ 80.076 (ngày 31/5) tới khi vào đến trong Nam chỉ còn 32.000 người”, vậy hụt 60%.
c) Cuốn sách của Neil Sheehan, L’Innocence perdue kể chuyện Ngô Đình Diệm hồi cuối năm 1954 nghe lời khuyên của Lansdale và mấy tướng Mỹ, dùng máy bay CIA Mỹ ra hải cảng Tuy Hòa để “thăm dân”, sau khi Việt Minh đã rút về Qui Nhơn để đợi ngày tập kết ra Bắc. Khi máy bay vừa hạ cánh xuống ruộng, thì dân quê – đã được tập hợp trước và phát cờ vàng ba sọc đỏ – vùng chạy tới bao quanh ông Diệm, ông này mặc đồ “sạc-kin” trắng, cà vạt đen, giày đen bóng loáng bị những bàn chân dấy bùn dẵm lên bẩn hết. Ông Diệm khoái chí, nhưng phóng viên Mỹ Everet Bungardner trước thì tưởng thật, sau cho là giả tạo.
2. Về cai trị hành chánh
Điều 14-a của Hiệp định quân sự định rằng: “Trong khi chờ đợi tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách hành chánh vùng ấy”.
Vậy ở dưới vĩ tuyến 17, việc hành chánh do Pháp đảm nhận, nhưng Pháp đã ký với vua Bảo Đại nhiều bản văn độc lập, lần chót là ngày 4/6/1954, nên đúng lý thì quyền hành chánh thuộc về chính quyền Ngô Đình Diệm.
Trong thực tế, và bởi vì bản hiệp định sau cùng ấy chỉ mới được ký tắt, quốc hội Pháp cũng chưa có chuẩn y, cho nên vẫn còn chế độ cũ của các hiệp ước Elysée năm 1949.
Song ta nên biết rằng trong các văn kiện phụ thuộc của Hiệp định Genève có một bản “Tuyên ngôn đơn phương” của chính phủ Pháp Mendès-France, được ghi nhận trong điều 10 của bản “Tuyên ngôn sau cùng” ngày 21/7/1954 rằng: “Hội nghị chứng nhận những lời tuyên bố của Chính phủ Pháp nói rằng Chính phủ Pháp sẵn sàng rút quân đội Pháp khỏi lãnh thổ Cao Miên, Lào và Việt Nam, theo lời yêu cầu của những Chính phủ có liên quan và trong một thời hạn do các bên thỏa thuận”.
Còn ở trên vĩ tuyến 17, thì cố nhiên Việt Minh được quyền vào chiếm Hà Nội ngày 9/10/1954 hồi 8 giờ 30 phút, vào Hải Dương ngày 31/10, vào Hải Phòng ngày 19/5/1955, sau gần 8, 9 năm khuất bóng.
Thế là miền Bắc Việt Nam hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của phía cộng sản.
Song trên nguyên tắc, Việt Minh phải rút khỏi: phần lớn Liên khu IV (từ Do Linh trở xuống), toàn thể Liên khu V (tức cao nguyên miền Trung) và toàn thể Liên khu VII, VIII và IX (tức Nam Việt).
3. Về di cư
Điều 14-d của Hiệp định quân sự định rằng: “Trong thời gian kể từ khi hiệp định này bắt đầu có hiệu lực đến ngày hoàn thành việc chuyển quân, nếu có những thường dân ở một khu thuộc quyền kiểm soát của bên này mà muốn sang ở vùng giao cho bên kia, thì nhà chức trách của khu trên phải cho phép và giúp đỡ sự di chuyển ấy”.
Phần II. Mỹ-Pháp cùng lo “đắp đê”, cùng ủng hộ Ngô Đình Diệm
1. Vị trí của Pháp và “Quốc gia Việt Nam” ở miền Nam
Ở miền Nam Việt Nam, dưới vĩ tuyến 17, sau khi hiệp định Genève đã được thi hành khá nghiêm chỉnh, có hai chính quyền là:
a) Quốc gia Việt Nam
Quốc gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại đã được thiết lập từ năm 1949 và liên kết với Liên Hiệp Pháp bởi hai hiệp định sau cùng, ký tắt ở Paris ngày 4/6/1954.
Ngô Đình Diệm được Bảo Đại tấn phong Thủ tướng ngày 16/6/1954 với toàn quyền quân sự và dân sự, về tới Sài Gòn ngày 26/6, ngụ tại Dinh Gia Long (là trụ sở cũ của viên thống sứ Pháp ở Nam Kỳ hồi Pháp thuộc). Vậy ông Diệm phải ký mọi công văn dưới mệnh đề “thừa lệnh đức Quốc trưởng”, tức là ông phải tuân theo đường hướng ấn định bởi Quốc trưởng và phải hành động trong khuôn khổ hai bản hiệp định Pháp – Việt nêu trên.
Quốc gia Việt Nam không thừa nhận Hiệp định Genève, nhưng Pháp đã phải chịu rút quân đội viễn chinh về dưới vĩ tuyến 17, Hoa Kỳ cũng đã hứa “tôn trọng” những điều khoản quân sự ấy, thì ông Diệm và luôn cả vua Bảo Đại chống lại sao nổi? Cho nên ông phải giải tán “Ủy ban Vảo vệ Bắc Việt” của bác sĩ Hoàng Cơ Bình, cử luật sư Lê Quang Luật ra Bắc thay thế làm thủ hiến để kêu gọi và giúp đỡ đồng bào miền Bắc di cư vào Nam.
Nói cách khác, ông Diệm đành phải lỗi hẹn với lời thề trước cây thánh giá và trước mặt Quốc trưởng, ở Cannes ngày 16/6/1954.
b) Chính phủ Pháp
Thống tướng Ely, Tổng ủy Pháp tại Đông Dương (nay chỉ còn có Ai Lao, Cao Miên và miền Nam Việt Nam dưới vĩ tuyến 17) với toàn quyền quân sự và dân sự, là đại diện của Tổng thống Pháp, Chủ tịch Liên Hiệp Pháp.
Đối với Quốc gia Việt Nam, ông cũng phải hành động trong khuôn khổ hai hiệp định Pháp – Việt ngày 4/6/1954.
Nhưng ông còn lệ thuộc vào bản Hiệp định Genève ngày 20/7/1954, không những về các vấn đề quân sự (ngưng bắn, tập kết v.v…) mà luôn cả về chính trị là tổng tuyển cử trong kỳ hạn hai năm.
Cái kỳ hạn đó là do Molotov đã “ban” cho Mendès-France chiều hôm 20/7, hơn cả sự ước mong của Thủ tướng Pháp chỉ đòi có 18 tháng.
Thời hạn đó để làm chi? Để Chính phủ miền Nam có tạm đủ thì giờ tổ chức và củng cố chế độ, ngõ hầu có chút hy vọng đạt kết quả khả quan trong vụ tổng tuyển cử tháng 7/1956 thống nhất đất nước.
Nói cách khác, hồi tháng 7/1954, chính phủ Pháp của ông Mendès-France, đại diện cho Liên Hiệp Pháp, đã muốn bảo vệ đến cùng Quốc gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại, có ông Ngô Đình Diệm làm thủ tướng.
Hồi ấy chính phủ Pháp rất cần và chỉ có thể trông mong sự giúp đỡ của Hoa Kỳ để làm tròn nhiệm vụ ấy.
2. Hoa Kỳ lo ủng hộ miền Nam Việt Nam: Tổ chức Liên minh Đông Nam Á (SEATO)
Ý kiến thành lập một tổ chức gồm các quốc gia Tây phương và Đông Nam Á để ngăn chặn làn sóng Cộng sản ở vùng này, được manh nha ở Hoa Kỳ từ cuối tháng 3/1954, khi Việt Minh bắt đầu tấn công thật sự vào Điện Biên Phủ và Pháp sai tướng Ely sang cầu cứu Mỹ.
Trong suốt hai tháng rưỡi trời hội nghị Genève nhóm họp, ý kiến ấy vẫn được nuôi dưỡng, khiến Liên Xô và Trung Quốc phải lên tiếng phản đối. Nhất là Trung Quốc chỉ lo ngại việc quân đội Mỹ tràn vào Đông Dương, nên phải cố ép Việt Minh nhượng bộ Pháp phần nào, để Pháp còn thế đứng ở Đông Dương, còn hơn là Mỹ.
Sau khi có Hiệp định Genève ngày 20/7/1954, thì ngoại trưởng Mỹ là Foster Dulles lại càng lo xúc tiến chuyện “đắp đê”.
Chính phủ Mendès-France của Pháp thì rất cần sự tiếp tục ủng hộ của Mỹ ở Đông Dương vì nhiều lý do:
(i) Quân đội viễn chinh Pháp còn phải đóng ở Đông Dương để bảo vệ Ai Lao, Cao Miên và Nam Việt Nam, cho đến khi “được mời” về nước, ít nhất là hai năm nữa, nên cần phải có sự viện trợ của Hoa Kỳ.
(ii) Nếu không may đến cuộc tổng tuyển cử tháng 7/1956 để thống nhất Việt Nam mà Việt Minh đại thắng – hồi đó ai cũng đoan chắc như vậy, cả Việt Minh – thì nên để Hoa Kỳ cùng chịu chung trách nhiệm.
Vậy Pháp phải hưởng ứng việc Hoa Kỳ muốn tổ chức cái Liên minh phòng vệ Đông Nam Á.
Ở Manila, thủ đô nước Philippines, ngày 8/9/1954 đã có 8 quốc gia cũng ký kết Hiệp ước thành lập Liên minh Đông Nam Á, là: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Úc, New Zealand, Philippines, Thái Lan, Pakistan.
Bởi ba nước Lào, Miên và Nam Việt bị ràng buộc bởi Hiệp định Genève nên không thể đứng là Hội viên trong Hiệp ước Manila, nhưng được ghi trong một bản ước thư phụ thuộc (un protocole) rằng nếu bị xâm lăng thì Liên minh sẽ cứu ứng.
Hai điều quan trọng nhất trong Hiệp định là điều 3 về việc ủng hộ kinh tế và điều 4 về việc chống xâm lăng gồm 3 điểm: – Nếu là xâm lăng bằng võ trang từ bên ngoài vào, thì 8 quốc gia hội viên sẽ “hành động” theo đúng hiến pháp của nước mình; – Nếu là lật đổ từ bên trong thì các hội viên sẽ tham khảo ý kiến nhau; – Dù sao thì cũng phải có lời thỉnh cầu của chính phủ nước bị đe dọa.
Kể thì khá mơ hồ, song mọi người cho là đủ, bởi có Hoa Kỳ bảo đảm.
3. Hoa Kỳ ủng hộ Ngô Đình Diệm
Trên đây chúng tôi đã nhận định rằng không có gì chứng tỏ là chính phủ của Tổng thống Eisenhower, có tổng trưởng ngoại giao là ông John Foster Dulles, đã làm áp lực để quốc trưởng Bảo Đại phải cử ông Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng.
Xin nhắc rằng khi ông Diệm được cử làm Thủ tướng ngày 16/6/1954, thì ở Sài Gòn, cả đại sứ Mỹ Donald Heath và đại tá Edward Lansdale của CIA đều chưa biết ông là ai. Họ phải đợi coi lý lịch ông để hiểu rõ hơn.
Nhưng một khi ông Diệm đã về Sài Gòn nhận chức rồi, thì chính phủ Mỹ bèn bắt đầu ủng hộ ông. Lý do chính là tại ông “có đạo gốc” và có tiếng “chống cộng”, lý do phụ là tại ông có tiếng “ái quốc”, “chống Pháp”, “thanh liêm trong sạch” và “có khí phách”.
Vì Pháp phải “sắp hàng” theo Mỹ, nên tướng Ely cũng ủng hộ ông Diệm.
Hồi đầu năm 1955 sự ủng hộ của Mỹ có vẻ giảm thiểu bởi ông Diệm bị các giáo phái miền Nam quá chống đối, nên Mỹ đã muốn bỏ rơi ông. Nhưng bất ngờ ông lật được thế cờ, hạ được các giáo phái, thì Hoa Kỳ bèn trở lại ủng hộ ông nữa.
Sự ủng hộ của Mỹ đối với ông Diệm kéo dài thêm tám năm, cho đến khi ông và em ruột là “cố vấn chính trị” Ngô Đình Nhu thay đổi chính sách, thì họ bị chính phủ của Tổng thống John F. Kennedy bỏ rơi, nói đúng hơn là đỡ đầu cho một số tướng lãnh Việt Nam làm đảo chính ngày 1/11/1963.
Phần III. Chính phủ Mỹ công khai và trực tiếp ủng hộ Ngô Đình Diệm (từ ngày 29/9/1954)
1. Thỏa hiệp Mỹ – Pháp về Nam Việt Nam (29/9/1954)
Từ ngày 26 đến 29/9/1954 một phái bộ Pháp gồm có Tổng trưởng bộ Tài chánh Edgar Faure, Tổng trưởng bộ Các Quốc gia Liên kết Guy La Chambre và Thống tướng Cao ủy Paul Ely, sang Washington để xin thêm viện trợ tài chính cho Quân đội Viễn chinh Pháp ở Đông Dương.
Cuộc thảo luận kéo dài 4 ngày được kể tỉ mỉ trong cuốn sách của Devillers-Lacouture 1969 tr. 358-366, kết quả như sau:
a) Thỏa hiệp về chính trị (bản mật thư)
Ngày 29/9/1954 Thứ trưởng ngoại giao Mỹ là cựu tướng Bedell-Smith và Tổng trưởng bộ Quốc gia Liên kết của Pháp là Guy La Chambre ký một bản mật thư (un protocole) gồm hai điểm chính: (i) Không thỏa hiệp với Việt Minh; (ii) Giúp mọi phần tử chống cộng ở Nam Việt đoàn kết với ông Ngô Đình Diệm để thành lập một “nước chống cộng, hoàn toàn độc lập, vững mạnh và phồn thịnh”.
b) Thỏa hiệp về quân sự và tài chính (bản thông cáo chung kết)
* Quân đội Viễn chinh Pháp còn phải ở lại Nam Việt cho đến khi nào quân đội Việt Nam đủ vững mạnh để tự gìn giữ an ninh trật tự.
* Quân đội Viễn chinh Pháp, chừng 150.000 người ngày 1/1/1955, sẽ giảm xuống còn 100.000 người ngày 1/1/1956. Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ tương xứng.
* Quân đội Nam Việt Nam, chừng 210.000 người hồi cuối năm 1954, sẽ phải tài giảm để đáp ứng với thời bình, xuống còn 90.000 người mà thôi. Mỹ sẽ viện trợ trực tiếp cho chính phủ nam Việt Nam, cả về tài chính, võ khí và kinh tế, không qua trung gian của Pháp nữa. Như vậy để thể hiện nền độc lập thực sự của Nam Việt Nam đối với Pháp.
* Hoa Kỳ và Pháp sẽ cùng nhau hợp lực để huấn luyện quân đội Nam Việt Nam, dưới sự chỉ huy của một tướng Pháp (bắt đầu là Ely).
* Mọi chi tiết thi hành sẽ được nghiên cứu tại Paris.
Theo lời yêu cầu của phái đoàn Pháp, bản thông cáo chung kết có ghi việc chống cộng ở miền Nam, nhưng không ghi việc ủng hộ Ngô Đình Diệm. Bởi vì chính phủ Mendès-France, mặc dầu phải theo Mỹ ủng hộ Diệm, nhưng vẫn hoài nghi rằng ông ta khó thành công. Nên có dự trù sẵn mấy con bài thay thế là các ông hoàng thân Bửu Hội hay Bửu Lộc, sẽ thay mặt Bảo Đại về Việt Nam làm “khâm sai” bao trùm một chính phủ đoàn kết mọi phe phái để chống cộng – kiểu Mendès-France, có hay không có Diệm (coi chi tiết trong Devillers-Lacouture 1969 tr. 356, 364, 366-369).
2. Thi hành thỏa hiệp Mỹ – Pháp
a) Ngày 23/10/1954, Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower viết thư gửi Ngô Đình Diệm, đề nghị viện trợ “để giúp Chính phủ Việt Nam mở mang và duy trì một quốc gia mạnh, nhiều sinh lực, đủ sức chống lại phá hoại hay xâm lăng bằng quân sự” với điều kiện chính phủ Nam Việt Nam “sẵn sàng cam kết là sẽ có thể duy trì những thành tích tốt” (toàn văn bức thư đăng trong Penguin Special 1965 tr. 214-215).
Lá thư vừa hứa viện trợ vừa đòi thực hiện những cải cách cần thiết, tuy không thể nói rõ bằng giấy tờ, song sẽ được người đại diện của Tổng thống Hoa Kỳ trình bày đầy đủ hơn. Nhưng ông Diệm và gia đình sẽ xử sự khác.
b) Tân đại sứ Hoa Kỳ, Tướng J. Lawton Collins tới (8/11/1954)
Ngày 3/11/1954, Tổng thống Mỹ cử Tướng Joe Lawton Collins làm “khâm sai đặc biệt của Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam” với cấp bậc đại sứ, thay thế cho ông Heath, tới Sài Gòn ngay hôm 8/11/1954. Ra đón tại phi trường Tân Sơn Nhất có đủ các quan chức Mỹ-Pháp-Việt, trong số có Trung tướng Nguyễn Văn Hinh.
Ông Collins có biệt hiệu là “Joe sấm sét” có toàn quyền trên mọi cơ quan Mỹ ở Nam Việt, cả CIA của Lansdale, với nhiệm vụ chính là dẹp tan mọi hoạt động chống đối chính quyền Ngô Đình Diệm.
c) Những việc chuyển giao Nha Sở (cuối tháng 12/1954)
Để thực hiện nền độc lập hoàn toàn của Quốc gia Việt Nam, trên nguyên tắc vẫn là của Quốc trưởng Bảo Đại nhưng chỉ ở dưới vĩ tuyến 17, hai bên Pháp – Việt soạn thảo gấp rút rồi ký kết một loạt thỏa hiệp ngày 31/12/1954.
d) Việc giải ngũ hơn một nửa quân đội Nam Việt Nam
Việc tài giảm này sẽ bắt đầu ngày 1/1/1955 và phải hoàn tất trước 1/7/1955 nếu chính phủ Nam Việt Nam không muốn có những khó khăn về tài chính (coi chi tiết trong Phạm Văn Sơn 1972 tr. 247-250).
e) Phái bộ hỗn hợp Mỹ – Pháp để huấn luyện quân đội Nam Việt Nam (Training Relations Instruction Mission, tắt là T.R.I.M)
Phái bộ này được thành lập ngày 20/1/1955, chỉ huy bởi Tướng John O’Daniel, trưởng cơ quan Mỹ MAAG, dưới sự kiểm soát của Thống tướng Tổng ủy Pháp Paul Ely.
Đến tháng 4/1956 quân đội viễn chinh Pháp sẽ rút hết khỏi Nam Việt, cố nhiên cơ quan TRIM cũng trở lại thành MAAG như cũ■
Tài liệu tham khảo
Đoàn Thêm, Những ngày chưa quên, Sài Gòn, 1967.
Jean Lacouture, Philippe Devillers, La fin d’une guerre : Indochine 1954, Paris, 1969.
Neil Sheehan, L’innocence perdue, Paris, 1988.
Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên, Sài Gòn, 1972.