Phạm Viên | Báo Độc lập số 35, ra ngày 19/8/1946
Trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Thái Nguyên giữ vị trí chiến lược và là một cứ điểm mạnh của địch, do đó việc giành chính quyền ở Thái Nguyên là yêu cầu cấp thiết để mở đường cho Quân Giải phóng tiến về Hà Nội. Ngày 16/8/1945, Mặt trận Việt Minh triệu tập Đại hội Quốc dân ở Tân Trào, ra quyết định trọng đại về việc Tổng khởi nghĩa trên cả nước. Cùng với đó, đội Việt Nam Giải phóng quân do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã tiến về Thái Nguyên, chiến đấu giải phóng thị xã Thái Nguyên và các vùng lân cận…
*
Ngọn cờ tiên phong
Lệnh khởi nghĩa truyền ra trên Chiến khu. Bộ đội du kích sửa soạn xuất phát rất gấp. Mưa nguồn rả rích đã non nửa tháng nay, nước sông Cầu cuồn cuộn chảy dâng triền sông lên cao, hai ven bờ nước khe đổ xuống xì xào như đâu đây có tiếng một đoàn quân. Hôm ấy là 12 tháng 7 năm Ất Dậu. Tôi còn nhớ lắm – phải – tôi nhớ từ những nét mặt hoang mang của một số đồng bào trước thời cục. Tin Nhật hàng Đồng Minh không điều kiện đã làm sôi nổi dư luận (trong mấy hôm nay). Cái lực lượng hùng hậu của giặc lùn, đem lên đây, mục đích để tiễu trừ Việt Minh cũng không còn hùng hậu nữa. Những tên hiến binh, hôm qua còn đội lốt quần nâu áo thụng thì hôm nay đã biến đâu mất. Rồi linh tính báo trước cho người ta biết sắp có một sự phi thường: Tổng khởi nghĩa. Chiều tà tà, một chiều thu hơi lạnh, về phía Bắc châu thành, trên làn nước bạc mênh mông bỗng hiện lên một lá cờ đỏ sao vàng.
Những phút hồi hộp! Lá cờ dần tiến đến trong ngàn vạn tiếng hoan hô đoàn chiến sĩ đã nêu cao tinh thần đấu tranh trong các khu rừng hẻo lánh kia nay kéo về đây dưới lá cờ nhuộm máu. Một tràng pháo tay vang nổ, đồng thời pháo thực cũng nổ theo. Những nắm tay hùng dũng giơ chào và đoàn quân Việt Nam vừa đi vừa hát Tiến quân ca.
– Ủng hộ Việt Minh – Tiễu trừ Việt gian.
– Cách mạng thành công – Việt Nam độc lập muôn năm!
Làm hậu thuẫn cho đoàn chiến sĩ Việt Minh, nhân dân tự động xếp hàng theo sau đi biểu tình rầm rộ qua trại Nhật, qua rừng thông, qua các phố rồi ngay từ hôm đó, lá cờ đỏ sao vàng được bay phấp phới trên thành Thái Nguyên.
Tấn công trại Nhật
Sau khi đã tước khí giới ở các đồn lẻ, toàn thể bộ đội Giải phóng quân chiếm đóng các công sở tỉnh lỵ Thái Nguyên vào đêm hôm 13 tháng 7 (âm lịch).
Đêm đã gần tàn, đêm nay có khác mọi đêm, xe tay và hàng phở rong không thấy có, không một ánh lửa, không một tiếng người, dân phố Thái Nguyên còn đắm chìm trong giấc ngủ. Thì chúng tôi được lệnh bố trí để bao vây trại Nhật đóng trong đồn khố xanh cũ, bao vây kho quân nhu trại bờ sông, trại hiến binh và nhà tiếp tế lương thực. Viên tỉnh trưởng Phạm Hy Lượng khi nhận được quân lệnh của Ủy ban Dân tộc Giải phóng thì xin hàng và 500 Bảo an binh bị tước ngay khí giới.
6 giờ 15, đâu đó đã bố trí sẵn sàng, súng thị uy đã rải rác báo hiệu. Anh Q. và ông Phạm Hy Lượng được cử đi mang tối hậu thư vào trại Nhật. Thư viết bằng tiếng Việt Nam, dịch ra tiếng Anh và tiếng Nhật, Ủy ban Dân tộc Giải phóng buộc Nhật phải đầu hàng và nộp khí giới. Nhưng trong khi viên quan ba chỉ huy quân đội Nhật còn do dự thì bên ngoài có vài tên lính Nhật chạy ra.
– Bắn hay không?
Một đồng chí chỉ huy ra lệnh: Bắn!
Tiếng súng nổ… lại nổ… nổ liên tiếp… Một trận kịch chiến bắt đầu, đạn bay như mưa rào. Nào liên thanh, nào lựu đạn. Quân Nhật nấp trong trại bắn ra rất hăng. Nhưng Giải phóng quân vây bên ngoài, trên các tầng gác nã súng máy vào cũng dữ dội. Quân Việt Nam chú trọng nhằm phá vỡ căn cứ bộ tư lệnh của địch quân. Vài đồng chí bị thương, Nhật đổ máu cũng nhiều, cuộc giao tranh gay go, kịch liệt và càng kịch liệt hơn một khi máu chiến sĩ cứ tiếp tục đổ nhiều.
Đã dự chiến nhiều lần, chưa bao giờ các chiến sĩ thấy lòng ham chiến hơn hôm nay. Súng nổ đều, thỉnh thoảng vài quả lựu đạn liệng tạt qua, vừa bò, vừa nấp, mắt không rời địch, tay luôn luôn bên võ khí, kiểm soát vị trí mình. Súng vẫn nổ… bao nhiêu lòng trai trẻ đã thấy căng lên.
Ở hậu phương, dân chúng Thái Nguyên tấp nập hơn bao giờ hết. Từng đoàn phụ nữ tham gia tiếp tế cho quân Giải phóng. Từng lớp thanh niên hăng hái, xung phong, họ tuyên truyền, tổ chức các đoàn thể và tìm hết cách để ủng hộ Mặt trận, có những ông bà già đi nấu cơm ủng hộ, có những em nhỏ phụ trách các việc giao thông xông pha trong tên đạn để mang đến cho anh chị em chiến sĩ một mâm cơm hay ít thứ cần dùng.
Súng cứ nổ đều…
Một cuộc điều đình nhóm mở trong tiếng súng, nghĩa là đôi bên vẫn vừa nói chuyện vừa bắn nhau. Tư lệnh quân đội Nhật là Xuyên Mộc tỏ ý xin điều đình, hắn đề nghị với Ủy ban Dân tộc Giải phóng cử đại biểu vào nói chuyện trong trại Nhật. Nhưng lời đề nghị bị bác bỏ…
Mấy tiếng đồng hồ gián đoạn. Súng nổ dữ dội hơn.
Lần thứ hai xin điều đình, nhưng vì đôi bên không ưng ý địa điểm dùng để nói chuyện với nhau nên lại gián đoạn hồi lâu.
Giải phóng quân tiến lên thêm. Trong thành, Nhật cố chết thủ thế. Ngoài tiếng súng trường, súng ngắn, lựu đạn, quân đôi bên dùng cả đại bác, bắn lựu đạn V.B.
Lần thứ ba, Nhật điều đình xin hàng có điều kiện, và lần thứ ba bộ chỉ huy cương quyết ra lệnh tổng tấn công. Rồi cứ như thế ròng rã hơn 5 ngày giời, đêm, ngày bổ vây quyết liệt. Quân Nhật bị hãm vào tình cảnh nguy nan: lương hết, nước thiếu, các đồn lẻ tan vỡ, tinh thần kháng chiến đã đến lúc rời rã trước sự chiến đấu mãnh liệt của Giải phóng quân. Tư lệnh Xuyên Mộc cử viên quản Tây Bản ra xin điều đình.
Trước sự cô lập của địch quân, Ủy ban Dân tộc Giải phóng cũng không hẹp hòi gì, nên hồi 9 giờ sáng ngày 18/7 tại nhà Thủy Lâm hai bên thảo luận và đi đến kết quả. Thế là Giải phóng quân thắng lợi. Một số võ khí đã được đưa vào quân đội Việt Nam để tăng lực lượng cho đám Giải phóng quân tiến về giải phóng Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.■