Bài và ảnh: David Douglas Duncan | Biên dịch: Phan Xích Linh
David Douglas Duncan, một chiến binh kì cựu của rất nhiều mặt trận, đã dành tám tuần ở Đông Dương vào năm 1953, chụp hình và ghi chép về cuộc chiến ở đây. Trong phóng sự ảnh đăng trên Tạp chí LIFE số ra ngày 3/8/1953, với nhận định “một thời điểm đầy lo sợ đã đến trên vùng đất Đông Dương vang tiếng súng”, tác giả cho thấy chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam đã trở nên “trì trệ” và “mục ruỗng”, báo hiệu một cái kết sẽ xảy đến không lâu sau đó. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu bản dịch bài viết tới bạn đọc. Ngôn từ thể hiện quan điểm của phương Tây thời đó được giữ nguyên để đảm bảo tính khách quan.
***
Từ ngôi đền cao nhất trên ngọn đồi cao nhất của thành phố Luang Prabang mây phủ, thủ đô hoàng gia của Lào thuộc Đông Dương, chiếc đầu con rắn vươn ra thật ấn tượng – lưng nó phủ đầy gai, lưỡi dài ngoằng và đầy vẻ hung ác. Nhìn lên con rắn, tôi nhận ra nó gợi nhớ một cách đầy đe dọa đến thời điểm đang tới gần. Với phương Bắc, ở Trung Hoa cộng sản, năm nay là năm con rắn, và với người Đông Dương, đây là một thời điểm đầy lo sợ với mối hiểm nguy đến từ Trung Quốc. Năm nay là năm mà những chiến thuật kém hiệu quả và sự nhụt chí của người Pháp làm cho mọi sự trông có vẻ như Đông Dương chỉ còn trong gang tấc là sẽ rơi vào tay phe cộng sản.
Trong sáu năm rưỡi vừa qua, quân đội Pháp đã để mất từng chút một những khu vực rộng lớn vào tay những người dân tộc chủ nghĩa thuộc lực lượng Việt Minh do cộng sản dẫn đầu. Bây giờ, quân Pháp bị bao vây trong các lô cốt và đồn trên núi, gần như không thể di chuyển được. Ban ngày họ duy trì sự kiểm soát mong manh trên một số tuyến đường nối từ lô cốt này tới lô cốt khác. Đến đêm thì các đội tuần tra của quân Việt Minh giành quyền, thậm chí còn thu thuế và tổ chức tuyển quân trong các thị trấn mà người Pháp nắm giữ.
Trong sáu năm rưỡi này, nước Pháp đã đổ hàng tỉ đô la và máu của những sĩ quan trẻ tuổi sáng láng nhất của nó vào cuộc chiến này. Nhưng nó thất bại trong việc chiến đấu không khoan nhượng trong khi điều này lẽ ra đã có thể đem đến thắng lợi, và nó cũng thiếu sự khôn ngoan về chính trị để trao cho Đông Dương độc lập trong khi điều này lẽ ra có thể mang lại hòa bình. Độc lập cho Đông Dương có thể đồng nghĩa với sự sụp đổ của đế chế Pháp, nhưng thất bại quân sự ở Đông Dương còn có thể có hệ quả nghiêm trọng hơn nhiều thậm chí với chính nước Pháp, nó có thể mở màn cho việc toàn bộ khu vực Đông Nam Á dồi dào lúa gạo bị cộng sản Trung Quốc khai thác. Những người đứng đầu nước Pháp, kiệt quệ vì cuộc chiến không hồi kết, dường như đang cố gắng tìm kiếm một giải pháp để giảm bớt gánh nặng.
Tại đại bản doanh, đây là cuộc chiến lừ đừ
Vùng đất mà người Pháp đang cố gắng gìn giữ bao gồm ba vương quốc: Việt Nam, Lào và Campuchia – hợp lại thành Đông Dương, một phần trong khối Liên hiệp Pháp. Với lãnh thổ trải dài hơn một ngàn sáu trăm cây số từ bắc chí nam, Đông Dương có tổng dân số là 28 triệu người. Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội), lực lượng đang nỗ lực giành lấy kho tàng này từ tay người Pháp, do cộng sản lãnh đạo và được Trung Quốc cung cấp tài lực, nhưng được truyền cảm hứng từ tình yêu nước sâu sắc vốn có của người Đông Dương.
Với bất kì nhà quan sát nào, giống như tôi, bước ra từ cuộc chiến ở Triều Tiên và còn nhớ rõ những chiến dịch của Đệ nhị Thế Chiến, cuộc chiến ở đây là một sự vụ đáng kinh ngạc. Hơn 500.000 người lính bị cột chặt vào nó. Các sĩ quan tham mưu có lịch làm việc mà những người làm trong ngành ngân hàng hẳn phải ước ao. Rất nhiều sĩ quan hậu phương đã mang vợ con sang đoàn tụ. Cuối tuần là thời gian dành cho hoạt động giải trí, với chỉ vài giờ có mặt ở văn phòng vào thứ bảy, và không làm việc vào chủ nhật. Từ chập tối tới tinh mơ, hầu hết các con đường trong cả nước bị hạn chế đi lại vì nguy cơ bị Việt Minh tấn công. Khi trời sáng thì đường mở lại, nhưng đến chiều hầu hết giao thông ngừng trệ và các toán lính, theo gương các sĩ quan chỉ huy của họ, cũng nghỉ trưa rất lâu. Tình trạng trì trệ ở hậu phương này đã từ lâu lây lan tới mặt trận và gây ảnh hưởng lên hoạt động chiến đấu ở đó.
Những từ ngữ kì lạ và tiếng rền rĩ cay đắng hòa vào nhau trong nghĩa trang quân đội ở Hà Nội trong hình dưới. Tôi nghe một góa phụ đau khổ gào khóc trong âm vực chói tai của phương Đông. Dòng chữ khắc bằng tiếng Pháp đầy kiêu hãnh trên tấm bia mộ gần nhất: “Nơi đây an nghỉ Phạm Ngọc Linh… chết cho nước Pháp”. Sự thật đáng buồn là số người Đông Dương chết cho cuộc chiến của Pháp nhiều gấp đôi số người Pháp. Và một phần tư trong tổng số 60.000 người tử trận là người nước ngoài, họ chẳng dính dáng gì đến kết quả của cuộc chiến. Thất bại của người Pháp trong việc chu cấp đầy đủ cho cuộc chiến của chính mình là một trong những lí do mà chiến thắng luôn nằm ngoài tầm tay họ. Một lí do nữa là nếu người Đông Dương phải chiến đấu – và chết trận – họ thà chiến đấu và chết cho Đông Dương, chứ không phải cho nước Pháp.
Tham nhũng và tệ nạn làm cạn kiệt năng lượng của đất nước
Cuộc chiến này diễn ra trên nền một xã hội đã mục ruỗng. Theo những gì tôi xác định được thì mọi thứ đều được rao bán, từ những ưu ái nhỏ tại các sở cảnh sát đến những văn phòng cao cấp nhất. Một phần mười ngân sách quốc gia đến từ việc nhượng bộ cho hoạt động cờ bạc, trong đó quan trọng nhất là sòng bài Đại Thế Giới ở Sài Gòn, chủ nhân nổi tiếng của nó là Mathieu Franquini, một trong những người quyền lực nhất cả nước. Mỗi năm một triệu đô la chảy vào két chính quyền từ một nguồn gây sửng sốt: hoạt động buôn nha phiến đã được hợp pháp hóa – mà rốt cuộc sẽ bị cấm từ năm nay.
Cho tới gần đây, người ta đã kiếm được hàng triệu đô la từ một thủ đoạn làm tiền đáng kinh ngạc. Có thể mua một đồng quan Đông Dương tại Sài Gòn với giá bảy franc và bán lại ở Pháp với giá 17 franc. Giấy phép chuyển tiền quan từ Đông Dương về Pháp được cấp cho binh lính, các doanh nhân có ảnh hưởng và các chính trị gia. Một số người thấy việc làm giả các giấy phép này còn dễ dàng hơn. Một số người khác thì chuyển lậu tiền. Hầu hết giới thạo đời ở Sài Gòn đều tham gia vào hoạt động này, và người ta nói với tôi rằng ở vùng bờ biển thuộc Địa Trung Hải của Pháp ngày càng nhiều bất động sản trù phú được bán vào tay những người Đông Dương giàu có. Hồi tháng Năm, người Pháp đột nhiên hạ giá đồng quan Đông Dương, chấm dứt trò vui này.
Pháp dựa vào hàng hóa do Hoa Kì cung cấp
Cuộc chiến Đông Dương đang tiêu tốn 1,2 tỉ đô la mỗi năm, trong đó Hoa Kì đang góp một phần ngày càng tăng, đến nay là hơn 30%. Phần lớn đóng góp của Hoa Kì nằm ở viện trợ quân sự, chủ yếu dưới hình thức thiết bị. Một số hỗ trợ kinh tế của Hoa Kì, như việc bảo trì đường sá, cũng hữu ích cho cuộc chiến. Các nhà quan sát Mĩ, những người đã theo dõi cách người Pháp sử dụng vật lực của Mĩ, nói với tôi rằng một khi người Pháp thực sự bắt tay vào làm thì họ làm rất tốt, nhưng phàn nàn rằng họ không thực sự bắt tay vào đủ thường xuyên. Xe tải không thể chạy trên những con đường bị chặn và vì thế hoạt động vận tải bằng động cơ phải đắp chiếu phần lớn thời gian. Xe tăng không mấy hữu ích với những người lính chôn chân trong các lô cốt.
Người Pháp ở Đông Dương để mắt đầy âu lo đến những gì diễn ra tại Paris, vì đó là nơi những quyết định về tương lai của họ được đưa ra. Tháng 6 năm ngoái, Quốc hội Pháp suýt nữa đã trao ghế thủ tướng cho một ứng cử viên cam kết kết thúc tình trạng kiệt quệ tài chính do cuộc chiến gây ra, đồng nghĩa với việc từ bỏ cuộc chiến trên thực tế. Giờ đây, nội các đang thảo luận sâu về một loạt các đề xuất của Tướng Henri Eugène Navarre, vị tổng tư lệnh ở Đông Dương, theo đó cuộc chiến sẽ dần dần được chuyển giao cho người Việt tự thực hiện, cho phép Pháp giảm bớt gánh nặng về nhân lực và kinh tế. Các nước khác sẽ được yêu cầu giúp hỗ trợ các đội quân mới của người Việt. Với tôi và nhiều người ở Đông Dương, “các nước khác” ở đây ý nói Hoa Kì.
Viện trợ dân sự của Mỹ là một thất bại chết người
Ngoài việc rót thêm hàng triệu đô-la viện trợ quân sự, năm nay Mỹ còn gửi tới Đông Dương khoản viện trợ kinh tế trị giá 54,5 triệu đô-la. Sản phẩm thường là những hoạt động phô trương mang danh Mỹ. Một ví dụ tôi quan sát được là làng Đông Quan, một “mô hình điểm” về việc đảm bảo an ninh và đời sống tốt hơn cho người dân trong khu vực bị cộng sản hoành hành. Tuy nhiên, nó đã không thu hút được nhiều người tới định cư vì nhà cửa ở đó không phù hợp với lối sống địa phương và ngôi làng thỉnh thoảng lại bị cộng sản tấn công. Trong một trường hợp khác, một công trình hạng nhất phù hợp để làm nhà máy đã được sử dụng bởi những thợ thủ công địa phương, công việc của họ cần một căn nhà đơn giản hơn thế.
Giấc mộng xưa được tái sinh
Ngày nay ở Đông Dương, trong những giọng nói mà tôi nghe được ngày càng vang vọng âm hưởng của một chủ đề xưa cũ. Ngay cả những con rối hiền lành ngoan ngoãn của Pháp như hoàng đế Bảo Đại cũng trăn trở bất an trong cung điện của họ, khi mà tiếng kêu đòi độc lập ngày càng kiên quyết hơn. Vị vua trẻ tuổi nôn nóng của Campuchia, Norodom Sihanouk, muốn độc lập hoàn toàn, không phải ngày mai mà ngay bây giờ.
“Trong khối Liên hiệp Pháp”, Nguyễn Văn Tâm, Thủ tướng chính phủ Quốc gia Việt Nam[1], thốt lên cách đây không lâu, “chúng ta không thể tiếp tục làm những khách trọ trong nhà do người khác xây nên. Chúng ta muốn trở thành những cộng sự trong một sự nghiệp mà ta sẽ xây dựng và chịu trách nhiệm về nó. Đây là những ý kiến cần được phổ biến trong các cuộc hội thoại của chúng ta với chính phủ Pháp”.
“Một đất nước mà không có quân đội riêng”, vị thủ tướng nói tiếp, “không thể nào độc lập được… Phần lớn tài nguyên của đất nước đang được dành cho quân đội. Nền độc lập của chúng ta sẽ thành hiện thực vào ngày mà chúng ta tự mình bảo vệ được tổ quốc”.
Một kí giả Việt Nam, người căm ghét cả thực dân Pháp và cộng sản Việt Minh, trình bày quan điểm: “50% dân Đông Dương ngả về phía Việt Minh. Nhưng xin nói rõ rằng tôi đang nhắc đến Việt Minh, chứ không phải cộng sản. Nhiều người dân tin rằng Việt Minh là những người dân tộc chủ nghĩa thực sự đang chiến đấu vì độc lập cho Đông Dương. Họ cho rằng đây là một cuộc chiến vì yêu nước. Họ thiếu hiểu biết và khờ khạo – nhưng đó là niềm tin của họ”.
Một người bán sách người Việt, rất ngưỡng mộ văn hóa Pháp, nói rằng: “Khi người dân hiểu rằng họ đang chiến đấu vì lợi ích của chính mình, họ sẽ sẵn sàng thực hiện nhiều hơn những hy sinh cần thiết cho sự ra đời của tự do. Sau đó, dần dần từng bước, người Pháp phải rời khỏi Đông Dương. Người Đông Dương chúng tôi mong rằng các lực lượng Liên Hợp Quốc sẽ đến đây để giúp chiến đấu chống lại cộng sản và duy trì an ninh trật tự cho đến khi nào quân đội quốc gia của chúng tôi có thể được trang bị và đào tạo đầy đủ để lãnh nhận vai trò của nó. Một quân đội như thế là hy vọng duy nhất của chúng tôi. Sau đó, khi có thể bảo vệ được chính mình, những người lãnh đạo sẽ xuất hiện trong số chúng tôi để giải quyết vấn đề tự trị. Đã có nền tảng cho một lớp người như thế đang chờ sẵn”.
Một viên chức cấp thành phố người Việt Nam, người chịu nhiều rủi ro trong việc trao đổi với tôi, lập luận rằng: “Nếu mỗi người dân Đông Dương đều cảm thấy mình là một công dân tự do, họ sẽ chiến đấu để giành chiến thắng trong cuộc chiến nay. Hiện giờ thì chẳng ai cảm thấy mình là công dân của một nước độc lập. Chúng tôi phải có quân đội riêng, một quân đội không bị Pháp chi phối. Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận với Pháp về một quân đội như thế từ năm 1951, nhưng chỉ đến bây giờ người ta mới bắt đầu làm gì đó để hiện thực hóa điều đó. Bất chấp thỏa thuận, yêu cầu này đã gặp phải sự kháng cự rất lớn. Người Pháp biết rằng một khi một quân đội quốc gia được đào tạo đầy đủ được hình thành thì chính khả năng thống trị Đông Dương của họ sẽ chấm dứt”.
Hạ sĩ Phan Quang Minh, người làm nhiệm vụ ở đồng bằng sông Hồng, giải thích rằng: “Tôi muốn sống thì phải chiến đấu chống cộng sản. Họ đã tịch thu hết đất đai của gia đình tôi”.
Viên hạ sĩ đoan chắc rằng anh biết rõ điều gì sẽ đóng góp lớn nhất vào việc đánh bại quân cộng sản: “Người Pháp phải ra đi. Nếu quân lính Pháp còn ở lại, người Việt sẽ biết rằng chẳng có độc lập nào cả. Người Pháp phải để yên cho chúng tôi chiến đấu và giành thắng lợi trong cuộc chiến này”.
Những người Mĩ lên tiếng từ Đông Dương
Ở Đông Dương, tôi đã dành nhiều giờ nói chuyện với hai người Mĩ, những người đã làm việc với các quỹ của Hoa Kì trong hai năm để hỗ trợ người Việt và đã đến thăm hàng trăm ngôi làng cách xa thủ đô, xa các thành phố lớn. Một trong hai người đó là Tiến sĩ Malcolm Gaar, viên chức đào tạo nông nghiệp của Cơ quan An ninh Chung (Mutual Security Administration), một người đàn ông học thức đang nghỉ phép dài ngày khỏi cương vị giáo sư ngành giáo dục nông nghiệp tại Đại học Bang Louisiana (Louisiana State University). Người còn lại là Herman Holiday, một tiền vệ ngôi sao thời còn chơi bóng bầu dục trong đội Tuskegee, người từng làm việc cho Cơ quan Liên Hợp Quốc về Cứu trợ và Phục hồi (UNRRA) ở Trung Quốc và hiện nay đang phụ trách chương trình cứu trợ và tái thiết cho Cơ quan An ninh Chung. Dưới đây, tổng hợp từ các ghi chép của tôi, là những điều mà hai người Mĩ tận tụy, giàu năng lực này đã chia sẻ với tôi.
“Mong rằng không có chút hiểu lầm nào”, TS. Gaar nói, “về cảm nghĩ của tôi đối với chương trình viện trợ kinh tế của Hoa Kì chúng ta tại đây. Tôi kiệt quệ – tôi thấy ngượng – tôi thường xuyên hổ thẹn – tôi cho rằng nỗ lực của chúng ta chưa tới được với tầng lớp nhân dân Đông Dương mà hoạt động viện trợ của ta hướng tới. Ngân sách của chúng ta năm ngoái là 24,5 triệu đô. Tôi cho rằng đó là một số tiền lớn, mà nếu được sử dụng khôn ngoan có thể đem lại rất nhiều lợi ích lâu dài. Nhưng tôi còn nhớ một buổi họp để bàn về phương án giải quyết số tiền 2 triệu đô chưa dùng đến. Khi không ai nghĩ ra cách gì để dùng số tiền ấy, quyết định được đưa ra là: “Thôi thì chúng ta hãy đặt mua thêm nhựa đường. Chẳng ai có thể vặn vẹo chuyện mua nhựa đường cả”.
“Vấn đề không phải chỉ là chuyện chi tiền không hiệu quả từ phía người Mĩ chúng ta – các khoản chi được thực hiện với mục đích hoàn toàn chân thành là ngăn chặn Đông Dương ngả về phe cộng sản và mất tích phía sau bức màn sắt[2]. Nó còn là vấn đề tìm kiếm những nhà quản trị Đông Dương đủ tư cách. Trong lĩnh vực của chính bản thân tôi là nông nghiệp, chỉ duy nhất kế hoạch phân phát phân bón là đạt được thành công đáng kể. Một nông dân trồng lúa đã chỉ ra được nguyên nhân. Anh ta bảo với tôi rằng: “Chẳng ai gây gổ để tranh giành phân bón cả. Rất khó để lợi dụng việc phân phối hay sử dụng phân bón. Nó không phải kiểu hàng hóa mà hầu hết mọi người muốn tích trữ, và không có nhiều đất dụng võ cho trò bớt xén”.
“Ở nước này đại đa số người dân làm nông. Chính phủ chưa từng có một chương trình đào tạo về nông nghiệp dưới bất kì hình thức nào. Các quan chức ở Đông Dương được chỉ định dựa trên các mối liên hệ chính trị thay vì dựa trên năng lực. Theo những gì tôi nhận thấy, họ chưa bao giờ lập ra bất kì tiêu chuẩn nào về dịch vụ công. Rõ ràng chừng nào chưa có được các tiêu chuẩn cơ bản và chưa thành lập được một chương trình đào tạo kĩ thuật thì không thể mong đợi nhiều về một sự tiến bộ. Đây chính là loại bối cảnh mà ở đó Hoa Kì có thể vận dụng năng lực lãnh đạo thực thụ, loại năng lực lãnh đạo lẽ ra nên đóng vai trò mấu chốt trong chương trình viện trợ nước ngoài của chúng ta ở khắp mọi nơi. Nhưng thay vì thế, thái độ chính thức của chúng ta có vẻ như là: đừng bao giờ quyết liệt, đừng gây tổn thương, hãy nhớ rằng chúng ta chỉ là khách”.
Herman Holiday diễn đạt theo cách khác: “Ở đây chúng ta đang hỗ trợ một chính phủ không đại diện cho đa số người dân. Thật khó khăn khi đứng về phe ở thế thua cuộc. Còn tệ hơn khi đứng về phe ở thế thua cuộc và biết rõ điều đó. Và đứng về phe ở phía thua cuộc, biết rõ điều đó nhưng không làm gì để cứu vãn thì thật không thể tha thứ được”.
“Anh không thể mua được tình bạn. Tôi đã thấy hàng triệu, hàng triệu đô la đổ vào các dự án viện trợ… và tôi không biết một người nào từng bị tiền đó thuyết phục để rồi dành tình bạn hay sự tôn trọng hay lòng tin cho chúng ta. Số bằng hữu chân thành ít ỏi mà ta có được là nhờ những nỗ lực của nhiều cá nhân người Mĩ và cách họ đối đãi với người nước ngoài kia. Mà ta chẳng có nhiều bạn đâu, anh tin tôi đi”.
TS. Gaar cho biết khi cố gắng tìm hiểu các vấn đề của Đông Dương, ngay lập tức ông bắt gặp bóng dáng thực dân Pháp và vòng kiểm soát của họ với nền kinh tế địa phương: “Đầu tiên tôi đụng phải người Pháp khi đang làm cho một chương trình gửi các sinh viên và kĩ thuật viên xuất sắc ra nước ngoài để học tập và đào tạo thêm. Sau khi hoàn thành giai đoạn đào tạo và những người này bắt đầu trở về nước, tôi khởi sự nhận được các báo cáo đáng lo ngại. Nhiều người trong số họ bị đuổi việc – quá nhiều để có thể gạt đi mà rằng họ chỉ là nạn nhân của số phận hay quá trình thay thế nhân sự thông thường của chính phủ. Số hồ sơ ứng tuyển mà các chương trình đào tạo ở nước ngoài nhận được cũng giảm đi đáng kể. Khi điều tra vấn đề này, tôi phát hiện ra rằng một tỉ lệ cao những người được gửi đi đào tạo, các bác sĩ, kĩ sư mỏ, kĩ thuật viên radio, bác sĩ thú y và kĩ sư công trình công cộng đều đã mất việc trong chính phủ, hoặc bị cho nghỉ sáu tháng không lương, hay như trong trường hợp một viên chức kinh tế đang chuẩn bị được gửi đi học ở Hoa Kì, anh ta đã được cảnh báo rõ ràng rằng nhận lời đi nước ngoài đồng nghĩa với việc anh ta sẽ phải từ chức trước khi rời khỏi Đông Dương, và nếu anh đi thì gia đình anh sẽ bị cắt toàn bộ khoản hỗ trợ sinh hoạt trong thời gian anh vắng mặt. Đương nhiên anh ta chẳng có lựa chọn nào cả. Bây giờ ngày càng khó tìm được những kĩ thuật viên lành nghề để gửi đi đào tạo nâng cao ở nước ngoài. Giờ tôi từ chối không liên can gì đến chuyện gửi người sang Hoa Kì đào tạo hay học hành nữa. Người đi học phải chịu nguy cơ mất việc quá lớn. Chúng tôi mặc định rằng đó là bởi vì họ dính líu với người Mĩ. Chúng tôi không biết nguyên nhân nào khác. Nếu nghĩ về tương lai kinh tế của Đông Dương thì có một sự thật nổi bật trên tất cả mọi điều khác: đây là một đất nước cực kì giàu có. Có cả một dải cao nguyên rộng lớn, màu mỡ chạy dọc đất nước với rất ít dân cư và còn hoang sơ chưa hề được khai phá. Có thể trồng ngũ cốc và cây ăn trái ở đó mà không phải nỗ lực gì mấy. Đông Dương có tài nguyên thiên nhiên dồi dào đáng kể. Người dân Đông Dương có thể hoàn toàn tự cung tự cấp”.
“Bất chấp gọng kìm của Pháp và bất chấp thái độ áp đặt lên dân tộc khác những gì mình coi là tốt nhất cho họ của chính người Mĩ chúng ta, phẩm chất của người dân Đông Dương là một nguồn ngạc nhiên và ngưỡng mộ bất tận đối với tôi. Những người nông dân ở đây thực sự có phẩm cách cao quý. Nhiều người từng nói với tôi rằng họ không muốn sự bố thí, họ muốn có cơ hội được tự mình mua các công cụ và thiết bị. Trong một chuyến đi gần đây về nông thôn, tôi gặp một đôi vợ chồng trong một nhóm nông dân, họ khiến tôi kinh ngạc khi đề cập đến “thương mại thay vì viện trợ” và chỉ cho tôi một tấm hình chụp trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Eisenhower mà họ treo trên tường. Tôi tin rằng phúc lợi tương lai của Đông Dương phụ thuộc vào ba yếu tố: 1) cương vị quốc gia độc lập, 2) chú trọng hơn đến giáo dục về kĩ thuật, và 3) tăng thương mại, giảm viện trợ. Thực sự, nói có Chúa chứng giám, tôi cho rằng những thứ này sẽ sửa sang Đông Dương ổn thỏa”.■
[1] Ngày 8 tháng 3 năm 1949, sau nhiều tháng đàm phán, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp định Élysée (1949) tuyên bố thành lập Quốc gia Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại, thủ đô đặt tại Sài Gòn. Năm 1955, Ngô Đình Diệm đã phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, lên làm Tổng thống đầu tiên của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, từ đó tên gọi Quốc gia Việt Nam không còn được sử dụng nữa.
[2] Bức màn sắt (the iron curtain) là một ẩn dụ chính trị được dùng để chỉ ranh giới chia rẽ giữa hai phe châu Âu sau khi Đệ nhị Thế Chiến kết thúc vào năm 1945. Một phe gồm các nước tư bản phương Tây, một phe gồm Liên Xô và các nước chư hầu. Sau này tên gọi bức màn sắt cũng được dùng để chỉ hệ thống biên giới phòng thủ vật lí giữa các quốc gia Tây Âu và Đông Âu, trong đó có bức tường Berlin. Khái niệm này còn được sử dụng rộng rãi đến khi thời kì Chiến tranh Lạnh kết thúc với sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991.