Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương, thay cho Sài Gòn. Để đánh dấu sự kiện này, Pháp đã tổ chức một lễ hội vào ngày 26/2/1902 với sự tham dự của Vua Thành Thái và Toàn quyền Paul Doumer. Bên cạnh đó, Nhà đấu xảo (người Pháp gọi là Grand Palais – Cung điện lớn) do kiến trúc sư Adolphe Bussy thiết kế cũng được xây dựng để tổ chức Cuộc đấu xảo Quốc tế diễn ra từ tháng 11/1902 đến tháng 2/1903 tại Hà Nội. Cầu Paul Doumer (cầu Long Biên) cũng được thông xe trong dịp này.
Sau cuộc đấu xảo, Grand Palais trở thành bảo tàng mang tên Maurice Long, Toàn quyền Đông Dương đầu thập niên 1920, là bảo tàng kinh tế đầu tiên và lớn nhất Đông Dương. Năm 1938, Bảo tàng Nhân học (Musée de l’Homme) được mở bên cánh trái của Bảo tàng Maurice Long.
Khi chiếm đóng Việt Nam, Nhật đã đóng quân và cất trữ vũ khí ở bảo tàng này. Cuối cùng, “Cung điện lớn” đã bị phá hủy trong các cuộc không kích của Mỹ cuối Chiến tranh Thế giới II. Di tích còn lại là hai bức tượng sư tử bằng đồng nay đặt tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong khu vực Công viên Thống Nhất. Năm 1978, Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô đã được khởi công xây dựng tại địa điểm Nhà đấu xảo, và tới tháng 9 năm 1985 thì hoàn thành.
Tạp chí Phương Đông giới thiệu với độc giả một số ảnh tư liệu về Bảo tàng Maurice Long – Khu Đấu xảo ngày xưa.
***