Đông Tùng
Lương Như Hộc, có tài liệu còn ghi là Lương Nhữ Hộc (1420- 1501), là người xã Hồng Liễu, huyện Thường Tân xưa (nay là khu Thanh Liễu, phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương). Làm quan dưới thời Hậu Lê, ông là người hai lần đi sứ sang Trung Quốc và đã có công truyền lại nghề khắc bản gỗ in cho dân làng Liễu Tràng, Hồng Lục (nay là Gia Lộc, Hải Dương) và được tôn xưng là “ông tổ nghề khắc ván in”. Tạp chí An Lạc số 9 ngày 15/3/1967 có bài viết về hành trình đem nghề in về Việt Nam của vị danh nhân này, Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu tới bạn đọc.
Để cụ thể hóa tinh thần tích cực và mãnh liệt, vị thánh triết Đông phương Khổng Phu Tử từng nói: “Muốn thực hiện một công cuộc gì, mà khi chưa làm được, thì chăm chú cặm cụi đến quên cả ăn, lúc đã có cơ ngơi thành tựu, thì vui mừng quên ăn, thường khi quên luôn mình đã già” (Phạt nhân vong thực, lạc dĩ vong ưu, bất tri lão chi tương chí). Thì ra vấn đề phẫn chí, không những đối với những kẻ làm thường, mà cho đến bậc Thánh nhân cũng vẫn còn đặc biệt chú trọng. Phải chăng nó là một vấn đề mấu chốt cho mọi sự thành công ở đời?
Thật thế, con người không biết phẫn chí, thì không tài nào thành công, bất cứ mỗi một công việc gì, dù là nhỏ nhen hay to lớn. Phẫn chí là một động cơ, một nghị lực cần dùng vào mọi công việc ở đời. Lịch sử xưa nay cho ta thấy những người có sự nghiệp lớn lao truyền lại hậu thế, hầu hết là những kẻ có phẫn chí.
Ông Lương Như Hộc mà chúng tôi sắp kể chuyện sau đây cũng là một người có chí. Từ hôm ông lên tỉnh lỵ mua sách, bị một người Tàu chủ hiệu đầu cơ bắt bí quá đỗi, ông lấy làm tức bực vô cùng, không những chỉ tức bực vì cá nhân ông, mà cho cả dân tộc Việt Nam cũng chịu cái cảnh phải đi mua sách mà học ấy. Ông nghĩ rằng: bất cứ một vật gì, mình chỉ trông nhờ ở người mà không tự sản xuất ra được, quả là một cái nhục. Huống chi vấn đề sách học lại là một vật dụng cần thiết nhất về phương diện tinh thần.
Thế nhưng đã bao nhiêu đời nay, người Việt Nam chẳng có ai chịu cố gắng tìm cách tự in lấy sách mà học, mọi người chỉ biết bỏ tiền ra mua sách của người Tàu, quả thật là một sự nhục nhã. Từ đấy ông Hộc lập chí tìm học nghề ấn loát. Nhưng tìm học ở đâu, nếu không tự tạo được phương tiện hay lợi dụng được cơ hội để sang tận bên Tàu, mà quan sát, nghiên cứu phương pháp người ta khắc, người ta in để bắt chước. Vấn đề ấy như đóng dính vào trong trí nhớ của ông, rồi từ đó, mỗi khi mở quyển sách ra xem, ông lại sực nhớ đến và không dứt băn khoăn, mong ước.
Đến lúc thi đỗ Trạng Nguyên[1], kể năm sau được cử vào sử bộ đi Yên – Kinh (Tàu), ông thấy điều sở vọng mình thiết tha ôm ấp bấy lâu sẽ nhờ cơ hội này mà được thành đạt. Tuy nhiên, thuở ấy nhiều người lo ngại đi sứ vất vả, hiểm nguy, mười phần hết tám không chắc gì sống sót về nhà với vợ con, cho nên được cử đi sứ là ai cũng lo buồn. Nhưng trái lại ông Lương Như Hộc thì rất vui mừng phấn khởi, vì cái vinh dự được làm sứ thần thì ít, mà động cơ khác thì nhiều hơn.
Cũng như chúng ta đã biết, Trung Hoa là một trong những nước mà nghề ấn loát phát triển sớm nhất. Vào khoảng nhà Tuỳ, nhà Đường, ngang thế kỷ thứ VII, thứ VIII, lúc mà Việt Nam đang nội thuộc và trong khi cả thế giới chưa ở đâu biết nghệ thuật ấn loát là gì, thì ở Ích Châu đã có một người Tàu nghĩ ra phương pháp khắc chữ vào gỗ để in kinh sách cho được mau chóng và nhiều. Đời ấy gọi là “mộc bản”.
Đến hồi Ngũ đại, Tể tướng Phùng Đạo chọn lựa thợ khéo khắc bản in các sách kinh truyện để lại nhà Quốc tử giám cho học sinh trong nước đến đấy cùng học. Xem mấy thời đại ấy, việc in còn là việc làm riêng của Triều đình, chưa thành một nghề của dân chúng, mãi về sau mới lưu hành xuống tận nhân dân và cũng ngày cải tiến tinh vi thêm lên.
Đến đời nhà Tống, giữa năm 1038, ngay lúc đầu nhà Lý ở Việt Nam có người thợ khắc giỏi, tên là Tất Thăng, phát minh ra lối in hoạt tự rất tiện lợi, nghĩa là khắc rời từng chữ một, khi cần dùng thì xếp lại thành bản mà in.
Đại khái nhà phát minh ấy lấy keo đặc ép mỏng ra như đồng tiền, khắc chữ lên trên rồi đem cho nó rắn lại, mỗi miếng keo như thể là một chữ. Lúc cần in người ta xếp những chữ ấy thành hàng lối ở trong một chiếc khuôn sắt, rồi quết mực đặt giấy lên, in xong lại tháo ra.
Sách Tàu nói ở bên Âu châu, từ thế kỷ XII đến thế kỷ XV, mới dần dà thông dụng lối in hoạt tự (caractères mobiles), vì trong mấy thế kỷ ấy Đông Tây giao thông với nhau rộn rịp, người Ả Rập sang Tàu buôn bán học theo nguyên tắc hoạt tự của người Tàu nghĩ ra lúc đầu thế kỷ XI đem về, truyền qua Âu châu, cũng như thuốc súng và La kinh vậy. Ngày nay, chúng ta không phải tiếc thay cho người Tàu từ thuở xưa, tuy có sáng tạo và phát minh được nhiều cái hay, nhưng rồi thiếu tinh thần tiến thủ, không chịu cải tiến kỹ thuật, để đi đến một trình độ toàn thiện toàn mỹ.
Tức như kỹ nghệ ấn loát, buổi đầu thế kỷ XI đã có Tất Thăng phát minh lối dùng loại tự, khôn khéo tiến bộ lắm rồi, mà sau cũng chẳng có ai kế tiếp sửa sang, cải tiến cho được hoàn toàn để kỹ nghệ ấn loát được hoàn thiện hơn nữa. Cái óc cẩu thả xong việc thì thôi đã khiến con người Á Đông thua kém, nhìn bụi mù bánh xe tiến hóa của thiên hạ trên đường văn minh khoa học. Thành ra phép mới của Tất Thăng cũng thất truyền, mà nghề in vẫn thủ cựu như đời Ngũ đại về trước.
Đến giữa thế kỷ XV, nước Tàu về quyền nhà Minh thống trị, ông Lương Như Hộc Việt Nam nhân đại sứ qua Tàu mới mò học được nghề in chính là nghề khắc bản gỗ như cũ.
Có phải đâu quan sứ Lương Việt Nam sang Yên Kinh, có thể ngang nhiên tới chỗ người ta khắc bản in và nói: “Các ông chỉ vẽ tôi với nhé”, rồi được người ta vui vẻ đón rước chỉ vẽ: “Vâng mời ông! Chúng tôi xin sẵn sàng truyền nghề cho ông…”
Nếu vậy, thì hoá ra giản tiện lắm, chẳng có gì đáng kể, mà hơn thế nữa, cả một Á châu đại lục, đất rộng người nhiều, lại càng không có tình trạng lạc hậu, để rồi hầu hết làm thuộc địa cho Tây phương. Phải biết như chuyện mấy phương thuốc bí truyền, người Tàu có một nghề gì riêng, hay một thuật lạ gì, thì bao giờ cũng giấu diếm gìn giữ một mình để thủ lợi, chỉ có cha truyền cho con, con truyền cho cháu, chứ không để lọt ra cho thiên hạ biết.
Ở những nơi chưa có bằng cấp sáng chế (brevet d’invention) hay là quyền của tác giả (droit d’auteur) như ngày nay, thiệt ra ta cũng nên lượng xét họ vì vấn đề quyền lợi mà chưa có chế độ để đảm bảo. Huống chi, ngay vua nhà Minh lại chuyên chế và ích kỷ nhất, chính sách ngu dân lại nặng nề, già tay nhất. Họ không muốn cho thiên hạ được tiến bộ. Ta thử xem cử chỉ của họ dưới cuối đời Trần ở Việt Nam như: họ rà hết những pho sách do người Việt Nam làm ra rồi mang về Tàu hủy hết, rồi khuân những loại sách như Tính lý đại toàn và kinh truyện theo Chu Hy chú giải, bắt ta phải dùng, thì biết.
Phàm là văn hóa nghệ thuật của dân tộc Trung Hoa, nhà Minh làm như ông lang cấu bài thuốc gia truyền, không muốn để lọt ra ngoài. Cho nên có lúc nhà Minh cấm nhân dân giao thông với ngoại quốc, đây là một chính sách bế môn tỏa cảng, không cho ai học mình, nhưng cũng làm cho mình không trông thấy được cái hay, cái tiến bộ của người để mà học thêm. Đây lại một nguyên nhân làm cho Á Đông bị lạc hậu.
Với một hoàn cảnh khó khăn, khắt khe như vậy, ông Lương Như Hộc Việt Nam đã mò mẫm học được nghề in mộc bản để mang về truyền lại cho người nước mình tiếp tục nghiên cứu và thực hiện thành công. Sự kiện đó càng chứng tỏ ông là người rất giàu ý chí, cũng như rất tận tâm với công việc đã định. Sự thành công của ông càng được tăng phần giá trị. Tên tuổi của ông càng xứng đáng là một điểm son trong cuốn sổ vàng về lịch trình tiến triển của nền văn hóa Việt Nam trong kỹ thuật ấn loát vậy.■
[1] Nhiều tài liệu hiện nay ghi là Thám hoa