Neil Sheehan
Thanh Trà dịch
Năm 1989, nhà báo người Mỹ Neil Sheehan[1] trở lại Việt Nam và tường thuật về chuyến đi trong phóng sự dài đăng trên tạp chí The New Yorker số ra ngày 18/11/1991[2]. Trong trích đoạn dưới đây, ông phác họa chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với công cuộc đổi mới đất nước.
Đó là một sáng chủ nhật tháng 7, và chúng tôi đang đứng trong phòng khách của nơi từng là dinh thự của đại sứ Anh tại Sài Gòn ở số 261 Điện Biên Phủ. Thắng, Tiến, Đại sứ Vũ Hắc Bồng, giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh, hai viên chức từ văn phòng báo chí của ông và một phiên dịch viên mà chúng tôi chưa từng gặp trước đây, người có tiếng Anh lưu loát khác thường, cũng có mặt ở đó. Chúng tôi đang chờ đợi sự xuất hiện của ông Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, người đã sống sót sau 12 năm trong nhà tù của Pháp, 30 năm chiến tranh và truy đuổi ở miền Nam, và một thập kỷ đấu tranh chính trị nội bộ sau chiến thắng của Cộng sản năm 1975 để cuối cùng đưa đất nước đi theo một con đường mới giữa sự hỗn loạn mới của hòa bình.
Không có tiếng động cơ gầm rú thường thấy từ những chiếc xe hộ tống an ninh khi ông Linh đến. Những biểu tượng địa vị như vậy không phải là phong cách của ông, và ông dường như không quan tâm đến điều đó sau khi đã đối mặt với nguy hiểm trong phần lớn cuộc đời. Khi được bầu làm tổng bí thư vào năm 1986, ông đã sa thải những người hộ tống an ninh của người tiền nhiệm. Chiếc xe đang tiến vào là một chiếc xe khiêm tốn mang tên Lada, phiên bản Liên Xô của Fiat, ông Linh ngồi phía sau và một cận vệ duy nhất ngồi phía trước bên cạnh tài xế.
Ở Hà Nội, các nhà lãnh đạo Việt Nam cùng thế hệ với ông Linh, những người đàn ông ngoài bảy mươi, thường mặc một trong hai kiểu cho những dịp bán trang trọng như phỏng vấn: sơ mi ngắn tay và quần dài trong thời tiết cực nóng, hoặc áo đại cán cổ đứng giống như chiếc áo mà Bác Hồ đã mặc, thường được gọi là “áo khoác Mao” ở phương Tây vì nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng ưa chuộng kiểu áo này. Họ thường không mặc trang phục ưa thích của các quan chức trẻ tuổi hơn, áo sơ mi safari và quần dài, mà người Việt gọi là bộ ký giả, nghĩa là “bộ đồ của phóng viên”, bởi các phóng viên truyền hình Mỹ đã mang loại áo này đến Việt Nam. Sự lựa chọn này liên quan đến phong cách hơn là tuổi tác. Mặc dù là người lãnh đạo quốc gia, ông Linh dành nhiều thời gian ở Sài Gòn hơn là ở Hà Nội, và vào sáng Chủ Nhật này, ông đã mặc một bộ ký giả được cắt may khéo léo bằng vải cotton màu xanh xám.
Cho đến khi ông xuất hiện vào năm 1975, Nguyễn Văn Linh không được biết đến nhiều, và một thập kỷ rưỡi sau đó, bên ngoài Việt Nam vẫn biết rất ít về ông. Mặc dù ông là một nhân vật quan trọng của Việt Minh ở miền Nam trong chiến tranh chống Pháp và là một trong số ít các nhà lãnh đạo Cộng sản cấp cao ở đó trong suốt cuộc xung đột với Hoa Kỳ, Sở Thông tin Hoa Kỳ đã ghi trong một bản phác thảo tiểu sử được công bố vào tháng 4 năm 1973 rằng “không có đủ thông tin để xây dựng một hồ sơ thực sự” về ông. Thật kỳ lạ, hồ sơ được công bố, dựa trên các báo cáo tình báo quân sự và CIA, xác định ông là Nguyễn Văn Cúc, tên thật của ông khi sinh ra tại Hà Nội vào ngày 1/7/1915, nhưng không có bí danh ban đầu, Nguyễn Văn Linh, mà ông đã lấy làm tên của mình từ lâu. Số lượng các bí danh ít phổ biến hơn mà ông Linh sử dụng trong nhiều năm để gây nhầm lẫn cho các cơ quan tình báo của Pháp và Hoa Kỳ – Mười, Mười Cúc, Mười Út, Bửu Cúc, Rau, Bảy – đã khiến họ khó có thể xác định chính xác ông là ai.
Ông luôn khác biệt. Hồ Chí Minh và hầu hết thế hệ cách mạng tiền bối – chẳng hạn như Phạm Văn Đồng, thủ tướng miền Bắc trong nhiều năm, người đã giúp bồi dưỡng vốn tiếng Pháp của Nguyễn Văn Linh khi họ là bạn tù ở Poulo Condore (Côn Đảo) ngoài khơi bờ biển phía đông nam Sài Gòn trong những năm 1930 – đều xuất thân từ những gia đình quan lại có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Ông Linh thì không. “Cha mẹ tôi là công chức được trả lương cao của chính quyền Pháp”, ông nói. Cha ông là giáo sư tại một trường trung học ở Hà Nội. Nguyễn Văn Linh không nhớ cha dạy môn gì vì cha ông mất khi ông mới tám tuổi và ông đã đến sống với một người chú ở Hải Phòng, một viên chức nhỏ trong hệ thống luật pháp thuộc địa. Người chú đã đăng ký cho ông vào một trường trung học ở đó để được hưởng nền giáo dục Pháp thực thụ.
Tinh thần dân tộc lan rộng trong giới trẻ Việt Nam cũng chạm vào trái tim của Nguyễn Văn Linh. Ông tham gia một tổ chức thanh niên bí mật, và năm 1929, khi mới 14 tuổi, ông bị bắt cùng hai người bạn cùng lớp khi đang phát truyền đơn chống Pháp. Ông bị phạt 18 tháng tù. Năm sau, một loạt các cuộc nổi dậy ở miền Bắc khiến chính quyền thực dân sợ hãi. Các tòa án đặc biệt được thành lập với quyền đưa những người chống đối lên máy chém hoặc áp dụng án tù chung thân. Mặc dù luật pháp Pháp quy định rằng Nguyễn Văn Linh phải được xét xử với tư cách là trẻ vị thành niên, nhưng ông đã bị đưa ra tòa khi hết 18 tháng tù và bị kết án lại như một người trưởng thành với mức án 10 năm tù ở Poulo Condore.
Victor Hugo và Những người khốn khổ, chứ không phải Karl Marx và bộ Tư Bản, đã hướng ông đến Chủ nghĩa Cộng sản. Ông đã không nghĩ đến các vấn đề xã hội cho đến một ngày không lâu trước khi bị bắt. Một số thành viên đàn anh của tổ chức thanh niên bí mật, những người mà sau này ông phát hiện thấy đã am hiểu về tư tưởng Cộng sản, đã đặt câu hỏi: Sau khi đuổi được ngoại xâm ra khỏi đất nước, liệu anh có hài lòng khi sống ở một Việt Nam đầy rẫy bất công xã hội mà anh có thể nhìn thấy xung quanh mình không? “Lúc này tôi đã bắt đầu đọc Những người khốn khổ và hình ảnh Jean Valjean rất ấn tượng đối với tôi, một người đàn ông nghèo, nghèo đến nỗi phải đi xin miếng bánh mì hàng ngày”, ông Linh nói một cách biểu cảm, mỉm cười, cau mày, ra hiệu bằng đôi bàn tay nhỏ bé khi nói, chuyển từ tiếng Việt sang tiếng Pháp, khiến người phiên dịch kinh ngạc. Ông cũng đã đọc một tiểu thuyết của Hector Malot, một nhà văn lãng mạn người Pháp thế kỷ XIX, kể về một cậu bé mồ côi tên là Rémi. “Cậu bé phải đi khắp châu Âu với một gánh xiếc để kiếm sống”. Nhưng Victor Hugo là người có ảnh hưởng quyết định đến Nguyễn Văn Linh, và Những người khốn khổ vẫn là cuốn tiểu thuyết yêu thích của ông. “Nó chạm trực tiếp đến trái tim tôi – tôi rất xúc động”, ông Linh nói. Vì vậy, ông đã trả lời: “Tôi không thể hài lòng với một xã hội có khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo”. Như thế, ông sẽ phải đấu tranh cho hai mục tiêu, các sinh viên đàn anh nói: độc lập dân tộc và cách mạng xã hội.
Chế độ khổ sai ở Poulo Condore (hòn đảo này được đổi tên thành Côn Đảo sau năm 1975), một “Trường đại học cách mạng”, như ông Linh đã nhận xét trong một mô tả quen thuộc nhưng chính xác về hệ thống nhà tù của Pháp, đã thúc đẩy sự giáo dục chính trị của ông. Phạm Văn Đồng, hơn Nguyễn Văn Linh bảy tuổi và là một thành viên sáng lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, không chỉ là “thầy dạy tiếng Pháp” của ông Linh trên đảo. Ông cũng là một trong những người hướng dẫn Nguyễn Văn Linh về chủ nghĩa Mác-Lênin. Khi Nguyễn Văn Linh được trả tự do vào năm 1936 theo lệnh ân xá của chính quyền Mặt trận Bình dân ở Pháp, ông đã gia nhập Đảng và đi làm việc tại Hải Phòng, tổ chức các chi bộ trong những người lao động. Ông không được tự do lâu. Chiến tranh Thế giới II bùng nổ đã đưa Đông Dương trở lại trạng thái bị đàn áp. Cảnh sát Pháp đã bắt ông ở Vinh, miền Trung Việt Nam, nơi ông đã được điều động để cố gắng giải cứu một bộ máy Đảng vừa mới tan rã, và đưa ông trở lại Poulo Condore.
Lý do khiến ông Linh vẫn là một nhân vật mờ nhạt cho đến năm 1975 rất đơn giản: Ông không bao giờ rời khỏi miền Nam. Giải phóng khỏi Poulo Condore vào năm 1945, khi Nhật Bản, quốc gia đã chinh phục Đông Dương, đầu hàng và cuộc chiến tranh giành độc lập đầu tiên của Việt Nam nổ ra, đối với ông có nghĩa là 30 năm không bao giờ có một chỗ ngủ an toàn. Những người khác đã chiến đấu với Pháp ở miền Nam và tập kết ra Bắc sau Hiệp định Geneva năm 1954. Ông Linh được giao nhiệm vụ là một trong những “người ở lại”, như CIA đã dán nhãn cho họ, những người được giữ lại miền Nam để lãnh đạo một cuộc đấu tranh chính trị cho cuộc tổng tuyển cử toàn Việt Nam năm 1956 đã được vạch ra tại Geneva, một cuộc bầu cử không bao giờ diễn ra. Ông trở thành “người ở lại” hàng đầu, là đảng viên Cộng sản cấp cao ở miền Nam Việt Nam, khi Lê Duẩn, một người bạn tù khác của ông Linh ở Poulo Condore, được triệu tập ra miền Bắc vào năm 1956 và ông Linh thay Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy Nam bộ.
Người Việt Nam có một thuật ngữ đặc biệt để chỉ những người như ông Linh, những người đã ở lại vào năm 1954. Họ được gọi là “cán bộ mùa đông” vì họ đã sống sót qua mùa đông của cuộc khủng bố mà Diệm và CIA phát động để truy lùng họ. Những thử thách của cuộc chiến tranh với Mỹ sau đó thật nghiệt ngã, và ký ức của ông Linh về thời kỳ này vẫn rất sống động. “Tôi nhớ rất rõ khi những đợt B-52 đầu tiên đến Việt Nam”, ông nói. “Lúc đó tôi đang ở Củ Chi. Chuyện xảy ra lúc bảy giờ tối. Chúng tôi đang họp trong một căn hầm thì mọi thứ xung quanh rung chuyển”. Tuy nhiên, không có gì xảy ra trong cuộc chiến tranh của Mỹ mà lại đau thương như những vụ chém đầu, bắn giết và những trại tù trong chiến dịch Tố Cộng của Diệm. Ông Linh nói rằng đó là những năm tồi tệ nhất, “một thời kỳ dữ dội”.
Trong số 8.000 đến 10.000 người được lệnh ở lại miền Nam vào năm 1954, chỉ có khoảng 2.000 đến 2.500 người sống sót. “Tôi đã nhiều lần suýt bị bắt”, ông Linh nói. “Nếu tôi bị bắt, tôi đã không ngồi đây nói chuyện với anh như thế này”. (“Mạng sống của chúng tôi chỉ tính bằng ngày và giờ”, một trong những đồng chí cán bộ mùa đông của ông Linh nhớ lại.) Ông Linh nói rằng thật nhẹ nhõm khi chiến tranh du kích tiếp tục vào cuối những năm 1950 và họ có thể bắn trả.
Bằng cách nào đó, Nguyễn Văn Linh đã thoát khỏi cảnh tù đày, truy lùng và chiến tranh vào năm 1975 với một tâm hồn cởi mở, khiếu hài hước và tinh thần dám nghĩ dám làm – và điều này nhanh chóng khiến ông gặp rắc rối. Ông có uy tín cao với Tổng Bí thư Lê Duẩn và những vị lão thành khác ở Hà Nội như Phạm Văn Đồng đến mức vào năm 1978, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch của cơ quan chính phủ giám sát việc sáp nhập miền Nam, cái gọi là Ủy ban cải tạo xã hội chủ nghĩa cho miền Nam Việt Nam. Ông đã làm những người cố vấn của mình ngạc nhiên và tức giận khi ủng hộ một nền kinh tế hỗn hợp trong đó “những nhà tư bản yêu nước”, tức là những người ở lại và sẵn sàng hợp tác với chế độ mới, sẽ được phép giữ lại các nhà máy và doanh nghiệp của họ. Ông cũng phản đối việc tập thể hóa nông nghiệp. “Cách đúng đắn là giúp nông dân ở miền Nam canh tác đất đai của họ như những người nông dân ở Hoa Kỳ”, ông Linh nói. Khi ấy, nông dân miền Nam sẽ có “mọi động lực để tăng sản lượng và năng suất”.
Nguyễn Văn Linh bị chỉ trích vì tư duy “cánh hữu” và các đề xuất của ông bị bác bỏ. Lê Duẩn và lực lượng cựu trào đã tiến hành kế hoạch áp đặt cho miền Nam nền kinh tế tập trung giống như ở miền Bắc bằng cách tịch thu tất cả các nhà máy và doanh nghiệp tư nhân và buộc nông dân miền Nam vào các hợp tác xã nhà nước. Một chế độ độc tài nghiêm khắc đã thắng thế. Ông Linh kinh hoàng. “Chủ nghĩa xã hội không có nghĩa là khắc khổ và không thể được coi là trại lính nơi có đồng phục và bữa ăn giống nhau cho tất cả mọi người”, ông nói.
Ông Linh không từ bỏ mối quan tâm về công lý xã hội đã được khơi dậy lần đầu tiên từ tác phẩm Những người khốn khổ. “Là một người Cộng sản, tôi luôn nghĩ đến lợi ích của những người lao động”, ông nói. Ông xác định rằng chủ nghĩa xã hội giáo điều không phục vụ cho những lợi ích này và đó là một giấc mơ ngớ ngẩn sẽ làm đất nước phá sản. Thật trớ trêu, nền tảng suy nghĩ của ông chính là bài học mà ông đã học được khi chiến đấu với Hoa Kỳ ở miền Nam: không có gì hiệu quả nếu nó không dựa trên thực tế.
“Cuộc kháng chiến chống Mỹ không phải là cuộc chiến cân sức cân tài; Quân đội Hoa Kỳ mạnh hơn chúng tôi và có nhiều vũ khí hơn”, ông Linh nói. Người Việt Nam sẽ thua nếu họ cứ thế giao đấu. Họ phải nghĩ ra một phương tiện trong tầm tay để làm suy yếu sức mạnh của kẻ địch. “Tôi và các đồng chí không thể chủ quan khi nhận định tình hình. Nếu chủ quan, chúng tôi sẽ lập tức bị thực tế đè bẹp”, ông Linh nói. “Vì vậy, tôi tiếp tục suy nghĩ theo lối đó khi tôi chuyển sang tái cấu trúc hòa bình”.
Đến năm 1982, sự kiên định với lập trường kỳ quặc của Nguyễn Văn Linh đã khiến Lê Duẩn và các nhân vật cấp cao khác của Đảng mất hết kiên nhẫn và ông bị loại khỏi vòng trong, bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị. Dù vậy, ông sẵn sàng rời khỏi Hà Nội và Bộ Chính trị. Ông được đề nghị quay lại vị trí mà ông đã từng giữ trước đây, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, như một cách để chuẩn bị nghỉ hưu. Ông Linh không coi công việc này là một bia mộ: “Thành phố Hồ Chí Minh là nơi thử nghiệm rất hữu ích cho các ý tưởng của tôi”. Ở Sài Gòn có những người đã cùng ông trải qua cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ, những người cũng đã học được từ đó lối suy nghĩ sáng tạo, phi chính thống như ông, và những người sẽ ủng hộ ông. “Đó là lý do tại sao tôi rời Bộ Chính trị với tâm lý thoải mái”, ông nói.
Từ Sài Gòn, ông Linh bắt đầu tiến hành “chiến tranh du kích kinh tế”. Ông khuyến khích các giám đốc nhà máy quốc doanh ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh hành động theo sáng kiến của riêng họ; ông cũng phê duyệt các dự án kinh doanh tư nhân. “Các đoàn thanh tra” từ Hà Nội được cử xuống để ghi chép lại những hành vi sai trái của ông Linh. Cuộc đối đầu trở nên cực kỳ căng thẳng.
Ông thoát được rắc rối bởi con người này, khoảnh khắc này là duy nhất. Trong thời đại của những cuộc tàn sát khủng khiếp để trả thù, những người Cộng sản Việt Nam đã hành xử khá kiềm chế với những đối thủ bị đánh bại của họ sau chiến thắng năm 1975. “Cuộc tắm máu” mà nhiều người lo sợ đã không xảy ra. Thay vào đó, gần 100.000 người, hầu hết là cựu sĩ quan và quan chức chính quyền Sài Gòn, đã bị giam trong nhiều năm trong “trại cải tạo” (số năm tùy thuộc vào cấp bậc và hồ sơ của từng cá nhân). Dù điều kiện giam giữ khắc nghiệt, nhưng các trại cải tạo này không giống như những trại tử thần của Đức Quốc xã hay các trại tù của Nhật Bản trong Thế chiến II, nơi một nửa số tù nhân đã thiệt mạng. 94.000 tù nhân trong trại cải tạo đã sống sót và được thả.
Lời giải thích cho sự kiềm chế này rất phức tạp. Giới lãnh đạo lo sợ sự lặp lại của những hành động cực đoan đẫm máu trong chiến dịch cải cách ruộng đất những năm 1950. 30 năm chiến tranh kể từ năm 1945 đã khiến hàng xóm chống lại hàng xóm, người thân chống lại người thân, và các phiên tòa và hành quyết chỉ làm tăng thêm phần cay đắng. Dường như yếu tố nhẫn nhịn và cân bằng trong văn hóa Việt Nam, vốn bị lu mờ trong những năm chiến tranh, nay đã tái xuất hiện.
Dù có tư tưởng giáo điều chuyên chế, Lê Duẩn chưa bao giờ tìm cách giành lấy quyền lực cá nhân như Mao Trạch Đông và thanh trừng những người chống lại ông trong phiên bản Việt Nam của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc. Là một “lão thành của Đảng” với thành tích cách mạng và chiến đấu hoàn hảo, ông Linh có một vị thế không thể phủ nhận trong nền chính trị hậu chiến của Việt Nam. Ông có thể bị cách chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, giống như ông đã bị ra khỏi Bộ Chính trị, nhưng ông không thể bị bắt, bị bỏ tù hoặc bị hành quyết.
Sự xuống dốc thê thảm trong điều kiện kinh tế và xã hội của Việt Nam đã tạo ra đủ tâm lý nghi ngờ ở Hà Nội để ngăn không cho ông bị cách chức. Ông Linh đã củng cố sự nghi ngờ này bằng cách mời các nhân vật lão thành như ông Phạm Văn Đồng đến Thành phố Hồ Chí Minh để thăm các nhà máy và doanh nghiệp ở đó và xem cách của ông có hiệu quả không. Đến năm 1986, khi Lê Duẩn qua đời, phong trào cải cách đã thắng thế. Trường Chinh, người trở thành tổng bí thư lâm thời sau cái chết của Lê Duẩn, đã thúc đẩy việc đề cử ông Linh cho chức vụ này tại Đại hội Đảng VI vào năm đó. Trong một bài phát biểu trước đại hội, ông đã chỉ trích nỗ lực sau chiến tranh nhằm tạo ra một nhà nước Marxist chính thống là một sai lầm to lớn. Ông cũng đã được ông Linh mời đến Thành phố Hồ Chí Minh để xem một cách làm khác. “Không có gì mạnh hơn hiện thực”, ông Linh nói.
Ông Linh thường được gọi là Gorbachev của Việt Nam, và ở một mức độ nào đó, sự so sánh này có phần đúng. Ông là người của hệ thống nhưng không phải là tù nhân của hệ thống. Điểm khác biệt là ông Linh dường như nắm bắt chắc chắn hơn về kết quả cuối cùng mà ông mong muốn và sẵn sàng chấp nhận rủi ro thay đổi kinh tế mạnh mẽ để đạt được kết quả đó. “Chủ nghĩa xã hội là thịnh vượng”, ông nói. Và mặc dù không từ bỏ các nguyên tắc trước đây của mình, ông vẫn sẵn sàng thỏa hiệp về chúng. Yếu tố doanh nghiệp tự do của nền kinh tế hỗn hợp mà ông hình dung có nghĩa là bất bình đẳng xã hội, nhưng nó cũng tạo ra việc làm mà người Việt Nam rất cần: “Chúng ta phải chấp nhận một mức độ bóc lột nhất định”.
Tình thế khó khăn là làm thế nào để đạt được kết quả cuối cùng. Rõ ràng là Việt Nam vẫn sẽ nghèo cho đến khi có thể nhận được đủ vốn đầu tư kinh doanh nước ngoài và tài trợ từ các tổ chức cho vay quốc tế để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho một nền kinh tế hiện đại. Quá trình này không thể bắt đầu diễn ra trên quy mô lớn chừng nào Mỹ còn chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận, và sau đó sẽ phải mất nhiều năm để nó đơm hoa kết quả. Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc vào mùa thu năm 1991 và hai nước đã nối lại quan hệ hòa bình, nhưng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tẩy chay. Trong khi đó, các biện pháp cấp tiến do ông Linh và những người ủng hộ ông áp dụng có thể cải thiện tình hình đất nước nhưng không thực sự ổn định được nền kinh tế mong manh. Lạm phát mà họ kiểm soát được trong năm 1989 bắt đầu tăng trở lại vào năm 1990 và vượt quá 100%/năm vào cuối năm 1991.
Ông Linh ở độ tuổi ngoài bảy mươi cũng không còn nhiều thời gian. Sức sống của người đàn ông chỉnh tề này, với mái tóc xám chải mượt, đôi mắt tinh anh dưới cặp lông mày muối tiêu, thật là đánh lừa. Ông bị ung thư ruột kết vào năm 1988 và đã trải qua ca phẫu thuật ở Nga. Bệnh không tái phát, nhưng sức khỏe của ông rất bấp bênh. Ông không phải là ông chủ ở Việt Nam; đúng hơn, ông là nhân vật hàng đầu trong số những người bình đẳng. Yếu tố kiềm chế đã bảo vệ ông khi ông còn là một người bất đồng chính kiến đã chống lại ông sau khi ông trở thành tổng bí thư.
Ở Việt Nam, việc ra quyết định được thực hiện theo nguyên tắc đồng thuận. Để hành động, tổng bí thư phải thuyết phục 12 thành viên khác của Bộ Chính trị ủng hộ mình. Những người phản đối có thể cản trở ông bằng cách không đồng ý. Khi tôi gặp ông, ông Linh đang cố gắng đưa những người ở độ tuổi năm mươi và sáu mươi mà ông tin tưởng sẽ tiếp tục những ý tưởng của mình vào những vị trí có thẩm quyền. Vì tuổi tác và sức khỏe, ông cương quyết rút lui không ra ứng cử tại Đại hội Đảng VII năm 1991, khi ông bảy mươi sáu tuổi. “Chúng ta không thể đi ngược quy luật tự nhiên. Sẽ là sai trái nếu tôi cố ở lại vị trí của mình”, ông nói. Những nhân vật kỳ cựu khác cũng có đàn em và đôi khi họ cản trở việc ông bổ nhiệm nhân sự. Tuy nhiên, ông tin rằng mình đã là người khởi động, và các sự kiện dường như chứng minh cho điều đó. Khi Đại hội Đảng VII diễn ra, ông đã nghỉ và được kế nhiệm bởi một người miền Bắc mà ông đã cải biến theo tư tưởng của mình – Đỗ Mười. Ông cũng đã đưa người bạn và cấp dưới của mình thời chiến tranh, Võ Văn Kiệt, vào chức thủ tướng.
Niềm tin của ông rằng ông đã đưa đất nước mình vào một con đường không thể đảo ngược và cuộc sống giản dị của ông khiến người ta có ấn tượng về một người đàn ông thanh thản với chính mình. Ngôi nhà của ông Linh ở Sài Gòn là một ngôi nhà giản dị, nơi ông bà vui vầy bên con cháu. Ông có còn chơi bóng bàn không, tôi nghe nói ông thích chơi? “Không chơi bóng bàn nữa… à, có lẽ thỉnh thoảng thôi. Hằng ngày tôi tập một loại thể dục phù hợp với người già”, ông giải thích. Ông cười, thở nhịp nhàng và xoay tay trong không khí. Các bài tập này được gọi là thái cực quyền. Ông Linh tập trong nửa giờ sau khi thức dậy lúc năm giờ sáng, cùng thời điểm ông thức dậy mỗi ngày hồi còn đi chiến đấu.
Cơ quan đầu não chính của Cộng sản nơi ông Linh từng làm phó bí thư trong chiến tranh được gọi là Trung ương Cục miền Nam. Quân đội Hoa Kỳ, với sở thích viết tắt, đã gọi tắt thành COSVN, và “COSVN” trở thành từ đồng nghĩa với “bí ẩn” vì các tướng lĩnh Hoa Kỳ liên tục cố gắng tìm nó nhưng không bao giờ thành công. Richard Nixon đã tuyên bố trên truyền hình quốc gia rằng ông sẽ phá hủy nó trong cuộc càn quét vào Campuchia năm 1970; nhưng rồi ông cũng không tìm thấy COSVN. Tôi nghe nói căn cứ cuối cùng của cơ quan này đang được bảo tồn trong rừng rậm. Vợ chồng tôi có thể đến đó không? Tôi hỏi ông Linh. “Tất nhiên là được”, ông nói. Rồi ông rời đi như cách ông đã đến, ở hàng ghế sau chiếc Lada màu trắng đục, chỉ có một cận vệ ở phía trước, để về bên gia đình trong phần còn lại của Chủ Nhật đó.■
[1] Neil Sheehan (1936 –2021) là nhà báo kỳ cựu người Mỹ chuyên đưa tin về cuộc chiến ở Việt Nam. Năm 1971, khi đang là phóng viên tờ The New York Times, Sheehan đã có được Hồ sơ Lầu Năm Góc do Daniel Ellsberg cung cấp, từ đó tiết lộ lịch sử bí mật của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về sự can dự của Mỹ ở Việt Nam qua loạt bài viết gây chấn động. Với loạt bài này, tờ New York Times đã nhận được Giải thưởng báo chí Pulitzer vào năm 1972. Neil Sheehan cũng đã được trao Giải thưởng Pulitzer và Giải thưởng Sách quốc gia Hoa Kỳ cho cuốn sách A Bright Shining Lie (Sự lừa dối hào nhoáng) viết năm 1988, kể về cuộc đời của Trung tá John Paul Vann và cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam.
[2] Năm 1992, phiên bản đầy đủ hơn của phóng sự này được in thành sách mang tựa đề After the War was Over (Sau khi chiến tranh kết thúc).