Đức Minh
Đọc sách là một trong những hoạt động quan trọng, không thể thiếu trên con đường phát triển nhân cách, trí tuệ của mỗi người nói riêng và trình độ dân trí của một quốc gia nói chung. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đọc sách sao cho hợp lý, đúng cách. Tạp chí “Sao mai”, số 123, ngày 12/6/1936 có đăng bài phân tích về tầm quan trọng của việc đọc sách và đề xuất những cách đọc hiệu quả. Tạp chí Phương Đông xin trích đăng lại giới thiệu tới quý độc giả.
*
Sự ăn uống cần để bổ dưỡng cho thân thể mà sự đọc sách lại là một món ăn cần thiết cho tinh thần. Ăn uống có điều độ, hợp phép vệ sinh thì thân thể được khỏe mạnh, béo tốt; đọc sách có phương châm thì trí não được mở mang, sáng suốt.
Người ta ở đời không thể trau dồi não chất mà xem thường, xem khinh khu xác[1]; cũng không thể quá săn sóc khu xác mà sao nhãng sự hun đúc tâm hồn; nghĩa là hai cái bao giờ cũng phải đi đôi với nhau như hình với bóng, nhiên hậu mới trở nên một nhân vật hoàn toàn được.
Tôi thường thấy nhiều thiếu niên chỉ lo tập luyện thân thể, hết ngày qua tháng họ dùng thì giờ vào sự học võ Tàu đến võ Tây và thực hành đủ khắp các môn thể thao, mục đích cốt để trở nên những tay lực sĩ, võ sĩ, một mình có thể địch với hàng chục, hàng trăm người. Trong khi họ đeo đuổi cái mục đích ấy, thì tinh thần họ đành chịu nhịn những “món ăn cần thiết”, mà cái thời trẻ trung nó như bóng câu cửa sổ, càng ngày càng biển để nhường chỗ cho tuổi già. Cái thời trẻ trung là thời kỳ óc não, tâm hồn đang trong sạch, dễ hấp thụ và dễ ghi nhớ những học vấn, kiến văn; cái thời kỳ rất thích hợp cho sự trau dồi tâm óc, thế mà nỡ vô tình bỏ qua, thì rõ là đáng tiếc biết chừng nào. Huống chi thân hình tráng kiện mà óc não còn mờ mịt tối tăm cũng chưa thể ra đời được. Tây triết có câu: “Sự ngu dốt rất nguy hiểm”. Ngẫm câu nói ấy, là cũng đủ cảm thấy cái sự cần yếu của bộ óc thông minh đối với một người muốn ra đời như thế nào?
Có kẻ sau khi từ bỏ cái đời học sinh để ra gánh vác công việc xã hội, không còn nghĩ gì đến sách vở báo chí, họ có biết đâu rằng càng học, trí thức tài năng của mình càng trở nên lỗi lạc, và sự đọc báo chí có thể giúp ích cho họ trong sự tiếp nhân xử thế. Trong làng báo chí, trong tư tưởng giới, ta cũng nhận thấy nhiều ông nhà nghề rất sao nhãng việc đọc sách. Rồi vì thế mà văn chương, tư tưởng họ rất đỗi khô khan, nhạt nhẽo, đầy những cái cũ, cái sáo. Song tự họ, họ không chịu nhận là thể, trái lại, họ lại lấy làm tự túc tự mãn với cái tài viết văn “nước xáo” của họ. Như thế chỉ là cái tính xấu tự dối mình và dối người. Một nhà văn hay một nhà báo, muốn có tư tưởng dồi dào, văn chương bóng bảy, lâm ly, cần phải lấy sự đọc sách làm kế độc nhất vô nhị, cái kế chính đáng.
Nhà đại văn hào Pháp kia đã công nhận rằng: “Sự đọc sách là một sự kích phát vĩ đại, là một nguồn cảm hứng, canh tân và suy tầm rất trọng đại. Một người không đọc sách chỉ có thể trông cậy vào một nhúm ý kiến rất hẹp hòi của mình mà thôi. Óc của mỗi người hoạt động ở trên cái bản lĩnh của những sự tham khảo, mà sự tham khảo là một thứ nó tiêu ma mau chóng, nếu không có gì đến thay đổi và bồi bổ nó”. Ông Khổng Tử ngày xưa cũng có dạy các đệ tử rằng: “Phải ôn lại những cái cũ và biết những cái mới (ôn cố tri tân)” – thực là một câu nói bất hủ mà các học giả muôn đời nên dùng làm phương châm vậy.
Trên đây là tôi bàn về sự cần thiết của việc đọc sách. Bây giờ tôi xin nói đến cái “thuật” đọc sách:
Có nhiều người đọc sách mà trở nên những bậc học giả uyên bác, mà cũng không thiếu gì người vì đọc sách mà trở nên hư thân mất nết, tự đưa mình vào bến mê mà không biết. Có người vì đọc sách mà học lực rất tiến bộ, trí não rất mở mang, có người đọc sách mà cũng như không đọc, hoặc có thu hoạch được đôi chút ích lợi, song cái ích lợi đó rất là tầm thường. Đó chẳng qua là kẻ này đọc sách có phương pháp, người kia không có phương pháp vậy.
Điều cốt yếu nhất là phải chọn sách mà đọc. Chọn đây không phải chọn sách bổ ích mà thôi, phải chọn những sách hợp với học lực của mình nữa. Đọc sách mà không biết chọn sách bổ ích thời không khác gì tự mình bắt mình ăn uống những món độc địa, vô bổ. Những sách dâm ô, hoang đường, nhảm nhí làm cho tâm tính mình bất chính, tư tưởng nổi loạn, viển vông. Những sách hay có thể rèn đủ cho mình một bộ óc sáng suốt, thông thái, làm cho tâm tư mình cải tà quy chính mà trở nên lương thiện. Descartes đã tin rằng: “Đọc những sách hay không khác gì được nói chuyện với những bậc hiền nhân quân tử của những thế kỷ quá khứ, một câu chuyện mà trong đó họ hiến cho mình rặt những tư tưởng cao siêu”.
Đọc sách tốt thì tâm não chịu ảnh hưởng tốt, đọc sách dở tâm não chịu ảnh hưởng xấu vậy. Lại cần phải chọn sách hợp với học lực mình mà đọc thì mới thu thập được những cái ích lợi trực tiếp, thiết thực. Nhiều người học lực mới đang trình độ sơ học mà lại ưng đọc những sách tận trên trình độ Cao đẳng, Đại học như vậy chỉ là một sự đọc sách phiếm mà thôi, chớ không có bổ ích gì cho tâm trí, vì những sách đó khó quá sức học, quá sức hiểu của mình. Những người “chưa tập đi mà đã tập chạy” như vừa nói đó có ý muốn chóng trở nên những bực đại học giả, đại tri thức, song thể là điên rồ. Cái học vấn nó không phải trong một mai một chiều mà có thể làm cho người ta hi thành hi hiến được. Nó chỉ có thể làm cho bộ óc người ta mở mang, sáng láng dần dần, mỗi ngày một thấm thía, mỗi hun đúc, rồi tương lai mới có thể bước lên tới cõi hoàn toàn được.
Không những phải biết chọn sách hợp với sức học mình, lại phải biết cách đọc nó sao cho có thể thủ ích được. Tôi thấy có nhiều người đọc một quyển hay một bộ sách bất kỳ về phương diện nào, tuy dày ba bốn trăm trang, chín mười quyển, mà chỉ trong không đầy một buổi đã xong rồi. Ôi! Họ đọc “cách nhảy”, họ bỏ hàng đoạn dài hàng năm mười trang, có khi họ chỉ đọc một khúc đầu, một khúc giữa, và một khúc cuối cùng là bỏ sách xuống, nhất định không để mắt tới nữa. Đọc sách mà như thế thì dù đọc đến thiên kinh vạn quyển, cứu cánh dốt cũng cứ hoàn dốt.
Phải đọc thong thả, nhất là đọc trong chỗ im lặng, tĩnh mịch càng tốt. Đọc tới đâu phải để hết tâm thần vào đó như Montesquieu đã nói “không phải chỉ đọc mà thôi, lại phải làm cho bộ óc suy nghĩ nữa”. Khi nào trong tay cũng phải có một cây viết chì để gạch lấy những câu hay ý tốt, rồi những câu ấy, mình sẽ sao vào một quyển vở riêng để khi nhàn rảnh sẽ đem ra mà xem đi xem lại và để thỉnh thoảng tiện bề tra cứu. Những tiếng một và những thành ngữ khó hiểu, mình cũng nên tra tự vị và biên ra một quyển sổ để học cho nhớ. Cứ tuần tự mà đọc sách như thể, hết trang này sang trang khác, hết bộ này qua bộ khác, thì làm gì mà không có kết quả tốt đẹp?
Sau hết tôi xin nói đến những thì giờ nào nên đọc sách. Những ngày nào, những khi nào, mình có thì giờ rảnh đều nên để ra mỗi ngày một vài giờ mà đọc. Song những thì giờ rảnh dài dằng dặc, mà trong xã hội ít người được hưởng lắm. Phần nhiều là mắc vào việc làm hoặc lao tâm hoặc lao lực, chớ những thì giờ thong thả thì hiếm lắm. Duy chỉ có mấy lúc tôi kể sau này là ai ai cũng rảnh việc hết thảy, mà những lúc đó không ngày nào là không có: 1) Thì giờ trước khi ăn (sáng và chiều). 2) Thì giờ trước khi ngủ (trưa và tối). Đấy, những lúc ấy, tôi nghiệm thấy ai ai cũng rảnh tay chân hết thảy. Mỗi khi giờ ăn đã đành, ta soạn sửa ngồi vào mâm ăn, trước khi ăn ta còn phải ngồi không, chờ đợi ít ra là năm phút, mười phút. Ta rất có thể dùng những thì giờ ấy mà đọc sách hoặc báo… Trước khi ta ngủ cũng vậy, không lẽ đặt mình xuống giường là ngủ được ngay sao? Vậy nên lợi dụng cái thì giờ còn thức đó mà đọc, đọc mãi cho tới khi hai mi mắt đã nặng trĩu lại thì thôi, nghĩa là ít ra cũng có thể đọc được trong 10, 15 phút đồng hồ. Đổ đống những thì giờ mình đã đọc được sách về hai bữa ăn, hai giấc ngủ lại thì cứ tính theo số trung bình, mỗi ngày đêm đã đọc được ít ra là một giờ đồng hồ.
Ngoài ra, cũng còn nhiều lúc ta có thể đọc được sách – ấy là những thì giờ ở trong tiệm rượu, trong hiệu thợ cúp, trong khách sạn. Ở bên Tây (mà ở bên ta hiện nay cũng vậy), các nơi đó đều có một cái phòng hoặc một cái bàn, có để nhiều sách vở báo chí, cho những khách hàng tới xem. Nhiều khi mình tới đó gặp được những quyển sách, những tờ báo mà ở nhà mình không thể có. Mình cầm đọc, thấy nhiều cái hay, cái lạ, trong lòng lấy làm vui thích vô cùng.
Đó là chưa kể những khi mình đến nhà Cercle, hoặc đến các hội quán là những nơi có đủ thứ cho thiên hạ đến mua vui, giải trí: Phòng đọc sách, nơi tập các môn thể thao… Những nơi đó không nói ai cũng dư biết là những nơi rất tiện lợi cho người ta về mọi đường trí dục và đức dục vậy.■
[1] Thể xác