Pierre Huard, Maurice Durand
Lê Hằng Nga (dịch)
Hệ thống giáo dục thời phong kiến của Việt Nam với ảnh hưởng sâu sắc từ Nho giáo đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng tư tưởng, phẩm chất con người, cũng như góp phần hình thành một nền văn hóa tri thức. Từ những năm đầu học chữ tới khi tham dự vào các kì thi Hương, Hội, Đình, người học trải qua quá trình rèn luyện để trở thành những nhân tài ưu tú phục vụ đất nước. Song hành với văn hóa tri thức ấy là nền văn hóa truyền thống sâu sắc phản ánh những nét tính cách đặc trưng của người Việt xưa. Hòa chung không khí Ngày Nhà giáo Việt Nam, Tạp chí Phương Đông giới thiệu tới quý bạn đọc Chương 8: Cấu trúc tâm lý người Việt truyền thống từ cuốn sách Tri thức về Việt Nam (Connaissance du Vietnam) của các tác giả Pierre Huard và Maurice Durand[1], do Viện Viễn Đông Bác Cổ xuất bản năm 1954, trình bày về hệ thống giáo dục và một vài phẩm chất của người Việt thời xưa.
Hệ thống giáo dục mà chúng tôi sắp trình bày dưới đây đã mang lại cho Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản một nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, giống như việc giảng dạy hàng thế kỷ đã lan tỏa nền văn hóa Latinh đến các quốc gia khác nhau ở Tây Âu. Nhưng đằng sau nền văn minh bác học này, được truyền bá qua các phương tiện truyền khẩu và văn bản để phổ biến tư tưởng, tồn tại ở hai đầu của lục địa Á – Âu một nền văn hóa rất cổ xưa và đồng nhất được hình thành bởi những phong tục chưa rõ nguồn gốc. Đó là nền văn minh dân gian truyền thống mà A.Varagnac đã nhấn mạnh, với cách truyền tải thông qua cuộc sống trải nghiệm đối lập với phương tiện truyền khẩu hoặc văn bản của nền văn hóa bác học hay tôn giáo. Cho tới tận ngày nay, nền văn minh này đã truyền tới chúng ta những âm vang cuối cùng của cuộc cách mạng đồ đá mới. Nó đã duy trì những nhịp sống và những cách thức hành động khiến người Việt Nam thời sơ sử tương đồng với người Mã Lai, và xa hơn về phía Nam, với người Hova của Madagascar. Tính cách của người Việt trước giai đoạn Bắc thuộc (mà biểu tượng hữu hình là những chiếc răng nhuộm đen) vẫn còn chưa được biết đến rõ ràng. Vấn đề này chưa được phân tích mặc dù nó góp phần làm nên nét độc đáo của tâm lý dân tộc. Chúng ta chỉ có thể trình bày mà không phân tích điều đó ở đây.
I. Hệ thống giáo dục
Bé trai bắt đầu đi học từ 6 tuổi. Cậu học trò mang một con gà trống đã cúng cho Khổng Tử tới nhà thầy đồ. Đó là buổi lễ khai mở tri thức.
A. Chương trình học
Từ khi lên 8 đến năm 15 tuổi, hoặc học ở nhà thầy đồ, hoặc ở một trường làng, gọi là Tiểu học, việc chép lại, học thuộc lòng và bình luận các văn bản kinh điển là phương pháp học duy nhất. Các sách giáo khoa cơ bản, từ khoảng năm 1000, là cuốn sách về Đạo hiếu (Hiếu kinh) và đặc biệt là cuốn sách Tam Tự Kinh mà những dòng đầu tiên rất đặc trưng: bản chất của con người vốn là thiện; tất cả mọi người lúc ban đầu đều giống nhau; chỉ có giáo dục mới khiến họ trở nên khác biệt (Nhân chi sơ, Tính bản thiện; Tính tương cận, Tập tương viễn; Cẩu bất giáo, Tính nãi thiên; Giáo chi đạo, Quý dĩ chuyên).
Đến tuổi 15, các học sinh trở thành thí sinh tham dự kì thi Hạch và đương đầu với thử thách. Từ đó họ bắt đầu học Đại học, chủ yếu học kiến thức từ Tứ thư và Ngũ kinh
Tứ thư gồm các sách: Đại Học, Luận Ngữ, Mạnh Tử, Trung Dung. Ngũ kinh gồm các sách: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu. Người ta còn học về các triết gia sau Khổng Tử, như Mạnh Tử và Lão Tử, các nhà sử học, các nhà thơ (gồm các vị Hoàng đế Trung Quốc hoặc Việt Nam), và các tiểu thuyết lịch sử. Những tiểu thuyết hư cấu và truyện châm biếm, thường được ký dưới một bút danh, bị xem nhẹ, không xứng đáng để đưa vào giảng dạy ở bậc học cao hơn.
B. Các kỳ thi
Khoảng 25 tuổi hoặc muộn hơn, thường là tới 40 tuổi, hành trang kiến thức của họ coi như hoàn thiện, người học sẽ đương đầu với những thử thách trong kì thi Hương được tổ chức ở một địa điểm đặc biệt gọi là trường thi. Các kì thi cuối cùng của trường thi Hà Nội năm 1876 và 1879 có khoảng 6.000 thí sinh tham dự. Trong số 75 người thi đỗ, 50 người xếp cuối cùng gọi là Tú Tài và 25 người đỗ hạng đầu tiên là Cử Nhân. Các Cử Nhân có thể tiếp tục tham gia kì thi Hội, trong trường hợp thành công thi đỗ kỳ thi Đình, họ trở thành Phó Bảng (người đỗ cao thứ hai) và Tiến Sĩ (người đỗ đầu bảng).
Những kỳ thi này được tổ chức giống với hệ thống thi cử truyền thống ở Trung Hoa từ năm 622. Nhưng việc tuyển chọn quan lại dựa trên kiến thức chủ yếu về văn học đã có từ lâu và có lẽ bắt nguồn từ thế kỷ I trước Công Nguyên. Hệ thống này dường như mang đặc trưng của châu Á vì đến tận năm 1219 ở châu Âu, kỳ thi vấn đáp Đại học đầu tiên mới xuất hiện và kỳ thi viết đầu tiên được tổ chức vào năm 1702.
Đến thế kỷ XIX, hệ thống thi cử phổ biến ở một phần châu Âu nhờ vào những người của thế kỷ XVIII nói tiếng Pháp – Anh yêu thích văn hóa người Hán, hệ thống này xuất hiện như sự chuyển giao muộn màng của một quan niệm Trung Hoa cổ xưa vốn đã suy tàn. Hình thức thi cử này có công lớn trong việc lấy văn hóa nhân văn và giá trị đạo đức làm tiêu chí chính để đánh giá giá trị của một chính khách, và đã hiện thực hóa mong ước nổi tiếng của Plato: “Chừng nào quyền lực chính trị và triết học chưa gặp nhau ở cùng một chủ thể, các thành phố sẽ không thể chấm dứt nỗi khổ của mình, và tôi tin rằng nhân loại cũng vậy”.
C. Kỹ thuật dạy học
Việc giảng dạy hoàn toàn bằng chữ Hán, với cách phát âm, hình thái, sự kết hợp và nhịp điệu theo quy tắc chữ Hán, các ẩn dụ và điển tích mà chúng gợi lên, sự đối lập và kết nối mà chúng thiết lập, đã tạo ấn tượng mạnh mẽ trong trí nhớ của học sinh. Thấm nhuần giá trị vô giá của tứ bảo: nghiên, mực, giấy và bút lông, họ cố gắng học thuộc lòng những đoạn văn nổi tiếng của các tác giả kinh điển và tái hiện một cách chính xác các bình luận đã được đưa ra về các đoạn văn đó. Bằng cách thường xuyên sử dụng những hồi tưởng và trích dẫn, họ từ bỏ mọi suy nghĩ cá nhân, chỉ thể hiện tư tưởng của các bậc thầy bằng những hình thức được coi là thanh nhã nhất.
Địa vị cao của người thầy trong quan niệm Nho giáo thể hiện qua vị trí trong tứ đại: Trời, Vua, Thầy, Cha hay trong bộ ba: Quân, Sư, Phụ. Trong đó, Vua đứng trước thầy. Các học trò dành cho thầy một niềm kính trọng lớn. Họ thành lập một hội tên là “Hội đồng môn” để tri ân các thầy cả về vật chất và tinh thần, bởi thầy thường nhận được thù lao ít ỏi.
D. Mục đích của dạy học
Khác hẳn so với dạy học ở phương Tây, vốn là nền giáo dục hướng ngoại, giáo dục Hán – Việt chủ yếu là giáo dục hướng nội. Nó dạy cho trẻ em trước tiên cần biết hoàn thiện bản thân. Khát vọng của tất cả mọi người là xứng danh quân tử, nghĩa là người chính trực và lịch sự, và tránh không bị gọi là tiểu nhân, nghĩa là người tầm thường, chỉ biết tìm cái lợi cá nhân trong mọi sự.
Triết học Khổng Tử nêu bật sự đối lập giữa quân tử và tiểu nhân, không liên quan đến bất kỳ ý tưởng nào về giai cấp xã hội. Quân tử là nhà hiền triết, tức là người tốt và rộng lượng, người coi phẩm giá tôn quý hơn những lợi ích và đôi khi trên cả sự công bằng. Hơn nữa, người ấy còn kiên định với những giá trị này. Sự kiên định này khác với sự kiên định ở phương Tây, nói theo tiếng Việt là trước sau như một. Để giữ sự nhất quán với chính mình, nhà hiền triết phải tránh ghét bỏ những gì mình đã yêu, và không làm hại những người mà trước đây mình đã từng tốt bụng với họ. Cũng như vậy, họ phải thực hiện tất cả những hệ quả và lời hứa nảy sinh một cách rõ ràng và ngầm định từ những hành động và thái độ mà họ đã từng thực hiện. Họ không để mình bị lôi cuốn bởi sự oán giận hay thù hằn. Mong muốn của họ là làm nổi bật sự trang nghiêm của mình lên trên việc bảo vệ những lợi ích rõ ràng, và thậm chí là trên cả việc tìm kiếm công lý nghiêm ngặt.
Thế giới bên ngoài không phải là một sự vật đơn giản, có thể uốn nắn theo con người. Nó đầy ắp những điều thần bí và các quy tắc. Khái niệm “Trung dung” dạy trẻ em rằng, thông qua sự cân bằng nội tại và ngoại tại, con người phải kết nối sự hài hòa hoàn hảo trong hành động của mình với trật tự vĩnh cửu của vũ trụ. Giống như trong bốn nền văn hóa lớn của thời kỳ Trung cổ Á – Âu là Kitô giáo, Hồi giáo, Ấn Độ và Trung Quốc, vũ trụ không có giá trị tự thân; dù có yếu ớt đến đâu, ý tưởng về hiện thực và sự quan tâm đến bản thân các sự vật cũng vậy. Điều quan trọng hơn vượt ra ngoài hiện tượng của các sự vật là tìm kiếm ý nghĩa siêu việt của chúng trong mối quan hệ với những huyền thoại vũ trụ được chấp nhận. Những suy luận loại suy đơn giản – một sự diễn giải mang tính biểu tượng về mối quan hệ vĩ mô – vi mô cho phép con người thực hiện việc phân loại và sắp xếp các sự vật theo những tiêu chuẩn tùy ý nhưng được coi là thiết yếu. Tất cả kiến thức của con người tạo thành một tổng thể liên tục không gián đoạn. Đó là bối cảnh đưa ra trong những cuốn Tổng luận và Gương soi, cung cấp những tập hợp các quan điểm và trích dẫn, và là kết quả của việc tồn tại một nền triết học kinh viện Trung Quốc, phát triển song song với triết học kinh viện Ấn Độ và triết học kinh viện Trung cổ phương Tây.
Mặc dù có những khác biệt căn bản, cả ba đều hướng tới những bài tập trí tuệ, làm giàu thêm những bộ óc thông thái nhưng lại thuyết phục những nhà tranh luận không có tính sáng tạo rằng họ đang làm cho thời kỳ hoàng kim nở rộ một lần nữa.
Dù có những khuyết điểm, các nguyên tắc và kết quả của giáo dục truyền thống không hề bị xem nhẹ. Nó chứng tỏ rằng ở Việt Nam, cũng tương tự như phương Tây, lối sống tri thức tồn tại và có những thú vui mang lại cho con người một nền văn hóa chính thống và phong phú, và ít sự khác biệt hơn những gì ta tưởng từ đầu này sang đầu kia của lục địa Á – Âu.
II. Một vài phẩm chất của người Việt
A. Bản thể con người
Loài người đã trải qua quá trình tiến hóa vô cùng khác biệt ở phương Tây và ở Việt Nam. Tại Việt Nam, cũng như khắp các nước Viễn Đông, bầu không khí tôn thờ đã ngự trị từ lâu. Các cá nhân ràng buộc liên tục với những điều cấm kị, hệ thống gia trưởng và chính trị, tầm quan trọng của chiêm tinh học, các môn khoa học giả tưởng về bói toán và các nghi thức đã tạo ra một cảm giác phụ thuộc.
Sự quy phục trước tự nhiên và trật tự của vũ trụ đã phát triển một nền văn minh dựa trên bản năng và coi việc không lo xa là bổn phận. Chủ nghĩa Descartes, bằng cách xóa bỏ cảm giác phụ thuộc trong ý thức phương Tây, coi “sinh vật khác con người là máy móc” đối lập với huyền thoại vật tổ, loại bỏ mọi hình thức bảo vệ của cha mẹ khỏi thế giới, và trực tiếp, không trung gian hay có sự can thiệp nào, hướng đến một vị thần sáng thế đầy quyền năng, đã mang đến một thay đổi sâu sắc trong tính cách của người phương Tây. Nó đã dạy cho họ cách chấp nhận sự tự quản, làm chủ nỗi lo âu bằng các cơ chế phòng vệ hiệu quả và đạt đến sự tự chủ đủ để có tri thức khoa học, sức mạnh kỹ thuật và các quan niệm chính trị tự do. Thực tế, có một mối liên hệ rõ ràng giữa khái niệm dân chủ với thực hành thử nghiệm, cũng như đối với cá nhân có thể nhận thức cả hai. Vì vậy, từ khi người châu Âu đặt chân đến Viễn Đông, nền văn minh dựa trên bản năng và nền văn minh dựa trên vật chất đã trái ngược nhau như hai phong cách sống rất khác biệt.
Cần chú ý rằng nếu việc chấp nhận sự phụ thuộc đã loại bỏ tất cả mặc cảm sâu bên trong tư duy của người Việt truyền thống, thì ngược lại, dưới ảnh hưởng của các khó khăn khách quan hoặc chủ quan, các cảm giác mặc cảm cực đoan xuất hiện và kéo theo chuỗi các phản ứng thường thấy để giải tỏa hoặc kìm nén. Sự lo âu của ý thức quốc gia khi cố gắng tạo ra một siêu ngã dựa trên sự bù đắp đã được thể hiện ở một thiểu số tích cực thông qua một ý chí phá hoại mãnh liệt, một khao khát được diệt vong trong sự sụp đổ hoàn toàn, một thẩm mỹ về hư vô, thúc đẩy tập thể đi đến chính sách tiêu thổ, và cá nhân thì đi đến chỗ tự sát. Đó là những cực điểm của lòng yêu nước mà Pierre Đỗ Đình[2] miêu tả là “một sức mạnh nội tại, một cảm xúc tôn giáo thay đổi toàn bộ cuộc sống, đôi khi không vững chắc nhưng có khả năng thức tỉnh bất ngờ”.
Đó là lí do vì sao phương pháp tốt nhất để người ngoại bang hợp tác được với người dân Việt Nam là con đường vương đạo. Trung Hoa cổ đại gọi đó là mong muốn thu phục lòng người bằng đạo đức hoặc trí tuệ vĩ đại và là ý chí thuyết phục mà không tìm cách áp đảo người khác.
B. Lý luận và logic
Như mọi ngôn ngữ khác, tiếng Việt gồm các hình ảnh âm thanh và các khái niệm đan xen lẫn nhau. Ngay từ những lời nói đầu tiên của trẻ nhỏ, tiếng Việt đã thấm vào tâm trí và áp đặt lên đứa trẻ mọi giá trị cảm xúc, các phức cảm đạo đức và thẩm mỹ, cũng như những lập luận mà ngôn ngữ này truyền tải. Nhờ vào ngôn ngữ của mình, người Việt có hệ logic đặc thù hình thành trực tiếp từ đó. Chúng ta chỉ có thể nhấn mạnh một sự thật đã được nghiên cứu rõ ràng rằng lý luận ở Đông Á không thể hòa tan hoàn toàn vào logic Hy Lạp phương Tây.
C. Lòng chân thành
Chân thành là đức tính cốt lõi trong tư tưởng Nho giáo. Đối với Khổng Tử, từ “tin” vừa có nghĩa là “chân thành” vừa có nghĩa là “trung thành”. Vũ Tam Tập, G. Bois và R. P. Gras đã nghiên cứu về lòng chân thành ở người Việt Nam. Họ đã kết luận rằng giá trị đạo đức của nó được công nhận cả ở Đông Á và Tây Âu.
Không cần phải nhắc lại những lần tự sát vì lòng yêu nước để chứng tỏ sự trung thành với nhà vua của Vũ Tính, đối thủ của quân Tây Sơn (Quy Nhơn, 1801); Phan Thanh Giản, người ký Hiệp ước năm 1868; của Nguyễn Tri Phương khi đối đầu Francis Garnier; và Hoàng Diệu (1882), đối thủ của Henri Rivière. Khi quân Pháp tiến vào thành Hà Nội, Hoàng Diệu đã treo cổ tự tử tại gò Tam Sơn. Vì thế mà gò đất đắp để cải thiện ảnh hưởng phong thủy từ sao Thổ này được coi là biểu tượng cho sự trung thành với Vua.
Tuy vậy, cần lưu ý rằng có một vài điểm dường như mâu thuẫn với quan niệm này. Do đó, phương Tây nghĩ rằng ở đây tồn tại ý định che giấu, khi việc thay đổi hay bóp méo sự thật được giải thích bằng những lý do hoàn toàn khác.
a. Trong khi cuộc sống của người phương Tây diễn ra với độ chính xác hoàn hảo, người Việt truyền thống thiếu công cụ tư duy và các lý thuyết ngôn ngữ cần thiết (từ vựng chính xác, từ vựng kỹ thuật) để trình bày các sự kiện một cách chính xác. Không có đồng hồ, khái niệm thời gian chỉ dựa vào trải nghiệm sống chứ không dựa vào đo lường, thường đầy tính ngẫu hứng (ngoại trừ trong chiêm tinh). Ba hoặc bốn phút được diễn tả bằng thời gian nhai xong một miếng trầu; 15 phút được so sánh với thời gian nấu chín một nồi cơm cho ba hoặc bốn người; nửa giờ gợi về thời gian nấu chín một nồi cơm cho mười người. Nếu chúng ta thêm vào sự nhầm lẫn giữa lịch sử và huyền thoại, cũng như sự tồn tại của logic song song (vừa ủng hộ vừa phản đối thay vì ủng hộ hoặc phản đối), chúng ta sẽ kết luận rằng “sự chính xác của người phương Tây ít liên quan đến giá trị đạo đức hơn, mà đó là một khái niệm ăn sâu về giá trị nội tại của việc quan sát và ghi chép các sự kiện càng chính xác càng tốt, được hỗ trợ bởi các thiết bị đo lường rất hoàn thiện”.
Thực tế là, đối với người Việt truyền thống, các vật thể ít được phân biệt rõ ràng với môi trường xung quanh vì từ vựng không đủ để diễn tả phù hợp các đối tượng mà nó ám chỉ.
b. Các từ ngữ cấm kỵ, thói quen nói ngược nghĩa (nói điều ngược lại với những gì nhìn thấy hoặc suy nghĩ để tôn trọng lễ nghi và phép tắc) là những khái niệm mà chúng ta đã nhấn mạnh và cần hiểu rõ. Chẳng hạn, câu thơ dưới đây, trích từ truyện Kiều: “Ở đây âm khí nặng nề”, không được đọc đúng theo nguyên văn mà thay thế “ở đây” bằng “ở đâu”. Người đọc không hề có ý định làm biến dạng bài thơ mà chỉ để tránh nhắc đến hay tiếp xúc với âm khí, vốn luôn bị coi là đáng sợ.
c. Người ta cũng cho rằng, ngay trong gia đình, việc tuân thủ nghi lễ và thiếu dấu hiệu của tình cảm (như hôn nhau chẳng hạn) là một trở ngại cho việc thể hiện cảm xúc tự nhiên và chân thành. Tuy nhiên, điều này không nên bị làm quá lên.
“Việc thiếu vắng tính thân mật là đặc trưng của Trung Hoa xưa. Nhưng sau tấm bình phong của việc tuân thủ lễ nghi chung, sau sự trang nghiêm không thay đổi của những nghi thức, nhiều người đã biết giữ cho mình một sự độc lập hoàn toàn ở một vài phần nhất định của bản thân, và tâm hồn dân tộc đã duy trì những khía cạnh đáng kinh ngạc về tính linh hoạt và tươi mới” (Marcel Granet).
D. Tính trung thực
“Sự trung thực là một đức tính Nho giáo được coi trọng ở Việt Nam cũng như ở phương Tây. Tuy nhiên, tác động của tư duy truyền thống về điểm này rất quan trọng và cần được hiểu, vì khái niệm về sự trung thực mà con người có được đôi khi phụ thuộc vào ngôn ngữ họ sử dụng” (R. P. Cadière). Một người châu Âu “tìm thấy” một vật bị mất và tìm cách trả lại cho chủ nhân của nó, người mà trong mắt anh ta là chủ sở hữu thực sự. Ngược lại, đối với người Việt, chủ sở hữu thực sự không phải là người mất đồ mà là người tìm thấy nó, vì trong ngôn ngữ của họ, “tìm thấy một thứ gì đó” có nghĩa là “nhận được để sở hữu”.
Một ví dụ khác, cũng được R. P. Cadière trích dẫn. Một người Việt Nam, hoặc để cảm ơn vì đã nhận được sự giúp đỡ, hoặc khi đến nhờ giúp đỡ, sẽ mang đến cho ân nhân của mình một chiếc hộp sơn son (cái quả) chứa các món quà truyền thống. Đối với một người phương Tây ít hiểu biết, những món quà này có thể bị coi là “quà biếu xén” và từ chối. Nhưng đối với người Việt, đó chỉ là những đồ vật mang tính nghi lễ (đồ lễ), mà họ không thể không mang theo, vì nếu đến tay không, hoặc ngay cả mang theo một món quà khác, thì sẽ bị coi là xúc phạm nghiêm trọng đến nghi thức. Một người nghĩ đó là hối lộ; người kia lại nghĩ đó là tuân thủ lễ nghi.■
[1] Pierre Huard (1901-1983) là bác sĩ người Pháp, nhà sử học y khoa, nhà nhân chủng học, thành viên danh dự của viện Viễn Đông Bác Cổ. Maurice Durand (1914-1966) là nhà sử học, ngữ văn học, phê bình văn học, phân tích mỹ thuật, thành viên của viện Viễn Đông Bác Cổ. (ND)
[2] Đỗ Đình Thạch (1909-1970) là nhà văn, nhà thơ chuyên nghiên cứu về văn hóa, triết học và tôn giáo. Ông nổi tiếng trong văn giới và từng làm việc cho báo Le Monde (Paris) chuyên trách mục Lectures Asiatiques. (ND)