GS. TSKH Vũ Minh Giang
Phù Nam là một thực thể lịch sử tồn tại trong khoảng 7 thế kỷ đầu Công nguyên nhưng để lại một di sản văn hóa rất đồ sộ. Vì nhiều lý do mà lịch sử của vương quốc này cho đến nay vẫn còn nhiều điều bí ẩn. Từ một cách nhìn mới, có thể thế thấy trên nhiều mặt, Phù Nam không hoàn toàn giống với những gì được các nhà nghiên cứu trước đây mô tả.
Quá trình nhận thức về lịch sử vương quốc Phù Nam
Nhận thức về lịch sử vương quốc Phù Nam là một quá trình. Trước khi Louis Malleret phát hiện ra di chỉ khảo cổ học Óc Eo vào năm 1944 người ta chỉ biết đến những dấu vết của một quốc gia cổ đại trên vùng đất Nam Bộ qua những ghi chép trong thư tịch Trung Hoa hoặc những bia cổ còn sót lại trên mặt đất. Người Pháp cũng đã từng đặt ra nhiều nghi vấn về những công trình thủy lợi cổ được tìm thấy trên các bản đồ không ảnh từ những năm 1930. Trong các thư tịch cổ Trung Quốc, sách Dị Vật chí của Dương Phù đời Đông Hán (23-220) là cuốn nói đến vương quốc Phù Nam sớm nhất, nhưng khi ấy những ghi chép trong sách còn hết sức sơ lược và mơ hồ[1]. Có nhiều tư liệu cho thấy những năm sau đó thương nhân và sứ giả Phù Nam thường xuyên có sự giao lưu với Giao Châu ở phía Bắc. Trong hơn nửa thế kỷ nằm dưới ách cai trị của Đông Ngô (210-263) những hoạt động ở Giao Châu, bao gồm cả quan hệ với Phù Nam cũng được ghi nhận trong các tài liệu lịch sử chính thức như Ngô thư trong bộ Tam Quốc chí[2]. Trong sách này những danh xưng Phù Nam quốc (扶南国), Phù Nam vương (扶南王) được sử dụng để chỉ dân cư và người đứng đầu quốc gia vùng đồng bằng Nam Bộ trong những thập niên đầu thế kỷ thứ III Công nguyên. Căn cứ vào những thông tin trong các thư tịch cổ Trung Hoa, từ cuối thế kỷ 19 một số học giả châu Âu đã đưa ra giả thuyết về sự tồn tại của một vương quốc có tên Phù Nam trong khoảng thời gian từ đầu công nguyên đến khoảng thế kỷ VI-VII[3]. Sau này nhận thức về vương quốc ở vùng Nam Bộ còn được bổ sung thêm các tư liệu bi ký bằng chữ Phạn. Dựa vào đó có thể hình dung phạm vi của vương quốc Phù Nam được phân bố chủ yếu trong vùng hạ lưu sông Mê Kông và một phần ở khu vực biên giới đông nam Campuchia.
Khi nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret vào khai quật ở cánh đồng Óc Eo (nay thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), hàng loạt nền móng kiến trúc xuất lộ và nhiều hiện vật được đưa lên khỏi lòng đất. Các di tích kiến trúc được phát hiện phần lớn là móng các công trình xây dựng bằng gạch vồ kiểu Ấn Độ. Cùng với đó còn thấy nhiều vật liệu kiến trúc khác với mật độ dày và quy mô phân bố khá rộng, cho phép hình dung về sự tồn tại của một đô thị. Những hiện vật tìm được phản ánh trình độ khá cao về cả đời sống vật chất và tinh thần của cư dân đô thị này. Sự hiện diện của nhiều loại tiền vàng, bạc, đồng kẽm còn là chỉ dấu về sự phát triển của thương mại. Phát hiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới khoa học là hai đồng vàng giống với đồng tiền có in hình Antoninus Pius và Marcus Aurelius. Mặc dù việc lý giải bằng cách nào những hiện vật có nguồn gốc Nam Âu này đến được Óc Eo vẫn còn là một bí ẩn cần được dày công nghiên cứu, nhưng sự hiện diện tiền La Mã là minh chứng thuyết phục cho sự phát triển mạnh mẽ của một thương cảng quốc tế.
Sau phát hiện của Malleret, do chiến tranh nên công việc nghiên cứu khảo cổ học hầu như không có tiến triển nào đáng kể trong vòng hơn 30 năm. Các ấn phẩm liên quan đến Phù Nam chủ yếu là các công trình khảo cứu dựa vào các thư tịch cổ, những bi ký người Pháp đã công bố hoặc tìm hiểu lịch sử các địa danh. Hạn chế lớn của các nhà nghiên cứu trước năm 1975 là chưa đi sâu làm rõ mối quan hệ giữa những truyền thuyết và ghi chép trong cổ tịch về Phù Nam với những phát hiện khảo cổ học của Malleret và các học giả Pháp về văn hóa Óc Eo. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu này hầu như không thấy có sự khác biệt rất căn bản giữa hai thời trước và sau khi vương quốc Phù Nam bị diệt vong[4]. Sau năm 1975 các cuộc khai quật khảo cổ học được tiếp tục thực hiện, nhưng chủ yếu theo yêu cầu nhận thức lịch sử – văn hóa của các tỉnh thuộc Nam Bộ. Kết quả những cuộc khai quật này đã kiểm chứng và mở rộng thành tựu nghiên cứu của Malleret, góp phần dựng nên bức tranh tương đối hoàn chỉnh về địa bàn phân bố và phân lập được các giai đoạn phát triển của văn hóa Óc Eo, từ đó cho cái nhìn cụ thể hơn về đời sống của cư dân Óc Eo[5]. Tuy nhiên có một hạn chế lớn trong nhận thức khoa học thời kỳ này là không quan tâm đúng mức đến việc tìm nguồn gốc chủ nhân văn hóa Óc Eo và lịch sử phát triển của vương quốc Phù Nam.
Một nhân tố mới trong công cuộc nghiên cứu văn hóa Óc Eo sau 1995 là sự góp mặt của các nhà khảo cổ học nước ngoài với sự tham gia của các học giả Pháp, Đức, Nhật Bản, trong đó đặc biệt phải kể đến vai trò của Piere-Yves Manguin, đại diện của Viện Viễn Đông Bác cổ. Những phát hiện mới trong các cuộc khai quật khảo cổ học trên đất Việt Nam và Campuchia đã cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa trung tâm Óc Eo với vùng Ankor Borei (tỉnh Takeo). Tại Hội thảo “Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam” tổ chức năm 2004, một định hướng nghiên cứu quan trọng về Phù Nam đã được đưa ra. Đó là sự phân lập tiến trình lịch sử phát triển của Phù Nam thành hai thời kỳ: thời kỳ vương quốc (từ đầu Công nguyên đến đầu thế kỷ III) và thời kỳ đế chế (từ thế kỷ III đến đầu thế kỷ VII). Định hướng này phù hợp với các nguồn tư liệu thư tịch và khảo cổ, mở đường cho việc nghiên cứu lịch sử Phù Nam trong mối liên hệ rộng lớn với các vùng đất nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam[6].
Một số vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong nhận thức về Phù Nam là đặc điểm cư dân và thời kỳ “hậu Phù Nam”. Năm 2006 Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã cho ấn hành cuốn Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam, trong đó các tác giả dựa trên cứ liệu về ngôn ngữ, đặc trưng văn hóa… đã chứng minh cư dân chủ yếu đã xây dựng nên nhà nước Phù Nam thuộc ngữ hệ Nam Đảo (Malay-Polynesia). Những cư dân thuộc nhóm Môn-Khmer đến Nam Bộ phần đông là từ thế kỷ VII, sau khi Chân Lạp đánh bại Phù Nam. Cuốn sách này cũng chỉ ra rằng trong suốt thời gian khoảng mười thế kỷ (từ thế kỷ VII – XVII) vùng đất Nam Bộ hầu như không có sự quản lý chặt chẽ, hoàn toàn thiếu vắng các đơn vị hành chính và gần như bị bỏ hoang, cư dân thưa thớt và kém phát triển[7]. Một bước tiến quan trọng trong nhận thức khoa học về vương quốc Phù Nam là những kết quả nghiên cứu liên ngành quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ được công bố trong 10 tập chuyên khảo vào năm 2017, trong đó có một tập tập trung nghiên cứu giai đoạn lịch sử Nam Bộ từ thế kỷ VII trở về trước, tương ứng với quá trình hình thành và phát triển của Phù Nam[8].
Cho đến nay giới khoa học vẫn chưa tìm được những tài liệu xác thực đáng tin cậy về thời điểm xuất hiện của nhà nước Phù Nam. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều dựa vào câu chuyện đậm chất huyền thoại được ghi chép trong cổ tịch Trung Hoa về cuộc hôn nhân của “nữ vương” bản địa với một nhân vật đến từ Ấn Độ. Cốt lõi lịch sử của câu chuyện mang tính huyền thoại này được chứng thực bằng các dữ kiện khảo cổ. Những dấu vết còn lại tại nơi được cho là cảng thị Óc Eo cho thấy đây không phải chỉ là sản phẩm ngoại nhập. Vào thời kỳ cận Óc Eo vùng đất này đã phát triển nghề trồng lúa năng suất cao, đạt tới trình độ một nền văn minh nông nghiệp thực sự. Có thể thấy khá rõ sự kết hợp giữa văn hóa nông nghiệp trồng lúa của cư dân bản địa với những những tác nhân thương mại, tôn giáo đến từ bên ngoài. Trên nền tảng một nền nông nghiệp trồng lúa nước phát triển cao, sự xuất hiện vào khoảng thế kỷ I – II Công nguyên một đô thị với những quần thể kiến trúc dày đặc, trong đó có những kiến trúc tôn giáo quy mô lớn cùng hệ thống kênh mương chằng chịt và rất nhiều đồ trang sức tinh xảo làm bằng chất liệu quý hiếm là những minh chứng sinh động về cơ sở vật chất, nền tảng xã hội và đời sống tinh thần ở trình độ khá cao mà tương ứng với nó phải là một tổ chức nhà nước đã phát triển.
Trên cơ sở các loại tư liệu hiện có và kết quả nghiên cứu cho đến nay, có thể coi những những phát hiện khảo cổ học ở Óc Eo và những dạng thức tương tự ở các địa điểm khác là dấu vết vật chất của vương quốc Phù Nam được nhắc đến trong các thư tịch và bi ký cổ. Nhà nước Phù Nam xuất hiện vào khoảng thế kỷ I Công nguyên. Đó là kết quả của sự tương tác giữa những yếu tố nội sinh là trình độ phát triển của một nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước năng suất cao và tương ứng với nó là một xã hội được tổ chức tương đối chặt chẽ với những yếu tố ngoại sinh chủ yếu là hoạt động thương nghiệp và tôn giáo đến từ văn minh Ấn Độ[9]. Từ trước Công nguyên hoạt động thương mại có tính liên vùng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đã diễn ra khá nhộn nhịp, thông qua đó hình thành mối quan hệ giao thoa giữa hai nền văn minh Ấn Độ và Trung Hoa. Trong quá trình này có một dải đất đóng vai trò hết sức quan trọng. Đó là eo Kra, một vùng đất hẹp trên bán đảo Malacca ngăn cách vịnh Thái Lan với biển Andaman, tại khu vực nằm kẹp giữa sông Kra Buri và vịnh Sawi (rộng khoảng hơn 40 km). Trong điều kiện giao thông đường thủy khi đó, từ bờ biển vùng đất Nam Bộ tới biển Andaman để đi tiếp tới Ấn Độ nếu qua đường eo biển Malacca phải mất khoảng 10 ngày. Trong khi đó biển Tây Nam Bộ tới eo Kra chỉ mất hơn 1 ngày. Các thương nhân thời cổ đại đã chọn phương thức chuyển tải hàng hóa qua eo đất Kra để giảm đi thời gian vận chuyển hàng hóa và để tránh gió ngược và sóng lớn khi biển động. Kra trở thành vùng trung chuyển hàng hóa lớn nhất thời kỳ đó. Các thương nhân Ấn Độ đã sớm nhận ra cách Kra không xa có một vùng đất trù phú, cư dân tương đối đông đúc và nhất là có một nền sản xuất nông nghiệp rất phát triển. Đó chính là vùng tương đương với một phần miền Tây Nam Bộ ngày nay. Họ đã lưu lại và xây dựng vùng đất này trở thành một căn cứ quan trọng cho hoạt động thương mại và truyền bá văn hóa. Nhà nước Phù Nam hình thành chính là sản phẩm của quá trình này.
Nhà nước và phạm vi lãnh thổ thời kỳ vương quốc
Vào năm 2008 Phan Huy Lê đưa ra luận điểm về hai giai đoạn phát triển của nhà nước Phù Nam với tên gọi tương ứng là giai đoạn Phù Nam quốc và giai đoạn Phù Nam đế chế[10]. Đây là một khái quát khoa học rất quan trọng, không chỉ có ý nghĩa phân lập các giai đoạn phát triển của lịch sử Phù Nam, mà còn mở ra hướng nghiên cứu các di tích của văn hóa Óc Eo và Phù Nam ở những không gian ngoài Nam Bộ.
Từ tiếp cận thuần túy khảo cổ học, các học giả cũng chỉ ra sự khác biệt hai giai đoạn đó theo diễn biến địa tầng và di vật. Theo hướng này Pierre-Yves Manguin đã nêu ý kiến về hai giai đoạn phát triển của Óc Eo – Phù Nam. Theo đó, những dấu tích liên quan đến hoạt động buôn bán, đào kênh tưới tiêu và đi lại có niên đại sớm hơn thế kỷ III, còn các di tích nền kiến trúc, mộ táng và tượng tôn giáo phần lớn đều xuất hiện từ thế kỷ IV và V[11]. Những công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài, hoặc dựa trên thư tịch, bi ký hoặc dựa vào tư liệu khảo cổ học trong thời gian gần đây, cũng đã từng phân lịch sử Phù Nam thành hai giai đoạn sớm muộn với tính chất xã hội khác nhau[12]. Giai đoạn sớm có thể tương đương với thời Vương quốc và giai đoạn muộn ứng với thời kỳ Đế chế.
Những tư liệu hiện còn không cho phép hình dung cụ thể về cấu trúc, tính chất và hoạt động của bộ máy nhà nước Phù Nam thời kỳ vương quốc. Ngay cả những người đứng đầu Phù Nam cũng không có tài liệu nào chép lại đầy đủ và hệ thống. Dựa vào những ghi chép tản mạn trong thư tịch cổ Trung Hoa, đối chiếu với thông tin trên các bi ký, các chuyên gia nghiên cứu đã đưa ra một phổ hệ những người đứng đầu nhà nước Phù Nam tương ứng với thời kỳ vương quốc (từ thế kỷ I đến thế kỷ III Công nguyên), nhưng những thông tin để xây dựng phổ hệ này vẫn chưa phải đã hoàn toàn chính xác, nhất là tên gọi và thời gian trị vì. Tuy nhiên bảng thế thứ này cũng giúp cho người đọc có được hình dung cụ thể về vương triều Phù Nam.
Các quốc vương Phù Nam thời kỳ vương quốc[13]
Thế thứ | Phiên âm | Gốc chữ Hán | Thời gian trị vì (SCN) | Ghi chú |
01 | Hỗn Điền – Liễu Diệp | 混塡 – 葉柳 | Thế kỷ I | Trong giai đoạn ba thế kỷ đầu công nguyên, thế thứ, hoạt động và thời gian trị vì của những người đứng đầu vương quốc Phù Nam chưa được xác định thật đầy đủ. |
02 | Hỗn Bàn Huống | 混盤況 | Thế kỷ II | |
03 | Hỗn Bàn Bàn | 混盤盤 | Thế kỷ III |
Theo thế thứ có phần phỏng đoán trên đây thì thủ lĩnh đầu tiên của Phù Nam là sự kết hợp giữa Liễu Diệp, người phụ nữ đứng đầu cư dân bản địa và Hỗn Điền là một người nước ngoài. Đôi vợ chồng này cùng nhau cai trị vương quốc và truyền lại cho con (?). Họ Hỗn (混) chỉ xuất hiện tiếp theo hai đời trong thời gian gần hai thế kỷ là điều không bình thường. Rất có thể trong khoảng thời gian ấy đã có nhiều sự thay đổi thủ lĩnh, nhưng vì sử liệu Trung Hoa chỉ ghi lại những vị quân vương trị vì lâu dài hoặc có những hoạt động nổi bật. Học giả Michael Vickery đã đưa ra nhận xét đáng lưu ý về triều đại cầm quyền ở Phù Nam trong khoảng ba thế kỷ đầu là việc truyền ngôi bắt đầu theo nguyên tắc phụ hệ (họ Hỗn), nhưng sự thay đổi diễn ra tương đối thường xuyên và sử sách Trung Hoa đã không chép đầy đủ[14].
Trong các sách cổ Trung Hoa các từ quốc (国), vương (王) được dùng để nói về quốc gia và người đứng đầu Phù Nam, nhưng qua những tư liệu liên quan không khó để nhận ra cơ cấu và cách thức tổ chức chính quyền Phù Nam không giống với mô hình Trung Hoa. Đã từng có nhiều ý kiến luận giải mang tính giả thuyết về nhà nước của vương quốc này. Về đại thể các chuyên gia đều thống nhất cho rằng nhà nước Phù Nam là một dạng thức tổ chức quyền lực chịu ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ. Người đưa ra ý tưởng này khá sớm và có ảnh hưởng rộng rãi là George Cœdès, Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO). Theo đó, Phù Nam là một trong số những nhà nước ở vùng Đông Nam Á được hình thành trong quá trình Ấn Độ hóa và nằm trong một khái niệm chung là nhà nước Ấn Độ hóa (État hindouisé)[15]. Tuy nhiên hình hài cụ thể của nhà nước đó ra sao thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Đa số các học giả sử dụng khái niệm Vương quốc (Kingdom) một cách ước lệ để trình bày các vấn đề liên quan đến Phù Nam, nhưng chưa đi sâu phân tích cấu trúc và hoạt động của nhà nước.
Trong một tác phẩm công bố năm 1985[16], Kenneth R. Hall đã cố khái quát đặc trưng của các nhà nước ở Đông Nam Á khi đưa ra khái niệm chính quyền bá chủ (Hegemony), theo đó quốc gia không có biên giới rõ ràng mà phụ thuộc vào sức mạnh của chính quyền, rất khác so với loại hình nhà nước lãnh thổ (Territorial State) xuất hiện rất sớm ở vùng Đông Bắc Á. Đặc trưng này đã được O. W. Wolters, một chuyên gia lịch sử Đông Nam Á, khái quát bằng khái niệm Mandala[17]. Trong tiếng Sanskrit, Mandala (मण्डल) có nghĩa là một trung tâm trong hệ thống hoàn chỉnh[18]. Ấn Độ giáo và Phật giáo đã sử dụng Mandala như một biểu tượng thiêng liêng với các hình cánh sen, hoặc các hình tròn tỏa ra từ vòng trung tâm. Các môn phái khác nhau của đạo Phật đều coi Mandala như một mô hình hoàn hảo của vũ trụ.
Có thể việc lấy Mandala để mô tả hệ thống quyền lực nhà nước ở Đông Nam Á thời cổ của Wolters có tính thuyết phục tương đối cao nên sau đó rất nhiều học giả đã mặc nhiên sử dụng khái niệm này như một kiểu dạng nhà nước đặc trưng cho thế giới Đông Nam Á, trong đó có Phù Nam. Theo quan niệm này, trong thời kỳ Vương quốc, Phù Nam có một nhà nước trung tâm đóng giữ kinh đô ngay tại khu vực thương cảng Óc Eo.
Khi đưa ra kiểu dạng nhà nước Mandala, Wolters có ý diễn tả tình trạng chính trị không bền vững và thường xuyên phát sinh những nhóm quyền lực vùng ven do điều kiện tự nhiên phân tán, chia cắt, dân cư thưa thớt và các quan hệ quyền lực lỏng lẻo. Tuy nhiên, quan niệm này mới chỉ xét từ góc độ quyền lực chính trị. Sức mạnh của nhà nước Phù Nam trong giai đoạn đầu chủ yếu lại nằm ở vị thế kinh tế. Với vị trí của một thương cảng quốc tế, trung tâm kinh tế Óc Eo đã có sức thu hút mạnh mẽ các vùng ven, tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh và có mối liên hệ hữu cơ chặt chẽ. Tổ chức nhà nước kiểu Mandala, với tính chất mềm dẻo, linh hoạt, rất phù hợp với những hoạt động kinh tế.
Phạm vi phân bố của các di tích thuộc thời kỳ đầu của vương quốc Phù Nam chủ yếu nằm trong khu vực Tứ giác Long Xuyên. Lãnh thổ quốc gia khi ấy không có một biên giới xác định mà biến động tùy thuộc vào sức mạnh của chính quyền trung tâm. Không gian “lõi” của vương quốc này tương ứng với vùng Tứ giác Long Xuyên ngày nay. Trên phạm vi không gian này, trong khoảng thời gian thế kỷ I đến thế kỷ IV Công nguyên đã xuất hiện quá trình tụ cư khá trù mật ở chân núi Ba Thê và các khu đất cao thuộc cánh đồng Óc Eo. Tại đây các nhà khảo cổ đã phát hiện ở các di chỉ Gò Cây Me, Gò Tư Trăm, Gò Cây Thị và Gò Óc Eo. Đặc biệt trên sườn núi Linh Sơn, đã tìm thấy một mộ vò đựng than tro. Kiểu miệng loại vò này có rất nhiều nét điển hình ảnh hưởng phong cách gốm Arikamendu (Ấn Độ)[19]. Phát hiện này cho phép hình dung về sự xuất hiện của các tăng lữ đầu tiên ở khu vực này. Rất có thể đây chính là mộ của một trong số những người từng hoạt động trong hệ thống đền tháp trên núi Linh Sơn.
Rất đáng chú ý là trong thời kỳ này, bên cạnh dấu vết cư trú, đã thấy xuất hiện hệ thống hào lũy đất bao quanh khu vực Gò Cây Thị, Gò Óc Eo và kênh đào làm đường giao thông đi lại. Trong khi đào cắt một đoạn kênh trong khu vực đó, các nhà khảo cổ đã phát hiện một chiếc mái chèo bằng gỗ. Rất có thể là đây chính là hệ thống hào lũy của cảng thị Óc Eo – Phù Nam trong thời kỳ đầu. Căn cứ các chứng cứ khảo cổ học, phạm vi phân bố cư dân của Phù Nam trong giai đoạn vương quốc chủ yếu bám theo khu vực kinh tế phát triển mạnh ở Óc Eo, tương ứng với vùng mà sau này được gọi với cái tên Tứ giác Long Xuyên. Kinh đô đầu tiên của Phù Nam được các sử liệu nhắc đến là Na Phật Na (Naravarangara) được các nhà nghiên cứu đoán định là nằm trong phạm vi vùng đất này.
Chủ nhân của văn hóa Óc Eo là gốc và là bộ phận chủ yếu của cư dân Phù Nam. Những phát hiện ở di chỉ Gò Cây Tung (An Giang) có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định đặc trưng văn hóa của những cư dân tiền Óc Eo. Tại đây một tầng cư trú dày với những hiện vật phong phú đã được phát hiện. Trong số các hiện vật có loại rìu đá hình tứ giác có một gờ nổi ở giữa lưỡi. Loại rìu này gần giống loại “bôn có mỏ” (beaked adze) được tìm thấy ở Malaysia và Indonesia. Các nhà Đông Nam Á học đều cho rằng loại hình bôn có mỏ là một trong những đặc trưng để nhận biết văn hóa Mã Lai – Đa đảo (Malayo-Polynésien). Khu vực phân bố của loại hình bôn có mỏ đã được xác định là địa bàn sinh tụ của cư dân nói tiếng Mã Lai – Đa Đảo hay Nam Đảo (Austronésien). Cùng với công cụ rìu, bôn, ở gò Cây Tung còn tìm thấy các loại đồ gốm rất giống với những hiện vật đã được tìm thấy ở Malaysia. Đó là những đồ đựng miệng loe có nhiều gờ. Tại nhiều di chỉ ở các địa phương khác nhau như Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, Long Bửu (Thành phố Hồ Chí Minh), Gò Cao Su (Long An), Lộc Giang (An Giang)… những di vật và mộ táng được phát hiện đều khẳng định Óc Eo là một nền văn hóa có nguồn gốc bản địa, có quan hệ mật thiết với văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung mà chủ nhân chủ yếu là những cư dân Mã Lai – Đa Đảo.
Cùng với việc phát hiện di tích Óc Eo, L. Malleret và Bouscarde còn tìm thấy ở Rạch Giá một di tích với nhiều đồ gốm rất giống với những hiện vật tìm thấy ở Óc Eo. Điều này cho phép hình dung về đặc điểm nhân chủng của cư dân Óc Eo, nhất là qua 6 hộp sọ cùng nhiều xương tay chân người tìm thấy ở đây. Kết quả giám định của nhà nhân chủng học Génet Varcin cho thấy tất cả những sọ người này đều thuộc giống người tiền Mã Lai (Proto-Malay), giống với loại hình chủng tộc của những cư dân Thượng nói tiếng Mã Lai – Đa Đảo ở Tây Nguyên. Gần đây, ở di chỉ Gò Tháp (Đồng Tháp) và Óc Eo (An Giang) các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy hai sọ cổ cũng mang những đặc điểm nhân chủng Indonesien (một cách gọi khác của Proto-Malay)[20]. Dấu vết táng thức để lại trong các ngôi mộ chum rất gần gũi với những mộ táng đặc trưng của cư dân Miền Trung, nơi mà tính chất văn hóa Mã Lai – Đa Đảo đã được khẳng định. Điều này càng định thêm những nhận định được chép trong thư tịch cổ Trung Hoa. Theo sách Tấn thư thì tang lễ và hôn nhân của Phù Nam gần giống với Lâm Ấp.
Về phương diện ngôn ngữ, tác giả sách Lương thư đã nêu một nhận xét rất quan trọng, theo đó, tiếng nói của cư dân Phù Nam không khác mấy so với tiếng vùng Tì Kiển. Đây là tên gọi trong thư tịch cổ Trung Hoa của địa danh Pekan, một vùng nằm ở Đông Nam bán đảo Mã Lai. Lương thư là bộ chính sử của một triều đại Trung Hoa có quan hệ thường xuyên và mật thiết với Phù Nam và các nước trong vùng Đông Nam Á nên nhận định tiếng nói phổ biến ở Phù Nam giống với tiếng của người Mã Lai, khác hẳn với các cư dân nói tiếng Nam Á ở vùng Đông Nam Á lục địa là một căn cứ đáng tin cậy. Về chữ viết, theo các nhà nghiên cứu thì Phù Nam sử dụng chữ Phạn (Sanskrit) có nguồn gốc từ Ấn Độ. Nhiều chuyên gia Đông Nam Á trong những thập niên cuối thế kỷ XX cũng có nhận định bộ phận chủ yếu của cư dân Phù Nam là những người Mã Lai – Đa Đảo[21]. Họ là cộng đồng người đã định cư ở vùng đất Nam Bộ từ khá sớm, là những người đã tạo dựng nên một nền nông nghiệp phát triển làm tiền đề cho sự xuất hiện nhà nước vào đầu Công nguyên. Có thể khi ấy còn có các nhóm cư dân khác, nhưng họ là cư dân chủ thể của vương quốc Phù Nam.
Thành phần cư dân chủ yếu của vương quốc Phù Nam bao gồm năm bộ phận:
1) Quý tộc, hoàng gia: Đây là bộ phận có vị trí chính trị độc tôn nên có đặc quyền và những điều kiện vật chất đặc biệt. Qua những đồ trang sức và các hiện vật còn lại trong các di chỉ gắn với đời sống cung đình có thể thấy được mức độ hưởng thụ của tầng lớp quý tộc, hoàng gia thời kỳ này.
2) Tầng lớp tăng lữ: Mật độ dày đặc các phế tích kiến trúc liên quan đến tôn giáo cho thấy vai trò đặc biệt của tầng lớp tăng lữ trong xã hội Phù Nam. Thần quyền đã được kết chặt chẽ với vương quyền theo truyền thống Bà La Môn.
3) Tầng lớp thương nhân: Nhà nước Phù Nam hình thành dưới tác động mạnh mẽ của các thương nhân ngoại quốc và sự hưng thịnh nhanh chóng của quốc gia này cũng gắn với hoạt động thương mại nên thương nhân là tầng lớp giàu có và có ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội.
4) Tầng lớp thợ thủ công và dân nghèo thành thị: Họ là những người lao động, đời sống phụ thuộc vào sự phát triển của kinh tế và chính sách cai trị của nhà cầm quyền.
5) Nông dân trồng lúa và đánh cá ở các vùng nông thôn, ven biển: Họ là những người tạo nên những sản phẩm quan trọng bậc nhất để nuôi sống xã hội và tạo nền tảng cho phát triển kinh tế, nhưng lại có đời sống tương đối nghèo nàn. Theo Khang Thái và Chu Ứng được nhà Đông Ngô phái đến Phù Nam vào đầu thế kỷ thứ III thì người dân ở đây “vẫn còn trần truồng, trừ đàn bà mặc vải có lỗ để xỏ đầu vào”. Hai người từng nhận xét rằng đây là một nước tươi đẹp, nhưng thật không tốt khi để người dân không có gì để mặc như vậy[22].
Bên cạnh những hiện vật là đồ trang sức bằng vàng, ngọc và các chất liệu quý khác mà rõ ràng chủ nhân của chúng là những người giàu sang quyền quý, những di vật tìm thấy trong văn hóa Óc Eo thời vương quốc cũng không hiếm gặp những đồ gốm thô sơ bình dân. Đặc biệt một số tượng người, trong đó có chân đèn tìm thấy ở Óc Eo cho thấy sự khác biệt rõ rệt về thân phận của các tầng người khác nhau trong xã hội Phù Nam.
Nhà nước Phù Nam thời đế chế
Nằm ở vị trí quan trọng đặc biệt trên tuyến đường hàng hải quốc tế thời cổ, thuận tiện cho cảng thị, lại là nơi có nguồn lương thực dồi dào nên sau một thời gian vài thế kỷ, Phù Nam trở nên giàu có. Thông qua sức mạnh kinh tế, Phù Nam từng bước chi phối các nguồn hàng đi và đến từ các tiểu quốc xung quanh. Sự phát triển về mọi mặt của chính quyền trung tâm diễn ra như một quá trình tự nhiên.
Từ thời Hỗn Bàn Bàn trong triều đình Phù Nam xuất hiện một nhân vật được mô tả như một vị tướng chỉ huy quân đội nhưng lại được giao đảm đương công việc điều hành đất nước. Đó là Phạm Sư Mạn, người khác họ với đương kim quân vương. Sự kiện này là dấu mốc cho sự hình thành một thể chế mới trong bộ máy cai trị của vương quốc Phù Nam. Từ đây bắt đầu diễn ra sự thay đổi dòng họ trị vì từ Hỗn (混) sang Phạm (范), và cũng từ đây cũng bắt đầu quá trình Phù Nam đi chinh phục các vùng láng giềng. Sau khi lên ngôi, Phạm Sư Mạn đã cho “đóng thuyền lớn áp phục hơn mười nước trên biển, mở rộng đất đai rộng tới năm sáu ngàn dặm, tự xưng là “Phù Nam đại vương”[23].
Trong khoảng thời gian từ thế kỷ III đến năm 627, thời điểm mà các nhà nghiên cứu cho rằng Phù Nam sụp đổ, chính quyền của đế chế này chắc chắn có nhiều biến đổi, nhưng do thiếu hụt thông tin nên chưa thể phục dựng lại một cách đầy đủ thế thứ những người đứng đầu. Dựa vào nhiều nguồn tư liệu, có thể đưa ra một biểu thế thứ dưới đây:
Những người đứng đầu đế chế Phù Nam[24]
Thế thứ | Phiên âm | Gốc chữ Hán | Thời gian trị vì (SCN) | Ghi chú |
04 | Phạm Sư Mạn | 范師蔓 | Thế kỷ III | |
05 | Phạm Kim Sinh | 范金生 | Thế kỷ III | Con Phạm Sư Mạn |
06 | Phạm Chiên | 范旃 | 230 – 243 | |
07 | Phạm Trường | 范長 | 243 – 250 | Con Phạm Sư Mạn |
08 | Phạm Tầm | 范尋 | 250 – 287 | |
09 | Trúc Chiên Đàn | 竺旃檀 | 357 | Candana |
10 | Kiều Trần Như | 僑陳如 | 420 – 434 | Kaundinya |
11 | Trì Lê Đà Bạt Ma | 持梨陀跋摩 | 434 – 440 | Śrī Indravarman |
12 | Kiều Trần Như Xà Gia Bạt Ma | 僑陳如闍耶跋摩 | 484 – 514 | Kaundinya Jayavarman |
13 | Lưu Đà Bạt Ma | 留陁跋摩 | 514 – 550 | Rudravarman |
Trong bảng trên đây có hai khoảng thời gian trước và sau năm trị vì của vị quốc vương có tên Trúc Chiên Đàn (khoảng 135 năm) có thể còn có các vị vua khác, nhưng chưa tìm được thông tin. Tương tự như vậy, ai là người đứng đầu nhà nước Phù Nam sau Lưu Đà Bạt Ma (Rudravarman) cho đến trước khi đế chế này sụp đổ hoàn toàn (sớm nhất là năm 627) cũng chưa rõ.
Sự kiện Phạm Sư Mạn lên ngôi quốc vương có thể coi là sự khởi đầu cho thời kỳ đế chế của Phù Nam. Cùng với sự gia tăng quyền lực của chính quyền trung tâm, cuộc chiến tranh giành quyền lực cũng dần trở nên khốc liệt. Theo sách Phù Nam truyện của Khang Thái thì vào thời kỳ đó đã từng diễn ra cuộc chiến giữa các con của Phạm Sư Mạn (范師蔓) là Phạm Kim Sinh (范金生) và Phạm Trường (范長)với thế lực các con của người chị Phạm Sư Mạn là Phạm Chiên (范旃), Phạm Tầm (范尋)[25]. Kết cục là các vị quốc vương mang họ Phạm từ hai phía đối lập đã thay nhau cai trị Phù Nam cho đến giữa thế kỷ III.
Trong thời kỳ đế chế, sức mạnh và quy mô của chính quyền trung tâm tăng lên đáng kể nhưng tính chất của nhà nước Phù Nam về cơ bản vẫn theo mô hình Mandala, theo đó phương thức cai quản đất nước chủ yếu vẫn dựa vào năng lực chi phối các tiểu quốc (các Mandala nhỏ) hơn là cai trị bằng sức mạnh quân sự trong một quốc gia có biên giới cứng[26]. Điều này hoàn toàn không có nghĩa nhà nước trung tâm tổ chức lỏng lẻo. Cùng với sức mạnh kinh tế, nhà nước này còn được hậu thuẫn bởi giới tăng lữ. Ngay từ thời Phạm Sư Mạn, người đứng đầu đế chế Phù Nam đã bắt đầu được thần thánh hóa theo mô thức Deva-Raja (Thần-Vua đồng nhất) của Ấn giáo[27].
Để đáp ứng công việc điều hành một đế chế rộng lớn, thủ đô của Phù Nam được chuyển về phía Tây. Thủ đô thời kỳ này ở vào vị trí Ankor Borei (nay thuộc tỉnh Takeo, Campuchia)[28], cách thủ đô cũ (vùng Óc Eo) khoảng gần 100 km. Tại đây các nhà khảo cổ đã phát hiện được nhiều dấu vết kiến trúc thành quách. Giữa hai kinh đô có một con kênh dài trên 80 km được xác định đào vào khoảng cuối thế kỷ thứ III[29]. Tuy không gian phân bố di tích không rộng (chỉ khoảng 300 ha), nhưng mật độ kiến trúc dày đặc và với sự hiện diện của thành lũy kiên cố, hào nước và cả những hồ chứa nước ngọt dự trữ (Baray) chứng tỏ tính chất trấn trị của Ankor Borei đã rõ nét hơn Óc Eo.
Vào khoảng cuối thế kỷ V, trong bộ Lương thư, Diêu Tư Liêm có những đoạn mô tả khá cụ thể liên quan đến triều đình Phù Nam. Theo đó, cung điện của nhà vua có các tầng lầu xây bằng đá. Triều đình họp ngay trên lầu. Khi thiết triều nhà vua mặc áo dài có thắt lưng vàng, cổ đeo chuỗi ngọc, đội mũ cao, lưng đeo kiếm vàng. Vua ngồi trên ngai vàng có chạm rồng kê trên cao, phía trước là một tấm thảm đặt các bình bằng vàng. Mỗi khi du hành hoặc hồi cung vua cưỡi voi có lính cầm lọng che. Đoàn xa giá của vua luôn có rất đông người hộ tống, các thị vệ và cung phi cũng cưỡi voi. Đoàn đi có lính đánh trống, thổi tù và. Mỗi ngày vua thiết triều ba lần, có khi đến bốn lần.
Có một điều lạ là mặc dù Phù Nam đã phát triển đến trình độ một đế chế, triều đình đã được tổ chức khá quy củ và có điều kiện vật chất dồi dào, nhưng hầu như không thấy có dấu hiệu về sự hiện diện của luật pháp, một công cụ cực kỳ quan trọng cho hoạt động nhà nước. Theo sách Nam Tề thư thì cho đến thời Kiều Trần Như Xà Gia Bạt Ma (Kaundinya Jayavarman, 484 – 514) ở Phù Nam vẫn không có nhà tù. Khi xảy ra việc khiếu kiện thì cộng đồng xử bằng cách nhờ tới sự phán xử của thần linh. Họ bỏ chiếc nhẫn hoặc quả trứng vào nồi nước sôi rồi bắt người bị tố cáo thò tay vào lấy. Hoặc nghi phạm phải dùng tay trần cầm một sợi dây kim loại đã nung đỏ đi bảy bước. Nghi can cũng có thể bị quăng xuống nước… Nếu sau những phép thử này mà người bị tình nghi không hề hấn gì thì họ được tuyên bố là vô tội. Nhược bằng bị bỏng hoặc không nổi lên sau khi bị dìm xuống nước thì ắt là kẻ có tội và bị xử rất nặng. Theo tục lệ người phạm tội có thể bị chặt chân tay, bị bán làm nô lệ hoặc thậm chí bị chặt đầu. Hình thức xử như thế này chủ yếu dựa vào niềm tin tôn giáo. Thời cổ đại ở các nơi tôn giáo ngự trị họ cũng xử tội như vậy. Người phương Tây gọi đó là hình thức Thử tội (Ordeal). Điều này càng khẳng định tôn giáo có vai trò cực kỳ to lớn ở Phù Nam ngay cả khi quốc gia này đã bước vào thời kỳ đế chế. Cũng theo mô tả của Lương thư thì người Phù Nam thờ “các vị thần trên trời”. Họ đúc tượng thần bằng đồng, có vị hai mặt thì có bốn tay, bốn mặt thì tám tay, mỗi tay cầm một đồ vật như một đứa trẻ. Qua mô tả này có thể hiểu ngay tôn giáo mà Diêu Tư Liêm mô tả ở đây chính là đạo Hindu. Các vị thần được đúc tượng có nhiều tay chính là các biến thể của Trimurti (Tam thần Ấn giáo) gồm Brahma, Vishnu và Shiva. Tượng thần có nhiều mặt chính là Đấng tạo hóa Brahma[30].
Đế chế Phù Nam mở rộng thế lực
Dưới tác động mạnh mẽ của mạng lưới thương mại quốc tế, cùng với Phù Nam còn xuất hiện một số trung tâm khác với tổ chức quyền lực kiểu Mandala. Khi Phù Nam lớn mạnh, nhiều tiểu quốc đã lần lượt bị thôn tính. Vào khoảng thế kỷ thứ III, Phạm Sư Mạn đã thu phục được hơn mười tiểu quốc, trong đó có Đô Côn (都昆), Cửu Trĩ (九稚), Điển Tôn (典 孙)… mở rộng lãnh thổ đến 5, 6 nghìn dặm[31]. Ngoài ra sử liệu còn nhắc đến các tiểu quốc như Đốn Tốn, Xích Thổ, Bàn Bàn, Đan Đan, Cát Miệt[32]… cũng là thuộc quốc của Phù Nam. Trong số các tiểu quốc trên đây, ngoài Cát Miệt là vương quốc cổ của người Khmer có địa bàn trung tâm được xác định là vùng đất phía nam hồ Tonle Sap (Campuchia) và Đốn Tốn ở khu vực eo Kra (bắc bản đảo Mã Lai), vị trí các tiểu quốc còn lại đều chỉ là phỏng đoán. Dựa vào thông tin trong thư tịch cổ Trung Hoa nói về việc Phạm Sư Mạn đã mở rộng lãnh thổ tới 5, 6 nghìn dặm, có thể hình dung phạm vi mà đế chế Phù Nam có thể chi phối có chu vi khoảng 2.500 – 3.000 km (1 dặm ≈ 500 m). Vùng đất đó bao gồm toàn bộ vùng đất Nam Bộ, Nam Trung Bộ, nam Thái Lan, Campuchia và một phần phía bắc bán đảo Mã Lai, gần khu vực eo Kra.
Khái niệm “đế chế” Phù Nam được các nhà khoa học đưa ra trong thời gian gần đây chủ yếu để phân chia các giai đoạn phát triển nhằm mô tả phạm vi ảnh hưởng, chi phối rộng lớn của nhà nước hay ảnh hưởng của văn hóa Phù Nam hơn là nói về tính chất của một “đế quốc”. Mặc dù sử sách có nói tới sự kiện Phạm Sư Mạn “đóng thuyền chiến lớn chạy buồm có thể chở được một vài trăm lính, vượt biển đến Đốn Tốn” và việc Đại tướng Chiên Đàn dưới quyền Phạm Kim Sinh có tới 2000 quân dưới trướng, nhưng trong toàn bộ các di tích đã được phát hiện và khai quật, có rất ít bằng chứng vật chất phản ánh về một “đế quốc” có lực lượng quân sự hùng mạnh. Cho đến nay trong toàn bộ di vật liên quan đến Óc Eo – Phù Nam dường như thiếu vắng những hiện vật có thể vật xếp vào loại hình vũ khí. Điều này rất khác với Angkor, ở đó hình ảnh những đoàn quân nai nịt chỉnh tề cùng voi ngựa và các tướng lĩnh vũ khí tuốt trần có thể dễ dàng tìm thấy trên khắp các bức tường Angkor Thom, Angkor Vat cũng như sân diễu binh trước điện hoàng gia xưa. Đó là những minh chứng rất thuyết phục về một đế quốc quân sự hùng mạnh. Khi khai quật địa điểm Phum Snay (tỉnh Banteay Meanchey) ở phía tây bắc Campuchia có niên đại trong khoảng thế kỷ I – IV, tương ứng với thời kỳ vương quốc Phù Nam, nghĩa là trước thời kỳ Angkor, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều mộ táng, trong đó người chết, kể vả phụ nữ, đều được chôn theo kiếm, giáo và rìu, những thứ vũ khí được rèn bằng sắt. Thậm chí cả những phụ nữ cũng thường mang theo kiếm khi chết[33]. Đây là một trong những di tích điển hình của cư dân được cho là tổ tiên trực tiếp của người Chân Lạp sau này.
Không có nhiều cơ sở để lý giải sức mạnh của đế chế Phù Nam là do có một quân đội hùng cường, nhưng lại rất dễ thấy uy thế của nhà nước Phù Nam nhờ quyền năng của các thần thánh siêu nhiên. Không phải ngẫu nhiên mà trên địa bàn đã từng là lãnh thổ của Phù Nam qua các thời kỳ, trong số các di tích còn lại, các kiến trúc tôn giáo như đền, miếu chiếm tỉ lệ rất cao. Số tượng thần Vishnu, linga, tượng phật bằng gỗ, bằng đá cùng với hệ thống đền tháp hay mộ tháp tạo nên một môi trường tâm linh vô cùng huyền bí trong xã hội Phù Nam. Cùng với đội ngũ tăng lữ hùng hậu, thiết chế Deva-Raja, đồng nhất vương quyền với thần quyền đã tạo nên sức mạnh tâm linh trong một khu vực cư dân chịu ảnh hưởng rất mạnh của Hindu và Phật Giáo. Đó là bệ đỡ tư tưởng quan trọng cho đế chế Phù Nam.
Cùng với mãnh lực của thần quyền và niềm tin tôn giáo, thực lực vật chất của Phù Nam nằm ở sự giàu sang do thương mại quốc tế mang lại. Từ sau khi trở thành trung tâm giao lưu thương mại của các thương thuyền quốc tế, Óc Eo nhanh chóng trở thành một cảng thị sầm uất và giàu có. Vị thế của cảng thị trung tâm và sức mạnh kinh tế của nó đã tác động đến các vùng khác ở miền Đông Nam Bộ và quanh vịnh Xiêm. Dưới tác động của hoạt động thương mại quốc tế, nhiều vùng vốn sinh sống bằng nghề trồng lúa hay khai thác thủy hải sản, lâm sản và khoáng sản đã vươn lên tổ chức thành các đơn vị hành chính dưới dạng các tiểu quốc (kiểu Mandala) hòa vào mạng lưới hoạt động ngoại thương. Nhờ trực tiếp nắm giữ cảng thị lại được giúp sức của thương nhân, tăng lữ bên ngoài (Ấn Độ và phần nào cả Trung Quốc), quý tộc Óc Eo đã trở thành thế lực chỉ huy, sau đó phát triển thành những kẻ chinh phục, thành lập đế chế thống trị. Tuy nhiên, để tạo nên hạt nhân sức mạnh của Phù Nam không chỉ riêng nhóm cư dân Óc Eo mà còn có sự tham góp của nhiều nhóm tiểu quốc khu vực sông Tiền, sông Hậu đến tận Long An, Cần Giờ. Dưới thời Phạm Sư Mạn, Phù Nam đã đủ mạnh vươn tới khống chế những tiểu quốc xa hơn xung quanh vịnh Xiêm, bao gồm cảng thị nhỏ ở ven bờ vịnh Thái Lan, Malaysia và một phần ở Java, Sumatra (Indonesia). Phù Nam trở thành thế lực kiểm soát con đường thương mại Đông – Tây và điều phối hàng hóa xuất nhập của đồng bằng Nam Bộ cũng như các hải cảng ven bờ vịnh Xiêm La.
Quan hệ đối ngoại của đế chế Phù Nam
Cư dân Óc Eo đã có tiếp xúc với các thương nhân và giới tu hành Ấn Độ từ rất sớm và từ khi nhà nước Phù Nam hình thành, nhưng quan hệ đối ngoại của vương quốc này khi ấy chủ yếu là với thương nhân và tăng lữ. Theo những tài liệu hiện có thì đến thời Tam Quốc (220 – 280) Phù Nam mới thiết lập quan hệ bang giao với nước Ngô. Đây có thể là quan hệ ngoại giao chính thức đầu tiên được ghi chép trong sử liệu. Cũng từ đây Phù Nam bắt đầu việc trao đổi sứ giả với nước ngoài, nhất là với các quốc gia ngoài thế giới Ấn Độ. Theo Lương thư thì Chu Ứng (朱應) và Khang Thái (康泰), tác giả sách Phù Nam thổ tục hay còn gọi là Phù Nam truyện, chính là sứ giả của Đông Ngô do Tôn Quyền (229 – 252) sai tới các nước phía Nam, trong đó có Phù Nam. Không rõ chính xác đoàn sứ giả Đông Ngô đến Phù Nam năm nào, nhưng sách Ngô thư cho biết vào tháng chạp năm Xích Ô thứ sáu (243), năm trị vì cuối cùng của Phạm Chiên, Phù Nam cũng đã cử sứ sang Đông Ngô dâng nhạc công và cống nạp nhiều sản vật địa phương. Đây là những lần được ghi chép khá đầy đủ do tính chất chính thức trong quan hệ bang giao giữa hai nhà nước. Trước đó khá lâu, từ sau khi Tôn Quyền giành được quyền kiểm soát Giao Châu (sau năm 229), Phù Nam đã có quan hệ giao lưu khá thường xuyên và chặt chẽ với Đông Ngô thông qua vùng đất của người Việt. Trong thời kỳ này, cùng với các thương nhân, nhiều tăng lữ Ấn Độ đã đến Luy Lâu và Hợp Phố. Đổi lại, trong văn hóa Óc Eo lại thấy dấu ấn của văn hóa Hán ở Giao Châu nhưcác loại ngói có mặt hề ở đầu ống,bát kim loại có hàm lượng thiếc cao, trong lòng có núm đồng nổi và vòng quanh có nhiều đường chỉ chìm. Những di vật loại này gắn với con đường truyền bá đạo Phật tới vùng Đông Nam Á lục địa. Một sản phẩm rất đặc trưng cho văn hóa Hán và rất được ưa thích ở các nước là gương đồng, đã được tìm thấy khá nhiều ở ngay Óc Eo, Khao Sam Keo, Phu Khao Thong thuộc khu vực gần eo đất Kra, nơi mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thuộc về phạm vi nước Đốn Tốn, một thuộc quốc của đế chế Phù Nam. Giao Châu đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong mối bang giao của các triều đại phong kiến Trung Quốc với Phù Nam. Từ thế kỷ III trở đi, các quan hệ ngoại giao chính thức hầu như đều bắt đầu từ vùng đất này.
Vào khoảng giữa thập niên 30 của thế kỷ thứ III, cuộc tranh giành quyền bính trong vương triều Phù Nam kết thúc với việc Phạm Chiên lên ngôi vua. Ngay sau đó vị quốc vương này đã cử hai sứ đoàn đi Ấn Độ và Trung Hoa trong khoảng những năm 240 và 243. Vua Phù Nam được nhà Ngô phong làm “An Nam Phù Nam Vương”. Trong các giai đoạn tiếp theo từ thế kỷ III đến thế kỷ VII, quan hệ bang giao của Phù Nam còn được phản ánh trong nhiều bộ sách chính thức trong nhị thập tứ sử của các triều đại Trung Hoa. Quan hệ giữa Phù Nam với Trung Hoa diễn ra trong bối cảnh lịch sử ở Trung Hoa không hình thành một đế chế thống nhất mà thường xuyên bị phân chia thành các nước nhỏ của cục diện mà sử sách Trung Hoa gọi là Lục Triều (220 – 589). Trong khi đó Phù Nam ở tương đối xa lại có vị thế của một đế chế giàu mạnh nên trong quan hệ đối ngoại các triều Đông Ngô, Lưỡng Tấn, Lương, Trần, Tống… thường có cách ứng xử tương đối mềm dẻo. Dưới thời trị vì của Kiều Trần Như Xà Gia Bạt Ma, đế chế Phù Nam phát triển đến độ cực thịnh. Vị quốc vương này đặc biệt quan tâm đến quan hệ bang giao với Trung Hoa. Ngay sau khi nhà Lương thành lập, vào năm Thiên Giám thứ 2 (503) Kiều Trần Như đã cử một phái bộ sang kinh đô Kiến Khang để thiết lập quan hệ ngoại giao với triều đại mới. Đoàn đã được Lương Võ Đế tiếp đón nồng hậu, tặng nhiều vật phẩm làm quà và phong cho vua Phù Nam danh hiệu An Nam tướng quân Phù Nam vương. Hoàng đế nhà Lương cũng ghi nhận Phù Nam tuy là quốc gia xa xôi nhưng liên tục cử sứ giả tới, luôn giữ quan hệ hòa hiếu với Bắc triều[34].
Trong giai đoạn từ thế kỷ III đến thế kỷ VII Phù Nam vẫn tiếp tục duy trì và mở rộng bang giao với Ấn Độ, nước có quan hệ truyền thống, và luôn nhận được sự trọng thị của quốc gia Nam Á này. Xa hơn về phía Tây, Phù Nam còn giao lưu tiếp xúc với các quốc gia vùng Địa Trung Hải. Trong các di chỉ Óc Eo giai đoạn từ thế kỷ IV – VII các nhà khảo cổ phát hiện được không ít những hiện vật có nguồn gốc Tây Á và Nam Âu.
Đời sống cư dân thời đế chế
Theo mô tả của Chu Ứng và Khang Thái thì thời hai ông tới đây (thế kỷ thứ III) “Vương Quốc Phù Nam bề ngang rộng 399 dặm, có nhiều đô thị, có tường cao bao quanh và bên trong có nhà ở. [Người Phù Nam] nước da người dân màu đen, tóc quăn… Đàn bà mặc cái chăn trùm từ cổ tới chân, xỏ lỗ để đeo hoa tai… Nếp sống [của họ] rất đơn giản nhưng không trộm cắp. Họ làm nghề nông theo lối cổ, gieo trồng một lần gặt hái luôn trong ba năm. Cùng với lúa, nông dân còn trồng rau, đậu, mía, bông và trồng dâu nuôi tằm. Họ giỏi điêu khắc và dùng đục chạm trổ rất khéo. Nhiều đồ dùng để ăn cơm như chén đĩa đều làm bằng bạc. Dân chúng đóng thuế bằng vàng bạc, trân châu và dầu thơm. Họ biết đọc sách và có văn khố. Văn tự của họ giống như nét chữ của dân Hồ[35]… Cảnh vật trong xứ rất đẹp”. Ở các làng quê, ngoài nghề nông, dân còn có nghề đánh bắt cá và chăn nuôi súc vật. Vật nuôi thường là lợn, gà, bò, cừu và voi[36].
Sau khi Phù Nam đã mở rộng lãnh thổ và trở thành đế chế rộng lớn, cái nhìn của các tác gia Trung Hoa cũng đã khác đi. Theo tác giả Lương thư, bên cạnh phẩm chất thật thà và tốt bụng thì dân Phù Nam quỷ quyệt và mưu lược. Họ giỏi buôn bán nhưng cũng thường đi đánh cướp các thị trấn láng giềng nếu không chịu thuần phục họ. Ở thành thị, nhiều ngành thủ công như đúc đồng, làm gốm, kim hoàn, làm đường và dệt vải… đã phát triển tới trình độ khá cao. Dân chúng ở nhà sàn làm bằng gỗ, mái lợp bằng lá giữa một hệ thống kênh rạch như bàn cờ. Họ không đào giếng mà làm hồ chứa nước ngọt dùng chung. Phương tiện vận chuyển chủ yếu là ghe thuyền.
Họ rất thạo chiến đấu với vũ khí thường dùng là kiếm, lao, cung, nỏ… Chiến binh mặc áo giáp làm bằng da thú. Những kẻ bại trận bị họ bắt làm nô lệ. Chính vì vậy trong xã hội Phù Nam thời kỳ này, ngoài các tầng lớp quý tộc, thương nhân, bình dân, còn hiện diện một bộ phận không nhỏ những người lao động với thân phận nô lệ. Phần nhiều họ là những nô lệ của nhà nước bị bắt buộc làm các công trình công cộng như xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo, thành quách của triều đình và nhất là tham gia vào việc đào các kênh mương. Hệ thống kênh mương chằng chịt, trong đó có con kênh dài tới gần 100 km chứng tỏ lực lượng tham gia vào công việc này không hề nhỏ.
Ở Phù Nam, khi nhà có người chết, người chịu tang là nam phải cạo đầu, cạo râu. Cả nhà mặc đồ tang màu trắng. Họ có những kiểu cách táng khác nhau tùy theo mỗi vùng và gia chủ. Thông thường là hỏa táng. Người chết được đốt bằng củi, sau đó cốt tro bỏ vào bình đem chôn. Những cư dân làm nghề chài lưới thì dùng phương thức thủy táng. Sau khi làm lễ nghi xong, họ thả thi hài xuống sông cho cá ăn. Có những vùng chôn theo phương thức thổ táng. Thi hài được cho vào hòm, sau khi làm lễ đem chôn sâu vĩnh viễn dưới đất. Hình thức này khá giống với hình thức mai táng của người Việt và người Hoa. Tuy nhiên người Phù Nam hoàn toàn không biết hình thức cải táng. Táng thức đặc biệt nhất là điểu táng. Người chết được làm các nghi lễ, được đưa vào rừng hoặc những nơi hoang vắng để muông thú ăn hoặc chim rỉa thịt. Cả bốn táng thức này đều rất phổ biến ở Ấn Độ thời cổ đại[37]. Riêng hình thức điểu táng hiện nay vẫn còn được duy trì ở Tây Tạng.
Thời kỳ suy vong
Tác nhân khiến Phù Nam phát triển mạnh và trở thành một đế chế là thương nghiệp, nhất là ngoại thương, nhưng nền tảng cho sự phát triển ấy lại là nông nghiệp. Từ thời tiền Óc Eo, Nam Bộ đã là một vùng có nền nông nghiệp năng suất cao. Đây chính là điều kiện hấp dẫn các thương nhân nước ngoài chọn làm nơi xây dựng cứ điểm phục vụ cho hoạt động giao thương. Vốn là một châu thổ tương đối trẻ, mới thành tạo cách đây khoảng hơn 8000 năm, còn nhiều vùng trũng thấp. Cùng với 9 cửa sông lớn, hệ thống kênh rạch dày đặc do con người tạo ra khiến cho vùng đất này rất dễ bị tổn thương khi nước mặn dâng cao. Vào khoảng thế kỷ thứ IV, một sự kiện địa chất diễn ra đã có tác động bất lợi cho nông nghiệp vùng Nam Bộ. Đó là biển tiến cục bộ. Theo kết quả nghiên cứu gần đây thì vào khoảng giữa thế kỷ IV, nước biển đã dâng cao tới 0,5 m và đạt đỉnh cao nhất là 1 m vào thập niên 30 của thế kỷ VII. Mức nước biển như vậy dừng lại trong vòng nửa thế kỷ, sau đó hạ dần cho đến giữa thế kỷ XII mới trở về mức cũ[38]. Hậu quả của nó là hầu hết các diện tích đất có thể trồng lúa vùng ven biển Phù Nam bị ngập và nhiễm mặn khiến cho nông nghiệp trồng lúa bị tàn phá không chỉ ở cuối thời đế chế Phù Nam mà còn là nguyên nhân gây ra tình trạng hoang phế của Nam Bộ trong nhiều thế kỷ tiếp sau. Lúa gạo là loại hàng hóa quan trọng thời cổ, nhưng quan trọng hơn là nguồn lương thực đảm bảo một lực lượng lao động đông đảo hoạt động trong các lĩnh vực phi nông nghiệp như thương nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ ở đô thị và quân đội. Biển tiến cục bộ là hiện tượng tự nhiên nhưng đã có tác động rất lớn đến xã hội và chính trị. Việc đất canh tác lúa vùng đồng bằng thấp bị nhiễm mặn làm cho năng suất lúa trong vùng suy giảm tạo nên sự mất cân bằng giữa hai thế lực của Phù Nam. Thế lực cảng thị ven biển vốn có vị trí thống trị bị giảm dần ưu thế, trong khi thế lực vùng cao, trong đó có Chân Lạp, từng ở địa vị phụ thuộc lại có vị thế ngày càng tăng lên. Có thể đây cũng là một trong những lý do Phù Nam ngày càng dồn sức phát triển kinh đô ở vùng đất cao, tại vị trí Ankor Borei hiện nay.
Trong khi các thuộc quốc của Phù Nam không ngừng lớn mạnh, quyền lực của nhà nước trung tâm thể hiện trước hết ở chỗ vua Phù Nam không cho phép các thuộc quốc được tự ý giao dịch với bên ngoài, nhưng không hạn chế tính năng động của các hoạt động kinh tế, giống như hệ thống nhà nước đa cảng thị (Multipolity) của Ấn Độ. Những tiểu quốc bị Phù Nam chinh phục từ cuối thế kỷ III là những cảng thị nhỏ chủ yếu hình thành dưới tác động của hoạt động thương mại quốc tế gắn với trung tâm trung chuyển lớn thời bấy giờ là eo Kra. Trong số này, Chân Lạp là tiểu quốc rất khác với truyền thống văn hóa Óc Eo, nền tảng của quốc gia Phù Nam, người Cát Miệt là cư dân vùng cao sống dựa vào nông nghiệp và săn bắn. Nếu như trong các mộ táng thuộc văn hóa Óc Eo rất hiếm gặp các đồ tùy táng là vũ khí thì trong các di chỉ ở Phum Snay (Prey Veng, Campuchia) các nhà khảo cổ đã phát hiện những khu mộ táng chôn nguyên xác cùng với nhiều vũ khí làm bằng sắt như kiếm, dao, rìu. Kiểu chôn cất người chết và bộ đồ tùy táng cho thấy nhóm cư dân Phum Snay không cùng nguồn gốc với chủ nhân Óc Eo và Phù Nam gốc, trái lại họ gần gũi với nhóm cư dân cùng thời ở lưu vực sông Mun (Thái Lan) như Noen U-Lok, Non Muang Kao…, những người thuộc văn hóa Môn-Khmer, những cư dân được coi là rất thiện chiến[39]. Ở giai đoạn hưng thịnh, đế chế Phù Nam đã thần phục được Chân Lạp như một thuộc quốc phía bắc. Để xây dựng quan hệ tin cậy, giữa Phù Nam và Chân Lạp thường diễn ra các cuộc hôn nhân của hoàng thân và công chúa.
Cùng với sự lớn mạnh của các tiểu quốc, vai trò trung tâm của Phù Nam còn do tầm quan trọng của eo Kra ngày càng bị giảm sút. Các thuyền buôn qua lại giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương ngày càng ít sử dụng phương thức chuyển tải hàng hóa ở trạm trung gian bằng đường bộ. Tại các vùng quanh hai eo biển Malacca và Sunda thuộc bán đảo Malaysia, các đảo Sumatra, Java và phần phía tây nam đảo Borneo (Calimantan) xuất hiện nhiều trung tâm cảng thị hình thành chính quyền dưới dạng các Mandala. Các tiểu quốc này có xu hướng liên kết với nhau thành một hệ thống cảng thị. Một trung tâm lớn được hình thành ở Palembang trên đảo Sumatra. Sức mạnh chi phối của trung tâm này ngày càng tăng lên. Các tiểu quốc cảng thị dưới sự chi phối của trung tâm trên đảo Sumatra được biết đến với cái tên Srivijaya[40], một đế chế hùng mạnh sau này còn thâu tóm cả một phần lãnh thổ của các quốc Đông Nam Á lục địa. Sức mạnh của đế chế Phù Nam được xây dựng chủ yếu trên nền tảng của kinh tế thương nghiệp dưới tác động mạnh mẽ của hoạt động thương mại quốc tế sôi động thông qua cảng trung chuyển nằm ở hai bờ eo đất Kra. Khi vùng đất này mất dần vai trò quan trọng của chiếc cầu nối liên thế giới đã kéo theo sự suy yếu của Phù Nam.
Khác với đất phát tích vương triều Phù Nam là vùng đồng bằng thấp gần biển, kinh đô Vyadhapura thời đế chế ở địa thế tương đối cao, khô. Đây là địa bàn truyền thống của người Kh’mer. Khi nhà nước Chân Lạp ra đời, Mandala của người Khmer, một tộc người thiện chiến, từng là chỗ dựa vững chắc về mặt quân sự cho Phù Nam. Khi hiện tượng biển tiến cục bộ xuất hiện khiến các vùng trồng lúa ở hạ lưu sông Mekong bị nhiễm mặn thì nông nghiệp vùng cao, không chịu tác động của nước biển dâng, dần chiếm ưu thế. Đó là một trong những nguyên nhân làm tăng sức mạnh của Chân Lạp, dẫn tới sự li tâm chính trị của thuộc quốc này đối với Phù Nam.
Vốn đã có manh nha về sự chia rẽ từ trước, mâu thuẫn trong nội bộ triều đình Phù Nam trở nên gay gắt sau khi Kaundinya Jayavarman qua đời vào năm 514. Một cuộc đấu tranh để giành ngôi đoạt vị đã diễn ra làm suy yếu vương triều. Trong bối cảnh ấy, xu hướng ly khai của các thuộc quốc ngày càng gia tăng. Lợi dụng cơ hội Phù Nam suy yếu, Chân Lạp đã liên tục tiến công Vyadhapura. Năm 550 Bhavavarman cùng với người em là Citrasena đã tổ chức một cuộc tấn công quy mô lớn, buộc triều đình Phù Nam phải bỏ kinh đô chạy về Na Phất Na. Ngay sau chiến thắng này, Bhavavarman lên ngôi vua Chân Lạp, cho dời kinh đô đến đến Isanapura (nay thuộc tỉnh Kampong Thom, Campuchia) và trị vì vương quốc này trong vòng 50 năm.
Na Phất Na (Naravaranagara) chính là vùng đất dựng nghiệp của vương quốc Phù Nam, nằm trong khu vực Óc Eo. Tại đây nhà nước Phù Nam tiếp tục tồn tại gần tám thập kỷ nữa. Trong thời gian này, sử Trung Quốc chép các sứ thần Chân Lạp đến triều kiến nhiều hơn Phù Nam. Điều này chứng tỏ từ sau năm 550 Chân Lạp đã thực sự trở thành một vương quốc độc lập, nhưng Phù Nam vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Đoàn sứ thần Phù Nam cuối cùng đến Trung Quốc được sử chép là vào năm Trinh Quán thứ hai triều Đường (627)[41].
Mặc dù đến nay chưa có tư liệu nào cho biết thật chính xác thời gian Phù Nam bị diệt vong hoàn toàn, nhưng dựa vào tư liệu trên đây, hầu hết giới khoa học đều thống nhất cho rằng sự kiện này không xảy ra sớm hơn năm 627.
Vùng đất Nam Bộ thời hậu đế chế Phù Nam
Sự kiện triều đình Vyadhapura phải bỏ kinh thành Đặc Mục[42] chạy về phía nam vào năm 550 là dấu mốc kết thúc thời kỳ đế chế của Phù Nam. Trong khoảng thời gian trước khi chấm dứt hoàn toàn sự tồn tại, vương quốc Phù Nam đã trải qua những năm tháng hết sức khó khăn. Không có nhiều tài liệu thư tịch chép về giai đoạn này, thậm chí ngay đến tên của những người đứng đầu đất nước từ sau khi vua Rudravarman qua đời vào năm 550 cũng chưa tìm được. Sự thiếu vắng thông tin trong các thư tịch cổ Trung Hoa gián tiếp khẳng định trong thời gian này Phù Nam hầu như không có giao tiếp với các chính quyền Trung Quốc trong giai đoạn cuối thời Nam – Bắc triều và hai triều Tùy, Đường sau đó.
Óc Eo là vùng đất bản bộ, từng hội đủ các điều kiện giúp Phù Nam phát triển thành một đế chế, nhưng khi trở lại, con cháu của Rudravarman phải đối mặt với nguy cơ không còn đất dung thân. Các hoạt động thương mại quốc tế đã chuyển sang các vùng lân cận hai eo biển Malacca và Sunda khiến thương cảng Óc Eo lụi tàn. Nước biển dâng cao làm đất trồng lúa nhiễm mặn, nông nghiệp đình đốn. Trong khi đó thế và lực của Chân Lạp ngày càng tăng lên, liên tục đánh phá với ý đồ thôn tính hoàn toàn Phù Nam.
Mặc dù trong một thời gian dài vắng bóng trong các tài liệu thư tịch, nhưng sự kiện vào năm 627 Phù Nam vẫn cử một đoàn sứ thần đến Tràng An triều cống được chép trong Đường thư chứng tỏ trong vòng gần 80 năm chính quyền Phù Nam vẫn tồn tại. Có thể vương triều khi ấy vẫn tiếp tục đóng ở Na Phất Na. Sự kiện này còn có ý nghĩa chính quyền vương quốc Phù Nam đã đặt kỳ vọng lớn vào nhà Đường, một triều đại hùng mạnh mới lên, điều mà giới quý tộc Phù Nam mạt kỳ không trông mong ở các triều đại Trung Hoa cuối thời Nam – Bắc triều.
Không như chính trị, văn hóa luôn có sức sống mãnh liệt và bền lâu. Óc Eo là một nền văn hóa rực rỡ, không chỉ là tảng nền cho văn minh Phù Nam mà còn có sức mạnh tỏa rạng trong một khu vực rộng lớn. Phù Nam biến mất khỏi vũ đài chính trị sau khi thất bại trước Chân Lạp, vốn từng là thuộc quốc của mình vào thế kỷ thử VII, nhưng dấu ấn văn hóa Óc Eo vẫn còn tồn tại trong một thời gian rất dài sau đó.
Trong những năm gần đây, các nhà khảo cổ học trong nước và quốc tế đã tiến hành khai quật di tích Gò Tư Trăm thuộc thị trấn Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Công việc khai quật di tích Gò Tư Trăm được tiến hành khá công phu và bài bản. Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã tiến hành khai quật bốn lần vào các năm 2002, 2005, 2008 và 2011. Các cơ quan này đã phối hợp với Trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp), Trường Đại học Sophia Nhật Bản. Một số kết quả đã thông báo tại Đại hội Tiền sử Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPPA) lần thứ 19 năm 2009.
Kết luận
Phù Nam là một trong ba nhà nước cổ đại có đóng góp nổi bật trong lịch sử Việt Nam. Trong một thời gian dài, Phù Nam chỉ được biết đến qua những ghi chép tản mạn, sơ sài trong thư tịch cổ Trung Hoa, những thông tin không dễ giải mã trên một số bi ký chữ Phạn và một số di tích trên mặt đất đã bị văn hóa của những lớp người đến sau làm thay đổi, biến dạng. Sau phát hiện khảo cổ học của Louis Malleret vào năm 1944 ở Óc Eo, đã có nhiều công trình nghiên cứu gắn kết các tư liệu văn tự với các di tích vật chất làm cho lịch sử vương quốc Phù Nam trở nên sáng rõ hơn. Tuy nhiên, hơn 30 năm chiến tranh sau đó đã cản trở công cuộc nghiên cứu tiếp theo về Phù Nam, nhất là công việc khai quật khảo cổ và nghiên cứu thực địa.
Những điểm mới quan trọng trong nhận thức khoa học trước hết là về cư dân chủ thể của vương quốc Phù Nam. Trước đây vì nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do còn thiếu thông tin nên việc xác định nguồn gốc cư dân chủ thể của vương quốc Phù Nam còn bị hạn chế. Thực ra trong các thư tịch cổ, Phù Nam đã được phân biệt rõ ràng với Chân Lạp, nhưng sự khác biệt về cư dân thì vẫn còn mơ hồ. Với tiếp cận liên ngành, các học giả Việt Nam và quốc tế trong ba mươi năm qua đã khai thác triệt để mọi nguồn tư liệu và đã có bước tiến dài trong nhận thức vấn đề này. Theo các tư liệu khảo cổ học và thư tịch cổ, Óc Eo là một nền văn hóa có nguồn gốc bản địa với chủ thể là cộng đồng cư dân xếp vào nhóm ngôn ngữ Malayo-Polynesian. Cư dân Phù Nam có nhiều nét tương đồng với các cư dân ven biển Miền Trung Việt Nam. Cùng với những biến thiên lịch sử, người Chân Lạp có nguồn gốc Môn-Khmer là lớp cư dân đến sau, có thể là từ sau khi vương quốc Phù Nam suy tàn vào thế kỷ VII.
Một nhận thức quan trọng khác gắn với quan điểm hai giai đoạn phát triển của Phù Nam. Giai đoạn đầu kéo dài từ khi Phù Nam lập quốc vào đầu Công nguyên đến thế kỷ III. Đây là thời kỳ cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng đồng bằng Nam Bộ có sự gặp gỡ với các thương nhân đến từ Ấn Độ tạo nên sự phát triển đột biến với sự ra đời nhà nước Phù Nam. Rất khác với loại hình nhà nước thường thấy ở Đông Bắc Á, nhà nước Phù Nam là một trung tâm thu hút các vùng ngoại vi. Do ở vào vị trí đắc địa, Phù Nam nhanh chóng phát triển thành một trung tâm có sức mạnh chi phối ra ngoài không gian Óc Eo, vươn tới các vùng hạ lưu sông Chao Phraya và phần phía bắc bán đảo Malaysia, xung quanh eo đất Kra, nơi giữ vai trò trung chuyển hàng hóa quốc tế quan trọng trong hoạt động thương mại giữa hai thế giới Trung Hoa và Ấn Độ.
Một trong những điểm mới trong nghiên cứu Phù Nam là sự kết hợp phân tích các tư liệu lịch sử với các dữ liệu về cổ địa mạo và cổ khí hậu. Những nhận định về quá trình biển tiến cục bộ khiến cho nước biển dâng cao cùng với những phân tích về địa-chính trị, địa-kinh tế, đã góp phần chỉ ra nguyên nhân lụi tàn của Phù Nam một cách thuyết phục. Đồng thời đây cũng là một lý do giải thích vì sao Nam Bộ cho đến tận thế kỷ XVII vẫn còn là một vùng đất tương đối hoang vu.
Những kết quả nghiên cứu mới, nhất là về khảo cổ học, đã cho thấy sức sống mạnh mẽ của văn hóa Óc Eo. Mặc dù về mặt nhà nước, Phù Nam đã bị diệt vong từ thế kỷ VII, nhưng dấu tích vật chất trong các di chỉ khảo cổ có niên đại sau đó vẫn tiếp nối truyền thống văn hóa Óc Eo. Từ thế kỷ X về sau, những ảnh hưởng của văn hóa Angkor mới bắt đầu in dấu ấn lên vùng đất dưới cái tên Thủy Chân Lạp trong sử sách Trung Hoa.■
[1] 楊孚 (1936): 異物志 (Dương Phù: Dị vật chí), 商務印書館 (Thương vụ ấn thư quán), 上海 (Thượng Hải), tr. 9.
[2] 陳壽 (2016): 三国志卷六十, 吳書 卷十五, 百度百科自由 的网络百科全书. 北京 (Trần Thọ: Tam Quốc chí, quyển 60. Ngô thư quyển 50. Bách khoa thư mở Baidu. Bắc Kinh).
[3] Pelliot, P. (1903): Le Fou-nan, BEFEO, tom 3, Hanoi, tr. 248-327.
[4] Trong thời kỳ trước 1975, nhà nghiên cứu về Phù Nam có nhiều công bố nhất là Lê Hương với công trình tiêu biểu là Sử liệu Phù Nam xuất bản tại Sài Gòn năm 1974.
[5] Kết quả các cuộc khai quất khảo cổ học trong vòng 20 năm (1975-1995) đã được Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải công bố trong sách Văn hóa Óc Eo, những khám phá mới vào năm 1995 tại NXB KHXH, Hà Nội.
[6] Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (2008): Văn hóa Óc Eo & Vương quốc Phù Nam, NXB Thế giới, Hà Nội.
[7] Vũ Minh Giang (Chủ biên). (2006): Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam, NXB Thế giới, Hà Nội.
[8] Vũ Minh Giang – Nguyễn Việt (2017): Vùng đất Nam Bộ tập II Từ cội nguồn đến thế kỷ VII, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
[9] Vũ Minh Giang – Nguyễn Việt (2017): Vùng đất Nam Bộ tập II Từ cội nguồn dến thế kỷ VII, Sđd, t.175.
[10] Tác giả sử dụng từ “đế chế” thay cho “đế quốc” tương ứng với từ tiếng Anh “empire”, “emperial” với ý đồ giảm nhẹ ý nghĩa hiện đại có thể gây nhầm lẫn khi so sánh Phù Nam với các đế quốc Ba Tư, La Mã, Hán đương thời. Trong sách này, chúng tôi tán đồng sử dụng từ “đế chế” cho Phù Nam kể từ khi các vua Phù Nam mở rộng lãnh thổ kiểm soát bằng các hoạt động quân sự.
[11] Manguin P-Y (2009): The Archaeology of Fu Nan in the Mekong River Delta: The Ocs Eo Culture of Viet Nam, Yale Uni Press, trong Tingley N. (ed.) Arts of Ancient Viet Nam – From River Plain to Open Sea, tr. 103-118.
[12] Ví dụ Vickery, M, 2003, Funan Reviewed: Deconstructing the Ancients. Trong: Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient. Tome 90-91, 2003. pp. 101-143. Vickery dựa vào thư tịch và bi ký đã chia lịch sử Phù Nam thành hai thời kỳ: Thời trị vì của các tước hiệu bản địa trở thành dòng họ như Hỗn (Hun) và Phạm (Pan?Pong) được coi như thời trước sử (prehistory) và thời kỳ lịch sử (historic) của các tước hiệu Ấn Độ như Chandra (Chiên Đàn), Kaundinya (Kiều Trấn Như) và các varman (Bạt Ma).
Manguin, Piere-Yves 2009, The Archaeology of Fu Nan in the Mekong River Delta: The Oc Eo Culture of Viet Nam, cũng đã chia khảo cổ học Phù Nam làm hai giai đoạn: Giai đoạn đầu là “Kiểm soát đồng bằng ngập nước và quá trình tụ cư thành thị (Control of flood plains and urban development)”, và giai đoạn sau là “quá trình Ấn Độ hóa (Indianization)”.
[13] Tập hợp từ các công trình của Georges Cœdès: La Stele de Ta-Prohm, Bulletin de l’Ecole francaise d’Extreme-Orient (BEFEO), Hanoi, VI, 1906; Histoire ancienne des États hindouisés d’Extrême-Orient, Hanoi, 1944; Les états hindouisés d’Indochine et d’Indonésie, Paris, 1948. Lê Hương (1974): Sử liệu Phù Nam, NXB Nguyên Nhiều, Sài Gòn; Lương Ninh (2006), Nước Phù Nam, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
[14] Michael Vickery (2003–2004): Funan reviewed: Deconstructing the Ancients, Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient, Vol. 90/91, tr. 116.
[15] Cœdès George (1944): Histoire ancienne des États hindouisés d’Extrême-Orient, Imprimerie d’Extrême-Orient.
[16] Hall Kenneth R. (1985): Maritime Trade and Strate Development in early Southeast Asia, University of Hawaii Press.
[17] Wolters, O.W. (1999): History, Culture and Region in Southeast Asian Perspectives. Institute of Southeast Asian Studies, Revised Edition.
[18] Mandala được phiên âm sang tiếng Hán là Mạn đà la (曼 陀 羅), và được dịch nghĩa là Luân viên cụ túc (輪圓具足) nghĩa là vòng tròn hoàn chỉnh.
[19] Arikamendu là một cảng biển ở bờ đông nam Ấn Độ nhìn ra vịnh Bengal. Khảo cổ học đã xác nhận vị trí quan trọng của cảng biển này trong hành trình thương mại từ Địa Trung Hải, qua Ấn Độ Dương, vịnh Bengal tới Đông Nam Á. Những hiện vật khai quật được ở các cảng biển Đông Nam Á thời Phù Nam – Óc Eo ghi nhận dấu hiệu trao đổi đồ gốm Arikamendu rất rõ nét.
[20] Trần Văn Giàu (Chủ biên) (1987): Địa chí văn hóa TP. HCM tập I, NXB Thành phố Hồ ChíMinh, tr. 113.
[21] Hal Kenneth R. (1982): The “Indianization” of Funan: An Economic History of Southeast Asia’s First State, Macmillan, London; Michael Vickery: Funan Reviewed: Deconstructing the Ancients, Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient, Vol. 90/91 (2003-2004).
[22] 康泰, 朱应: 扶南传 . 中国 古籍 百度自由的网络百科全书 (Khang Thái, Chu Ứng: Phù Nam truyện, Trung Quốc cổ tịch mạng Bách khoa thư mở Baidu).
[23] Diêu Tư Liêm: Lương thư, Sđd.
[24] Tập hợp từ các công trình của Georges Cœdès (1906): La Stele de Ta-Prohm, Bulletin de l’Ecole francaise d’Extreme-Orient (BEFEO), Hanoi, VI; Histoire ancienne des États hindouisés d’Extrême-Orient, Hanoi, 1944; Les états hindouisés d’Indochine et d’Indonésie, Paris, 1948. Lê Hương (1974): Sử liệu Phù Nam, NXB Nguyên Nhiều, Sài Gòn; Lương Ninh (2006): Nước Phù Nam, NXB ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh.
[25] Họ Phạm (范) thường thấy trong danh tính các quốc vương hoặc hoàng thân, quốc thích ở các quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Độ. Thực ra đây không phải là họ theo nghĩa huyết thống mà là phiên âm của từ Varman (वर्मन्) trong tiếng Sancrit với nghĩa gốc là che chắn, bảo hộ. Sau đó được gắn thêm ý nghĩa thiêng liêng là người được thần linh che chở và dùng như một phần cấu tạo nên tên của các bậc quân vương và một số hoàng tử được nhắm làm kế vị. Trong nhiều trường hợp Varman còn được phiên âm bằng hai chữ Hán là Bạt Ma (跋摩).
[26] Lương Ninh trong nhiều bài viết, tập trung nhất là Nước Phù Nam (Sđd) cho rằng nhà nước Phù Nam, nhất là thời kỳ mở rộng thế lực (đế chế) không phải là Mandala. Tuy nhiên, luận điểm phản bác chủ yếu xuất phát từ quan niệm của tác giả cho rằng Mandala là một dạng nhà nước sơ khai, tổ chức lỏng lẻo.
[27] Trong tiếng Sancrit, Deva (देव) có nghĩa là thần thánh và Raja/Rajan (राजन्) có nghĩa là cai trị, thủ lĩnh, vua, hoàng tử. Deva-Raja là hình thức kết hợp chặt chẽ vương quyền với thần quyền vào một người.
[28] Trước đây, dựa vào phỏng đoán của một số học giả Pháp, có quan điểm cho rằng thủ đô Phù Nam từ sau thế kỷ III nằm đâu đó ở Prei Veng, nhưng với những phát hiện khảo cổ mới thì đa số cho rằng thủ đô Phù Nam sau thời kỳ Óc Eo là Vyadrapura phải nằm ở Ankor Borei, tỉnh Takeo (Campuchia).
[29] Sanderson D. C. W. (2003): Luminescene dating of anthropogenically reset canal sediments from Angco Borei, Mekong delta, Cambodia, trong Quatenary Science Reviews, 22, tr. 1111-1121.
[30] Diêu Tư Liêm: Lương thư, Sđd.
[31] Lý Diên Thọ: Nam sử, quyển 78, Liệt truyện thứ 68 Phù Nam quốc.Thiên nhai tri thức khố.http://book.sbkk8.com/
[32] Cát Miệt (吉蔑): phiên âm từ Khmer, chỉ tiểu quốc sau này trở thành vương quốc Tchenla (Chân Lạp), tiền thân của nước Campuchia.
[33] O’Reilly, Dougald J. W. et al (2006): Archaeology and Archaeozoology of Phum Snay: A Late Prehistoric Cemetery in Northwestern Cambodia, trong Asian Perspectives – Volume 45, Number 2, tr. 188-211. Yasuda Yoshinori (2007): The preliminary report for the excavation in Phum Snay. Tư liệu Bộ Mỹ thuật Campuchia.
[34] Diêu Tư Liêm: Lương thư, Sđd.
[35] Người Hồ (胡人, Hồ nhân): Là danh từ người Hán chỉ các tộc người khác ở về phía Tây và phía Bắc. Một số tộc người sử dụng văn tự Nam Phạn (Pali पाळि). Người Phù Nam khi ấy dùng chữ Phạn (Sankrit संस्कृता वाक्).
[36] Khang Thái, Chu Ứng: Phù Nam truyện, Trung Quốc cổ tịch mạng Bách khoa thư mở Baidu, Sđd.
[37] Diêu Tư Liêm: Lương thư, Sđd.
[38] Liêu Kim Sanh (1983): Hải xâm hải thoái xưa ảnh hưởng đến vùng đồng bằng Nam Bộ, trong Văn hóa Óc Eo và các văn hóa cổ ở Đồng bằng sông cửu Long, Long Xuyên, tr. 74-85.
[39] Higham Ch. (2002): Early Cutures of Mainland Southeast Asia, Riverbooks, Bangkok; Higham Ch., Kijngam A. và Talbot S. (eds.) (2007): The Origins of Civilization of Angco, Vol II: The Excavations of Noen U-Loke and Non Muang Kao, Bangkok.
[40] Srivijaya là một trung tâm thu hút các tiểu quốc quanh vùng và sau đó trở thành một đế chế hùng mạnh ở khu vực Đông Nam Á hải đảo cho đến tận cuối thế kỷ XIII. Trong tiếng Sancrit, sri (श्री) nghĩa là tỏa sáng còn vijaya (विजय) nghĩa là vinh quang. Trong các thư tịch cổ Trung Hoa, danh xưng này được chép là 室利佛逝 (Thất Lợi Phật Thệ) hoặc 三佛齊 (Tam Phật Tề). Srivijaya là một trung tâm thu hút các tiểu quốc quanh vùng và sau đó trở thành một đế chế hùng mạnh ở khu vực Đông Nam Á hải đảo cho đến tận cuối thế kỷ XIII.
[41] Âu Dương Tu, Tống Kỳ (2017): Tân Đường thư, Sđd.
[42] Đặc Mục (特牧): Kinh thành của Phù Nam từ thế kỷ thứ III được chép trong các thư tịch cổ Trung Hoa. Giới nghiên cứu đều thống nhất cho rằng đó chính là tên dịch sang tiếng Hán của tên gọi kinh đô Vyadhapura trên các bi ký Phạn ngữ vì cũng có nghĩa là thành phố Thợ săn. Vyadha (व्याध): Thợ săn, pura (पुर): thành phố.