Phóng sự ảnh: John Olson | Tạp chí LIFE số ra ngày 23/5/1969
Phan Xích Linh dịch
Người lính ngồi ở góc bàn gần với bạn đọc là một người phản đối chiến tranh Việt Nam, đủ để tổ chức một cuộc biểu tình. Đó là một cuộc biểu tình khiêm tốn – gần doanh trại của anh ở Fort Dix, New Jersey, anh dán một tờ quảng cáo nhỏ về một cuộc tụ tập hòa bình. Việc anh làm vi phạm các điều lệ quân đội, và hệ quả là hạ sĩ nghiệp vụ Allen Myers bị đưa ra tòa án binh tại chỗ. Sự kiện này là triệu chứng của một hiện tượng mới đang lan rộng trong hàng ngũ quân đội: bất đồng chính kiến công khai.
Đương nhiên sự bất mãn cũng xưa như quân đội, và binh lính thì vẫn luôn kêu ca ầm ĩ về đồ ăn thức uống, về các sĩ quan, thiết bị và tình trạng rối ren. Trong cuộc Cách mạng Mĩ đôi khi các binh sĩ còn thu dọn tư trang và bỏ về nhà khi tình hình chiến sự trở nên tồi tệ. Nhưng trong quân đội ngày nay – một quân đội công dân – sự phản kháng đang hình thành dưới các dạng thức gây ra những tình thế éo le cho các quân nhân ở tất cả các cấp bậc từ binh nhì đến đại tướng, hay nói ngắn gọn là cho toàn bộ thiết chế quân sự. Lính Mĩ tại hơn một tá căn cứ xuất bản các tờ báo tấn công cuộc chiến và “hệ thống”, và vài ngàn người đã tham gia vào một liên đoàn binh sĩ để đưa ra các yêu sách. Những người khác thì phân phát tờ rơi, tổ chức mít tinh, tham gia biểu tình ngồi và từ chối thực hiện những nhiệm vụ mà họ cho là phi pháp. Những người bất đồng chính kiến này có quan điểm chính trị đa dạng – một số là các cựu chiến binh ở Việt Nam – nhưng tất cả đều bào chữa cho những hành động của họ, cho rằng đó là việc thực hiện quyền tự do ngôn luận.
Những người bất đồng chính kiến có hoặc không mặc quân phục trong các tấm hình được đăng trên những trang báo này là một thiểu số. Nhưng trừng phạt họ có thể làm cho lực lượng của họ càng thêm đông đảo và đem lại những phiền hà từ bên ngoài. Nguy cơ đến từ họ là có thật, bởi vì bất đồng chính kiến trên diện rộng có thể tàn phá nghiêm trọng tinh thần chiến đấu và kỉ luật của quân đội. Và như Tướng Thủy quân Lục chiến Lewis Walt (bài dưới) nói, “Khi kỉ luật ra đi, binh sĩ chết vô ích.”
Hoạt động in ấn báo chí của những người bất đồng chính kiến ngầm
Các tờ báo phản quân đội và phản chiến mọc lên ở nhiều căn cứ lớn trên khắp lãnh thổ Hoa Kì chính là biểu hiện rõ ràng nhất của tinh thần bất đồng chính kiến trong binh sĩ. Mặc dù việc binh sĩ sở hữu các tờ báo này không được coi là một vi phạm điều lệ quân đội, họ không được phép phân phát chúng. Do đó người ta nghĩ ra cách khéo léo để lưu hành những tờ báo này. “Chúng tôi có thói bỏ quên báo ở khắp nơi – toàn những chỗ dễ thấy”, một nhân viên tòa soạn của một tờ báo phát hành ở Fort Hood cho hay. Chúng xuất hiện bên trong các số báo buổi tối ở một quầy báo trong Lầu Năm Góc, hay trên các bảng thông báo ở căn cứ, dưới các cánh cửa doanh trại. Tờ The Bond (Gắn Kết), tờ báo lâu đời nhất (hai năm) và có lượng phát hành lớn nhất (25.000 bản) được xuất bản bởi Liên đoàn Quân nhân Hoa Kì. Hơn một nửa lượng báo phát hành mỗi số được gửi đi bằng thư hạng nhất, với những dòng địa chỉ viết bằng tay để chúng trông giống như một bức thư nhà. Tất cả báo được phát miễn phí cho quân nhân. Phần lớn báo do các biên tập viên ẩn danh biên tập, để nhà cầm quyền không thể xác định đối tượng quy trách nhiệm, và việc in ấn được đảm nhiệm bởi những cá nhân hay tổ chức có cảm tình với những người bất đồng chính kiến, trong đó có SDS (tổ chức Sinh viên vì Xã hội Dân chủ – Students for a Democratic Society). Nhưng tiền bạc vẫn là vấn đề. Những người bất đồng chính kiến dốc túi mình ra, đồng thời cũng nhận quyên góp và bán báo cho các độc giả dân sự đặt mua dài hạn. “Chúng tôi không thể hoạt động bằng không khí”, đó là một lời kêu gọi gần đây xuất hiện trên tờ Ultimate Weapon (Vũ khí Tối hậu) xuất bản ở Fort Dix.
Không chào kiểu nhà binh nữa và sĩ quan phải được bầu chọn
Vì tính chất bí mật thường thấy trong những hoạt động của họ, ngay cả những người lãnh đạo ẩn danh của các phong trào phản kháng trong quân đội biết rõ lực lượng của họ. “Chúng tôi thường có khoảng 30 đến 40 người tham gia các buổi họp,” một binh nhì ở Fort Bragg nói với Thông tín viên báo LIFE Margery Byers, “và tuần nào cũng thấy những gương mặt mới. Có 56.000 binh sĩ ở đây, và tôi nghĩ rằng 85% trong số họ có thể ủng hộ chúng tôi. Nhưng họ sợ.” Người duy nhất tuyên bố rằng mình đóng vai trò liên lạc giữa các căn cứ quân đội là một thường dân có giọng nói nhỏ nhẹ mang tên Andrew Stapp, người đứng đầu Liên đoàn Quân nhân Hoa Kì. Anh đã thành lập tổ chức này khi còn phục vụ trong quân đội và cho biết hiện nay Liên đoàn có hơn 5.000 thành viên có thẻ. Liên đoàn này yêu cầu chấm dứt việc chào kiểu nhà binh, đòi quyền thương lượng tập thể và sĩ quan phải được bầu chọn tập thể. Stapp tin rằng nếu thực hiện bỏ phiếu ngay hôm nay, 175.000 binh sĩ sẽ ủng hộ anh – khoảng 5% trong số 3,5 triệu người lính mặc quân phục. Lầu Năm Góc từ chối tiết lộ con số họ biết được về lượng thành viên của liên đoàn này và những người phản kháng khác. “Quân đội bị ám ảnh về chúng tôi,” Stapp tuyên bố, “nhưng họ phủ nhận sự tồn tại của chúng tôi.”
Lew Walt: ‘Khi kỉ luật ra đi, binh sĩ chết vô ích’
Bài Frank McCulloch | Tạp chí LIFE số ra ngày 23/5/1969
Phan Xích Linh dịch
Trong văn phòng tại Washington của Trung tướng Lewis W. Walt, vị anh hùng trong ba cuộc chiến, Phó tư lệnh Thủy quân Lục chiến Hoa Kì, có treo một tấm bảng đồng. Với tiêu đề “Quy tắc của người lãnh đạo”, tấm bảng ghi khắc những nguyên tắc mà Tướng Walt và đại đa số quân nhân trong quân đội Hoa Kì cố gắng sống theo.
Câu mở đầu: “Tôi trở thành một người lãnh đạo thông qua những hành động của mình. Tôi biết rõ ưu điểm và nhược điểm của mình, và luôn luôn nỗ lực cải thiện bản thân… Tôi biết rõ phận sự của mình và thực thi cả tinh thần lẫn nội dung cụ thể của các mệnh lệnh mà tôi nhận được.”
Có lẽ đây là câu quan trọng nhất trong toàn bộ nội dung này: “Tôi ước lượng tình hình mà đưa ra các quyết định cho chính mình về trình tự hành động tối ưu”, và “tôi bảo đảm rằng [binh sĩ của tôi] hiểu rõ các mệnh lệnh mà họ nhận được, và tôi theo sát để bảo đảm rằng các nhiệm vụ của họ được hoàn thành đầy đủ.”
Tóm lại, đưa ra quyết định là địa hạt riêng của người chỉ huy. Tất cả những gì binh sĩ dưới quyền anh ta cần hiểu rõ chỉ là các mệnh lệnh được đưa ra – không cần biết những quyết định được thực hiện bằng cách nào hay vì sao hay do ai.
Chẳng phải đây là điều cốt yếu hay sao, vị tướng hỏi. Không phải rõ ràng đây là cách duy nhất quân đội có thể – và phải – vận hành hay sao? Bất đồng chính kiến và hệ thống là hai thứ hoàn toàn không tương thích: có cái này thì cái kia không thể hoạt động được.
Tướng Walt phát biểu với vai trò một sĩ quan chỉ huy hơn là vai trò Phó Tư lệnh Thủy quân Lục chiến, và các phẩm chất của ông trong lĩnh vực chỉ huy binh sĩ trên chiến trường thì không chê vào đâu được. Khi còn là tiểu đoàn trưởng trong Đệ nhị Thế Chiến, ông đã giành được hai huân chương Thập tự Hải quân (Navy Cross) – huân chương cao quý thứ nhì của Hoa Kì. Khi là trung đoàn trưởng, ông giành huân chương Quân đoàn Ưu tú (Legion of Merit) tại Triều Tiên. Và trong hai năm làm tư lệnh của toàn bộ lực lượng Thủy quân Lục chiến tại Việt Nam, ông giành huân chương Thành tích Xuất sắc (Distinguished Service Medal). Tuần trước Tổng thống Nixon vừa đề cử nâng hạng cho Walt lên hàng tướng bốn sao, đồng nghĩa ông sẽ là Đại tướng đầu tiên chưa phải là Tư lệnh trong lịch sử lực lượng Thủy quân Lục chiến.
Vị tướng còn chưa từng gặp người bất đồng chính kiến mặc quân phục nào, mặc dù ông thừa nhận, có phần miễn cưỡng, rằng họ có tồn tại, và rằng họ là một thiểu số vô cùng nhỏ bé trong Quân đoàn Thủy quân Lục chiến, trong Lục quân, Hải quân và Không quân.
Tuy nhiên ông tin rằng ngay cả thiểu số nhỏ bé đó cũng là nhiều hơn mức quân đội có thể chấp nhận được, vì một lí do đơn giản: trong chiến trận, kỉ luật và mức độ thương vong của một đơn vị bao giờ cũng tỉ lệ nghịch với nhau – kỉ luật càng cao thì thương vong càng thấp. Và bất kì kiểu bất đồng chính kiến nào cũng làm xói mòn kỉ luật.
“Điều kẻ bất đồng chính kiến làm”, vị tướng phát biểu, “là đẩy không chỉ sinh mạng của chính mình mà cả sinh mạng của mọi người xung quanh vào chỗ hiểm nguy một cách không cần thiết.”
Và, theo quan điểm của Walt, kẻ bất đồng chính kiến không cần phải có mặt ở chiến trường để làm điều đó. “Loại kỉ luật và tôn ti trật tự rõ ràng về thẩm quyền mà có thể giữ gìn sinh mạng cho binh lính trong chiến trận chỉ có thể được thiết lập trong rèn luyện. Khi ra chiến trường mới tìm cách thiết lập thì quá trễ.” Như thế, những người bất đồng chính kiến tại các căn cứ trên lãnh thổ Hoa Kì hoàn toàn có khả năng khởi đầu những chuỗi phản ứng có thể dẫn đến nhiều cái chết vô ích ở Việt Nam.
“Tôi nhớ tới hai trung đội thuộc Trung đoàn Thủy quân Lục chiến số 5 khi chúng tôi tấn công vào Peleliu[2] hồi Đệ nhị Thế chiến”, ông nói. “Một trung đội do một trung úy trẻ lãnh đạo, anh này từng là vận động viên thi đấu trong giải bóng bầu dục toàn quốc. Anh ta là sếp của trung đội; không bao giờ có chút nghi ngờ nào về điều đó. Kỉ luật hoàn hảo. Trung đội kia thì có lãnh đạo là một tên nhóc tì tử tế muốn làm mọi thứ cho mọi người. Có sự phân vân đáng kể về việc ai thực sự chịu trách nhiệm, và gần như chẳng có chút kỉ luật nào trong trung đội của cậu ta.
“Chỉ chốc lát sau khi đổ bộ, trung đội do cái cậu cứ muốn hỏi ý kiến lính mình về mọi sự chỉ huy đụng ngay phải một cứ điểm do hai súng máy Nhật trấn giữ. Chắc chỉ có cùng lắm là một tá lính Nhật ở đó, nhưng sau khoảng năm tiếng hầu hết binh sĩ trong trung đội đều đã chết hoặc bị thương. Bản thân cậu trung đội trưởng cũng tử thương, và quân Nhật thì không hề nao núng chút nào.
“Sau đó thì trung đội do cậu ngôi sao bóng bầu dục chỉ huy tiến vào khu vực đó. Trong vòng một giờ các súng máy đã bị vô hiệu hóa và phe ta đã nắm được toàn bộ khu vực được – và trung đội này chỉ tổn thất có một người – một binh sĩ bị thương. Hai trung đội đó có mọi thứ giống hệt nhau – lực lượng quân số, hỏa lực, tình thế chiến thuật – họ chỉ khác nhau về kỉ luật.”
Vị tướng so đôi vai khổng lồ của ông lên, và đôi mắt xanh biếc lạnh như băng nhìn về phía tấm bảng đồng trên tường. Ông nhún vai.
“Nhưng đừng hiểu lầm tôi. Tôi không vô cớ buộc tội những người trẻ tuổi, đám bất đồng chính kiến này. Chúng tôi – thế hệ của chính tôi – đã khiến họ thất vọng theo cách nào đó. Họ phải chịu những áp lực mà trước đây không hề tồn tại với chúng tôi. Chúng tôi đã thất bại trong việc dạy họ cách đối mặt với những áp lực đó.
“Nhưng hãy cho tôi một cơ hội – cho Quân đoàn Thủy quân Lục chiến một cơ hội – với đám trẻ lầm lạc đó, và chúng tôi sẽ thay đổi họ. Cho họ một mục đích sống ở đời, đó chính là cái họ thiếu.”
Vị tướng đoan chắc rằng hầu hết những người bất đồng chính kiến chỉ là như thế – “lầm lạc”.
“Đơn giản là có quá nhiều thứ họ không biết, hoặc chưa được cho biết một cách hiệu quả,” ông nói, ví dụ như sự tồn tại của “một cơ chế được định nghĩa rõ ràng dành cho việc xử lí các khiếu nại chính đáng về quân đội. Ai cũng có thể sử dụng cơ chế này – bao gồm viết thư gửi cho nghị sĩ của bang họ, nếu như cá nhân người đó mong muốn – mà không bị trừng phạt gì cả. Điều tôi đang nói đến ở đây là nó như hai mặt của một đồng xu vậy, mặt này có kỉ luật quân đội thì mặt kia là công lí quân đội.”
Nhưng nếu như tất cả những điều đó được làm rõ cho những người bất đồng chính kiến, và họ vẫn bất đồng thì sao?
Đôi mắt xanh đanh lại.
“Thế thì những kẻ đó đang vi phạm lời thề mà họ đã tuyên thệ, và nghiêm trọng hơn, họ đang gây nguy hiểm cho an ninh và sự thịnh vượng của Tổ quốc họ. Họ đang tham gia vào một quá trình tự hủy hoại đầy hiểm nguy. Rất ít quốc gia vĩ đại từng sụp đổ vì kẻ thù bên ngoài. Chúng sụp đổ vì sự chia rẽ từ bên trong.”
Ông lại nhún vai và dang tay ra. “Nhưng tôi không chắc chuyện này thực sự phức tạp đến thế. Chẳng phải đơn giản là bất đồng làm xói mòn kỉ luật, và khi kỉ luật ra đi thì binh sĩ chết vô ích hay sao?”
“Tôi biết điều này: nếu tôi là một binh nhất, hay có con cái, anh em, người yêu là binh nhất, và phải ra chiến trận, tôi sẽ muốn biết chắc rằng những người đang sát cánh cùng tôi chiến đấu không chỉ là những người có ý thức kỉ luật tự giác, mà còn là những thành viên có kỉ luật trong đội ngũ.
“Nếu đúng như thế thì có thể tất cả chúng tôi sẽ sống sót. Nếu không, nếu những người đó đã đặt sự bất đồng lên trên nghĩa vụ, thì tôi cho rằng có khả năng khá cao là tất cả chúng tôi đều sẽ chết. Đó chẳng phải là cái giá quá đắt mà đa số phải trả cho sự bất đồng của một thiểu số hay sao?”
[1] John Wayne (1907 – 1979), tên thật là Marion Robert Morrison, là một nam diễn viên và nhà làm phim người Mỹ, nổi tiếng với hai dòng phim Viễn Tây và chiến tranh.
[2] Peleliu là tên một hòn đảo thuộc đảo quốc Palau.