Jean Theodore Delacour (sinh ngày 26/9/1890, Paris, Pháp – mất ngày 5/11/1985, Los Angeles, California, Hoa Kỳ) là một nhà sưu tầm và nuôi chim người Mỹ gốc Pháp. Ông nổi tiếng với việc phát hiện và nuôi một số loài chim quý hiếm nhất thế giới.
Khi còn là một cậu bé, Delacour đã thu thập hơn 1.300 con chim sống, nhưng số chim này đã bị tiêu diệt trong Chiến tranh Thế giới I. Về sau, ông du hành tới châu Á, châu Phi, Nam Mỹ, và thu thập được bộ sưu tập thứ hai, lớn hơn gấp đôi bộ đầu tiên, tại Lâu đài Clères ở Normandy. Năm 1924, ông mang về từ miền Bắc Việt Nam một cặp gà lôi màu xanh đen, đặt tên cho chúng là gà lôi hoàng gia, và sau đó đã thành công trong việc nhân giống chúng trong điều kiện nuôi nhốt. Nhiều loài và phân loài chim và động vật có vú mới khác đã được ông phát hiện và đặt tên.
Năm 1920, ông thành lập một tạp chí chuyên về nuôi chim mang tên L’Oiseau (sau đó được hợp nhất với tờ Revue Française). Sau đó, ông viết bộ sách Oiseaux de l’Indochine Française (“Những loài chim ở Đông Dương thuộc Pháp”, xuất bản năm 1931 để trưng bày tại Đấu xảo Thuộc địa Quốc tế ở Paris); bộ sách này đã trở thành một tác phẩm tiêu chuẩn về các loài chim của vùng đó.
Trong Thế chiến II, khi quân Đức lại phá hủy chuồng chim của ông, Delacour rời Pháp đến Hoa Kỳ. Ông trở thành công dân Hoa Kỳ vào năm 1946 nhưng quay trở lại Clères để thiết lập lại chuồng chim và vườn thú, sau đó tặng cho quốc gia Pháp. Ông là giám đốc của Bảo tàng Los Angeles từ năm 1951 đến năm 1960.
*
Từ tháng 12/1923 đến tháng 2/1930, hai ông J. Delacour và P. Jabouille đã dành các mùa đông để khám phá loài chim ở Đông Dương thuộc Pháp, 5 chuyến đi của họ thu về khoảng 20.000 mẫu vật. Những điều này đã được báo cáo trong các tờ “Revue de Ornithologie”, “The Ibis” và “The Auk”. Các tác giả còn thể hiện đầy đủ những quan sát của họ và những thông tin khác về các loài chim của Đông Dương trong bốn tập sách rất công phu mang tên Les Oiseaux de l’Indochine Francaise, một trong những ấn phẩm về loài chim xuất sắc nhất. Đây là bộ sách khổ lớn, lề rộng, in trên giấy xốp nhẹ rất đẹp, và được minh họa bằng 67 tờ màu với các bức tranh của Gronvold. Mỗi tập đều có phụ lục và chỉ mục theo thứ tự bảng chữ cái.
Thông tin về từng loài chim được trình bày dưới các tiêu đề: Mô tả, Đo lường, Tập tính và Phân bố; trong đó, phần mô tả được dành nhiều không gian nhất. Tập I còn bao gồm phần giải thích giới thiệu về danh pháp và phân loại; một tài liệu lịch sử về các cuộc khám phá Đông Dương kèm theo hai bản đồ; thảo luận về địa lý và các khu vực; và một thư mục tham khảo.
Trọn bộ sách Oiseaux de l’Indochine Française (gồm 4 tập, mỗi tập dày khoảng 300 trang) đang được lưu giữ và trưng bày tại Thư viện Nguyễn Văn Hưởng.