George Coedès (1886 – 1969) mang dòng máu Hungary, sinh ra ở Paris, học tại trường Lycée Carnot và Trường Nghiên cứu Cao học Thực hành (L’École pratique des hautes études). Năm 1911, ông du hành tới Đông Dương và trở thành nhân viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội (L’École francaise de l’Extrême-Orient). Năm 1914, ông được bổ nhiệm chức giáo sư ngữ văn Đông Dương. Năm 1918, ông chuyển tới Bangkok làm giám đốc Thư viện Quốc gia Siam (Thái lan). Từ năm 1927 tới 1929, ông giữ chức Tổng thư ký của Viện hoàng gia Siam. Georde Coedès trở lại Hà Nội năm 1929 với cương vị giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ cho tới tận năm 1946. Chính George Coedès đã phát triển EFEO tại Hà Nội, mở thêm thư viện, phòng ảnh và bảo tàng Louis Finot, tiền thân của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Sau đó, ông trở về Pháp giữ chức giáo sư Lịch sử Đông Nam Á tại Trường Ngôn ngữ Phương Đông (L’École des Langues Orientales) và là giám tuyển của bảo tàng Ennery ở Paris.
Khi còn trẻ, Coedès đã phiên âm và ghi chép những văn bia và di tích của hầu hết Đông Nam Á. Trong những công trình nghiên cứu về sau, ông đã dẫn hàng nghìn văn bia trong các ngôn ngữ như Sanskrit, Pali, Khmer cổ, Malay cổ, Mon, Thai, Cham, và các ngôn ngữ khác. Trong những cuốn sách và nhiều bài báo, ông đã bàn về tiền sử và cổ sử của các cư dân Đông Nam Á và những tiếp xúc của họ với văn minh Ấn Độ và Trung Quốc. Những công trình nổi tiếng của ông bao gồm: Inscriptions du Cambodge, 8 tập, 1937-1966 (Văn bia Campuchia); Histoire ancienne des états hindouises d’Extrême Orient (Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông), công bố tại Hà Nội năm 1944 (Sau chiến tranh, công trình này được xuất bản tại Paris năm 1948 với tên Les États hindouisés d’Indochine et d’Indonésie (Các quốc gia Ấn Độ hóa ở Đông Dương và Indonesia) và giành được thành công lớn); Les peuples de la Péninsule Indochinoise (Các dân tộc ở bán đảo Đông Dương), 1962. Cuối cùng là hai cuốn sách được dịch sang tiếng Anh với nhan đề The Indianized States of Southeast Asia (1968) và The Making of Southeast Asia (1966). Đây cũng là hai ấn bản hiện đang có tại Thư viện Nguyễn Văn Hưởng mà chúng tôi sẽ giới thiệu tới các bạn lần này.
Có thể nói The Making of Southeast Asia (Sự kiến tạo Đông Nam Á) là công trình sớm nhất của George Coedès được dịch sang tiếng Anh, nguyên bản của nó là Les peuples de la Péninsule Indochinoise (1962). Sách có tổng thể 268 trang được chia làm 5 phần với 16 hình ảnh minh hoạ đã mang tới một cái nhìn toàn diện về lịch sử Đông Nam Á (trừ Indonesia) từ tiền sử cho tới cận và hiện đại như phần nào bổ khuyết cho các công trình trước đó của ông. Đặc biệt là ông đã thêm lịch sử Việt Nam vào công trình nghiên cứu của mình với một cái nhìn bao quát mặc dù ông tự cho rằng mình không có kiến thức chuyên sâu.
Công trình nổi tiếng và đặt dấu ấn của Coedès trong nghiên cứu cổ sử Đông Nam Á phải kể tới The Indianized States of Southeast Asia (1968) (Các quốc gia Ấn Độ hóa ở Đông Nam Á), được dịch bởi Susan Brown Cowing và biên tập bởi Walter F. Vella do Nhà xuất bản Đại học Hawaii ấn hành. Với hơn 400 trang chia làm 14 chương với 6 bản đồ và 2 bảng phả hệ triều đại của Majapahit và Campuchia, Coedès đã cho thấy một lịch sử Đông Nam Á dưới sự “ảnh hưởng” của văn minh Ấn Độ diễn ra như thế nào từ lịch sử, mô hình nhà nước, chữ viết và tôn giáo trong khoảng thời gian từ thế kỷ 1 SCN tới 1500 SCN. Thuật ngữ Ấn Độ hóa (Indianized) cho thấy cách nhìn một chiều về lịch sử của các quốc gia cổ Đông Nam Á (ngoại trừ Việt Nam trong phân vùng văn minh Hán ngữ) như một bản sao áp đặt mô hình (ảnh hưởng) của văn minh Ấn Độ. Điều này thực sự cần được xem xét trong một hệ hình mới phức hợp và đa chiều hơn trong bối cảnh tư liệu và nhận thức ngày nay về khu vực này. Bản dịch tiếng Việt Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông từ nguyên bản tiếng Pháp (Histoire ancienne des états hindouises d’Extrême Orient) đã được Nguyễn Thừa Hỷ dịch sang tiếng Việt (Nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2008) được chúng tôi khuyến nghị nên đọc khi tiếp xúc với bản dịch tiếng Anh này, bởi các bạn sẽ có thêm công cụ xem xét đa dạng hơn về chủ đề này.
Tóm lại, với nguồn tư liệu phong phú, tính khoa học, và tính học thuật cao, những công trình nghiên cứu của George Coedès, đặc biệt là hai ấn phẩm này, là những tài liệu tham khảo không thể bỏ qua khi nghiên cứu lịch sử, văn hóa và nghệ thuật cổ Đông Nam Á. Hân hạnh được giới thiệu tới các bạn.
Nguyễn Anh Tuấn (Thư viện Nguyễn Văn Hưởng)