Philip Caputo
Anh Dũng dịch
Philip Caputo (sinh năm 1941) là nhà văn, nhà báo Mỹ, nổi tiếng với hồi ký A Rumor of War (1977) viết về trải nghiệm của ông trong Chiến tranh Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp đại học, từ năm 1965 đến năm 1966, ông tham chiến tại Việt Nam với tư cách trung úy lính thủy đánh bộ. Sau khi xuất ngũ, ông trở thành nhà báo của tờ Chicago Tribune, giành giải Pulitzer năm 1973 cùng nhiều giải thưởng báo chí và văn học khác. Ông từng là phóng viên quốc tế đưa tin về sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975 và các sự kiện tại Ý, Liên Xô và Trung Đông.
Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc phần “Lời kết” trong cuốn A Rumor of War (Tin đồn chiến tranh) của Philip Caputo, ấn bản đầu tiên, kể về trải nghiệm của tác giả ở miền Nam Việt Nam cuối tháng 4 năm 1975. Khi chuyển ngữ và biên tập, chúng tôi giữ nguyên cách dùng từ của tác giả để đảm bảo tính khách quan và chân thực.

Chúng tôi đang cúi rạp trong hành lang tầng hai của khách sạn Continental Palace, tự hỏi liệu quân đội Bắc Việt cuối cùng đã thực sự tiến vào Sài Gòn hay chưa, và hy vọng điều đó chưa xảy ra. Những bức tường trăm năm tuổi rung nhẹ bởi sức ép từ những quả bom 700 pound (hơn 300 kg) mà máy bay địch đang thả xuống căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt cách đó 5 dặm (khoảng 8 km). Dường như mọi cảnh sát và binh lính trong thành phố đều đang bắn súng trường hoặc súng máy. Tiếng ồn chói tai. Co rúm trong hành lang, chúng tôi không thể biết được liệu những loạt đạn vẫn đang nhắm vào máy bay hay một trận chiến trên từng con phố để giành lấy thủ đô đã bắt đầu. Suốt tháng qua, chứng kiến quân đội Nam Việt Nam thất bại hết trận này đến trận khác, chúng tôi không nghi ngờ gì về việc họ sẽ thua trận này nữa. Điều chúng tôi hoài nghi chính là số phận của chính mình. Lắng nghe tiếng bom nổ vang rền và tiếng lạch tạch của súng bộ binh, chúng tôi hỏi nhau những câu hỏi không có lời giải đáp. Liệu còn đủ thời gian để sơ tán không? Nếu không, chúng tôi – những phóng viên Mỹ – sẽ bị những người chiến thắng cộng sản đối xử ra sao? Trong khoảnh khắc hỗn loạn cuối cùng, liệu những người lính Nam Việt Nam, cảm thấy bị Washington phản bội, có quay súng nhắm vào bất cứ người Mỹ nào họ thấy hay không? Dưới tình huống này, mọi suy đoán đều vô ích. Một trong những người thực tế hơn trong nhóm đề nghị ngừng tranh luận về những điều có thể xảy ra và thay vào đó, tìm hiểu xem điều gì đang thực sự diễn ra. Sau một thoáng do dự, chúng tôi rời khỏi chỗ trú ẩn trong hành lang và bước xuống sảnh. Nơi này chật kín những dân thường hoảng sợ và những đứa trẻ đang khóc lóc; họ bị đẩy vào trong bởi làn đạn ngoài đường phố. Cánh cửa gỗ cao của khách sạn giờ đã cài then, giống như cổng của một tòa lâu đài thời trung cổ. Bốn người trong chúng tôi thận trọng mở cửa và bước ra ngoài.

Tiếng súng bộ binh vẫn còn dữ dội, nhưng dường như nó nhắm vào những chiếc máy bay phản lực của địch đang rít lên trên bầu trời thành phố, mang theo bom hướng về phía căn cứ không quân. Chúng tôi không thấy bóng dáng những người lính mặc quân phục xanh và đội mũ cối – loại mũ đặc trưng của quân địch. Có khá nhiều cảnh sát, lính Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và các phóng viên khác chạy dọc theo các con phố. Họ cũng hoang mang như chúng tôi. Cùng với Ron Yates, đồng nghiệp từ tờ Chicago Tribune, tôi chạy tới văn phòng UPI, cách khách sạn một dãy phố.
Chúng tôi cũng bắt gặp sự hỗn loạn ở đó. Một phóng viên đang gõ bài một cách đầy kịch tính, đội mũ bảo hiểm, mặc áo chống đạn. Những chiếc máy đánh điện lách cách vội vã.
Sau khi đọc các bản tin từ các hãng thông tấn, Yates và tôi nhận định rằng cuộc khủng hoảng cuối cùng, dù đã cận kề, nhưng vẫn chưa đến. Các đơn vị địch vẫn còn cách thành phố một ngày giao tranh nữa. Nghĩ rằng tòa đại sứ Hoa Kỳ sẽ ra lệnh sơ tán vào ngày hôm sau, chúng tôi quay về khách sạn để thu dọn đồ đạc. Khi chúng tôi xong việc, trời đã tối. Cuộc không kích đã kết thúc. Qua khung cửa sổ căn phòng trên tầng cao nhất của tôi, tôi có thể thấy những ngọn lửa bốc lên từ một kho nhiên liệu đang cháy. Những con thạch sùng bám chặt trên các bức tường trắng của căn phòng, trong khi những bức tường rung lên bởi các vụ nổ thứ cấp do bom gây ra. Chúng bất động với sự lãnh đạm của loài bò sát.
Tôi kéo hành lý xuống phòng của Nick Proffitt, dưới phòng tôi hai tầng. Proffitt, phóng viên tờ Newsweek, đã cho tôi tá túc từ tuần trước, khi một quả rocket của địch tàn phá các tầng trên của khách sạn Métropole gần đó. Đã sống sót qua một tháng trong cuộc tấn công năm 1975 ở Việt Nam, tôi không muốn bị nổ banh xác ngay trên giường ngủ. Proffitt thường trêu tôi về nỗi sợ đó. Tôi không bận tâm. Anh ta có thể đùa bao nhiêu tùy thích. Ở tuổi ba mươi ba, với một vợ hai con cần chu cấp, tôi không còn cảm thấy cần phải chứng tỏ điều gì với ai nữa.
Proffitt và tôi thức suốt nửa đêm, uống nốt số bia còn lại, hút hết chỗ cần sa của anh ấy, hồi tưởng về quá khứ và đoán già đoán non về ngày mai. Dù hy vọng tòa đại sứ sẽ ra lệnh sơ tán, chúng tôi vẫn hoài nghi. Cho đến giờ, họ vẫn chưa chịu từ bỏ ảo tưởng rằng Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) có thể chặn đứng bước tiến của quân Bắc Việt.
Cũng như tôi, Proffitt là một “ma cũ” ở Đông Dương. Anh từng là phóng viên ở Việt Nam vào cuối những năm 60 và đầu những năm 70. Khi cuộc tấn công cuối cùng của lực lượng Cộng sản bắt đầu, cả hai chúng tôi đều đang ở Beirut, làm phóng viên thường trú khu vực Trung Đông cho các tờ báo của mình. Sau khi đọc bản tin Đà Nẵng thất thủ qua điện báo tại văn phòng ở Beirut, tôi đã tình nguyện quay lại Sài Gòn.
Bản tin đó đã đánh thức những ký ức chôn vùi từ lâu về những người lính, những tiểu đoàn, những trận đánh và những cuộc tấn công, về những ngọn đồi vô danh chỉ được đánh số và những buổi bình minh ẩm ướt, ảm đạm nơi tiền tuyến. Dù đã rời xa mảnh đất này cả thập kỷ, tôi vẫn có thể hình dung rõ ràng vùng đất Việt Nam mà tôi biết rõ nhất: những đồng lúa và rừng rậm phía tây Đà Nẵng. Như thể một bức màn trong tâm trí được kéo lên, để lộ tấm bản đồ chiến trận chi tiết, với những khu vực nguy hiểm được đánh dấu bằng bút mỡ và những cái tên được gạch dưới – những cái tên có ý nghĩa với tôi, vì đã có người ngã xuống ở đó: Hội Vực, Bình Thái, Đồi 270, Charlie Ridge và Purple Heart Trail. Thật khó để chấp nhận rằng tất cả những nơi ấy giờ đã rơi vào tay địch.
Suốt cả ngày hôm đó, tôi bồn chồn không yên, liên tục kiểm tra máy điện báo để cập nhật tình hình mới nhất. Chẳng mấy chốc, tôi nhận ra rằng 10 năm vẫn chưa đủ dài để cắt đứt mối ràng buộc cảm xúc mà cuộc chiến đã trói chặt tôi. Tôi phải quay lại, dù có rủi ro thế nào đi nữa. Tôi phải chứng kiến tận mắt hồi kết của cuộc chiến, dù nó có vẻ sẽ kết thúc bằng thất bại của lý tưởng mà tôi từng phục vụ khi còn là một người lính. Tôi không thể giải thích cảm giác đó. Dường như tôi tự cảm thấy mình có trách nhiệm phải có mặt ở đó khi mọi chuyện chấm dứt. Thế là tôi gửi một bức điện về trụ sở tòa soạn Tribune, đề nghị hỗ trợ Yates – phóng viên thường trú của tờ báo tại Viễn Đông – đưa tin về cuộc tấn công của quân địch. Ban biên tập đồng ý ngay. Sáng hôm sau, tôi có mặt trên chuyến bay của Air France.
Tôi hạ cánh xuống Tân Sơn Nhứt vào ngày 2 tháng 4, đúng 10 năm 1 tháng kể từ khi tôi đặt chân đến Đà Nẵng cùng Lữ đoàn Viễn chinh số 9.
Một mô tả chính xác về tháng cuối cùng của chiến dịch cuối cùng của Bắc Việt có lẽ sẽ cần đến cả một cuốn sách. Tôi thậm chí không chắc những gì đã diễn ra có thể được gọi là một chiến dịch – đúng hơn, đó là một cuộc di cư. Quân đội Bắc Việt đơn giản chỉ việc quét qua vùng nông thôn, tiến thẳng về Sài Gòn. Ngoại trừ một nỗ lực cầm cự ngắn ngủi vô vọng của một sư đoàn tại Xuân Lộc, QLVNCH gần như không kháng cự đáng kể. Quân đội Nam Việt Nam vỡ vụn. Tan rã. Những cảnh tượng kinh hoàng diễn ra khi những người lính hoảng loạn đánh đập và giẫm đạp dân thường trong cơn tháo chạy khỏi kẻ địch đang áp sát. Vào cuối tháng, bầu không khí sụp đổ hiện rõ mồn một. Không chỉ một đạo quân, mà cả một quốc gia đang tan rã, sụp đổ ngay trước mắt chúng tôi. Những con đường chật kín người tị nạn và lính bại trận. Một số đoàn người kéo dài đến 20 dặm (khoảng 32 km), uốn lượn từ những ngọn đồi và đồn điền cao su về phía những vùng đầm lầy bằng phẳng quanh Sài Gòn. Họ trải dài đến tận chân trời, những dòng người dường như không có điểm đầu cũng chẳng có điểm cuối. Họ lê bước dưới cơn mưa và cái nóng: những thường dân chân trần; những người lính với đôi giày đã mục nát dưới chân – một số vẫn mang theo vũ khí, quyết tâm bám trụ cùng đồng đội, nhưng phần lớn đã bỏ lại tất cả, họ là những con người tan nát, chỉ mong thoát thân. Những đứa trẻ lạc kêu khóc tìm cha mẹ, cha mẹ tuyệt vọng tìm con. Những người bị thương, mình đầy máu khô và băng gạc bẩn thỉu, kẻ lê bước, kẻ nằm chồng chất phía sau những chiếc xe cứu thương. Xe tải, xe buýt, đàn trâu, xe bò với những bánh gỗ kẽo kẹt trên đường. Họ dồn lại thành từng khối đặc quánh, tràn qua các chướng ngại vật, trôi qua xác những chiếc xe tăng cháy rụi, lướt qua những thi thể và mẩu thi thể thối rữa bên vệ đường. Và từ phía sau đoàn người tháo chạy đó, vang lên tiếng bom rơi, tiếng pháo nổ – những âm thanh trầm đục của con quái vật chiến tranh đang nuốt chửng những nạn nhân của nó.
Những cảnh tượng ấy chứa đựng quá nhiều đau khổ của con người đến mức tôi không thể phản ứng gì. Nó khiến tôi tê liệt. Bất kể kết cục ra sao, tôi chỉ muốn nó kết thúc. Nhưng đồng thời, một phần trong tôi không muốn thấy nó kết thúc bằng một chiến thắng của Bắc Việt. Tôi cứ nghĩ về Levy, về Sullivan, về tất cả những người khác, và có gì đó trong tôi gào thét trước sự uổng phí của những mạng sống ấy. Cuộc chiến đã thua, hoặc gần như đã thua. Những người đó đã chết vô nghĩa. Họ đã hy sinh tất cả nhưng chẳng để làm gì.
Tôi nghĩ những cảm xúc mâu thuẫn này là điều thường thấy ở những cựu binh Mỹ, những người, giống như tôi, vừa phản đối cuộc chiến nhưng cũng bị ràng buộc tình cảm với nó. Sau khi giải ngũ khỏi Thủy quân lục chiến vào giữa năm 1967, tôi dần bị cuốn vào phong trào phản chiến, dù chưa bao giờ thực sự gắn bó sâu sắc. Cuối cùng, tôi tham gia tổ chức “Cựu chiến binh [từng chiến đấu ở Việt Nam] chống chiến tranh” (Vietnam Veterans Against the War), nhưng hành động phản đối rõ ràng nhất của tôi diễn ra vào năm 1970, khi tôi gửi những dải ruy băng huân chương của mình đến Tổng thống Nixon, kèm theo một bức thư dài và cay đắng giải thích lý do tôi phản đối chính sách của Mỹ ở Đông Dương. Tôi đã ngây thơ nghĩ rằng một hành động cá nhân như vậy sẽ có tác động mạnh mẽ hơn những cuộc tuần hành quy mô lớn. Khoảng một tháng sau, tôi nhận được một phong bì có địa chỉ người gửi là “Nhà Trắng”, bên trong là những tấm huân chương của tôi cùng một mảnh giấy ngắn ngủn, do một viên chức vô danh nào đó viết. Nội dung chỉ nói rằng Cơ quan Hành pháp của chính phủ Hoa Kỳ không có thẩm quyền tiếp nhận hoặc lưu giữ huân chương quân sự, vì vậy, những dải ruy băng của tôi được trả lại. Cuối thư là một dòng chữ đầy ẩn ý: “Quan điểm của ông về chính sách của Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam đã được ghi nhận và báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền”. Sự kiện đó tóm gọn toàn bộ sự nghiệp phản chiến của tôi. Hành động phản kháng cá nhân vĩ đại của tôi hóa ra chỉ là vô ích – cũng vô ích như chính cuộc chiến. Dường như tôi có xu hướng mãi theo đuổi những lý tưởng thất bại.
Proffitt và tôi thiếp đi lúc tang tảng sáng. Nằm trên sàn, sau lớp đồ đạc mà tôi đã dùng để chắn cửa sổ, tôi choàng tỉnh giấc khi quân Bắc Việt bắt đầu pháo kích Tân Sơn Nhứt và một phần thành phố bằng rocket cùng pháo dã chiến 130mm. Đó là ngày 29 tháng Tư. Cuộc pháo kích kéo dài suốt 6 tiếng đồng hồ. Khoảng 10 giờ 30, một phóng viên có máy bộ đàm dân dụng dò được tần số của Tòa đại sứ Hoa Kỳ thông báo: “Họ vừa báo tin. Xong rồi. Di tản toàn bộ, 100%. Thế là bye-bye”.
Một cuộc tháo chạy vội vã, không mấy vẻ vang diễn ra sau đó. Đám đông phóng viên, nhân viên tòa đại sứ, dân thường Việt Nam và đủ hạng người “di tản” lảo đảo chạy qua những con phố vắng vẻ, hướng về các điểm tập trung. Khi đi ngang một nhóm lính dân vệ VNCH, tôi gượng cười với họ. Một người hỏi: “Về nhà hả? Mỹ đi đi!”
“Ừ”, tôi đáp, cảm giác như một kẻ đào ngũ, “Mỹ đi đi”.

Đoàn người tạp nham của chúng tôi cuối cùng được hướng dẫn đến một khu tập kết đối diện một bệnh viện. Những cột khói đen bốc lên từ ngoại ô thành phố, và ai đó nói rằng quân Bắc Việt đã xuất hiện cách chỗ chúng tôi đứng chỉ hai dặm (hơn 3 km). Chúng tôi đứng lặng, mồ hôi đầm đìa, lắng nghe tiếng pháo 130 mm dội đều đặn. Cuối cùng, hai chiếc xe buýt màu xanh ô liu xuất hiện, dẫn đầu là một xe hơi có đèn hiệu nhấp nháy. Chúng tôi chen chúc leo lên, mỗi xe nhồi chặt 60 – 70 người, cả đoàn nhỏ lăn bánh hướng về Tân Sơn Nhứt.
Chúng tôi vừa đi qua cổng chính phi cảng thì một máy bay của VNCH cất cánh khỏi đường băng tan nát đầy khói. Đó là một chiếc máy bay vận tải C-119 cũ kỹ, chưa kịp lên cao quá vài trăm feet (100 – 150 mét) thì một quả cầu lửa xoáy tròn bốc lên phía sau. Một tiếng nổ lớn vang lên khi tên lửa phòng không lao thẳng vào chiếc C-119, khiến nó rơi xuống thành phố. Sự căng thẳng của chúng tôi nhanh chóng chuyển thành sợ hãi, vì chúng tôi sắp được di tản bằng trực thăng. Một mục tiêu dễ bị bắn hạ.



Xe buýt dừng lại trước một khu phức hợp được gọi là Văn phòng Tùy viên Quốc phòng. Vào thời kỳ cao điểm Mỹ tham chiến, nơi này từng được gọi là “Lầu Năm Góc Phương Đông” và là tổng hành dinh của tướng Westmoreland. Sân tennis gần đó được chọn làm bãi đáp trực thăng. Chúng tôi lục tục bước xuống, bị thúc giục bởi một quả đạn pháo nặng rơi xuống đường băng cách đó chỉ 75 thước (gần 70 mét). “Đừng hoảng loạn”, ai đó cất giọng, cao hơn hẳn mấy tông so với bình thường
Bên trong tòa nhà, chúng tôi xếp hàng, chia thành từng nhóm lên trực thăng và đeo thẻ đánh dấu. Mỗi mét hành lang dài trong tòa nhà đều chật kín người – người Mỹ, người Việt di tản, phóng viên từ hàng chục quốc gia, thậm chí có cả vài chủ đồn điền già nua người Pháp. Những bức tường rung lên bởi các đợt pháo kích dội vào đường băng. Tiếng súng bộ binh lách tách ở vòng ngoài căn cứ không quân. Đây sẽ là một bãi đáp nguy hiểm. Tôi mong đó sẽ là bãi đáp cuối cùng của mình, và cố không nghĩ đến những quả tên lửa phòng không.
Chúng tôi mướt mồ hôi chờ đợi đến tận chiều muộn, khi những chiếc trực thăng đầu tiên của Thủy quân Lục chiến xuất hiện. Đó là những chiếc CH-53 cỡ lớn, mỗi chiếc có thể chở số người ngang với một máy bay dân dụng nhỏ. “Được rồi, đi thôi!” một trung sĩ Thủy quân Lục chiến trong đội bảo vệ tòa đại sứ quát lớn. “Bỏ hết hành lý lại. Không còn chỗ cho mấy thứ đó đâu. Nhanh! Nhanh! Nhanh!” Tôi bỏ chiếc vali mà mình đã lôi theo suốt cả ngày và lao ra cửa, chạy băng qua sân tennis về phía trực thăng. Lính thủy quân lục chiến phòng vệ quanh bãi đáp, vũ khí hướng về phía những lùm cây và đồng lúa ở rìa phi trường. Cùng với khoảng 60 người khác, một nửa là dân thường Việt Nam và sĩ quan QLVNCH, tôi chen chúc leo lên một trong những chiếc CH-53.
Trực thăng cất cánh, nhanh chóng vút lên cao. Chỉ trong vài phút, chúng tôi đã ở độ cao 6000 feet (hơn 2100 mét), nhìn xuống dưới thấy xác chiếc máy bay vận tải của VNCH vẫn đang cháy. Mọi thứ đều quá quen thuộc: tiếng ồn chói tai bên trong trực thăng; những xạ thủ ở cửa máy bay khom người sau khẩu súng máy, nòng súng hướng xuống tấm lưới xanh nâu của Đồng bằng sông Mekong, nơi những dòng sông ngập lụt tỏa ra như những mạch máu; và sự chờ đợi căng thẳng – vừa đáng sợ vừa phấn khích – khi chúng tôi dõi mắt tìm những vệt đạn lửa hay quả cầu xoáy sáng rực của tên lửa tầm nhiệt. Một quả đã bắt đầu lao lên, nhưng chiếc trực thăng dẫn đầu đội hình đã đánh lạc hướng nó bằng một quả pháo sáng mô phỏng sức nóng động cơ máy bay. Chúng tôi cũng bị bắn từ mặt đất – làn đạn đến từ lính VNCH, những người có lẽ đã cảm thấy mình bị Mỹ phản bội.
Tâm trí tôi vụt quay về một thập kỷ trước, về cái ngày chúng tôi hành quân vào Việt Nam, vênh váo, đầy tự tin và tràn trề lý tưởng. Chúng tôi đã tin rằng mình đến đó vì một sứ mệnh đạo đức cao cả. Nhưng bằng cách nào đó, lý tưởng ấy đã mai một, đạo đức bị băng hoại, và mục đích cũng bị lãng quên.

Chúng tôi đến bờ biển khoảng 20 phút sau đó. Chúng tôi đã thoát khỏi nguy hiểm, ra khỏi tầm bắn của tên lửa, không còn nguy cơ trở thành những người Mỹ cuối cùng bỏ mạng ở Việt Nam. Các xạ thủ buông lỏng tay khỏi khẩu súng máy cỡ nòng .50, mỉm cười và giơ ngón tay cái ra hiệu “ổn cả rồi”. Lướt qua Biển Đông, bay trên hàng nghìn con thuyền đánh cá chất đầy người tị nạn, chiếc CH-53 đáp xuống tàu U.S.S. Denver, một tàu đổ bộ trực thăng thuộc Hạm đội Bảy được triển khai cho chiến dịch di tản. Có tiếng vỗ tay vang lên khi máy bay hạ cánh xuống boong tàu. Khi chúng tôi lần lượt bước ra, một lính thủy quân lục chiến vỗ vào lưng tôi và nói: “Chào mừng anh về nhà. Tôi cá là anh quá mừng vì đã thoát khỏi đó”. Dĩ nhiên, tôi mừng. Tôi hỏi anh ta thuộc đơn vị nào. “Lữ đoàn Viễn chinh số 9”, anh ta đáp. Lữ đoàn Viễn chinh số 9, cùng đơn vị mà tôi đã theo khi đặt chân đến Đà Nẵng. Nhưng những người lính thuộc đơn vị ấy bây giờ có vẻ hoài nghi hơn nhiều so với chúng tôi 10 năm trước. Người lính thủy quân lục chiến đó nhìn về đường viền xanh nhạt của bờ biển Việt Nam và nói: “Chà, vậy là có một quốc gia mà ta không còn phải rót hàng tỷ đô la vào nữa”.

Những người di tản được làm thủ tục và đưa xuống boong tàu nóng hầm hập để ăn một bữa. Hầu hết chúng tôi đều lâng lâng vì nhẹ nhõm, nhưng một nhà ngoại giao buồn bã từ Tòa đại sứ Mỹ chỉ ngồi lẩm bẩm một mình: “Thế là hết. Mọi chuyện chấm dứt rồi. Kết thúc một thời đại. Một cái kết tệ hại, nhưng rồi nó cũng phải kết thúc theo cách nào đó”. Mệt mỏi và đầm đìa mồ hôi, ông ta chỉ biết lắc đầu. “Kết thúc một thời đại”. Có lẽ đúng là như vậy, nhưng tôi đã quá mệt để suy ngẫm về ý nghĩa lịch sử của sự kiện mà mình vừa trải qua: Nước Mỹ đã thua cuộc chiến đầu tiên trong lịch sử.
Ngày hôm sau, 30 tháng Tư, thuyền trưởng thông báo rằng chính phủ Sài Gòn đã đầu hàng Bắc Việt. Chúng tôi đón nhận tin ấy trong im lặng. Thế là hết.■