Gabrielle M. Vassal là một phụ nữ người Anh, theo chồng là bác sĩ quân y người Pháp sang phục vụ tại Viện Pasteur ở Nha Trang hồi đầu thế kỷ 20. Bà đã viết cuốn sách “On & Off Duty in Annam” (Làm việc và nghỉ ngơi ở An Nam), xuất bản năm 1910 tại London, để kể lại những trải nghiệm và quan sát của mình về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa Việt Nam vào thời điểm đó. Bà dành hẳn một chương (Chương 8: Địa vị xã hội của phụ nữ) viết về phụ nữ Việt Nam nhiều quan sát thú vị. Theo bà Vassal, mặc dù phụ nữ Việt còn phải chịu nhiều bất công dưới chế độ phụ hệ, song nhìn chung, phụ nữ Việt có địa vị xã hội cao, không thua kém các nền văn minh phương Tây. Dưới đây là bản dịch chương sách này.
***
Xem Kỳ 1
Kỳ 2: Nét đẹp và lối sống của phụ nữ Việt
Người An Nam trọng vọng kiến thức; họ chỉ lựa chọn quan lại trong số các học giả. Mọi bằng cấp đạt được ở các cuộc khảo thí tương ứng với một chức vụ trong chính quyền, vậy nên An Nam có thể được coi như một nền dân chủ lý tưởng, trong đó quyền hành chỉ nằm trong tay những người uyên bác nhất. Ngay cả người nông dân nghèo khổ nhất cũng có khả năng viết được vài trăm chữ và thảo một đơn thỉnh cầu. Mọi làng xã An Nam đều có một trường tiểu học, nhưng chỉ dành riêng cho con trai. Các em bé gái không đi học ở trường làng. Đây là một yếu tố quan trọng cần ghi nhớ khi tìm hiểu cuộc sống của phụ nữ An Nam. Xem ra không có luật lệ nào cấm bé gái đi học. Các nhà làm luật An Nam vốn thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa đã biểu lộ một khuynh hướng tiến bộ trong vấn đề quyền phụ nữ, và họ sẽ không bao giờ phạm phải một bất công như thế. Do đó, việc bé gái không tới trường chỉ hoàn toàn là do phong tục, nhưng hơn bất kỳ điều gì khác, điều đó cản trở sự tiến bộ của phụ nữ.
Em bé gái An Nam do đó chỉ được dạy tại nhà. Nếu cha mẹ em nghèo khó và không có thì giờ dạy dỗ cho em, em lớn lên gần như hoàn toàn ngu dốt. Việc học chữ nghĩa thì khó và trường kỳ; mà phải học từ bé vì lúc đó trí nhớ mới tốt. Có một số em gái nhỏ học được đủ chữ nghĩa để sau này có thể giữ sổ sách kế toán hay trợ giúp trong một doanh nghiệp.
Vẫn có một số ít phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc giàu có nhận được một nền giáo dục tốt. Những người này có khả năng đọc, hiểu, và thảo luận về Nho giáo.
Trước khi người Pháp chiếm đóng, trên khắp cõi An Nam không hề có lấy một trường học dành cho con gái. Các giáo sĩ truyền đạo đã phá vỡ truyền thống này bằng việc giáo dục các em gái mồ côi. Vào thời điểm hiện nay, đã có những phụ nữ nắm giữ chức vụ trưởng cơ quan tại Sài Gòn và Hà Nội, và riêng ở Hà Nội, một số xưởng sản xuất đồ lụa và đồ chạm khắc chuyên được phụ nữ quản lý.
Những người vợ của các nghệ nhân nổi tiếng là sắc sảo và khôn ngoan trong việc kinh doanh y như chồng của họ, và vì lý do này, các thương gia Trung Hoa lại hay chọn lấy vợ là người An Nam.
Những người vợ cả của các quan lại không làm việc tay chân, bởi việc đó bị xem là hạ bớt phẩm giá của mình. Đôi khi họ có làm bánh kẹo cho vui, nhưng những công việc hàng ngày trong gia đình, chẳng hạn như nấu ăn, khâu vá và quét dọn, đều dành cho những người đàn bà khác trong gia đình. Họ không bao giờ dệt vải hay thêu thùa, bởi làm sao họ làm việc đó được! Móng tay của họ được giữ cho mọc dài đến 10 hay 15 phân! Họ dành nhiều thời gian cho ca hát và âm nhạc.
Điều bất ngờ là trong số các phụ nữ An Nam, vốn là những người mẹ khỏe mạnh và hoàn hảo một cách tự nhiên, các bà thuộc tầng lớp giàu có hơn không bao giờ tự nuôi nấng các con nhỏ của mình, mà lại thuê vú em để nuôi chúng. Một vị quan cho tôi hay rằng chỉ có một trong cả ngàn người tự mình nuôi nấng con nhỏ.
Người vợ lẽ chịu trách nhiệm bày biện hoa lá, chăm sóc cây cảnh và non bộ. Một trong những công việc chính yếu khác của bà là cung cấp cho đầy đủ và sắp xếp tráp đựng trầu cau. Bà cũng dành nhiều thời gian cho việc trang điểm, và quy trình này phức tạp không kể xiết: tắm rửa, đấm bóp, tô môi và lông mày, sơn móng tay, mặc thử các y phục khác nhau, thay đổi kiểu tóc, bôi tay bằng các loại dầu thơm khác nhau, và cuối cùng là một công việc quan trọng không kém: tập cười khi soi gương. Bà còn hút những điếu thuốc lá mỏng mảnh. Vợ của quan lại không hề bị cấm cung, và bà thường đi thăm vợ của các viên quan khác. Nhưng thú tiêu khiển chính của bà ta là đánh bài; có lẽ không thậm xưng khi nói bà dành hơn một nửa cuộc đời để chơi bài.
Nhiều bà vợ của Hoàng Đế An Nam hầu như cũng dùng thời giờ theo cách đó. Những bậc quân vương quyền uy này lúc nào cũng muốn bao quanh mình một hoàng cung trong đó phái nữ chiếm ưu thế. Những văn bản về An Nam do đàn ông viết đã nói đến hàng trăm bà vợ của ông vua. Một quân vương chỉ có quyền có ba bà vợ chính thất, nhưng có thể có vô số thê thiếp hạng hai, bởi tất cả các quan lớn đều mong muốn con gái mình được sống trong hoàng cung. Nhưng sẽ là điều sai lầm nếu kể trong số phụ nữ được sủng ái trong cung bao gồm cả các vũ công, đào hát, ca nữ, và kịch sĩ thường hay lui tới nơi này. Nhà Vua được phục vụ bởi các bà vợ quỳ gối [tuyệt đối phục tùng].
Người An Nam có câu tục ngữ: “Ớt nào là ớt chẳng cay, Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng”. Sự cạnh tranh và ganh đua giữa những người đàn bà trong cung đôi khi đến mức không thể tin được. Nhiều mưu mô được ấp ủ, nhiều sự lừa gạt và thủ đoạn được thực hiện nơi cung cấm. Trong bầy thiếu nữ nổi tiếng là những người đẹp nhất tại An Nam, tất cả sự thông minh và điệu nghệ, tất cả các nét tinh xảo của trang phục, đều được vận dụng. Họ tự tin về sắc đẹp và sự quyến rũ của mình, bởi họ đã được tuyển chọn kỹ lưỡng từ rất nhiều những thiếu nữ cùng trang lứa. Tuy nhiên, các nỗ lực không được buông lơi, mục tiêu của tất cả bọn họ là làm vừa lòng vị quân vương, làm vừa lòng với bất cứ giá nào.
Để xuất hiện trong các buổi lễ tại hoàng cung, trang phục không thể nào được lựa chọn tùy hứng. Các sắc dụ cổ xưa quy định màu sắc của lụa may và mức độ dày đặc của hình thêu. Dù sao đi nữa, vẫn có chỗ để thể hiện sự độc đáo của cá nhân.
Khi trang điểm xong, họ mang bài ra chơi, hay những người thông minh hơn trong số họ sẽ cho mời các thầy dạy đọc trong cung và lắng nghe say mê những câu chuyện phiêu lưu hay tình ái. Họ hút thuốc liên tục, cùng lúc uống trà, thưởng thức bánh trái và mứt gừng. Các bà vợ của nhà vua cắm hoa trong các phòng của cung điện và chất đầy tráp đựng trầu cau. Những phụ nữ được sủng ái của Hoàng Gia hiếm bao giờ được trông thấy bên ngoài cổng cung điện, hay giữa công chúng.
Trước khi mô tả cho tôi các tiêu chí tổng quát của vẻ đẹp đặc trưng ở xứ sở này, một vị quan rất cẩn trọng giải thích rằng “khi chọn vợ thì phẩm chất tinh thần và đức hạnh quan trọng hơn nhiều so với vẻ đẹp bề ngoài.” Đây chính xác là lời của ông ta. “Ngoài ra,” ông nói thêm, “chàng thanh niên không phải là người có tiếng nói quan trọng nhất trong vấn đề này.”
Dù sao đi nữa, các nhà thơ và tình nhân của xứ sở này đã phác họa một nhân dáng lý tưởng có phần nào đó như sau:
Kích thước vòng eo không được quá hiển hiện, bởi nếu nó quá lớn hay quá nhỏ, sẽ tạo ra một sự thiếu hòa hợp.
Tóc dài nhất và đen nhất là đẹp nhất.
Khuôn mặt phải có hình trái xoan dài, và phải có nét cân đối toàn diện. Người Trung Hoa thích khuôn mặt tròn. Về vẻ đẹp phái nam, người An Nam đòi hỏi các nét góc cạnh và xương gò má nhô cao. Một nhà thơ bản xứ từng viết rằng “Mắt của người yêu ngời sáng như mắt phụng, lông mày của nàng có những đường cong thanh tú như mày của con tằm. Gót chân nàng thì đỏ như son.” Câu này đã trở thành một câu thành ngữ phổ thông, có lẽ là một trong những câu nổi tiếng nhất đối với người An Nam.
Mắt phụng, “Eye of an eagle”
Mày tằm, “eyelash of a silkworm”
Gót son, “Heel like red ink”
[các phần dịch ra Anh ngữ là trong nguyên bản, chú của người dịch]
Không cần phải tưởng tượng nhiều để có thể thẩm định vẻ đẹp của một cái liếc nhìn chế ngự sâu đậm, mãnh liệt như đôi mắt của con chim phụng; nhưng chỉ riêng người Á Đông mới tán thưởng nét cong lý tưởng của lông mày đến thế! Và chúng ta sẽ nói được gì về gót hồng, gót son đỏ thắm, bàn chân nhỏ bé được tô màu đỏ bởi một nét phất bút nhẹ nhàng của một nàng tiên! Sự ngưỡng mộ này, mang tính An Nam rất điển hình, phần nào làm chúng ta ngạc nhiên. Làm sao mà một nét thẩm mỹ như thế lại bị người Châu Âu lãng quên, trong khi đối với toàn thể dân tộc này, đó là một đường nét có tầm quan trọng hạng nhất. Đây là lý do tại sao người phụ nữ An Nam dù có tiền mua giày nhưng vẫn để chân trần, hoặc mang một đôi dép tí hon chỉ đủ che phủ đầu ngón chân.
Liệu có thể có bất kỳ mối quan hệ nào giữa khiếu thẩm mỹ đặc biệt này của người An Nam với điều đã thúc đẩy người Trung Hoa làm biến dạng bàn chân người phụ nữ của họ? Nhưng điều đáng chú ý là phụ nữ Trung Hoa cực kỳ lưu tâm đến bàn chân. Sẽ bị xem là thiếu nhã nhặn khi người đàn bà tại Đế Quốc Thiên Triều này để lộ bàn chân của mình, và các họa sĩ luôn luôn vẽ chúng trong trạng thái được che dấu bên trong y phục. Người An nam không có kiểu thái độ khiêm tốn đặc biệt này, và, như tôi đã viết ở trên, họ thẳng thắn ngưỡng mộ gót son.
Bàn tay phải nhỏ, ngón tay phải dài và thon. Cổ tay tròn lẳn và trắng là nét quan trọng.
Người An Nam cũng rất cầu kỳ về giọng nói – họ ngưỡng mộ âm thanh nhỏ nhẹ và êm tai.
Cách đi và dáng điệu của phụ nữ An Nam thì thanh nhã nhất. Ngay từ nhỏ, họ đã rèn giũa dáng đi, mặt ngước cao, ngực ưỡn mà không mang vẻ cứng ngắc hay phô trương, và đôi tay đong đưa tự nhiên, nhịp nhàng.
Nụ cười làm hiện ra đôi má lúm đồng tiền thì quyến rũ đối với họ cũng như đối với chúng ta.
Lịch sử và văn chương lưu truyền cho chúng ta tên tuổi của một số ít những người đàn bà nổi tiếng. Trong số những người nổi tiếng nhất phải kể đến nữ anh hùng đất Đông Kinh [Bắc Việt]: Nữ Vương họ Trưng là người sau khi giải phóng đất nước khỏi sự đàn áp của Trung Hoa, đã trị vì từ năm 39 đến năm 36 trước Công Nguyên. Bà được trợ giúp bởi người em gái tên là Trưng Nhị. Khi Trung Hoa một lần nữa chiếm đoạt xứ sở, hai vị nữ anh hùng đất Bắc đã tự kết liễu đời mình trong oanh liệt.
Trong những thời kỳ khó khăn, đói kém, hay khi thiên tai xảy ra trên khắp cả nước, phụ nữ thuộc tầng lớp giàu có hơn thường thể hiện vai trò nổi bật. Một số Hoàng Thái Hậu đã tham gia việc chính trị. Ví dụ, mẹ của vua Tự Đức quy định rằng bà sẽ xem xét mọi chỉ dụ trước khi được tuyên sắc. Trên sân khấu và trong thi ca, phụ nữ thường được khắc họa trong bối cảnh họ tự mình đương đầu với hiểm nguy và thực hiện các chiến công để giải thoát hay trả thù cho chồng.
Trong giới phụ nữ, tỉ lệ tội phạm thấp hơn ở đàn ông rất nhiều. An Nam dường như có ít gái lầu xanh hơn so với Trung Hoa. Phụ nữ Trung Hoa không bao giờ được nhìn thấy trên sân khấu, các vai của phụ nữ luôn luôn do đàn ông đảm nhiệm. Tại An Nam phụ nữ đóng vai trò tích cực trong các màn trình diễn. Tuy nhiên, cả nữ diễn viên và vũ công đều bị cho là rất thấp kém trong bậc thang xã hội, và bị khinh miệt một cách công nhiên.
Phụ nữ An Nam không bao giờ hút thuốc phiện. Điều khó hiểu là mặc dù một người đàn ông mắc vào thói hư này vẫn được đối xử với sự dung dưỡng, thì một người đàn bà sẽ bị chỉ trích thậm tệ nếu bắt chước đàn ông.
Việc giết con thì cực kỳ hiếm có, những người bản xứ mà tôi dò hỏi tin tức còn cho rằng không thể nào xảy ra một chuyện như thế.
Phụ nữ đi thăm viếng lẫn nhau, nhưng không bao giờ đón tiếp đàn ông tới thăm. Mặc dù họ không bị gạt ra ngoài các buổi lễ công cộng, nhưng họ chỉ đóng một vai trò không quá nổi bật trong các buổi lễ đó.
Người vợ không được phép ngồi ăn cùng lúc với người chồng, kể cả trong ngày cưới, hay bất kỳ thời điểm nào trong tương lai. Chính vì thế, đương nhiên là người đàn bà sẽ không bao giờ tham dự cùng với những người đàn ông khác trong bất kỳ bữa ăn công khai nào. Ở các tầng lớp thấp kém hơn, nghi thức nghiêm khắc này được nới lỏng hơn, nhưng cũng chỉ trong trường hợp cần thiết và bất đắc dĩ.
Người phụ nữ được phép đi xem hát, và đó là thú vui khiến họ háo hức nhất; tuy nhiên, ghế ngồi của họ luôn luôn được tách biệt khỏi chỗ ngồi của đàn ông.
Một người Châu Âu đến thăm một viên quan người An Nam thì không được phép hỏi thăm các bà vợ của ông ta. Trừ khi đó là bạn thân hoặc có quan hệ rất thân thiết, nếu không, một câu hỏi như thế bị xem là một sự sỉ nhục.
Trong thời kỳ sinh nở, phụ nữ được các bà đỡ (bà mụ) chăm sóc. Một bác sĩ có thể đến khám vì những bệnh khác, nhưng không bao giờ vì việc này. Ông ta không làm gì nhiều hơn là xem mạch, và ngay khi đó ông cũng cẩn thận dùng vải áo để ngăn cách những ngón tay của ông với làn da của nữ bệnh nhân. Đối với một người An Nam, việc mời một bác sĩ người Pháp đến thăm khám cho thấy họ đã gạt bỏ nhiều thành kiến, và đó là một bằng chứng của sự tin tưởng.
Như vậy, có thể nói phụ nữ An Nam khác với phụ nữ Tây Phương về cung cách và phong tục nhiều hơn là về vị thế xã hội. Trong nhà, họ nhận được sự kính trọng và lòng hiếu thảo; ngoài xã hội, họ được luật pháp thừa nhận nhiều quyền hạn. Khi nghĩ đến tục bó chân đôi khi đày đọa phụ nữ Trung Hoa, chúng ta hiểu rằng phụ nữ An Nam đã được đối xử tốt đẹp biết bao so với một số phụ nữ láng giềng ở miền viễn Đông.
Được quản trị bởi các nguyên tắc như thế, gia đình An Nam hẳn phải có một tương lai thịnh vượng phía trước.
Nếu tục thờ cúng tổ tiên đã góp phần lớn củng cố sự vững chắc của cuộc sống gia đình và sự vĩ đại của dân tộc, nó cũng có khuynh hướng khiến họ phóng đại truyền thống. Như người Nhật đã minh chứng, tín ngưỡng này không nhất thiết chống lại sự tiến bộ. Nếu muốn biết về các khả tính và giá trị đạo đức của người An Nam, chúng ta chỉ cần nhìn vào đời sống gia đình An Nam và cách đối xử đầy kính trọng của họ dành cho phụ nữ./.
Ngô Bắc dịch và chú giải
Nguồn: Gabrielle M. Vassal, On & Off Duty in Annam, London: William Heinemann, 1910, các trang 138-147