Tsai Maw Kuey
Năm Kỷ Mùi (1679), vì không theo nhà Thanh, bốn vị tướng nhà Minh đã đem hơn 3.000 người cùng 50 chiếc thuyền từ Quảng Đông (Trung Quốc) vào hai cửa biển của Việt Nam xin qui phụ. Nghe theo lời bàn của triều thần, chúa Nguyễn Phúc Tần đã cho họ vào khai khẩn những vùng đất ở phía Nam. Từ đó, nhóm người Hoa này đã vỡ đất phá hoang, cày ruộng, dựng nhà và phố chợ, buôn bán với thương nhân đến từ nhiều nước khác… và dần dần hình thành nên một trong những khu phố Hoa kiều lớn nhất trên thế giới.
Tạp chí Phương Đông xin trích cuốn sách “Người Hoa ở miền Nam Việt Nam” của Tsai Maw Kuey (Paris, 1968) giới thiệu với bạn đọc về quá trình nhập cư của người Hoa vào Việt Nam vào cuối thế kỷ XVII, về sự hình thành của thành phố Chợ Lớn, cùng các chính sách của triều đình nhà Nguyễn đối với cộng đồng này trước khi Việt Nam bị Pháp xâm lược.
Sự thành lập của Chợ Lớn
Nhóm quân đội thứ hai tình nguyện đi lưu đày đã đổ bộ ở Đà Nẵng vào năm 1679. Thực ra, thì số 3.000 người của nhóm này thuộc về hai đoàn quân khác nhau của tỉnh Quảng Đông. Họ ra đi cùng một lúc, mang theo khí giới và hành lý trên hơn 50 chiếc tàu. Hình như không có sự hợp nhất của hai đoàn, mà mỗi đoàn đều có người lãnh đạo riêng. Đoàn thứ nhất có Tchen-Tchang-Tchouen (Trần Thượng Xuyên), chỉ huy các quận Kao lei và In lien, phụ tá là bộ tướng Tchen An Ping (Trần An Bình); đoàn thứ hai do Yang Yen Ti (Dương Ngạn Địch), quận trưởng quận Long Môn và bộ tướng của ông là Houang Chin (Hoàng Tiến) điều khiển. Những người lãnh đạo đi một mình đến Thuận Hóa (Huế) xin tá túc với triều đình Việt Nam. Nhưng Hoàng đế Việt Nam không muốn cho họ ở Đà Nẵng vì sợ bị Bắc Kinh trả thù, và cũng để tránh những xáo trộn không khỏi gây ra bởi một binh đội ngoại quốc lớn như thế ở quá gần kinh đô. Nhà Vua bèn giải quyết bằng cách cho họ vào khai phá miền đất mới là Thủy Chân Lạp, mới vừa chiếm được của Campuchia, với nhiệm vụ duy nhất là đóng các thứ thuế ruộng đất hiện hành. Những người lãnh đạo bèn đem quân lính của họ đi vào phương Nam, đi riêng từng đoàn một.
Trần Thượng Xuyên cùng với đoàn người đi theo ông đến lập nghiệp ở Trấn Biên (sau này là Biên Hòa) và bắt đầu khai khẩn vùng Đồng Nai khi ấy hoàn toàn là rừng rú. Vốn sẵn là nông dân, những người mới đến đã thành công mau chóng trong việc biến đất hoang thành đồng ruộng phì nhiêu. Riêng phần Dương Ngạn Địch, ông này chia người của đoàn ông thành hai toán, chính ông giữ một toán ở đất Phan Trấn (hay Phiên Trấn, sau này là Gia Định) và giao toán kia cho phụ tá của ông là Hoàng Tiến, ông này dẫn họ đến Mỹ Tho trên sông Mê Kông. Khôn ngoan, khéo léo, siêng năng, giỏi xử sự, những người mới đến này tỏ ra là những người buôn bán và thợ thủ công tài giỏi. Sự có mặt của họ góp phần rất nhiều vào sự thịnh vượng của nội thương và ngoại thương của xứ này. Những kỹ thuật mới họ nhập khẩu làm cho ngành thủ công địa phương bành trướng một cách cấp tốc. Trong khi Dương Ngạn Địch thành công trong việc biến Phan Trấn thành một giang khẩu phồn thịnh, thì bộ tướng của ông là Hoàng Tiến lại nuôi nhiều dự định trên vùng Châu thổ sông Mê Kông nên ông không chăm lo việc trồng trọt gì cả, vì rằng tên tướng võ này, khích lệ bởi sự thành công của Mạc Sĩ Lân[2], đã nuôi dưỡng tham vọng thầm kín là tạo dựng một vương quốc thực sự cho riêng mình. Năm 1688 ông giết vị chánh tướng của mình, chiếm giữ đất Phan Trấn và khởi công chinh phục Campuchia. Hành động táo bạo này gây nhiều hậu quả trầm trọng: Hoàng Tiến chết ở chiến trường trong khi quân đội Khmer tràn sang miền Đông Nam Bộ. Trần Thượng Xuyên bèn can thiệp và đánh đuổi người Campuchia về nước họ.
Vào năm 1698, nước Chân Lạp đã có một dân số gồm 40.000 gia đình, trong số đó có một tỷ lệ quan trọng là người nhập cư Trung Hoa ở rải rác trên một diện tích đất đã khai phá rộng 1.000 dặm. Triều đình Huế cử quan khâm sai Nguyễn Hữu Chỉnh (Nguyễn Cư Trinh) vào để vạch rõ ranh giới của những quận huyện mới và quy tụ dân chúng lại. Đất Đồng Nai do đó trở thành huyện Phước Long với huyện lị là thị trấn Trấn Biên ở vùng Sài Côn (tên xưa của Sài Gòn) thuộc quận Tân Bình (quận lị: Phan Trấn). Vì có đông người nhập cư Trung Hoa ở rải rác trong hai vùng đất mới đó, Nguyễn Hữu Chỉnh (?) quyết định tập trung họ vào những vùng cư trú riêng biệt. Do đó mà Trấn Biên đã sáng lập ra làng Thanh Hà, hay “Làng của những người Thanh”, cho những người mới ra nhập cư và những người vừa mới đến được xem như thần dân của đế quốc Mãn Thanh và ở làng Phan Trấn là làng Minh Hương, hay “làng của những người Minh”, dành cho những người nhập cư từ trước và con cháu của họ được xem là trung thành với triều đại đã tiêu vong của nhà Minh.
Các làng xã Trung Hoa mở mang rất nhanh chóng nhờ có sự gia nhập của những đoàn người buôn bán và thợ thủ công mà triều đình Mãn Thanh đã để cho tự do ra đi. Nhưng cuộc chiến sắp xảy ra ở Việt Nam sẽ gây nên một cuộc tàn sát ghê gớm làm tàn lụi cộng đồng người Hoa khá lớn này. Quân đội Tây Sơn xuất phát từ Qui Nhơn năm 1771 hướng vào phương Nam. Người Hoa đã góp phần tích cực vào công việc chống lại sự tấn công của họ. Một người tên là Li Tsai (Lý Tài) nổi tiếng vì đã chỉ huy cuộc chiến đấu ở cầu Tham Lương trong đó những người nhập cư Trung Hoa dưới sự điều khiển của ông đã làm cho quân đội Tây Sơn bị tổn thất nặng nề. Trận đánh đó là nguyên nhân của lòng căm giận của Tây Sơn đối với người nhập cư. Khi quân đội của họ đến gần Trấn Biên, người ta ra lệnh cho người Hoa phải rời bỏ làng Thanh Hà để rút lui về Phan Trấn. Sự hợp nhất của những người tỵ nạn ở Thanh Hà và dân cư làng Minh Hương đã khai sinh ra thành phố Chợ Lớn (1778).
Được xây dựng bên bờ của một con sông nhỏ, do đó đã lấy tên là “Kinh Tàu Hủ”, trước kia thị trấn Chợ Lớn chỉ là nơi tập hợp của một ít làng, bỗng nhiên trở nên đông đúc vì người tị nạn chiến tranh. Người Hoa gọi đó là Đê Ngạn (tiếng Quảng Đông: Tai ngon), tên này hiện nay người Hoa vẫn còn dùng (cái tên “Chợ Lớn” do người Việt Nam đặt chỉ có từ năm 1801, khi tả quân Lê Văn Duyệt giữ chức Tổng trấn Gia Định thành).
Bất chấp sự chống cự của quân đội Nam bộ và sự phòng bị của những người nhập cư, quân Tây Sơn đã chiếm được thành phố vào năm 1782. Để trả thù những người Hoa đã giúp đỡ cho đối phương của họ, Tây Sơn phóng hỏa đốt Chợ Lớn, phá tất cả các tiệm buôn và nhà ở của người Hoa và tàn sát tất cả những người nào vô phúc không chạy trốn kịp. Như thế hơn 10.000 tử thi đã bị quăng xuống sông. Đó là cuộc tàn sát duy nhất trong lịch sử nhập cư của người Trung Hoa ở Nam Việt Nam.
Sau khi thành công trong việc đánh đuổi Tây Sơn ra khỏi Nam bộ, Hoàng tử Nguyễn Ánh (1761-1820, sau này là Hoàng đế Gia Long) quyết định đóng đô tạm thời ở Sài Gòn. Sự hiện diện của ông trong thành phố, từ năm 1789 đến năm 1793, có kết quả thúc đẩy sự hồi sinh của Chợ Lớn. Nhờ những làn sóng mới nhập cư liên tục, thị trấn Trung Hoa này đông đảo trở lại, lớn rộng rất mau và khôi phục vai trò làm trung tâm thương mại lớn nhất Nam bộ của nó. Một bản đồ của thành Sài Gòn, do Le Brun vẽ ra vào năm 1795 đã gọi thị trấn Chợ Lớn với cái tên là “Cửa hàng bách hóa Trung Hoa”. Một bằng chứng khác được đưa ra bởi George Finlayson, nhà du lịch người Anh đã từng viếng thăm Chợ Lớn vào năm 1822:
“Mặc dù là khách lạ đối với thành phố và chỉ ghé đây trong mấy giờ đồng hồ mà thôi, mỗi khi đi qua một đường phố là chúng tôi được những người Trung Hoa rất sang trọng mời mọc vào nhà họ uống nước. Họ không thể nào biết trước được sự thăm viếng bất thần của chúng tôi trong thành phố, vậy mà sự thịnh soạn của các món ăn mà họ đem ra mời chúng tôi chứng tỏ rõ ràng sự sung túc và tính hiếu khách của chủ nhà. Trong số những người mời mọc chúng tôi có ba anh em nhà kia đã định cư trong thành phố trước đó ít lâu. Họ mặc đồ Việt Nam và có vẻ không khác với người bản xứ là mấy. Rất tự nhiên và lễ phép, họ đã có thái độ cởi mở. Nhà của họ rất xinh đẹp và rộng rãi; không có vẻ gì là đã được đặc biệt sửa soạn trước đó để đón tiếp chúng tôi ngõ hầu tạo ra một bề ngoài của một lâu đài quý tộc. Chủ nhà tiếp chúng tôi trong một cái tiền đường rộng có nhiều đồ gỗ quý. Chúng tôi ngồi chung quanh một cái bàn, tức thì được bày lên trên đó nhiều trái cây và đông sương[3]. Họ yêu cầu được phục vụ cho chúng tôi viện lẽ rằng họ không thể tự cho phép mình ngồi ngang hàng với chúng tôi”.
Ngay trước khi người Pháp chinh phục xứ này, Chợ Lớn có khoảng 500 cái nhà lợp ngói, bao quanh bởi không biết bao nhiêu nhà mái tranh lợp rạ. Trong trung tâm thành phố, có hai con kênh và năm cây cầu đang xây và một cái xây bằng sắt. Nơi quảng trường chính có một cái giếng trang trí bằng nhiều chữ nho. Hai bên bờ kênh Tàu Hủ, bên cạnh các bến tàu dành riêng cho thuyền bè vận tải, đông nghẹt những kho chứa hàng hóa. Buổi tối thành phố được thắp sáng bởi những đèn lồng đốt bằng dầu dừa.
Các bang hội của người Hoa
Sự hiện diện trên lãnh thổ quốc gia của mình, của một cộng đồng ngoại quốc lớn sống khăng khít với nhau và không đồng hóa với dân bản địa, đã đặt ra cho nhà cầm quyền Việt Nam một loạt vấn đề cần phải giải quyết mau chóng theo đà phát triển ngày một gia tăng vì những đợt nhập cư của những người mới đến. Chính quyền địa phương cho rằng đã tìm được một giải pháp thích đáng bằng cách ban cho người Trung Hoa một sự tự trị rộng rãi và cho phép họ đi bất cứ nơi nào họ có đủ số người, được tự tổ chức thành “bang” hay hội tự quản căn cứ trên một tiếng nói chung. Vì vậy vào năm 1787, lần đầu tiên trong suốt cả lịch sử di cư của người Trung Hoa trên thế giới, bốn bang được thành lập: Quảng Châu, Phúc Kiến, Triều Châu và Hải Nam. Trong vòng một thế kỷ sau, nhiều nước đón nhận người nhập cư Trung Hoa đều theo phương pháp tổ chức đó vì nó có nhiều tiện lợi; giản dị hóa các thủ tục hành chính, kiểm soát rất dễ dàng, thâu thuế mau lẹ… Thật ra, cái sáng kiến đó của người Việt Nam không phải là hoàn toàn độc đáo. Nó bắt chước cách thức đã được dùng từ lâu bởi nhà cầm quyền phong kiến Trung Quốc; họ cho tụ tập những người buôn bán ngoại quốc lại với nhau, tùy theo quốc tịch và ngành nghề hoạt động trong những khu vực nhất định, ở đó những người này được hưởng một sự tự trị hành chính rộng rãi và tự điều khiển lấy công việc của chính họ mà không cần phải có sự can thiệp trực tiếp của nhà đương cuộc Trung Quốc.
Mỗi bang do một bang trưởng điều khiển, có một phó ban phụ tá, cả hai được chỉ định bởi các thành viên của bang hội và được chính quyền chuẩn y trong chức vụ này. Người lãnh đạo của bang hội không lãnh tiền thù lao, song chức vị của ông không phải chỉ là hư vị.
Trái lại, bang trưởng có nhiều quyền hạn khá rộng rãi để cai trị những người đồng hương của ông. Trước tiên ông bang trưởng chịu trách nhiệm về việc đóng thuế của tất cả mọi người trong bang đối với chính phủ. Muốn vậy, ông phải được chọn lựa trong số những người giàu có, bởi vì ông có bổn phận phải trả – ít ra là trên lý thuyết – những món thuế không trả nổi, bằng tiền túi của chính ông. Ông trực tiếp thu nhận các thứ tiền thuế và phụ thu, cất giữ chúng và nộp lại cho kho bạc nhà nước. Vừa là thu ngân, kế toán, nhân viên tài chính, nhà cai trị, người bang trưởng đồng thời cũng là quan tòa hòa giải. Ông dàn xếp những cuộc tranh chấp quyền lợi xảy ra giữa đồng bào của ông. Để được tuân lệnh, ông có quyền chế tài hành chính, có thể đi đến chỗ trục xuất một người bất hảo ra khỏi nhóm của anh ta. Ông đại diện cho những người nhập cư trong bang của ông, lên tiếng nhân danh họ, giải quyết công việc cho họ bên cạnh nhà cầm quyền đã giao phó trách nhiệm cho ông, buộc họ phải tôn trọng những luật lệ hiện hành và thi hành những mệnh lệnh có thể ban ra. Sau cùng, ông cũng chịu trách nhiệm về đời sống, và thuần phong mỹ tục của họ. Ông cấp phát các chứng chỉ hạnh kiểm, chứng chỉ cư trú, và khi nào cần thì đứng ra bảo lãnh cho một người đồng hương đang gặp khó khăn với chính quyền.
Các bang hội đầu tiên của người Trung Hoa là: Quảng Châu, Phúc Kiến, Triều Châu và Hải Nam cho ta một ý niệm khá rõ về nguồn gốc địa lý của những người nhập cư vào cuối thế kỷ thứ XVIII. Nhưng như thế không có nghĩa là chỉ có những người nhập cư thuộc về bốn nhóm ngôn ngữ đó, chỉ vì những người khác không đủ đông để làm thành một bang hội mới. Người ta để cho họ được tự do gia nhập vào một trong bốn bang hội trên. Nhưng sự lớn mạnh rất nhanh chóng của các nhóm ngôn ngữ khác bắt buộc phải sắp xếp lại cả hệ thống cho phù hợp với tình thế mới. Năm 1814, dưới triều hoàng đế Gia Long (trị vì 1802-1820), có sự cải tổ của các bang hội Trung Hoa. Từ đây có bảy bang: Tchang tchéou, Tsuan tchéou, Tchao tchéou, Konang tchéou, Wei tchéou, King tchéou và Houci tchéou. Vị vua sáng lập ra triều đại nhà Nguyễn, để trả ơn sự giúp đỡ của những người nhập cư trong cuộc tranh đấu của ông ta để giành lấy chính quyền, đã có một chính sách rất cởi mở đối với người Trung Hoa. Những người này được hưởng những quyền lợi ngang với người Việt Nam mà lại không có những nghĩa vụ tương đương, vì họ được miễn khỏi quân dịch và các thứ sưu dịch có định kỳ. Nhiều con cháu của những người nhập cư đã trở thành những thần dân gương mẫu, một số người đã làm đến các chức thượng thư của hoàng đế, mà nổi tiếng nhất là Ngô Nhân Tịnh và Trịnh Hoài Đức. Ông trên là cháu nội của một người nhập cư gốc tỉnh Quảng Đông sinh ở Gia Định, còn ông dưới thì cha gốc Phúc Kiến, sinh ở Biên Hòa. Sau khi giữ chức hiệp trấn ở Gia Định, Ngô được thăng làm Thượng thư bộ Công ở Huế. Trịnh cũng đã từng giữ chức hiệp trấn ở Gia Định, sau đó được hoàng đế triệu về Huế để làm chức Thượng thư bộ lễ. Ngoài ra, dưới danh hiệu tiến sĩ của triều đình, ông này còn giữ chức Thái phó của hoàng tử Cảnh, thái tử trù bị của ngai vàng ở Việt Nam. Khi chết, cả hai đều được ban tế nhiều huân dự và được làm lễ quốc tang. Người ta còn có thể kể ra nhiều ví dụ khác nữa, trong đó những người nhập cư Trung Hoa và con cháu của họ được giao phó cho nhiều chức vụ cao cả của quốc gia.
Nhưng vị Hoàng đế thứ hai của nhà Nguyễn là Vua Minh Mạng (1791-1840) không tiếp tục ưu đãi người Trung Hoa như trước. Dưới triều đại của ông (1820-1840), lần đầu tiên người ta phân biệt giữa những người nhập cư và con cháu của người nhập cư, ít ra là về phương diện thuế khóa. Thật vậy, từ năm 1820, một thứ thuế cư trú mới được thiết lập, đánh trên tất cả mọi người nhập cư Trung Hoa. Mặt khác, chế độ thuế khóa bình thường được cải tổ thế nào mà những người nhập cư phải đóng những phần suất nặng nhất trong các thứ thuế và phụ thu đang lưu hành. Con cháu những người nhập cư, hay người Minh Hương có được chiếu cố, nhưng họ vẫn không có được những quyền lợi ngang với người bản địa. Hình như là chính sách thuế khóa này chủ yếu là nhằm vào việc đồng hóa một cách từ từ người Minh Hương với dân chúng bản xứ. Từ ngữ “Minh Hương” mà ý nghĩa nguyên thủy là làng của những người Minh, từ đó bắt đầu mang một ý nghĩa mới là “con cái sinh ở Việt Nam mà cha là người nhập cư Trung Hoa mẹ là người Việt Nam”. Định nghĩa này cho đến ngày nay vẫn còn có giá trị. Năm 1842, hoàng đế Thiệu Trị (trị vì 1841-1847) ra lệnh thành lập những nhóm Minh Hương ở tất cả các địa phương có trên 5 miêu duệ[4] của người nhập cư Trung Hoa. Những thành viên của các nhóm này phải khai báo căn cước của họ, không được cắt tóc hoặc cột tóc thành đuôi sam theo tục lệ người Mãn Châu. Họ cũng bị cấm không được cư trú trong những khu vực dành riêng cho những người mới nhập cư. Năm 1843, một chỉ dụ của hoàng đế cấm người Minh Hương và mọi thành viên trong gia đình của họ không được trở về Trung Quốc.
Ít người nhập cư có thể đem gia đình theo họ. Phần đông lập gia đình tại chỗ bằng cách cưới một người vợ Việt Nam, ngay cả những người đã có vợ và để vợ ở lại Trung Quốc cũng tìm chọn một người vợ bé, vì sự đa thê được cho phép ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam. Người Trung Quốc học nói tiếng Việt rất mau. Nói chung thì họ sống rất hòa thuận với dân chúng địa phương, những người này đối xử với họ như bạn bè và nhờ việc lấy vợ người bản xứ, họ lại có thêm được nhiều người thân thuộc đáng quý. Sự kỳ thị về thuế khóa do chính phủ thi hành đã thúc đẩy con cháu những người nhập cư tách rời các nhóm Minh Hương để hoàn toàn nhập vào dân chúng địa phương…■
[1] Tiêu đề do BBT đặt
[2] Có lẽ tác giả nhầm với Mạc Cửu (1655 – 1735), là cha của Mạc Sĩ Lân (1718-1780), BTV
[3] Thạch rau câu
[4] Dòng dõi, con cháu đời sau