Năm 1963, với sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ, các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa đã tiến hành cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu. Từ đó tới nay đã gần 60 năm, đã có rất nhiều tài liệu xoay quanh sự kiện này được công bố và phân tích, đặc biệt là các tiết lộ từ phía Hoa Kỳ về những toan tính của họ trước cuộc đảo chính. Tạp chí phương Đông xin giới thiệu với bạn đọc bài viết được đăng trên báo “Cấp tiến” số 676, 677, 678 tháng 6/1971, trích nguồn từ tờ “Stars and Stripes” của Bộ Quốc phòng Mỹ vào thời điểm đó, để bạn đọc hiểu rõ hơn về những tính toán và hành động của Chính phủ Hoa Kỳ trong cuộc đảo chính này, vốn đã được báo chí Mỹ tiết lộ một phần từ đầu thập niên 1970.
Hồi tháng 8/1963, một nhân viên chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo nên lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm nếu ông này bắt đầu cuộc thương thuyết với Bắc Việt. Chính tờ báo “Chicago Sun Times” đã tiết lộ vụ này ngày 23/6/1971 vừa qua.
Bản văn khuyến cáo này đề ngày 30 tháng 8 và một bản khác đề ngày 16 tháng 9 đó do Roger Hilsman, phụ tá Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Dean Rusk viết. Được hãng thông tấn AP hỏi bằng điện thoại, ông Roger Hilsman hiện đang dạy học tại Đại học đường Columbia ở New York, đã xác nhận rằng chính ông ta là tác giả của các bản khuyến cáo kể trên.
Ông Roger Hilsman cho biết rằng các khuyến cáo này đều nằm trong khuôn khổ của những kế hoạch ứng phó với trường hợp bất ngờ có thể xảy ra – Nó gồm có 11 giải pháp có thể có để đối đầu với những việc nguy hiểm có thể xảy ra cho chính phủ miền Nam Việt Nam. Ông ta còn cho biết thêm là các bản khuyến cáo này đã được tờ “New York Times Magazine” đăng tải dưới một hình thức vắn tắt ngày 24-1-1971.
Tranh luận về số phận của ông Diệm
Hilsman nói: “Tất cả những gì mà ông đã biết là một thí dụ cho biết tại sao tôi tán thành việc phổ biến tất cả các tài liệu. Tài liệu này là tài liệu thật, nhưng nó chỉ là một kế hoạch để ứng phó với bất ngờ.” Ông ta nói rằng đã từ chức phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao hồi năm 1964 sau khi đã tranh luận về chính sách với Tổng thống Johnson.
Hilsman lại phủ nhận là đã biết trước cuộc đảo chính và nói rằng có 1 tài liệu đã được rút ra khỏi hồ sơ và đã bị bình luận sai.
Các bản khuyến cáo cộng với các tài liệu của Bộ Quốc Phòng Mỹ liên quan đến cuộc chiến tranh tại Việt Nam, đã cho thấy có một tranh luận về số phận của ông Diệm. Bộ Ngoại giao thì chủ trương lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, trong lúc Bộ Quốc phòng thì thúc đẩy chính phủ Mỹ phải ủng hộ.
Các bản khuyến cáo của Hilsman đã được xếp do lệnh của Tổng thống Johnson hồi năm 1968, nhưng cho đến nay nó vẫn được giữ kín. Tờ Sun Times cho biết đã nhận được các bản khuyến cáo này của Ủy ban Công dân Điều tra về Tội ác chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.
Với các bản khuyến cáo này và các tài liệu bí mật gần đây của Bộ Quốc phòng Mỹ, mọi người đều nhận thấy rằng Tổng thống Kennedy và các cố vấn cao cấp của ông ta đã dính líu mật thiết vào cuộc vận động để lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 1 tháng 11 năm 1963, theo sự nhận xét của tờ Sun Times.
Theo các bản khuyến cáo này thì nếu trường hợp hai anh em Diệm, Nhu có “hành động liên lạc với Bắc Việt để mở các cuộc thương thuyết theo chiều hướng trung lập, hoặc có tin đồn, hoặc có những mối nguy hiểm gián tiếp của hành động như thế” thì Mỹ có thể sẽ “khuyến khích các tướng lĩnh thực hiện nhanh chóng một cuộc đảo chính”.
Với bản khuyến cáo của Hilsman đề ngày 30 tháng 8 trong lúc các chính khách Mỹ đang tin sẽ có một cuộc đảo chính quân sự, hay một hành động của ông Diệm chống lại phe quân nhân, cuộc đảo chính tại Sài Gòn là một việc chắc chắn phải xảy ra. Từ cuối tháng 8 đến những ngày đầu tháng 10/1963 Mỹ đã gặp khó khăn trong việc quyết định hoặc giữ ông Diệm hoặc lật đổ ông ta.
Hai giải pháp cho ông Diệm
Ngày 17/9/1963, sau một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia, có quyết định cử Bộ trưởng Quốc phòng McNamara và Đại tướng Taylor sang Việt Nam để tìm hiểu tình hình Việt Nam. Ngày 2-10-1963 họ trở về Mỹ và đã phúc trình cho Tổng thống.
Và kể từ đó thì hình như đã có sự nhất trí trong các giới lãnh đạo cao cấp của chính phủ Mỹ về vấn đề không thể nào tách Ngô Đình Nhu ra khỏi ông Ngô Đình Diệm mà không lật đổ ông này. Tại buổi họp ấy của Hội đồng An ninh Quốc gia, người ta cũng đã đặt vấn đề lựa chọn người lãnh đạo mới trong số các tướng lĩnh được biết đã chống đối với Diệm – Nhu.
Và quyết định này đã đạt được sau hai phiên họp của Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 17/9 để tranh luận về hai giải pháp: tăng sức ép với ông Diệm hay thỏa thuận lại với ông ta. Theo Hilsman thì việc thỏa thuận lại với ông Diệm không thực hiện được.
Ông ta nghĩ rằng Ngô Đình Nhu đã quyết định cuộc phiêu lưu với Bắc Việt rồi, ông nói: “Tôi nghĩ rằng ông Nhu đã nhận thấy mức bành trướng của chiến tranh và với dụng cụ của Mỹ trong tay, ông ta có thể tự do hành động để đạt được hai mục tiêu, 1 mục tiêu tối thiểu và 1 mục tiêu tối đa”.
Mục tiêu tối thiểu là giảm mạnh sự có mặt của Mỹ tại những cơ quan trọng yếu có ý nghĩa chính trị tại các tỉnh và trong chương trình ấp chiến lược để tránh nhiều sự nhượng bộ quan trọng trong tương lai của Việt Nam, trong con mắt “quan liêu” vì viễn ảnh “nhân vị” của ông ta. Mục tiêu tối đa có thể là một sự dàn xếp với Bắc Việt để đạt đến một cuộc ngừng bắn, một cuộc rút quân hoàn toàn của Mỹ và một nền trung lập hay một chế độ kiểu Tito, nhưng vẫn với một miền Nam Việt Nam riêng biệt.
Phải giải thích như thế nào?
Cũng trong bản khuyến cáo ngày 30/8, Hilsman còn đề nghị thêm nhiều hành động:
“Chúng ta sẽ công bố cho thế giới vào một lúc thuận tiện nào đó những mối đe dọa hay hành động của hai ông Nhu – Diệm nhằm xáp lại gần Bắc Việt để chứng minh thái độ hai mặt của họ và để cho mọi người hiểu các phản ứng của chúng ta.
Nếu Bắc Việt đe dọa trả đũa đối với cuộc đảo chính lật đổ Diệm, bằng cách công khai xua quân vào miền Nam Việt Nam, chúng ta sẽ cho họ biết không úp mở rằng chúng ta sẽ đánh Bắc Việt bằng mọi cách cần thiết để bắt buộc họ phải từ bỏ hành động ấy.
Nếu Diệm – Nhu kêu gọi sự ủng hộ chính trị của Tổng thống Pháp De Gaulle trong mục đích trung lập hóa Việt Nam thì chúng ta phải nói công khai cho thế giới biết rằng Việt Nam không thể nào thật sự trung lập được nếu Cộng sản chưa từ bỏ kiểm soát miền Bắc Việt Nam.
Nếu một cuộc liên minh giữa Diệm và Cộng sản được đề nghị, chúng ta sẽ trả lời rằng đó là con đường đưa đến sự thắng thế của Cộng sản nếu so sánh lực lượng tương đối giữa hai phe liên hiệp. Và do đó mà một khi cuộc đảo chính Diệm bắt đầu tại miền nam Việt Nam thì chúng ta có thế chứng minh rõ ràng rằng miền Nam Việt Nam không chấp nhận một sự liên minh giữa Diệm và Cộng sản”.
Phải bắt gia đình Ngô Đình Diệm
Cũng hồi tháng 8, Hilsman đã nói rằng nếu có sự xung đột giữa chính phủ miền Nam Việt Nam (Diệm – Nhu) và nhóm đảo chính, ông Diệm và ông Nhu sẽ tìm cách thương thuyết để thực hiện kế hoãn binh hòng tìm cách lôi kéo các lực lượng trung thành với ông ta. Ông Hilsman đề nghị: “Để đối phó với tình hình ấy, Hoa Kỳ phải định lại rõ ràng mục tiêu của mình. Nếu chúng ta cố gắng cứu vớt Diệm bằng cách khuyến khích cuộc thương lượng giữa ông Diệm và nhóm đảo chính trong lúc công việc tổ chức đảo chính đang tiến triển thì chúng ta sẽ làm gia tăng mức nguy hiểm của sự thất bại trong cuộc đảo chính. Bởi đó mà mục tiêu rõ ràng của chúng ta là làm sao cho cả gia đình họ Ngô phải ở dưới sự kiểm soát của nhóm đảo chính”.
Ủng hộ nhóm đảo chính bằng cách nào?
“Chúng ta có thể báo cho nhóm đảo chính biết là họ nên dùng các thắng lợi quân sự của họ vào những mục tiêu hợp lý mà không ngừng việc thương lượng. Chúng ta sẽ sử dụng hay khuyến khích nhóm đảo chính sử dụng những biện pháp quân sự để ngăn cản các lực lượng trung thành với Diệm ở xa Sài Gòn không thể liên lạc với Diệm để ủng hộ ông ta.
Thí dụ chúng ta có thể phá hệ thống vô tuyến điện liên lạc giữa Diệm và các lực lượng ấy và chúng ta có thể cắt đường giao thông bằng cách phá sập các cầu. Chúng ta sẽ khuyến khích nhóm đảo chính bắt sống và đưa đi ra khỏi Sài Gòn nhanh chóng các người của gia đình nhà Ngô. Chúng ta sẽ giúp đỡ họ trong công tác này khi nào cần đến.
Nếu Diệm – Nhu tìm cách kéo dài cuộc xung đột tại Sài Gòn càng lâu càng tốt để hy vọng làm yếu ý chí của Mỹ do những cuộc tàn sát đẫm máu của cuộc đảo chính trong đó có dính líu đến người Mỹ, thì chúng ta sẽ khuyến khích nhóm đảo chính có hành động chặn đứng các lực lượng trung thành với Diệm bằng cách cắt đường tiếp tế cho họ.
Chúng ta sẽ dùng bất cứ phương tiện, trang bị nào chúng ta có để cho cuộc đảo chính được thành công. Nếu cần chúng ta sẽ dùng đến các lực lượng chiến đấu của Hoa Kỳ để cuộc đảo chính được hoàn toàn thắng lợi”.■