Nguyễn Khắc Ngữ
Các địa danh ở Việt Nam không đơn thuần là tên gọi mà còn phản ánh bề dày lịch sử và nền văn hóa phong phú, đa dạng của đất nước ta. Tạp chí Phương Đông giới thiệu với bạn đọc bài viết “Vài nhận xét về việc viết tên đất ở Việt Nam ngày nay” đăng trên Văn hóa Nguyệt san số 78-79 (tháng 2-3/1963) của tác giả Nguyễn Khắc Ngữ, bàn về nguồn gốc các tên đất ở Việt Nam và một số vấn đề trong việc đặt và viết tên đất.
Gần đây, trên một tạp chí chuyên về khảo cứu, tờ Văn Đàn, có một bài viết về những khó khăn trong việc viết các tên đất ở Việt Nam. Chúng tôi, đồng ý với tác giả bài trên, nhận thấy cần phải định một lối viết tên đất ở xứ ta một cách hợp lý để thống nhất cách viết trong toàn quốc. Những nhận xét dưới đây không ngoài mục đích mở đường để độc giả, nhất là những người có thẩm quyền về phương diện văn hóa, để ý đến vấn đề này mà cùng xây dựng lợi ích chung.
I. Nguồn gốc các tên đất ở Việt Nam
Những tên đất hiện thấy trên bản đồ Việt Nam có nhiều nguồn gốc khác nhau. Chúng đã bị thay đổi nhiều lần vì cố ý hay vô tình làm ta khó có thể tìm hết nguyên ủy, nhưng đại để ta có thể chia làm 4 loại:
A. Tên đất gốc tiếng thổ dân thiểu số
Trên đất nước ta có rất nhiều sắc dân ngôn ngữ khác nhau chung sống nên các tên đất, hầu hết dựa vào tiếng dân địa phương gọi, đều mang vết tích của họ. Xét kỹ từng vùng ta thấy:
1. Tên đất gốc tiếng Thái. Theo tiếng Thái, Nậm có nghĩa là sông nhỏ, nên ở khắp những vùng có người Thái ở, các con sông nhỏ đều mang chữ Nậm (hay Nam trong các bản đồ viết bằng tiếng Pháp). Thí dụ:
Ở vùng Mương Tê có các sông Nậm Lan, Nậm Ma, Nậm Nam-củn, Nậm Cao, Nậm Bum, Nậm Long.
Ở vùng Lai Châu có các sông Nậm Na, Nậm Mức, Nậm Mu, Nậm Chiên, Nậm Pia, Nậm Lum chảy vào sông Đà.
Ở phía Bắc Bảo Hà có các sông Nậm Phan, Nậm Sang, Nậm Pac, Nậm Mai, Nậm Má, Nậm Khâm, Nậm Mồng chảy vào sông Nhị.
Ở miền biên giới Việt – Lào có các sông Nậm Le, Nậm Hôm, Nậm Hang, Nậm Hao, Nậm Quen, Nậm Xia chảy vào sông Mã.
Tiếng Thái, Khu, Pou, Khău hay Khao đều có nghĩa là núi nên các núi ở người Thái đều có tên mang những chữ trên ở trước. Thí dụ:
Ở Lai Châu có các núi Pou Ca-lan, Pou Tô-na, Pou Tù-nà, Pou Đen-đinh, Pou Đao, Pou Si-lung.
Ở Bắc Quang có các núi Pou Nam-san, Pou Ta-kha, Pou Khao-ao.
Ở Lạng Sơn có Khău Khúc, Khău Riềng, Khău Luông, Khău Ma.
Ở Lao Cai có Khao Pao-pho.
Tiếng Thái, Bản có nghĩa là làng nên các làng ở vùng người Thái đều có tên bắt đầu bằng chữ Bản hay Ban. Thí dụ: Bản Nơn, Bản Ta-viêng, Bản Nam-liên…
2. Tên đất gốc tiếng Thổ: Tiếng Thổ, sông nhỏ hay suối gọi là khuổi (người Pháp phiên âm là Kouei) nên tên sông nhỏ ở vùng này ta thấy có Khuổi hay Kouei ở trước. Thí dụ:
Ở vùng phía Nam Bảo Lạc ta thấy các sông tên: Kouei Tan, Kouei Cho, Kouei Bang, Kouei Hô, Kouei Lu.
Ở Lạng Sơn có Khuổi Cải, Khuổi Gáp.
Tiếng Thổ, núi gọi là Pò, Pù hay Pia nên ở vùng người Thổ ở phía Bắc Lai Châu có ngọn núi tên Pia Va-cu. Ở vùng Sông Gầm có các ngọn tên là Pia Ouac, Pia Ya, Pia Bioc, Pia Ma. Ở vùng Đông Bắc Lạng Sơn có các núi Pò Khau Tu, Pò Khau Lau, Pò Ai Lo.
Tiếng Thổ, Bản nghĩa là làng nên ở vùng Tuyên Quang, Hà Giang, có nhiều làng Thổ tên là Bản Bon, Bản Pia, Bản Miêng, Bản Loa, Bản Nghe, Bản Mích.
Nà cũng có nghĩa là làng, xóm nên ở vùng người Thổ Lạng Sơn thấy nhiều làng, xóm mang tên có Nà ở đằng trước. Thí dụ: Nà Kìa, Nà Mương, Nà Nga, Nà Nham, Nà Nac, Nà Siêu, Nà Chàm.
3. Tên đất gốc tiếng Bahnar. Tiếng Bahnar, Dak có nghĩa là nước, là sông, nên ở vùng người Bahnar có nhiều sông tên có Dak ở trước như:
Vùng Đông Bắc Kontum có các sông: Dak Haway, Dak Hatung, Dak Jap-pau, Dak Pto.
Tiếng Bahnar, Kon có nghĩa là làng nên trong vùng Kontum ta thấy nhiều làng tên Kon Plong, Kon Blinh, Kon Brap, Kon Brai, Kon Bodeh, Kon Sodron và ngay cả Kontum cũng chỉ có nghĩa là Làng Tum.
Tiếng Bahnar, Dè viết đằng trước dùng như một mạo tự (article). Đặc biệt là danh từ chung hay tên riêng cũng đều có Dè ở trước nên tên các làng, sông, núi non vùng này thấy có nhiều tên có Dè ở trước. Thí dụ: Dè Toung, Dè Klah, Dè Pham Khol, Dè Blen Pok, Dè Groi, Dè Chuk, Dè Tonouh Konton, Dè Dit Koton, Dè Dak Got, v.v…
4. Tên đất gốc Jarai (hay Gia Lai). Tiếng Jarai, Plé hay Plei có nghĩa là làng nên trên cao nguyên Kontum có rất nhiều chỗ tên có Plé hay Plei đằng trước như: Plé Daktang, Plé Vixeh, Plé Vidrin hay Plei Ku, Plei Lim, Plei Ta-nia.
Tiếng Jarai, Chứ nghĩa là núi nên nhiều ngọn núi ở về phía Đông Kontum và Bắc Darlac đã có tên: Chứ Roan, Chứ Tơ-mớch, Chứ Dron, Chứ Bloi, Chứ Bla, Chứ Mnàng, Chứ Kley.
Tiếng Jarai, Ia có nghĩa là nước nên ở vùng người Jarai (Đông Kontum, Tây Sông Cầu) có nhiều sông tên là Ia Tmiêng, Ia Pi-hao, Ia Thul, v.v…
5. Tên đất gốc Rhadé. Tiếng Rhadé (hay Ê-đê), Ea có nghĩa là suối, mương, nước, nên ở vùng người Rhadé ở Ban Mê Thuột có nhiều sông tên có Ea ở trước như: Ea Anoh Boh, Ea Kuan, Ea Noet, Ea Xar, Ea Da. Sông lớn hơn thì tiếng Rhadé gọi là Krong nên nhiều sông có tên là Krong Bak, Krong Nang hay Ea Krong Hding, Ea Kroong A, Ea Krong Hin…
Núi thì tiếng Rhadé gọi là Chư (hay Chu) nên các núi ở về phía Đông Ban Mê Thuột có các tên Chư Mtor, Chư In, Chư Yang Sin, và ở Đông Bắc cao nguyên Darlac núi có tên Chu Dle-Mnong, Chu Dle Ya, Chu Gnao, Chu Dan.
Làng, xóm tiếng Rha dé gọi là Buôn hay Ban nên các làng ở vùng Darlac có tên: Buôn Kotan, Buôn Chru-Tara, Buôn Y-Diou, Buôn Dang, Buôn Kram, Buôn Ma Thuột (sau này gọi là Ban Mê Thuột).
6. Tên đất gốc Raglai. Tiếng Raglai, gần tương tự tiếng Jarai và Rhadé.
Thí dụ : Chớ nghĩa là núi (tiếng Jarai thì Chứ), Ia và Kroong nghĩa là sông (tiếng Rhade thì Ea và Kroong) Pa-lay là làng (gần giống như Plé hay Plei của tiếng Jarai).
Trong các vùng người Raglai phía Tây Nam Nha Trang ở phía Tây Phan Rang đều có các tên đất bắt đầu bằng các tiếng Chớ, Ia, Pa-lay, Krong như trên.
B. Tên đất đặt dựa theo tên đất cổ của Chàm, Mên và Mã Lai
Đối với các dân tộc thiểu số trên, các tên đất chỉ được các nhà địa dư phiên âm theo các tên truyền khẩu của thổ dân. Riêng ở các vùng đất từng thuộc về Chiêm Thành và Chân Lạp, thì các tên đất được đặt theo tên cổ Chàm, Mên mà biến đổi đi ít nhiều cho thuận với tiếng Việt. Do đó nhiều tên đã xa hẳn với tên cổ. Tuy nhiên ta cũng có thể tìm thấy một vài vết tích.
1. Tên đất đặt theo tên cổ của Chàm. Tiếng Chàm, Chớ nghĩa là núi, Ia hay Krong nghĩa là sông, Pa-lay nghĩa là xóm (giống như tiếng Raglai) nhưng trong các vùng đất cũ của Chàm (miền đồng bằng Trung phần từ đèo Hải Vân trở vào đến Bình Tuy[1]) ta tìm thấy rất ít vết tích trừ ở tỉnh Ninh Thuận có con sông mang tên Krong Pha và ngọn núi tên là Chớ Ca-cho (người Pháp viết là Cho-ca-cho). Nhưng có rất nhiều tên nghe rất có vẻ Việt Nam hay Pháp thì lại do tên cũ Chiêm Thành mà ra. Thí dụ: Cửa Hàn (Đà Nẵng) do chữ Han[2] hay Hen của Chàm mà ra, Nha Trang do chữ Ia-trang[3], Phan Rang là do chữ Panrang của Chàm. Tên Chàm Panrang này nguyên gốc chữ Phạn là Panduranga đọc ra. Phan Rí vốn do tên Panrit của Chàm. Các sách cổ của ta đều viết là Phan Lý vì chữ Hán chỉ có chữ lý chứ không có chữ rí. Phan Thiết vốn do chữ Man-thit của Chàm đọc ra. Ngoài các thị trấn lớn trên, tên các làng ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận:
Ở Ninh Thuận ta thấy:
thôn Bà Láp vốn có tên Chàm là Pa-lay Ba-lap[4].
Bà Râu Pa-lay Ma-rau
Bình Nghĩa Pa-lay Pal-ria
Cô Ca Rang Pa-lay Kokarang
xóm Gòn Pa-lay Gone
thôn Là-à Pa-lay Lya
Ma Trai Pa-lay Ma-trai
Ma Tri Pa-lay Moeng-tri
Mộ Giá Pa-lay Yarah
Mụ Tà Lâm Ha-mon Talam
Phất Thế Pa-lay B’lang Kathếh
Tập Lá Pa-lay P’lah
Tào Sa Pa-lay Tao-thah
Trà Cô Pa-lay Tra-co
Trà Vân Pa-lay Tchyapal
Mũi Padaran cũng do tên cũ Paduranga mà ra.
Ở Bình Thuận ta thấy:
Thôn Hựu An có tên Chàm cổ là Pa-lay Pral.
Hậu Quách có tên cũ là Pa-lay Pa-nách.
Thành Vụ có tên Chàm xưa là Pa-lay Ha-múh Bụh.
Ma Lâm Ha-múh Kam
Nông Tang Chroh tang
Lâm Thành Lâm-Pâl
Phố Hài Pa-jai
2. Tên đất đặt theo tên cổ Chân Lạp. Nam phần Việt Nam có thời kỳ là đất cổ của Chân Lạp nên một số tên đất do tên đất cũ Chân Lạp mà đọc ra. Thí dụ: Sài Gòn do tên cũ Mên Preikor (có nghĩa là rừng gòn).
Bến Nghé do chữ Mên Pin geh.
Trà Vinh Prah Trapang
Trà Ôn Prah Ôn
Sa Đéc Phsar dec
Cái Vung Sla Kompong
Bải Xàu Bai Chau
Sóc Trăng Srock Kléang
Cà Mâu Tuk Khmau
Rạch Giá Kramoun-Sa
Thốt Nốt Thnot
Châu Đốc Meath Chruk[5]
3. Tên đất đọc theo tên cổ Mã Lai: Nam phần tiếp giáp với Mã Lai nên những người Mã Lai đã sang buôn bán, lập nghiệp ở xứ ta từ lâu. Bởi thế ở miền Nam, các hòn đảo đều do người Mã Lai đặt tên và mang chữ Poulo ở đầu (Poulo theo tiếng Mã Lai có nghĩa là hòn đảo). Chứng cớ là ta thấy nhiều đảo có tên: Poulo Condore, Poulo Cécir de Terre, Poulo Cécir de Mer, Poulo Obi, Poulo Panjang, Poudo Dama, v.v…
4. Tên đất đặt theo các tên cổ khác: Ngoài các tên đặt theo các tên cổ trên, còn có rất nhiều các tên khác đặt theo các tên cổ ngoại quốc khác như: Bặc Liêu do tên Pò Léo vốn là tiếng Triều Châu có nghĩa là xóm đáy, một xóm bẩn thỉu nhất trong vùng. Mékong vốn do tiếng Lào “Me-khong” có nghĩa là mẹ sông (một con sông lớn sinh ra các con sông khác).
C. Tên đất do các nhà hành chánh tự đặt ra
Mỗi triều đại, tùy theo cơ cấu tổ chức hành chánh địa phương, các vua, chúa thường đặt ra các tên đất tùy theo tiêu chuẩn của mình. Khi Lê Lợi đuổi được quân Minh, lên ngôi vua, chia nước làm 5 đạo. Bốn đạo ở bốn phía chung quanh kinh đô lần lượt gọi là Bắc đạo, Đông đạo, Tây đạo, Nam đạo. Đạo thứ 5 từ Thanh Hóa trở vào được gọi là Hải tây đạo hay Trung đô. Đến đời Lê Thánh Tông, lúc đầu chia nước làm 12 đạo.
Phía Bắc và Đông Bắc kinh đô có các đạo Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang và Lạng Sơn. Phía Tây và Tây Bắc có các đạo Quốc Oai và Hưng Hóa. Phía Đông có các đạo An Bang, Nam Sách. Phía Nam có các đạo Thiên Trường, Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa.
Đến khi Lê Thánh Tông đánh được Chiêm Thành, ngài đổi tên đạo thành thừa tuyên. Tất cả có 12 thừa tuyên cũ và 1 thừa tuyên mới. Ngài đổi tên đạo Thiên Trường thành thừa tuyên Sơn Nam (vùng núi ở phía Nam kinh đô), Quốc Oai thành Sơn Tây (vùng núi ở phía Tây kinh đô), Bắc Giang thành Kinh Bắc (vùng ở phía Bắc kinh đô), Nam Sách thành Hải Dương (vì vùng này ở sát biển). Vùng đất mới chiếm của Chiêm Thành được đặt là thừa tuyên Quảng Nam (có nghĩa là mở rộng về phía Nam).
Việc đặt tên các phủ, huyện, xã cũng rất tế nhị. Trong các vùng đất mới, các nhà hành chính cổ ở Việt Nam đặt tên các xã tùy theo tên phủ, huyện để đọc tên xã lên ta có thể biết xã có thuộc phủ, huyện nào hay có tính chất gì đặc biệt. Thí dụ: Tỉnh Thừa Thiên có 7 quận (xưa kia là phủ, hay huyện): Phong Điền, Hương Điền, Quảng Điền, Vinh Lộc, Phú Vang, Phú Lộc và Nam Hòa thì các xã trong quận Phong Điền đều bắt đầu bằng chữ Phong như xã Phong Bình, Phong Lộc, Phong Hòa, Phong Nguyên, Phong An, Phong Sơn. Các xã trong quận Hương Điền toàn bắt đầu bằng chữ Điền như xã Điền Lương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hải, Điền Thành, Điền Thái. Tên các xã trong quận Quảng Điền, Vinh Lộc, Phú Vang, Phú Lộc lần lượt bắt đầu bằng các chữ Quảng, Vinh, Phú và Lộc. Riêng quận Nam Hòa là một quận miền núi nên tên các xã đều bắt đầu bằng chữ Thượng như Thượng Hùng, Thượng Điền, Thượng Hiền, Thượng Nghĩa, v.v…
Ngay cả việc đặt tên các trạm trên quan lộ nối từ Kinh vào Nam cũng được đặt rất khéo để chỉ nghe tên trạm, ai cũng có thể biết là đang ở tỉnh nào rồi.
Trong tỉnh Thừa Thiên, các trạm đều có tên bắt đầu bằng chữ Thừa. Từ Huế trở vào ta thấy các trạm Thừa Nông, Thừa Hoa, Thừa Lưu, Thừa Thuần. Sang tỉnh Quảng Nam, các trạm đều có tên bắt đầu bằng chữ Nam như Nam Ổ, Nam Giang, Nam Phước, Nam Ngọc, Nam Ky, Nam Văn. Ở tỉnh Quảng Nghĩa, các trạm có tên bắt đầu bằng chữ Nghĩa như Nghĩa Bình, Nghĩa Lộc, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Sơn, Nghĩa Quảng. Trong tỉnh Bình Định, các trạm đều có tên bắt đầu bằng chữ Bình như Bình Du, Bình Trung, Bình Dương, Bình Sơn, Bình An, Bình Điền. Ở tỉnh Phú Yên, các trạm có tên bắt đầu bằng chữ Phú như Phú Dương, Phú Tân, Phú Vinh, Phú Thanh. Sang tỉnh Khánh Hòa, các trạm đều có tên bắt đầu bằng chữ Hòa như Hòa Mã, Hòa Lam, Hòa Huynh, Hòa Mỹ, Hòa Cát, Hòa Thanh, Hòa Tân, Hòa Du, Hòa Quân. Trong tỉnh Bình Thuận có trạm Thuận Lai, Thuận Mai. Đặc biệt là ở các trạm nằm trên ranh giới 2 tỉnh thì tên trạm có một chữ lấy ở tên tỉnh trên, một chữ lấy ở tên tỉnh dưới. Thí dụ: Ở ranh tỉnh Bình Định và Phú Yên có trạm Bình Phú. Ở ranh tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa có trạm Phú Hòa.
Gần đây trong việc đặt tên đường phố bằng tên các danh nhân, người ta lại nghĩ ra tiêu chuẩn đặt tên các danh nhân cùng loại ở vào một khu.
Thí dụ như ở vùng quận 3, ta thấy có rất nhiều các phố mang tên các nhà văn thơ như: Bà huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn, Tú Xương, Yên Đổ, Hồ Xuân Hương, Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái…
Ở vùng Tây Nam chợ Bến Thành, ta thấy rất nhiều phố mang tên các nhà cách mạng đã góp công trong cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Cô Giang, Cô Bắc, Phó Đức Chính, Ký Con, v.v…
Tuy nhiên, nguyên tắc này đã không được các nhà hành chánh theo triệt để nên hãy còn nhiều chỗ lộn xộn.
Ngoài ra, có một cách viết tên đất rất thông thường mà ta thấy là cứ thấy ở vùng nào có cái gì là đặt ngay cái đó làm tên. Thí dụ: Ở Ninh Thuận có tháp Chàm nên đặt tên thị trấn nhỏ gần tháp đó là Tháp Chàm. Ở đường Nha Trang đi Phan Rang chỗ có con suối có tảng đá lớn nên gọi ngay là Suối Đá, vùng có tháp Hòa Lai gồm 3 tháp Chàm lớn nên gọi ngay là Ba Tháp, nơi có gò lâu đài cổ xưa Chàm được gọi là Gò Đền. Ở Bắc Bình Thuận, thị trấn gần sông Lòng Sông được gọi ngay là Sông Lòng Sông, con sông gần một lũy Chàm cổ gọi ngay là Sông Lũy.
D. Tên do người Tây phương đặt và biến dạng của chúng
Người Tây phương khi sang đất Việt Nam đã lập các bản đồ. Họ ghi tên trên các bản đồ này thường bằng các tên phiên âm tiếng người địa phương gọi như: Thời vua Lê kinh đô Hà Nội gọi là Đông Kinh nên người Tây phương đã phiên âm là Tonquin sau thành Tonkin để chỉ Bắc phần Việt Nam.
Có khi họ không theo tên cũ mà lại tự đặt ra như: Họ thấy sông Nhị nước đỏ nên đặt là Fleuve rouge; sông Đà nước đen nên đặt là Rivière noir; sông Lô nước trong xanh nên đặt là Rivière claire. Miền Nghệ An có mũi đá vách dựng ngược lên nên gọi mũi đó là Cap Falaise. Đèo Ngang là cửa ngõ của Trung phần (theo hòa ước Harmand năm Quý Mùi thì từ Đèo Ngang trở ra là thuộc về Bắc kỳ) nên người Pháp gọi là Porte d’Annam. Vùng đèo ở Tây Bắc Lào Cai, đèo Hải Vân có mây che nên người Pháp đều gọi là Col des Nuages. Ở Qui Nhơn có mũi đá có nhiều yến nên người Pháp đặt mũi đó là Cap des Hirondelles. Mũi đá ở Vũng Tàu được gọi là Cap Saint Jacques. Mũi đá ở phía Nam Hà Tiên được gọi là Cap de la Table.
Từ các tên do người Pháp đặt này, nhiều người Việt Nam đã dịch ra để gọi các đất đó. Thí dụ:
Fleuve rouge được dịch là Hồng Hà
Rivière noire dịch ra là Hắc Giang
Rivière claire dịch ra là Thanh Giang
Cap de la Table dịch ra là Mũi Cái Bàn
II. Ưu khuyết điểm của lối viết địa danh Việt Nam ngày nay
A. Ưu điểm
Với các nguồn gốc của các tên đất ở Việt Nam trên, ta thấy chúng có những ưu điểm:
(1) Về nhân chủng học. Đứng về phương diện nhân chủng học thì sự tồn tại của các tên do thổ dân đặt trên đã chứng tỏ rằng nơi đó đã có các sắc dân ấy đã hay đang sống. Do đó cứ nhìn các tên sông, núi, làng xóm, người ta có thể biết khu đó có sắc dân nào sống mà không cần phải có các bản đồ nhân chủng.
(2) Về khảo cổ. Những tên đất do tiếng thổ dân ghi lại nhiều khi là một nguồn tài liệu rất quý để các người khảo cứu tìm ra các cổ tích lạ. Trong khi nghiên cứu văn hóa Chàm, nhờ các tên cổ của Chàm ghi lại, chúng tôi đã tìm được 2 di tích cổ.
Trường hợp thứ nhất, theo các bản sách cũ viết bằng chữ Chàm, chúng tôi có được đọc dã sử về ông Dang In (hay Yang In), dã sử này có viết là hiện nay ở vùng Panrik (Phan Rí) còn di tích của nơi ông ở, một cái giếng với những tảng đá thần. Chúng tôi có hỏi dân địa phương thì họ chỉ nói nghe văn kỳ thanh[6] thôi chứ không biết rõ là ở đâu. Sau đó nhân nghiên cứu về địa lý Việt Nam, khảo sát các bản đồ, chúng tôi đã tìm được một vùng có tên là Yang In và tất nhiên việc tìm đến cái giếng kia cũng không khó lắm.
Trường hợp thứ hai, mới thấy rất gần đây. Đầu tháng 11 vừa rồi, chúng tôi được Viện Khảo cổ cử đi nghiên cứu văn hóa Chàm ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Trong khi đi tìm các tên cổ của các làng Chàm ở Ma Lâm[7], chúng tôi có thấy thôn Lâm Thành có tên Chàm cổ là Lầm Pầl. Tên Lâm Thành đã làm chúng tôi chú ý vì chữ “thành” rồi, mà tên cổ Chàm Lầm Pầl lại làm chúng tôi chú ý hơn vì theo tiếng Chàm, Tà Lầm Pầl có nghĩa là trong thành (tà lầm: trong ; pầl: thành) mà chữ Tà theo tiếng Chàm đọc trước tiếng Lầm hay bị nuốt đi nên chỉ rõ tiếng Lầm mà thôi. Sau hỏi ra và quan sát, chúng tôi đã thấy ở thôn đó có một cái thành cổ dài tới gần 1 km và rộng độ 6, 7 trăm mét.
B. Khuyết điểm
Cách viết tên đất ở Việt Nam trên tuy có những ưu điểm nhưng không hiếm những khuyết điểm:
(1) Không thống nhất. Các tên đất ở Việt Nam xưa đã được người Pháp phiên âm theo tiếng Pháp, sau đó có người lại tự đánh dấu vào các chữ Pháp để biến nó thành chữ Việt. Vì mỗi người tự đổi đi một khác nên ngày nay nhiều tên ta không biết đọc ra sao. Thí dụ: Trước người Pháp viết là Con Co, sau này có người viết là Cồn Cỏ, có người viết là Con Cộ, có người viết là Côn Cô…
(2) Viết theo tiếng Pháp. Đa số các tên, nhất là các tên đất ở cao nguyên miền Nam đều phiên âm tên thổ ngữ ra tiếng Pháp. Do đó, đối với những người thạo tiếng Pháp thì không nói làm gì, nhưng nếu không biết tiếng Pháp thì quả là một tai hại. Chứng cớ là tên Pleiku, người thì đọc là Pờ-lây-qui, người thì đọc là Pờ-lây-cu, và người thì đọc ngay là Lê-cu… Ngày nay tiếng Pháp không còn là ngôn ngữ chính thức dùng về hành chính và giáo dục nên việc viết các tên thuần túy Việt Nam cũng phải đặt thành vấn đề.
(3) Phiên âm quá xa với tên cũ. Hiện nay, có lẽ các nhà chức trách cũng thấu hiểu các khó khăn của người dân không giỏi tiếng Pháp khi đọc tên các đất phiên âm theo tiếng Pháp nên có nhiều nơi đã được đổi tên theo Việt ngữ như:
Blao đổi làm Bảo Lộc
Lang-biang Lâm Viên
Djiring Di Linh
Các tên mới này đọc lên quá xa với tên cũ, ta cần phải xét lại những nguyên tắc để phiên âm hay đặt tên mới để tránh những đáng tiếc xảy ra sau.
(4) Dịch ở tên Pháp ra. Nhiều người đã dịch các tên Pháp ra để dùng, thí dụ như Fleuve rouge dịch là Hồng Hà. Chúng tôi thiết nghĩ Fleuve rouge chỉ là tên người Pháp đặt sau này mà thôi. Trước đây sông này đã có tên là sông Nhị, đã vào lịch sử, có lẽ ta nên dùng tên sông Nhị cho hợp lý hơn.
(5) Viết sai chính tả. Có những tên đã được đặt ra theo lối dịch thổ âm như Krong Pha[8] dịch theo tiếng Chàm là Sông Pha thì đúng mà ngày nay người ta thấy viết là Xông Pha, một tĩnh tự chẳng có liên quan gì với địa lý và lịch sử của vùng này.
(6) Viết sai nghĩa. Có những tên đã được đổi thay nhưng cách dùng chưa được chỉnh. Thí dụ: Thành phố Cap Saint Jacques được đổi tên là thành phố Vũng Tàu, nhưng khi nói đến Mũi Saint Jacques ta không thể gọi là Mũi Vũng Tàu vì đó là 2 sự kiện địa lý khác hẳn nhau.
(7) Viết điệp ý. Hiện nay cách viết tên đất của ta nhiều khi thấy có nghĩa trùng nhau:
(a) Nhiều người viết sông Nhị Hà, núi Hoàng Liên Sơn, sông Đà Giang trong lúc hà đã có nghĩa là sông, sơn là núi, giang là sông, thì chẳng khác gì ta nói sông Nhị sông, núi Hoàng Liên núi, sông Đà sông.
(b) Có sách viết sông Nậm Na, núi Pou Ta Kha, làng Bản Nam, núi Chư Yang Sin, trong khi Nậm đã có nghĩa là sông, Pou là núi, Bản là làng, Chư là núi, thì quả là thừa 1 chữ và không hợp lý.
(c) Trong nhiều bản đồ ta thấy có viết Île Poulo Obi hay đảo Poulo Obi thì chẳng khác gì viết Đảo đảo Obi.
(d) Có sách viết sông Ea Krong A trong khi Ea và Krong đều nghĩa là sông, thì chẳng khác gì viết sông, sông, sông (3 chữ sông) A.
III. Đi tìm một lối viết địa danh hợp lý
Muốn có một lối viết tên đất ở Việt Nam hợp lý, ta cần phải làm thế nào bảo vệ được các ưu điểm và tránh được các khuyết điểm của lối viết hiện nay. Đại để ta phải chú ý vài nguyên tắc:
(1) Phải viết các tên đất ở Việt Nam bằng chữ Việt, vì chỉ viết như thế mọi người Việt Nam mới có thể đọc đúng được. Hiện nay người ta có lối viết pha trộn nửa Pháp, nửa Anh, nửa Việt để phiên âm. Tôi thiết nghĩ chúng ta đã có cái kinh nghiệm bản thân là dùng chữ Hán làm cầu phiên âm tên ngoại quốc, để rồi ngày nay phải hứng cái nạn tên người đọc một đằng mình đọc ra một nẻo, thì ta không nên dùng bất cứ một ngoại ngữ nào để làm cầu nữa.
(2) Phải viết thế nào cho gần đúng với tiếng thổ dân. Muốn viết cho đúng tiếng thổ dân, ta cần phải nghiên cứu ngôn ngữ từng vùng, theo dõi sử sách của họ và dựa vào đó để phiên âm cho thật sát. Thí dụ: như Djiring ta có thể phiên âm là Gi-rinh thì sẽ đúng hơn là Di Linh.
(3) Đối với những tên đã do người ngoại quốc đặt ra, ta chỉ nên ghi nhận để dùng khi xem sách ngoại quốc chứ không nên dịch ra để dùng thường.
(4) Tránh điệp ý. Về việc tránh điệp ý, ta chỉ nên viết: sông Nhị, núi Hoàng Liên, hay Nhị Hà, Hoàng Liên Sơn. Tuy nhiên, viết theo lối thứ nhất có vẻ nôm na và rõ ràng hơn. Với các tên như Nậm Na, Chư Yang Sin, Khao Kim, ta cũng chỉ nên viết giản dị: sông Na, núi Dang Sin, núi Kim cũng đủ.
Tuy rằng viết thế sẽ bất lợi cho việc nghiên cứu nhân chủng nhưng theo tôi, đối với các nhà nghiên cứu thì các bản đồ có mang các chữ Nậm, Chữ, Khao thì vô hại chứ đối với các người thường, nhất là các học sinh, thì sẽ gây nhiều phiền phức lắm.
Để tránh các khuyết điểm, ta nên để các nhà nhân chủng dùng loại bản đồ có chi tiết trên, còn để học sinh dùng loại giản dị cho dễ nhớ hơn.
(5) Đối với các tên Pháp đã quen dùng, ta có thể phiên âm cả ra. Thí dụ: Poulo Obi viết là Đảo Obi, Cap Saint Jacques viết là Mũi Thánh Giắc, Cap Padaran viết là Mũi Phan Rang nếu không gọi là Mũi Dinh[9].
Trên đây chỉ là những ý kiến thô lậu của một kẻ để ý đến vấn đề địa danh và đồng thời là nạn nhân của vấn đề này chứ không phải là người sở trường về khoa đó. Chúng tôi mong rằng các độc giả sẽ góp ý với chúng tôi để chúng ta sớm có một lối viết tên đất trong nước hợp lý.■
[1] Bình Tuy là một tỉnh cũ thuộc Duyên hải Đông Nam Bộ Việt Nam, tồn tại dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Nay là một phần của tỉnh Bình Thuận. (ND)
[2] Có nghĩa là bờ, bãi sông hay biển.
[3] Có nghĩa là thập tự nước, chỗ hai dòng nước gặp nhau.
[4] Nguyễn Văn Tố. Noms des lieux Chàm-Annamites, Bulletin de l’Institut Indochinois pour l’Etude de l’homme 1943, tr. 225-246.
[5] Thái Văn Kiểm. Đất Việt Trời Nam. Nguồn Sống, Sài Gòn 1960, tr. 34.
[6] Nghĩa là mới chỉ nghe nói thôi. (ND)
[7] Ma Lâm Chàm thuộc tỉnh Bình Thuận.
[8] Thuộc tỉnh Ninh Thuận trên đường Phan Rang, Đà Lạt.
[9] Tên Mũi Dinh này gốc ở Phan Rang ra vì người địa phương gọi Phan Rang là Dinh, sông Phan Rang là sông Dinh – vì ở Phan Rang xưa có dinh ông Đạo.