Gontran de Poncins
Phan Xích Linh dịch
Cuốn sách “Une Ville Chinoise” (tên tiếng Việt: “Chợ Lớn 1955 – Ký và họa”, Thư viện Nguyễn Văn Hưởng xuất bản năm 2022) của nhà du hành Pháp Gontran de Poncins có thể được coi như bức tranh cuối cùng về Chợ Lớn, với đúng tầm vóc và tâm tính toàn vẹn của nó – thành phố của lạc thú, “thái ấp” của văn hóa cổ điển Trung Hoa – trước khi những biến động lịch sử quét qua. Với những quan sát tinh tế, sâu sắc, tác giả đã diễn tả tài tình những nét bình dị mà đặc biệt của con người và nhịp sống Chợ Lớn, không chỉ bằng văn chương mà còn qua những bức ký họa hóm hỉnh. Tạp chí Phương Đông trích đăng Chương XII của cuốn sách để giới thiệu tới bạn đọc.
***
Dù Chợ Lớn và Sài Gòn khác nhau nhiều đến mấy, hai thành phố này vẫn lệ thuộc vào nhau trong thương mại. Gạo được chuyển lên từ Chợ Lớn, Sài Gòn chuyển xuống các mặt hàng chế tạo. Các thương nhân người Hoa có kho hàng ở Chợ Lớn mỗi sáng đều có mặt tại Sài Gòn, vào lúc mười một giờ, trên lề đường gần Ngân hàng Đông Dương, để tham gia Sàn giao dịch Gạo. Như vậy, luôn luôn có một dòng người và hàng hóa qua lại giữa hai thành phố, điều này lí giải tầm quan trọng của các phương tiện vận tải.
Có ba loại phương tiện: xe taxi, xe thồ do xe gắn máy kéo, và xe thồ được kéo bằng các loại xe đạp thông thường.
Tôi sẽ không bàn đến các tài xế taxi. Vì sở hữu hẳn “một chiếc xế hộp”, họ khinh khỉnh trong khi kẻ khác khiêm nhường. Họ không còn nghèo khó, trong khi những kẻ khác vẫn còn mang nặng dấu vết bi thảm của sự bần hàn.
Một số phu xe là người Việt, số khác người Hoa. Nhưng trước hết họ đều là phu xe cả. Nếu có thể nói rằng có một giai cấp tách biệt ở đây, thì họ chính là giai cấp ấy, thực sự ta còn phải tự hỏi liệu họ có khi nào từng trà trộn với các tầng lớp khác hay không. Họ có góc phố riêng nơi họ cùng xếp hàng chờ đợi, dù giữa họ chẳng có mối liên hệ cá nhân nào, như thể tất cả họ đều là những sinh vật tách biệt. Họ có những con hẻm riêng, những quầy hàng riêng, nơi họ ra kiếm chút gì bỏ bụng, họ ngồi trên lề đường bên cạnh quầy hàng với một chén cơm trong tay.
Có thể quan sát thấy đủ kiểu hình thể trong số họ. Có những người, với phẩm cách trang nghiêm, đội chiếc nón bảo hiểm kiểu Tây phương lấm lem, ngồi thẳng lưng đạp xe, như chú khỉ đạp quanh sân khấu trong rạp xiếc.
Có người mang kính xanh to bản, vẻ có học, kẻ ấy thuộc về giới trí thức thuộc địa, hơn người bởi có được tấm bằng tiểu học. Bộ ngực lép kẹp vì lao phổi và vì thù hận. Anh ta là loại người mà một ngày nào đó sẽ “quăng bè lũ thực dân xuống biển”, nhưng chừng nào ngày đó chưa tới, anh ta còn hoàn toàn lặng lẽ, vì nhất thiết phải thận trọng. Anh có đôi môi mỏng và lỗ mũi hẹp – dấu hiệu của bạo lực cách mạng đang ấp ủ, biểu tượng bên ngoài của nó là chiếc mũ tai bèo của du kích Việt Nam, với vành mũ uốn ngược lên một góc bướng bỉnh. Xe của anh ta kéo bằng chiếc xe gắn máy có động cơ nổ khục khặc, liên tục xì ra phía sau một dải khói xám làm người ta phát ốm. Khi lái xe anh ta có thể ngồi thoải mái, không phải gồng mình ưỡn ngực như những người phu xe giản dị khác phải gò lưng ra mà đạp. Anh ta thậm chí còn chẳng thèm hạ cố liếc anh lấy một cái, chỉ lạnh lùng nhét tiền công anh trả vào túi, dường như đang kiên quyết chờ đến Ngày Trọng Đại.
Loại thứ ba là anh chàng tốt tính, loại người bản xứ tử tế, hoàn toàn không có chút bần tiện – và cũng chẳng có chút suy tư nào. Đôi chân thật thà của họ đạp xe chở anh đi khắp nơi, và khi anh xuống xe thì họ mỉm cười, dù anh cho tiền boa nhiều hay ít. Kiếm được chút tiền là họ mua nước chanh tự chiêu đãi, mà họ uống nước chanh như hũ chìm vậy.
Về kiểu “thuộc địa”, sau đây là một số ghi chú về vài điển hình tôi từng gặp, tất cả bọn họ tôi đều không biết chắc thuộc về chủng người nào:
Kẻ thấp cổ bé họng. Biểu cảm của anh ta hoàn toàn trống rỗng. Đội một chiếc nón lưỡi trai kiểu Mĩ tô đậm thêm sự trống rỗng ấy. Dùng hết sức bình sinh đạp xe đi, mắt chẳng bao giờ nhìn ngang liếc dọc. Nhá mía suốt ngày, và nhả bã ra kèm với những tia nước miếng ngả nâu.
Kẻ trông giống trái đậu que. Thân hình săn và gầy trơ xương. Khô quắt đến mức không đổ mồ hôi bao giờ. Cặp đùi anh ta như thể hai que gỗ. Thế nhưng vẫn khá màu mè, với áo kaki, quần đùi kiểu quân đội Anh, và mũ đội đầu kiểu Úc hếch về phía trước. Anh này thuộc kiểu người yêu thích của Kipling[i], trung thành và tận tụy với cấp trên, giống như những thổ dân thời đại anh hùng. Anh ta làm việc không biết mệt, động lực của anh ta không phải đôi chân mà là tinh thần cống hiến, và chỉ chờ anh ra hiệu là anh ta sẽ bắt đầu đạp, vừa đạp vừa la hét khiến tất cả các phương tiện khác phải dạt sang tránh đường, và đưa anh đến đích trong vinh quang chói lọi.
Và rồi còn có kẻ trông như người ngoại lai, với nước da màu sô cô la và tóc quắn như len, đội cái nón kiểu Đông Kinh nom như chiếc dù nhỏ trên đầu. Lưng khoác chiếc áo rộng thùng thình trông mát mẻ. Chân đi xăng đan xỏ ngón. Ngậm một cái điếu bằng cùi bắp giữa hai hàm răng. Khách du lịch bao giờ cũng chọn đi xe của anh ta. Trang phục anh mặc chính là lời mời chào chắc cú. Anh chở khách xuyên qua các quảng trường xinh xắn, qua Chợ Lớn, Vườn Bách Thảo, như thể cả thành phố được bày ra để phục vụ nhu cầu của anh. Một anh chàng thân thiện, luôn sẵn sàng tán chuyện, và nhét tiền boa vào túi với một nụ cười hiền lành.
Cuối cùng là kẻ đậm chất Á Đông, kì lạ và bí hiểm. Không làm người ta tức cười, mà trái lại, khiến họ cảm thấy có phần khó chịu. Không có cách nào biết được điều gì diễn ra trong đầu anh ta. (Tuy nhiên, một số du khách lại thích điều này, nó cho họ cảm giác li kì). Thân mình dài và nhẵn nhụi. Gò má nhô cao sáng lên dưới đôi mắt một mí. Gương mặt một nửa giấu dưới chiếc nón rơm rộng vành, ánh lên lấp lánh. Thân hình anh ta dẻo dai như cao su. Đạp xe với hai chân khuỳnh ra, nhìn từ phía sau trông anh ta như con ếch đang bơi.
Nhưng cái thú vị không hẳn nằm ở kiểu dáng hình thể mà là ở hành vi của mỗi loại người và tâm lí ẩn dưới những chuyển động của họ. Dù có ích cho xã hội đến mấy – nếu không có họ, giao thiệp giữa hai thành phố sẽ bị cắt đứt hoàn toàn – tất cả những người phu xe này vẫn là tầng lớp hạ đẳng, bị đối xử như một giống thấp kém, người ta chịu đựng họ với sự nóng nảy không buồn che đậy. Chỉ cần một nhóm phu xe tụ lại trên một góc phố hay đối diện một khách sạn lớn là cảnh sát sẽ xuất hiện ngay để xua đuổi họ – bằng cả dùi cui nếu họ không nhanh chóng vâng lời. Họ tản đi như những con chim báo điềm gở, chỉ để tụ lại ở một nơi khác và lại bị đuổi đi như thế. Nhưng sức chịu đựng mọi sự của họ là vô hạn, và lòng kiên nhẫn của họ cũng vậy. Trong bọn họ có cả những người hau háu đợi chờ ở các góc phố, với sự bất động thao thức của Đông phương – Đông phương vốn luôn quan sát từng chuyển động vi tế nhất, và tỉnh táo với từng biểu hiện mờ nhạt nhất của ý muốn. Nhưng vì bị cấm chào mời, mà nếu vi phạm có thể bị tước giấy phép hành nghề, họ chỉ im thin thít mà ra hiệu khẩn khoản mong được phục vụ khách. Những người phu xe đã gây dựng được cả một nghệ thuật mời chào, gần tới mức cầu khẩn. Một người sẽ ranh mãnh chỉ tay vào chiếc xe mà anh ta đã lau chùi láng lẩy trông thật hấp dẫn. Người khác với một cử chỉ đơn giản ra hiệu rằng mình đang đói. Người thứ ba ưỡn thẳng người lên như thể đang tuyên bố “Chỉ chờ ông ra lệnh, sahib!” Kẻ may mắn được chọn sẽ hăm hở đẩy xe tới trong khi những người kia nhìn theo với vẻ cam chịu phương Đông.
Tuy nhiên, đặc biệt khi đêm xuống, hình bóng những người phu xe nổi bật lên trên khung cảnh. Vào lúc Sài Gòn chìm vào trạng thái gà gật trưởng giả, Chợ Lớn cựa mình nghe đời sống về đêm bừng dậy. Sự sống động của ban ngày được tiếp nối ngay không cần quá độ bằng sự đông vui của ban đêm. Nhà hàng Ngọc Điện đông chật đám thực khách sôi nổi, và những chú bồi bàn luôn cẩn thận giữ gìn sự huyên náo ấy ở cường độ cao. Bên ngoài, dòng người qua lại nhộn nhịp sinh khí kì lạ của Trung Hoa. Chẳng mấy chốc các vũ trường sẽ mở cửa. Các cô gái nhảy đang đổ về qua những con phố chính, từng cô một, mỗi người một chiếc xe kéo, những bóng dáng trang nghiêm, không phải các tiếp viên đi hành nghề mà như những thần tượng được đưa rước một cách nhanh chóng và kín đáo đến các điện thờ.
Giờ khắc diệu kì là lúc những chữ Hán trên các tấm bảng hiệu nổi lên trong bóng tối như những viên hồng ngọc lấp lánh, khi đám đông, trong đó có những tín đồ ẩm thực, ngồi xuống một quầy bán rong trước những món ăn diệu kì: vịt quay bóng lưỡng lấp lánh như những xác ướp được thắp sáng từ bên trong, bong bóng cá nhẹ như bọt biển, lòng heo xoắn từng dải. Những người bán hàng tay thoăn thoắt, người nhẫy mồ hôi, bận bịu sốt sắng. Mỗi quầy hàng có riêng một ngọn đèn sáng chói, mỗi ngọn đèn lại có hấp lực riêng thu hút khách vãng lai. Đây là lúc Chợ Lớn ở đỉnh cao của nó. Cái tinh thần nội tại của thành phố bùng phát mãnh liệt đến mức gần như làm nghẹt thở. Nhịp đập của nó không phải nhịp đập rộn ràng, ồn ã thường thấy ở các thành phố lớn của chúng ta, mà là thứ gì đó bạo liệt, gần như độc địa, dấy lên từ mỗi cá nhân và bám riết lấy các giác quan sinh tồn của ta. Nhưng không có chút gì bệnh hoạn trong đó cả. Ở mọi nơi khác, khoái lạc dường như luôn mang hương vị tội lỗi, dáng dấp đồi bại. Nơi đây thì mọi sự đều phóng dật. Ham muốn của con người được giải thoát khỏi những xiềng xích và đắn đo của lương tâm. Mọi điều đều hợp pháp, bằng vào sự tồn tại của chúng.
Những người phu xe chờ đợi, sẵn sàng phục vụ anh. Anh chỉ cần trôi theo dòng người, hòa vào con nước triều dâng, lưỡng lự nhưng tràn đầy dục vọng mơ hồ. Đám phu xe sẵn lòng cụ thể hóa những dục vọng mơ hồ ấy. “Mấy cô ở vũ trường kia đẹp lắm… Bà Trung Hoa ở nhà đó…” Họ biết rất nhiều nơi, hay ít nhất họ quả quyết với anh như vậy.
Anh chậm đáp lời ư? Họ càng tiến xa hơn. “Bà người Pháp, chồng đang nghỉ phép!” hay “Cô này đẹp lắm, chồng chết trận ở Điện Biên Phủ!” Đêm càng về sâu trông họ càng hốc hác, những cái bóng phờ phạc bật dậy chồm tới bên cạnh anh từ trong bóng tối.
Khi các con phố dần trống vắng, đèn đóm tắt, phép màu biến mất bỏ lại bóng tối dày đặc phía sau. Chợ Lớn cuối cùng cũng thiếp ngủ, giữa những luồng hơi dầu mỡ và mùi gia vị, lẫn trong mùi gắt của á phiện. Những người phu xe vẫn còn lang thang, cơn đói còn sôi trong bụng họ. Họ là những kẻ lạc đường trong đêm, những hồn ma của bóng tối.
Có những lần tôi trở về rất muộn. Đường phố trống trải, hoàn toàn hoang vắng. Đột nhiên tôi nghe một tiếng “Suỵt!” phía sau lưng mình. Một cái bóng, nhảy ra từ góc tối, chân đạp xe không tiếng động. Bóng tối ấy thong thả đạp cạnh tôi. Rồi tôi nghe: “Sài Gòn, mười hai quan!” Vì tôi là người da trắng, hẳn đó là nơi tôi đang muốn tới.
Tôi không đáp. Người phu xe hạ giọng thì thào. “Sài Gòn, mười quan!”
Tôi cau mày. Cái bóng chìm lại vào đêm tối, giữ một khoảng cách thận trọng với tôi, dù vẫn không từ bỏ. Giờ thì sự trách móc đeo đẳng tôi, cho đến khi tôi phải day dứt vì ân hận.
Có một nhóm người khác mà toàn bộ thời gian của họ được dành cho nghề khất thực đáng kính. Chỉ trên phố Jaccareo thôi đã có cả tá những người hành khất miệt mài thực hiện công việc ăn xin của họ trong cảnh tuyệt đối thanh bình, vì rằng chẳng có gì đáng hổ thẹn khi đi xin ăn cả. Đó là một sự thật xã hội, và người Trung Hoa không chỉ thừa nhận mà còn cảm thấy có trách nhiệm đạo đức cần bố thí cho người nghèo, ngay cả nếu chỉ để nhận được cảm tình của các vong hồn. Và thậm chí nếu không bố thí – vì một người ăn xin có thể tiếp cận anh đến mười lần trong một buổi tối – họ vẫn cực kì bao dung và nhẫn nại với người đứng trước mặt mình. Thêm vào đó, người hành khất không sấn sổ và cũng chẳng gây phiền toái gì, ngay cả nếu anh ta đứng gần chiếc bàn nơi anh ngồi trong suốt nửa giờ. Phần lớn thời gian anh ta không chờ để xin tiền mà chỉ xin những đồ ăn thừa còn sót lại. Ở đây anh sẽ không tìm thấy những kẻ van vỉ chuyên nghiệp, những kẻ ngụy trang mình cho xấu xí như bù nhìn để cưỡng ép lòng hào hiệp của anh. Người hành khất ở đây dè dặt hơn. Như anh chàng mù kia, vẫn còn trẻ, đang bước nhanh chóng, được một em bé dẫn đường. Khi đến một bàn có thực khách đang ăn, em bé này sẽ để anh ta lại đó, một cách rất kín đáo, và sẽ quay trở lại gọi anh ta sau. Và kẻ mù lòa đứng trước mặt anh không phải một điều đáng xấu hổ mà chỉ là một thực tế xã hội cần được cân nhắc mà thôi.
Hay là một người khác, đang bước đi như kẻ mộng du. Người này là một con nghiện á phiện rõ ràng đang ở giai đoạn cuối của quá trình nghiện ngập. Yết hầu anh ta lủng lẳng như một cái túi và có một lỗ hõm vào ngay dưới vị trí tiểu não. Về phần ngực, khó có thể nói rằng anh ta có một tí ngực nào, dường như chỉ có một cột sống uốn cong. Và chiếc áo len anh ta mặc không chỉ rách rưới mà còn nom như đang rữa nát ra trên thân hình ấy. Người ta có cảm tưởng rằng anh được đẩy về phía trước bằng những chiếc nan hoa, vì không thể thực sự khẳng định rằng chân anh ta có đùi hay bắp vế.
Ngay khi tôi đứng dậy khỏi bàn mình, anh ta lù lù tiến đến như một tên trộm, rút từ trong túi ra một tờ báo (lúc nào cũng là tờ đó), vét sạch những gì còn lại trên đĩa, và nhanh nhảu bỏ đi. Anh ta thực hiện việc vơ vét này không phải cho bản thân mình, vì anh chẳng còn cần ăn nữa, mà để bán lại số thức ăn thừa ấy cho một kẻ đói khát nào đó để lấy tiền mua thuốc phiện. Khí sắc tuyệt đối trống rỗng của anh ta là của một kẻ không còn thuộc về thế giới này và chỉ trở về với nó vì những kí ức xưa cũ mà thôi.■
[i] Rudyard Kipling, nhà văn, nhà báo người Anh được yêu thích vào cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20. Ông là tác giả viết bằng tiếng Anh đầu tiên được trao giải Nobel văn học vào năm 1907.