Cửu Long – Lê Trọng Văn
Cuốn hồi ký “Những bí ẩn lịch sử dưới chế độ Ngô Đình Diệm” do Cửu Long – Lê Trọng Văn, người từng là tay chân của Ngô Đình Nhu tại Sở Mật vụ, viết và xuất bản tại Mỹ năm 1989. Tạp chí Phương Đông xin trích đăng một số nội dung liên quan đến những câu chuyện xung quanh Sở Mật vụ thời bấy giờ. Để bạn đọc tiện theo dõi, nghiên cứu và suy ngẫm, chúng tôi xin giữ nguyên câu chữ của tác giả này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
***
Sơ lược
Sở Mật vụ này tiên khởi có người gọi nó là Sở An ninh Đặc biệt. Sau khi có nền Đệ Nhất Cộng Hòa và ông Diệm trở thành Tổng thống, thì sở này được đặt tên là: Sở Nghiên cứu Chính trị và Xã hội Phủ Tổng thống (NCCTXH). Danh nghĩa bên ngoài là một cơ quan nghiên cứu nhưng bên trong lại là một cơ quan giết người dã man nhất! Khi người ta biết cơ quan này không còn là cơ quan nghiên cứu nữa mà chỉ là một vỏ bọc cho hoạt động tình báo thì mọi người bắt đầu nghi ngờ tinh thần ái quốc của Ngô Đình Diệm và anh em ông ta rồi. Cũng kể từ đó người ta không còn gọi là Sở NCCTXH nữa mà chỉ gọi bằng một danh từ giản dị là “Sở Mật vụ”. Cơ quan này trực tiếp đặt dưới quyền ông Ngô Đình Nhu, cố vấn của Tổng thống. Giám đốc của Sở là ông Trần Kim Tuyến (hiện đang ở bên Anh)[1] và hai người phụ tá của ông là ông Thái (hiện đang ở San Diego) và ông Lưu, tự Đại tá Điệp. Nhân viên của sở này đại đa số là người đạo Thiên Chúa vùng Bùi Chu, Phát Diệm, Tam Tổng và Huế. Năm 1955, Mỹ gửi những người này đi thụ huấn một khóa gián điệp tại một bãi biển nổi tiếng của Thái ở về hướng Tây Nam có tên là Hủa Hỉn[2]. Những người này được hưởng đặc ân với quyết định hợp thức hóa họ là sĩ quan cấp Thiếu úy trở lên và thuộc ngành Bảo an, dù rằng có người chưa được huấn luyện hay tốt nghiệp ở một trường đào tạo Sĩ quan nào. Ví dụ như ông Lưu, tự Đại Tá Điệp, là một thầy tu xuất[3] người Phú Cam (Huế), chưa biết cơ bản thao diễn bộ binh là gì ngoại trừ làm dấu thánh giá, chứ đừng nói đến các mặt kỹ thuật quân sự khác, nhưng cũng chính thức được mang cấp Đại tá.
Nhiệm vụ mật vụ: Bắt cóc người – tống tiền – buôn lậu
Ngoài số cán bộ và nhân viên xuất xứ từ các trung tâm Thiên Chúa giáo nói trên, ông Tuyến còn tuyển chọn một số rất ít người trong Nam. Chẳng hạn như La Thành Hữu (gốc Tàu), sinh quán tại Mỹ Tho, con ông Quờn. Hữu là sĩ quan trong biên chế của Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH), nhưng không hiểu sao Hữu đào ngũ. Trong khi thi hành nhiệm vụ của Sở NCCTXH Phủ Tổng thống, Hữu bị cơ quan An ninh Quân đội bắt về tội đào ngũ. Liền sau đó, ông Nhu ra lệnh cho An ninh Quân đội phải lập tức thả Hữu ra, và cũng kể từ buổi đó, hồ sơ đào ngũ của Hữu coi như thủ tiêu luôn, để rồi sau này Hữu chạy chọt lên đến chức Trung tá và là Tỉnh trưởng Tỉnh Lâm Đồng.
Hữu được Tuyến giao cho phụ trách một số nhân viên người miền Nam. Buổi ban đầu ngân sách của Sở rất ít. Để có tiền hoạt động, Hữu được sai đi chỉ huy bắt cóc mấy thương gia ở Chợ Lớn, những người có trong danh sách buôn lậu, nhưng không bắt được quả tang. Hữu và các nhân viên được vũ trang súng ống, rồi dùng xe Jeep số ẩn tế bắt cóc các đương sự dọc đường rồi giam lại một nơi. Sau đó, dùng thủ đoạn đe dọa nạn nhân viết thư về nhà để người nhà đóng tiền. Nếu nạn nhân nào ngoan cố không chịu viết thư, hoặc người nhà cứng đầu không đóng tiền thì Hữu cho đàn em chặt một lóng tay để cảnh cáo. Ngón tay được bọc cẩn thận để gửi về nhà nạn nhân. Thế là nạn nhân nào cũng phải sợ và đóng tiền bạc triệu trở lên.
Có lẽ ông Hà Thúc Ký cũng biết chuyện này vì trong lúc ông bị giam tại trại Lê Văn Duyệt thì một người tên Bằng ở Chợ Lớn cũng bị giam chung với ông và đã phải trải qua những vụ tống tiền nêu trên.
Sở Mật vụ phát triển rất mạnh theo đà quyền lực của anh em ông Diệm. Tuyến đặt một người phụ tá của Tuyến là Lưu, tự Đại tá Điệp, phụ trách về nhân viên và đặc trách kiểm soát các nhà giam của Sở, như trại Lê Văn Duyệt, trại Nhảy Dù cũ ở Phú Lâm, Sở Thú v.v…
Những màn tra khảo các nạn nhân ác độc nhất thế gian đều do tên Lưu, một thầy tu xuất, chủ xướng hoặc nhận lệnh trực tiếp qua Tuyến hay ông Nhu đôn đốc trong việc tra khảo và đánh đập tàn nhẫn Bác sĩ Phan Quang Đán, ông Phan Khắc Sửu, phi công Phạm Phú Quốc… và các nạn nhân 11-11-60. Tên Lưu thường rình rập ở các trại giam bất thình lình nửa đêm đột nhập vào các nhà giam để xem xét tình hình nhà giam hoặc để hỏi cung những người mà hắn cho là quan trọng.
Một lần đi công tác trên Miên, tôi gặp La Thành Hữu đi cùng với một người tên Khanh ở Phnompenh. Lúc đầu tôi tưởng hai tên này được Sở Mật vụ phái lên để điều tra VC ở đây. Nhưng về sau tôi được biết là hai tên này lên đây để thi hành mệnh lệnh của ông Nhu bắt cóc người mang về Sài Gòn. Chuyện đổ bể, nạn nhân bị bắt cóc thoát được nên báo cáo với Sihanouk. Ông Sihanouk giận dữ, đã chỉ thị tòa Đại diện Hoàng gia Miên tại Liên Hiệp Quốc tố cáo hành động bắt người phi pháp của chính phủ VNCH trên đất Chùa Tháp lúc đó.
Sau khi Hữu và Khanh để nạn nhân trốn thoát, ông Nhu nghi hai tên này mê gái đẹp, bị mua chuộc nên đã để con mồi chạy thoát. Tôi được ông Nhu phái đi điều tra lại nội vụ. Lên Phnompenh, tôi đóng vai một người tỵ nạn chính trị để làm quen với nạn nhân. Nạn nhân bị bắt cóc hụt không ai khác hơn là ông Sỹ Thanh, tự Sơn, nguyên là bí thư của tướng Lê Quang Vinh. Sau khi Lê Quang Vinh bị chết chém thì Sỹ Thanh liền trốn lên Miên xin tỵ nạn chính trị. Sỹ Thanh tính tình ngay thẳng nên bị tên Khanh dùng chiêu bài đồng hương làm quen và dẫn đi đãi đằng ở các nhà hàng cao lâu, tửu quán. Vì không đề cao cảnh giác nên khi vào trong xe, Sỹ Thanh bị Khanh cùng Hữu đè ra chụp thuốc mê trong lúc hơi men choáng váng đầu óc.
Sau khi chụp thuốc mê xong, thì bị trói tay rồi khoác lên người chiếc áo veston, nhìn qua tưởng đương ngủ trong xe. Hữu và Khanh lái xe ngồi phía trước, để nạn nhân ngồi phía sau. Khi xe đến tỉnh Svay Riêng, hai tên mật vụ này mừng quá, vội vàng rủ nhau vào nhà Bưu Điện để đánh tin cho ông Nhu hay là đã bắt được Sỹ Thanh rồi. Nhưng bọn chúng không ngờ là kỹ thuật gián điệp của bọn bộ hạ Trần Kim Tuyến tuy được Mỹ huấn luyện, nhưng vì không biết cách dùng thuốc mê chloroform cho đúng độ, cho nên trong lúc hai “ông” mật vụ đang hý hoáy viết bức điện có mật ngữ về Sài Gòn, thì bên ngoài xe, ông Thanh bừng tỉnh, rồi nạn nhân tự cởi trói lấy và kiếm đường trở về Phnompenh ngay lúc đấy. Sau khi trở ra, hai tên mật vụ mới biết là con mồi của mình đã trốn thoát. Hai tên này sợ ông Nhu quở mắng nên đã tung tiền ra hối lộ cảnh sát địa phương lùng bắt ông Sỹ Thanh, nhưng không bắt được vì nạn nhân đã xa chạy cao bay. Sau hai ngày ở lại Svay Riêng không tìm thấy nạn nhân, hai tên này đành về tay không. Về đến Sài Gòn, ông Nhu hỏi chiến lợi phẩm. Hai tên đành thú nhận, bị ông Nhu chửi cho một trận nên thân. Chưa hết, ông Nhu tức giận đến độ ném cả cái gạt tàn thuốc vào người tên Hữu. Hai tên xanh mặt chịu trận cả nửa tiếng.
Sở dĩ ông Nhu ra lệnh bắt sống mà không thủ tiêu là vì ông ta muốn một công đôi ba việc là khai thác Sỹ Thanh về cơ sở của Ba Cụt ở trong bưng. Mặt khác khi đã bắt được Sỹ Thanh ở Miên về rồi, sự kiện này sẽ là một thông điệp cảnh cáo những người quốc gia chạy lên Miên tỵ nạn với ý định nhắn nhủ: “Tụi bây đừng có tưởng chạy được lên Miên là yên lành, bằng chứng là ông đã bắt được một đứa mang về đây, thằng nào có giỏi thì chạy lên đấy nữa đi…”
Ông Nhu tổ chức buôn thuốc phiện
Gần đây người ta mới lên tiếng là một ông tướng lãnh đạo nước Panama buôn bạch phiến. Cũng như trước đây ở Lào, ông tướng của dân tộc thiểu số Mèo ở Xiêng Khoảng là Vàng Pao còn dùng máy bay của CIA để chở thuốc phiện ở vùng Tam Giác Vàng (vùng gần ngã ba biên giới Miến Điện, Thái Lan và Lào). Sau này, Nguyễn Văn Thiệu cũng tổ chức mang ma túy từ Lào về Sài Gòn rồi gửi sang Đài Loan cho anh ruột là Nguyễn Văn Kiểu tổ chức cùng với một số thương gia Tàu. Ngoài vụ buôn lậu thuốc phiện, Thiệu còn tổ chúc buôn lậu công khai như vụ “còi hụ Long An” mà cả nước đều biết.
Sở dĩ tôi phải nêu ra vụ buôn lậu thuốc phiện tinh vi của ông Nhu là để đời sau biết cái chế độ được mệnh danh là Cần lao Nhân vị không tốt đẹp gì, nó cũng bê bối giống như chủ của nó mà thôi.
Khởi đầu Đệ Nhất Cộng Hòa, ông Ngô Đình Diệm ra lệnh bài trừ tứ đổ tường: đóng cửa các cửa tiệm hút, cấm hút và bán thuốc phiện. Một màn trình diễn rất ra rít ở bùng binh chợ Bến Thành với mấy chục bánh thuốc phiện, mấy trăm cái dọc tẩu và bàn đèn bị đốt. Ở đây các đài truyền hình ngoại quốc quay phim, các báo ngoại quốc viết bài đề cao chế độ Cộng Hòa do ông Diệm lãnh đạo đã bài trừ tệ đoan và lành mạnh hóa xứ sở. Nhưng sau đó không lâu, chính ông Ngô Đình Nhu đã đích thân tổ chức đường dây buôn lậu riêng, sau một thời gian, Sở Mật vụ của Tuyến trực tiếp nhúng tay vào. Lúc đầu Tuyến đề nghị ông Nhu là phải buôn lậu để lấy thêm tiền cho quỹ đen, chứ ngân sách hạn chế, không đủ tiền hoạt động. Đề nghị của Tuyến được ông Nhu chấp thuận ngay. Sau khi được chấp thuận, Tuyến vạch kế hoạch và cho người lên Lào nghiên cứu để tổ chức đường dây với người của Tuyến phụ trách.
Đầu tiên ông Nhu sử dụng một tên Pháp gốc Corse tên là Francisci đã ở Đông Dương lâu năm (tổ chức này tương tự Mafia của Ý). Francisci lên Lào mua thuốc phiện và tải bằng phi cơ hai cánh quạt ở Lào về. Máy bay thường đáp xuống các sân bay ở những đồn điền cao su của Pháp vào ban đêm như ở Lộc Ninh, Hớn Quản…
Sau đó, hiện đại hóa bằng cách chở bằng những máy bay lớn nên ông Tuyến đã tổ chức Trung tá Không quân Nguyễn Cao Kỳ, chỉ huy Đệ Nhất Không Đoàn, chở thuốc phiện đã được nhân viên của sở Mật vụ mua sẵn và chở từ Lào về trên những chuyến bay làm công tác đặc nhiệm tình báo. Để thu gặt được nhanh chóng, Kỳ bắt phi công bay nhiều chuyến nên họ không có thời giờ nghỉ ngơi, phần tiền thưởng cho rất kẹo nên có một hai phi công than phiền. Ngoài ra, Kỳ còn dùng máy bay chở gái đẹp đi chơi để lấy le. Việc này thấu tai báo chí Mỹ ở Sài Gòn, họ làm một cuộc điều tra bí mật rồi gửi phúc trình về Thượng viện Hoa Kỳ yêu cầu cho điều tra, nên sau đó tình báo Mỹ ở Sài Gòn không cho phi công Việt Nam lái những chuyến bay đặc nhiệm tình báo nữa, thay vào đó là những phi công người Tàu Đài Loan.
Không dùng được máy bay của Mỹ nữa, ông Nhu tổ chức chuyên chở thuốc phiện bằng xe tải trên đường bộ từ Savannakhet (Lào) về Đông Hà (Quảng Trị). Mỗi chuyến xe đều có nhân viên mật vụ của Tuyến theo sau. Ông Nhu lại bắt liên lạc cho Francisci chở bằng máy bay nhỏ từ Pakse (Lào) về Ban Mê Thuột.
Mặt khác, ông Nhu tổ chức một hệ thống riêng bằng cách cho người là người Huế trước là công chức trên Lào. Một là Phạm Bá Công, trước làm kho bạc ở Pakse, người thứ hai là Tôn Thất Hối, trước làm Sureté Fedérale ở Savannakhet. Công sau được làm tham vụ tòa đại sứ, Hối làm Đại sứ, rồi Đại biểu Chính phủ. Hai người vì ở Lào nhiều năm nên dễ bắt liên lạc kiếm mối và cũng dễ dàng tổ chức chuyển thuốc phiện từ Vientianne đến Savannakhet, rồi từ đấy đi bằng đường bộ về Đông Hà. Một chuyến thông thường đi 12 chiếc xe hàng, nhưng thực ra cộng lại chỉ còn 6 chiếc vì phải chở hàng ngụy trang. Mỗi tháng chỉ đi một chuyến, xe hàng đều là xe thuê, các tài xế là những lính bảo an quê ở Quảng Trị và Huế được biệt phái làm công tác đặc biệt để đề phòng bất trắc. Ở trên Lào thì đã có ông Công và Hối lo liệu với những trạm kiểm soát của Lào hay thương chính. Lúc qua đến biên giới Việt thì đã có mật vụ trên xe, và hàng tháng có một tên thiếu tá bảo an tên Kính (cũng người Huế) lên tận biên giới mang theo sự vụ lệnh đặc biệt của Tổng thống Phủ đến trạm biên giới đón hàng về.
Ngoài đường dây chuyên chở thuốc phiện bằng đường bộ, ông Nhu còn cho tên Ngọc, làm ở Hàng Không Việt Nam, phụ trách một đường dây chuyển vận bằng đường hàng không. Vì được trọng thưởng đặc biệt nên những đường dây này rất kín đáo.
Trần Kim Tuyến và Ngô triều
Tuyến là một trong những người có công lớn nhất đối với nhà Ngô. Lúc ông Diệm đang ở Mỹ, thì bên nhà được tin của Hồng Y Spellman báo cho biết là Diệm có triển vọng hồi hương một ngày gần đây. Để chuẩn bị, Tuyến, một phụ tá đắc lực của ông Nhu nghiên cứu tình hình miền Nam lúc bấy giờ, đặt kế hoạch để tiến hành công tác một khi ông Diệm trở về làm Thủ tướng thì có sẵn các dữ kiện để đối phó với tình hình nhiễu nhương ở miền Nam, nhất là ở Sài Gòn do các lực lượng vũ trang của Bình Xuyên gây rối.
Ông Tuyến có thành tích hoạt động trong phong trào Tự vệ Khu Tự trị Phát Diệm, và vì là một thầy tu xuất nên được các linh mục biết đến nhiều. Cho nên khi đặt nền móng Đệ Nhất Cộng Hòa, ông Diệm trở thành Tổng thống, ông Nhu trở thành Cố vấn Chính trị, thì ông Tuyến cũng trở thành Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị và Xã hội Phủ Tổng thống. Những năm đầu, bất kỳ việc gì liên quan đến mật vụ, ông Nhu đều tham khảo với Tuyến. Nhưng sau vụ đảo chính hụt 11-11-60 thì ông Nhu bớt tin tưởng ở vai trò của Tuyến.
Một hôm ông Nhu hỏi dò tôi một cách khéo léo con người của ông Tuyến. Tôi nói thẳng với ông Nhu là ông Tuyến có nhiều điểm được, nhưng hơi khó hiểu còn đàn em thì lôi thôi lắm.
Độ hai tuần sau, ông Nhu lại khơi mào về việc ông Tuyến. Ông Nhu nói: “Cái gì thì nó cũng được hết, nhưng phải cái nhược điểm là không chịu khó phán đoán tình hình và quá dễ dãi với nhân viên. Sợ rằng người ta sẽ lợi dụng nó”. Rồi ông dặn tôi: “Thỉnh thoảng rảnh rỗi anh để ý xem nó liên lạc với người ngoại quốc nào nhiều”. Tôi vâng vâng dạ dạ, tôi biết là từ đây ông Nhu nghi ngờ Tuyến nhưng chưa có bằng chứng gì, ông Nhu lại muốn tôi điều tra bí mật nhưng không tiện nói ra, nói một cách lưng chừng như vậy, ông biết là tôi hiểu hết ý của ông rồi.
Sau đó không lâu, ông Nhu cho gọi tôi vào gấp và lần này ông Nhu không rào đón như các lần trước. Ông hỏi thẳng là tôi đã tìm thấy điều gì lạ nơi ông Tuyến chưa. Không ngần ngại, tôi đáp là đã rồi! Những người ông Tuyến thường hay gặp là một người Anh và một người Mỹ, hai người này là nhân viên thượng thặng của ngành tình báo ở Đông Nam Á. Nhưng tôi muốn dò xem phản ứng của ông Nhu ra sao nên dù biết chắc tên họ hai người đó, tôi vẫn không nói ra với ông Nhu. Tôi nói chắc là hai người gặp ông Tuyến để trao đổi tin tức liên quan đến VC.
Ông Nhu có vẻ không bằng lòng với cách trả lời của tôi, ông nói: “Toi phải lấy tên họ hai người này cho moi, chậm nhất là hai ngày”. Tôi không biết phải làm sao nên sau đó phải trình cho ông tất cả về chi tiết của hai người này.
Tôi nhận xét là lúc đầu ông Nhu không để ý ông Tuyến mấy. Nhưng những người khác ở Tổng thống Phủ như Võ Văn Hải tuy ngoài mặt ngọt xớt với ông Tuyến, nhưng trong bụng thì không thích ông ta. Một người lay chuyển được ông Nhu là ông Ngô Đình Cẩn. Tuy ở ngoài Huế, không đi đâu cả, nhưng ông Cẩn nhận được những báo cáo đều đặn về ông Tuyến ở khắp nơi, cả ở các Tòa Đại sứ VNCH ngoại quốc nữa. Những báo cáo này là do những người muốn có địa vị trong chính phủ nhưng không có “tuy dô” ở Sài Gòn, nên phải chạy ra Trung ton hót với “ông cậu” Cẩn.
Không tháng nào là không có sự trách móc của ông Cẩn với ông Nhu về ông Tuyến từ sau vụ đảo chính 11-11-60. Ông Cẩn còn nghĩ ông Tuyến và một số đàn em trong đường dây hoạt động cho Cộng sản nữa! Chính điểm này làm ông Nhu giật mình và bắt đầu cảnh giác. Do đó, tôi bắt đầu làm nhiệm vụ theo dõi ông Tuyến.
Không riêng gì ông Tuyến, sau vụ 11-11-60, tôi cũng được ông Nhu chỉ thị đi điều tra về Đại tá Đỗ Mậu, Giám đốc Nha An ninh Quân đội để xem ông Mậu có liên quan gì đến nhóm đảo chính không, giữa ông Mậu và Tuyến có sự hợp tác gì, và hai người thân mật với nhau đến mức nào.
Ông Nhu cũng đã có khuyến cáo với Tổng thống Diệm là nên cho người khác thay ông Mậu sớm. Theo ý ông Nhu, ông muốn cho Huỳnh Văn Cao thay thế Đỗ Mậu. Hình như ông Nhu không ưa ông Mậu vì ông Mậu được Tổng thống Diệm tin tưởng hơn nhiều người khác.
Riêng tôi, tôi biết rõ ông Tuyến có sự liên hệ mật thiết khác thường với tình báo Anh. Nếu ông Tuyến không ở địa vị Giám đốc của một Sở Mật vụ, thì tôi nhất quyết gọi Tuyến là “con người hàng hai” và thật sự là một trong những người trực tiếp làm sụp đổ chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa.
Nếu không có sự can thiệp của bà Nhu thì ông Tuyến không đời nào được đi sứ sang Ai Cập, vì những chuyện bất mãn của ông Tuyến và ông Tuyến liên lạc với những ai trong quân đội để âm mưu làm một cuộc đảo chính ông Nhu đều được báo cáo.
Trong thời gian phụ trách Sở Mật vụ, tuy Tuyến không ra mặt trực tiếp bắt bớ, giam cầm, tra tấn, đánh đập những người quốc gia không cùng chính kiến với nhà Ngô như tên Lưu, tự Đại tá Điệp, phụ tá của ông Tuyến. Nhưng dù muốn dù không, ông cũng đã góp phần vào kế hoạch đó, nghĩa là trước sau là một Beria[4] của chính quyền để tiêu diệt những người quốc gia yêu nước chống lại nhà Ngô. Có lẽ vì vậy mà Tuyến không dám định cư tại Hoa Kỳ.
Mấy năm trước tôi có dịp đi Âu châu, có ghé Luân Đôn, nhưng quên để ý xem Tuyến đang sống ra sao. Nhưng với số của cải mà phe nhóm Dương Văn Minh đã chia cho ông để bịt miệng trong vụ Bình Xuyên, chắc ông cũng sống quá ung dung nhiều đời, ấy là chưa nói đến những vụ chia chác buôn lậu hoặc các khoản tiền bất hợp pháp khi trước.
Sở dĩ ông Tuyến sau cuộc đảo chính của Đại tá Nguyễn Chánh Thi, ông không được anh em ông Diệm tin cẩn nữa là điều dễ hiểu, rằng quỹ mật vụ tiền như nước, nhân viên mật vụ gài vào các cơ quan quân cũng như dân sự, thế mà không biết trước được vụ đảo chính thì quá dở.
Hoặc có biết nhưng ông Tuyến cũng muốn diệt anh em ông Diệm chăng? Có điều chắc chắn là ông Tuyến đã đánh hơi được địa vị của mình đang lung lay cho nên mới tìm mọi cách để xa lìa nhà Ngô ngõ hầu thoát được sự trả thù thật sự khi có đảo chính thành công. Ông Tuyến đã sáng suốt ở điểm này cho nên đã vận động để đi làm ngoại giao cho chắc ăn vì được quyền “bất khả xâm phạm” nơi nước ngoài. Cái trò hề bẩn thỉu nhất trong đời một con người là kẻ đã từng hét ra lửa, mửa ra cườm cườm dưới triều nhà Ngô lại phải đi lậy lục một người đàn bà để mong đạt được mục đích vụ lợi. Đấy, lương đống quốc gia đấy! Đấy, tư cách của một chính khách đấy!
Đấy là những gì mà con người thật Trần Kim Tuyến đã giúp cho Ngô triều.
Riêng tôi, ông Nhu đã nhiều lần muốn tôi thay ông Tuyến, nhưng tôi đã trình thật với ông Nhu là một bác sĩ là mật vụ đã mang tiếng suốt đời rồi, bây giờ lại đến một dược sĩ đi làm mật vụ thì khó coi quá. Hơn nữa, tôi cho ông Nhu hay tôi là người duy nhất không bị lộ trong các hoạt động thì nên để cho tôi trong bóng tối hay hơn, dù gì thì tôi vẫn là một đặc vụ cho ông. Ông Nhu nói là để ông suy nghĩ lại và rồi đến ngày ông trả món nợ mà ông đã gây ra. Về mặt quốc gia ông quả có tội. Nhưng với cá nhân ông, tôi rất tiếc thương cho cái chết thiếu vẻ vang của ông.■
[1] Trần Kim Tuyến di tản sau ngày 30/4/1975, đã mất năm 1995 tại Anh (BTV)
[2] Và sau đó là những khóa tình báo tại Singapore, Okinawa v.v…
[3] “Tu xuất” nghĩa là người từng sống trong chủng viện hoặc các dòng tu (BTV)
[4] Trùm mật vụ của Liên Xô thời Stalin.