Dương Thị Thịnh
Theo truyền thuyết, lễ Tịch điền có nguồn gốc từ Trung Quốc, do vua Thần Nông đặt ra để chỉ dẫn thời vụ, dạy dân nghề làm ruộng. Bởi Việt Nam vốn là một quốc gia từ khởi thủy đã gắn với nền văn minh lúa nước, qua sự giao thoa văn hóa, nghi lễ Tịch điền đã được các triều đại phong kiến nước ta tiếp nhận và ứng dụng với ý nghĩa vô cùng thiết thực. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, lễ Tịch điền đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, là một di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.
1. Ruộng Tịch điền
Theo Từ điển Hán Việt, “tịch” có nghĩa là giẫm, đạp, “điền” là ruộng. “Tịch điền” có nghĩa là thứ ruộng nhà vua tự giẫm chân mà cày, nói cách khác là đích thân cày. Khi dịch Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn, các dịch giả đã chú thích: Tịch điền là ruộng đứng riêng một thửa, để chính vua tự ra cày, hoa lợi dùng vào việc tế lễ ở nhà tông miếu, nhưng thực ra gặp vua chúa nào chú trọng về việc làm ruộng, thỉnh thoảng cũng đem quần thần đến cày một vài sá để cho đủ lệ. Còn thì phần nhiều là nhờ vào sức dân, nên tịch điền cũng có chỗ chép là tạ điền.[1]
Từ cách đây gần nửa thế kỷ, các nhà sử học đã đặt ra nhiều nghi vấn xoay quay cái gọi là Tịch điền trong lịch sử Việt Nam. Trong công trình chuyên khảo “Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý – Trần”, một số nhà nghiên cứu đã cho rằng dưới thời Lý – Trần, cày Tịch điền là một nghi lễ tượng trưng, do đó Tịch điền không phải một loại ruộng hiện thực. Chỉ từ thời Hồng Đức, khi triều đình cho xây dựng sở Tịch điền ở Hồng Mai thì ruộng Tịch điền mới được cố định một nơi và tồn tại theo đúng nghĩa.
Căn cứ những ghi chép trong các bộ sử biên niên cũ nói tới Tịch điền trong vòng từ cuối thế kỷ X đến thế kỷ XIV, một số nhà sử học đã không khỏi băn khoăn trước câu hỏi, chẳng lẽ một loại ruộng thực sự của nhà vua lại ở rải rác nhiều nơi trong cả nước? Như năm 987, Lê Hoàn lần đầu tiên cày ruộng Tịch điền ở Đọi Sơn, rồi năm sau ở núi Bàn Hải (Hà Nam). Sách Đại Việt Sử ký toàn thư cũng ghi lại nhiều lần các vua nhà Lý đi cày ruộng Tịch điền nhưng ở các địa điểm khác nhau như Tín Hương, Bố Hải Khẩu, cửa biển Kha Lãm, Ứng Phong, Lỵ Nhân… Các ghi chép phần lớn cũng chỉ lược sơ sài về những lần nhà vua đi tới địa điểm nào đó mà không hề miêu tả cụ thể về quy chế tồn tại thực tế của Tịch điền. Nghi lễ cày ruộng bậc quân vương có thể được tổ chức trên bất kỳ loại ruộng đất nào, ở bất cứ đâu. Vì vậy, “dường như Tịch điền không có thực. Hễ chỗ nào nhà vua tới làm lễ cày thì chỗ đó gọi là tịch điền”[2].
Tuy nhiên đến nay, nhiều ý kiến cho rằng từ thời Tiền Lê ở nước ta đã có ruộng tịch điền. Ngay sau khi ổn định đất nước, vua Lê Đại Hành đã sử dụng một số vùng đã tịch thu của các sứ quân để làm ruộng tịch điền, phục vụ nghi lễ khuyến khích sản xuất nông nghiệp và lấy thóc lúa đưa vào kho nhà nước. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư, có chép lại rằng: “Đinh Hợi, [Thiên Phúc] năm thứ 8 [987], [Tống Ung Hy năm thứ 4]. Mùa xuân, vua lần đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải được một hũ nhỏ bạc, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân”[3]. Theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, nay dưới chân núi Đọi, phía Tây vẫn còn cánh đồng Tịch điền rộng gần trăm mẫu và còn di tích vài nền nhà, tương truyền là nơi vua Tiền Lê nghỉ để sau đó đi cày.
Dưới thời Lý, ruộng Tịch điền tiếp tục được kế thừa. Ruộng Tịch điền của triều Lý không chỉ có ở vùng xung quanh Thăng Long mà còn đặt ở nơi dân đông, nghề nông phát triển. Theo nhiều nguồn sử liệu, ruộng Tịch điền của nhà Lý đặt ở Ô Lộ, Bố Hải Khẩu (Thái Bình), vùng Tín Hương – Đỗ Động Giang (Thanh Oai, Hà Nội), Ứng Phong (Nam Định) và Lỵ Nhân hay Lợi Nhân (Hà Nam)… đều nằm trong vùng châu thổ sông Hồng, thuộc những vùng sản xuất nông nghiệp trọng yếu của đất nước.
Trong Đại Việt Sử ký toàn thư, Bản kỷ, Quyển 2 – kỷ nhà Lý, các sử gia đã ghi lại như sau: “Nhâm Thân, [Thiên Thành] năm thứ 5 [1032],… Mùa hạ, tháng 4 ngày mồng 1, vua ngự đến Tín Hương ở Đỗ Động Giang cày ruộng Tịch điền, có nhà nông dâng một cây lúa chiêm có 9 bông thóc. Xuống chiếu đổi ruộng ấy là ruộng Ứng Thiên”[4]. Theo chú thích của một số sách xưa, Đỗ Động Giang là vùng đất của họ Đỗ, xưa kia là căn cứ của sứ quân Đỗ Cảnh Thạc thời 12 sứ quân, hiện nay là khu vực thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội. Năm 1038, vua Lý Thái Tông thân đi cày ruộng Tịch điền ở Bố Hải Khẩu. Năm 1065, vua Lý Thánh Tông cũng về cày ruộng tại nơi này. Địa danh Bố Hải Khẩu được xác định là vùng đất lập nghiệp cũ của sứ quân Trần Lãm, nay thuộc thành phố Thái Bình. Mùa xuân năm Nhâm Ngọ (1042), vua Lý Thái Tông đi cày ruộng tịch điền ở cửa biển Kha Lãm – Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết tên đất này không khảo được. Trong những năm về sau, sử sách nhiều lần ghi lại việc các vua Lý về hành cung Ứng Phong và Lỵ Nhân xem cày và gặt Tịch điền, coi đây là việc thường hàng năm. Về địa danh Ứng Phong, Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã chua rằng: “Ứng Phong: thuộc tỉnh Nam Định. Xưa là huyện Hiển Khánh, nhà Lý đổi làm Ứng Phong; nhà Trần đổi làm Kiến Hưng; khi thuộc Minh đổi làm phủ Kiến Bình; nhà Lê gọi là phủ Nghĩa Hưng, tức là phủ Nghĩa Hưng bây giờ”[5]. Dù ruộng Tịch điền ở nhiều nơi như vậy nhưng tới nay chưa có tư liệu nào cho biết về số lượng Tịch điền thời Lý.
Dưới thời Trần, có lẽ ruộng Tịch điền vẫn còn tồn tại nhưng do không có nhiều ghi chép liên quan tới sự việc này, nên cũng không đoán định được các vua Trần đặt Tịch điền cụ thể ở vùng nào. Chỉ có một lần duy nhất trong Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại việc gặt Tịch điền với vài dòng đơn giản: “Mùa đông tháng 11 năm Bính Thìn (1316) sai tể thần, tôn thất cùng các quan gặt ruộng Tịch điền”.
Thời Hậu Lê, nhà nước phong kiến Đại Việt có nhiều chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới sự phát kiển của kinh tế nông nghiệp, thậm chí đặt ra các chức quan Hà đê, quan Khuyến nông. Do đó nghi lễ cày ruộng Tịch điền theo lệ cổ hẳn là việc không thể thiếu. Tháng Giêng, năm Quý Tỵ (1473), nhà vua thân hành cày Tịch điền và đốc suất các quan cày, khiến dân chúng tích cực noi theo. Mùa đông năm Giáp Thìn (1484), vua Lê Thánh Tông lại quy định việc xây dựng hành điện tại ruộng Tịch điền ở xã Hồng Mai, huyện Thanh Đàm, ngoại vi kinh thành Thăng Long (nay thuộc phường Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Cũng từ đây, Tịch điền được xem như cố định. Các năm về sau, việc cày Tịch điền đã thành thông lệ nên các nhà chép sử chỉ ghi lại những năm sự kiện này có điều khác biệt, chẳng hạn như mùa xuân năm 1509 và 1514, “nhà vua tự mình cày ruộng Tịch điền, cái cày bị gãy”.
Từ những năm đầu thế kỷ XIX, cùng với những chính sách canh nông ưu việt, triều Nguyễn đã khôi phục lại lễ Tịch điền một cách bài bản. Mùa xuân năm Mậu Tý (1828), sau khi đã khảo chứng lại tục lệ xưa, vua Minh Mạng đặt ra lệ cày ruộng Tịch điền. Khu Tịch điền được định ở khu vực trong Kinh thành Huế, phía Bắc Ngự Hà, đối diện với đình làng Phú Xuân (nay thuộc phường Tây Lộc), gồm 12 mẫu thuộc hai phường Hậu Sinh và An Trạch. Toàn bộ khu có tường gạch bao bọc, cửa chính quay về hướng Nam, bên trong là các công trình phục vụ cho tế lễ. Bên tả dựng đài Quan Canh, đằng trước làm ruộng đế tịch, đằng sau làm điện thay áo, bên hữu đặt đàn Tiên Nông và đình Thần Thương thu thóc. Vua lại cho đặt sở Diễn Canh (tập cày) ở phía bắc cung Khánh Ninh, gọi là vườn Vĩnh Trạch. Năm 1832, vua Minh Mạng còn ban quy định về việc cày ruộng Tịch điền ở các địa phương. Mỗi địa phương chọn đất ở phía ngoài thành của tỉnh hay trấn, đặt làm 3 mẫu Tịch điền. Trên thực tế, so với tổng diện tích ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước lúc bấy giờ thì phần ruộng Tịch điền thời Nguyễn cũng không đáng kể. Nếu tính cả ở Kinh sư và các địa phương thì tổng số ruộng Tịch điền cũng chỉ trên dưới 100 mẫu.
Trong khu Tịch điền tại Kinh đô Huế, diện tích ruộng Tịch điền được vua định cụ thể gồm hơn 4 mẫu 4 sào, lấy hơn 2 mẫu 9 sào trồng lúa nếp, hơn 1 mẫu 4 sào trồng lúa tẻ. Mùa lúa chín, quan Phủ doãn Thừa Thiên trông coi việc gặt hái cùng một quan thuộc bộ Hộ. Lúa gặt về được lựa giống để gieo tiếp vào lễ Tịch điền mùa sau. Số còn lại cho vào kho Thần Thương dùng cho tế lễ trong Đại Nội, tết giao và tế thần linh, lăng miếu. Đồng thời định lệ lương cho nông phu cày Tịch điền. Nông phu 30 người, lấy dân 8 xã Phú Xuân sung vào, cấp lương tháng gạo 1 phương, tiền 1 quan. Xong việc thì chia ban mà chi lương, người ở ban được mỗi tháng 1 phương gạo.
Qua những ghi chép còn sơ lược trong sử cũ, có thể khẳng định Tịch điền là loại ruộng đất có tính chất lễ nghi thể hiện sự quan tâm của nhà nước với kinh tế nông nghiệp. Hằng năm, nhà vua chỉ đến làm lễ tế Thần Nông và cày tượng trưng để khuyến khích nhân dân sản xuất rồi sau đó giao cho dân sở tại cày cấy. Vì là loại ruộng riêng của nhà vua và cung đình nên toàn bộ hoa lợi trên ruộng này phải nộp lại cho nhà nước và chỉ dành riêng cho việc thờ cúng tôn miếu mà thôi. Tuy nhiên, nếu như người cày ruộng sơn lăng (loại ruộng dùng vào việc thờ phụng tổ tiên dòng họ nhà vua) được biết đến là những nông dân tự do, được ưu đãi vì tô thuế nhẹ, lại được miễn mọi nghĩa vụ khác thì bộ phận ruộng tịch điền (trừ thời nhà Nguyễn) do ai cày cấy, thân phận ra sao vẫn là những điểm mà nguồn sử liệu còn bỏ ngỏ. Sử cũ không cho biết thân phận người cày cấy ruộng Tịch điền là nô tì, nông nô hay nông dân làng xã. Họ có thể là những người bị tù tội hay những nông dân bị huy động làm nghĩa vụ lao dịch cho nhà nước. Tuy là loại ruộng có số lượng không nhiều, chiếm rất ít trong tổng diện tích đất đai trên cả nước nhưng Tịch điền có ý nghĩa quan trọng đối với nền sản xuất nông nghiệp nước ta trong suốt chiều dài lịch sử.
2. Nghi lễ Tịch điền qua các triều đại phong kiến Việt Nam
Lễ Tịch điền là lễ vua đến tế Thần nông rồi tự mình cày ruộng nhằm khuyến khích dân chúng chăm lo việc nông tang, phát triển nền kinh tế. Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, lễ Tịch điền diễn ra khá thường xuyên và được xem là một nghi lễ quan trọng của đất nước.
Lễ Tịch điền đầu tiên ở nước ta được ghi nhận từ thời Tiền Lê. Mặc dù tình hình đất nước ở mỗi triều đại khác nhau nhưng lễ Tịch điền luôn được nhiều vị vua đời sau như Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn tiếp tục duy trì, coi như một biện pháp khuyến nông. Trong nghi thức cày ruộng Tịch điền, việc những bậc quân vương đích thân lội ruộng xuống đồng khiển trâu cày ruộng có ý nghĩa vô cùng lớn. Những sá cày đầu tiên mở ra mùa vụ mới mang theo niềm khát vọng, mong cầu một mùa lúa bội thu, để khắp chốn nhân dân no ấm. Đây không chỉ là việc làm gương để khuyến cáo dân chúng chăm lo nghề nông như nghề gốc của nền kinh tế nước nhà mà còn thể hiện tư tưởng trọng nông, thân dân của người đứng đầu đất nước.
Trong Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia Phan Huy Chú cũng từng khái quát lại việc thực hiện nghi lễ Tịch điền này: “Đời xưa Thiên tử lấy ngày Nguyên Đán tế trời ở đàn Nam Giao, tế phối thần Hậu Tắc để làm lễ cầu được mùa. Tế xong vua thân đi cày ở Tịch điền. Nước Việt ta từ thời Lý về trước còn theo lễ chế cổ, hằng năm đầu xuân vua ra đồng cày tịch điền. Từ nhà Trần về sau phép xưa bỏ mất… Nhưng trong khoảng các đời Quang Thuận, Hồng Đức vua còn thân làm lễ đem quần thần đi cày, còn là không bỏ lễ chế cổ. Đến Trung Hưng về sau, … lễ cày tịch điền ủy cho Phủ doãn làm, thế thì chỉ làm cho đủ hình thức, không phải có ý trọng việc như người xưa nữa”[6].
Điểm lại những trang biên niên sử từ cuối thế kỷ X đến thế kỷ XV, chúng ta đều nhận thấy lễ Tịch điền được các vua nhà Lý tiến hành khá đều đặn, chỉn chu. Sang thời Trần, nghi lễ này có lẽ chỉ còn là một sự cúng tế đơn thuần. Tuy các chính sử đã lưu lại nhiều lần vua đi cày hay gặt Tịch điền nhưng gần như có rất ít tài liệu cho biết cách thức triều đình phong kiến thực hiện nghi lễ nông nghiệp quan trọng này. Duy chỉ có ghi chép dưới đây được cho là cụ thể hơn: “Mậu Dần, [Thông Thụy], năm thứ 5 [1038], (Tống Bảo Nguyên năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng Tịch điền. Sai Hữu ty dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế Thần Nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: “Đó là việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?” Vua nói: “Trẫm không cày thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì cho thiên hạ noi theo?” Nói xong vua đẩy cày ba lần rồi thôi”[7]. Bàn về sự kiện này, sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Lý Thái Tông khôi phục lễ cổ, tự mình cày ruộng Tịch điền để nêu gương cho thiên hạ, trên thì để cúng tôn miếu, dưới thì để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến của giàu dân đông, nên thay!”[8].
Dưới đời vua Lê Thánh Tông, nghi lễ cày ruộng Tịch điền đã bước đầu có quy mô thể chế rõ ràng hơn. Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Trước đây, lúc nào nhà vua thân đi cày ruộng tịch điền, lúc ấy mới tạm thời dựng hành điện, quy mô thể chế chưa được đầy đủ. Đến nay, ở trên cao chỗ về bên hữu ruộng Tịch điền, dựng đàn Tiên Nông cao 7 thước, rộng 36 thước, ở giữa hành điện làm nhà Quan canh, cao 5 thước, rộng 40 thước, đằng sau đài Quan canh lại dựng 5 gian hành điện và 1 dãy 3 gian nhà bếp”[9]. Hằng năm, vào tháng trọng xuân, để khuyến nông, tại đàn Xã Tắc, phía Tây Nam thành Thăng Long, nhà vua và các quan đại thần trong triều đều mặc lễ phục tiến cúng lễ thần Tiên Nông, sau đó đích thân nhà vua sẽ xuống đồng cày ruộng làm gương cho mọi người, mở đầu một năm lao động mới.
Đặc biệt đến triều Nguyễn, sau nhiều năm chiến tranh đình trệ, nghi lễ Tịch điền được tổ chức quy mô, trọng thể như một đại lễ của quốc gia. Sách Đại Nam thực lục – phần chính biên đã ghi chép vào tháng 2 năm Mậu Tý (1828), vua Minh Mạng đã ban hành lời dụ về việc cày ruộng Tịch điền. Vua chỉ dụ xem việc này “thực là chính sự quan trọng của đấng vương giả”, nên lễ cày ruộng Tịch điền không thể nào bỏ được. Sau khi khảo chứng tục lệ xưa, xét các nghi thức cử hành đại lễ này dưới các triều đại trước còn quá giản lược, vua đã giao cho bộ Lễ soạn thảo chu đáo các điển lễ làm thành luật lệ lâu dài. Tuy lần đầu tiên làm lễ cày Tịch điền nhưng nghi lễ được vua Minh Mạng và triều thần thực hiện rất quy củ và cẩn trọng.
Lễ Tịch điền dưới triều Nguyễn thường được tiến hành vào tháng trọng hạ, tức tháng 5 âm lịch hàng năm. Đại lễ Tịch điền được tổ chức kéo dài trong 5 ngày tại ruộng Tịch điền ở kinh thành Huế. Việc nhà vua đích thân cày ruộng Tịch điền được ghi lại trong nhiều Châu bản triều Nguyễn.
Nghi lễ Tịch điền được ghi lại dưới thời Nguyễn như sau:
Trước lễ Tịch điền, quan Phủ doãn Thừa Thiên chịu trách nhiệm chuẩn bị đủ cày, bừa, thóc giống và lễ vật. Trước đó vài ngày, các quan mời vua ra tập cày trước. Sáng sớm ngày hành lễ, đám rước vua đi hành lễ đầy đủ nghi thức của hoàng đế xuất cung. Phường bát âm luôn cử khúc nghinh xuân, tiếp giá.
Mở đầu lễ Tịch điền là nghi thức quán tẩy (rửa tay). Tiếp đến là nghi thức tiến tửu (dâng rượu). Lễ tất, nhạc nổi lên. Quan bộ Lễ dẫn vua sang nhà cụ phục thay áo, đội khăn rồi ra ruộng cày. Vua đến chỗ cày, đứng quay về hướng nam. Quan bộ Lễ dâng chiếc cày sơn vàng, quan Phủ doãn Thừa Thiên dâng roi. Vua tay phải cầm cày, tay trái cầm roi, phụ tá có bốn vị bô lão chức sắc, hai người dắt con bò phủ lụa vàng, hai người đi hai bên đỡ cày. Vua cày xong 3 luống thì trao cày và roi cho quan Phủ doãn và quan Thượng thư bộ Hộ. Sau đó vua ngự đến đài Quan canh chứng kiến các quan, hoàng thân cày tiếp. Các hoàng thân, hoàng tử cày 10 luống, quan văn võ đại thần gồm 9 người, cày 18 luống. Phần còn lại dành cho các chức sắc, bô lão sở tại. Mọi người cày xong, vua lên kiệu về cung ban yến cho các quan.
Ý nghĩa của lễ Tịch điền được vua Thiệu Trị thể hiện trong bài Thường Mậu quan canh, nhân một lần lên đài Quan canh xem các quan cày ruộng:
Chót vót lầu cao giữa khoảng không
Nhìn xa quang cảnh chốn nương đồng
Ba đường dẫn lối khuyên cày cấy
Năm tháng thương người trọng việc nông.
Về nguyên tắc, ruộng Tịch điền phải do vua trực tiếp cày đầu tiên với nghi lễ rất trang trọng. Tuy nhiên cũng có năm vua sai Hoàng tử hoặc viên Phủ doãn Thừa Thiên đi cày ruộng Tịch điền ở Kinh sư. Tại các địa phương thì giao cho các vị quan đầu tỉnh trực tiếp cày. Đến thời Tự Đức, nghi lễ được chỉnh sửa cho bớt rườm rà và phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Vua vẫn là người đầu tiên xuống cày 3 sá đi, 3 sá lại. Sau đó đến bá quan văn võ mỗi người 9 sá, cuối cùng là các vị kỳ lão hương thôn, lão nông tri điền lần lượt cày cho đến khi kết thúc. Lễ cày Tịch điền chấm dứt dưới thời vua Khải Định.
Năm 2009, sau một thế kỷ gián đoạn, nghi lễ cày Tịch điền đã được tái hiện tại Đọi Sơn (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam) – mảnh đất khi xưa vua Lê Đại Hành xuống đồng cày ruộng, và cho đến nay tiếp tục được tổ chức hàng năm với quy mô hoành tráng. Đây là thực sự là một lễ hội giàu tính nhân văn, kế thừa tư tưởng trọng nông và thân dân sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong những ngày đầu năm mới.■
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr. 1123
[2] Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý – Trần, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2022, tr. 18
[3] Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 224
[4] Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 255
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr. 369
[6] Lịch triều hiến chương loại chí, NXB Sử học, 1961, tập 2, tr. 203
[7] Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 259
[8] Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 259
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 1165