Trong gần 20 năm đau thương, người Mỹ đã sống với nỗi ám ảnh khôn nguôi về Việt Nam – một đất nước xa lạ. Và kể cả khi chiến tranh đã qua, nhiều hình ảnh trần trụi về cuộc chiến vẫn còn đọng lại trong tâm hồn nước Mỹ.
Ngay từ đầu, Mỹ đã coi Miền Nam Việt Nam như một thử nghiệm cho các giao tranh xung đột nhỏ lẻ trong tương lai. Quan điểm đó, ngay cả John Fitzgerald Kennedy rồi cũng nhận ra, là thực sự ngây thơ. Cũng giống như Pháp trước đó, Mỹ đã dấn thân vào cuộc hành trình của máu và khói lửa ở Đông Dương.
Thay vì thoái lui, Mỹ đã từng bước mở rộng và gia tăng cam kết của mình, lún sâu vào nền chính trị phức tạp ở Sài Gòn. Tổng thống Lyndon Johnson đã chốt hạ bằng việc ra lệnh cho quân đội Mỹ tham gia cuộc chiến trên bộ đầu tiên ở châu Á kể từ chiến tranh Triều Tiên. Vậy nhưng vượt khỏi dự tính và kì vọng nhanh chóng kết thúc chiến tranh, hơn một thập kỷ sa lầy tại Việt Nam đã phá vỡ huyền thoại bất khả chiến bại của Mỹ và để lại sự chia cắt cay đắng trong lòng nước Mỹ.
Dưới đây là chùm ảnh tư liệu nhìn lại Chiến tranh Việt Nam. Lời bình trong bài viết trích dịch từ Tạp chí Newsweek số ra ngày 5/5/1975.
TRẬN BÃO LỬA TÍCH TỤ
Mỹ chưa từng thua trong bất cứ cuộc chiến lớn nào với nước ngoài. Thế rồi đột nhiên lính Mỹ bị mắc kẹt trong cuộc giao tranh không thể thắng với một kiểu kẻ thù mới. Có lúc, con số thương vong tưởng như ưu ái Mỹ và Sài Gòn. Và rồi cú sốc từ đợt Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ập tới.
CHIẾN TRANH LAN ĐẾN NƯỚC MỸ
Cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân đã mang đến cho Mỹ cú sốc về hiện thực, và nỗi kinh hoàng của cuộc chiến tại Việt Nam nhanh chóng được phản ánh qua sự giằng xé trong lòng nước Mỹ. Biểu tình ôn hòa nhường chỗ cho xung đột bạo lực cả ở ngoài đường phố lẫn trong trường học, nơi số người chết càng ngày càng tăng. Tình trạng hỗn loạn trong nước buộc Tổng thống Lyndon Johnson phải từ chức và tiếp sức cho tham vọng Nhà Trắng của cựu Phó Tổng thống Richard Nixon, người cam kết mang lại hòa bình cho đất nước trong danh dự.
NHUỆ KHÍ SA SÚT
Rời bỏ cuộc chiến đôi khi cũng đau đớn như việc dấn thân tham chiến. Vào những năm cuối cùng của cuộc xung đột, dường như nhuệ khí đã sa sút và sự tàn bạo cũng trở nên kinh hoàng hơn.
VÁN BÀI CUỐI CÙNG
Dưới sự thúc đẩy của Henry Kissinger – và chiến dịch rải thảm bom B-52 của Mỹ – Hà Nội đã đồng ý đàm phán một hiệp định hòa bình. Tù binh chiến tranh Mỹ được trở về với gia đình họ, tương lai của những đứa trẻ Việt Nam chịu tổn thương chiến tranh dường như được cải thiện một cách đáng kinh ngạc và Kissinger được trao giải Nobel Hòa bình. Tuy nhiên ngay sau đó, Hiệp định Paris sụp đổ. Kết cục cuối cùng đến sau cuộc tấn công của Bắc Việt, nhưng ngay cả những người chiến thắng cũng không hoàn toàn cảm thấy nhẹ lòng. Quá nhiều người đã phải hứng chịu đau thương hoặc chết trong cuộc chiến.
Thư viện Nguyễn Văn Hưởng (bài đăng trên Tạp chí Phương Đông số tháng 4-2021)