Thu Uyên (dịch)
Nguồn: Daniel Hallin (1993), “The uncensored war”, Peace Review: A Journal of Social Justice, 5:1, 51-57, DOI: 10.1080/10402659308425693
Trên trường chính trị hiện nay, người ta đã chấp nhận rộng rãi nhận định rằng mối quan hệ giữa truyền thông và chính phủ Mỹ trong giai đoạn chiến tranh ở Việt Nam là một mối quan hệ mang tính xung đột: Giới truyền thông đã phủ nhận góc nhìn tích vực mà các quan chức phụ trách cuộc chiến muốn phổ biến, và chưa biết là tốt hay xấu, nhưng công chúng đã nghiêng nhiều hơn về góc nhìn của các nhà báo, từ đó, sự thất vọng của công chúng đã buộc chính phủ Mỹ phải chấm dứt sự can thiệp của mình ở Việt Nam. Nhận định này thường đi cùng với hệ quả của nó, là không một “cuộc chiến được tường thuật qua truyền hình” nào có thể có được sự ủng hộ chính trị một cách lâu dài. Những nhận định này được chấp nhận không chỉ ở Mỹ mà ở cả các nước khác; ví dụ, chính tấm gương của chiến tranh Việt Nam đã khiến chính phủ Anh áp đặt những biện pháp kiểm soát chặt chẽ cách truyền thông truyền tải về khủng hoảng quần đảo Falkland. Ở Mỹ, chính quyền Reagan, cũng với tấm gương từ chiến tranh Việt Nam, đã để truyền thông đứng ngoài cuộc trong giai đoạn khởi chiến ở Grenada.
Chiến tranh Việt Nam diễn ra cùng thời điểm với một loạt những diễn biến chính trị kịch tính khác mà trong đó, truyền thông đã đóng vai trò then chốt. Đầu tiên là phong trào dân quyền, diễn ra chủ yếu trên vũ đài truyền thông, sau đó là những xung đột ở các đô thị trong những năm cuối thập niên 60, Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Dân chủ ở Chicago, sự xuất hiện của hàng loạt những phong trào chính trị mới, và cuối cùng là vụ Watergate. Sự trỗi dậy của giới truyền thông gần như xảy ra cùng giai đoạn có thể gọi là khủng hoảng với hệ thống chính trị: trong những năm này, công chúng mất lòng tin trầm trọng với chính phủ, sự quan tâm của công chúng với cả hai đảng cũng giảm mạnh, và hệ thống chính trị bước vào một giai đoạn 20 năm mà không một tổng thống nào tại vị đủ hai nhiệm kỳ. Những diễn biến này, cùng với chiến tranh Việt Nam, đã làm bộc phát cuộc tranh cãi rộng hơn về mối quan hệ giữa truyền thông và các thể chế chính quyền ở Mỹ.
Một trong những phát súng mở đầu đến vào năm 1975, trong một nghiên cứu bởi Ủy ban Ba bên [Trilateral Commission] về “khả năng kiểm soát” [governability] của các nước dân chủ. Samuel Huntington kết luận rằng hệ thống chính trị của nước Mỹ trong thập niên 60 và 70 chịu tác động tiêu cực từ sự mất cân bằng giữa các thể chế quản lý nhà nước – trước nhất là vai trò tổng thống – và các thể chế đối lập. Trong những thể chế đối lập này – mà Huntington cho là đã trở nên hùng mạnh hơn qua giai đoạn chiến tranh Việt Nam – ông gọi tên giới truyền thông, với trọng tâm là truyền hình. Theo đó, Huntington cho rằng những “cuộc khủng hoảng” trong giai đoạn này là kết quả của thái độ thù nghịch với chính quyền và quyền lực, vốn đã ăn sâu trong nền văn hóa chính trị ở Mỹ, và được thể hiện đặc biệt rõ ràng ở giới truyền thông.
Tất nhiên, các nhà báo và những người ủng hộ họ từ chối quan điểm coi truyền thông phải chịu trách nhiệm cho sự suy sụp chính trị. David Brinkley khẳng định: “Những gì mà truyền hình đã làm trong thập niên 60 là cho người Mỹ nhìn thấy chính họ… Truyền hình đã cho người Mỹ thấy những con người, nơi chốn, và những điều mà họ chưa được nhìn thấy trước kia. Có những con người, nơi chốn, và những điều mà người Mỹ thích và không thích. Đó không phải là sản phẩm được dựng lên hay tạo ra bởi truyền hình.” Đây chính là cách so sánh mình với một “tấm gương phản chiếu” hay “người đưa tin” – cách mà đa số giới báo chí Mỹ tự nhìn nhận vai trò của họ trong thế kỉ 20 – khi mà các nhà báo tin rằng họ là những người hành nghề chuyên nghiệp, trung lập, và cao cả hơn mọi xung đột chính trị.
Tuy nhiên, các nhà báo cũng không thích nghĩ rằng vai trò của họ trong nền chính trị chỉ hoàn toàn mang tính bị động. Vừa coi mình là “tấm gương phản chiếu,” họ lại vừa duy trì một hình tượng – lâu đời và mang tính đấu tranh hơn – là vai trò “đệ tứ quyền”: Họ coi mình là “thế lực đối thủ” của nhà nước và các thế lực chính trị khác, không phải với danh nghĩa là một “bên nổi loạn” tranh giành ảnh hưởng hay vận động chính sách riêng, mà là một lực lượng đấu tranh cho sự thật và tính công khai, đối trọng với xu hướng che đậy và đạo đức giả các nhóm có quyền lực chính trị. Điển hình cho cách nhìn này là phát biểu của James Reston: “[Báo chí] vốn đã luôn mang vai trò người giám sát. Chỉ cần đi ngược về quá khứ và đọc những gì Thomas Paine đã viết vào thuở đầu của nền Cộng hòa.” Đây chính là kiểu tư liệu giúp dệt nên những câu chuyện vĩ đại về sự anh hùng của các nhà báo.
Cả hai phép so sánh báo giới với người đưa tin và người giám sát đều có một điểm chung với cách nhìn của phe bảo thủ về giới truyền thông đối lập chính quyền: Trong cả ba cách nhìn này, truyền thông là một thể chế độc lập, tách biệt khỏi các thể chế mang quyền lực nhà nước. Nhìn bề ngoài thì cuộc chiến tranh Việt Nam có vẻ là ví dụ minh họa hoàn hảo cho tính tách biệt này. Giữa truyền thông và chính phủ đã tồn tại một sự xung đột dai dẳng và ác cảm trên chủ đề Việt Nam. Những diễn biến chính của cuộc xung đột này đã khá nổi tiếng: Năm 1962 và 1963, chính phủ Kennedy đã cố gắng bác bỏ uy tín của nhóm những nhà báo trẻ tại Sài Gòn, vốn thường xuyên đưa ra những thông tin tranh cãi với các vị tướng và các đại sứ chịu trách nhiệm về cuộc chiến. Vào năm 1965, khi mà các binh lính Mỹ đang chiến đấu trong một cuộc chiến mà sau này được nhìn nhận chính là cuộc chiến đầu tiên được tường thuật qua truyền hình, đài CBS đã khiến Lyndon Johnson tức giận khi chiếu hình ảnh lính thủy đánh bộ Mỹ châm lửa đốt những túp lều mái tranh ở làng Cẩm Nê. Năm 1968, khi các vị tướng Mỹ tuyên bố họ đã đạt một chiến thắng quan trọng trong chiến dịch Tết Mậu Thân, Walter Cronkite lại kết luận, sau một chuyến đi điều tra cá nhân, rằng cái đang diễn ra là một “tình thế bế tắc đẫm máu.” Năm 1971, một cuộc tranh luận lập hiến lớn đã bùng nổ khi Thời báo New York và một loạt các báo khác đã qua mặt chính phủ và cho đăng tải các tài liệu tuyệt mật về cuộc chiến còn được biết đến là “Các hồ sơ Lầu năm góc.”
Không bị kiểm soát trực tiếp từ chính phủ, giới truyền thông Mỹ đã tự do một cách khó tin trong việc đưa tin về Chiến tranh Việt Nam: Đây là cuộc chiến tranh đầu tiên mà các nhà báo được quyền thường xuyên theo chân các lực lượng quân đội mà không phải qua kiểm duyệt, cũng là một cuộc chiến tranh mà trong đó, các nhà báo rõ ràng đã không xem mình đơn giản chỉ là “các chiến sĩ trên máy đánh chữ” có nhiệm vụ phục vụ những nỗ lực gây chiến. Điều này được chứng tỏ vô cùng rõ ràng, ví dụ như việc đưa tin về sự kiện đốt làng Cẩm Nê, nếu là trong những cuộc chiến tranh trước đó, đã không bao giờ có thể được thông qua. Hoặc, nhẹ nhàng hơn, là việc các nhà nghiên cứu nhận ra khi so sánh tin tức về các cuộc chiến là: các nhà báo đưa tin về Việt Nam, so với những người tiền nhiệm giai đoạn Thế chiến thứ hai, dường như “không chắc họ đang nói về điều gì.” Tin tức về Thế chiến thứ hai thường được viết mà không đưa ra nguồn tài liệu cụ thể, bởi các nhà báo viết ra chúng có thể đảm bảo với tư cách cá nhân. Ngược lại, trong một bản tin về Việt Nam, thường xen lẫn nhiều suy đoán, phần lớn dựa vào những nguồn vô danh mà không phải lúc nào cũng ăn khớp với nhau. Điều này khiến người ta có cảm giác rằng có một khoảng cách lớn giữa người đưa tin và nhóm phụ trách các “nỗ lực chiến tranh” và dường như cũng tạo ra một hiệu ứng tâm lý khiến cho những người đọc tin cũng cảm thấy xa cách. Các nhà báo coi cuộc chiến tranh giống như một vấn đề chính trị, một đối tượng cần được xử lý bằng các nguyên tắc “đưa tin khách quan.” Tất cả các chính phủ trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam đều đã thường xuyên rơi vào khủng hoảng trong việc “quản lý” giới truyền thông đưa tin ngày càng độc lập và đối lập, và sau nhiều năm thì khối lượng tin tức “tiêu cực” đã tăng lên chóng mặt, tới mức mà khó có thể không coi rằng chính truyền thông đã đóng góp vào sự mệt mỏi của công chúng, điều mà cuối cùng đã khiến cho Việt Nam trở thành một chủ đề chính trị vô cùng nhạy cảm và buộc trước tiên là Johnson và sau đó là Nixon phải từ bỏ ý định giành một chiến thắng quân sự.
Nhưng đây chỉ là một phần của câu chuyện. Mối quan hệ giữa giới truyền thông thời hiện đại với chính quyền chính trị thực ra rất không rõ ràng. Một mặt, báo chí Mỹ đã và đang đi theo xu hướng mà nhà xã hội học Jeffrey Alexander gọi là “hình mẫu [ideal type] của một giới truyền thông tự do… độc lập khỏi những yếu tố kinh tế, chính trị, các quan hệ liên đới cũng như các liên hệ văn hóa.” Báo chí ở thế kỷ XIX tự nó là một thể chế chính trị, phần lớn được hậu thuẫn tài chính từ một đảng phái hay một chính trị gia. Còn báo chí cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX lại là một lãnh địa mang tính cá nhân, nơi mà những mối quan hệ và tham vọng chính trị của “ông trùm báo chí” nào đó thường ảnh hưởng trực tiếp tới nội dung tin tức. Hệ thống truyền thông cuối thế kỷ XX là một bộ máy tự vận hành, nơi mà trên lý thuyết, việc đưa tin tức được đảm nhiệm bởi các nhà báo chuyên nghiệp không bị ảnh hưởng bởi người ngoài ngành, và việc chịu ảnh hưởng của một sức ép chính trị nào đó từ bên ngoài bị coi là một vết nhơ trên danh dự của tổ chức.
Báo chí đã được “chuyên nghiệp hóa”; tiêu chí độc lập chính trị có tầm quan trọng rất lớn trong căn cước mà các nhà báo tự xây dựng cho mình, và tiêu chí đó, như các nhà bảo thủ đã nhận thấy, thường có tính đối nghịch mạnh mẽ với những người hay nhóm cầm quyền chính trị. Sự đối nghịch này một phần được sinh ra từ chính bản chất nghề báo. Các quan chức, với mong muốn kiểm soát hình ảnh chính trị của mình, tất yếu sẽ phải thách thức sự độc lập của truyền thông, và dĩ nhiên các nhà báo sẽ phản kháng. Trong quá trình xã hội hóa nghề nghiệp của mình, người làm báo nhất quyết phải phản đối mục tiêu quyền lực mà các chính trị gia theo đuổi. Và như nhận định của Huntington, thái độ chống đối của các nhà báo đối với quyền lực chính trị có lẽ cũng có một phần cội rễ sâu xa trong văn hóa chính trị Mỹ.
Nhưng đối lập thì hút nhau và thâm nhập vào nhau, những gì chỉ một khoảnh khắc trước còn đối chọi lẫn nhau thì trong khoảnh khắc sau đã như hòa hợp trong một mối quan hệ cộng sinh. Cùng lúc với việc cắt đứt những mối liên hệ đảng phái và phát triển độc lập nghề nghiệp, thì một thay đổi lớn khác cũng đã diễn ra trong ngành báo chí. Mối quan hệ giữa truyền thông và giới thống trị chính trị dần được “hợp lý hóa” theo khái niệm của Weber: Nó trở nên phi cá nhân và phi chính trị, với “chính trị” ở đây mang nghĩa liên kết đảng phái, và giới truyền thông ngày càng được hợp nhất vào quá trình hoạt động chính quyền. Một dạng trao đổi mang tính lịch sử đã diễn ra: Các nhà báo từ bỏ quyền phát biểu chính trị với giọng nói cá nhân, đổi lại họ có được quyền tiếp cận các hoạt động lõi của chính quyền, một quyền lợi mà họ chưa bao giờ có được trong thời kỳ báo chí đảng phái. Báo chí được coi là “nhánh quyền lực thứ tư,” là một bộ phận cấu thành không chính thức của hệ thống chính trị; và đổi lại họ chấp nhận một số nguyên tắc nhất định về hành xử “có trách nhiệm.” Những nguyên tắc này bao gồm không chỉ việc từ bỏ quyền đưa ra các chỉ trích mang tính đảng phái về hoạt động chính trị của chính quyền mà còn cả việc trao cho chính quyền một số quyền tiếp cận tin tức và chấp nhận ngôn ngữ diễn đạt, mục đích, và các quan điểm của nhà cầm quyền. Tiêu chỉ “có trách nhiệm” trở nên đặc biệt quan trọng trong việc đưa tin về hoạt động ngoại giao, khi mà Thế chiến thứ hai đã khiến nước Mỹ phải đối mặt với mối đe dọa quốc tế lớn đầu tiên kể từ đầu thế kỷ XIX, và sau cuộc xung đột này, nước Mỹ đã trở thành quyền lực bá chủ trong thế giới nguyên tử.
Xét về cấu trúc hoạt động, truyền thông đưa tin của nước Mỹ rất độc lập khỏi sự kiểm soát chính trị, nhưng vì chính hoạt động tổng hợp và đưa tin tức, truyền thông cũng gắn chặt với quá trình hoạt động thực tế của chính quyền. Xét về văn hóa và ý thức hệ, truyền thông Mỹ là sự kết hợp của thái độ nghi ngờ chính quyền của Thời đại Tiến bộ [Progressive Era] và sự tôn trọng trật tự, thể chế và quyền lực chính quyền vốn là một phần của chủ nghĩa tự do [liberalism] của thế kỷ XX. Trong lĩnh vực ngoại giao giai đoạn Chiến tranh lạnh, xu hướng nghi ngờ giới cầm quyền mang tính chủ nghĩa cá nhân đã thường được thay thế bởi chủ nghĩa dân tộc.
Những nhà báo đi đến Đông Nam Á vào đầu thập niên 60 đều tràn đầy nhiệt huyệt trong nhiệm vụ đưa tin về “câu chuyện,” mặc cho các tướng lĩnh và đại sứ Mỹ vẫn kêu gọi họ “nhập phe.” Và đây thực sự là một vấn đề: Năm 1963, khi mà chính sách của Mỹ ở Việt Nam bắt đầu rơi vào khủng hoảng, giới truyền thông cũng bắt đầu gửi về các tin tức đối lập với hình ảnh tích cực mà các quan chức Mỹ muốn dựng lên. Tuy nhiên những nhà báo Mỹ này cũng đã tới Việt Nam cùng với kỹ năng nghề nghiệp mà họ đã được tôi luyện từ trước đó – những kỹ năng đảm bảo rằng tin tức phản ánh, nếu không phải luôn luôn là ý chí của những người lãnh đạo cao nhất trong hệ thống chính trị Mỹ, thì ít nhất cũng là quan điểm của khối quan chức Mỹ nói chung. Xét về “hành trang tâm lý và chính trị” thì các nhà báo này cũng đã tới Việt Nam hoàn toàn đồng lòng với cách nhìn nhận “an ninh quốc gia” chung, vốn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chính trị Mỹ từ giai đoạn bắt đầu Chiến tranh lạnh; các nhà báo này hoạt động với tư cách là những người phổ biến chủ trương này một cách “có trách nhiệm.”
Trong những năm đầu của cuộc chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn trước Chiến dịch Mậu thân và sự thay đổi sau đó trong chính sách của Mỹ từ leo thang thành tiết giảm chiến sự, phần lớn các tin tức về chiến tranh Việt Nam đều thể hiện sự ủng hộ nhiệt tình với chính sách can thiệp của Mỹ. Dù có một vài căng thẳng, Kennedy và Johnson đã thường xuyên “điều chỉnh” tin tức một cách hiệu quả. Từ khi chiến tranh kết thúc, người Mỹ vẫn luôn đau đáu câu hỏi “tại sao chúng ta lại thua cuộc,” và điều này đã làm ký ức quốc gia về cuộc chiến thiên nhiều về những chia rẽ chính trị, bao gồm cả những căng thẳng giữa truyền thông và chính quyền, lên đến đỉnh điểm giữa năm 1968 và 1972. Tuy nhiên nếu như chúng ta đặt câu hỏi khác đi, là tại sao nước Mỹ lại bước vào cuộc chiến ở Việt Nam, thì ta sẽ chú ý hơn vào sự đồng thuận mạnh mẽ về cách nhìn nhận Chiến tranh lạnh vào đầu thập niên 60, mà cả các nhà báo lẫn các nhà hoạch định chính sách đều ủng hộ, và vào khả năng của chính quyền trong việc kiểm soát các chương trình cũng như định hình cách đưa tin về các chính sách ngoại giao.
Cuối cùng thì Việt Nam, cùng với nhiều sự kiện khác trong cùng giai đoạn, cũng đã đẩy giới truyền thông dần chia rẽ hơn với nhà nước. Một trong số các lý do là hoàn cảnh đặc biệt trong thời chiến đã làm mất đi một dấu vết quan trọng còn sót lại của sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ lên truyền thông trước kia: kiểm duyệt quân sự trong thời kỳ chiến tranh. Vì chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến có giới hạn, trong đó quân đội Mỹ chỉ là các “khách mời” của chính phủ miền Nam Việt Nam, nên việc kiểm duyệt là không có lợi về mặt chính trị. Vì vậy mà lần đầu tiên trong thế kỷ XX, giới truyền thông đã có thể đưa tin về một cuộc chiến với mức độ tự do gần giống như việc đưa tin về các sự kiện chính trị trong nước ở Mỹ. Và có lẽ còn quan trọng hơn, khi cuộc chiến kéo dài thêm (điểm khác biệt quan trọng nhất giữa chiến tranh ở Việt Nam so với ở Grenada hay quần đảo Falkland là độ dài – hai cuộc chiến sau đều ngắn và chi phí tương đối ít), và khi mà sự chia rẽ chính trị ngày càng tăng lên ở Mỹ, thì các nhà báo dần chuyển sang vị trí “đối lập” với các quan chức và chính sách của họ. Các nhà báo ngày nay thường nói về giai đoạn chiến tranh Việt Nam/Watergate như khoảng thời gian mà giới truyền thông “đến tuổi trưởng thành,” vừa có ý là truyền thông trở nên độc lập hơn khỏi sự kiểm soát của chính phủ, vừa có ý là các nhà báo chuyên nghiệp cũng trở nên độc lập hơn trong cơ quan tin tức.
Sự thay đổi này đã thực sự diễn ra, có ý nghĩa quan trọng, và có lẽ sẽ còn ảnh hưởng dài lâu. Nhưng nó cũng cần phải được nhìn nhận một cách thấu đáo. Dù có những sự kiện gây bất ngờ như chương trình phát sóng về chiến dịch Mậu Thân của Cronkite và cuộc chiến xung quanh các “Hồ sơ Lầu năm góc”, cấu trúc cơ bản của mối quan hệ giữa truyền thông và chính phủ không phải là đã hoàn toàn khác đi trong những năm cuối cùng của chiến tranh Việt Nam. Vào giai đoạn đầu của cuộc chiến, các nhà báo dựa chủ yếu vào hai loại nguồn thông tin: các quan chức nhà nước, đặc biệt là trong khối hành pháp, và các binh lính Mỹ ở chiến trường. Họ vẫn tiếp tục dựa vào hai nguồn thông tin này cho tới cuối cuộc chiến tranh; nhưng càng về sau thì chính các nguồn thông tin này càng trở nên chia rẽ, và ngày càng có nhiều ý kiến phê bình hoặc không ủng hộ chính sách của Mỹ. Tin tức “phản ánh” những chia rẽ này, nếu coi báo chí là tấm gương phản chiếu. Nhưng đó không phải là tất cả; sự chia rẽ ý kiến cũng mang lại một kiểu đưa tin mới.
“Nghề” báo chí có không chỉ một mà rất nhiều bộ nguyên tắc và phương thức khác nhau, mỗi bộ được áp dụng trong một tình huống chính trị riêng. Chính vì có nhiều mô hình làm báo khác nhau mà mối quan hệ không rõ ràng giữa truyền thông và chính quyền tìm được cách thỏa thuận hợp lý. Trong những tình huống mà mức độ đồng thuận chính trị cao, thì các nhà báo thường hành động như những thành viên “có trách nhiệm” của thiết chế chính trị, ủng hộ góc nhìn chính trị của đa số và truyền tải trên danh nghĩa ý kiến của các quan chức được coi là đại diện cho cả đất nước. Trong những tình huống có xung đột chính trị, các nhà báo lại giữ khoảng cách và thậm chí trở nên đối lập, dù thường họ sẽ không bước ra khỏi phạm vi những cuộc tranh cãi đang diễn ra trong nhóm cầm quyền, và sẽ tiếp tục đặc cách nghe ý kiến, đặc biệt là của các quan chức cấp cao, trong khối hành pháp. Hoạt động bình thường của “đệ tứ quyền” đã tạo ra một sự thay đổi rất lớn trong phương thức đưa tin về Việt Nam trong nhiều năm, tin tức trở nên ngày càng phê phán hay “tiêu cực” hơn. Nhưng các nhà báo cũng đã giới hạn xu hướng thay đổi này. Chính phủ Nixon đã duy trì một quyền lực khá lớn trong việc “kiểm soát” tin tức; các nhà báo vẫn tiếp tục là những người yêu nước qua việc tiếp tục miêu tả người Mỹ là “những người tốt” ở Việt Nam. Các tin tức trong những năm cuối của cuộc chiến ít tích cực hơn so với giai đoạn đầu nhưng không hẳn là tiêu cực quá mức như người ta vẫn nhìn nhận ngày nay. Nếu như tin tức về cuộc chiến đóng vai trò quan trọng – ít nhất như một “yếu tố can thiệp” – trong việc làm công chúng ngày càng mong nước Mỹ rút khỏi cuộc chiến, thì truyền thông cũng chịu trách nhiệm cho sự thật rằng chính phủ Nixon đã có thể duy trì sự ủng hộ đa số cho chính sách Việt Nam của mình trong suốt bốn năm dài, và một sự thật khác là công chúng nhìn nhận cuộc chiến tranh như “một lỗi lầm” hay “một bi kịch” chứ không phải là một tội ác như những người chống đối mạnh mẽ hơn vẫn luôn tin tưởng.
Thu Uyên (dịch)
Nguồn: Daniel Hallin (1993), “The uncensored war”, Peace Review: A Journal of Social Justice, 5:1, 51-57, DOI: 10.1080/10402659308425693