Phiêu Bình
Trích sách Mùa xuân xem Tết, Nhật Nam Thư Xã xuất bản năm 1933
Nén hương dựng trước linh đài,
Dân hai nhăm triệu một lời khẩn chung.
Chúng tôi là giống Tiên Rồng
Nước non xa cách lỗi cùng tổ tiên.
Lương Vị Thủy
Bấm tay tính đốt từ ngày sang học Paris cho tới khi về ở Cần Thơ, đời tôi xa cách quê hương đã mười lăm năm có lẻ. Tuy rằng buổi đời kinh tế, kiếp làm trai bốn biển là nhà, đọc những chữ “tang bồng”, “hồ hải” trong các câu thơ của người xưa, mình vẫn kiếm được nhiều cớ làm cho lòng mình an ủi, nhưng mà đối với quê cha, đất tổ, vốn là nơi đào tạo cho mình ra đời, làm người mà chẳng là gỗ đá trơ trơ, ai không có cảm tình một chút? Huống chi, kẻ chiếc thân lưu lạc, nửa đời từng bao bước cheo leo, thì cái cảm tình ấy lại càng nồng nàn, đằm thắm. Mỗi lúc đêm thanh, ngày vắng, hồn quê thường như tỉnh như say, vừng nguyệt rừng Ngang, bóng mây non Tản, đều là những vật làm cho tôi ruột gan bồi hồi. Tôi mong, tôi nhớ, tôi tơ tưởng nơi non xanh, nước đỏ, nhớ về nước mắt của tiên tổ mà gây nên; nhất là tôi mơ màng cái giang sơn huyện Hạc Châu Phong, chỗ phát tích của con nhà họ Việt.
Nhưng mà Bắc Nam đôi ngả, nghìn dặm quan san đã không có cánh mà bay, ắt không có thể một ngày mà tới; vả lại, trước mặt trận phấn đấu với sự sống, tên lính tài hèn sức mọn, còn lấy đâu thừa thãi thì giờ? Vì vậy, cái “mong” và cái “được” hai đằng ghen ghét nhau hoài. Mười lăm năm biết bao tình vơ vẩn, vẩn vơ, quang cảnh gia hương những bàng hoàng trong giấc mộng. Một đôi khi xem các báo chí, thấy những bài du ký về các nơi danh thắng đất Bắc, nhất là thấy những bài chép việc chiêm yết Đền Hùng thì trong lòng tôi trước còn ngợi khen, sau sinh ra đố kỵ. Tôi tự nghĩ: cũng một đời tai mắt, sao người ta còn có lúc ân cần tới bàn thờ Tổ quốc, mà mình thì không? Tổ quốc có mình cũng như không có vậy.
Những lúc tự nghĩ như vậy, thì tôi bồn chồn nóng nảy, muốn trong giây phút mà bon thẳng tới nơi. Song lẽ, cái chân chẳng chiều cái bụng, bụng muốn đi, chân chẳng cho đi, thành ra tấm thân bảy thước, không thể tự mình đài tải cho mình. Cho hay kiếp người đã xông pha vào cuộc doanh sinh, thì đối với hoa cỏ non sông, không thể hẹn ngày hội ngộ. Cái đời như thế, còn chắc gì thấy bóng cố hương…
Tình cờ năm trước đây, chẳng biết bởi lòng trời run rủi, hay là tự tiên tổ xét soi, thình lình tôi đã được thỏa lòng ao ước. Trên Đền Quốc Tổ, chính tôi đã góp với số đông đồng bào một vài nén hương; việc đó đối với ai ai chỉ là sự rất thường, mà riêng đối với tôi lại là sự rất hân hạnh, cái khoái lạc ở trên đời, có lẽ cũng theo tính tình của từng người mà thay đổi vậy.
Ngày qua tháng lại cuộc thắng du ấy tới nay hồ đã tròn một năm. Bây giờ đây, ngọn sóng sinh nhai lại đuổi vào đất Cần Thơ như trước, đường xa lần nữa, mưa nắng bao phen, cảnh cũ với trông, mây trời muôn trượng, nhưng mà phong quang khi trước lúc này còn nhớ như in. Vậy tôi muốn thuật lại ra đây, trước là làm chút kỷ niệm cho mình, sau nữa giãi bày với những ai cùng cảnh ngộ.
Một điều nên nói rõ là cuộc bái yết Đền Quốc Tổ này tôi đi nhằm ngày mồng một tháng Giêng, ấy là cái ngày mà người ta vẫn gọi là năm mới đó. Sự đó là tôi có ý chớ không phải vô tình. Kể ra mười lăm năm nay, mắt tôi chưa nhìn tới cuốn âm lịch, về việc năm mới cúng Tết chính tôi đã cải cách từ lâu, nhưng mà trong năm ngoái đây, có lẽ năm nay nữa cũng vậy – tục ăn Tết đầu năm trong nước ta vẫn còn thịnh hành. Cái đó là dở hay hay, ở đây tôi không bàn đến. Điều mà tôi muốn nói là: trong 3 ngày Tết, khắp cả trong nước, ai nấy đều tưởng vọng đến cha ông nhà mình, duy đối với Ông Tổ đã sinh ra tất cả nòi giống, ngoài dân sở tại ra, chưa ai từng tốn một nén hương. Ông Tổ sinh ra cơ nghiệp một nhà, mình biết Đền ơn báo đức, mà đến Ông Tổ dựng lên cơ nghiệp cả nước mình lại coi thoảng như người dưng, hai quan niệm ấy thật là trái ngược, hoặc giả cũng vì người mình quen nhớ cái gần mà quên cái xa, cho nên mới bị lầm lỗi như vậy chăng? Vì vậy tôi nhân ngày Tết mà thân hành bái yết Đền Hùng, cũng muốn tỏ ý không quên chỗ “gốc cây, nguồn nước” vậy. Ý kiến ấy là phải hay trái, chính tôi cũng chưa phân biệt ra sao, mong rằng bạn đọc sẽ cùng lượng xét.
Khi đó, tôi ở Cần Thơ về Bắc Kỳ từ ngày 20 tháng Chạp, vừa đúng mười ngày, thăm hết thân bằng cố hữu, những chuyện hàn huyên chẳng đáng kể làm chi. Cái đáng khiến cho tôi cảm khích là cảnh vật năm xưa bây giờ đã thay đổi nhiều lắm, cho đến anh em họ mạc cũng người thì đi vắng, người đã qua đời, quê hương của tôi thật chưa trải hết một cuộc bể dâu nào, mà những điều trông thấy cũng đủ làm cho người ta đau đớn lòng vậy.
Cái chí tôi muốn đi thăm Đền Hùng nguyên đã định từ lúc ở Cần Thơ bước chân ra về, nên chi khi tới quê nhà, trong những lúc thù tiếp bà con, tôi thường đem ra nói chuyện và rủ lấy một người nữa đi cùng. Nhưng một phần đông đều từ chối, nói rằng: ngày đó còn phải ở nhà cúng tổ tiên, tiếp khách khứa không thể đi được. Ôi! Không thể đi được, tôi có trách ai, song có nhiều người đã không biểu đồng tình với tôi mà còn cho cái việc của tôi muốn làm là điên rồ nữa. Mà người ta cho là điên rồ cũng phải. Giữa ngày mồng một Tết, trong nhà đèn hương nghi ngút, cỗ bàn linh đình cớ chi lại đâm đi lên chỗ đồng rừng đất núi? Nhưng mà với tôi, dù ai khen chê mặc ai.
May sao, ngoài những người cho tôi là điên, lại có một người khen tôi là phải. Ông ta bằng lòng cùng đi.
Đêm 30 tháng Chạp, chúng tôi ngủ ở Hà Nội. Từ nửa đêm đến sáng, khắp hàng phố tiếng pháo chào mừng năm mới nghe như súng trận nổ liên thanh. Cho hay ông thần năm mới ở đất Việt Nam cũng “tốt” bổng hơn ở các nơi khác.
Đồng hồ đánh năm giờ, chúng tôi ở nhà ra ga, lúc đó quang cảnh trong ga khác hẳn ngày thường. Hành khách vắng vẻ đã đành, hàng phở, hàng kẹo, thằng bé bán nước rong cũng không thấy nữa. Phải thiên hạ còn bận ăn Tết, mồng một đầu năm, trừ hai thằng rồ chúng tôi, thì ai còn đi đâu làm gì, hàng quà, hàng bánh bán cho ai được mà chẳng nghỉ. Trong ga lúc ấy thật là buồn tênh, cho đến khi chúng tôi lên tàu cũng vậy.
Sáu giờ đúng, tàu bắt đầu chạy, qua cầu sắt sang cầu Đuống, đoàn tàu thui thủi từ địa phận Bắc Ninh mà lên đất Phúc An. Lúc ấy trời còn tờ mờ, hai bên dọc đường sương khói mịt mù, nếu không có những tiếng pháo đì đùng ở các làng quê, thì chẳng khác chi tàu đi trong bãi sa mạc.
Chừng hơn 2 giờ đồng hồ, tới Đông Khê, trời dần sáng, sương dần tan, chân mây phía đông, mặt trời đã ló ra đỏ ối. Từ đó mà đi, miếng kính xe lửa đã dần dần đủ sức chiếu được phong cảnh dọc đường, bụi cỏ bờ cây, bông hoa phấp phới, vườn chè bãi trám, vẻ lá xanh rờn. Chẳng hay thợ thời trang điểm tốn bao công, màu xuân vẻ nhuộm tự bao giờ mà được thế?
Khỏi Phúc An đến Vĩnh Yên, con đường trước mặt dần dần hiện ra những cảnh đồi núi, xa trông làng to xóm nhỏ, dựa theo mé núi, sườn đồi, cảnh tượng tuy không được sầm uất như các thôn xã ở Trung Châu, song cũng có bề vui vẻ. Mấy nghìn năm trước, khi tiên tổ ta gây dựng ra đất nước này, có lẽ những làng xóm này tức là chỗ căn bản vậy. Từ những nơi khe rừng đất sỏi như vầy, mà khai thác bao phen, hết Bắc Kỳ, đến Trung Kỳ, đến Nam Kỳ, gây nên một bức dư đồ gấm vóc như nước Việt Nam ngày nay, giống người Việt Nam há chẳng phải là giống người hùng cường, cái công đức của tiền nhân ta thật cũng lớn lao lắm chứ.
Lượn quanh sườn núi chân đồi, đoàn xe lửa uốn khúc vằn vèo như thân rắn, chừng hơn mười giờ thì đến Việt Trì, tàu đỗ chừng một tiếng đồng hồ, lại chạy hơn giờ nữa thì đến ga Tiên Cương. Đó là chỗ rẽ vào Đền Hùng, chúng tôi xuống xe đi bộ.
Từ Vĩnh Yên tới đây, tiếng pháo nghe đã thưa thưa, quang cảnh ngày Tết trên này có lẽ không náo nhiệt bằng mấy tỉnh phía dưới. Tuy vậy, trên các đường cũng thấy vắng tanh, người đi lại rất ít. Cứ như người bạn tôi nói với tôi, thì ở ga Tiên Cương, ngày thường vẫn có vài chiếc xe kéo chở khách, nhưng bây giờ thì không có một chiếc nào hết. Chắc là mọi năm, ngày mồng một Tết ở đây không ai cần dùng đến xe, cho nên phu xe họ cũng nghỉ nhà ăn Tết thì phải. Hai chúng tôi đủng đỉnh cuốc bộ từ ga Tiên Cương mà vào, may có bạn tôi đã từng lên đây vài lần, có nhớ đường lối, nếu không, một mình tôi thì có khi không biết đường nào mà đi, vì ở đường ít khi gặp ai mà hỏi.
Một bên sườn núi, một bên ruộng cày, đường đi ở giữa, quanh co lên xuống chừng vài ba cây số, qua mấy nếp đình chùa cổ đến chân núi Hùng. Ngay ở chỗ cạnh đường lên núi có túp nhà tre lợp lá. Bạn tôi nói rằng nhà đó mọi khi vẫn có người ở, ai lên chơi Đền thì đưa đi. Nhưng nay trong nhà không có ai. Chúng tôi đứng nghỉ một lúc rồi cùng đi lên.
Trời đã quá trưa, bóng ác xế về một bên đỉnh núi, gió đông hây hẩy từ dưới đồng ruộng thổi lên, vì có hơi nắng chiếu xuống cho nên tiết trời cũng không đến nỗi giá lạnh. Chúng tôi thoạt đến sườn núi thì thấy hai bên có hai nếp nhà lợp ngói. Theo lời bạn tôi, ở phía hữu là nhà hội đồng, mỗi năm đến ngày mồng mười tháng ba tức là ngày hội Đền Hùng, quan khách phương xa về Đền làm lễ thì nghỉ ở nhà đó. Còn ở phía tả là nhà Cà phê, cũng đến ngày hội mới có người về đó bán hàng. Ở đó đi lên một quãng, thì phía trên đường có nếp tam quan rất lớn, thẳng với cửa Đền. Chừng như thuở xưa, chỗ này là đường lên Đền, bởi lên núi mà đi đường thẳng dốc quá, nên bây giờ mới mở một con đường khác vòng ở phía hữu tam quan mà lên cho đỡ chênh dốc. Đi khỏi tam quan thì đến quãng đường xây bậc bằng gạch. Không phải bậc gạch xây liền nhau từ đấy mà lên, chỉ mỗi đoạn chừng vài chục thước mới có một quãng độ vài cái bậc mà thôi. Mỗi quãng bậc gạch đường đi thăm thẳm như chiếc thang dựng đứng, chúng tôi đi được vài bốn quãng chi đó, thì sức lực đã thấy mỏi nhoài.
Tới đó, vừa đến một khu đất bằng, bên ngoài có chiếc nhà vuông, trong có tấm bia rất lớn, văn bia một mặt là chữ Hán, một mặt là chữ Quốc ngữ, kỷ niệm công đức một nhà buôn ở Hà Nội đã xuất nghìn bạc xây nên những bậc gạch kia. Lúc ấy, đường đi phần nhiều là bóng cây râm mát, lại thêm lên cao sức gió càng mạnh cho nên đã thấy hơi lạnh. Chúng tôi ở nhà bia đi lên, chừng một quãng dài, mùi hương hoa đại ở đâu đó đưa ngào ngạt, tưởng như mình đã gần đến Bồng lai. Dần dần thấy trước mặt hiện ra một lớp lâu đài khá lớn, trong trí tôi tưởng đó là Đền Quốc Tổ rồi, té ra mới là chùa Cổ Tích. Cứ bạn tôi nói: Cổ Tích tức là tên làng sở tại, chùa này là chùa của làng đó. Trong chùa tiếng mõ chen với tiếng chuông, bữa đó là ngày tuần, lại là ngày Tết, cho nên có cúng, nhà sư đương lầm rầm tụng kinh. Chúng tôi không vào chùa, không biết ở trong rộng hẹp thế nào, coi bên ngoài cũng khá rộng rãi. Sân chùa rất lớn, chung quanh có nhiều cây đại cổ thụ, cây nào cây ấy hoa trắng như bông. Hai bên có hai cây Tháp. Trước sân là nếp nhà bỏ trống, trên có tầng gác, đó là nhà gác chuông. Phía trước gác chuông có cây thông thật lớn, gió thổi thông reo, trên lưng trời ào ào như sóng nổi. Nghe những tiếng ấy, tôi lại sực nhớ đến phong cảnh Cần Thơ là chỗ tôi vừa từ giã được mấy ngày.
Ở sân chùa rẽ sang phía tả ấy là lối đi lên Đền, nhưng cũng phải trèo qua gần hai chục đoạn bậc gạch mới tới.
Đền cất ở ngay đỉnh núi, tuy không lấy gì làm nguy nga, nhưng cũng có vẻ tráng lệ. Coi kĩ thì quy mô cũng không cổ lắm, chừng như cũng mới làm lên độ trăm năm vậy, và coi những niên hiệu ở các câu đối, hoành phi, thì hồi gần đây cũng có sửa lại nhiều ít.
Khi ấy có mấy ông già lố nhố ngồi ở hai dãy ghế phía cạnh, các cụ trong làng ra đó túc trực. Thấy chúng tôi vào, ai nấy lấy làm ngạc nhiên. Như lời mấy ông già đó đã nói thì từ xưa đến nay, trừ quan bản hạt ra, ở đường xuôi ít có người nào ngày mồng một Tết mà lên tới đó. Chúng tôi nói với người thủ từ sửa cho vàng hương làm lễ. Lễ rồi, ra ngồi tại dãy ghế hai bên, nói chuyện tào lao với mấy cụ. Người thủ từ có bảo chúng tôi xúc thẻ bói xem năm mới tốt xấu thế nào. Nhưng chúng tôi đều cùng từ chối, vì mục đích của chúng tôi tới đó có phải vì đi bói đâu. Thấy việc bói thẻ đó mà tôi lấy làm phàn nàn, cái nơi thờ phụng Ông Tổ một nước, mà người ta còn lợi dụng làm nơi truyền bá thói mê tín, thật là sự lạ.
Ngồi trong Đền một lúc, chúng tôi cùng ra sân xem ngắm cảnh trí.
Giữa đám vô số cồn nhỏ, đột ngột nổi lên một hòn núi cao hoặc giả trời cũng dành riêng chỗ này làm nơi hương khói ngàn thu cho ông Quốc Tổ nước Việt Nam đó.
Mấy ông già lúc đó cũng cao hứng chạy ra nói chuyện. Một ông nói với chúng tôi rằng: Đền này kiểu đất rất đẹp, phía trước có ngã ba Trịnh ngã ba Hạc, hai làn nước lớn làm mệnh đường; hai tay long, hổ thì một bên là núi Tản Viên quay lại, một bên là núi Tam Đảo chầu về, mạch đất kỳ dị như thế thật xứng đáng làm nơi Tổ mộ của một nước. Nhưng câu nói có pha giọng địa lý huyền vi, song cũng đúng với địa thế núi Hùng lắm.
Đứng trước Đền mà trông xuống giang sơn bốn mặt, xui người sinh bao mối cảm tình. Kìa những hàng đồi núi thấp cao, san sát như chồng bát úp, kìa những đám đồn điền rộng hẹp, ngăn nắp như ô bàn cờ, thôn to, xóm nhỏ, chen với rừng cây bãi cỏ, phô một sắc xanh xanh. Ôi cái bức tranh gấm vóc tốt tươi, thảy đều bởi một họ Hồng Bàng tô điểm. Nhân đó mà tưởng tượng đến dải đất từ Cà Mau ra Bắc, Móng Cái vào Nam, dư đồ bát ngát chừng nào, ấy là công đức của tổ tiên ta lớn lao chừng ấy. Luôn thể tôi lại nghĩ tới cái thân lưu lạc trong mười năm trời, hốt nhiên ngày nay lại có lúc tới trước bàn thờ Quốc Tổ, thắp một nén hương, dâng tấm lòng thành kính, buông tầm con mắt mà ngắm cái chân tướng của nước non nhà, thật là một sự vinh hạnh trong đời tôi. Song tôi lại nghĩ: nhờ có tổ tiên mở mang xây dựng, ngày nay mình được sẵn đất mà ở, sẵn ruộng mà cày, sẵn có giống nòi đông đúc để mưu lấy sự sinh tồn, nếu suốt đời chẳng làm nên việc gì ích cho Tổ quốc, lợi cho đồng bào thì cái đời mình cũng là đời thừa mà cuộc bái yết Quốc Tổ này chỉ thêm để nhơ cho hoa cỏ lâu đài vậy.
Mặt trời đã xế, rừng sau Đền tiếng chim xáo xác báo tin chiều. Chúng tôi xuống coi lăng Vua Hùng.
Kề với phía tả sân Đền, nền lăng thấp hơn nền sân độ hai thước, cái nấm sè sè nằm trong chiếc nhà vuông con con, một tấm bia đá vừa bằng cái “cột cây số” dựng ở đầu nấm, trong có ba chữ Hùng Vương Lăng.
Còn niên hiệu bên trên thì bia ấy mới dựng lên từ đời Tự Đức. Bây giờ tôi không nhớ năm nào, chỉ nhớ cuối dòng niên hiệu có ba chữ phụng sắc tạo mà chữ sắc lại đài lên cao hơn chữ Hùng một hàng.
Mấy ông già có nhủ chúng tôi xuống thăm Đền Giếng ở dưới sườn núi bên tả. Nhưng vì chiều trời đã muộn, chúng tôi không dám quyến luyến, sợ lâu lỡ tàu.
Bái từ Quốc Tổ, giã Đền, giã cảnh, giã hương khói cỏ hoa, chúng tôi xuống núi ra về. Lẽo đẽo ra tới cửa ga Tiên Cương, xe lửa vừa đến. Lên xe về tới Hà Nội đã gần tám giờ. Các nhà hàng phố đương còn cúng chiều, tiếng pháo nghe nổi ran khắp phố.
Sau khi về đến nhà trọ, tôi có hẹn với bạn tôi tới ngày hội Đền là ngày mồng mười tháng ba, sẽ cùng nhau đi thăm cảnh hội cảnh Đền lần nữa.
Chẳng ngờ việc đời không thể hẹn trước, từ khi tôi trở vào Cần Thơ, lại hàng ngày lăn lóc với cuộc sinh nhai, thì giờ của tôi hết thảy bị chủ lực của đồng tiền ám ảnh. Cái ngày mồng mười tháng ba, tôi vẫn đinh ninh ghi lòng tạc dạ, nhưng không thể nào bước chân đi về. Than ôi, tôi đã phụ lời với cây cỏ!
Nước non cách trở, ngày tháng hao mòn, biết có khi nào cái thân bèo nước lênh đênh lại được trông bóng khói, ướp mùi hương trước bàn thờ Quốc Tổ. Cuộc bái yết hôm đó có lẽ là cuộc kỷ niệm vĩnh viễn của đời tôi.
Năm tàn hầu hết, xuân mới sắp qua, cuộc kỷ niệm kia thấm thoát đã sắp đầy một tuổi. Vậy có vài lời kỷ thuật trước là giải chút u phiền, sau nữa, tôi muốn nói cùng ai ai rằng: Đền thờ Vua Hùng tức là một nơi nguồn suối về tư tưởng quốc gia của dân tộc này đó.■