Trần Văn Đôn
Trước khi Sài Gòn thất thủ, Trần Văn Đôn cũng như nhiều viên chức chính phủ và nhiều tướng tá của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà đã di tản sang Mỹ. Ông Đôn đã ghi lại một số diễn biến trong nội bộ Việt Nam Cộng hoà với những người đứng đầu Chính phủ và Quân đội, trong đó có sự kiện Nguyễn Văn Thiệu từ chức Tổng thống. Tạp chí Phương Đông xin trích lại một phần của cuốn hồi ký “Việt Nam nhân chứng” của Trần Văn Đôn xuất bản tại Mỹ năm 1989. Tư liệu này sẽ cho bạn đọc có được hình dung chân thực, khách quan hơn về sự bấn loạn của chính quyền Sài Gòn trước ngày sụp đổ hoàn toàn – ngày 30 tháng 4 năm 1975.
[…] Đại sứ Martin sau này kể lại mẩu đối thoại giữa ông với ông Thiệu:
– Chính phủ Hoa Kỳ không đòi Tổng thống từ chức, nhưng Tổng thống nên đề cử một ông Thủ tướng toàn quyền như Bảo Đại đã làm năm 1954 để ông Thủ tướng đó thương thuyết với phía bên kia.
Ông Thiệu hỏi:
– Theo ông ai có thể làm Thủ tướng toàn quyền.
Martin trả lời ngay:
– Đại tướng Dương Văn Minh.
Ông Thiệu im lặng không đáp.
Cũng trong ngày 20 tháng 4, lúc bốn giờ chiều, tôi đến gặp Đại sứ Martin tại sứ quán, Martin kể lại cho tôi và nói với tôi:
– Thật sự lúc đó tôi muốn ông (Trần Văn Đôn) làm Thủ tướng toàn quyền hơn là ông Minh, nhưng Hà Nội lại chỉ muốn nói chuyện với ông Minh mà thôi.
Sau hai tiếng đồng hồ nói chuyện với Đại sứ Mỹ Martin, Nguyễn Văn Thiệu biết mình phải ra đi. 10 giờ sáng ngày 21 tháng 4, Nguyễn Văn Thiệu triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia gồm các ông: Phó Tổng thống Trần Văn Hương, Thủ tướng chỉ định Nguyễn Bá Cẩn, Tổng Tham mưu Trưởng Cao Văn Viên, Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình – Tổng Giám đốc Công an, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn – Tư lệnh Quân đoàn 3, Trung tướng Nguyễn Văn Minh – Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Trung tướng Đặng Văn Quang – Phụ tá Quân sự.
Lúc đó tôi đang làm Tổng Trưởng Quốc phòng, đáng lý phải được thông báo và mời dự nhưng ông Thiệu không mời vì thấy tôi đã hai lần họp các tướng lĩnh, ông nghi tôi vận động để buộc ông từ chức. Sau này ông Cao Văn Viên cho tôi biết trong phiên họp đó, ông Thiệu tuyên bố sẽ từ chức.
Ông Thiệu cho biết lý do thứ nhất là Quân đội đưa ông ta lên ghế Tổng thống, bay giờ ông ta làm vừa lòng Quân đội vì Quân đội định đảo chính. Ông Thiệu không nói rõ tên ai chủ trương đảo chính, nhưng ai cũng nghi là tôi. Sự thật không đúng như vậy. Lý do thứ hai là ông ta ra đi để Mỹ viện trợ lại cho miền Nam. Ông sẽ trao quyền lãnh đạo lại cho Phó Tổng thống theo như Hiến Pháp qui định.
19 giờ ngày 21 tháng 4, các nhân vật trong chính phủ dân biểu, nghị sĩ, và các thẩm phán thuộc Tối cao Pháp viện đến Dinh Độc Lập để dự lễ bàn giao chức vụ Tổng thống. Cuộc lễ bắt đầu lúc 19 giờ 30. Trong dịp này, ông Thiệu trình bày các diễn tiến từ Hiệp định Paris 1973 đến chiến tranh leo thang năm 1974, việc Phước Long tiếp theo là trận đánh Buôn Mê Thuột, rồi mất miền Trung mà quốc tế và các siêu cường quốc đã ký bảo đảm Hiệp định Paris vẫn im hơi lặng tiếng, và ông Thiệu lên án đồng minh Mỹ không giữ lời hứa. Sau khi trình bày xong tình hình quân sự, ông Thiệu nghiêm trọng tuyên bố:
– Tôi đã quyết định từ chức Tổng thống.
Ngưng một chút, ông tiếp:
– Theo Hiến pháp, người thay thế tôi là Phó Tổng thống Trần Văn Hương.
Nói đến đây, đáng lý ra ông Giám đốc Nghi lễ phải ra mời ông Trần Văn Hương lên bục để tuyên thệ trước Tối cao Pháp viện, Chủ tịch Thượng Nghị Viện và Chủ tịch Hạ Nghị Viện, nhưng ông Thiệu lại xuống mời ông Hương lên tuyên thệ.
Tuyên thệ xong, ông Thiệu ngồi vào ghế của ông Hương và ông Hương ngồi vào ghế Tổng thống. Lúc đó ông Hương đã 71 tuổi. Lời tuyên bố đầu tiên của ông Hương ngắn gọn, kêu gọi anh em quân nhân giữ vững tay súng, ông ấy sẽ đóng góp xương máu và chia sẻ với anh em ở chiến trường.
Không khí buổi lễ hôm ấy buồn tẻ, tất cả nhân vật ở các cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp và quân nhân cao cấp ngồi đó buồn bã nhìn ông Thiệu lúng túng đứng ra điều hành cuộc lễ, ông Hương lọm khọm, nói không rõ ràng mạch lạc. Anh em buồn không phải vì sự ra đi của ông Thiệu mà ai cũng thấy rằng ông Hương không đủ khả năng lèo lái con thuyền quốc gia đang cơn nghiêng ngửa.
Sau cuộc lễ, ông Thiệu mời Tướng Cao Văn Viên và ông Nguyễn Khắc Bình vào phòng bên cạnh để trực tiếp truyền hình lời Tổng Tham mưu Trưởng nhắn gởi anh em quân nhân và lời Tổng Giám đốc Cảnh sát kêu gọi anh em cảnh sát giữ vững tinh thần chiến đấu vì việc ông Thiệu từ chức Tổng thống không ảnh hưởng gì đến hệ thống điều hành của quân đội và cảnh sát Việt Nam Cộng hòa. Đó là lần đầu tiên cũng như lần cuối cùng ông Viên lên đài truyền hình kêu gọi và tác động thành thân anh em binh sĩ.
Tôi ghé qua nhà một vài người bạn để biết cảm nghĩ của họ. Ai cũng theo dõi trên đài truyền hình và đài phát thanh, họ chờ đợi tân Tổng thống chỉ định một Thủ tướng để thương thuyết với bên kia. Sáng hôm sau một số tướng lĩnh điện thoại cho tôi (Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3, Chuẩn tướng Khôi, Tư lệnh Lữ đoàn Thiết giáp) khuyên tôi ra lãnh chức vụ Thủ tướng trong lúc này. Nhưng Hà Nội nói rõ là không nói chuyện với người nào thuộc Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu.
Chiều thứ ba, ngày 22 tháng 4, cố vấn chính trị Pháp Brochand đến nhà tôi. Tôi quen ông vì thỉnh thoảng gặp nhau tại câu lạc bộ thể thao. Ông ta nói với tôi là Pháp có liên lạc với Hà Nội, họ cho biết nếu có thương thuyết thì chỉ thương thuyết với ông Dương Văn Minh mà thôi. Brochand nói tiếp:
– Ông Dương Văn Minh cần sự hợp tác của ông.
Tôi thoái thác:
– Lâu nay tôi không có gặp ông Minh, nếu ông Minh trở thành Quốc trưởng, tôi không phải là người tiếp xúc với ông Minh.
Lúc 6 giờ 40 chiều, trước khi về, Brochand hỏi thêm:
– Ông Minh gọi điện thoại cho ông có được không?
– Được.
Mười phút sau ông Minh điện thoại cho tôi:
– Moa có thể gặp toa lúc nào, ở đâu?
Tôi trả lời:
– Tối nay tôi dùng cơm tại nhà ông Nguyễn Văn Hảo. Khoảng 10 giờ, tôi sẽ ghé lại anh. Bữa cơm đã định từ lâu rồi.
Lúc đang dùng cơm, ông Thiệu điện thoại lại nhà ông Hảo để nói chuyện với tôi, vì khi đi đâu tôi cũng cho người nhà biết để dễ liên lạc khi cần thiết.
Ông Thiệu hỏi:
– Tôi nghe nói Trung tướng mời Tướng Thắng về làm việc ở Bộ Quốc phòng với Trung tướng, có đúng như vậy không?
– Tại sao Tổng thống biết?
– Bà dược sĩ Nguyễn Thị Hai đến gặp vợ tôi than là nếu ông Thắng làm việc thì chết chúng mình rồi.
Ông hỏi lại một lần nữa là việc tôi mời ông Nguyễn Đức Thắng về làm Bộ Quốc phòng có đúng không.
Tôi không trả lời mà hỏi lại:
– Tổng thống cho biết ông Thắng có phải là cộng sản không? Tôi có gặp ông Thắng nhưng chưa có đặt vào chức vụ gì hết.
Ông Thiệu không trả lời. Dùng cơm xong, ra về tôi ghé lại ông nhà ông Minh. Lâu quá không gặp nên chúng tôi bàn nhiều đến chuyện quốc phòng và chính trị. Tôi hỏi:
– Anh có thể thương thuyết với bên kia không?
– Được. Nhưng phải thật lẹ, nếu không chúng ta không có hi vọng.
Sau này ngồi nhớ lại câu nói trên tôi phục ông Minh tiên liệu sự việc rất đúng. Ông Minh cho biết Hà Nội chờ ông Minh nắm quyền rồi sẽ thương thuyết. Ông Minh chưa tiếp xúc với tân Tổng thống Trần Văn Hương vì ông Hương chậm chạp lại không thích ông Minh cho lắm nên kéo dài thời gian. Việc này rất là bất lợi, nhất là vừa có tin Xuân Lộc thất thủ, Việt Cộng đang tiến vào vây Thủ đô Sài Gòn.
Ông Minh đề nghị:
– Bây giờ chỉ có Mỹ nói ông Hương mới nghe.
Tôi tán thành:
– Vậy thì mình phải làm cho lẹ.
Tôi đến thẳng nhà Đại sứ Martin, dù đã gần 12 giờ khuya, tôi vẫn vào xin gặp. Sau khi sĩ quan tùy viên vào trình, Đại sứ Martin mời tôi vào.
Tôi vừa ngồi, thì sĩ quan tùy viên đến nói nhỏ bên tai ông Martin, ông ta xin lỗi tôi, bước vào phòng riêng, khi trở ra ông nói:
– Có một phi cơ xin phép đáp xuống phi trường Manila, vì Manilla nghi trên phi cơ có Tổng thống Thiệu nên họ điện thoại về hỏi thử có đúng không. Hỏi lại thì biết ông ấy còn ở trong Dinh Độc Lập.
Tôi xin lỗi ông Martin vì tình hình bắt buộc nên phải đến gặp ông ta khuya như vậy. Tôi cho biết tôi vừa gặp ông Minh, nếu muốn thương thuyết với Hà Nội thì ông Minh phải có chức vụ mới được. Tôi yêu cầu Martin đề nghị ông Hương giao quyền cho ông Minh đứng ra thương thuyết. Martin hứa với tôi sẽ thuyết phục ông Hương.
Ngày 23 tháng 4, lúc 11 giờ Trung tướng Vĩnh Lộc, Chỉ huy trưởng Trường Cao đẳng Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Bảo Trị, phụ trách các trường huấn luyện quân sự, Đại tá Nguyễn Huy Lợi, Đại tá Vũ Quang và Đại tá Trần Ngọc Huyến đến nhà tôi ở đường Alexandre de Rhodes (lúc đó tôi xử lý thường vụ chức vụ Tổng trưởng Quốc phòng vì nội các Nguyễn Bá Cẩn từ chức, nay chờ nội các mới sẽ chuyển giao mọi chức vụ).
Cấp chỉ huy Quân đội từ mấy năm nay quá yếu, Đại tướng Cao Văn Viên không đủ khả năng, không làm đúng bổn phận, làm việc không hữu hiệu mà lại ngồi chỉ huy suốt chín năm trời. Theo tôi biết ông Cao Văn Viên nhảy dù giỏi, tham mưu giỏi, nhưng ông ta làm việc không hăng say, không tự quyết, tự quản. Ông làm việc theo lệnh của Tổng thống, vì Tổng thống là Tổng Tư lệnh, hoặc làm việc theo lệnh của Tổng trưởng Quốc phòng hoặc Thủ tướng. Không bao giờ ông Viên đề nghị, phê bình hoặc từ chối một chỉ thị nào của thượng cấp nên Mỹ, ông Thiệu, ông Khiêm đều thích một ông Tổng Tham mưu Trưởng như ông Viên. Nhưng về mặt quân đội, ông Viên không khích lệ tinh thần anh em tướng tá, không tác động tinh thần sĩ quan binh sĩ cho anh em hăng say chiến đấu.
Sau năm 1970, tôi gặp ông Viên nên biết ông bận lo thi lấy bằng cao học văn chương Pháp, chú trọng đến thiền học, chiều tối nào ông cũng lên trên mái tôn cao sau nhà để hành thiền và ngủ luôn ở đó, dầu có xảy ra việc gì cũng không ai được quấy rầy ông. Đã nhiều lần ông Viên bày tỏ ý không muốn giữ chức vụ Tổng Tham mưu Trưởng nữa, xin từ chức hoài nhưng ông Thiệu không chấp nhận.
Ông Viên có tướng oai vệ, biết lái trực thăng, ba lần ông Kỳ xin đảo chánh nhưng ông Viên không chấp nhận, nên ông Thiệu càng thích hơn, cho dù ở chức vụ đó ông Viên làm việc miễn cưỡng lơ là chăng nữa, cũng còn hơn đặt người khác vào có thể đảo chính mình.
Tân Tổng thống Hương định đưa ông Viên lên làm Tổng Tư lệnh, là cấp bực cao hơn Tổng Tham mưu Trưởng. Lúc ông Hương nói với tôi ngày 25/4/1975 tại Dinh Độc Lập, ông Viên nhìn tôi có vẻ không hứng thú. Ông Viên đã không thích nhận trọng trách điều khiển quân đội, huống chi bây giờ ông Thiệu và ông Khiêm đã từ chức.
Năm ông tướng tá đó đề nghị tôi chỉ định người thay thế chức vụ Tổng Tham mưu Trưởng.
Tôi nói:
– Tình thế sắp đổi. Tôi không cần chỉ định ai, tự nhiên cũng có người thay thế ông ấy.
Tướng Nguyễn Bảo Trị đề nghị:
– Thời Trung tướng làm Tổng trưởng Quốc phòng kiêm luôn Tổng Tham mưu Trưởng đi!
Tôi từ chối. Tôi đã về hưu rồi, lâu nay không còn mặc quân phục nữa, nhưng nếu cần tôi cũng có thể đảm nhận vai trò Tổng Tham mưu trưởng lúc khó khăn này. Nhưng tôi thấy tình thế biến chuyển quá mau, chưa biết nó sẽ đi tới đâu. Tôi hỏi:
– Ai có thể thay thế Đại tướng Viên?
Tướng Trị đáp:
– Trung tướng Nguyễn Đức Thắng, gần hai năm nay ông ấy không có làm việc. Tôi biết khả năng ông Thắng, đã gợi ý nhưng ông ấy từ chối, còn nếu ra lệnh thì lại là chuyện phải nhận. Tôi nghĩ ông Vĩnh Lộc là người giỏi, có thể nhận chức vụ đó. Ngoài việc thay ông Viên, các ông còn đề nghị thứ hai là bắt tất cả những người Mỹ còn lại làm con tin để Mỹ tiếp tục viện trợ giữ miền Nam.
Tôi cho biết chuyện đó đã có tin đồn rồi, thế nào Mỹ cũng biết và có kế hoạch để đối phó. Thủy quân Lục chiến Mỹ đang chờ ở ngoài khơi sẽ đổ bộ với vũ lực hùng hậu, chừng đó sẽ đổ máu thêm nhiều người, tình thế sẽ rối rắm nguy ngập hơn.
Vả lại, có một số người Mỹ không đồng ý việc bỏ rơi miền Nam của chính phủ Mỹ. Bây giờ hơn một ngàn người Mỹ còn ở lại Việt Nam muốn nhập với quân đội Việt Nam Cộng hòa chiến đấu để thúc đẩy, xoay dư luận Mỹ và yểm trợ cho Miền Nam. Nhiều người Mỹ không bằng lòng hành động của Tổng thống Ford. Trên vô tuyến truyền hình Mỹ, vài ký giả đến phỏng vấn ông Ford khi ông vừa bước xuống máy bay về vấn đề Nam Việt Nam sẽ bị mất, ông nói lảng đi “Thôi đừng nói chuyện đó nữa”.
Tôi khuyên các anh em đừng bao gồm chung cả các giới chức Mỹ. Nếu nói là chính quyền Mỹ thì ở Sài Gòn chỉ có ông Đại sứ đại diện mà thôi. Bỏ rơi ta là Chính phủ Mỹ và Quốc hội Mỹ. Bắt một số người Mỹ tại Sài gòn làm con tin thì tội nghiệp cho họ mà chẳng ích lợi gì.
Ngày 23/4/1975, nội các Nguyễn Bá Cẩn từ chức. Lúc 6 giờ chiều tôi họp các tướng lĩnh tại văn phòng Tổng Tham mưu trưởng để cho biết tình hình. Tôi cho biết dù có thương thuyết để đình chiến, chúng ta cũng cố giữ những gì chúng ta đang có. Tôi chỉ thị cho Trung tướng Nguyễn Văn Toàn và Đại tướng Cao Văn Viên sắp xếp lại chiến tuyến bảo vệ sông Sài gòn đi Vũng Tàu.
Hôm đó tôi gặp ông Minh, ông chưa nhận được tin gì, nhưng ai cũng biết ông sẽ được ông Hương trao nhiệm vụ thương thuyết với phía bên kia. Ông yêu cầu tôi nói với ông Viên nên ở lại ghế Tổng Tham mưu trưởng. Tôi đề nghị ông Minh nên đến thăm ông Viên và nói chuyện vì có lần ông Viên dọa “tôi sẽ từ chức ngay. Tôi không thể làm việc với ông Minh”.
Lúc 10 giờ sáng ngày 24 tháng 4, ông Minh đến gặp Tổng thống Hương tại nhà Đại tướng Trần Thiện Khiêm trong khuôn viên bộ Tổng Tham mưu, trong khi tôi nhắn Trung tướng Mai Hữu Xuân về nối lại với ông Minh “mọi việc phải làm ngay không nên chần chờ, chậm trễ thì tình hình không thuận lợi cho ta nữa”.
Trưa hôm đó tôi đến nhà ông Trần Thiện Khiêm gặp Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo. Các ông này cho tôi biết cuộc gặp gỡ vừa rồi giữa ông Minh và ông Hương đã thất bại vì ông Minh từ chối ghế Thủ tướng toàn quyền. Ông Minh muốn ông Hương giao ghế Tổng thống để có toàn quyền nói chuyện với bên kia. Ông Hương trả lời rằng ông ấy không có quyền làm việc đó, Quốc hội mới có quyền, Ông Khiêm nói với tôi:
– Thôi, nếu vậy thì anh Đôn nên nhận chức vụ Thủ tướng để thương thuyết.
Tôi kể lại lời ông Brochand, Cố vấn Chính trị của tòa Đại sứ Pháp là Pháp có liên lạc với Hà Nội. “Hà Nội cho biết họ chỉ muốn nói chuyện với ông Minh mà thôi,” như vậy thì đừng đưa tên ai khác ra làm gì. Tôi đến thẳng tòa Đại sứ Pháp. Họ lập lại ý trên và cho biết thêm rằng Việt Cộng chờ đến ngày Chủ nhật 27 tháng 4, nếu không có gì tiến triển thì họ sẽ pháo kích vào Sài Gòn. Sợ đổ máu cho dân chúng đang sống dày đặc trong thủ đô, tôi hứa sẽ về cố gắng dàn xếp để tìm giải pháp.
Vào 4 giờ 30 chiều ngày 24 tháng 4, ông Khiêm điện thoại cho tôi biết ông Hương sẽ chỉ định ông Nguyễn Ngọc Huy làm Thủ tướng. Theo ông Khiêm thì ông Huy là người chống Cộng triệt để nên khó có thể hòa giải được. Tôi điện thoại cho ông Minh biết tin này, ông Minh mời tôi lại nhà bàn tính công chuyện. Đến nhà ông Minh tôi thấy đã có nhiều ký giả săn tin, họ biết cuộc gặp gỡ hội sáng giữa ông Hương và ông Minh thất bại nên muốn biết ý kiến của ông Minh. Ông Minh tha thiết muốn ông Hương trao chức vụ lại để ông ấy thương thuyết gấp. Tôi cũng nghĩ là nên có áp lực của Quân đội như đề nghị của ông Minh. Tôi điện thoại mời Đại tướng Khiêm và Đại tướng Viên đến nhà ông Minh, nhưng hai ông ấy đến thẳng Dinh Độc Lập.
Lúc 5 giờ 45 phút, tôii vào Dinh Độc Lập gặp ông Nguyễn Ngọc Huy đang nói chuyện với ông Nguyễn Xuân Phong từ Pháp mới về. Thoáng thấy Đại sứ Mỹ Martin ở trong văn phòng Tổng thống ra, tôi hỏi:
– Có phải Tổng thống Hương chỉ định ông Nguyễn Ngọc Huy làm Thủ tướng không?
Đại sứ Martin trả lời:
– Việc đó không có.
Trong lúc đó, ông Khiêm vào gặp ông Hương, trở ra xác nhận với tôi một lần nữa là ông Hương sẽ chỉ định ông Nguyễn Ngọc Huy làm Thủ tướng. Đến lượt ông Huy vào nói chuyện với ông Hương. Sau đó, tôi và Cao Văn Viên vào trình bày tình hình quân sự: vòng đai Sài gòn đang bị thu hẹp lại, đạn dược thiếu, tinh thần chiến đấu của binh sĩ quá sa sút… Ông Hương nhìn ông Viên nói:
– Ông sẽ là Tổng Tư lệnh.
Ông Hương nói tiếp rằng ông ấy chia sẻ với số phận anh em quân nhân tại chiến trường, nghĩa là ông ấy cùng chết với binh sĩ. Trước khi ra về, tôi nói với ông Hương
– Cụ nghiên cứu lại, vì bên kia họ chỉ muốn nói chuyện với ông Minh mà thôi.
Đến 8 giờ tới hôm đó, tôi trở lại nhà ông Minh thấy ông Nguyễn Văn Huyền, cựu Chủ tịch Thượng Nghị viện, nghị sĩ Vũ Văn Mẫu và ông Brochand, cố vấn Pháp. Ông Minh cho biết ông Hương không muốn từ chức. Tôi nói:
– Ông Hương vừa mới lên mà yêu cầu ông từ chức thì cũng khó xử cho ông ấy; hơn nữa còn Hiến pháp, còn Quốc hội…
Ông Huyền đồng ý với tôi. Riêng ông Minh và ông Mẫu cho rằng ông Hương trì hoãn như vậy nhưng thế nào rồi cũng chấp nhận.
Lúc 8 giờ 30 sáng ngày thứ sáu 25 tháng 4, ông Thiệu điện thoại cho tôi ý muốn được gặp tôi tại Dinh Độc Lập (ông Thiệu tuy từ chức nhưng vẫn còn ở trong Dinh) nhờ tôi lấy cho bạn ông ấy một giấy chiếu khán đi ngoại quốc. Khi tôi vào Dinh, ông Thiệu cho biết ông hiểu rõ những diễn tiến chính trị. Nếu ông Hương mời ông Huy làm Thủ tướng thì đó là điều không tốt. Câu chuyện nửa chừng, ông Thiệu điện thoại cho ông Hương khuyên nếu có thi hành giải pháp thì đừng chỉ định ông Huy làm Thủ tướng… “Nếu ông Dương Văn Minh không chịu làm Thủ tướng toàn quyền thì Cụ tìm một người khác có thể thương thuyết với bên kia, mà người đó theo tôi là ông Đôn”.
Để điện thoại xuống, ông Thiệu nói với tôi:
– Theo tôi thì ngoài ông Minh ra, ông là người có thể nhận trách nhiệm này. Tôi đã nghĩ đến ông từ năm 1973. Tôi biết ông từng tiếp xúc nhiều giới chức, ông gặp nhiều nhân vật chính trị các nước Mỹ, Pháp, Nhật. Uy tín ông có trong giới chính trị và quân đội trong nước. Nhưng vì tôi không thay đổi lập trường chống Cộng triệt để của tôi nên không thể ngồi chung với họ. Nếu chịu thương thuyết, tôi đã mời ông làm Thủ tướng từ năm 1973 rồi. Nhưng ngày nay thì tôi đề nghị với ông Hương mời ông làm việc.
– Ông có nghĩ là bây giờ đã trễ không?
Ông Thiệu im lặng không trả lời. Trước khi từ giã, tôi nhìn thẳng ông Thiệu, nói:
– Còn phần ông, chừng nào ông đi? Tôi biết Mỹ không muốn xảy ra chuyện như ông Diệm. Xung quanh ông đang bỏ ông, nhất là khi nghe có tân Thủ tướng và Chính phủ mới. Ông phải đi cho nhanh. Nếu tôi lên làm Thủ tướng, nội các của tôi cũng sẽ đòi bắt ông và tôi phải làm theo.
Tôi bắt tay chào ông Thiệu, ra khỏi Dinh Độc Lập, tới ghé nhiều nơi đến tối mới trở về nhà. Đến nhà tôi được biết ông Thiệu điện thoại mấy lần và có để lại số điện thoại. Tôi gọi lại thì ông Thiệu nói lời từ giã:
– Chúc anh thành công và cám ơn anh.
Tôi căn dặn:
– Ông đừng quên những gì tôi đã nói hồi sáng, nghĩa là ông phải ra đi.
Sáng hôm sau tôi được biết Mỹ đã giúp ông Thiệu và ông Khiêm ra khỏi nước bằng máy bay DC-4 đến Đài Bắc.
[…]
Ngày 29 tháng 4, khoảng 10 giờ sáng vì thấy tình hình tại Sài gòn rất bi đát, Đề đốc Chung Tấn Cang, Tư lệnh Hải quân đến cho ông Minh biết hiện tình tàu bè đủ để chở Chính phủ và binh sĩ xuống Miền Tây (các tỉnh Hậu Giang hay Phú Quốc, Côn Sơn) nhưng ông Minh cho biết đang lo thương thuyết. Cũng trong ngày 29 tháng 4, ông Minh chỉ định Trung tướng Vĩnh Lộc làm Tổng Tham mưu Trưởng.
5 giờ chiều, ông Minh gọi Đề đốc Chung Tấn Cang đến gấp. Ông Cang ở lại Bộ Chỉ huy, phái Phó Đề đốc Diệp Quang Thủy đến gặp Tổng thống Dương Văn Minh.
Ông Minh nói với ông Thủy:
– Tôi trao cho Hải quân được toàn quyền hoạt động. Theo tôi biết sau này thì lúc 4 giờ 30 chiều ngày 29/4/1975, Cố vấn tại Tòa Đại sứ Pháp ông Brochand có cho ông Minh biết Hà Nội không chịu nói chuyện với ông Minh nữa. Ông Minh gọi Tư lệnh Hải quân đến rồi ông cho bà Minh đi với Hải quân, nhưng bà Minh nói nếu ông không đi thì bà ấy cũng ở lại. Ông Minh nhờ Phó Đề đốc Diệp Quang Thủy dẫn rể của ông là Đại tá Đại và vợ đã rời Việt Nam mấy hôm trước rồi, ông cũng nhờ đưa giùm Trung tướng Mai Hữu Xuân, Chuẩn tướng Nguyễn Thanh Hoàng và con gái ra khỏi nước.
Dù đã biết không thể thương thuyết được nữa, nhưng ông Minh vẫn không cho Trung tướng Vĩnh Lộc, Tổng Tham mưu Trưởng và nội các hay, có lẽ vì sợ các ông ấy bỏ đi sẽ dễ gây thêm xáo trộn.
Tối 29 tháng 4, ông Minh nghĩ là thua rồi, nên đưa vợ với tất cả các sĩ quan bộ Tham mưu chính trị vào Dinh Độc Lập để gặp họ ngay tại đây.
Lúc 8 giờ sáng ngày 30 tháng 4, Tổng Tham mưu Trưởng Vĩnh Lộc điện thoại hỏi ông Minh cuộc thương thuyết đi tới đâu, ông Minh vẫn không cho biết rõ. Lúc 10 giờ họ nghe qua đài phát thanh lời tuyên bố đầu hàng của ông Minh, thì tại Bộ Tổng Tham mưu có các ông Trung tướng Vĩnh Lộc Tổng Tham mưu Trưởng, Trung tướng Trần Văn Trung Tổng Giám đốc Nha Chiến tranh Chính trị, Đại tá Trần Ngọc Huyến và một số sĩ quan cấp Tá, cấp Úy cùng quyết định phải ra đi vì chiến xa của Việt Cộng đã ồ ạt vào Thủ đô.
Từ cổng Bộ Tổng Tham mưu, đoàn xe của Trung tướng Vĩnh Lộc ra đường Cách Mạng không ngang qua Dinh Độc Lập mà xuống phía Thị Nghè thẳng ra Hải cảng. Trong khi đó đoàn xe của Việt Cộng đi ngược chiều vào nhưng bằng một con đường song song nên không gặp.
Một số cán bộ nằm vùng tại Sài Gòn lúc đó ra mặt, họ mặc thường phục, lấy miếng vải đỏ đính trên túi áo hoặc cột băng tay, cầm súng lục ra vài ngã tư đường như đi yểm trợ cho đoàn xe vào. Một vài chiếc xe jeep của quân đội Việt Nam Cộng Hòa đang sử dụng bị những người ấy chặn lại phải bỏ xe xuống đi bộ, những bộ quân phục của quân đội Việt Nam Cộng Hòa bị vất đầy mấy góc phố. Gần chợ Trương Minh Giảng, một bộ quân phục sĩ quan mà người cởi ra không nỡ quăng xuống đất nên treo ngay ngắn trên cây bên đường, cạnh bên để một cái kết sĩ quan làm cho người nào đi ngang qua đều cảm thấy xót thương kẻ thua cuộc.
Khoảng 9 giờ, đoàn xe Việt Cộng từ miệt Lăng Cha Cả xuống nhà thờ Ba Chuông thẳng đường Trương Minh Giảng vào trung tâm Sài gòn. Đoàn xe đến mấy chục chiếc, đi đầu là xe tăng rồi đến xe GMC chở bộ đội, đa số là dân miền Bắc, xe chạy chầm chậm, trên có cờ của Mặt trận Giải phóng nửa xanh nửa đỏ. Dân chúng kẻ ra đường nhìn, người mở cửa đứng ngó thẫn thờ và ngơ ngác.
Đoàn xe của Trung tướng Vĩnh Lộc đến công xưởng Hải quân, nơi đây chỉ còn một chiếc tàu hư đang sửa chữa, ông phải lấy ra đi. Vì còn một máy chạy được nên tàu ra khỏi sông Sài Gòn nhưng đến cửa biển thì tàu hư, hoàn toàn không chạy được. Nhờ có máy truyền tin kêu cứu, Đề đốc Chung Tấn Cang cho tàu lại vớt. Khi đó thì xe tăng của Hà Nội đã vào Dinh Độc Lập rồi. Xe tăng của Hà Nội phá cổng chính Dinh Độc Lập để chạy vào sân, vì cổng này luôn luôn đóng trừ khi đón quốc khách.
Lúc quân Bắc Việt sắp tràn vào Dinh Độc Lập, ông Minh đã đứng đó cùng với một số Tổng Trưởng trong nội các. Ông Minh nói với ký giả Pháp:
– Chúng tôi trao lại quyền lãnh đạo Miền Nam cho những người xứng đáng hơn chúng tôi.
Khi Việt Cộng vào, ông nói với một sĩ quan Việt Cộng:
– Tôi trao lại quyền lãnh đạo Miền Nam cho các anh.
Người đó trả lời:
– Anh không có gì để trao hết. Anh chỉ đầu hàng.
Sau đó họ mời ông Minh, ông Mẫu và một người nữa lên xe jeep đi. Sau này tôi biết họ chở lại gặp Tướng Trần Văn Trà. Tướng Trà nói:
– Tôi mời mấy ông về đây để uống trà với tôi. Tôi là Trà. Chiến tranh đã kết thúc rồi. Không có ai thắng ai bại.
Chiều đó họ đưa các ông ấy về nhà.■