Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký ngày 27/1/1973, sau gần 5 năm đàm phán, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 24 cuộc họp bí mật. Trong quá trình đàm phán, các bên đã lần lượt đưa ra đề nghị của mình về một giải pháp chính trị, quân sự cho vấn đề Việt Nam. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc các kế hoạch hòa bình của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và Hoa Kỳ qua bài viết “7, 8, 9 điểm hòa bình” đăng trên Tạp chí Đối Diện số 32 xuất bản tháng 2 năm 1972.
*
Sáng 26/1/1972, Nixon đã bất ngờ công bố một đề nghị hòa bình gồm 8 điểm đã được Kissinger trình bày trước đại diện Bắc Việt trong một cuộc mật nghị ngày 11/10/1971. Nửa giờ sau ông Nguyễn Văn Thiệu cũng lên tiếng.
Chiều thứ Hai 31/1/1972, đến lượt Phái đoàn Thương thuyết Bắc Việt tại hòa hội Ba Lê đã công bố trọn vẹn nguyên văn chương trình hòa bình 9 điểm mà Bắc Việt đã đề nghị với Mỹ trong cuộc họp mặt giữa đại diện Bắc Biệt với ông Kissinger, cố vấn của Tổng thống Nixon ngày 26/6/1971.
Sau đây, Đối Diện xin ghi lại nguyên văn cả ba kế hoạch 7 điểm (Nguyễn Thị Bình), 8 điểm (Nixon – Nguyễn Văn Thiệu) và 9 điểm (Xuân Thủy) để bạn đọc tiện bề phê phán và theo dõi các bài bình luận trên báo chí hàng ngày.
7 điểm Nguyễn Thị Bình
(Công bố tại Hội nghị Ba Lê ngày 1/7/1971)
Xuất phát từ nguyện vọng hòa bình và độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng hòa bình của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới, để tỏ rõ thiện chí và nhằm làm cho Hội nghị Paris về Việt Nam tiến triển dựa trên Giải pháp toàn bộ 10 điểm tiếp theo những Tuyên bố 8 điểm ngày 17/9/1970 và 3 điểm ngày 10/12/1970, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố như sau:
1. Về thời hạn rút hết quân Mỹ
Chính phủ Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, chấm dứt chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, rút hết quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí, dụng cụ chiến tranh của Mỹ và của các nước ngoài thuộc phe Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, và hủy bỏ các căn cứ quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam mà không được đòi điều kiện gì.
Chính phủ Mỹ phải định rõ thời hạn cho việc rút hết quân Mỹ và quân các nước ngoài thuộc phe Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Trong trường hợp chính phủ Mỹ đưa ra một thời hạn cho việc rút hết trong năm 1971 toàn bộ quân Mỹ và quân các nước ngoài thuộc phe Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, các bên sẽ thỏa thuận cùng một lúc về thể thức của hai việc sau đây:
a) Việc rút hết một cách an toàn quân đội Mỹ và quân đội của các nước ngoài thuộc phe Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.
b) Việc thả hết quân nhân của các bên và dân thường bị bắt trong chiến tranh (bao gồm cả những người lái máy bay Mỹ bị bắt ở miền Bắc Việt Nam) để tất cả những người kể trên có thể trở về với gia đình.
Hai việc trên đây sẽ bắt đầu cùng một ngày và hoàn thành cùng một ngày.
Ngay sau khi các bên đạt được thỏa thuận về việc rút hết quân Mỹ và quân các nước ngoài thuộc phe Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, sẽ thực hiện ngừng bắn giữa các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam với quân Mỹ và nhân dân các nước ngoài thuộc phe Mỹ.
2. Vấn đề chính quyền ở Miền Nam Việt Nam
Chính phủ Mỹ phải tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, chấm dứt ủng hộ nhóm cầm quyền hiếu chiến hiện nay ở Sài Gòn do Nguyễn Văn Thiệu cầm đầu, chấm dứt mọi thủ đoạn, kể cả thủ đoạn bịp bợm về tuyển cử, nhằm duy trì tên bù nhìn Nguyễn Văn Thiệu.
Thông qua mọi biện pháp, các lực lượng chính trị, xã hội, tôn giáo ở miền Nam mong muốn hòa bình và hòa hợp dân tộc sẽ lập ra ở Sài Gòn một chính quyền mới tán thành hòa bình, độc lập, trung lập và dân chủ. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam sẽ nói chuyện ngay với chính quyền đó để giải quyết các vấn đề sau đây:
a) Lập một chính phủ hòa hợp dân tộc rộng rãi gồm ba thành phần để làm nhiệm vụ trong thời gian từ hòa bình lập lại đến tổng tuyển cử và để tổ chức tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam.
Ngay sau khi thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc sẽ thực hiện ngừng bắn giữa các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam và các lực lượng vũ trang của chính quyền Sài Gòn.
b) Thi hành những biện pháp cụ thể, có bảo đảm cần thiết, nhằm cấm khủng bố, trả thù và phân biệt đối xử với những người đã hợp tác với bên này hoặc bên kia; bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam; trả lại tự do ngay cho những người bị bắt vì lý do chính trị; giải tán các trại tập trung và xóa bỏ mọi hình thức o ép, kìm kẹp để nhân dân được hoàn toàn tự do trở về quê quán và tự do làm ăn.
c) Ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân, tạo điều kiện để mọi người góp tài, góp sức vào công cuộc hàn gắn những vết thương chiến tranh và xây dựng lại xứ sở.
d) Thỏa thuận về các biện pháp, nhằm bảo đảm cho cuộc tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam được thật sự tự do, dân chủ và công bằng.
3. Vấn đề các lực lượng vũ trang Việt Nam ở Miền Nam Việt Nam
Các bên Việt Nam cùng nhau giải quyết vấn đề các lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam trên tinh thần hòa hợp dân tộc, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không có sự can thiệp của nước ngoài, phù hợp với tình hình sau chiến tranh và nhằm giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân.
4. Vấn đề hòa bình thống nhất nước Việt Nam và quan hệ giữa hai miền Nam – Bắc
a) Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước, bằng phương pháp hòa bình, trên cơ sở bàn bạc và thỏa thuận giữa hai miền, không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào và không có sự can thiệp của nước ngoài.
Trong khi chờ đợi thống nhất nước nhà thì lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền Nam, Bắc, bảo đảm tự do đi lại, tự do thư tín, tự do cư trú, đặt quan hệ kinh tế, văn hóa theo nguyên tắc hai miền đều có lợi và giúp đỡ lẫn nhau.
Mọi vấn đề liên quan đến hai miền sẽ do đại biểu có thẩm quyền của nhân dân Việt Nam ở hai miền thương lượng để giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài.
b) Như Hiệp nghị Genève năm 1954 về Việt Nam đã quy định, trong lúc nước Việt Nam còn tạm thời chia làm hai miền, miền Nam và miền Bắc Việt Nam không tham gia liên minh quân sự nào với nước ngoài, không cho phép nước ngoài có căn cứ quân sự, quân đội và nhân viên quân sự trên đất mình, không công nhận sự bảo hộ của bất cứ nước nào, liên minh hoặc khối quân sự nào.
5. Chính sách đối ngoại hòa bình trung lập của miền Nam Việt Nam
Miền Nam Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình trung lập, đặt quan hệ với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị và xã hội, theo năm nguyên tắc: chung sống hòa bình; đặt quan hệ kinh tế, văn hóa với tất cả các nước; nhận sự hợp tác của các nước để khai thác tài nguyên của miền Nam Việt Nam; nhận viện trợ kinh tế, kỹ thuật của bất cứ nước nào không kèm theo điều kiện chính trị; tham gia vào các kế hoạch hợp tác kinh tế khu vực.
Dựa trên những nguyên tắc đó, sau chiến tranh, miền Nam Việt Nam và Mỹ sẽ lập quan hệ về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa.
6. Về những thiệt hại do Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam ở hai miền
Chính phủ Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những thiệt hại và tàn phá do Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam ở cả hai miền.
7. Vấn đề tôn trọng và bảo đảm quốc tế các hiệp nghị sẽ ký kết
Các bên sẽ thỏa thuận về những hình thức tôn trọng và bảo đảm quốc tế đối với các hiệp nghị sẽ ký kết.
8 điểm Nixon – Nguyễn Văn Thiệu
(Được đề nghị trong cuộc mật đàm giữa Kissinger và đại diện Bắc Việt ngày 11/10/1971 và công bố ngày 26/1/1972)
1. Tất cả các lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh sẽ triệt thoái khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng 6 tháng sau khi một thỏa hiệp được ký kết.
2. Sự phóng thích tất cả các quân nhân và thường dân vô tội và bị bắt trên toàn cõi Đông Dương sẽ được thực hiện song song với việc triệt thoái quân đội nói trong điểm 1. Cả hai bên sẽ trình bày danh sách đầy đủ các quân nhân và thường dân vô tội bị cầm tù trên toàn cõi Đông Dương vào ngày thỏa hiệp được ký kết. Sự phóng thích sẽ bắt đầu cùng ngày quân đội triệt thoái và sẽ được hoàn tất khi quân đội triệt thoái xong.
3. Tương lai chính trị miền Nam Việt Nam sẽ dựa trên các nguyên tắc sau đây:
Tương lai chính trị miền Nam Việt Nam sẽ do chính nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định mà không có sự can thiệp nào từ bên ngoài.
Sẽ có một cuộc bầu cử Tổng thống tự do và dân chủ tại miền Nam Việt Nam trong vòng 6 tháng sau khi thỏa hiệp được ký kết. Cuộc bầu cử nói trên sẽ do một cơ quan độc lập đại diện tất cả các lực lượng chính trị tại miền Nam Việt Nam đứng ra tổ chức.
Cơ quan này sẽ nhận lãnh trách nhiệm trên vào ngày thỏa hiệp được ký kết. Ngoài các trách nhiệm khác liên hệ đến cuộc bầu cử, cơ quan này sẽ quyết định tính cách hợp lệ của các ứng cử viên. Tất cả các lực lượng chính trị tại miền Nam Việt Nam đều có thể tham gia cuộc bầu cử và giới thiệu ứng cử viên ra tranh cử. Cuộc bầu sử sẽ được quốc tế giám sát.
Một tháng trước ngày bầu cử, đương kim Tổng thống và phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa sẽ từ chức. Trong thời gian này, ông Chủ tịch Thượng nghị viện với tư cách Xử lý Chính phủ sẽ đảm nhiệm các trách nhiệm hành chính, ngoại trừ các trách nhiệm liên hệ tới cuộc bầu cử là thuộc quyền của cơ quan độc lập.
Chính phủ Hoa Kỳ về phần mình tuyên bố rằng:
- Sẽ không ủng hộ một ứng cử viên nào và sẽ đứng hoàn toàn trung lập trong cuộc bầu cử.
- Sẽ tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử và mọi thể thức chính trị do nhân dân miền Nam Việt Nam tự hoạch định.
- Sẵn sàng ấn định các liên hệ trên phương diện viện trợ quân sự và kinh tế với bất cứ chính phủ nào cầm quyền tại miền Nam Việt Nam.
Cả hai bên thỏa thuận rằng:
- Nam Việt Nam cùng với các quốc gia khác ở Đông Dương phải theo một chính sách ngoại giao phù hợp với các điều khoản quân sự của các Hiệp định Genève năm 1954.
- Việc thống nhất lãnh thổ Việt Nam phải được quyết định trên căn bản thảo luận và thỏa hiệp giữa Bắc Việt và Nam Việt, không bên nào được ép buộc và sát nhập bên kia và không có sự can thiệp nào từ bên ngoài.
4. Cả hai bên sẽ tôn trọng các Hiệp định Genève năm 1954 về Đông Dương và năm 1962 về Ai Lao. Sẽ không có sự can thiệp của ngoại quốc vào các quốc gia Đông Dương và các dân tộc Đông Dương sẽ tự mình giải quyết lấy các vấn đề riêng của mình.
5. Các vấn đề giữa các quốc gia Đông Dương sẽ được giải quyết trên căn bản hỗ tương tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và bất can thiệp. Việc thực thi nguyên tắc quân lực quốc gia Đông Dương nào chỉ được ở trong ranh giới quốc gia đó là một trong những vấn đề sẽ được giải quyết.
6. Một cuộc ngưng bắn trên toàn cõi Đông Dương sẽ bắt đầu khi thỏa ước được ký kết. Một trong những điều khoản của cuộc ngưng bắn là không được có những vụ xâm nhập nào thêm của các lực lượng ngoại quốc vào trong bất cứ một quốc gia Đông Dương nào.
7. Sẽ có giám sát quốc tế về các khía cạnh quân sự của Thỏa hiệp gồm cả cuộc ngưng bắn và các điều khoản ngưng bắn, việc phóng thích các tù binh và các thường dân vô tội, và việc thi hành nguyên tắc các quân lực của các quốc gia Đông Dương nào phải ở trong ranh giới quốc gia đó.
8. Sẽ có bảo đảm quốc tế về các quyền căn bản của các dân tộc Đông Dương, quy chế các quốc gia Đông Dương, và hòa bình vĩnh cửu trong vùng này.
Cả hai bên đều tỏ ý định sẵn sàng tham gia một Hội nghị quốc tế về mục đích trên và về các mục đích thích hợp khác.
9 điểm Xuân Thủy
(Được đề nghị trong cuộc mật đàm ngày 26/6/1971 và công bố tại Ba Lê ngày 31/1/1972)
Ba Lê (AFP) – Sau đây là nội dung kế hoạch hòa bình 9 điểm mà các đại diện phái đoàn thương thuyết Bắc Việt đã phô diễn trước ông Kissinger hôm 26/6/1971 và đã được giữ kín đến bây giờ mới công bố.
1. Sự triệt thoái toàn thể lực lượng Mỹ và đồng minh ra khỏi Việt Nam Cộng hòa phải hoàn tất trong năm 1971.
2. Sự phóng thích mọi quân nhân và thường dân bị bắt giữ trong thời kỳ chiến tranh sẽ được thực hiện cùng một lúc và hoàn tất cùng một lúc với việc triệt thoái lực lượng.
3. Mỹ ngưng ủng hộ chế độ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Chế độ này sẽ nhường chỗ cho một chính phủ mới mà Chính phủ Cách mạng Lâm thời (Mặt trận Giải phóng) có thể nói chuyện để dàn xếp những vấn đề của miền Nam Việt Nam.
4. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt) và Cách mạng Lâm thời (Mặt trận Giải phóng) đòi Mỹ bồi thường thiệt hại do Mỹ gây ra trên hai miền Nam và Bắc Việt Nam.
5. Tôn trọng các thỏa ước Genève 1945 về Đông Dương và 1962 về Lào. Đình chỉ sự can thiệp của Mỹ.
6. Những vấn đề hiện hữu giữa những nước Đông Dương “sẽ được giải quyết bởi các phe phái ở Đông Dương dựa trên sự tôn trọng hỗ tương nền độc lập, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và sự bất can thiệp vào những việc nội bộ”.
7. Tất cả mọi phe phái tôn trọng một cuộc ngưng bắn sau khi các thỏa ước về những vấn đề vừa nêu trên đã thành tựu.
8. Sự giám sát của quốc tế sẽ được thành lập.
9. Một sự bảo đảm quốc tế sẽ cần thiết để bảo đảm sự tôn trọng các quyền hạn quốc gia căn bản của các dân tộc Đông Dương, nền trung lập của miền Nam Việt Nam, của Lào và Campuchia, để thiết lập nền hòa bình vững trong vùng (Đông Dương).
Kế hoạch 9 điểm này là một toàn thể duy nhất.