Hoàng Nam
Xứ Đông, một trong bốn xứ Đông – Đoài – Nam – Bắc của đồng bằng Bắc bộ xưa kia, có hạt nhân là trấn Hải Đông xưa (nay là thành phố Hải Dương), nhưng bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở phía đông Thăng Long. Vùng đất này là quê hương của nhiều danh nhân đất Việt và cũng là nơi có nhiều thắng cảnh, di tích và sản vật nổi tiếng. Nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn – 2024, mời quý độc giả cùng đến thăm xứ Đông xưa qua bài viết trên Tạp chí “Văn hóa Nghệ thuật” số 37, tháng 1/1974.
Qua một số thư tịch cũ các thời trước để lại, vị trí xứ Đông xưa bao trùm lên gần toàn bộ tỉnh Hải Hưng[1] ngày nay cộng thêm các huyện Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, An Lão, An Dương (nay thuộc Hải Phòng) và Đông Triều (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh), đổ ra tới biển.
Trên cả một dải đồng bằng bát ngát được phù sa của các dòng sông Hồng, sông Thái Bình, sông Luộc bồi đắp, tổ tiên người Việt đã từ lâu định cư, trồng trọt, chăn nuôi, dựng lên xóm làng trù phú, đời đời sản sinh ra những danh thần, võ tướng và thủ lĩnh nghĩa quân chống giặc ngoại xâm.
Lòng đất xứ Đông còn ấp ủ nhiều di tích, hiện vật từ thời đại các Vua Hùng dựng nước.
Đứng trong thế núi sông hiểm yếu, và đối với sự nghiệp chống ngoại xâm oanh liệt xưa nay, xứ Đông thường giữ một vị trí vô cùng trọng yếu; và thường được in dấu nhiều chiến thắng lẫy lừng: Dạ Trạch, Vạn Kiếp, Chương Dương, Hàm Tử, Bãi Sậy, Đường 5…
Nhân dịp đầu xuân, xin mời bạn đọc bốn phương hãy về thăm một vài thắng cảnh xứ Đông.
VẠN KIẾP
“Sáu đầu sông nước mênh mông
Bình Than có bến, Vạn An có vườn”
Một bức tranh khá khái quát về cả một khu vực hùng tráng về di tích lịch sử, thơ mộng về cảnh trí ở phía Bắc xứ Đông. Đó là khu vực sông Lục Đầu và đền Kiếp Bạc, nơi ghi dấu những chiến công hiển hách của cha ông ta cách đây gần bảy thế kỷ, cả nước một lòng dưới sự chỉ huy thiên tài của anh hùng dân tộc Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, ba lần đánh tan gần một triệu quân xâm lược Nguyên – Mông, giữ vững âu vàng Tổ quốc.
Sáu con sông nhỏ dồn nước lại thành sông Thái Bình chảy ra biển. Cái cụm hợp dòng vĩ đại ấy diễn ra ở phía trên Vạn Kiếp chẳng bao xa. Và cái làng Vạn Kiếp xinh xắn ấy, lưng dựa vào dãy núi trùng điệp của vòng cung Đông Bắc, mặt ngoảnh ra nơi nước sáu đầu đổ về hội tụ, lại sát kề dải đường chiến lược (đường 18 nay) nối từ Thăng Long ra bờ biển Đông Bắc. Vị trí trọng yếu như vậy nên thư tịch xưa còn ghi: Hưng Đạo vương đã quyết định đặt nơi đây là tổng hành dinh của mình qua mấy cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Và cũng chính nơi này, sau khi quét sạch giặc ngoài, thái bình trở lại, Hưng Đạo chọn làm nơi dưỡng già, đọc sách, ngâm thơ. Các Vua Trần sau thường từ kinh thành Thăng Long đi thuyền về Vạn Kiếp thăm Người và hỏi các kế sách giữ nước. Người ở đây cho tới lúc mất (năm 1300) thọ 80 tuổi.
Nghĩ mình thú hứng vui ngày sót
Ngắm cảnh non sông thỏa tấc lòng
Tuổi giả, cảnh thú, công danh trọn
Than ôi! Đại vương thực anh hùng
(trích trong truyện thơ Trần Hưng Đạo của nhân dân Chí Linh còn truyền tụng)
Chỗ tổng hành dinh ấy, chốn biệt thự ấy, và nơi Người mất ấy, nhân dân dựng đền thờ gọi là đền Kiếp Bạc (hai làng nhỏ kế cận đền nay vẫn mang tên nôm là làng Kiếp và làng Bạc).
Sông Thái Bình trải rộng trước cửa đền. Những cánh buồm phơ phất xa xa gợi lại những trận đánh sông, biển của cha ông đã từng làm kinh hồn giặc nước. Một dải núi đất vòng tay ngai ôm lấy ngôi đền cổ kính. Tất cả đều quay mặt ra sông lớn. Một điểm cao phía bắc gọi là núi Bắc Đẩu, một điểm phía nam gọi là Nam Tào.
Đứng ở trên các điểm cao này, bằng mắt thường, có thể nhìn thấy nhiều địa điểm lịch sử.
Nhìn về phía nam, tầm chim bay khoảng bốn, năm ki lô mét cũng trên khúc sông Kinh Thày đổ ra sông Thái, kia là bến Bình Than (thuộc địa phận thôn Trần Xá, xã Nam Hưng, huyện Nam Sách), nơi mà tháng 10 năm 1282, Vua Trần mở hội nghị vương hầu, hạ quyết tâm chống giặc và trao cho Trần Quốc Tuấn chức Quốc công tiết chế, thống lĩnh toàn quân và Trần Quốc Toản, bé quá không được họp, tức giận bóp nát quả cam.
Và kia nữa, chỗ kè đá Linh Xá (thuộc xã Nhân Huệ, huyện Chí Linh ngày nay), là trang trại của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, bậc võ tướng nổi tiếng đã đánh chiếm toàn bộ kho hậu cần của giặc (gồm hơn mười vạn thạch lương thực) trong trận Vân Đồn trên vịnh Hạ Long, góp phần dồn Thoát Hoan vào thế khốn, buộc Ô Mã Nhi dẫn thủy quân tháo chạy ra sông Bạch Đằng cho ta tiêu diệt.
Xa chút nữa, về phía đông nam Kiếp Bạc thuộc địa phận huyện Kinh Môn, sừng sững ngọn núi đất Yên Phụ, cao 246 mét so với mặt biển. Đó là trang trại xưa của An sinh vương Trần Liễu, cha đẻ ra người anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn.
Vạn Kiếp hình thành thế núi sông hùng vĩ, in đậm dấu vết lịch sử anh hùng của dân tộc ta thế kỷ thứ XIII. Du khách tới đây, thăm đền, ngắm núi, nhìn sông ai mà không tự hào với truyền thống của cha ông.
CÔN SƠN
Côn Sơn có thông
Tiếng nước chảy rì rầm
Ta lấy làm đàn cầm
Côn Sơn có đá
Mưa xối, rêu xanh đậm
Ta lấy làm chiếu thảm
Trong núi có thông
Muôn dặm rờn rờn biếc một vùng
Ta tha hồ ngơi nghỉ ở trong
Trong rừng có trúc
Nghìn màu in biếc lục
Ta tha hồ ngâm nga bên gốc.
(Trích thơ Nguyễn Trãi)
Cùng ven dãy vòng cung Đông Bắc, cách nhau khoảng 15 ki lô mét, Vạn Kiếp trang nghiêm hùng tráng bao nhiêu thì Côn Sơn u tịch, thơ mộng và hiểm trở bấy nhiêu.
Côn Sơn tự hay chùa Hun cũng thế. Nhân dân gọi là chùa Hun vì ở đây xưa có nghề kiếm củi, đốt than.
Côn Sơn cảnh trí tuyệt vời. Ta phải vượt qua một con suối lớn nước trong vắt, sỏi trắng tinh, cát vàng xuộm.
Ta đang đi vào xứ sở của thông. Rừng thông xòe tán che rợp lối đi, mát và thoáng. Đồng bào ở đây nói vẫn còn những cây thông trồng từ thời Nguyễn Trãi. Côn Sơn nổi tiếng vì là nơi quê tổ của Nguyễn Trãi, nơi ở của Nguyễn Trãi tấm bé, và nơi ông di dưỡng tinh thần lúc trở về già. Từ đó đến nay, gần sáu trăm năm qua rồi. Mỗi lần lên đến Côn Sơn, đứng giữa rừng thông xanh ngắt, nghe gió rì rào, nhìn cảnh vật chung quanh, tưởng như Nguyễn Trãi vẫn còn phảng phất đâu đây.
Chùa Côn Sơn, tương truyền nền chùa là chỗ ở xưa của Nguyễn Trãi khi về ở ẩn. Chùa đẹp và rộng. Sân chùa và chung quanh chùa rải rác những cây đại cổ kính. Quanh chùa có nhiều bia đá, nhiều bia cổ từ thời Trần, có bia mang cả bút tích của Vua Trần Duệ Tông: ba chữ “Thanh hư động” Vua tặng cho Trần Nguyên Đán, ông ngoại Nguyễn Trãi, khi cụ cáo quan về nghỉ già ở đấy. Trong chùa, ngoài các tượng Phật, còn có tượng của Trần Nguyên Đán, và trước đây có cả tượng Nguyễn Trãi và vợ ông.
Ta cùng nhau lên thăm mấy ngọn núi sau chùa, lần theo vết chân Nguyễn Trãi xưa vẫn thường qua lại.
Mỏm núi sau chùa gọi là núi Kỳ Lân vì đứng xa mà nhìn, dáng núi tựa như một con kỳ lân phủ phục. Ta đang leo lên trán con kỳ lân ấy. Từ đỉnh Kỳ Lân tầm mắt nhìn bao quát được bốn phía đất trời.
Hướng bắc và đông bắc, núi tiếp núi, từ xanh non đến xanh thẫm. Đỉnh Yên Tử xa xa che khuất trong mây. Dãy núi đất quanh chùa như một đàn bò mộng nối đuôi nhau đi trong nắng. Chùa Hun, rừng thông ở dưới kia, trông xinh xinh như những đồ chơi. Và con đường 18 lịch sử nối thủ đô Hà Nội với khu mỏ Quảng Ninh giàu đẹp thì như một dải lụa hồng lúc ẩn, lúc hiện giữa những triền đồi thấp. Trên đỉnh Kỳ Lân này, dưới mấy gốc thông già là “Bàn cờ tiên” với những hòn đá phẳng, đồn rằng đó là nơi đánh cờ của Nguyễn Trãi.
Bây giờ ta đổ dốc, sang phía núi bên kia. Ta đi xuống nơi có tiếng ào ào suối chảy. Dọc đường, hoa sim tím ngát, hoa mâm xôi. Cây mẫu đơn thấp lè tè, hoa đỏ chót. Hoa lau trắng muốt. Hoa cúc dại vàng tươi, rải rác, lơ thơ. Tiếng suối càng gần nghe càng rõ, ào ào rộn rã như tiếng đàn bất tận giữa cảnh thiên nhiên.
Kia là tấm đá lớn nằm một phần dưới suối, một phần trên bờ. Phiến đá rộng đến chục mét vuông, phẳng phiu như một cái sập, phần chìm dưới suối lại trũng như một cái bồn tắm, nước trong vắt nhìn rõ từng hòn cuội. Tấm đá lớn này gọi là Thạch bàn, nơi xưa kia Nguyễn Trãi tắm trong những ngày hè hoặc ngồi trầm ngâm suy nghĩ về con người và đất nước mỗi buổi trăng lên. Bên bờ suối còn thấy rõ một cái nền nhà cũ xếp đá vuông vắn. Đó là vết tích trường học xưa Nguyễn Trãi mở tại nhà để dạy con cháu họ hàng và làng xóm quanh vùng trong những ngày ẩn dật.
Năm 1965, Bác Hồ đã về thăm Côn Sơn và để lại bút tích trong sổ lưu niệm của chùa.
ĐỀN ĐA HÒA
Tạm biệt Côn Sơn, chúng ta rời đường 18, trở ra đường 5 rẽ Phố Nối vào Yên Mỹ đến Lực Điền rồi thẳng về Từ Hồ. Ta đã trở lại đê sông Hồng rồi đó.
Con sông lớn ngọt lịm phù sa, đôi bờ lúa mượt, đay tơ, dâu biếc, ngô, lạc, đỗ, chuối, nhãn san sát, um tùm. Các bạn ra thăm khu thắng cảnh Đa Hòa ở xóm ngoài đê xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, kề ngay bên đê sông Hồng.
Có thể nói dòng sông Hồng từ thượng nguồn về tới địa phận xứ Đông và đặc biệt về tới trước cửa đền Đa Hòa mới thực phô diễn hết vẻ mênh mông hùng vĩ của nó. Không có con bơn thè lè án ngữ, chỉ một khúc uốn bao la bên lở, bên bồi. Dưới nắng xuân trong sáng, bãi cát bồi bên kia mênh mông thẳng tắp, trắng phau chạy tít đến các làng xóm chân đê xanh biếc xa xa. Con sông đẹp thế, bãi cát đẹp thế làm chúng ta ai cũng thèm được xuống tắm mát và bơi lội cho thỏa thích, không riêng gì công chúa Tiên Dung mấy nghìn năm trước đã từng cắm thuyền lại tắm trên sông này; rồi từ đấy kết duyên với anh trai nghèo Chử Đồng Tử, hai vợ chồng tự lực kiếm sống, cưu mang bà con nghèo khó ven sông và nhân dân nhớ ơn lập đền Đa Hòa hương khói hai vị tới ngày nay.
Phong cảnh hữu tình, truyền thuyết nên thơ, khung cảnh thiên nhiên này còn được tô thắm bằng một chiến công chói lọi trong lịch sử dân tộc ta. Xuôi xuống phía bụi tre xanh xa kia là một trận địa lớn còn in dấu những chiến thắng lẫy lừng của cuộc kháng chiến thời Trần. Đó là của Hàm Tử, nơi đạo quân của Trần Nhật Duật đánh tan cánh quân của tướng Nguyên Toa Đô từ Chiêm Thành về định hợp với quân Thoát Hoan từ Thăng Long kéo xuống. Chiến thắng Hàm Tử diễn ra tháng 4 năm 1285, mở đầu cho một loạt chiến thắng ngay sau nó: Chương Dương (tháng 5 năm 1285) và Tây Kết (tháng 5 năm 1285) tiêu diệt toàn bộ cánh quân Toa Đô, bắt sống năm vạn tù binh và chém chết Toa Đô, đưa Thoát Hoan đến cuộc đại bại Vạn Kiếp. Kể đến đây, ai mà quên được những vần thơ bất hủ của võ tướng Trần Quang Khải:
Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái Bình nên gắng sức
Non nước ấy nghìn thu
PHỐ HIẾN
“Thứ nhất kinh kỳ
Thứ nhì phố Hiến”
Thị xã Hưng Yên nằm kề sông lớn, dưới các vòm cây rợp bóng. Đây là quê hương của các giống nhãn ngon trong nước, kể cả “nhãn tiến”. Người ta gọi vui là “thủ đô nhãn”, kể cũng không sai.
Cách đây trên dưới năm trăm năm, nơi này là một hải cảng đông vui sầm uất, không những thuyền buôn khắp nước đổ tới mà cả lái buôn nước ngoài cũng tới sinh cơ lập nghiệp, dựng thương điếm để buôn bán với nước ta. Người Trung Quốc, Nhật Bản, Xiêm La (nay là Thái Lan), Mã Lai, Hà Lan, Anh, Pháp… đã ghé qua đây. Một số tên cũ như phố Bắc Hòa, Đông Đô hội quán… ngày nay còn như gợi lại cho ta thấy bóng dáng những người ngoại quốc ấy.
Là một thương khẩu quan trọng, lại nối liền với kinh đô bằng sông lớn nên phố Hiến có một thời gian rất dài phồn thịnh, đông vui vào loạinhất nước ta.
Ngày nay, phố Hiến không còn giữ vị trí một cửa khẩu trọng yếu như xưa nữa. Nhưng phố Hiến vẫn gợi lại cho ta một phong vị cổ kính, êm đềm, với những rặng nhãn xum xuê, mát rượi, rộn rã tiếng ong bay, những hồ sen tỏa hương thơm ngát, những đền miếulấp ló trong cây như: chùa Thiên Hậu, chùa Chuông, Văn Miếu… trông uy nghi mà không lạnh lẽo, xinh đẹp mà không trần trụi, phô trương.
Thị xã Hưng Yên, phố Hiến xưa của chủ nghĩa xã hội ngày nay, vẫn đầy đủ tiêu chuẩn của một thị xã đẹp, một nơi nghỉ mát và di dưỡng tâm hồn của người dân tỉnh Hải Hưng. Thay vào cái náo nhiệt của chốn phồn hoa đô hội sau kinh kỳ của những thế kỷ trước, khách tới thăm phố Hiến ngày nay sẽ có dịp được đắm mình trong cái không khí êm dịu dưới những vòm cây quanh năm xanh tốt trong những đền đài cổ xưa của phố Hiến còn sót lại và đang được gìn giữ, được nếm đủ loại mật ong đồng bằng: mật ong nhãn, mật ong vải, mật ong táo, mật ong đay… Và nếu khách tới trúng mùa quả thì sẽ tha hồ thỏa thích với những chùm nhãn lồng ngọt lịm của Xích Đằng “nhãn tiến” ở phố Hiến… la đà vừa tầm tay với của chúng ta.■
[1] Hải Hưng: tỉnh cũ, gồm hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên sáp nhập lại