Đây là bản dịch bài diễn văn của Tổng thống Mỹ Gerald Ford đọc trước Lưỡng viện Quốc hội Mỹ ngày 10/4/1975, phần nói về vấn đề Việt Nam và Campuchia, đăng trên tạp chí Chính luận số 3364 ngày 13/4/1975. Bài phát biểu toát lên hai vấn đề: Một là tình hình ở Nam Việt Nam và Campuchia đứng trước nguy cơ sụp đổ. Hai là Ford kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ duyệt gói viện trợ trên 700 triệu USD cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và viện trợ khẩn cấp cho chính quyền Saukham Khoy ở Campuchia. Tuy nhiên, lời kêu gọi của Tổng thống Ford đã quá trễ (chỉ 20 ngày sau đó, chế độ Thiệu sụp đổ) và Quốc hội Mỹ đã không còn thiết gì với chế độ không mang lại lợi ích cho Mỹ. Tạp chí Phương Đông xin đăng lại và giữ nguyên nội dung bản dịch để độc giả thấy được thái độ níu kéo của Mỹ trong những ngày cuối cùng sụp đổ của chế độ Nguyễn Văn Thiệu ở miền Nam Việt Nam.
***
… Một tấn thảm kịch vĩ đại của nhân loại đang xảy tới cho các thân hữu của chúng ta tại Việt Nam và Campuchia. Tối nay, tôi sẽ không chỉ nói về những sự bắt buộc bắt nguồn từ những văn kiện pháp lí. Ai có thể quên được những hi sinh lớn lao bằng máu và tài sản mà chúng ta đã làm tại Việt Nam? Dưới năm thời vị tổng thống và dưới mười hai nhiệm kì Quốc hội, Mỹ đã lâm chiến tại Đông Dương. Hàng triệu người Mỹ đã phục vụ, hàng ngàn người đã hi sinh, và thêm nhiều người khác bị thương, bị cầm tù hay bị mất tích. Trên 150 tỉ Mỹ kim đã được Quốc hội Mỹ chuẩn chi cho cuộc chiến tranh đó. Và sau nhiều năm nỗ lực, chúng ta đã thương thuyết dưới những hoàn cảnh khó khăn nhất về một giải pháp để chúng ta có thể rút các lực lượng quân sự của chúng ta và đưa các tù binh của chúng ta hồi hương trong niềm hãnh diện.
Giải pháp này, nếu các điều khoản của giải pháp được tôn trọng thì đồng minh của chúng ta là Việt Nam Cộng hòa (VNCH) được phép với sự hỗ trợ vật chất và tinh thần của chúng ta duy trì nền an ninh của mình và tái dựng quốc gia sau 20 năm chiến tranh. Các cơ hội về một nền hòa bình lâu dài sau khi người lính tác chiến cuối cùng của Mỹ rời khỏi Việt Nam hồi năm 1973, được dựa theo hai tiêu đề từng được nhấn mạnh một cách công khai: Thứ nhất, nếu cần, Mỹ sẽ giúp thi hành các điều khoản của Hiệp định Paris mà Mỹ đã kí kết cách đây hai năm và thứ hai, Mỹ sẽ dành viện trợ kinh tế và quân sự thích nghi cho Việt Nam Cộng hòa. Chúng ta nên nhớ lại trong chốc lát những hoài niệm của chúng ta. Sự đồng lòng toàn diện tại Mỹ vào thời gian đó, cuối năm 1972, rằng nếu chúng ta có thể chấm dứt sự liên hệ của chính chúng ta và đạt được việc trả tự do cho các tù binh, thì chúng ta có thể dành sự hỗ trợ vật chất thích nghi cho VNCH.
Cộng sản Bắc Việt, ngay từ khi kí kết Hiệp định Paris, đã vi phạm lệnh ngưng bắn và các điều khoản khác của Hiệp định một cách có hệ thống. Trong lúc ngang nhiên bất chấp lệnh cấm cho xâm nhập bộ đội, Cộng sản Bắc Việt đã trái phép đưa trên 350.000 binh lính vào miền Nam Việt Nam. Khi vi phạm trực tiếp Hiệp định Paris, Cộng sản Bắc Việt đã đưa hầu hết là chiến cụ tối tân với số lượng qui mô vào miền Nam Việt Nam. Trong khi đó, họ tiếp tục tiếp nhận những số lượng lớn lao về tiếp tế và vũ khí từ các nước thân hữu của họ.
Đứng trước tình thế này, Mỹ bị chia rẽ vì những xúc cảm của mười năm chiến tranh – đã không thể trả đủ được nữa. Chính chúng ta đã bị tước đoạt mất khả năng thi hành Hiệp định Paris vì luật và chính điều này làm cho Cộng sản Bắc Việt có được sự bảo đảm rằng họ có thể vi phạm Hiệp định Paris mà không bị trừng phạt. Kế đó, chúng ta đã giảm viện trợ kinh tế và quân sự cho VNCH. Cuối cùng, chúng ta đã cho thấy việc ngày càng tỏ ra ngập ngừng của chúng ta hầu dành bất cứ sự hỗ trợ nào cho VNCH, đang phấn đấu để tồn tại.
Được khích lệ, vì những diễn biến như thế, trong những tháng gần đây, Cộng sản Bắc Việt đã bắt đầu đưa ngay cả những sư đoàn tổng trừ bị của họ vào miền Nam Việt Nam. Khoảng 20 sư đoàn, hầu như là toàn bộ lực lượng của Cộng sản Bắc Việt, hiện nay có mặt ở miền Nam Việt. Chính phủ VNCH cảm thấy không chắc chắn về công cuộc viện trợ thêm của Mỹ, đã vội vàng ra lệnh một cuộc triệt thoái chiến lược tới các vị trí có thể phòng thủ được. Cuộc điều quân cực kì khó khăn này, đã được quyết định mà không có các cuộc tham khảo, đã được thi hành một cách vụng về, bị ngăn trở bởi những làn sóng dân tị nạn và chính vì thế đưa tới sự hỗn loạn. Các hậu quả đương nhiên là chua xót và đến độ xúc động sâu xa.
Với Cộng sản Bắc Việt, tôi lên tiếng kêu gọi Hà Nội và yêu cầu Quốc hội Mỹ hãy cùng phụ họa với tôi trong lời kêu gọi này… chấm dứt ngay lập tức mọi hoạt động quân sự và tôn trọng các điều khoản của Hiệp định Paris, Mỹ khẩn thiết yêu cầu các nước kí kết định ước Paris hưởng ứng theo sự bắt buộc hầu sử dụng ảnh hưởng để chấm dứt chiến tranh và thi hành Hiệp định Paris năm 1973.
Trong chiều hướng này, các công hàm ngoại giao đã được gửi tới các thành viên kí kết định ước Paris, kể cả Nga và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Tình hình tại VNCH và Campuchia đã tới một giai đoạn nghiêm trọng, đòi hỏi những quyết định cấp bách và tích cực của chính phủ này. Những lựa chọn trước mặt chúng ta thì ít, và thời gian lại vô cùng ngắn ngủi. Một mặt, Mỹ có thể không làm gì hơn nữa, hãy để cho những Chính phủ VNCH tự cứu lấy chính mình với phần đất còn lại nếu họ có thể làm được, hãy để cho những thường dân Việt Nam Cộng hòa từng làm việc với chúng ta trong mười năm hay hơn nữa, tự cứu lấy sinh mạng họ và gia đình họ, nếu họ có thể làm được. Nói tóm lại, chúng ta cứ việc nhắm mắt, chúng ta hãy phủi tay trước toàn bộ vấn đề, nếu chúng ta có thể làm như thế được.
Hoặc mặt khác, tôi có thể yêu cầu Quốc hội dành cho tôi quyền thi hành Hiệp định Paris bằng binh sĩ, bằng chiến xa, phi cơ và pháo binh của chúng ta, và thực hiện cuộc chiến tranh với đối phương. Hiện có hai lựa chọn hạn hẹp hơn. Trước hết, làm theo như lời yêu cầu của tôi hồi tháng Giêng vừa qua, cho rằng Quốc hội nên chuẩn chi 300 triệu Mỹ kim quân viện cho VNCH và tìm cách có những ngân khoản bổ túc dành cho các chủ đích kinh tế và nhân đạo.
Hãy tăng thêm lời yêu cầu của tôi về viện trợ quân sự khẩn cấp và nhân đạo tới các mức mà sự ước lượng tốt nhất để cho VNCH có thể chặn đứng cuộc xâm lăng đang diễn ra hầu ổn định tình hình quân sự, cho phép cơ hội về một giải pháp chính trị bằng thương thuyết giữa VNCH và Cộng sản Bắc Việt. Và nếu điều tệ hại nhất xảy ra thì ít nhất chúng ta cũng được phép di tản một cách trật tự những người Mỹ gặp nguy biến tới các nơi an toàn.
Xin cho tôi nói lên trong lúc này về những nhận định và những kết luận của tôi :
Tôi đã nhận một bản tường trình đầy đủ của Đại tướng Weyand, người mà tôi đã phái qua Việt Nam để phối kiểm tình hình. Ông đã khuyến cáo rằng tình hình quân sự hiện nay trầm trọng, song VNCH hiện tiếp tục tự vệ với những tài nguyên của mình.
Tuy nhiên, Tướng Weyand cảm thấy là nếu có bất cứ cơ hội thành công nào trong kế hoạch phòng thủ của họ. VNCH hiện cần cấp thiết một ngân khoản bổ túc là 722 triệu Mỹ kim về tiếp tế quân sự đặc biệt của Mỹ. Theo như nhận xét của tôi, một sự ổn định về tình hình quân sự đem lại một cơ hội đẹp nhất cho một giải pháp chính trị.
Đương nhiên, tôi nghĩ rằng mỗi người trong quí vị sẽ nghĩ đến sự an toàn cho khoảng 6.000 người Mỹ hiện vẫn còn ở Việt Nam Cộng hòa, và hàng chục ngàn người Việt Nam làm việc cho Chính phủ Mỹ, cho các hãng thông tấn, các nhà thầu, các nhà kinh doanh mà từ nhiều năm qua, sinh mạng họ cùng với gia đình họ hiện ở vào một tình trạng cực kì nguy hiểm. Còn hàng chục ngàn người khác ở Việt Nam Cộng hòa, giới trí thức, giáo sư, chủ bút các nhật báo, nguyệt san và các nhà lãnh đạo dư luận từng ủng hộ liên minh với Mỹ mà chúng ta có một sự bắt buộc tinh thần sâu xa đối với họ.
Tôi cũng đã nghĩ tới tư thế của chúng ta đối với phần còn lại của thế giới và đặc biệt, tới những mối bang giao tương lai của chúng ta đối với các quốc gia tự do ở Á châu. Các quốc gia này không nên nghĩ dầu chỉ trong một phút, rằng Mỹ đang tách rời họ hoặc có ý định bỏ rơi họ cho họa xâm lăng.
Vì thế, tôi đi đến kết luận rằng các quyền lợi quốc gia của Mỹ và chính nghĩa của sự ổn định trên thế giới đòi hỏi chung ta tiếp tục dành viện trợ quân sự và nhân đạo cho nhân dân VNCH. Công cuộc viện trợ cho VNCH trong giai đoạn này cần phải nhanh chóng và thích nghi. Bỏ liều hoặc do dự chỉ tạo cho tại họa trầm trọng thêm. Những băn khoăn mà tôi đã yêu cầu trước khi có cuộc tổng tấn công của CSBV và sự triệt thoái bất ngờ của VNCH đương nhiên không thích nghi. Hành động nửa vời còn tệ hại hơn là không hành động gì cả.
Vì vậy, tôi yêu cầu Quốc hội chuẩn chi tức khắc 722 triệu Mỹ kim về viện trợ quân sự khẩn cấp và một ngân khoản đầu tiên là 250 triệu Mỹ kim về viện trợ kinh tế và nhân đạo cho VNCH.
Tình thế ở VNCH đang thay đổi rất mau chóng về nhu cầu khẩn cấp về thực phẩm, thuốc men và đồ cứu trợ dân tị nạn mỗi giờ một lên cao. Tôi sẽ làm việc với Quốc Hội trong những ngày sắp tới để phát triển công cuộc viện trợ nhân đạo hầu đáp ứng những nhu cầu rất cấp thiết này.
Đạo lý căn bản đòi hỏi là chúng ta phải làm mọi điều trong quyền hạn của ta để làm vơi bớt nỗi đau đớn và khổ cực trong cuộc khủng hoảng lớn lao của nhân loại, đã xảy đến với nhân dân Việt Nam. Hàng triệu người chạy trốn trước cuộc tàn sát của Cộng sản và hiện đang làm tình trạng không nơi nương tựa và túng thiếu. Bởi đó, nhân danh nhân dân Mỹ, tôi xin cam kết sẽ thực hiện tới mức tối đa nỗ lực nhân đạo để giúp săn sóc và nuôi dưỡng những nạn nhân vô vọng đó.
Bây giờ, tôi yêu cầu Quốc hội minh định ngay những giới hạn của Quốc hội về việc sử dụng lực lượng quân sự của Mỹ tại Đông Nam Á cho những mục tiêu hữu hạn nhằm bảo vệ những sinh mạng Mỹ kiều. Tôi hi vọng rằng quyền này sẽ không bao giờ được sử dụng tới. Nhưng nếu cần thì sẽ không còn thời giờ để Quốc hội tranh luận. Vì tính cách trầm trọng của tình hình, tôi yêu cầu Quốc hội hoàn tất hành động về tất cả những biện pháp này, trễ lắm là 19/4.
Tại Campuchia, tình hình thực là bị đất Mỹ và Chính phủ Campuchia đều thực hiện những nỗ lực quan trọng trong suốt một thời gian dài, và qua nhiều đường lối khác nhau, để chấm dứt chiến tranh. Nhưng vì những thành quả quân sự, mức ngoại viện đều đặn, và vì những giới hạn pháp lý của Mỹ, phía Cộng sản không tỏ ra quan tâm đến thượng nghị nhân nhượng, hoặc một giải pháp chính trị. Vì vậy, suốt ba tháng qua, nhân dân Nam Vang đã chiến đấu, hi vọng ngược lại rằng Mỹ sẽ không bỏ rơi họ, tai, mà thay vào đó sẽ cung cấp vũ khí và đạn dược họ đang thiếu hụt rất nhiều.
Tôi đã nhận được một bức thư rất cảm động của ông Saukham Khoy quyền Tổng thống Campuchia, và tôi xin phép đọc sau những lời ông Khoy viết sau đây:
“Kính thưa Tổng thống, khi Quốc hội Mỹ tái nhóm để tái cứu xét đề nghị khẩn cấp của Tổng thống về viện trợ bổ túc cho Cộng hòa Khmer, tôi thỉnh cầu Tổng thống chuyền tới các nhà lập pháp Mỹ lời yêu cầu của chúng tôi là không nên khước từ các tài nguyên thiết yếu đó dành cho chúng tôi, nếu muốn cho một giải pháp không quân sự thành hình sau 5 năm chiến tranh thảm khốc.
Để mưu tìm một sự kết thúc ôn hòa cho cuộc chiến này, chúng tôi cần có thời gian. Tôi không biết thời gian đó là bao lâu, nhưng chúng tôi biết rõ rằng cảnh hấp hối của nhân dân Khmer không thể và không nên kéo dài lâu hơn được nữa. Tuy nhiên, trong tương lai gần, chúng tôi cần gạo để nuôi người đói và cần súng đạn để tự vệ chống lại những kẻ muốn dùng võ lực bắt buộc người ta phải chấp nhận theo ý muốn của họ. Một sự khước từ của nhân dân Mỹ về những phương tiện giúp cho chúng tôi cầm cự sẽ khiến chúng tôi không còn đường lối nào khác, và tất nhiên phải từ bỏ công cuộc mưu tìm một giải pháp khả dĩ giúp cho nhân dân chúng tôi được phần nào tự do lựa chọn tương lai mình. Đã từ nhiều năm nay, nhân dân Campuchia đặt tin tưởng vào Mỹ. Tôi không thể tin là sự tin cậy của họ đã đặt không đúng chỗ, và Mỹ sẽ bỗng dưng từ khước không cho chúng tôi những phương tiện có thể giúp chúng tôi cơ hội đạt được một giải pháp khả dĩ chấp nhận được cho cuộc tranh chấp của chúng ta”.
Bức thư này tự nó nói lên được tất cả. Hồi tháng Giêng vừa qua, tôi đã yêu cầu cung cấp thực phẩm cho nhân dân Campuchia dũng cảm. Tôi rất tiếc phải tuyên bố rằng kể từ tối nay, có thể đã quá trễ. Thưa quý vị đại biểu Quốc hội, thưa quốc dân đồng bào, giờ phút bi thảm này ở Đông Dương là thời gian thử thách cho chúng ta. Thời gian này là thời gian toàn quốc phải quyết định. Người ta nói rằng Mỹ đã bành trướng quá mức; rằng chúng ta đã có nhiều cam kết với các nơi ở quá xa; rằng chúng ta phải tái duyệt đâu là những quyền lợi thực sự thiết yếu của chúng ta và hình thành một chiến lược thích hợp. Tôi thấy là, trên lý thuyết, việc này không sai. Nhưng trên thế giới thực tế, một đường hưởng như vậy phải được tiếp tục thận trọng và phối hợp chặt chẽ với sự tiến bộ chắc chắn nhằm tiến tới giảm thiểu toàn bộ mọi căng thẳng trên thế giới.
Đồng thời, chúng ta không thể bỏ rơi các bạn chúng ta trong khi các kẻ thù giúp đỡ và khuyến khích bè bạn của họ. Chúng ta không thể phá hủy những công sự phòng thủ, phá hủy khả năng ngoại giao và tình báo của chúng ta, trong khi kẻ khác tăng cường và cũng có khả năng của họ. Chúng ta hãy chấm dứt tình trạng tự gây ra thương tích. Chúng ta hãy nhớ lại tình đoàn kết quốc gia của chúng ta là một tài sản vô cùng quí giá. Chúng ta đừng để đối phương được thỏa mãn là đã lợi dụng được vấn đề Việt Nam để bắt người Mỹ đối chọi với người Mỹ.
Lúc này, Mỹ phải đưa ra trước cho thế giới thấy một mặt trận thống nhất. Trước hết, chúng ta hãy để cho những biến cố tại Đông Nam Á nằm nguyên trong bối cảnh của chúng. Sự an ninh và tiến bộ của hàng trăm triệu người ở khắp nơi tùy thuộc rất nhiều vào chúng ta.
Đừng để một địch thủ tiềm ẩn nào của chúng ta tin rằng những khó khăn và những tranh luận của chúng ta có nghĩa là một sự suy giảm ý chí quốc gia của chúng ta. Chúng ta sẽ sát cánh với các thân hữu của chúng ta. Chúng ta sẽ tôn trọng những cam kết của chúng ta. Chúng ta sẽ đề cao những nguyên tắc của quốc gia chúng ta.
Nhân dân Mỹ biết rằng sức mạnh của chúng ta và sự lãnh đạo của chúng ta đã giúp ngăn chặn Thế chiến thứ ba từ hơn một thế hệ nay. Chúng ta sẽ không thoái bộ trước nhiệm vụ này trong những thập niên tới.■