Thanh Trà dịch
Tháng 5/1975, tin tức và bình luận về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn tràn ngập khắp các mặt báo ở Mỹ. Với tờ bìa đỏ nổi bật mang hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí TIME số ra ngày 12/5/1975 đã dành phần lớn trang viết cho sự kiện này. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc một vài bài viết trong số báo, bao gồm bài “Miền Nam Việt Nam: Cái kết của cuộc chiến tranh 30 năm”, “Phản ứng và lý lẽ của người Mỹ sau sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn tháng 4/1975” và ba bài về sự tiếp nhận người tị nạn Việt Nam của chính quyền và người dân Mỹ: “Trại May Mắn thẳng tiến”, “Người tị nạn: Sự tiếp đón lạnh lùng và thận trọng” và “Nỗi buồn ở trại tị nạn”. Các ngôn từ trong bản gốc thể hiện quan điểm của phía Mỹ thời kỳ đó, chúng tôi dịch nguyên văn để đảm bảo tính khách quan và để bạn đọc dễ dàng nghiên cứu, tham khảo.
Ngày qua ngày, khi tiếng pháo vang rền như lời chào buồn từ một khoảng cách gần đó, những chiếc xe buýt trút bỏ những hành khách mệt mỏi của mình. Những người tị nạn Việt Nam đã tới điểm đến đầu tiên của họ ở Mỹ: Trại Pendleton ở Nam California. Những tiểu thương và quan chức Sài Gòn, khuôn mặt hằn rõ sự mệt mỏi và đau khổ, những người vợ mím môi cố kìm nước mắt, những đứa con ngơ ngác dưới ánh nắng chói chang, xếp hàng vào trại. Ở đó, họ được cấp nệm, khăn trải giường và bộ đồ dùng vệ sinh, dép và một thanh kẹo. Bên trong những căn lều bạt và lều Quonset được dựng lên vội vã cho trường hợp khẩn cấp, những người tị nạn cuối cùng đã tuôn trào những cảm xúc tích tụ qua nhiều tuần lo lắng. Trong hành động chung đầu tiên ở Mỹ, họ đã ôm nhau và khóc.
Cảnh tượng đó sẽ còn xuất hiện nhiều lần, không chỉ ở Pendleton mà còn ở Fort Chaffee, bang Arkansas, và Căn cứ Không quân Eglin ở bang Florida cho đến khi hàng ngàn người tị nạn được Chính phủ Hoa Kỳ giải quyết và đưa vào cuộc sống Mỹ. Giống như những người đầu tiên đến Mỹ vào tuần trước, nhiều người tị nạn chắc chắn sẽ hoang mang trước các thủ tục vô cảm ở trại. Họ sẽ được kiểm tra y tế, được Sở Di trú và Nhập tịch lấy dấu vân tay, được cấp thẻ An sinh Xã hội, kiểm tra kỹ năng làm việc và khả năng sử dụng tiếng Anh cũng như được phỏng vấn về một người bảo lãnh Hoa Kỳ. Nếu không được bảo lãnh thì không người Việt Nam nào có thể rời khỏi trại.
Người bảo lãnh chịu trách nhiệm đạo đức trong việc giúp đỡ người tị nạn tìm chỗ ở và việc làm. Ít nhất bảy cơ quan tình nguyện hiện đang tìm kiếm những người bảo lãnh tiềm năng trên khắp nước Mỹ. Đây là một nhiệm vụ quen thuộc đối với các cơ quan đã hỗ trợ nhiều nhóm nhập cư trước đây, nhưng nỗ lực hỗ trợ người Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn vì họ ào đến cùng một lúc. Trong khi chờ giải quyết và chờ người bảo lãnh, những người tị nạn phải thích nghi với điều kiện sống thô sơ trong những túp lều nóng hầm hập dưới cái nắng phương Nam.
Do cuộc di cư dồn dập, các quan chức Chính phủ Hoa Kỳ đã lộ rõ là chưa hề chuẩn bị và hành động chậm chạp trong quá trình xử lý. “Năng lực tổ chức ư?” Stuart Callison, một quan chức của Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID) hoạt động tại Pendleton, giễu cợt. “Chúng ta đã giải quyết xong đợt người tị nạn đầu tiên ở đây trong vòng một tiếng rưỡi. Chúng ta tổ chức tốt như thế đó. Tôi không hề biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi chỉ nhận được tin tức từ tờ Thời báo Los Angeles”. William Wild, một quan chức khác của USAID ở Pendleton, cho biết: “Tôi đang sử dụng 40 triệu USD còn lại từ quỹ hỗ trợ nước ngoài dành cho Campuchia. Chúng ta có thể gặp rắc rối nếu Quốc hội không khẩn trương thông qua việc phân bổ ngân sách cho người tị nạn”.
Giống như hầu hết những người nhập cư trước họ, người Việt Nam buồn bã về cuộc sống mà họ đã bỏ lại phía sau và lo lắng về những gì đang chờ đợi phía trước ở Mỹ. “Chúng tôi đang tiếp nhận những người tị nạn thực sự, tay trắng và đơn độc”, Don Day, quan chức Sở Di trú và Nhập tịch tại Pendleton, cho biết. “Tôi chỉ biết những việc đã xảy ra chứ đâu biết điều gì sẽ xảy đến tiếp theo”, Hoan Lac, 39 tuổi, nhà trị liệu tâm lý, vừa khóc vừa đung đưa đứa con hai tuổi. “Tôi có nhiều bạn bè ở Mỹ nhưng tôi bị mất địa chỉ. Tôi đã phải rời Việt Nam chỉ trong 50 phút”. Pham An Thanh, 40 tuổi, từng là giám đốc tiếp thị cho một công ty phân phối giấy và đường ở Việt Nam, đã cố kìm nước mắt khi nói rằng tài sản ròng hiện tại của anh là 4 USD. “Anh biết không”, anh ta vừa nhìn chiếc quần cũ sờn vừa nói bằng thứ tiếng Anh bập bõm “khi ra đi, tôi quên cả mặc quần áo đẹp”. Rồi anh trầm ngâm: “Tôi tin rằng tôi có một tương lai tốt đẹp ở đây. Suy cho cùng người Mỹ là người tốt. Tôi nghĩ thế. Tôi hy vọng thế”.
Dù đã qua sàng lọc ở Guam, một số người tị nạn rõ ràng không đủ tiêu chuẩn đã đến được Hoa Kỳ. Một số vùng của Pendleton giống như Sài Gòn đêm thứ Bảy, khi các cô gái quán bar mặc quần bó sát tán tỉnh Thủy quân lục chiến. Một sĩ quan Không quân thừa nhận rằng tám phụ nữ đi cùng anh ta không phải là người phụ thuộc. “Tôi chưa kết hôn với bất kỳ ai trong số họ và tôi cũng không có quan hệ gì với họ”, anh nói. “Tôi gặp họ khi đóng quân ở Việt Nam và tôi cảm thấy mình phải giúp họ chạy thoát. Chắc hẳn chính quyền biết tôi nói dối nhưng họ nhận ra đó là cách duy nhất để cứu mạng những cô gái ấy”.
Với tất cả những tổn thương khi đến đây, người Việt Nam có thể sẽ sống tốt ở Mỹ như những người nhập cư trước đây. Họ sẽ không có tác động giống như 650.000 người Cuba đã chạy trốn khỏi Castro và phần lớn định cư – và phần lớn thành công – ở Miami. Nhiều khả năng họ sẽ phân tán khắp nước Mỹ giống như 38.000 người Hungary trốn sang Mỹ sau khi cuộc cách mạng năm 1956 bị Liên Xô đè bẹp. Giống như người Cuba và người Hungary, người Việt Nam hầu hết là những người thuộc tầng lớp trung lưu, có thể vượt qua những trở ngại xã hội và kiếm sống tốt. Leonard Chapman, Ủy viên Sở Di trú và Nhập tịch, nói: “Người Việt chăm chỉ, đáng kính, ngoan đạo, có thẩm mỹ và gắn bó với gia đình”. Hơn thế, sức bền của họ đã bị thử thách một cách tàn nhẫn. Nhà xã hội học Tom Pettigrew của Harvard nhận định: “Trong một cuộc chiến tranh thảm khốc như vậy, hầu hết mọi người sẽ không thể hiện mình là người cứng rắn và kiên trì đến thế. Tôi nghĩ những phẩm chất này sẽ bộc lộ ở những người tị nạn”.■