Hạc Sơn
Hòa chung trong khí thế của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên khắp các địa phương, nhân dân Hà Đông dưới sự lãnh đạo của Việt Minh đã nhất tề vùng lên giành chính quyền thắng lợi, góp phần vào thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Báo Cứu quốc ngày 19/8/1946 đã có bài tường thuật lại cuộc nổi dậy giành chính quyền của nhân dân Hà Đông. Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu tới quý bạn đọc.
Trước hết là Thanh Trì, rồi đến Chương Mỹ, Thường Tín, Ứng Hòa, Mỹ Đức… hầu hết các phủ huyện trong tỉnh Hà Đông đều dần dần thuộc quyền kiểm soát của các Ủy ban Việt Minh địa phương.
Những ngày đầu trung tuần tháng Tám, làn không khí sôi sục sửa soạn Tổng khởi nghĩa, được tin đầu hàng của Phát xít Nhật càng thêm quay cuồng, gay gắt. Tự vệ xung phong cùng dân chúng chia nhau đột nhập các công đường, tước hết khí giới của binh lính, thu các giấy má, nhưng những quan lại cũ vẫn để cho làm việc. Lệnh Tổng khởi nghĩa chưa ban ra, nên chính quyền chưa cần chiếm về tay mình, tuy nhiên Việt Minh đã làm chủ được gần hết các cơ quan hành chính toàn hạt.
Ngày 19 tháng 8 tưng bừng, vĩ đại, oanh liệt như dội thêm máu nóng cho một số thanh niên ở thị xã vừa đi dự cuộc biểu tình võ trang cướp chính quyền ở Hà Nội. Ngay chiều hôm đó, một làn sóng người kéo vào trại Bảo an binh. Làn sóng không to lắm, vì tình thế đi nhanh quá, vì đường giao thông bị ngập lụt, nên nhân dân các vùng xa tỉnh lỵ không triệu tập kịp. Nhưng với một khí thế sôi nổi, nảy lửa, lá cờ quẻ Ly ủ rũ, biểu hiện của cả một thời kỳ Nhật thuộc ngắn ngủi, bị hạ xuống. Lần đầu tiên màu đỏ tươi điểm ánh sao vàng sáng rực trên nóc lô cốt, trên nền trời xanh thẫm. Tiếng hoan hô dậy đất. Rồi những thanh niên bồng bột hăng hái chỉ huy cuộc biểu tình được Quản Dưỡng, tên cầm đầu trại Bảo an binh, dẫn đi thăm kho khí giới, các phòng giấy và các cơ quan phụ thuộc.
Trông nếp cờ nhẹ nhàng uốn khúc dưới nắng chiều, thấy Quản Dưỡng, một hạ sĩ quan hống hách, nghiêm khắc nổi tiếng, phải uốn mình làm việc đó, sự vui mừng sôi nổi hiện trên nét mặt rám nắng, mồ hôi nhễ nhại của mọi người. Và một giờ sau ai nấy trở ra về, hân hoan, sung sướng, tưởng chừng như vừa làm một việc vĩ đại, như đã nắm chắc tình thế trong tay.
Nhưng tên gian hùng thay đổi thái độ ngay sau khi phố xá trở lại yên tĩnh. Dưới lá cờ đỏ sao vàng mà y vẫn để ngự trị trên nóc lô cốt, y tính toán một kế hoạch phản phúc đê hèn. Với sự che chở của các “Quan Nhật”, y bố trí canh gác cẩn mật, cố thủ trong trại, luôn luôn đề phòng một cuộc phản công của dân quân Cách mạng. Hai ông Đội Nùng và Đội Hiền, những tay trong của phong trào, liền bị bắt và bị ghi trên các tờ niêm yết dán khắp nơi là những “Việt gian phản quân ngũ”.
Sáng hôm sau, lệnh của Nhật ban ra: cấm mang khí giới ra đường, cấm biểu tình, mít tinh. Những người hôm trước vừa được tiếp đón niềm nở thì hôm nay muốn vào trại ban ngày đã khó khăn và ngay từ chập tối đã bị cấm cửa.
Quản Dưỡng mưu mô gì trong việc này? Chỉ là một tên nô lệ ngu độn, không trông rõ thời cục và địa vị của ông chủ mình, y không mong một cuộc bay bổng nữa, nhưng y cố muốn bám lấy địa vị cầm vận mệnh quân đội toàn tỉnh. Y không trông thấy và không tin ở lực lượng cách mạng của quần chúng đã đến lúc chín mùi.
*
Phong trào khởi nghĩa tiếp theo ngày 19/8 lên cao vùn vụt. Nhiều tỉnh đã tổ chức được chính quyền nhân dân. Riêng Hà Đông còn ở trong tình trạng lưng chừng như vậy, một phần vì sự đi lại khó khăn bởi ngập lụt, nhưng phần lớn vì các cán bộ ở tỉnh lỵ và các phủ huyện chưa liên lạc chặt chẽ được với nhau.
Để giải quyết cái ung độc âm ỉ ở giữa một địa hạt ngót tầm chục vạn dân, ngay sát nách thủ đô nước Việt Nam đã thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một số đồng chí từ các địa phương vội về tỉnh lỵ chỉ huy phong trào.
Ngay chiều 21/8, từ các ngả đường Hoài Đức, Thanh Oai, từng dòng người lũ lượt kéo vào các phố. Các thuyền nan từ phương xa tới, chật ních người, lướt trên làn sóng đỏ ngầu tràn ngập trên những cánh đồng mấy hôm trước màu mỡ tươi đẹp biết bao. Mặc cho mồ hôi nước mắt bị cuốn trôi, mặc nhà cửa gia tài đang bị thủy lạo[1] đe dọa mỗi ngày một trầm trọng, phần đông nhân dân các hạt Hoài Đức, Thanh Oai và Ứng Hòa đã nô nức kéo nhau lên tỉnh dự biểu tình. Mà cũng chỉ có dân chúng ba nơi ấy, bởi những địa phương xa nữa không thể triệu tập kịp, vì sự đi lại khó khăn.
Tỉnh lỵ Hà Đông như một hòn đảo nổi lên giữa làn nước dạt dào. Trên đảo đó sôi nổi một ý chí quyết thắng của toàn dân, cuồn cuộn từng đợt, từng đợt những làn sóng người võ trang kéo qua các phố. Mấy ông già đi cạnh các cô thiếu nữ trẻ tươi, những cậu thiếu nhi nhảy nhót bên những bậc đàn anh hùng dũng. Mươi khẩu súng trường mở đường cho vài chục giáo mác gậy gộc. Khí giới ít ỏi, nhưng bầu nhiệt huyết tràn đầy, trên hai nghìn dân quân cách mạng ấy rầm rập kéo tới Đốc bộ đường. Viên tỉnh trưởng đi vắng. Việc chiếm đóng dễ dàng, ngọn quốc kỳ đỏ rực màu chiến đấu phút chốc ngạo nghễ tung bay trên cột. Để một số ít người lại canh giữ, mọi người kéo sang trại Bảo an binh. Suốt dọc đường cửa trại, tất cả đứng xếp hàng trật tự, nghiêm chỉnh. Trên nóc lô cốt, ngọn cờ đỏ sao vàng vẫn phấp phới… nhưng tại sao không một ai đáp lại những lời hô hào của ban chỉ huy kêu gọi binh lính cùng mang khí giới ra với dân chúng đi biểu tình? Tại sao cổng trại vẫn đóng im ỉm? Trên một trăm binh sĩ hôm nay tại sao vắng bóng?
Có tiếng xì xào trong hàng ngũ đám biểu tình, có những lời sỗ sàng tỏ vẻ sốt ruột… Thế rồi một vài người xung phong trèo qua tường thành vào trong sân trại…
Từ trên nóc lô cốt, Quản Dưỡng cầm súng lục lững thững xuống, bước ra sân. Thấy tình thế có vẻ bất lợi, y lộn trở lại, vào trong lô cốt. Và ngay lúc ấy súng nổ. Súng nổ liên tiếp hết loạt này đến loạt khác. Mấy anh xung phong ngã gục. Những người đứng hàng đầu trong cuộc biểu tình cũng lăn ra đất. Máu đổ, máu đổ tiếp theo tiếng súng đoàng đoàng rùng rợn. Trong hàng ngũ dân quân, cũng có tiếng súng đáp lại, ấy là những người hăng hái nhất, sẵn khí giới, nằm phục dưới đất để chiến đấu với sự trở tráo bất ngờ của tên phản nghịch.
Nhưng trật tự đã mất. Người ta vì không có vũ khí, xô nhau chạy tán loạn về các ngả, tiếng kêu la xen lẫn những tiếng đạn nổ. Cũng có người nằm nép mình bên đường, mặc cho chân những kẻ chạy xéo bừa lên. Có người bị thương cố vùng dậy rồi lại rơi mình trên vũng máu.
Đạn trên lô cốt vẫn vèo vèo bay xuống đường cho đến khi những người có thể chạy được đã chạy hết, những người ở lại kháng cự đã hết đạn. Quản Dưỡng cùng một số tùy tòng xuống sân, ra đường, bắn một loạt suốt dọc phố, rồi giơ súng bắt trói tất cả những kẻ còn sống sót nằm lẫn với xác chết. Một chiến công oanh liệt của y: 47 dân chúng bị giết, ngót 30 bị thương và 40 người bị bắt sống. Bên Bảo an binh chỉ mất 4 mạng!
Sau vài phút hoang mang chạy trốn trước sức mạnh của súng đạn, dân chúng Hà Đông trở lại bình tĩnh. Nhiều cây lập tức được ngả ra đường. nhiều đồ đạc được ném ra làm chướng ngại vật.
Quản Dưỡng e sợ một cuộc phản công, luôn luôn phái những đoàn lính nấp sau từng gốc cây để bắn theo chiều dọc của các ngả đường. Họ tiến từ gốc cây này sang góc nhà khác, đến Đốc bộ đường. Lại một cuộc bắn nhau trong mấy phút với đám dân quân chịu trách nhiệm canh giữ ở đó. Chỉ mấy phút thôi, là vì số đạn của dân quân quá ít, nên đành để chúng vào trói tất cả đem về trại giam. Tiếng súng sau đó vẫn nổ lẻ tẻ, tiếng súng thị uy của chúng còn kéo dài cho đến tối mịt, khi phố xá đã im lìm trong bóng đêm ảm đạm. Đêm ấy, nhân dân tỉnh lỵ Hà Đông sống trong e ngại băn khoăn, nhưng nuôi một mối phẫn nộ vô bờ. Những chiến sĩ phơi mình nơi chiến địa hẳn phải tiếc cho máu mình đã đổ vì một tên gian hùng cùng máu mủ. Các người bị bắt giam trong trại hẳn phải căm giận vì bị trói buộc trong lúc khắp nơi, từ thủ đô đến các vùng quê hẻo lánh, hết thảy đều hết lòng ủng hộ chính quyền mới giành được. Nhưng tất cả đều tin tưởng việc phản nghịch vừa qua là một cử chỉ điên rồ cuối cùng của tên chó săn có bằng cấp và những dòng máu hôm nay chỉ là những dòng máu cuối cùng đổ ra ở đây vì chuyện tương sát tương tàn.
*
Tám giờ sáng hôm sau. Bãi chiến trường đã được dọn sạch, nhưng máu vẫn còn đọng lại từng đám đen tanh tưởi để nhắc mọi người tấn thảm kịch vừa qua. Và mỉa mai thay! Ngọn quốc kỳ vẫn nhịp nhàng uốn những nếp đỏ rực trên nóc lô cốt. Trong trại Bảo an binh, sự đi lại vẫn như thường, nếu ta không chú ý đến việc canh phòng nghiêm ngặt ở các vọng quanh thành.
Một lúc sau, đại biểu Ủy ban Nhân dân Cách mạng Hà Nội về, vào trại, và được tiếp đón trịnh trọng. Quản Dưỡng, trước những lời đanh thép, trước sự can thiệp gắt gao của đại biểu, đã trả lời:
– Vâng, các ông mới là Việt Minh thật, còn những đứa kia là Việt Minh giả, tôi phải trừng trị…
Trước mặt những người bị giam hôm trước đứng tụ tập ở sân, y lên tiếng mạt sát bọn “Việt Minh giả” này nhiều, nhiều lắm, để bào chữa cho hành động dã man của y hôm trước. Sau cuộc diễn thuyết, những người đó được thả, được trả khí giới, những người bị đạn được đưa đi nhà thương. Nhưng khi đại biểu ra về, y vẫn giữ trại, vẫn canh gác cẩn mật và vẫn hống hách lên râu.
*
Cách đó hai hôm, tại phòng khách Đốc bộ đường, đại biểu Việt Minh, viên Tỉnh trưởng và Quản Dưỡng ngồi thảo luận những điều kiện nhường chính quyền cho nhân dân.
Hai hôm đã khiến Quản Dưỡng mở mắt ra nhiều. Quân đội Nhật càng ngày càng tỏ ra đứng trung lập trong cuộc khởi nghĩa ở các nơi cũng như ở Hà Đông. Phong trào dân chúng cuồn cuộn nổi lên, tin cướp chính quyền ở các tỉnh dồn dập đưa tới. Địa vị của lũ ôm chân Phát xít Nhật không thể vững chắc được nữa. Trong trại Bảo an binh, binh lính đã nghiêng hẳn về dân chúng. Ông Tỉnh trưởng ngay tự phút đầu đã thuận theo chính thể mới. Quản Dưỡng luôn mồm vâng, dạ trước những điều kiện của đại biểu Việt Minh:
- Thả hai người Đội bị bắt;
- Trao trả trại lính và khí giới…
Vẻ khúm núm tiều tụy của y trông thật đáng ghét. Người ta nghĩ đến mấy ngày hôm trước y hống hách tàn bạo, nhưng người ta cố nén lòng uất giận để đợi dịp khác sẽ bắt y đền tội. Việc chính lúc này là giành chính quyền bằng cách tốn ít máu nhất, tổ chức và củng cố Ủy ban Nhân dân Cách mạng ở tỉnh và các phủ huyện. Quản Dưỡng lúc này cũng chỉ mong lượng khoan hồng đó. Y hứa ngày mai sẽ đem tất cả lính ra chào cờ và xin lỗi trước mặt nhân dân tỉnh Hà Đông.
Ngày hôm sau đến. Một cuộc mít tinh đồ sộ gấp bội lần hôm trước kéo suốt dọc đường cửa trại Bảo an binh. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên những mớ tóc rối bung, những bộ quần áo lem luốc hay đỏm dáng. Gần cổng trại nhất, những tấm băng, những tấm biển hô hào binh lính mau xuống đường cùng dân chúng thành lập chính quyền nhân dân. Tiếng hô hào, lời kêu gọi, tiếng diễn thuyết sôi nổi trong một trật tự nghiêm trang.
Mặc dầu lời hứa, dân chúng vẫn phải đề phòng mọi bất trắc. Sự bố trí được thu xếp chu đáo để cho một số dân quân tiến vào trại…
Hơn một trăm binh lính kéo hàng ngũ tề chỉnh dưới chân một cột cờ cao vút. Ông Tỉnh trưởng đã có mặt để sẵn sàng trao trả lại chính quyền cho nhân dân. Nhưng Quản Dưỡng vắng bóng ở trại từ lúc nào rồi. Người ta đồn y trốn sang trại Nhật, giao trách nhiệm trại Bảo an binh cho một viên Phó quản. Nhưng mọi người chỉ ngơ ngác trong một phút. Một tiếng hô lớn, là quốc kỳ thong thả rướn mình trên cột, chứng kiến lễ chào đầu tiên với một sự im lặng thiêng liêng, một cảm động thành kính in trên nét mặt ba nghìn người hiện diện. Một đại biểu nhân dân ra tuyên bố việc phế bỏ chính quyền thối nát cũ và sự thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Hà Đông. Tiếng reo hò vang dậy để tiếp đón các nhân viên chính quyền mới.
Từ giờ phút thiêng liêng ấy, một sự biến đổi màu nhiệm xuất hiện ở bên trong cũng như bên ngoài mọi người, mọi vật. Đốc bộ đường, trại Bảo an binh, các cơ quan ấy từ nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh, là trại Giải phóng quân. Mang một tên khác chúng không còn có vẻ gì hống hách, cao xa nữa. Như chiếc đũa thần của một bà tiên, lễ chào cờ đã khiến làn không khí toàn tỉnh nhẹ nhàng thanh thoát, trong đó nhân dân Hà Đông vùng vẫy tự do, sung sướng, ăn nhịp với sức sống mãnh liệt của toàn thể nhân dân Việt Nam lúc này.
Còn 47 mạng chiến sĩ ngã gục trước cửa trại? Còn tội phản quốc tày trời của tên Việt gian Quản Dưỡng? Nhân dân Hà Đông và nhân dân toàn quốc không bao giờ quên. Cho nên, sau hơn hai tháng trốn tránh, y đã bị bắt. Và buổi sáng tinh mơ một ngày đầu năm nay, y đã trả nợ tội trạng của mình. Trước khi nhận 5 phát đạn xuyên qua ngực ở đề lao Hà Đông, y run rẩy phàn nàn: “Nước Việt Nam độc lập, mọi người Việt Nam đều sung sướng, chỉ có riêng tôi là khổ sở thế này…”.
Thật là thống thiết. Lúc ấy là lúc y phải trả nợ biết bao tội ác gây ra. Lúc ấy là lúc y phải đem cái chết để đánh dấu chấm hết cho một đời nô lệ hèn hạ, nhục nhã của y vậy.■
[1] Thủy lạo: ngập lụt, BTV