Th. Th.
Sau một năm giành độc lập với cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử (1945), chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã gặt hái được những thành tựu rực rỡ trong công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước. Những thành tựu ấy đã được nêu rõ trong một bài viết in trên báo Độc lập, số 35, ra ngày 19/8/1946. Để sống lại những năm tháng hào hùng của giai đoạn 1945 – 1946, Tạp chí Phương Đông xin đăng lại bài viết này để quý bạn đọc cùng tham khảo.
Trước khi để bạn đọc nhận định những sự thành tựu của cuộc Cách mạng tháng Tám, chúng tôi xin nhắc qua những biến thiên chính của một năm độc lập.
A. CHÍNH TRỊ
Tháng 8 năm 1945
19 tháng 8: Cướp chính quyền ở Thủ đô.
24 tháng 8: Đế chế đổ, Vua Bảo Đại tuyên ngôn thoái vị.
Tháng 9
2 tháng 9: Hồ Chủ tịch ra mắt quốc dân lần đầu tiên, đọc Tuyên ngôn độc lập, chính thể Dân chủ Việt Nam Cộng hoà được ban bố.
Trung tuần tháng 9: Quân đội Trung Hoa sang tước khí giới quân đội Nhật. Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội xuất hiện, lá cờ ba gạch ló ở phố Quán Thánh.
23 tháng 9: Quân Pháp có quân Anh giúp sức gây việc đổ máu ở Sài Gòn.
25 tháng 9: Hoãn chiến lần đầu tiên với Pháp.
Tháng 10
1 tháng 10: Chiến tranh với Pháp lại bùng nổ.
23 tháng 10: Tuyên ngôn đoàn kết giữa Việt Minh và Ủy ban Hành động Tối cao của Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội.
Tháng 11
15 tháng 11: Báo Việt Nam, cơ quan của Việt Nam Quốc dân Đảng Vũ Hồng Khanh xuất hiện. Lá cờ đỏ sao trắng viền xanh ló ở phố Quán Thánh.
Tháng 12
6 tháng 12: Biện pháp đoàn kết lần thứ nhất giữa Việt Minh, Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Dân chủ Đảng, và Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội.
23 tháng 12: Biện pháp đoàn kết lần thứ hai giữa Việt Minh, Việt Nam Dân chủ Đảng, và Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội.
Tháng 1 năm 1946
1 tháng 1: Chính phủ Liên hiệp lâm thời ra mắt quốc dân.
6 tháng 1: Tổng tuyển cử toàn quốc để cử đại biểu vào Quốc dân Đại hội.
Tháng 2
Những cuộc đàm phán để tiến tới sự thoả hiệp giữa các đảng phái tiếp tục. Cuộc điều đình Việt – Pháp do ngoại quốc đứng trung gian nhóm khởi.
Tháng 3
2 tháng 3: Quốc dân Đại hội họp lần đầu tiên. Chính phủ Quốc gia Liên hiệp Lâm thời chính thức thành lập.
6 tháng 3: Hiệp định sơ bộ Việt – Pháp ra đời.
Tháng 4
16 tháng 4: Phái đoàn Quốc hội do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang Pháp gây tình thân thiện.
18 tháng 4: Hội nghị trù bị Đà Lạt khai mạc.
Tháng 5
31 tháng 5: Phái đoàn Chính phủ sang Pháp dự cuộc đàm phán chính thức Việt – Pháp.
Tháng 6
1 tháng 6: Hội Liên hiệp Quốc dân thành lập.
24 tháng 6: Quân Pháp hành động trái Hiệp định sơ bộ 6/3 bằng cách tiến đánh Cao nguyên Tây Kỳ.
25 tháng 6: tuyên ngôn đoàn kết giữa bốn đoàn thể chính trị, bao gồm Việt Minh, Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Dân chủ Đảng, Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội.
Tháng 7
6 tháng 7: Cuộc đàm phán chính thức Việt – Pháp mở tại Fontainebleau.
30 tháng 7: Đảng Xã hội Việt Nam thành lập.
*
Điểm qua những mốc cắm trên đoạn đường một năm qua, chúng ta nhận thấy cuộc Cách mạng Tháng Tám đã đưa lại những kết quả cụ thể sau đây:
1. Đánh đổ chủ quyền của thực dân xâm lược;
2. Kết liễu chế độ quan liêu, phong kiến;
3. Thành lập chế độ dân chủ tư sản theo hình thức mới (Tân dân chủ chủ nghĩa);
4. Đưa nước Việt Nam từ địa vị một nước thực dân, phong kiến tối tăm tới địa vị một nước tự chủ và dân chủ trên trường ngoại giao quốc tế;
5. Mặc dầu gặp bao nhiêu sự khó khăn, những sóng to gió cả của buổi giao thời, những nhà lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám đã khéo léo lái con thuyền quốc gia đến chỗ gió lặng sóng êm của đoàn kết thống nhất.
B. KINH TẾ
Chịu hai lần bóc lột của Đế quốc Pháp, Nhật, nền kinh tế Việt Nam sau ngày 19/8/1945 đã kiệt quệ. Tài chính khánh kiệt, các đường giao thông bị gián đoạn, nội ngoại thương bế tắc. Thêm vào đó, nạn hồng thuỷ chưa từng có từ xưa đến nay xảy ra trên toàn hạt Trung châu Bắc bộ. Phải chăng con đường chết đã được chỉ định cho dân tộc Việt Nam sau phút hồi sinh?
Không, dân tộc Việt Nam phải sống, và đã sống! Mặc dầu gặp bao trở lực lớn lao, dân tộc Việt Nam đã nỗ lực vượt khỏi nạn đói, chỉnh đốn được nền kinh tế rối ren và đang tiến tới một nền kinh tế thịnh vượng.
Những kết quả sau đây làm cho chúng ta vững tin ở tương lai xán lạn của nền kinh tế nước nhà:
Kỹ nghệ
Phát triển nhất là nền kĩ nghệ quân sự. Để đối phó với địch quân, chúng ta đã cấp tốc lập nên những xưởng chế tạo vũ khí như đạn dược, lựu đạn, súng trường, súng liên thanh nặng nhẹ, đại bác gần đủ các kiểu. Kĩ nghệ này trước đây không có ở Việt Nam, thứ đến nền kĩ nghệ sản xuất các thứ thiết dụng như lốp xe đạp, xe tay…
Canh nông
Vừa giành được chính quyền, Chính phủ nhân dân phải đối phó ngay với nạn đói khủng khiếp đã từng lôi cuốn 2 triệu nông dân sang bên kia thế giới. Khẩu hiệu “Tăng gia sản xuất” được áp dụng đến triệt để. Những con số hùng biện sau đây đã đánh lui được thần đói:
Giao thông
Để phục hưng nền thương mại trong nước, việc thiết lập lại các đường giao thông là một việc cần. Bộ Giao thông Công chính có thể tự hào là đã làm tròn nhiệm vụ, các cầu gãy đã sửa xong, đường sá đã thông suốt từ Bắc chí Nam.
C. VĂN HÓA
Dưới sự áp bức của Đế quốc, nền văn hoá nước nhà vẫn còn ở thời kì sơ khai. Nhưng mới được giải phóng một năm trời, nền văn hoá mới đã đem lại nhiều hứa hẹn về mọi phương diện, nhất là về phương diện báo chí và âm nhạc. Nền văn hóa bình dân trôi hơn hết.
Báo chí và các Nhà xuất bản
Chính quyền vừa cướp được trong tay thực dân Pháp và phát xít Nhật thì báo chí bành trướng rất nhanh về lượng cũng như về chất.
Ở Thủ đô, báo hàng ngày có tới non chục tờ, báo hàng tuần cũng ngót chục tờ. Số in có khi lên tới 3 vạn tờ (Cứu quốc). Số độc giả đọc báo đều đều, riêng ở Thủ đô có tới 5 vạn so với số độc giả hồi thực dân, tăng lên 300%. Một đặc điểm nữa là hầu hết các tỉnh lỵ đều có báo địa phương: Nam Định có tờ Sóng Tuần Vườn, Thái Bình có tờ Tranh đấu, Hà Nam có tờ Quyết chiến. Các tỉnh ở Trung bộ đều có cả. Các công sở, các xí nghiệp, các khu phố hầu hết cũng xuất bản bích báo. Những tờ bích báo này được độc giả sở tại hoan nghênh nhiệt liệt.
Các Nhà xuất bản mọc ra rất nhiều. Những loại sách được in ra nhiều nhất là sách chính trị. Mỗi quyển ấn hành có tới 2 vạn cuốn (Nhà xuất bản Sự thật).
Giáo dục
Mới cướp được chính quyền, Chính phủ đã chú ý ngay đến việc học.
Ngày 8/9/1945, Chính phủ hạ sắc lệnh cưỡng bách việc học chữ quốc ngữ, đặt ra Nha Bình dân học vụ và lập những lớp học buổi tối cho công nhân.
Ngày 14/9/1945, do Nghị định của Bộ Quốc gia Giáo dục, sự học không mất tiền được thi hành cho các cấp học. So với các nước Pháp, Mỹ… Chính phủ Dân chủ Cộng hoà Việt Nam đã đi xa hơn một bước.
Nền giáo dục bình dân
Nếu ta có thể tự hào ở điểm nào với thế giới thì điểm ấy phải là sự bành trướng của nền giáo dục bình dân.
Thật vậy, với sức tiến triển của nền học này, con số 90% dân số mù chữ do chế độ thực dân lưu lại có thể tiêu diệt trong vài ba năm tới. Những con số dưới đây là những con số mà bất cứ một nước nào trên thế giới không có thể đạt được trong thời hạn ngắn ngủi non một năm giời: hơn 500.000 người đã biết chữ, hơn 33.000 giáo viên tình nguyện diệt nạn mù chữ.
D. XÃ HỘI
Phụ nữ
Phụ nữ được gánh những nhiệm vụ và được hưởng những quyền lợi như đàn ông. Về phương diện này, phụ nữ Việt Nam đứng ngang hàng với phụ nữ Anh, Mỹ, Liên Xô và đứng trên phụ nữ Trung Hoa, Nhật, Xiêm…
Nhi đồng
Nhi đồng được chú trọng hơn bao giờ hết. Câu lạc bộ nhi đồng, trại nhi đồng, báo chí, sách vở cho nhi đồng được mở mang đến triệt để. Hội Bảo trợ Thiếu nhi được thành lập để săn sóc nhi đồng và được Chính phủ đỡ đầu.
Thể dục
Mặc dầu tình thế nước nhà vẫn còn chưa được ổn định, phong trào thể dục theo khẩu hiệu Khoẻ để kiến thiết đời sống mới được cổ vũ trong toàn quốc. Chúng ta hi vọng trong một thời gian không lâu, dân tộc Việt Nam sẽ khoẻ như dân tộc Nhật trước đây.
Công nhân
Công nhân, một động cơ thiết yếu của nền kinh tế nước nhà, được chú ý đặc biệt. Luật làm 8 giờ được ban bố. Uỷ ban xí nghiệp thành lập ở các sở công, tư. Cơ quan bảo vệ đời sống công nhân lần đầu tiên xuất hiện: Tổng Công đoàn Việt Nam.
Nông dân
Nâng cao đời sống nông dân, đó là mục đích chính của cuộc Cách mạng Tháng Tám.
Những thành tựu trong một năm vừa qua đã làm cho ta lạc quan ở sức sống của nông dân Việt Nam. Họ đã cố gắng và đã thành công trong cuộc tăng gia sản xuất để chống nạn đói. Để nâng đỡ nông dân nghèo, chính sách giảm địa tô đã được áp dụng.
Những sự tự do của nhân dân
Toàn thể nhân dân đã được hưởng những tự do, dân chủ về chính trị như lập hội, kết xã, tín ngưỡng, nghiệp đoàn, tư tưởng. Vì tình thế đặc biệt của nước nhà, tự do ngôn luận và xuất bản chưa được hoàn toàn.■