Bửu Kế
Qua bài viết “Những lễ Tết đầu xuân” đăng trên Tạp chí Bách Khoa số 99 ra ngày 15/2/1961, nhà văn hóa Bửu Kế, xuất thân trong một gia đình hoàng tộc, đã miêu tả một số nghi lễ ngày xuân độc đáo của Triều đình Huế như lễ Ban sóc (phân phát lịch), lễ Phất thức (lau chùi ấn, kim sách…), lễ Nguyên đán, lễ du xuân. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn bài viết.
Trong số Bách Khoa Tết Tân Sửu, tôi có trình bày về lễ Tế xuân, lễ Tịch điền, nay tôi xin kế tiếp trình bày một vài lễ khác của Triều đình Huế.
Lễ Ban sóc
Trong triều, người ta lo đến việc tổ chức các lễ Tết bắt đầu từ tháng Chạp.
Lễ trước tiên cả là lễ Ban sóc, tức lễ phân phát lịch. Trong tháng 11, Khâm thiên giám phải làm cho xong mới để kịp cử hành lễ Ban sóc. Hôm lễ, các hoàng thân, các vị đại thần mặc triều phục đứng sắp hàng trước cửa Ngọ môn. Một viên quan ra xướng: “Bửu lịch và quan lịch đã làm xong”. Các hoàng tử và các quan lạy tạ trước ngai vàng bốn lạy. Đoạn một viên quan đem lịch ra phân phát. Những viên quan lớn thì được bửu lịch còn quan nhỏ thì quan lịch.
Tưởng chúng ta cũng nên phân biệt chỗ khác nhau giữa quan lịch và bửu lịch. Hình thức thì hai quyển lịch này không khác gì nhau cả, chỉ khác chăng là cái bìa. Nhưng quan hệ lại chính là chỗ đó. Quan lịch, bên ngoài bìa, đóng bằng con dấu của Khâm thiên giám, còn Bửu lịch đóng bằng dấu của vua. Người ta sở dĩ quí bửu lịch chỉ vì con dấu ấy. Sau khi làm lịch xong, Khâm thiên giám dùng dấu đóng vào bìa, còn một số ít đem vào nội và lấy dấu của vua để đóng.
Có nhiều người tin rằng, treo bửu lịch trong nhà có thể đuổi được tà ma. Và mỗi khi thân nhân có người chết trùng, họ giấu giếm xé bìa lịch bỏ vào quan tài, và cho rằng làm như thế thì thần trùng không còn dám trở về bắt con cháu nữa.
Sau lễ Ban sóc, lịch mới được phép đem bán cho dân chúng.
Lễ Phất thức
Nói một cách nôm na là lễ lau chùi các ấn ngọc, ấn vàng, kim sách, ngân sách.
Trong khoảng tháng Chạp, chọn được ngày lành, triều đình lo tổ chức lễ Phất thức. Chỉ những vị hoàng thân, các viên quan lớn, những người làm việc tại Nội Các, Cơ Mật tức là những cơ quan gần gũi nhà vua mới được tham dự.
Sáng ngày hôm đó, bộ Lễ đã sắp sẵn những cái bàn tại điện Cần Chánh. Tại điện này, nguyên đã có để sẵn sáu cái tủ lớn chạm trổ tinh xảo. Trước sự hiện diện của vua và các vị hoàng thân, các đại thần và những người dự sự, một viên quan mở niêm, lấy trong tủ ra những cái ấn rất lớn bằng vàng, những cái ấn cỡ vừa, cỡ nhỏ bằng ngọc, ấn của vua, của các bà hoàng hậu trải từ đời này sang đời khác, những quyển sách bằng vàng (kim sách) tương tự như loại bằng cấp, cấp cho vua khi lên ngôi, những thẻ bài vàng của các vua và các hậu v.v… lại có một cái phù tín, tức một cái tượng cọp bằng vàng, cắt hai mảnh cân nhau. Công dụng phù tín này, ban đêm, hoặc có biến cố bất thường xảy đến, trong khi vua rời khỏi cung điện thì mang theo một nửa, một nửa để lại cho những viên quan tín cẩn. Lúc vua trở về đưa nửa kia ra để làm tin.
Các viên quan dự vào lễ Phất thức đều mặc áo rộng xanh. Người ta dùng thứ nước nấu với hoa thơm (hương thủy) để rửa các con dấu và sau đó lau bằng cái khăn vải màu đỏ. Buổi lễ xong xuôi, các người tham dự đều được vua ban yến tiệc.
Lễ Nguyên đán
Ngày 30 tháng Chạp, buổi mai và buổi chiều đều có cúng trong các miếu rồi thì vào lúc 5 giờ chiều, trên Kỳ đài (cột cờ) bắn 100 tiếng lệnh. Nghe lệnh nổ thì tất cả các đình chùa, công thự, các lăng miếu đều phải lên nêu, trồng hai cây tre, nhưng nhất định phải là tre đực.
Ngày mồng một, trên Kỳ đài và các cửa thành đều treo cờ. Rạng ngày hôm ấy, trong sân điện Thái Hòa, quân lính mang gươm giáo, tàn quạt, cờ lọng sắp hàng đứng hầu. Các hoàng thân, các quan văn quan võ, các ông tôn tước (những người bà con vua và đã được tập tước), các ông phò mã, đều tề tựu trước sân điện. Tại điện này có đặt một chiếc ngai vàng; trước ngai vàng có hai cái bàn, một cái trên trải khăn vàng, một cái trải khăn đỏ. Trên bàn trải khăn đỏ, một viên quan đã đặt sẵn hai cái tráp, một tráp đựng biểu chúc mừng của các quan ở các tỉnh, một tráp đựng biểu chúc mừng của các quan trong triều.
Các hoàng thân và các vị quan lớn sắp hàng hai bên ngai và khi đến giờ, vua từ điện Cần Chánh, ngự ra điện Thái Hòa, mình mặc đại triều (áo thêu rồng, có đai ngọc và cánh diều hai bên), chân đi hia, đầu đội mũ cửu long, có chín con rồng nho nhỏ, tay cầm cái hốt bằng ngọc trấn quê. Trong lúc ngài đi, có nhạc theo hầu, trên lầu ngọ môn thì rung chung (chuông), đánh trống.
Lễ lạy mừng đầu năm bắt đầu, có nhạc và có thày tức là hát. Đoạn một viên quan xướng: “Dâng hạ biểu”. Trong lúc đó, một viên quan khác, bưng cái tráp đặt trên bàn trải vải đỏ qua để tại trên bàn trải vải vàng.
Các quan lạy mừng và ra về, thế là lễ chấm dứt.
Lễ du xuân
Đời Lê vua có lệ ngự du xuân. Ngày mồng một, sau khi nghe súng thần công báo tân xuân, nhà vua liền cởi bỏ y phục của năm cũ, thay y phục mới, ra triều để cho các hoàng thân cùng các quan chúc mừng. Sau đó vua bắt đầu ngự du xuân. Ngài mặc bộ hoàng bào lộng lẫy, theo sau có các quan, người cỡi ngựa, kẻ cỡi voi và quân lính mang cờ quạt khí giới theo hầu. Qua ngày mồng ba lại có lễ bắn ngụy vương Mạc.
Các nhà sư, các thầy cúng đi đến một cánh đồng rộng. Ở đó, quân lính đã đóng sẵn. Khắp nơi giữa cánh đồng đều có thết hương án để cúng các tướng sĩ đã bỏ mình vì nước.
Khi mọi người đã tề tựu đông đủ thì vua ngự đến giữa những tiếng tung hô vang dậy. Các nhà sư làm lễ, cầu vong linh các tướng sĩ phù hộ cho nước nhà, đoạn vua thân hành lạy bốn lạy. Lạy xong, Ngài cầm cung và tên bắn 5 phát, ngụ ý bắn nghịch vương nhà Mạc.
Đời nhà Nguyễn không thấy nói đến các cuộc du xuân của vua.
Mãi đến triều Đồng Khánh, nhà vua đã tổ chức một buổi lễ du xuân, nhưng lại là du xuân chính trị.
Lúc bấy giờ Kinh đô bị thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn[1], các nhóm văn thân đứng lên chống Pháp. Có một nguồn dư luận trong nước cho rằng vua Đồng Khánh bị người Pháp giam lỏng trong cung điện. Muốn đánh tan cái dư luận ấy, Đại tướng Prudhomme mới yêu cầu vua hãy nhân dịp đầu năm, đi dạo chơi một vòng cho dân chúng trông thấy.
Người Pháp hy vọng rằng sau cuộc du xuân này, vua lại tiếp tục đi ra ngoại tỉnh để kêu gọi phe Kháng chiến về hợp tác. Nhưng mưu mô này đã thất bại. Vua Hàm Nghi vẫn không chịu trở về và nhóm văn thân vẫn tiếp tục đánh lại Pháp trong vòng mấy năm nữa.
Tôi xin lược thuật theo báo Figaro miêu tả cuộc du xuân của vua Đồng Khánh hồi đó.
Trước hết là hai con voi và hai con ngựa của nhà vua, có người dắt, kế đó là một đoàn nhạc và binh sĩ Pháp, quan võ của Việt Nam thì mang gươm, quân lính cầm cờ và lọng.
Vua ngồi trên một cái kiệu, bên mặt thì có Đại tướng Prudhomme, bên trái Thiếu tướng Brissaud, cả hai đều cỡi ngựa. Theo sau kiệu của vua với hai tướng, có cả một đoàn tùy tùng gồm các hoàng thân, các quan và những nhân viên làm việc với Pháp. Sau cùng là sáu con voi có nài cỡi.
Trên các con đường vua đi ngang qua, trước mỗi nhà đều có treo cờ và đặt hương án để lạy mừng. Đến Thương Bạc, vua xuống kiệu, vào dự tiệc rượu do người Pháp thết, đoạn lên kiệu trở về Đại nội.
Sau vua Đồng Khánh, đến vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định đều có lễ du xuân cả.■
[1] Chạy trốn, trốn tới nơi xa. (BT)